Truyện ngắn tác giả trẻ Hoàng Hiền ở TPHCM

Vanvn- Cây bút trẻ Hoàng Hiền sinh năm 1987 tại Hải Dương, học Đại học Sư phạm TPHCM, hiện đang sống và làm việc tại thành phố này. Hoàng Hiền từng đoạt giải một cuộc thi thơ và có truyện ngắn in trên các báo Tuổi Trẻ, Thanh Niên, Văn Nghệ Quân Đội, Văn Nghệ, Nhân Dân… Chị sắp in tập truyện ngắn Bên thềm trăng.

Đọc truyện Hoàng Hiền, ta không khỏi ngỡ ngàng về vốn sống nghề xây dựng, nghề vốn làm việc nặng nhọc trên công trình của cánh đàn ông con trai, cứ như chính chị là dân xây dựng chính cống và từng trải vậy.

TRƯƠNG ANH QUỐC giới thiệu

Tác giả trẻ Hoàng Hiền

Sau lưng là rừng thẳm

 

Rừng thăm thẳm, mặt trời đã xuống bên kia núi, những sợi nắng hiếm hoi chới với giữa tầng không.

Tôi gặp Vũ khi hai vai đã mỏi nhừ, cảm giác yếu đuối và cô độc thôi thúc tôi bỏ việc để trở về thành phố. Vũ xắn tay áo ngồi cạnh chiếc xe máy đổ kềnh, đồ nghề sửa xe bày ra la liệt. Gặp tôi, Vũ mừng quá, lôi ngay xe vứt vào bìa rừng rồi nói để khi khác xuống lấy. Vũ tháo dây thừng ở bánh xe của mình rồi quấn quanh bánh xe của tôi, vừa quấn vừa lắc đầu nói: “Anh liều quá, đường dốc và nhiều đoạn lầy, không quấn dây thừng thì cả người và xe có thể trôi tuột xuống dốc nếu chẳng may sơ xẩy.” Vũ chở tôi, mồ hôi ướt đẫm lưng áo, nhiều đoạn bánh xe sục xuống lớp lá mục hai anh em phải xuống đẩy bộ. Đường xa rừng thẳm sợ nhất phải làm kẻ độc hành.

Vũ dẫn tôi đến ở nhờ trong lán của đơn vị san lấp mặt bằng. Tắm rửa xong xuôi, hai anh em xuống lán anh Huyên ăn cơm.

Vợ chồng anh Huyên quê gốc ở Hải Dương, trước kia anh chị có quán tạp hóa lớn nhất vùng bỏ mối bánh kẹo cho cả huyện. Chị Huyên vừa bán hàng vừa mở quán nước, thi thoảng có chứa bạc. Một đêm, công an xã ập vào bắt quả tang, anh Huyên nhanh chân luồn ra sau nhà, lặn ngay xuống đầm nước trốn biệt. Anh vào đây lái máy xúc, chị thu xếp nhà cửa yên ổn, gửi mấy đứa con cho bà nội rồi theo sau. Nhắc đến mấy đứa con, chị Huyên bùi ngùi, chị kể lúc chị đi mẹ chồng giận lẫy, bà cụ bảo: “ Con giai mình thì để cho con gái người ta kèm cặp, con cái chúng nó gửi lại mình, xem như là đổi công đây”. Bị anh Huyên lừ mắt, chị mới thôi kể lể.

Ăn tối xong, Vũ uống cả vốc thuốc tây, tợp nước đánh ực. Thấy tôi nhìn đăm đăm, Vũ kể:

– Em phải uống thuốc cả đời đấy, hồi sinh viên thách nhau với thằng bạn ăn thịt lợn sống, cái thời ấy ngu dại, hiếu thắng mà món tiền cược cả triệu bạc.

Vũ uống thêm ngụm nước, nói tiếp:

– Lúc thách nhau em chẳng có lấy trăm bạc trong túi. Nhai hết miếng thịt lợn, cổ họng đẩy ra mấy lần, dạ dày cũng dội lên, em nhắm mắt nhắm mũi nuốt, nước mắt chảy ròng ròng, thằng kia móc tiền trong túi đưa cho em ngay. Chừng hơn một tháng sau em đau đầu liên miên, đi khám bệnh chụp RMI bác sĩ kết luận bị sán ăn não. Triệu kia chả bõ tiền khám bệnh, chỉ khổ bu em”.

Chuyện Vũ kể khiến tôi sửng sốt. Bao nhiêu năm lăn lộn với nghề, tôi gặp đủ hạng người, những chuyện tủn mủn, lạ lùng: thợ thuyền chăm chắm đòi rượu đòi mồi, trẻ con theo cha mẹ long đong ngủ dưới trời nắng trên tấm ván khuôn cũ bẩn, tập đi trên đá mi, đất nhão, tập ăn trong cái ấm sục dùng để pha mì tôm, đựng bia rượu, mồi nhậu. Chúng cứ lì lợm mà lớn lên…

Trên đường về lán, Vũ kể khi mới lên công trường tá túc ở lán của anh chị Huyên, thấy anh Huyên trở mình liên tục Vũ phải giả vờ ngáy thật to cho hai người yên tâm chồng vợ. Đoạn dốc không xa lắm, họ ngồi nghỉ trên tảng đá xanh gần gốc cây gỗ hương đang âm ỉ cháy. Vũ lấy một viên sỏi, ném bâng quơ vào gốc cây đang cháy, giọng sôi nổi:

– “Đốt cả tháng nay mà chưa cháy hết, lúc mới cháy thơm lắm, gốc hương này mà về được thành phố là tiền chục tiền trăm triệu chứ không ít. Tay thợ nổ mìn châm mồi mãi nó mới bắt lửa, lửa bén, hắn cứ cười ha hả, bảo cả đời chưa được đốt đống tiền to thế bao giờ”.

Gặp nhau được vài tiếng đồng hồ mà Vũ kể về mình như rút gan rút ruột. Khi tách ra khỏi đám đông, co cụm vào nhau nơi rừng thiêng nước độc, nếu không nói hết về mình thì cứ áy náy lo sợ không sống được với nhau.

Sáng hôm sau tôi bị đánh thức bởi tiếng mìn nổ, tiếng máy xúc vục cái gàu khổng lồ khục khục vì đá tảng. Tôi kiểm tra chiếc máy định vị, xem lại bản vẽ để lên phương án thi công.

Đầu giờ chiều ban quản lý dự án cùng một tổ công nhân chừng hai chục người đến. Cơm nước xong, toán thợ mỗi người một chân một tay chặt cây đào hố dựng cột, bắn tôn làm vách, gia cố đất nền, ghép mấy tấm gỗ tạp làm phản. Thế là có chỗ ăn ngủ, tắm táp thì ra suối. Chỉ một lúc sau vài sợi dây thép được giăng kéo, bóng điện được lắp, quần áo cũ bẩn vắt nhủng nhẳng kín cả lán.

Ở đây không có thứ – ngày- tháng, những ngày mệt nhọc luẩn quẩn cứ nối tiếp nhau dài lê thê. Giữa đống máy móc gầm gừ suốt ngày đêm, người ta trở lên bẳn gắt, chỉ một câu nói không thuận tai là có thể xảy ra tai họa. Thi thoảng công nhân xin nghỉ xả hơi, chị Huyên lăng xăng làm mồi nhậu, tiếp tế rượu bầu đá – thứ rượu xanh ngọc, trong vắt như xăng, rượu trôi đến đâu bỏng rát đến đó. Những buổi rượu như thế ngắt những chuỗi ngày lê thê thành từng quãng cho dễ sống. Ở nơi rừng thẳm, nhờ sự tháo vát của chị Huyên nên chúng tôi cũng không đến nỗi thiếu thốn, chị bắt mối với những người buôn chuyến chia nửa quãng đường lên xuống dốc mà trao đổi bán buôn, chị tuồn mật ong từ trong rừng ra, họ cung cấp nhu yếu phẩm cho công trường.

Ở đây chỉ thiếu đàn bà.

Vũ thật thà: “ Em chưa biết mùi đàn bà, có đồng nào em đều gửi về nhà, ông anh trai lếu láo bán nước mắt cho mẹ già rồi tiêu hoang vào những thứ phù phiếm”. Lâm hơi chạnh lòng, Vũ vén áo, nắn nắn cạp quần khoe lận mấy chỉ vàng trong đó đề phòng khi bất trắc có tấm có món chi dùng. Tôi thường mặc định những thằng bo bo ki cóp ít nhiều có máu đàn bà, lúc nào cũng lo xa, vừa sống vừa sợ hãi. Nhưng Vũ là một ngoại lệ.

Có vài lần Vũ dẫn tôi lên những hồ nước do người nước ngoài đầu tư để nuôi cá tầm hay vào rừng sâu thăm thú. Vũ kể về những anh thợ lái máy bị bỏ ngải gia đình cứ bắt về lại lọ mọ vào rừng đi bẻ quả xay nhung, xảy chân ngã xuống là về với đất. Tôi nghe Vũ kể chỉ cười, cho là chuyện ở đâu đâu. Rừng xay đang mùa hoa, đấy là Vũ nói thế chứ nhìn lên cao, tôi chỉ thấy những tán lá lấp loáng cao vút.

Đế móng tháp điều áp cao bốn mét, lượng xi măng đơn vị nhập về nhiều khủng khiếp. Trước hôm nhập vật tư, Thụ – trợ lý giám đốc chạy thục mạng vào công trình. Hắn vừa vuốt ngực vừa thở dốc. Vũ rót cho Thụ một cốc nước, hắn ngửa cổ tu đánh ực rồi bỗng dưng trợn ngược mắt, gập người xuống phun hết chỗ nước vừa uống. Khi định thần lại hắn nói bị nghẹn nước rồi kể có đứa con gái điên mặc váy dân tộc cứ nhảy nhót trên đường vào công trình không rõ người hay ma. Hắn sợ quá bỏ cả xe mà chạy. Vũ phá lên cười trấn an Thụ:

– Người đấy, trước kia bản của con bé nằm ở đây, bây giờ họ dời sang bên kia núi nhường chỗ cho công trình thủy điện, con bé vẫn hay quanh quẩn.

Thụ thở phào nhẹ nhõm. Vũ dặn tôi phải đề phòng tay này, dở ông dở thằng khó chịu lắm.

Thụ trả lương cho anh em công nhân, thái độ ban phát của hắn khiến tôi khó chịu, hắn nói nhiều vô kể, hầu hết là khoe khoang, rồi từ những thành tựu của mình hắn bắt đầu dạy đời cho hết thảy anh em. Buổi nhậu tối hôm đó chán phèo, giữa bữa thì “con điên” mà Thụ nhắc đến cứ đi lại trước cửa lán, mặt mũi ả bẩn thỉu, tóc tai rối xù, cái váy thổ cẩm rách rưới.

– Nó đói đấy.

Vũ vừa nói vừa bưng bát cơm ra cho ả. Thụ giữ lại nhưng không kịp. Thụ bảo:

– Mày cho nó ăn hôm sau nó lại mò đến đấy, nó được ăn no như con ngựa nhớ máng, như con dê nhớ đường về chỗ ngủ.

Thụ nói đúng, ngày nào ả cũng đến xin ăn, luẩn quẩn trong lán ngắm nghía chỗ này, ngửi ngửi chỗ kia rồi khanh khách cười. Vũ thấy ả bẩn thỉu quá bèn lôi ra phi nước, một tay giữ vai ả, tay kia múc nước xối từ đầu xuống, Vũ xát xà bông lên đầu tóc, kỳ cọ gương mặt, ả như con chó con gặp nước cứ vùng vẫy, hét lên rồi cười sằng sặc, lúc thoát khỏi tay Vũ, ả chạy thốc chạy tháo, nước trên váy bắn tứ tung. Gương mặt được kỳ cọ sáng sủa lạ lùng, đôi mắt mở to hơi ngây dại nhưng trong trẻo. Vài ánh mắt đàn ông nhìn ả hau háu. Ánh mắt của những kẻ đói đàn bà.

Đêm nằm cạnh Vũ, tôi nói nhỏ: “ Có khi mày hại con bé rồi”. Vũ lặng im.

Ban quản lý dự án gọi tôi về họp gấp, công trình tạm dừng thi công do bị tố cáo sai sót giữa việc bỏ thầu và chỉ định thầu. Thanh tra cắp cặp lên công trình kiểm tra, Vũ bảo: “ Bọn đó chỉ vòi ăn, rồi đâu vào đấy thôi, sếp bên mình quan hệ tốt lắm”. Trong khi những đơn vị khác vẫn thi công thì đơn vị tôi ngủ vạ vật, ngày đánh bài, đêm kể chuyện ma quỷ, gái gú. Không tiền lương, không tiếp tế, chị Huyên nhiều lần nhắc anh em góp tiền ăn, cứ phải dày mặt mà xuống ăn cơm. Cơm canh đạm bạc, chỉ có rau lang với nước mắm, lạc rang. Vũ bàn với tôi định đưa cho chị Huyên chỉ vàng. Tôi đập mạnh vào tay Vũ mắng: “ Tiền bòn gio đãi sạn đem cho chúng nó ăn thằng nào nôn ra trả mày, để tao tính”.

Chém thử vài bao xi măng, xi măng để lâu bị ngấm nước chết khá nhiều, tôi gọi cho Sương chủ cửa hàng vật liệu xây dựng nói muốn bán hơn ngàn bao xi măng. Hắn đánh xe vào rừng ép giá xi măng chết. Hôm sau Thụ vào ngay, hắn ngồi giữa lán lên giọng chỉ trích, mới đầu hắn vừa nói vừa dò ý anh em, sau hắn nhắc đến công an, ban quản lý. Tôi đứng phắt dậy nhìn thẳng vào cặp mắt đen tối, đôi lông mày rậm sì giao nhau của hắn mà quát:

– Cút mẹ mày về thành phố, liệu hồn. Mày cứ trừ hết vào lương của tao.

Vũ ngăn tôi lại, phân trần rằng xi măng chết nhiều, nếu có để lại dùng cũng không đảm bảo chất lượng. Tôi khoát tay ra hiệu cho Vũ lặng im.  Thụ thấy đám thợ thuyền mỗi thằng giữ trên tay một nắm đấm thì dịu giọng, hắn lăng xăng bắt chuyện, nói những câu nhạt phèo.

Công trình được thi công tiếp, đội nhân công đổ bê tông đế móng xong nằm vật vạ ngay trên nền đất, những tấm lưng trần như bị kéo giãn xương sống. Lúc đổ bê tông xong là mười hai giờ trưa, trời vẫn quang, tôi và Thụ đều căng thẳng bấm đồng hồ, nhìn mây, để ý gió. Cơm tối xong xuôi, cả bọn thở phào vì trời đứng gió. Đêm ấy cả lán ngủ say như chết, Vũ là người thức dậy đầu tiên khi nghe tiếng gió xộc vào lán, gió rít như trăn huýt sáo, Vũ hô hào anh em dậy gia cố lán ngay. Vũ sống ở núi từ nhỏ, kinh nghiệm hơn hẳn cả bọn. Dây thừng được ném qua mái, gỗ chêm vào bốn góc cột. Ở rừng, hễ mưa lốc là mất điện, Vũ chuẩn bị một cây đèn pin.

Tôi tháo tấm bạt vốn là cửa lán được cuộn lên cao định kéo xuống thì đứa con gái điên ào đến, ả ào vào lán lò dò đến ngồi khép nép cạnh Vũ. Những câu bông lơn tục tĩu văng ra, con bé nghiêng nghiêng đầu lắng nghe rồi ú ớ nói vài tiếng dân tộc như tham gia vào câu chuyện. Bọn đàn ông thấy thế lại càng thích thú, vài thằng sán đến gần con bé lợi dụng bóng tối thò những bàn tay thô kệch vào ngực ả. Vũ chiếu đèn pin vào lũ đàn ông đang cợt nhả, nghiêm giọng nói để cho con bé yên. Cả bọn cười phá lên, những ánh mắt đầy nhục dục bắt sáng lóe lên như mắt thú rừng, cả lũ người lố nhố bỗng chốc biến thành bầy sư tử đói khát. Không gian chật cứng trong lán căng thẳng, luồng hơi nóng và lạnh ngoài trời xộc vào qua những khe hở khiến mọi thứ trở nên ngột ngạt, tưởng chừng chỉ cần một hành động quá khích là sẽ xảy ra một cuộc ẩu đả, một trận chiến bầy đàn của giống đực tranh giành con cái. Tình anh em chiến hữu sẽ đứt khẽ khàng như màng tơ.

Mưa đến ào ạt, ánh sáng từ cây đèn pin trên tay Vũ phát huy quyền năng của nó. Vệt sáng chiếu thẳng vào người con gái duy nhất trong căn lán nồng nặc mùi giống đực, ánh sáng biến cô gái thành nhân vật chính giữa sân khấu tuềnh toàng. Ánh sáng soi rõ những hạt bụi mưa li ti, cô gái bé nhỏ tì cằm lên gối, đôi mắt tròn xoe dưới mở to dưới hàng mi dày, ngón tay mảnh khảnh vẽ lên tấm lụa dệt bằng mưa và ánh sáng những hình thù kỳ lạ như biểu diễn thuật thôi miên. Đám người lảng dần.

Mưa giông, sức gió khủng khiếp như con quái vật muốn nhổ bung lán ném vào không trung, miếng tôn nằm chếch hướng gió bị gió vít bung ra, mưa tạt vào lán ướt như ngoài trời. Góc lán hướng gió thổi sập xuống, Vũ vơ được cái lá gì vừa bay vào lán bỏ ngay vào miệng nhai. Tôi nói cho có chuyện:

– Không sợ trúng lá ngón à?

Vũ cười: “ Trời đánh còn tránh miếng ăn, lá sim đấy, chát chát thơm thơm.”

Rồi Vũ kể: Ngày Vũ còn bé, hai mẹ con kéo xe bò đi xin cây chuối về nuôi lợn, đường xa, mưa núi, sét đánh ù tai, người mẹ nghèo bứt hoa móc hùm cho cho cậu con trai ăn, dặn con phải nhai liên tục, nhai thật ngon lành. Trời đánh tránh miếng ăn – người mẹ vin vào niềm tin mơ hồ, vịn vào câu cửa miệng hàm ý khác của người đời mà cùng con đi qua bao nhiêu mùa bão gió. Những người đàn bà như mẹ Vũ nào chỉ dầm trong bão gió ngoài trời. Lòng mẹ như rốn bão có bao giờ thảnh thơi. Gió yếu dần, hửng sáng chỉ còn mưa nhỏ.

Qua đêm mưa, tôi dậy sớm, nhìn xuống sườn núi thấy bồng bềnh một dòng sông mây trắng xốp, gió đùn từng lớp mây sóng sánh tràn lên đỉnh núi rồi tước những đám mây trắng thành từng đụn nhỏ và nuốt chửng, nhẩn nha như một đứa trẻ thưởng thức cây kẹo bông. Nước từ những khe núi vẫn róc rách chảy, lớp bê tông đã liên kết nhưng vài chỗ bị rỗ nước, sần sùi như gương mặt vừa qua trận thủy đậu.

Mấy hôm nghỉ, công nhân gia cố lán, đứa con gái điên quen chỗ, đến xin ăn no nê lại vào lán ung dung nằm ngủ. Chị Huyên để cho con bé một cái bát riêng, cơm thừa canh cặn bõ bèn gì đâu. Bọn đàn ông bắt đầu bàn tán về cái bụng phẳng, bắp chân tròn lẳn, cặp đùi khỏe khoắn như đùi hươu đùi nai của con bé. Vũ đem những câu chuyện bỏ ngải ra cảnh báo, đám đàn ông cười phá lên mát mẻ “ hoa thơm mỗi người hưởng một tí chú em ơi, mất mát gì”. Tôi thấy mặt Vũ đỏ lừ, tay Vũ thủ nắm đấm nhưng không xảy ra ẩu đả.

Những đường ống chuyên dụng được chuyên chở đến để thi công đường ống đi qua chân tháp điều áp. Đội cơ khí có sáu người, Thụ cằn nhằn vì đội ít người quá, không kịp tiến độ. Bác thợ cả vò đầu bứt tai, phân trần thợ cơ khí bây giờ khó kiếm, dưới xuôi không thiếu việc. Vũ thấy thế liền xin vào đội cơ khí, đằng nào thì thi công đường ống xong mới tiếp tục xây dựng được, ngồi không ngứa ngáy chân tay.

Hôm ấy nắng đẹp, nước rỉ ra từ bụng núi những sợi mảnh và trong vắt, tôi ngồi trong lán quan sát đội cơ khí thi công. Vũ đứng ở đoạn giữa đường ống, dùng máy hàn thành thục. Đột nhiên, mấy người thợ nhảy phóc khỏi đế móng. Vũ đang đứng trên đường ống ngã nhào xuống, tôi chạy vội ra thấy cậu kỹ sư an toàn hét thất thanh: “Ngắt điện ngay, ngắt điện, ngắt điện đi”. Tôi chạy đến cạnh Vũ, em nằm cạnh máy hàn. Những anh em khác cũng dồn cả lại, tiếng ai đó loáng thoáng: “Vũ làm rơi máy hàn xuống mặt sàn ướt, em không có ủng cao su.”. Tôi không tin vào mắt mình, tai mình. Vừa nãy Vũ còn pha một ấm trà mời tôi. Tôi bế Vũ vào lán, em nhắm mắt như đang ngủ, như hù dọa anh em, chỉ cần khóe mi kia động đậy là Vũ sẽ tỉnh dậy, rổn rảng nói cười. Tôi bấu vào tai mình đau điếng mong mình tỉnh dậy sau cơn ác mộng. Vẫn biết sinh có hẹn, tử bất kỳ nhưng không thể nào tin nổi chuyện Vũ đã nằm lại nơi rừng thẳm. Em còn bao nhiêu dự định, lần nào trò chuyện em cũng chêm vào mấy chữ “sau này”.

Ban chỉ huy lo hậu sự cho em, em tựa lưng vào vách núi, mắt hướng về phía biển. Ở đây biển xa lắm, bị che khuất bởi trùng trùng lớp lớp cây rừng, em có nhìn thấy biển không hả Vũ?

Mẹ và anh trai Vũ vào đến nơi khi công việc của em xong xuôi, tôi trao lại cho bà bốn chỉ vàng mà tôi đã cắt lớp cạp quần lấy chúng ra, tôi giơ những chỉ vàng tròn trịa dưới nắng, thấy có khắc cả tên cửa hàng. Người mẹ già, gầy xọp, hai hốc mắt sâu hoắm, bà khóc con bằng những lời đau xót của người già, của tóc bạc tiễn đầu xanh. Bà cầm bốn chỉ vàng hờ con trả ơn dưỡng dục của mẹ thế này hả Vũ. Gã con trai ngồi cạnh mộ em, vừa quan sát mẹ vừa ngáp vặt, hắn bảo: “ Chết trẻ khỏe ma, bu khóc vừa thôi”.

Người mẹ gục đầu lên nấm mộ mới đắp, hai tay dang ra ôm lấy ngôi nhà cuối cùng của con mình. Bà khóc không thành tiếng, cứ lẩm nhẩm những lời không đầu không cuối, như kể lại kỷ niệm những ngày Vũ chào đời, như oán thán trời xanh ăn ở bạc.

Anh em kỹ thuật và ban chỉ huy mỗi người góp một chút tiền bỏ phong bì gửi cho mẹ Vũ. Tôi thoáng thấy mắt gã con trai bà sáng lên rồi cụp xuống rất nhanh, tay hắn vân vê chiếc túi vải nhỏ đeo trên cổ. Có lẽ đó là lá bùa mà bà mẹ thỉnh về độ cho hắn tu tâm dưỡng tính. Chuyện này Vũ từng kể cho tôi nghe.

Chị Huyên mời bà về lán. Anh trai Vũ ngủ cùng bọn tôi, sáng bảnh mắt, công trường thi công ầm ầm hắn vẫn say giấc. Anh Huyên rỉ tai tôi thằng khốn đó đã xoắn của bà già một chỉ vàng, nó giấu trong túi vải trước ngực.

Máu tôi sôi lên, tim đau nhói, tôi vào lán, cầm  kéo cắt phựt dây đeo trên cổ hắn. Tôi mở cúc bấm cái túi vải nhỏ, thấy chỉ vàng nằm gọn lỏn, không có bùa ngải gì. Tôi dựng hắn dậy, đấm liên tục vào mặt hắn, hắn bưng lấy mặt, vừa hoảng hốt vừa chửi thề. Anh Huyên ngăn tôi lại, những anh em khác lôi hắn ra xa. Người mẹ già níu tay tôi nói như van: “ Bác xin cháu! Cháu ơi, bác còn mỗi mình em nó”. Tôi muốn chỉ vào mặt hắn mà văng tục, mà nguyền rủa nhưng tôi nhìn thấy hai hàng nước mắt của người mẹ già. Tay tôi rũ xuống, hai vai bỗng mỏi nhừ, lòng dâng lên thương xót. Đứng trước mặt tôi là người mẹ đã từng đi làm thuê làm mướn khắp nơi để được ăn no lấy sữa cho con bú, tôi không nỡ rót thêm bão gió vào lòng bà. Tôi bỏ ra chỗ Vũ nằm, ngồi đấy nghe giun dế ri ri.

Cúng tuần đầu cho Vũ xong thì mẹ Vũ cùng con trai về quê, trước khi về, bà mang theo mấy chân nhang, bà hờ con “Vũ ơi, con thác rồi vẫn long đong, con sống khôn thác thiêng, con theo mẹ về nhà ăn cơm con nhé”. Chị Huyên ôm lấy vai bà an ủi: “ Vũ bây giờ tha hồ thong dong, người âm đi mây về gió, chị đừng cả nghĩ quá mà sinh bệnh”.

Chuyện buồn vẫn buồn, việc làm vẫn phải làm, có những lúc nhìn lại cả quãng đời thấy thời gian trôi qua nhanh như một cái chớp mắt nhưng cũng có những ngày thật dài, giây phút Vũ nằm xuống thời gian ngừng lại, in sâu vào tâm trí tôi. Thi thoảng lại thấy đứa con gái điên đặt trên mộ Vũ một cành hoa dại.

Chị Huyên phát hiện ra cái thai trong bụng con bé. Hôm đó, nó đến xin ăn, được vài miếng liền nôn thốc nôn tháo, nó ôm lấy bụng, nằm co người, chất nôn dính bê bết trên tóc rối. Nó cứ nằm như thế nôn ra mật xanh mật vàng. Tôi hơi nghi ngờ nhưng cố vớt vát: “Chắc là cảm gió”. Chị Huyên lật cái áo con bé lên, hai đầu vú thâm sì, dưa thâm thì khú, vú thâm thì chửa. Chị bàn tính chuyện liên lạc với mẹ Vũ. Tôi gạt đi, dặn chị thận trọng, đừng để mẹ Vũ hi vọng rồi thất vọng, bà đã đủ nhọc nhằn rồi, lỡ không phải con của Vũ thì chua chát lắm. Nhưng lời đồn đại từ miệng đàn bà lây lan nhanh như virus vậy, bọn người đói khát đàn bà nghi ngờ nhau, đổ thừa cho nhau. Nếu Vũ có máu mủ nghĩa là trời còn thương, nó sẽ lớn lên ở núi rừng, làm chỗ dựa cho người mẹ dại khờ, sẽ mạnh mẽ dẻo dai như cây luồng, rắn rỏi như đá núi. Tôi khấn thầm: “ Vũ ơi, có phải con của em thì em về báo mộng cho anh”. Hôm sau, có người ở Ban chỉ huy xuống kể lại rằng vào ban đêm anh ta nhìn thấy những lá tôn mỏng ở trước cửa lán bọn tôi cứ bay lên lại hạ xuống mà trời thì lặng gió, chắc là Vũ về. Chị Huyên sắm mấy thứ trái cây đem ra mộ cúng. Những chuyện lạ kỳ được thêm thắt, thêu dệt ngày một nhiều, công trình dần đi vào hoàn thiện, nhà thầu chây ì không chịu thanh toán, anh em vừa sợ hãi vừa nản chí bỏ về xuôi vãn, bỏ cả lương.

Tôi được anh bạn cùng khóa giới thiệu cho một công ty lớn thi công nhà điều hành của công ty cao su. Bấy giờ ngành cao su đang lên ngôi. Thấy cơ hội tốt, tôi về thành phố nhận chức chỉ huy trưởng công trình. Tôi gọi điện cho chị Huyên hỏi thăm về đứa con gái điên nhưng anh chị cũng đã về quê yên phận cấy cày. Bẵng đi cả năm trời, một hôm có hai người đàn bà tìm đến công trình tôi đang thi công, họ khóc lóc kể lể, van xin tôi dẫn họ vào công trình cũ tìm Thụ. Chị Diệu, vợ của Thụ – người đàn bà mập quá khổ, núng nính mỡ nhét phong bì vào tay tôi nhưng tôi từ chối. Tôi xin nghỉ mấy ngày, dẫn chị Diệu vào rừng. Được những người quen cũ chỉ dẫn, bọn tôi tìm thấy Thụ khi hắn đang leo chót vót ngọn xay, một tay hắn bám cành khéo léo như loài vượn, một tay nhả dây thả cành xay nhung chín thẫm xuống đất. Bên dưới, người con gái điên vừa địu con vừa nhặt những cành xay chín, thành thục tuốt bớt lá bỏ vào bao.

Gương mặt đứa trẻ giống Thụ như đúc.

Chị Diệu nhờ tôi dẫn chị vào bản, tôi tìm một người bản địa thuê họ dẫn chị đi. Tôi ra chỗ Vũ nằm, ngôi nhà nhỏ của em được ai đó dọn sạch cỏ, nhiều chân nhang còn mới, bầy chim nhỏ thấy người đến đồng loạt tung cánh bay vút lên những tán cây xanh ngắt. Tôi thắp nhang cho Vũ rồi đi tìm mua ít mật ong rừng. Chị Diệu trở ra, hai mắt sưng húp, chị mếu máo: “ Em xin họ giải ngải cho anh ấy, nhưng họ bảo con nó ở đây, nó phải làm người ở đây, ngải họ ném cho cá ăn rồi.”.

Tôi không biết động viên chị thế nào, cứ lặng im đi bên chị. Chúng tôi vượt đoạn đường dốc tìm về thị trấn. Thị trấn bỏ lại cánh rừng phía sau lưng, bắt đầu bằng một quả đồi thấp được quy hoạch thành khu du lịch. Thị trấn nhìn ra biển, mới có hơn một năm mà mọi thứ thay đổi nhiều quá, những con đường được sửa sang trồng bạt ngàn hoa. Trời bỗng đổ mưa, mưa táp vào kính xe ào ạt, xe trôi đi, bỏ lại sau lưng cánh rừng thăm thẳm, rừng mỗi lúc một khuất dần rồi chìm hẳn vào màu xám bạc giữa cơn mưa.

Tranh của họa sĩ Đỗ Phấn

Thềm trăng

 

Hoài về làng cũ, đó là ngôi làng hiếm hoi còn giữ được vẻ đẹp nếp xưa. Anh về hôm trước hôm sau cả xóm đã biết. Sáng xách làn đi chợ, cô hàng cá tủm tỉm nói vọng lên như hát:

– Anh Hoài chán vợ thành phố rồi à? Lại xách làn đi chợ thế này, đàn ông đàn ang vất vả quá, hay em đánh tiếng tìm cho một mối?

Có tiếng đàn bà con gái vang lên:

– Này anh Hoài ơi, đừng chê em xấu em đen, em như nước đục đánh phèn lại trong này…

Ai đã từng đi chợ quê, thấy mớ rau mùi hành hoa, xà lách non mơn mởn, cá tôm còn mùi bùn đất, đứng ở chỗ cô hàng xén hỏi thăm một chút, chỗ hàng thịt bỗ bã dăm ba câu, chỗ này gọi tên mình ới ơi, chỗ kia nằn nì ăn giúp vài đồng quà mới thấy được cái xôn xao, tươi tắn, ồn ào đến nao lòng mà những siêu thị đủ đầy ở thành phố không có được.

Mâm cơm quê nhà dọn lên là để thưởng thức vị ngon tự nhiên của nguyên liệu chứ không phải vị ngon nhân tạo của những loại gia vị đắt tiền. Mẹ già rồi, Hoài cũng không còn trẻ nữa, ăn uống có là bao, nhưng Hoài thèm được lui cui trong bếp, nấu bát canh cua khoai sọ thả thêm đọt rau nhút hay đĩa tép riu đỏ rọi rang với khế và lá chanh thơm phức rồi dọn lên cái mâm đồng.  Mẹ con ngồi xếp bằng rồi so đũa. Trăng sóng sánh trong bát canh, bóng mẩy trong bát cơm nấu bằng gạo tám, trăng tràn  xuống thềm nhà hướng nam gọi gió, đầy ăm ắp khoảng sân gạch đỏ. Khoảng sân ấy ngày xưa mỗi dịp cuối xuân đầu thu ăm ắp rơm tươi. Mùa gặt ấy mà, mẹ cha sẽ lùa cơm thật vội, ăn xong còn đập lúa, thóc vàng tràn xuống sân, con cái cầm liềm cắt rơm giũ thật kỹ những hạt thóc còn sót lại rồi tung rơm ra ngõ, đợi nắng lên là có rơm thơm…

Những điều giản dị ấy Hoài cứ nhắc nhớ mãi khiến vợ Hoài cáu gắt:

– Rơm thì dặm ngứa, tỏi thì hôi có gì mà đau đáu quá nửa đời?

Hoài chỉ cười thôi, nhớ quê thì trốn phố, có nơi nao an lành bằng bầu ngực quê hương. Mẹ Hoài vẫn giữ thói quen ăn trầu, ngoài tám mươi mà hàm răng nhuộm thuốc vẫn còn đen bóng. Nụ cười của mẹ bao dung và hền hậu biết bao khi Mai cắp thúng ngô đi vào ngõ, con Mực quen người chạy ra vẫy đuôi tíu tít, Mai chuyển thúng ngô ra trước bụng, ngượng nghịu rồi đặt xuống hiên. Mai ngồi ghé mép chiếu, từ tốn thưa rằng ngô mới bẻ, con mang biếu bác và anh Hoài ăn lấy thảo. Hoài dậy lấy thêm cái bát con và đôi đũa, nhưng Mai đứng dậy, vân vê tà áo rồi về. Nhìn Mai đi khuất qua con ngõ, Hoài mới hỏi mẹ:

– Mai lập gia đình sao không ai báo con?

Mẹ gắt:

– Ai bảo nó lập gia đình?

– Nhưng con thấy bụng…

– Anh thấy đúng rồi đấy, lỗi cũng do anh.

Mẹ nói có sai đâu, Hoài là trai làng Diềm mà không biết hát dăm ba làn điệu Quan họ, bạn về không biết giữ chân bằng “Người ở đừng về”, bạn đến nhà cũng không biết hát “Khách đến chơi nhà, đốt than quạt nước pha trà”… Bảy tuổi Mai đã hát đúng vang  rền nền nảy. Hội Lim, Mai làm chị hai ngồi tựa mạn thuyền rồng hát cho anh hai thổi sáo. Hội tan, anh chị lưu luyến mãi ở mom sông, anh hai qua bên kia sông là anh có người thương rồi, chỉ còn chị hai với rặng tre chắn lũ, chị cả băng đồng về, áo tứ thân quét đất. Có dài lắm đâu một thôi đê thế mà tiễn bạn hát  hết một thời son trẻ.

Gái làng Diềm chẳng thiếu người như chị hai, họ kiếm một đứa con rồi đợi hội Lim. Vào hội hát “người còn không đây em vẫn ở không em mà còn không”, “ có yêu nhau sang chơi cửa chơi nhà”,  hội tan lại gánh gồng cấy hái nuôi con…

⃰⃰⃰

Sau thời bao cấp, trong khi dân làng thiếu đói khủng khiếp thì nhà Hoài vẫn  phong lưu. Mẹ Hoài bắt mối với những bà vợ có chồng đi Liên Xô ở Hà Nội. Mẹ gom hàng của các ông chồng gửi về rồi phân phối khắp mấy huyện, từ giun xe đạp, thuốc men, vải vóc đến thau nhôm, bàn là… thượng vàng hạ cám. Trong số hàng mà mẹ bán, Hoài lục tìm được hộp màu vẽ, đó là món hàng xa xỉ chỉ dành cho đám cậu ấm cô chiêu nhưng mẹ để dành cho Hoài. Mai xem tranh thì cứ rúc rích cười suốt, Mai bảo có giống đâu, cổ con gái gì mà dài như cái cần câu, hoa lục bình sao không trôi líu ríu…

Mai hạ sinh con gái đúng hôm rằm, mẹ giục Hoài xúc ống gạo mang sang. Làng Hoài có tục lệ hễ người đàn bà nào trong làng không lấy chồng mà kiếm được đứa con, thì chòm xóm mỗi người mang sang nắm gạo, gạo ấy mang xay ra quấy bánh đúc, rồi phân phát mỗi người một miếng mang về. Hoài cứ chần chừ mãi trong căn bếp nhỏ, hì hụi thay cái bóng đèn nhấm nháy, sửa cái bếp ga hoen rỉ. Trên nhà mọi người đang bàn bạc hai sào lúa nếp muộn ở chân ruộng trũng nhà Mai chưa kịp gặt, rủ nhau mấy hôm nữa lúa chín đẫy thì đi gặt giúp, xưa nay xóm làng vẫn quen bảo bọc nhau. Hoài nói với mọi người anh cũng muốn xuống đồng, thế là trong nhà lại rộ lên một chặp chòng ghẹo người thành phố. Mai phần Hoài cháy bánh đúc mang về biếu mẹ. Cháy bánh đúc nấu rơm vừa lửa, mẹ vẫn thích ăn từ ngày xưa…

Hoài và chòm xóm xuống đồng, đàn bà con gái thì gặt lúa,  đàn ông xén rạ, bó lượm gánh ra đường lớn chất lên xe bò. Ai về nhà nấy ăn cơm hẹn trăng lên sang đập lúa cho mát. Nếp cái hoa vàng không ai mang tuốt cả, phải đập tay để giữ những cọng rơm cứng cáp, cột đầu bông lại rồi treo lên hàng tường gạch đều tăm tắp. Rơm ấy bện chổi, làm né tằm thì bền mà thơm lắm.

Hoài sang sớm nhất, anh ngồi bên hiên sửa lại mấy cái néo tuột dây, Mai đứng bên cửa sổ vừa đu đưa chiếc nôi mây cho con vừa khe khẽ hát. Cạnh chỗ mai đứng là chiếc bàn mà lúc còn sống cha Mai ngồi khám bệnh bốc thuốc. Ở đấy lúc nào nắng cũng yếu ớt xuyên qua tán lá cây rọi vào, thìa đè lưỡi khám viêm họng luôn để trong cái nắp phích bằng nhôm đặt trên bậu cửa sổ, mỗi lần khám bệnh ông lại rót nước sôi vào tiệt trùng…

Thuở bé Hoài mắc chứng hen sữa, thành ra anh cứ qua lại nhà Mai suốt, lần nào khám cho Hoài xong cha Mai cũng vọng xuống nhà gọi: “Mai, ra vườn hái ít cam để anh Hoài mang về vắt nước uống cho nhẹ phổi”. Giọng nói của cha Mai, Hoài còn nhớ như in, như được thâu lại hàng trăm lần bằng trí nhớ.

Chòm xóm sang, tiếng thậm thịch dẻo dai của những lượm lúa mẩy vang trên cối đá, tiếng nhả rơm vun vút, tiếng giũ rơm, tiếng trang cào thóc, tiếng vò bông lúa sót, tiếng nói cười, tiếng bé con trong nhà ngủ dở giấc ré khóc lên, tất cả chan hòa và đầm ấm khơi lên trong lòng người những tình cảm tốt đẹp và dịu dàng. Hoài cào gọn thóc vào một đống, đậy tấm bạt lên rồi chèn lại cho gió khỏi tốc, anh dặn Mai:

-Trăng quầng đấy, sáng mai anh sang trang thóc phơi cho, mới sinh hãy nghỉ ngơi đi đã.

Nhìn đứa bé ngủ say trong vòng tay mẹ, đôi má bầu bĩnh khiến anh muốn chạm vào nhưng mày thóc dính đầy người sợ làm dặm con bé.

Ngày vợ anh sinh con, anh đang  đi tu nghiệp ở nước ngoài, khi trở về con đã biết đi lẫm chẫm thành ra cái cảm giác nhìn đứa bé con ngủ bình yên trong tay mẹ anh mới bắt gặp lần đầu.

Hoài về nhà khi trăng đã đứng giữa trời, vằng vặc sáng ngự trị cả khối thiên nhiên rộng rãi. Đêm ấy, anh ngủ ngon.

Mẹ dậy sớm, ngồi trên phản têm trầu, bà nhắc Hoài rằng Mai nó nhắn có chị em hàng xóm phơi thóc cho rồi không phải sang nữa, mệt thì ngủ tiếp, còn không thì dậy rửa mặt cho tỉnh táo chứ đừng nằm ươn hư người.

Anh với tay mở cửa sổ, nắng trong vắt sóng sánh phết lên những tấm song gỗ.

Mẹ lại nhắc:

– Chiều nay Nguyên nó về đấy, anh xem đi chợ có món gì ngon nấu đãi cháu tôi.

Nguyên về khi xâm xẩm tối. Cơm tối có canh cua rau nhút, trạch om củ chuối, cà muối xổi. Bà đã dọn giường trải chiếu cho Nguyên từ chiều, nhưng ăn cơm xong Nguyên nói phải về thành phố. Cậu hào hứng kể cho bà và bố nghe chuyến đi phượt mà bạn bè lên kế hoạch gấp sẽ khởi hành vào sáng mai. Nguyên vừa bóp vai cho bà vừa nịnh:

–  Con sẽ tìm ra loại nấm linh chi to như cái nón mang về biếu bà sắc uống, bà cứ đẹp cứ khỏe thế này mãi cho con nhờ.

Bà cười:

– Cha bố anh, khéo nịnh, muốn tôi vui thì lấy vợ sớm đi.

Hai bà cháu cứ giận lẫy rồi nịnh nọt như thế cho đến khi trăng chênh chếch ngọn cau. Hoài tiễn con ra chỗ đậu xe, đi bên con, bên vóc dáng vững chãi, chắc nịch và thẳng thớm, Hoài cảm động và nhớ vợ, đúng hơn là biết ơn vợ mình. Chị là người đàn bà thức thời, không bao giờ cho phép mình tẻ nhạt, những bước đi quan trọng trong sự nghiệp của Hoài, chị góp phần công sức  không nhỏ. Nguyên nhìn vào mắt bố:

– Con nghi mẹ có bạn trai, bố ạ. Chắc chưa đến nỗi nào, nhưng nếu bố không về thì cũng đáng lo đấy.

Hoài hơi bất ngờ, nhưng tuyệt nhiên không phẫn nộ. Hoài đón nhận cái tin ấy bằng tâm thế của một người từng trải. Anh đã  nghĩ đến điều đó khi thấy vợ hay đi lại trước gương, thấy chị đăng ký tập gym, yoga, dancesport. Mỗi lần đi tập, thấy Hoài dắt xe ra ngõ cho mình, chị thường nói một câu quen thuộc:

– Em phải tập cho thon thả, giữ gìn vóc dáng để giữ chồng.

Đi tập về, thấy Hoài lúi húi nấu ăn, cũng may là Hoài thích nấu ăn và coi đó như một thú vui, chị hay ôm chồng từ phía sau, nhón tay nhúp thức ăn trên bếp, vừa khen ngon vừa càu nhàu ông thầy dạy dance có cái miệng hôi.

Từng bươn bải khắp nơi, chị không phải là người đàn bà duy nhất của Hoài. Càng ngày Hoài càng nhận rõ những bâng khuâng, rung động, thiết tha một cách vẹn tròn là thứ vô cùng xa xỉ. Nếu sự thật như Nguyên lo lắng thì ngay lúc này Hoài cũng chưa biết đối diện với nó thế nào. Anh hơi bối rối, không biết sẽ trả lời ra sao cho con bớt băn khoăn. Nguyên lên tiếng trước:

– Bố sẽ về nay mai chứ?

– Ừ, nay mai thôi con.

Nguyên chào anh rồi lên xe nổ máy, chiếc xe bốn bánh quét ánh sáng trắng rỡ lên con đường bê tông, hai bên đường cỏ mọc liêm liếm lên xanh óng ánh.

Hoài bách bộ về nhà, nghĩ thế nào lại rẽ vào ngõ nhỏ nhà Mai, giọng Mai ru con vọng ra ngõ: “ Bồng bồng con nín con ơi, dưới sông cá lội trên trời chim bay, ước gì mẹ có mười tay…”

Nghe một người đàn bà làng Diềm ru con, ít ai không cảm động. Với Mai, Hoài lúc nào cũng giữ được thứ tình cảm trong sáng, rõ ràng và thuần khiết. Mỗi lần bắt gặp thứ tình cảm ấy Hoài thấy mình trẻ lại, trong lồng ngực như có những cánh én vút lên không trung.

Hoài tỉnh giấc sớm, bước ra cửa đã thấy mẹ ngồi đấy tự lúc nào. Bà ngồi ép mấy chiếc quạt mo cau, bà bảo đêm qua mấy tàu mo vừa rụng, quần áo đồ dùng mẹ đã xếp cả vào túi xách, nhắc Hoài nội trong hôm nay phải về thành phố, không muốn đi thì mẹ cũng đuổi. Người già lúc nào cũng có những dự cảm xa xôi.

Giữa buổi thì Hoài đi, con đường độc đạo dẫn ra đường lớn một bên là những ngôi nhà bình yên giữa vườn cây ăn quả, một bên là cánh đồng rộng mênh mông. Những gồi rạ được chống lên cho mau khô như hàng ngàn chiếc nón úp đứng san sát nhau khắp cánh đồng. Có mấy đụn khói nhỏ bốc lên, hẳn là lũ trẻ nhóm lùi ngô sắn. Anh thấy lòng nhẹ nhõm, trời trong quá, từng tảng mây trắng xốp thong thả trôi trên nền trời xanh thẫm, thi thoảng trên một lùm cây bên đường, đàn chim nhỏ lại tung mình bay vút lên.

Tranh của họa sĩ Đỗ Phấn

Chợ

 

Chợ ế lắm, người buôn bán trong chợ nhành nhỡ: “Chợ bà Đanh còn gọi chợ mình bằng cụ, chợ mình nằm ngủ trưa còn sợ ma.”

Chợ lập cách đây hơn chục năm, lúc đó chỉ có chục cửa hàng mái tôn bán quần áo giày dép, một dãy hàng tôm cá, một dãy hàng thịt hàng gà. Lèo tèo thế nhưng đắt khách lắm. Hồi đó khu chế xuất mới hoạt động, chợ mọc ăn theo cũng lấy tên giống với tên khu chế xuất . Công nhân tứ xứ đến cư ngụ, tiểu thương vừa bán vừa đuổi khách đi cũng đắt hàng. Chủ chợ xây thêm nhiều ki ốt, nhiều dãy thực phẩm, làm nhà khung sắt mái tôn khổng lồ mưa không đến mặt nắng không đến đầu… Nhưng hai ba năm trở lại đây thì khách cứ vắng dần vắng mòn, ít khách thì phải tăng giá, lấy vốn một đồng bán hai ba đồng. Hàng hóa rẻ tiền, giày dép lội qua dăm ba hôm mưa là tróc keo bong đế, quần áo ra màu xù lông, thịt ngâm tẩm hàn the, lòng heo thối, rau ướp nước đá, khách có mang đến đôi co thì cũng chỉ nhận phần thiệt về mình. Nhiều cuộc họp phân tích nguyên nhân của cư dân chợ diễn ra. Nguyên nhân chủ quan khách quan đều được bày ra cả. Nào là do siêu thị, chợ mọc lên nhiều, nào là công nhân ngày ấy còn trẻ măng còn ăn chơi đua đòi bây giờ có gia đình con cái nên tiết kiệm, nào là vật giá leo thang…

Tối nào kéo sập cửa cuốn lại cư dân chợ cũng hỏi nhau hôm nay lờ lãi có đủ tiền mặt bằng? Hàng nào cũng than như vạc, chợ mình chỉ có mấy đứa buôn phấn bán hương là đắt hàng, còn thì ế  vêu ra hết.

Chợ có dăm ba ả buôn nghề ấy, đứa trước dìu dắt đứa sau, đều cùng một con đường. Có nguyên nhân cả, nghề buôn bán phụ nữ giỏi kỳ kèo, đàn bà ngồi vắt chân đọc báo bán hàng, đàn ông biết thân phận về dãy trọ nấu nướng bưng bê cho vợ. Vợ khinh chồng không kiếm ra tiền, chồng rảnh tay nhàn chân sinh ra lắm tật. Ly hôn, hẳn thế rồi. Ly hôn xong hả hê được dăm ba hôm rồi thì cũng ít nhiều ân hận, nhưng dân chợ búa, chuyện trong nhà chưa tỏ cả chợ đã biết rồi ai mà dám quay lại cưa cẩm tán tỉnh tái hợp với nhau. Trót lê la đôi mách nói xấu nhau đủ kiểu rồi. Ngượng lắm. Đàn ông ấy đi làm công nhân, bảo vệ hay tìm chợ khác bán buôn. Đàn bà ở lại chợ mình  nuôi con cái. Chợ ế lấy gì bỏ vào miệng, bỏ vào cặp cho chúng nó đi học. Thôi thì cũng liều nhắm mắt đưa chân, khu chế xuất dày đặc những nhà máy của Đài Loan, Nhật Bản, Hàn Quốc. Hầu hết các chuyên gia hay quản đốc đều là người nước họ, đàn ông xa vợ lại có tiền phải tìm cách hưởng thụ được xem là đương nhiên.

Rất chuyên nghiệp, xác định đối tượng khách hàng tiềm năng, vừa là chủ lại vừa là hàng hóa, các nàng đi học tiếng Đài bồi, tiếng Nhật bồi, tiếng Hàn bồi. Kế đến là chiến lược làm quen, dúi cho mấy đứa công nhân ít tiền nhờ nó dẫn sếp ra đây mua hàng, rồi thì lời ong tiếng bướm, cứ oang oang mà tán tỉnh rất oách không cần ý tứ gì. Có ai hiểu đâu mà bàn tán. Khách dính câu, ngày nào tan sở cũng đến phụ nàng bán hàng, đưa nàng đi ăn, mua sắm quà cáp. Thật là một bước lên tiên. Nhưng tiên cũng có dăm bảy hạng. Hạng cao nhất là câu được anh Nhật – cả thế giới ngả mũ trước người Nhật cơ mà. Hạng nhì là tiên câu được anh Hàn – người Hàn lãng mạn và tinh tế. Hạng thấp là tiên cặp với anh Đài Loan, Trung Quốc. Thứ hạng có thể thay đổi theo việc đổi bồ của các tiên. Rồi thì các tiên đổi xe, đổi điện thoại, mua được đất, nhanh đến chóng mặt.

Đám đàn bà chính chuyên lườm theo đuôi xe chở tiên đi bán nhan sắc, đám  chồng của cánh đàn bà chính chuyên thì tiếc hùi hụi vì các tiên ngày càng xinh đẹp. Hàng hóa ế ẩm, vợ đưa ít tiền mua rau mua cá thì làm sao bén được gót son. Mà đấy, gương tày liếp, sợ vợ bỏ lắm, buồn lắm, ngày lê thê và đều lắm, nhàn nhạt lắm các ông phải tìm cách giải tỏa chứ. Cờ vua nhé, thắng mãi cũng chán mà thua mãi cũng quen, dẹp bàn cờ.

Nhậu, dọn hàng rồi các bà vợ về ngủ, các ông kê cái bàn ra giữa chợ, đêm mát, xoài xanh dưa leo đầy rẫy, hết mồi ra vạch bạt của hàng rau đã nghỉ lấy vài quả mai trả tiền sau. Nhậu tới nhậu lui sáng không mở mắt được thì vợ léo nhéo mà sức đâu nhậu mãi. Dẹp nhậu. Nghĩ ngợi mãi không tìm ra cách gì để kéo các bà vợ cùng tham gia cho vui thì lão Hân chủ cửa hàng bán loa thùng rộng lòng cho mượn đôi loa dàn hát. Điện câu trộm của chủ chợ, kê giàn ra giữa chợ thoải mái hát hò cho xôm tụ. Lão tính toán cả đấy, nhạc nhẽo ầm ĩ thế không ai càm ràm vì nhà nào cũng tham gia cả, quảng cáo trá hình đấy để xem có khấm khá hơn không. Nhạc đỏ hào hùng, dân ca quan họ miền Bắc, cải lương miền Nam, hát say sưa, cười gằn, sụt sịt diễn sâu như diễn viên. Hàng rau bán chạy hơn hẳn món giá đỗ luộc lên ăn và uống nước hát cho trong giọng, dứa chín ăn cho đỡ khô cổ.

Đối diện chợ là khu xóm trọ công nhân, phòng ốc chật chội, mái tôn hầm hầm nóng, toàn gia đình trẻ có con nhỏ, bên chợ hát hò ầm ĩ con cái họ quấy khóc nhưng không ai dám sang nói điều thiệt hơn. Họ ngán dân chợ. Con giun xéo lắm cũng quằn, bên xóm trọ mang ra cái loa thùng mở đủ thứ nhạc thị trường dội lại. Người hát bên chợ với máy hát bên khu xóm trọ cãi nhau, đối nhau chan chát. Cuối ngày tổng kết xem phe nào giành ưu thế. Mấy ngày đầu còn hăng, sau thì khản cổ quá. Vợ lão Hân xót của dọn dàn hát về cửa hàng vì chiến dịch quảng cáo thất bại hoàn toàn.  Dẹp hát.

Thôi chơi thế cũng đủ rồi, phải nghĩ cách làm ăn chứ, âm tiền mặt bằng nhiều quá, cứ đà này nhà nào cũng ăn cụt vào vốn hàng hóa rồi thì lại cắp nhau về quê mất thôi.

Chợ miền Nam nhưng hầu hết người buôn bán từ miền Bắc miền Trung vào cư ngụ. Người thì mất đất, kẻ bán buôn thua lỗ, người giật phường bát, người trốn nợ… Ai cũng có câu chuyện tự sự của mình nhưng chung quy cũng vì đồng tiền cả. Cư dân xóm chợ bàn tính cử người lên nói chuyện với chủ chợ, phải làm một cuộc cách mạng kinh tế đi chứ. Chủ chợ tiếp nhận rồi sẽ trả lời sau.

Việc đầu tiên trong đợt cải cách kinh tế là mời thầy cao tay về cúng yểm đất, sau đó đón đoàn múa lân sư rồng về biểu diễn suốt mấy ngày liền để thu hút khách hàng. Đoàn múa lân hùng hậu, biểu diễn nhiều trò hấp dẫn như lân vào động mai hoa, có lúc chú lân còn giả bộ hẫng chân làm người xem đứng tim, rồi lân trèo ngược lên cây tre cao chót vót hái cải thảo, lân đến từng cửa hàng nhảy múa, quỳ mọp, nhả lộc. Đội múa rồng cũng uốn éo chạy quanh chợ chạm vào hàng hóa từng nhà. Vui đáo để nhưng người xem thì đông người mua chẳng mấy.

Cuộc cách cách kinh tế lần thứ hai bắt đầu bằng việc tiểu thương góp tiền cùng chủ chợ bồi dưỡng cho dân phòng nhờ dẹp sạch sẽ những người buôn bán lề đường phía ngoài chợ. Công nhân tan tầm vào chợ mua rau cá, rồi ngó nghiêng hàng hóa, thấy hay hay mua vài món đồ. Thế là có tác dụng rồi, tiếp theo sẽ chỉnh trang cả chợ. Bãi giữ xe miễn phí, những cửa hàng lấn chiếm lòng đường nội bộ phải sắp xếp lại hết trả lại lòng đường rộng thoáng cho khách hàng thoải mái qua lại. Kế đến là phá bỏ những căn ki ốt vị trí xấu dựng mấy cái cầu trượt, lắp vài con thú nhún, xích đu cho trẻ em vào vui chơi. Mở thêm quầy bán trà sữa, đồ ăn vặt Hàn Quốc, Thái Lan trong chợ để thu hút khách hàng. Mỗi cư dân trong chợ cũng ý thức trưng bày cho bắt mắt, thanh lý những món hàng tồn kho để có vốn quay vòng. Đúng là một cuộc cải cách toàn diện và có tác dụng rõ rệt.  Hàng quán khá khẩm lên hẳn. Trước kia ế ẩm, thương quý bạn hàng là thế, giờ đông khách lên một tí là trở mặt trâu buộc trâu ăn với nhau ngay. Có tiền tiêu lỏng tay sắm cái smartphone xem phim đọc báo. Công nghệ số thật kỳ diệu, từ đầu chợ đến cuối chợ tăm tắp smartphone trên tay chấm dứt những câu chuyện chúng ta nói về chúng ta, thi thoảng chúng ta bàn tán về siêu mẫu, mẹ chồng nàng dâu trong phim thế là vui cả làng.

Nhưng cũng chẳng vui được lâu, hết thời gian hợp đồng năm, chủ chợ tăng giá cho thuê mặt bằng lên gấp rưỡi. Ai thắc mắc gì thì đều được phúc đáp rằng cuộc cải cách đã tiêu tốn cơ mớ tiền bạc, nếu không chấp nhận thì thanh lý hợp đồng. Chủ chợ nắm được thóp rồi, bố bảo đứa nào dám đi ông cho thêm kẹo.

Chủ tham, dân gian. Đã thế, cư dân chợ bàn nhau trả lại hết toàn bộ dãy nhà trọ trong chợ chuyển ra ở luôn tại cửa hàng cho tiết kiệm chi phí. Nhà nào nhà nấy quây lại vài mét vuông xây cái thống xi măng tắm giặt nấu ăn, đi vệ sinh vào túi nilon đen xách ra nhà chứa rác. Ban đêm đẩy gọn tủ kệ lại trải nệm buông mùng, thế là phong lưu rồi.

Phong lưu là tự an ủi với nhau thôi, nhà nào có con nhỏ còn đỡ chứ nhà nào con cái lớn tồng ngồng thì chuyện vợ chồng nhịn thèm nhịn khát. Không gian hẹp thế, đêm thì yên tĩnh thế, chồng  vừa lao động nghĩa vụ vừa nín thở, vợ cắn răng mím môi đến khổ. Bị dồn ép lâu ngày đàn bà thế nào thì xong thôi chứ đám đàn ông lúc nào cũng đau đáu chuyện xả lũ. Cái khó ló cái khôn, đi đầu phong trào là lão Tuýnh, hôm nào vợ đi lấy hàng, mắt trước mắt sau lão phi ngay ra quán massage gần nhà. Rồi lão chỉ đường cho mấy lão khác. Trong đám ấy có lão Tần ưa sạch sẽ chê hàng tạp không ăn theo. Lão này kín đáo, nàng tiên tên Tuyết lọt vào tầm ngắm của lão, vừa hay nàng mới bị anh Đài Loan đá, lão chớp thời cơ ngay. Cứ Zalo mà cưa cẩm, vợ vào trong nấu nướng là đá mắt nhau một thoáng. Chàng nàng cũng dập dìu với nhau được vài bận thì bị vợ lão tóm sống. Tóm sống là phải thôi, sống giữa chợ nghìn tai nghìn mắt cơ mà. Vợ lão Tần không phải tay vừa, vồ được lão và ả Tuyết ở nhà nghỉ, bà chỉ nói đúng một câu: Về ngay lập tức.

Bà bày binh bố trận ở nhà cả rồi đấy, chợ này nhà bà đông chị em nhất, gì thì gì chứ ba đánh một không chột cũng què. Bà kịp dặn dò mấy đứa con không đứa nào được mó tay vào con ấy, chúng bây còn ăn học, hồ sơ của chúng bây phải sạch đẹp.

Tuyết cũng đâu phải gái ngu, nàng lôi về hai anh ngoại quốc cao to lực lưỡng, nàng nhỏ nước mắt liễu yếu đào tơ, tay vịn vào tay các chàng, miệng xì xồ xi xoe tiếng tàu nói gì chẳng ai nghe được. Phe chính chuyên tấn công cật lực không bén được vào thân thể ngà ngọc của Tuyết, hai anh ngoại quốc án ngữ xách các chiến sĩ phe chính chuyên đẩy xa xa. Cào cấu, đấm đá vào không khí mất sức hơn đánh vào đối tượng, phe chính chuyên rút lui bảo toàn năng lượng về gào vào mặt chồng. Thôi thì đủ các từ ngữ chua ngoa tích cóp bấy lâu.

Lão Tần sau hôm ấy tỏ ra ngoan hẳn, sáng dậy sớm dọn hàng cho vợ, dọn hàng xong đi chợ nấu ăn, rửa bát phơi đồ. Rõ là ông chồng mẫu mực. Vợ ngồi ghế cao chồng ngồi ghế thấp, cun cút trung thành như chú chó ngoan. Đám đàn ông hỏi có nhục không, nhục nước mẹ gì, thằng nào ở chợ này chả ăn vụng. Lau mép không khéo thì chịu thôi, nịnh vợ ít thời gian cho nó nguôi ngoai rồi nó lại cung phụng mình như trước, lạ gì giống đàn bà, quang quác thế nhưng hay mủi lòng lắm.

Đánh ghen không thành nhưng cũng không dễ cho qua, bao nhiêu trứng thối trong cửa hàng trứng vợ lão Tần mua hết. Sớm nào bà cũng tung cho chục quả vào cửa cuốn, đấy cho mày chết, sáng nào cũng xách nước đổ xà bông xịt nước hoa xịt phòng để xem mày thơm tho xinh đẹp được bao lâu. Nhưng Tuyết cứ cần mẫn thế, mặc váy ngắn hơn trước nàng kiễng chân, cong ngực lên lau cửa, váy ngắn khoe nguyên cặp chân dài, cho chúng bay nuốt nước dãi ừng ực. Nước dãi thèm khát của bọn đàn ông, nước bọt nhào trộn cục tức của phe chính chuyên. Nàng trở nên đáng thương, bà Tần mang tiếng ác. Cư dân chợ góp lời, bảo nó âm thầm lau chùi tuyệt không chửi lại một tiếng là biết điều rồi, thôi tha cho nó. Phúc đức tại mẫu còn để đức cho con. Thì thôi vậy.

Sau sự kiện lão Tần, phe chính chuyên bàn nhau cách giữ chồng, thế là phong trào làm đẹp lên cao. Đầu tiên là công cuộc thanh toán mỡ tảng ở bụng, ở đùi, ở bắp tay. Gì thì gì chứ chỉ cần giơ tay chỉ trỏ món hàng giới thiệu cho khách mà mỡ phi từ vai ra đến ngón trỏ thì kém duyên thật. Phe chính chuyên dậy sớm quyết tâm chạy bộ, tập dịch cân kinh, tập yoga qua mạng… Thành quả thu được ít nhiều, chị em thừa thắng xông lên, tư vấn cho nhau xăm môi, xăm lông mày, lông mày nét ngang đang lên ngôi. Sửa lông mày là thay đổi cả tài vận, lông mày mà nhạt nhờ, lưa thưa thì chồng nó ham của lạ là phải. Nhân viên tư vấn của thẩm mĩ viện nói thế. Thì nét ngang, thì đen, thì nâu trầm, nâu sáng tiệp với màu tóc. Rồi môi, môi cam trẻ trung, môi hồng xinh xắn, môi đỏ trầm quyến rũ đủ cả. Cứ thấy chị em nào đeo khẩu trang cả tuần là biết vừa qua đợt tân trang. Rồi trị nám, rồi lột da, tắm trắng, làm răng sứ, làm móng. Đẹp, đẹp nữa, đẹp mãi.

Khắp nơi giương cao khẩu hiệu làm đẹp. Rồi khắp nơi bình bầu hoa hậu dao kéo, lại bắt đầu phong trào chúng ta nói về chúng ta. Phe chính chuyên bị li gián.

Trong khi phe chính chuyên mải mê làm đẹp thì chủ chợ đã chớp thời cơ tăng giá điện nước, tăng tất cả các thể loại phụ thu. Nắn chỗ này một tí, bóp chỗ kia một tí, miễn sao tiền về túi là được. Thôi thì chợ người ta, người ta có quyền, nhưng khủng khiếp nhất là việc tiết kiệm chi phí hốt rác. Cứ khoảng hai ba giờ sáng là mấy tay quản lý chợ đốt rác, trước ba xe rác sau khi đốt chỉ còn hai xe. Mùi củ quả thối, mùi xú uế, bịch nilon cháy và khói khủng khiếp xộc thẳng vào phổi trẻ con người lớn, đêm nào cũng là cực hình. Trong đám tay sai thạo việc của lão chủ chợ điển hình nhất phải kể đến ông Bảy. Được chủ chợ ưu ái, miễn phí hoàn toàn điện nước và nhà trọ, tháng tháng trả lương còn có thưởng. Thượng vàng hạ cám, không việc gì là không làm được, từ việc sửa cửa bị kẹt thanh cuốn, lợp mái chợ chỗ mưa dột, đốt rác, kéo ống nước rửa chợ, sửa vá gạch lót nền hỏng hóc, thu gom điều tiếng trong chợ để báo cáo chủ chợ việc nào cũng xuất sắc.Ai có công to việc nhỏ vời đến ông không từ chối bao giờ.

Tự sự của ông Bảy là có vợ con đề huề, nếu ông mà về quê thì sáng nào thức dậy cũng có sẵn cà phê và hủ tiếu do vợ con chuẩn bị, nhưng ông thích sống cuộc đời tự do. Ông Bảy được lòng hết thảy cư dân chợ, quần áo tồn kho, giầy dép gãy size, rau bún ế, lòng gà lòng cá ông thoải mái bới chọn, không ai lấy tiền. Tết nhất ông về quê, người này người kia gửi chút quà thế là nặng hành lý.

Phải cái ông Bảy hay chuyện quá nên thi thoảng cũng mích lòng, chẳng hạn chuyện nhà kia có thằng con gầy đét cha mẹ giục lấy  vợ không lấy, cho đi học nghề chẳng chịu học. Một lần thằng con đấy đi tiểu, bà mẹ xộc vào hứng nước tiểu mang đi xét nghiệm xem nó có nghiện ngập gì không. Chuyện nhà khác lão chồng ban ngày lúc nào cũng tỏ ra mẫu mực, kính gắn trên mắt,  tỏ vẻ tuy là dân chợ nhưng ta đây học thức. Lão ấy  trải ghế bố nằm đọc sách đọc báo như đạt cảnh giới nhưng mười hôm hết chín lão lầm rầm chửi vợ cả đêm. Lý do chửi vợ có khi chỉ vì nấu canh cua mà không chịu ngồi giã tay lại đi nhờ hàng cua xay cho tiện. Rồi thì chuyện chủ tiệm nào chuẩn bị giật hụi, xúi những người hùn đòi nợ ngay…

Làm thế nào ông Bảy biết được những chuyện tày đình đấy, tai mắt ông gắn ở những đâu, hay là trong cửa hàng nào cũng có những camera bí mật như trong phim. Chịu thua, không ai có lời giải đáp.

Những câu chuyện ấy cũng khua khoắng tháng ngày đều đều tẻ nhạt lên một chút, tựa nhhư viên đá ném vào mặt nước mênh mông, xôn xao đấy mà cũng chìm nghỉm đấy. Nhà nào mà chẳng có bi kịch, người này nhìn vào bi kịch của người kia mà lấy làm an ủi chính mình.

Thiệt thòi nhất có lẽ là những đứa trẻ trong xóm chợ. Bàn học của chúng kê ngoài đường, vừa tập tô vừa trông hàng phụ cha mẹ, những bữa cơm trên cái ghế đẩu con con. Con gái con lứa bảy tám tuổi đầu bố mẹ còn kê bô ngoài đường cho ngồi tồng ngồng. Đứa nào bị phạt đòn, cả chợ biết, cả đám trẻ con trong chợ lêu lêu. Phong trào cho con ăn học thoát khỏi cảnh bán buôn chụp giật cũng gay cấn không kém, nhà này đua nhà kia chở con đi học thêm Anh văn, mời gia sư về phụ đạo. Nhưng khổ nỗi cô trò vừa ngồi vào bàn thì có khách đến mua hàng ồn ào, có khi gặp phen cả chợ tham gia bắt trộm đẫm máu và nước mắt. Đêm của chúng khói rác xộc vào phổi, tiếng dao pha thịt trên thớt gỗ từ ba bốn giờ sáng oang oang xộc vào óc. Bọn trẻ quen với việc đôi co xỉa xói, thạo mánh lới bán buôn, chúng nhìn những điều ấy bằng đôi mắt bình thản đến lạ lùng.

Sau phong trào học tập phải kể đến phong trào chữa bệnh, nguyên nhân chính là ngồi nhiều, ít vận động, thiếu không khí và ánh nắng mặt trời, cái quầng sáng ít ỏi mà cư dân chợ phơi phóng đều được hứng qua mấy tấm tôn sáng. Bà bán hàng gà đẩy cái xe inox đầy gà bước thấp bước cao tì vào xe mới đi được, bác sĩ nói cần giảm cân vì thoái hóa khớp trầm trọng. Chị hàng may thoái hóa đốt sống cổ, cô hàng bán đồ nhựa gia dụng u xơ vú, mấy bà bán quần áo giày dép rối loạn tiền đình, bà hàng rau hàng trái cây nấm sần sùi móng tay móng chân. Nhiều người ngã nước, gan nóng gan ngứa. Cả khu chợ lồng không tìm đâu được một mảng xanh. Nhiều lúc người ta nghĩ chợ như một nhà tu kín bên trong đầy đủ hàng hóa cần thiết cho nhu cầu sinh hoạt, chỉ khác là nhà tu kín này không có đức tin nào dẫn đường. Những ước ao vượt thoát  sự bí bách là cần thiết.

Châm ngòi cho những ước ao đó là việc tận thu đánh vào kinh tế của cư dân chợ. Hợp đồng mới giá cho thuê mặt bằng tăng gấp đôi, mỗi cửa hàng chỉ được bán một loại hàng hóa, yêu cầu cửa hàng nào cũng phải gắn camera quan sát, cấm không được nấu nướng trong cửa hàng vì sợ cháy nổ, cấm không cho ăn ngủ ban đêm tại cửa hàng vì sợ chập điện, mười giờ đêm sẽ ngắt điện toàn bộ, yêu cầu niêm yết giá theo ban quản lý thị trường, chưa kể đến thuế môn bài, tiền lót tay cho quản lý thị trường để họ bỏ qua những mặt hàng Trung Quốc đang bày bán. Chỗ nào nhìn vào cũng thấy tiền thì còn lờ lãi gì nữa. Bấm tay tính nhẩm chi phí hai năm thuê chợ có thể mua được miếng đất vừa phải để lấy chỗ cắm dùi.

Cầm tờ nội quy và bảng giá cho thuê mặt bằng trên tay, cư dân chợ sôi sùng sục. Quả là nhiều mũi tên nhắm nhiều đích, chủ chợ xót ruột khi dãy nhà trọ phía trong bỏ không nên mới chèn ép người ta như thế. Hẳn lão ấy nghĩ chợ đang làm ăn được, thanh lý hàng thì lỗ vốn nên không ai dám chuyển đi. Nhiều cuộc thương lượng bất thành, không ai thiết bán buôn gì nữa, chỗ nào cũng tụ bạ tìm cách giải quyết.

Một kế hoạch bí mật được vạch ra, đúng hôm vợ chồng chủ chợ vừa trở về sau chuyến sang Mỹ thăm hai cậu con trai. Vừa bước xuống xe đi vào trong chợ đã thấy cả khu chợ nghi ngút khói. Còi báo động cứu hỏa rú ầm ĩ, nhưng không phải cháy đâu, nhang đấy. Nhà nào cũng cử ra một mụ đàn bà, mỗi người một nắm nhang đốt đỏ rọi, hai tay chắp nhang vái lia lịa ông bà chủ chợ, vừa vái vừa Nam mô a di đà Phật. Vừa vái vừa cầu xin chủ chợ phù hộ độ trì cho mua may bán đắt để có tiền tọng vào họng chủ. Vợ lão chủ chợ sốc quá, ngất ngay tại chỗ. Ông chủ bế thốc bà chủ lên xe, cư dân chợ dụi nhang ngay lập tức. Không ai nghĩ vợ lão chủ lại lăn đùng ra đấy, ai cũng tự kiểm điểm mình xem có quá đáng không. Cả chợ bỗng dưng trầm ngâm hẳn. Chỉ có ông Bảy là điềm nhiên, nhếch mép ông bảo rằng: Ngất thật hay ngất giả còn chưa rõ, mà nếu ngất thật, không tỉnh dậy thật thì người sung sướng nhất là lão chủ chợ, ra ngoài bệ vệ thế thôi chứ trong nhà sợ vợ một phép. Ông Bảy cũng khẳng định cư dân chợ chẳng được lợi lộc gì sau vụ đánh vào tâm lý này đâu, sẽ chỉ có tăng, không bao giờ có giảm.

Người đầu tiên thanh lý hàng hóa rời khỏi chợ là nhà lão  trí thức kính treo trên mắt thường chửi vợ thâu đêm.  Chuyện là nhà lão ấy có độc một mụn con quý tử độ mười chín hai mươi tuổi, đang học năm thứ hai đại học kinh tế mà  tự nhiên bỏ học, dúi dụi ở cửa hàng không chịu lên trường, mẹ khuyên bảo mãi thì nó bỏ nhà đi, đi chán thì về. Thi thoảng lại có người ở cửa hàng game bắn cá, quản lý khách sạn gần đấy đến đòi nợ. Bà mẹ xót con giấu giếm chồng nhả tiền trả nợ đậy không biết bao nhiêu lần. Nghe chị em trong chợ tham vấn, bà cũng đi cầu đi khấn khắp nơi, có những đợt bảy bảy bốn chín ngày đêm nào cũng ra nghĩa địa thả rắn nước giải bùa ếm cho con. Rồi thì xin bùa đặt trong gối, xin bùa đeo vào dây bạc đeo lủng lẳng trước ngực thằng con. Nó vẫn đi, cái túi bùa bằng vải treo lủng lẳng trước ngực thành nơi nó gấp nhét giấu những tờ polymer mệnh giá cao nhất an toàn tiện lợi. Nếu nó không sơ ý vứt cả bùa ấy vào máy giặt thì bà mẹ vẫn cứ rầu rĩ thương xót thằng con bị bỏ bùa mê. Thôi thì về quê, cột cổ nó vào đuôi trâu, lấy cho nó con vợ, cho đàn con nó giữ chân nó lại.

Người thứ hai là nàng Tuyết, nghe đâu nàng vớ được một anh Hàn quốc góa vợ chuẩn bị sang Hàn làm phu nhân.

Chợ cứ thủng dần, những cánh cửa cuốn im ỉm khép cứ nhiều dần lên. Hàng hóa cứ thưa thớt đi mãi…

Chợ chết, cả khu chợ ban ngày cũng như ban đêm tối ngòm, chỉ có ông Bảy ở lại trông coi đuổi bọn ăn mày ăn xin vé số dạt vào ngủ bụi. Chợ trở thành sân khấu của bầy chuột. Đêm đến, bọn chúng kéo đàn kéo lũ trèo lên những sạp bán rau củ bỏ trống rồi thi nhau nhảy xuống mấy vũng nước đọng bẩn thỉu, chúng nó cắn nhau, đẵm nước, chúng nó làm xiếc, con này thì nhấc bổng  hai chân trước, con kia thì nhấc bổng hai chân sau. Những nắp cống bị vỡ, gián bò ra đen kịt mặt đất.

Thui thủi, ông Bảy đi xin lòng cá lòng gà ở mấy hàng quán lề đường về nhậu một mình. Nhưng chủ chợ cũng chẳng vì thế mà sáng mắt hay nghèo đi như cư dân chợ phỏng đoán. Nghe đâu ông chủ chuẩn bị đập bỏ hết những quầy hàng trong chợ, lợp lại mái cho thuê kho xưởng chứa hàng. Ai muốn biết cư dân chợ cũ bây giờ đã đi đâu, về quê làm ruộng, nuôi tôm hay bán buôn chỗ khác cứ hỏi ông Bảy là sẽ rõ.

HOÀNG HIỀN

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *