Vanvn- Cẩm Giang sinh 1990 tại huyện Đại Lộc, học Đại học Quảng Nam rồi đi làm ở Hội Văn học nghệ thuật thành phố Tam Kỳ một cách rất chi tình cờ. Không khí văn chương nơi làm việc mang lại cho Cẩm Giang nguồn cảm hứng sáng tạo và cô bắt đầu bén duyên với trang văn. Thì ra, văn chương không cần gì cao siêu to tát, chỉ cần có duyên và giữ được ngọn lửa đam mê…
Xin giới thiệu đến bạn đọc chùm truyện ngắn được rút trong tập Cô gái vẽ linh hồn, NXB Văn học 2015 của tác giả trẻ Cẩm Giang.
NHÀ VĂN TRƯƠNG ANH QUỐC giới thiệu

Cô gái vẽ linh hồn
Lệ Hà là sinh viên một trường mỹ thuật, rất có năng khiếu vẽ. Từ khi gặp nàng, tôi linh cảm ở Lệ Hà có gì đó rất lạ, cứ u buồn đến tội nghiệp.
Sau khi Lệ Hà rời đi, tôi có ghé qua căn nhà nàng ở. Đó là một căn nhà nhỏ nằm sau trong con hẻm dài, bên trong đồ đạc chỉ còn lại giá vẽ và màu sơn. Những bức tranh trên tường toàn hình vẽ những bào thai. Chưa bao giờ tôi thấy những bức tranh đẹp và kỳ quái đến vậy.
Trước khi ra về, bà chủ nhà trọ có gửi cho tôi chiếc rương nhỏ của Lệ Hà còn sót lại. Có lẽ bà ấy nghĩ tôi là một người đặc biệt của cô ấy, thậm chí còn cho tôi mang theo cả những bức tranh trên tường.
Tôi biết Lệ Hà trong một dịp trường tổ chức đi thực tế sáng tác về vùng quê ngoại ô thành phố. Nàng là người duy nhất ngồi lại lâu nhất của ngày vẽ đầu tiên, chỉ ngồi im lặng trong khi mọi người đã sắp hoàn thiện những bức vẽ của mình. Gió ở đồng quê thật yên bình. Tôi ngồi xuống bắt chuyện: “Em không muốn vẽ sao?”. “Em đang bận nhìn linh hồn nhỏ của em, nó đang bay đấy”. Thật lòng lúc đó tôi không hiểu lắm, cứ nghĩ có lẽ nàng đang mơ mộng vẩn vơ.
Ngày hôm sau, nàng không ra bãi vẽ. Tôi không nhìn thấy chiếc áo len vàng Lệ Hà hay mặc. Đến chiều, nàng cho tôi xem tác phẩm vừa hoàn thành, mảng màu còn chưa kịp khô. “Cho anh xem linh hồn nhỏ của em”. Bức tranh Lệ Hà cho tôi xem là một bức vẽ hình bào thai, tôi không hiểu khi tất cả sinh viên đang thi thố tài năng về phong cảnh thì bức tranh của nàng lại vẽ một bào thai còn trứng nước. Nhưng thật tình tôi không thể phủ nhận màu sắc rất độc đáo, và thật sự tôi đã nhìn thấy phong cảnh trong bức vẽ ấy. Hình như Lệ Hà đã rất vui vì hoàn thành được bức tranh. Nàng cười nhiều, rất giòn, rất ngây thơ. Bây giờ, khi lật những trang nhật ký của cô gái tội nghiệp này, tôi mới hiểu vì sao lúc đó nàng có thể cười vui đến vậy…
Chiếc rương nhỏ của Lệ Hà không có gì ngoài những tấm phim siêu âm bào thai và cuốn nhật ký. Nhìn những bức hình tôi biết đây là con nàng, nàng có con khi còn là sinh viên năm thứ ba. Những bức hình thai nhi đến tuần thứ 10 thì hết. Tất cả được phô bày theo những trang nhật ký.
Lệ Hà không biết mình mang thai từ khi nào, có lẽ là cái đêm nàng cảm giác trong mình rách toạc, nàng mơ hồ chếnh choáng, có ai đó đã đặt bàn tay lên người nàng, đốt cháy nàng bằng cái nóng bỏng của cồn. Nàng thấy cổ họng như muốn nổ tung, nàng kêu gào trong mộng mị nhưng bất lực, bàn tay đó đã giữ chặt nàng đến nghẹt thở.
Nàng chỉ còn mơ hồ nhớ hôm đó nàng rất buồn, điều gì đó đã đưa nàng đến quán rượu. Có lẽ đó là ký ức, về một người con trai và những ly rượu mạnh. Nàng tìm kiếm những mảnh vụn qua từng cơn nóng xé ở cổ họng. Nàng cảm giác đau. Nàng ngửi thấy mùi máu tanh, rồi ngất đi. Khi tỉnh dậy thấy mình ở một căn phòng xa lạ. Nàng bị ai đó hãm hiếp. Nàng cố nhưng không thể nhớ ra, chỉ một điều nàng biết người đàn ông ấy có bàn tay to lớn. Bàn tay ghì chặt nàng trong cơn cuồng loạn. Đã nhiều lần nàng muốn trở lại nơi đó để tìm người đã làm điều ấy với nàng, nhưng không thể, nàng không đủ can đảm. Nàng sẽ làm gì? Nàng ôm ghì lấy sự hoảng sợ trong im lặng.
Lệ Hà cảm giác có gì đó đang cọ cựa trong bụng mình, nó dường như từng ngày phản đối lại cái hoảng sợ trong lòng nàng. Nàng không muốn ra ngoài, nàng sợ những ánh mắt ngoài kia. Nàng sợ bàn tay to lớn đang ở đâu đó ngoài kia có thể chộp lấy nàng bất cứ lúc nào. Nó không có cha sao? Còn nàng, liệu có thật sự muốn giữ nó? Nàng phải làm gì đây? Nàng dằn vặt sao lại lạc lối vào tối hôm đó.
Nàng lịm đi trong giấc ngủ muộn hằng đêm. Trong mơ nàng thấy mình vui cười, nàng đi chơi cùng lũ bạn. Có ai đó đưa cho nàng chiếc hộp đựng linh hồn nhỏ, nàng thấy nó đang ngủ say, nó đáng yêu biết chừng nào. Rồi nàng mải chơi, nàng bỏ nó lại trên cầu. Trời bỗng đổ mưa thật to. Nàng hớt hải tìm linh hồn nhỏ, nó đâu rồi? Nàng không thấy cây cầu đâu nữa, mưa đã cuốn trôi mất. Còn chiếc hộp đựng linh hồn nhỏ, nó đâu rồi? Nàng nhìn xuống dòng nước đang cuộn xoáy, lũ cá đang thi nhau ngoi lên nhìn nàng, nó mang khuôn mặt của nàng, của người con trai ấy, của bạn bè nàng, của cha mẹ nàng. Những khuôn mặt hả hê. Còn nàng thì chết điếng như đánh mất điều gì quý giá nhất. Nàng vùng dậy khi tay vẫn còn đặt trên bụng. Con nàng vẫn còn ở đấy. Nó đang đập nhịp tim của riêng mình. Chỉ là giấc mơ. Nhưng rồi sáng mai ra nàng sẽ làm gì với nó. Nàng sẽ tìm đến một nơi xa nào đó để vứt bỏ nó đi. Nàng muốn chấm dứt tất cả ở đây. Nàng sợ những giấc mơ. Nàng có sự lý giải nào cho sự xuất hiện của một đứa trẻ? Nàng thấy rùng mình bởi cái suy nghĩ tội lỗi đó…
Mấy ngày nay nàng ủ rũ trong phòng. Bốn bức tường như thu chặt lại đến nghẹt thở. Cuối cùng, nàng quyết định sẽ bỏ đứa con. Nàng không muốn nghĩ về sinh linh đang cựa mình trong bụng nàng. Nàng mặc kệ.
Sáng hôm đó trời mưa lất phất, Lệ Hà đến một nhà hộ sinh ở khá xa nơi nàng đang trọ. Ngồi ở hành lang nàng đã suy nghĩ rất nhiều, nhìn những thai phụ đi lại trên hành lang nàng thấy sợ, chưa bao giờ nàng thấy mình chơi vơi đến vậy. Con nàng sẽ chấm dứt sự sống ở đây sao? Nàng có thật lòng muốn vậy không? Rồi sau này nàng vẫn có thể có những đứa con khác? Nàng muốn ra ngoài, nàng muốn ăn gì đó. Nàng cảm giác mình phải ăn gì đó, cho nàng và cho đứa nhỏ. Đưa thìa cơm lên miệng, nàng lại khóc.
Nàng đi thẳng vào phòng tư vấn, rồi được dẫn qua phòng siêu âm. Vị bác sĩ già hỏi nàng thích có em bé không? Nàng nhìn lên màn hình, nàng nhìn thấy đứa bé rồi, mười tuần tuổi, nó nằm im ngoan ngoãn biết chừng nào. Nàng thực sự không muốn nghe bất cứ câu hỏi nào, nàng sợ phải trả lời. Sợ phải lặp lại cái ước muốn mà nàng thấy kinh tởm khi còn trong ý nghĩ.
Người ta lại đưa nàng qua phòng tư vấn, một bác sĩ trạc tuổi mẹ nàng hỏi nàng với giọng từ tốn. Bà muốn nàng suy nghĩ thật kỹ, hãy nghĩ cho đứa bé và cho nàng. Tại sao tất cả mọi người không hiểu nàng tới đây chỉ để phá bỏ nó. Tại sao cứ bắt nàng nghĩ lại. Lúc đó nàng cảm giác bụng mình đau nhói, nàng không đủ sức để ngồi đó, nàng phải đi. Nàng băng ra màn mưa vẫn còn chưa ngớt. Nàng sẽ giữ lại con mình, nàng đưa tay lên bụng, nó vẫn còn đó, nó vẫn đang đập những nhịp thở non nớt. Nàng cười như niềm vui vừa giải thoát. Nhưng nàng đang đi đâu đây? Trước mặt nàng chằng chịt những lối đi.
Mưa. Cơn mưa đầu đông. Nàng thấy mình lạnh buốt, mưa mỗi lúc một lớn, xe trên đường vắng dần. Trời bắt đầu đêm, nàng không thể đi được nữa. Nàng ngã quỵ. Mưa tắm ánh đèn loang màu máu ướt nhòe nhoẹt .
Hôm sau nàng tỉnh dậy, người ta nói nàng đã hôn mê gần một ngày, và em bé đã không thể giữ được. Nhìn xung quanh nàng thấy lạnh lẽo biết chừng nào. Nàng sờ tay lên bụng. Con nàng đã ở đâu rồi? Nó có ở quanh đây với nàng không? Nó có hận nàng không? Hay nó đã bay lên thiên đường. Nàng thấy bụng mình trống rỗng…
Từ hôm đó, Lệ Hà suốt ngày ôm những bức hình siêu âm khóc nức nở, nàng luôn miệng gọi nó là linh hồn nhỏ. Nàng vẽ lại nó, mỗi lần vẽ xong nàng lại cười, trong căn phòng nhỏ đầy dần những bức tranh. Và rồi một ngày, không ai còn thấy Lệ Hà đến giảng đường. Có người phát hiện nàng đã bỏ đi đâu đó, trong đêm mưa rất to, và không quay lại.
Mấy hôm nay tôi bận rộn cho cuộc triển lãm ảnh của trường liên kết với hội mỹ thuật thành phố, tôi quyết định mang những bức tranh của Lệ Hà tham gia. Người xem tranh của nàng rất nhiều, những bức tranh mang tên “linh hồn nhỏ” tạo thành một điểm nhấn đặc biệt cho phòng triển lãm. Nó như một mầm sống sáng rực lên giữa màu sắc hội họa. Tôi chợt nghĩ đến Lệ Hà, có lẽ đâu đây nàng đang mỉm cười và thăng hoa cùng linh hồn nhỏ của mình.

Cô gia sư nhỏ
Mấy ngày nay, căn nhà tôi trở nên lạnh ngắt. Bên ngoài, trời vẫn cứ rỉ rả mưa. Cha đi đi, về về như một cái bóng lầm lũi, hoặc là sáng sớm hoặc là đêm khuya. Từ lâu cha không uống rượu, ông chọn cho mình một chất độc cố hữu đó là thuốc lá, vậy mà dạo này người cha lúc nào cũng nồng sặc mùi men. Có những đêm thấy ông về trước cửa, bóng đổ xiêu đổ vẹo, vậy mà tôi chẳng buồn chạy ra. Tôi không thể nào nâng cái thân nặng nề của mình ra khỏi tấm chăn. Có phải tôi cũng đang ủ ê một nỗi buồn không thể nói. Và cha chứ không ai khác mang nó đến đổ lên người tôi một cách khiên cưỡng. Tôi thấy mình ghét cha.
Tôi đã rất thương cha. Trong lòng, ông lúc nào cũng như cây đại thụ, và nhất là tình yêu ông dành cho tôi, cha dạy tôi cách đi xe đạp, cách bắt bóng đèn, chúng tôi làm việc với nhau như hai người đàn ông. Thế nhưng bây giờ tôi dửng dưng, không cảm giác.
Trời đêm về khuya với tôi thật đáng sợ, tôi không tài nào nhắm mắt. Tôi sợ cái mệt mỏi của trí nghĩ. Tôi lại nhớ đến cô gia sư nhỏ của mình. Tôi không lí giải nỗi cảm giác này là thế nào, mọi thứ bắt đầu rối tung, khi tôi thấy mẹ quằn quại như điên dại trước mặt cô gái chỉ lớn hơn con mẹ năm tuổi. Mẹ khóc rất nhiều, nước mắt bết vào tóc, rũ xuống gương mặt nhiều nếp nhăn của mẹ. Tôi không hiểu cô giáo nhỏ của tôi đã làm điều gì. Sau lần đó tôi không còn gặp lại cô tôi một lần nào nữa. Sự nghi hoặc cứ dâng dần lên mà tôi không hiểu điều gì đang diễn ra. Mẹ bận với đau khổ của mình, cha bận phải đóng vai kẻ dằn vặt. Còn tôi, có ai biết tôi đang là người mất đi tất cả.
Đã hơn nhiều lần tôi đi tìm cô giáo, thằng con trai mười lăm tuổi ngày nào cũng đạp xe dọc trên đường chỉ để tìm một người con gái. Có lúc tôi tự hỏi, mình tìm cô giáo làm gì? Tìm để trả lời điều gì? Tôi chẳng biết, chỉ thấy nhơ nhớ nụ cười, ánh mắt, và khi hình dung nhỏ nhắn ấy cứ hiện lên trong giấc ngủ mộng mị của thằng con trai tuổi dậy thì. Có phải tôi thích cô giáo? Cha mẹ đâu biết tôi cũng đang chịu một sự mất mát đầu đời. Lúc này tôi không thể đồng cảm cho nỗi buồn khổ của mẹ hay của cha tôi nữa.
Tôi không nghe rõ cuộc nói chuyện giữa mẹ và cô ấy, tôi chỉ thấy những hàng nước mắt mẹ chảy tràn trên má. Còn cô, sao cô không khóc, nhìn cảnh tượng đó mẹ tôi như đóng vai một người yếu thế. Họ nói với nhau rất nhiều nhưng tôi tin chắc chính cha là nhân vật trong cuộc giải bài đó, bởi không gì làm mẹ có thể khóc ngoài cha. Tôi rất hiểu mẹ. Bề ngoài, bà là người cứng rắn và nguyên tắc nhưng trước những gì liên quan đến cha bà dường như bất lực. Bà sợ cái quyết đoán âm thầm của ông. Có lúc tôi thấy thương mẹ vì sự chịu đựng dai dẳng đó của bà.
Trong một thoáng, tôi vụt lên cái ý nghĩ về mối quan hệ của cha và cô giáo. Không thể. Tôi gạt phắt đi thành tiếng. Cha không thể. Đầu óc tôi lại loạn ngầu. Hình ảnh chiếc bật lửa hình trái tim bằng bạc. Đúng rồi, tôi đã từng nhìn thấy nó ở phòng cô giáo. Đó là món đồ cha luôn mang bên mình. Vật chứng chắc chắn về sự có mặt của cha tôi ở đấy, lẽ nào vậy. Tôi run lên với cái suy nghĩ định tội cha. Cha có lí do gì để có mặt ở phòng cô gia sư của tôi? Trong khi chính mẹ là người tìm cô giáo về dạy kèm văn cho tôi. Và cha chưa một lần bắt chuyện với cô ấy.
Càng lúc tôi thấy mẹ càng khóc nhiều hơn, chân tôi như bị đóng chặt ở mép tường, tôi không thể tiến gần hơn được nữa. Lưng gầy của cô giáo nhỏ bắt đầu run lên. Cô đang khóc. Cả hai người phụ nữ tôi yêu thương đang đối diện với điều gì? Chẳng lẽ đúng là cha. Được một lúc, mẹ nói thêm gì đó và cô giáo vụt chạy, tôi chỉ kịp nhìn thấy đôi mắt nhòe nhoẹt buồn. Tôi ghét mẹ, mẹ đã nói gì vậy? ngoài trời đang mưa, tôi vẫn đứng đấy không làm gì cả, hình bóng ấy mất hút đi trong tầm mắt tôi. Trong lòng như đang vụt mất điều gì quý giá lắm.Và cảm giác sẽ mất đi mãi mãi. Căn phòng chỉ còn mẹ, không ánh điện. Trời buông tấm màn tối làm tôi không còn nhìn thấy khuôn mặt mẹ nữa. Hôm nay không có bữa cơm chiều như mọi khi. Chỉ có mưa, mưa dần một lớn nhưng không chảy trôi chút buồn nào đang đặc quánh trong tôi.
Mấy ngày sau mẹ ra đi, tôi không biết mẹ đã đi đâu. Chỉ để lại cho cha một lá thư, ông xem qua đúng một lần, tôi nghĩ chắc cha hiểu mẹ. Còn tôi, sự ra đi của mẹ càng làm tôi thấy ghét cha mình. Trong trí óc tôi không thể nghĩ được điều gì có thể tha thứ cho ông. Cô giáo và mẹ, cuối cùng là thế nào? Nhưng tôi lại không dám hỏi cha. Tôi trở thành cái bóng nhỏ bé trong xó nhà. Chẳng ai còn quan tâm tôi. Tài sản tôi có là chút tiền tiêu vặt mẹ để lại, nhưng tôi không nghĩ mình cần nó làm gì.
Từ khi mẹ đi, cha cũng chẳng buồn nhúc nhích, ông ngồi lầm lì trong phòng, mặt rỏ đi trông thấy. Và lá thư của mẹ tôi không còn thấy lần nào nữa. Tôi thả những buổi chiều của mình ở quán Net, chỉ khi nhốt mình trong đó tôi mới không phải suy nghĩ, cũng chẳng buồn đi học.
Đêm dần về khuya cha vẫn chưa về. Tôi nghĩ, có lẽ cha đi tìm mẹ. Tôi vùng dậy đi tìm lá thư nhưng vô ích. Mọi thứ bị tôi lật tung ra nhưng lá thư lại không còn dấu vết tồn tại. Căn nhà trống vắng quá làm tôi òa khóc và rồi thiếp đi lúc nào không biết.
Chiều hôm sau tôi thấy cha trở về nhưng chỉ một mình. Một thoáng thất vọng. ông gọi tôi vào dặn dò, thật lòng, tôi chỉ đứng trước mặt ông như một cái xác biết nghe lời mà tai như điếc đặc một cách ngoan cố.
Cha tôi lại đi. Tôi chạy theo van vỉ, “cho con đi với cha”. “Chưa phải lúc”. Ông trả lời rồi bỏ tôi lại với hai hàng nước mắt. Tôi không hiểu điều gì đang xảy ra với gia đình tôi nữa, tôi chán ghét cảm giác này.
Đến trưa, dì Hai lên, có lẽ mẹ hay cha đã nhờ dì lên ở cùng tôi. Dì hai cũng không nói điều gì và hình như cũng không biết chuyện gì.
Mấy ngày sau cha lại về, vẫn một mình, lần này tôi không thất vọng nữa, tôi biết chắc cha không đi tìm mẹ. Dì hai nói mẹ đang ở quê, cha không về đó. Ông đã đi đâu? Tôi nghĩ đến cô gia sư nhỏ. Chẳng lẽ??? Không dám chắc nhưng tôi thấy kinh tởm ông. Tôi muốn biết cuối cùng của sự thật. Mấy ngày nay tôi không còn nhớ cô gia sư nhiều nữa, tôi quay sang thương mẹ. Mẹ là nạn nhân, cả người con gái đó và cha…tôi đinh ninh với những ý nghĩ không dám thốt nên lời mà lòng tan nát.
Được vài ngày cha lại đi, lần này tôi quyết tìm ra sự thật, tôi nghĩ mình sẽ đi theo cha, và khoái trá khi vạch ra sự thật. Nhưng chưa nghĩ được nhiều, cha gọi tôi vào và bảo tôi chuẩn bị đi cùng. Tôi chỉ biết nhìn ông khó hiểu. Cha lúc nào cũng vậy.
Cha chở tôi bỏ lại quán nước bên đường cách thành phố không xa, cha bảo tôi đợi. Tôi nghĩ ông đi gặp cô gia sư, điều gì đó làm tôi linh cảm như vậy. Cha vừa rời khỏi tôi cũng đi theo. Ông rẽ vào môt quán càphê sang trọng gần đấy. Một lát sau có người phụ nữ bước vào ngồi xuống trước mặt cha. Ý nghĩ đầu tiên không phải là cô giáo, tôi thoáng nhẹ lòng. Tôi chọn lấy một chỗ quan sát an toàn, chỉ nhìn chứ không nghe được điều gì. Người đàn bà đó trạc tuổi mẹ nhưng có vẻ mặn mà và đôi mắt buồn rất giống cô giáo. Hai người nói chuyện với nhau như đã rất quen, ánh mắt cha nhìn bà ta mới thật khó hiểu, nó không giống khi cha nhìn mẹ. Tôi không hiểu cha rốt cuộc ông đang đóng vai gì ở đây. Có gì đó rất bất công với mẹ. Tôi phẫn nộ như chính cha đang phản bội mẹ và tôi. Tôi nhớ đến hình ảnh mẹ khóc trong bóng tối mà nguyền rủa. Cha ơi, cha đang làm gì vậy.
Họ vẫn nói chuyện với nhau, hình như cha đang rất đau lòng, cha tôi khóc. Nhưng không vì mẹ và vì tôi. Tôi chưa bao giờ thấy cha mình như vậy. Phản bội và xa lạ. Người đàn bà lấy ra trong ví chiếc bật lửa hình trái tim đặt vào tay cha. Vẫn là món đồ đó, cha siết chặt bất lực. Tôi trở lại quán nước ngồi như kẻ bất thần, đầu óc mơ hồ nghĩ. Tất cả có liên quan gì nhau?
Cha trở lại, trước mặt tôi ông vẫn khoác lên mình bộ dạng của người cha mười mấy năm qua. Tôi tự hỏi sao cha có thể kìm nén giỏi đến vậy. Chúng tôi tiếp tục đi, gió thổi tạt vào người rát buốt.
Cuối cùng chúng tôi dừng lại ở nghĩa trang, cha vẫn im lặng, còn tôi lầm lũi theo cha. Tôi không hiểu cha đưa tôi đến đây làm gì? Đầu tiên là cô gia sư của tôi, sự đau khổ của mẹ, người đàn bà xinh đẹp và bây giờ là một nấm mồ chăng? Ai đang nằm tại đây?
“Chị gái con đó”. Tiếng cha nghẹn ngào, thân cha đổ sụp xuống nấm mồ còn thơm hương đất. Tấm hình trên bia, nụ cười, ánh mắt cô gia sư của tôi. Đầu óc tôi như đông cứng lại. Không một lời nói nào nữa, chỉ có nước mắt. Chúng tôi ngồi lại đó rất lâu. Cha đặt chiếc bật lửa hình trái tim lên mộ chị. Không cần lời giải thích. Tôi chỉ thấy sự tan nát rã rời. Mất mát…
Mấy ngày sau cha về quê đón mẹ lên, mẹ tiều tụy trông thấy. Và chiều nay gia đình tôi lại cùng nhau ăn cơm. Bữa cơm sao lạnh lẽo quá, không ai nói một lời. Đến đêm cha đi vào phòng ngồi xuống bên tôi, cha trao chiếc bật lửa hình trái tim bằng bạc. Cha nói nó vốn có một đôi, một cha để lại cho chị, một cho tôi. Chị mất vì tai nạn. Cả đêm tôi không thể chợp mắt, đó là món đồ duy nhất tôi có thể giữ lại của người con gái tôi yêu mến đầu đời, người chị gái mà tôi biết trong muộn màng.
“QJ” hai chữ được khắc trên chiếc bật lửa, có lẽ là tên cha và người đàn bà đó. Mối tình cha bỏ lại trong quá khứ. Tôi bỗng thấy thương cha. Cuối cùng phải biết trách ai. Khi đau khổ đã chia đều cho tất cả. Tôi thiếp đi trong nụ cười của cô gia sư nhỏ…

Lối thoát
Hắn ngà ngà say, thất thểu, loạng choạng. Đời nghĩ còn gì thú hơn nữa, tiền bạc, rượu và đàn bà hắn có tất. Có ai sung sướng như hắn? Chưa bao giờ hắn thấy lòng phơi phới như hôm nay, cứ nghĩ đến cái mơn man da thịt của mấy ả gái điếm quán bia ôm đầu thôn mà hắn đến hả hê. Chả là có lần hắn bị người ta đuổi ngay ra khỏi quán như loài chó dại. Nhục! Hắn từng thề, sẽ có ngày trở lại đá vào mặt cái lũ khốn kiếp đó. Cả mấy ả gái điếm mạt hạng cũng làm phách mà vênh váo. Bây giờ tiền rúc rích đầy túi chúng nó lại chẳng dạ dạ, anh anh. Nghĩ đời kể cũng đểu cáng thật!
Hắn sờ soạng tay vào túi rút chiếc điện thoại, mắt nheo lại để nhìn cho rõ, mà cuối cùng hắn cũng chả bấm được số nào, chỉ toàn nghe tiếng nói ngạo nhgễ phát ra “số thuê bao quý khách vừa gọi không đúng…”. Không đúng là không đúng thế nào? Anh đang muốn nói chuyện với em đấy.
Hắn điên hay cố tình tranh vặn, lả lướt với giọng nói vô hồn ấy. Mà hắn có biết sử dụng điện thoại gì đâu, hắn mua cũng chỉ để làm le với thiên hạ, thời buổi nhìn người ta qua vật chất kể cũng làm cho hắn đến khổ sở. Nhưng khi nhìn vào cũng sành điệu lắm, có điều chỉ hắn mới biết chưa có số của ai để gọi cho hoàn thành cái thủ tục thời thượng đó.
Lảo đảo một lúc hắn ghé vào nhà Lợi khoèo, vừa trông thấy hắn Lợi khoèo đon đả làm hắn đến sung sướng. Chả là hôm nay thằng hắn giàu rồi nên định bụng mời em nhậu một bữa. Lợi khoèo liếc mắt, cố nhìn thật kỹ mấy đồng bạc mới toanh mà hắn xìa xìa trên tay, rồi ngoắc thằng nhỏ con Lợi khoèo đang chơi gần đó, chạy qua mua tí gì về lai rai. Hắn còn hào phóng bao luôn thằng cu mấy đồng tiền lẻ. Chợt hắn nghĩ, khi có tiền thằng nào chả đại lượng, chả phóng khoáng ra trò. Cứ soi vào bụng hắn thì hắn đến khoái lắm, cái thằng chưa từng cho vợ con một ngày sung sướng, đói khổ chạy từng bữa ăn, mà cũng có gì đâu, lúc nào cũng chén mắm trong, mặn chát. Nhìn con cái hắn ốm lòi sườn, mũi dãi lúc nào cũng lòng thòng mà hắn căm không chịu được. Hắn căm đời hắn. Còn con vợ hắn, đeo đét tới khổ sở, tóc tai lúc nào cũng bù nhùi nhưng hắn lại rất thương. Nghĩ lại ngày hắn chưa cưới vợ, hắn yêu con đàn bà ấy lắm chứ. Vậy mà nghèo đói lại chẳng buông tha mà bám riết, vần hắn trong vũng nhục. Ngày con hắn đau, khóc thét, hai vợ chồng hắn thay nhau chạy quýnh chân, cũng chẳng ai dám cho hắn vay lấy một đồng. Nhìn con hắn tím tái mà hắn uất lên muốn khóc, muốn đá văng tất cả, đá văng cảnh đời khốn nạn.
Nhưng giờ thì ổn rồi, hắn đã có tiền, hắn sẽ mua đồ ăn ngon cho vợ con hắn, hắn sẽ mua ti vi cho vợ con hắn xem. Hắn sẽ vênh lên cho ả vợ hắn thấy hắn cũng giỏi lắm. Hắn nghĩ, nhà nước kể cũng tốt ra trò, khoản đãi người nghèo, cho hắn chen chân vào một suất vay xoá đói bởi cái dự án trang trại mà người ta hướng dẫn. Cầm trong tay ba mươi triệu, hắn tính toán sẽ làm một trang trại hoành tráng. Hắn sẽ thả cá nuôi bò. Cái lợi thu hàng năm cũng dư dã cho vợ con hắn đầy ăn đủ mặc. Hắn sẽ đếch cậy vạ vào thằng nào. Rồi cũng lắm kẻ phải chạy theo mà tán dương hắn. Hắn cười khoái trá trong viễn tưởng của chính mình, chợt Lợi khoèo mời hắn nâng cốc. Hắn chễm chệ tu luôn một hơi rồi khà một tiếng rõ vang:
– Anh nói chú nhé! Cái thời buổi này, có tiền thì thằng chó nào chẳng hay chẳng giỏi, nhưng cốt là ta biết xoay làm sao để tiền nó lại đẻ ra tiền. Lần này chú thích thì theo anh, anh có tiền đây mình mở trang trại.
Nghe hắn nói, Lợi khoèo tỏ vẻ ngơ ngác nhưng ánh mắt lại sáng lên như cởi cờ trong bụng. Hắn nhủ thầm, chả bõ công ngày trước hắn anh anh em em với nó. Nghĩ cái thâm tình của Lợi khoèo và hắn chỉ gặp nhau của hai kẻ nát rượu. Cả hai lại dìu nhau trong cái mộng đời mà hắn nghĩ là đích tuyệt.
Màn đêm nhè nhẹ ru cảnh vật bằng cái ươn ướt của sương núi và thoảng vài ngọn gió nhẹ tênh, làm hắn thấy lạnh. Chợt hắn rùng mình, sực nhớ là khi đi đã hứa mua gì về cho tụi nhỏ, nhìn sang Lợi khoèo đang gù gật, hắn nhếch mép cười:
– Chú còn phải tập luyện cho cừ vào, bữa nào anh em mình lai rai một bữa cho đời nó lên tiên!
Nói xong hắn lịu xịu ra về, ánh trăng hắt bóng hắn xuống con đường đất đỏ lởm chởm đá dăm. Tự dưng hắn thấy buồn buồn rồi hắn hát. Câu hát chẳng đầu chẳng cuối, cứ nhập đoạn này rồi mất đoạn kia. Được một quãng hắn rẽ vào quán bà Trinh già, hắn định bụng phải mua gì đó cho lũ nhỏ. Nghĩ đến cảnh bốn đứa đang háo mắt trông hắn về mà hắn thấy vui vui. Hôm nay có tiền rồi hắn sẽ xả láng một bữa, tội gì mà kì kẹo trong lúc túi tiền rúc rích, vợ hắn, con hắn chứ ai vào đây.
Vừa về đến, hắn đã oang lên, nồng sặc mùi rượu. Thấy vợ nhăn nhó, hắn cười xuề xoà rồi vòng tay ôm vợ nũng nịu, mấy đứa nhỏ thấy vậy cười ran lên. Đã lâu lắm hắn mới có được cảm giác này, hắn thấy hạnh phúc, tự dưng cười mà nước lại ứa ra cả khoé mắt. Tự dưng hắn thấy mình trẻ con quá. Lũ nhỏ vẫn ngốn ngấu mớ quà bánh hắn mang về trong niềm sung sướng thơ ngây.
Mấy ngày nay hắn bận túi bụi, sáng ra cầm rựa vào rừng hết quan sát rồi lại nhẩm tính, kiểu gì cũng không xong. Đất rừng núi cứ ngoan cố, hết cao chỗ này rồi trũng chỗ kia. Hắn tìm mãi vẫn không được mắt địa thế để đào ao thả cá, ngó bộ cũng khó khăn lắm.
Chiều về, ăn cho xong bữa hắn ra sân ngồi trầm tư suy nghĩ. Mọi suy tính cứ rượt nhau trong đầu óc nhưng chẳng rõ hình thù. Không gian đã bắt đầu giăng lên bức màn tối còn loang lổ vài mảng trắng xa xa, lũ bù mắt kéo nhau túa ra dày đặc. Vài cánh chim bắt muỗi cũng sải cánh lượn vòng trên đầu hắn như mặc sức vùng vẫy, xuyên toạc bóng đêm đang vùng vằng nham nhở.
Rít xong điếu thuốc, hắn vơ vội áo thủng thẳng bước đi mặc cho vợ hắn gọi với theo. Hắn tạt qua nhà Lợi khoèo định làm vài ly lai rai rồi cả hai bàn tính. Tiền trong túi đã vơi đi lưng lửng trách sao hắn không lo. Ăn tiêu thì thoả đấy nhưng cái nợ nó còn trì nặng trên đầu trên cổ. Được một lúc, cả hai quyết định không nghĩ ngợi gì nữa. Đắn đo hoài cũng chả tới đâu, vậy là sáng hôm sau hắn kêu thêm vài người đi thực hiện cái ý tưởng sẽ lật trang cuộc đời hắn. Kế hoạch chỉ còn bước thực hiện là xong, hắn nghĩ thế là ổn. Ngày nào thằng hắn cũng hân hoan vui vẻ lắm, tự dưng hắn thấy cuộc sống đầy ý nghĩa, và nhất là khi đã vui thì không thiếu rượu được, cả đám đàn ông ít nhất cũng dăm người cùng khà khề huynh hữu. Rượu vào hắn lại rút điện thoại ra, cái điệu bộ sành điệu hả hê. Có những tối họp thôn hắn ngồi chễm chệ ngay giữa phòng, giương điện thoại mở nhạc oang oang, nhưng cũng lắm con mắt thích thú và ao ước, biết thế thằng hắn càng được thể hãnh diện.
Ao cá đào xong nhưng khó nhất là đang mùa khô, nước khe cứ ri rỉ, kiểu này hắn lại phải mở đường nước mới xong.
Công việc đào ao đâu đã vào đó, đứng trên đồi nhìn dòng nước trong vắt chảy vào đầy ao mà hắn thấy phục mình chi lạ. Chỉ còn khâu mua cá thả vào, hắn nghe người ta móc nối nên cũng biết vài chỗ giống tốt. Mồ hôi vã ra đầm đìa cũng không ngăn đươc viễn cảnh đang dệt thảm trong đầu hắn. Hắn cười khùng khục đắc chí, rồi hắn nghĩ phải làm thêm một cái chòi nhỏ để ở trông coi cá, và không quên sắm một can rượu rõ to. Hắn định bụng dần dạo giải sầu. Mấy ngày nay Lợi khoèo và hắn cứ quấn nhau như hình với bóng, nghĩ cũng đồng tâm tương cảnh.
Thời gian cứ trôi qua, đêm đó hắn uống say rồi ngủ béng lúc nào không hay. Trời gần sáng, sương toả xuống rỉ qua chòi nhỏ làm hắn thấy lành lạnh. Hắn trở mình suy nghĩ, tự dưng hắn thấy buồn buồn không yên, nghĩ đến trận đòn hôm qua hắn lỡ tay đánh vợ mà hắn bứt rứt. Cứ nhìn mấy tờ giấy báo nộp tiền ngân hàng lòng hắn lại nóng lên chồn dạ, thêm cái lèm bèm của đàn bà, trách sao hắn không kìm cái khốn nạn mà nện luôn một đà.
Nhìn ra mặt ao, mọi thứ tĩnh lặng không một tiếng động như đang vùi trong sương mà ủ giấc. Hắn lo lắng, thấy trên ti vi người ta nuôi cá chúng cứ nhung nhúc khắp ao, còn cá của hắn lại lặng tờ không thấy. Tiền của hắn đổ vào đó, nếu vụ này thất bát đời hắn chỉ còn thiếu nước ăn mày.
Trời đương giữa hạ, nắng gay gắt. Tự dưng mấy ngày nay đổ mưa ròng rã không ngớt. Hắn nằm co ro, nhìn bong bóng bì bụp trên nước, gió lùa mưa phất tạt vào sạp hắn nằm lạnh ngắt. Được một lúc vợ hắn đưa cơm ra. Mưa làm tóc thị bết lại chẹp nhẹp, hai cái ống quần ướt hít sát vào hai ống chân tong teo. Thị đon đả rút nồi cơm bọc trong túi ni lông rồi bảo hắn ăn.
– Chỉ thế thôi à?
Hắn hỏi vợ mà ánh mắt chun lại như một đứa trẻ. Đặt giữa nồi chỉ vỏn vẹn chén nước mắm trong gọn lỏn. Hắn ngao ngán và ăn cho hết bữa.
– Ngân hàng lại gởi giấy đòi tiền. Mình xem cá lứa này bán tháo được chưa, tôi lo quá! Mưa thế này coi chừng nước tràn bờ là coi như hết.
– Đúng là đàn bà! Chả việc quái gì phải lo. Tôi tính toán cả rồi, tràn thế nào mà tràn. Thôi! Mang đồ về trông con.
Thị cũng chả còn lòng dạ nào cà nề với hắn, đứng lên quàng vội tấm ni lông rồi lẩn vào làn mưa.
Nằm trơ một mình hắn suy nghĩ vu vơ theo điệu nhạc từ cái điện thoại hắn mua bằng tiền vay. Rồi hắn nhớ lại những lần say sưa cùng mấy ả quán bia ôm đầu thôn mà thích thú. Mặc cho gió cứ rú từng hồi dài quật những sợi mưa liêu xiêu bốn phía. Đến đêm, nước trong nguồn ào ra như lũ quét. Gió quất mạnh làm hắn thức giấc. Hắn đội vội cái nón cời rách chạy ra phía bờ. Nước đã mấp mêm sắp tràn. Nhìn xung quanh lênh láng nước. Kiểu này trời hại hắn rồi, hắn chạy quýnh tìm đường tháo nhưng chỉ thấy nước ngày tống càng lúc càng mạnh. Quýnh quáng, hắn chạy về gọi thêm Lợi khoèo và vài người giúp sức. Hắn la toáng lên đắp thêm bờ chặng nước tràn ra. Mưa càng lúc càng to, ếch nhái cũng hoảng mình lặng tiếng. Lâu lâu vài đường sét lại xé toang cái màn đẫm nước như gầm gừ hăm he muốn chém toạc bóng tối.
Đương lúc lúi cúi đào vét, chiếc điện thoại rơi tõm xuống nước, hắn giật mình tiếc của, mò mẫn tìm kiếm. Cầm chiếc điện thoại chảy ròng nước trên tay, hắn ném luôn một đường, điện thoại lăn lộc cộc trên sàn lán. Hắn lại hì hục, nước mưa hoà lẫn mồ hôi chảy dài trên đầu trên mặt hắn mặn chát. Ông trời như bị thảm mây đen che lấp cứ mặc nhiên xối nước xa xả không ngớt. Mọi người đã bắt đầu thấm mệt, chỉ còn đành đoạn nhìn nước vô tình lùa cá của hắn phăng đi. Vợ hắn cũng chạy quýnh ra, thị chỉ kịp vơ vội cái mâm ăn che lên đầu. Nhìn thấy nước lênh láng thị bủn rủn buông tay kêu trời thảm thiết. Thị cũng chẳng đứng nổi mà khuỵ luôn, đất văng lên bẹp nhẹp vào tóc.
Trời cũng hưng hửng sáng, xung quanh một tràng nước vàng đục vẫn lặng im chảy. Mưa bắt đầu tạnh, mọi người cũng tản về, có muốn giúp cũng không được nữa. Chỉ còn hai vợ chồng hắn còn ngồi trơ giữa trời. Tay hắn bắt đầu run lên còn mụ vợ cứ ư ử như không còn chút sức lực để kêu gào. Mà có gào cũng chả ai nghe, chỉ có tiếng ếch nhái vọng lại từng hồi râm rả.
Vậy là hết, hết thật rồi. Tiền của bị nước cuốn đi, nghĩ lại đống giấy báo tiền lãi ngân hàng xếp chồng đợi ngày trả hắn chỉ muốn chết đi cho xong. Cái thằng hắn chưa bao giờ kiếm được lưng triệu chứ đừng nói là ba mươi triệu. Lão già nhà hắn cả đời sống nghèo đói, đến khi chết cũng chỉ dựng được cái nhà tôn lụp xụp. Trắng tay rồi. Hắn mệt mỏi miệng chả buồn động tiếng quay về, mưa tạt những hạt nhẹ tênh vào người hắn rát buốt.
Từ ngày lũ quét, hắn không bước chân ra ngoài. Suốt ngày cứ trầm tư như đang mưu tính điều gì, hễ vợ hắn nhăn nhó hắn lại nổi khùng lên hung dữ, có lúc trút giận lên đầu mấy đứa nhỏ. Hắn thèm được say, thèm được quên. Khốn nỗi, tiền cháy túi có muốn được uống say để quên phắt đi cũng chả được. Lợi khoèo mấy ngày nay cũng mất biệt. Có lần trên đường về, hắn nghe người ta kháo chuyện nhà hắn, nghe đâu không có tiền trả cả lời lẫn lãi sẽ bị bắt tù chứ chẳng chơi. Tiền chẳng đẻ ra tiền mà bị trói vào vòng tù tội, hắn sợ phải ngồi tù, sợ cảnh bị giam cầm. Con số ba mươi triệu cứ vờn đi vờn lại trong đầu làm hắn đến thấp thỏm. Hắn đào đâu ra ngần ấy tiền mà trả nợ, cả mớ giấy báo lãi còn chình ình ở nhà. Hắn đến chết thôi, mải gióng tai nghe người ta kháo nhau, hai chân lập chập làm hắn ngã chúi nhùi xuống đường.
Mấy ngày sau, hắn đột nhiên vui vẻ hẳn lên. Hắn kéo cả bốn đứa nhỏ ra giếng tắm cho từng đứa một. Đến chiều chẳng biết mang ở đâu về con gà mái già, đi luôn vào bếp chuẩn bị cơm tối. Vợ hắn đi làm về thấy là lạ nhưng cũng vui lắm. Tối đó, mấy đứa con được ăn no, đùa giỡn một chút rồi lăn ra ngủ say. Nhìn con hắn mà hắn thấy mình có lỗi, cái thằng cha như hắn chả ra gì. Rồi hắn quay sang rủ rỉ với vợ. Nhìn hành động khác ngày của hắn thị không khỏi thắc mắc. Như sực nhớ ra điều gì, hắn ngồi bật dậy lấy cái chổi con quét bàn thờ ông cụ, chỉnh lại cái bàn thờ lâu nay sắp rơi trên vách. Hắn lẩm bẩm khấn.
Đêm từ từ trôi, hắn vẫn trằn trọc. Lắng nghe tiếng thở đều của mấy đứa nhỏ mà lòng hắn thắt lại, vợ hắn vẫn đang say ngủ sau một ngày đi cuốc đất mệt lả. Hắn nhìn vợ con một lượt trong cái nhoè nhoẹt rồi rón rén vơ lấy sợi thừng trên vách đi thẳng ra đêm tối. Hắn phải đi kết thúc cuộc đời, hắn phải chết, hắn sống một cuộc đời vô tích sự, những tưởng sẽ mang lại cho vợ con cuộc sống sung sướng, được đổi đời, nhưng cuối cùng nợ vẫn đang ngập lút đầu. Cảnh tù tội đang chờ hắn. Hắn không thể vào tù, không thể thế được. Chết! Chết là hết, nhà nước sẽ xí xoá, sẽ hết nợ. Đó là lối thoát hi hữu nhất bây giờ. Hắn đinh ninh thế và hắn đi, cái bóng khập khiễng trong đêm lờ mờ hệt như một vong hồn vật vờ vô định. Hắn đứng trước ao cá cạn khô chỉ có vài trũng con còn đọng ít nước mưa là phảng phất ánh sáng mờ nhạt của trăng. Mọi kỉ niệm cứ thi nhau ùa về dội vào tim hắn thật đau. Hắn khóc như kẻ tội nghiệp đang bị dồn vào đường cùng.
Ngồi được một lát hắn đi xa hơn vào rừng. Gió thổi mỗi lúc một mạnh, ù ù qua tai, tự dưng hắn thấy nổi da gà, thấy lạnh gáy. Tà áo phía sau cứ phần phật như hối thúc.
Nhìn thòng lọng treo ngang cành cây hắn thấy ơn ớn, cơ mặt cứ giật từng hồi, hắn thôi không khóc nhưng nước còn rịn chặt trên mặt. Nhắm mắt thật chặt, hắn bước lên, vĩnh biệt tất cả, gia đình hắn, vợ hắn con hắn, cả cái mảnh đất vùi hắn trong góc nghèo. Hắn cảm giác đau đớn, cái nặng trì đang siết chặt ở cổ. Hắn vùng vằng, sợi dây vẫn khinh khỉnh siết, gió vẫn ù ù như giằng hắn đi. “Hịch”! Hắn rơi tõm xuống co ro một đống, hắn quờ quạng, thì ra trong lúc vội hắn vơ phải sợi thừng mục. Hắn nấc lên nức nở, đấm tay vào đất. Sao trời còn trêu ngươi hắn cả lúc hắn muốn chết, tàn nhẫn bắt hắn chết đi sống lại.
Đột nhiên hắn im bặt, nghiến chặt răng đứng lên định bụng làm lại. Sợi dây vất ngang cành cây phật phờ. Hắn ngồi bệt xuống mệt mỏi, hắn lại khóc. Hắn sợ cảm giác nghẹt thở. Sợ chết. Nhìn chung quanh mọi thứ vẫn mờ mờ chỉ toàn tiếng nước chảy và côn trùng âm ỉ, cả tiếng cú rùng rợn người thê thiết.
Suy nghĩ một lát hắn quẹt ngang mắt rồi chạy thật nhanh như ma đuổi, chả việc gì phải chết, hắn chết thì vợ hắn con hắn biết trông vào ai. Hắn là đàn ông mà, ngày trước hắn chả vỗ ngực tự đắc là gì.
Về đến nhà, nhìn mấy đứa nhỏ vẫn đang mê man cười ngay trong giấc ngủ, hắn thở dài nhưng rất khẽ. Hắn bẽn lẽn nằm nhẹ bên cạnh vợ, hơi ấm phả ra ôm toả lấy hắn, ghì chặt. Mọi thứ vừa diễn ra như một cơn chiêm bao, thật đau và thật nhanh. Bên ngoài gió vẫn lùa vù vù qua vách mang theo tiếng chó ăng ẳng và tiếng gà gáy sớm. Ngày mai sẽ lại đến, hắn sẽ lại tìm lối thoát của đời mình. Nhưng chí ít hắn thấy mình không cô độc. Hắn thiếp đi trong cái ươn ướt của mắt.
CẨM GIANG