Truyện ngắn Nguyễn Duy Hiến: Tìm về nẻo khuất

Vanvn- Đêm. Tiếng rì rì từ xa mỗi lúc càng rõ dần. Hẳn là đoàn xe Zil 130 của anh đang chở hàng vào. Cánh nữ thanh niên xung phong trực chiến tại ngầm Eoloi lo lắng hồi hộp chờ đợi. Vẫn là chàng lái xe đẹp trai vui tính quê Hải Dương dẫn đầu.

Mặt ngầm loa lóa pháo sáng máy bay Mỹ thả. Xe qua ngầm Eoloi chạy chậm, các xế nghiêng đầu ra miệng nở nụ cười thân thương. Hầu như mặt chàng nào cũng nhuốm khói bom lẫn bụi đường. Từ Quảng Bình vào đến Lộc Ninh, qua bao nhiêu trọng điểm, nhiều cánh rừng và nhiều đoạn đường bị bom địch tàn phá cây cành trơ trụi không còn chiếc lá. Huệ Minh và đồng đội mỗi lần nhìn thấy các anh lại nao lòng…

Nhà văn Nguyễn Duy Hiến ở Bình Phước

Tình yêu giữa cô gái thanh niên xung phong (TNXP) và chàng lái xe trận mạc vụt lên giữa gian truân, khổ ải, chết chóc của chiến tranh cứ như một chồi xanh nhú lên trên mảnh đất cằn cỗi, hút gió sương mà bật lá ra cành. Chiến tranh càng khốc liệt bao nhiêu thì tình yêu càng nồng cháy bấy nhiêu. Cô lúc nào cũng nhớ đến anh. Nhớ gương mặt, giọng nói, nụ cười và lúm đồng tiền bên má phải. Càng xa càng nhớ. Càng ác liệt càng mong.

Xe vào. Các cô gái đứng thành hai hàng hai bên, tay cầm đèn , tay vẫy vẫy. Từng chiếc xe bò qua, nước dạt ra hai bên bắn ướt lên áo các cô gái. Đoàn xe qua khuất mỏm núi trước mặt, mọi người vẫn dõi theo. Đằng trong tiếng bom vọng lại từng hồi.

***

– Chuyến đi trót lọt, bom địch như vãi trấu vẫn không hề hấn gì.

Xe quay ra, Hữu Luân “thông báo” cho Huệ Minh và đồng đội của cô biết. Anh cười, nụ cười rất tươi. Những chuyến xe chở hàng từ Bắc vào Nam là thông điệp kết nối hai miền, chứa chất bao nỗi nhớ thương quê nhà của những người chiến sĩ. Huệ Minh khó diễn đạt hết được tình cảm với những chiến sĩ lái xe. Họ với các cô cùng chung trọng điểm, bom đạn, khí hậu, sốt rét, muỗi, vắt và cả chất độc hóa học Mỹ rải xuống nhiều đợt.

Nhiệm vụ của Huệ Minh và đồng đội là đảm bảo thông đường cho xe qua. Trên tuyến đường ác liệt ấy, tình yêu người lính đẹp như đóa hoa rừng. Cô khắc nét dáng hình, ánh mắt, nụ cười của chàng lái xe có tên Nguyễn Hữu Luân, quê tỉnh Hải Dương. Hữu Luân tốt nghiệp cấp 3 rồi tình nguyện đi bộ đội vào tháng 4/1970. Anh được đi học lái xe và phục vụ tại Sư đoàn 473, Đoàn 559.

  ***

Con đường bị tắc trước khi vượt ngầm Eoloi. Đoàn xe quân sự chở hàng vào tập kết tại huyện Lộc Ninh phải dừng lại. Bộ đội lái xe cùng với chị em TNXP cấp tốc giải phóng mặt đường. Máy bay địch thả bom, bắn róc-két xới tung cả khúc đường trước mặt. Hữu Luân và đồng đội cho xe vào rừng ẩn nấp và cho lá ngụy trang dày thêm. Anh nhớ có những lần mưa lớn, đường đứt lở lầy nhầy đất đỏ ba zan lẫn sỏi đá, xe một cầu Zil 130 dễ mắc lầy, thế là… dô ta… dô huầy… các o TNXP và bộ đội lái xe ra sức gò lưng đẩy. Một đêm nghỉ lại bên lán của đại đội nữ TNXP bảo vệ đường. Đêm tĩnh lặng giữa rừng già. Ánh trăng 14 nhô lên hẳn ngọn cây kơ nia. Tiếng chim chóp bóp phía bên suối vọng lại. Hai người ngồi bên nhau. Tình yêu của Hữu Luân với Huệ Minh bắt đầu từ đêm đó. Tuổi 18, Huệ Minh xinh xắn trong bộ áo quần TNXP màu cỏ úa. Mái tóc xanh vẫn còn dày dẫu Huệ Minh đã qua mấy cơn sốt rét rừng vật vả. Hữu Luân nắm bàn tay Huệ Minh và nhìn cô say đắm, thân hình gọn, ngực nhô cao đầy đặn. Anh ôm Huệ Minh, hơi thở của hai người như hòa vào nhau, cô thắc thỏm chờ đợi… Ánh trăng hắt xuống ngời ngời trên mặt suối. Bóng cây đa sộp già trùm lên không gian chỗ hai người ngồi.

– Gặp được các anh chúng em mừng lắm. Nhớ lại ngày đầu gặp nhau ở bãi khách gần sông Đắc Quýt, xe các anh qua đúng lúc máy bay địch nhào đến bỏ bom. Cũng may xe các anh lẫn vào rừng tránh kịp. Chiến tranh khốc liệt quá anh Luân hỉ. Sống chết không biết khi mô?

Tranh của họa sĩ Hoàng A Sáng

Là người lính lái xe đường Trường Sơn những năm tháng chiến tranh ác liệt, Hữu Luân làm sao quên được từng giây phút “đội bom” trên trọng điểm cùng các cô gái TNXP kiên cường. Hữu Luân nhớ mãi cái đêm đó. Một đêm mà Huệ Minh đã cho anh làm một người đàn ông thật sự…

Huệ Minh áp sát vào anh hơn, nóng hổi như đang bốc hơi, đang sắp bùng nổ. Có thể vì thế mà anh yêu em suốt đời. Nhớ lắm. Nhớ rất nhiều cái chất giọng trọ trẹ mặn mà và nụ cười xinh xắn của em, cô gái TNXP quê Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình. Ánh mắt tinh nghịch của Huệ Minh cứ mỗi lần gặp xe anh quay ra: “Anh ơi, nhớ mang quà ngoài nớ vào cho chúng em với nhé!”. “Được rồi, anh nhớ…!”. Hữu Luân quay vào: “Quà các em đây!”. Anh trao mấy thỏi lương khô, cân đậu phộng và ít khoai deo cho Huệ Minh. “Đặc sản… khoai deo… dẻo, dai và ngọt của Quảng Bình quê ta ơi, đó em!”. Huệ Minh cầm những thứ anh đưa, xúc động. Chuyến đó, Hữu Luân quay ra thì hay tin Huệ Minh bị thương.

– Huệ Minh bị thương ở chân trái anh ạ. Khi đơn vị đang san lấp hố bom thì bất ngờ máy bay Mỹ nhào tới trút bom. Cũng may vết thương không nghiêm trọng lắm. Chắc tuần sau chị ấy mới trở lại hiện trường.

Chị đại đội trưởng TNXP cho Hữu Luân biết lý do Huệ Minh vắng mặt trên cung đường.

– Xe đang gấp nhận hàng chuẩn bị cho chiến dịch lớn giải phóng miền Nam. Chị cho tôi gửi món quà nhỏ này cho Huệ Minh với nhé. Có dịp tôi ghé thăm cô ấy. Giờ gấp lắm chị. Lệnh trên phải chuyển hàng thần tốc.

Hữu Luân trao lá thư viết vội cho chị đại đội trưởng rồi nhảy lên ca-bin nổ máy. Chiếc xe lao nhanh kịp đồng đội chìm vào màn đêm đen mịt.

  ***

Đến bữa, Huệ Minh ăn ít hơn và thường nôn ọe. Trạng thái đó không lọt qua được đôi mắt của chị đại đội trưởng. Nhìn Huệ Minh với ánh mắt dịu hiền, chị nói giọng Thái Bình nhỏ nhẹ:

– Em thấy trong mình có làm sao không?

– Em đâu có chi mô. Vẫn rứa mà! – Huệ Minh lí nhí trả lời.

– Thôi, đừng giấu chị nữa. Nhìn sắc mặt và ánh mắt em chị biết…

Huệ Minh im lặng. Chị đại đội trưởng đến đứng sát bên đặt bàn tay lên vai Huệ Minh và nói:

– Đang hờn trách người yêu phải không? Anh ấy đang có nhiệm vụ đặc biệt… Và, hình như em đang có… Chị không cấm các em yêu nhưng em biết rồi đấy, mình là phận gái lại đang còn chiến tranh.

Cùng phụ nữ, chị biết rõ hơn ai hết sự thiệt thòi mà các cô gái trẻ phải chịu đựng. Từ khi về chung đơn vị, chị đã xem Huệ Minh như em gái của mình. Chị thấu hiểu và thông cảm cho Huệ Minh. Vả lại, chị tin chàng lái xe quân sự mà Huệ Minh chọn là người xứng đáng với em ấy. Làm người chỉ huy trong đơn vị hầu hết là nữ không phải không có những cái rắc rối của nó. Chuyện tình cảm khó cấm đoán nổi. Các cô đang còn trẻ. Tuổi này là tuổi của hò hẹn yêu đương. Những cái ôm, nụ hôn của bạn tình là một phần cuộc sống. Đến mình cũng khao khát huống chi các bạn trẻ. Trong sinh hoạt, chị thường xuyên nghiêm khắc nhắc nhở về chuyện quan hệ nam nữ. “Các em nên nhớ, khôn ba năm dại một giờ. Yêu thì yêu nhưng không được nể nang. Cánh đàn ông đàn ang là ham chuyện đó lắm. Thấy bở thì đào. Đào đến khi nào thủng thì thôi. Một lần được thì đòi thêm lần khác. Các em phải kiên quyết ngăn ngừa từ đầu”.

Chị đại đội trưởng ôm Huệ Minh vào lòng:

– Đừng khóc nữa em. Mọi chuyện sẽ tốt đẹp thôi mà. Mấy anh lái xe chở hàng vào mặt trận chịu nhiều bom đạn. Chị em mình không thương mấy anh thì thương ai.

 ***

Đội xe của Hữu Luân đợt này ra kho Ba Trại ở Bố Trạch, Quảng Bình nhận hàng và cấp tốc quay lại theo đường 20 – Quyết Thắng. Huệ Minh mong gặp được Hữu Luân để báo tin vui là mình đang mang thai. “Nếu con trai chúng mình sẽ đặt tên là Trường Sơn. Còn nếu con gái ta đặt tên là Hương Lan anh nhé!”.

Tốp phản lực Mỹ đi đầu bay qua…. rạt… rạt… ầm! ầm! Từng loạt bom rung chuyển cả khu rừng. Mọi người chỉ kịp quăng cúp, xẻng chui nhanh vào các căn hầm dã chiến. Cung đường ngầm Eoloi mịt mù khói bom đen đặc. Phía trong, đội xe chở hàng quân sự đang quay ra mắc kẹt giữa đèo Lung. Pháo cao xạ của ta nã đạn tới tấp áp đảo tốp phản lực đang điên cuồng ném bom, bắn róc-két xuống trọng điểm đèo Lung. Xe Hữu Luân đi đầu, lợi dụng trong làn khói bom giăng kín anh bật đèn pha chạy tách đội hình vào con đường tránh. Máy bay Mỹ bỏ mục tiêu ban đầu bám sát vào chiếc xe bật đèn sáng trắng trút bom. Một ánh lửa lóe lên trùm kín chiếc xe quân sự. Những chiếc còn lại kịp thời vào sâu giữa rừng già.

Ngớt tiếng bom, đại đội TNXP trở lại hiện trường. Tiếng cúp, cuốc, xẻng ào ạt lấy đất đá san lấp hố bom. Tiềng rì rì của đoàn xe chuyển bánh lần lượt bò ra đường chính. Chiếc xe đầu tiên… Anh Hữu Luân! – Huệ Minh reo lên. Cô chạy lại, tiếp theo là chị đại đội trưởng. Anh tài xế ló đầu ra mặt mày còn dính khói bom. Không phải anh Hữu Luân. Thế anh đâu? Thường chuyến đi nào cũng thấy anh dẫn đầu mà! Huệ Minh lo lắng. Cô linh cảm như có điều gì đó rất đau đớn đến với mình. Huệ Minh cố giữ bình tĩnh hỏi người lái xe:

– Thế anh Hữu Luân đâu anh? Mà sao thấy chỉ có bảy xe, thường thì mọi chuyến ra vào em đếm đủ tám xe mà!

Anh tài xế thở dài kể nhanh câu chuyện đoàn xe quay ra đang trên đèo Lung thì gặp máy bay Mỹ chặn đánh. Mặc dầu được bộ đội pháo bắn yểm trợ cho đoàn xe vượt đèo nhưng địch vẫn đeo bám bắn phá ráo riết. Để bảo toàn cho đồng đội, Trung sĩ Hữu Luân đã cho xe mình tách đội hình bật đèn pha chạy qua đường khác thu hút máy bay địch. Chừng cây số xe anh bị trúng bom. Chiếc xe tan tác, đồng chí Hữu Luân hy sinh, anh em vẫn chưa tìm thấy xác. Đại đội pháo, các anh đang thay nhau đi tìm thi thể Hữu Luân.

Trời! Huệ Minh kêu lên vậy rồi ngất xỉu. Chị y tá cõng Huệ Minh về lán. Còn lại những cô gái TNXP vẫn tiếp tục công việc san lấp đường kịp thời cho đoàn xe quay ra.

***

Trước nấm mộ gió cỏ phủ dày. Trường Sơn đứng bên mẹ chắp tay vái ba. Cạnh dĩa trái cây, hai nén hương bừng cháy màu hồng vẽ lên trời những đường khói mây màu trắng. Xôn xao trong gió, Huệ Minh nghe có tiếng của đoàn xe quân sự chở hàng và Hữu Luân ló đầu ra đưa tay vẫy vẫy. Tiếng hát của những cô gái TNXP tại cung đường ngầm Eoloi, cất lên át tiếng bom rền.

Vào một ngày thanh minh, Trường Sơn theo mẹ và các bác cựu chiến binh trong đội lái xe quân sự chuyển hàng năm xưa đến cung đường ngầm Eoloi đưa ba mình về Nghĩa trang Liệt sĩ huyện Lộc Ninh, tỉnh Bình Phước. Nắm đất nâu nằm trong vuông vải đỏ là hình hài thân thể xương cốt của ba anh. Rưng rưng nước mắt, Trường Sơn hiểu được nỗi thương đau mất mát của bao gia đình qua chiến tranh tàn khốc. Sự hy sinh vô giá của hàng triệu người con đất Việt, trong đó có bộ đội, TNXP, dân công hỏa tuyến… để có ngày độc lập thống nhất non sông. Có bao cán bộ, chiến sĩ không về hoặc chỉ về với nắm đất không dưới nấm mộ gió hoang sơ lạnh lẽo. Và rồi cho mãi đến hôm nay những cựu chiến binh già vẫn đang cùng các chiến sĩ trẻ tìm kiếm hài cốt liệt sĩ trên mọi nẻo khuất các chiến trường trong nước và nước bạn Lào, Camphuchia.

NGUYỄN DUY HIẾN

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *