Truyện dài thiếu nhi của Huỳnh Văn Quốc: Tiếng vọng ngày xanh – Kỳ III

Vanvn- Lâu nay, vườn trại là nơi giồng giộc làm tổ nhiều nhất. Trên mấy đọt dừa đọt cau, tổ lủng lẳng như những chùm quả. Những đọt tre cao, giồng giộc cũng làm tổ phất phơ trong gió. Hàng tre sau nhà, bên trên là giồng giộc, chim sẻ ríu ra ríu rít suốt ngày, bên dưới là những đôi chim cuốc làm nơi trú ngụ. Nhiều hôm, tiếng cu cườm, cu lửa cất tiếng gáy giòn, gọi mời bè bạn nhà chim tụ về càng thêm rộn rã.

Nhà văn Huỳnh Văn Quốc

>> Truyện dài thiếu nhi của Huỳnh Văn Quốc: Tiếng vọng ngày xanh – Kỳ II

>> Truyện dài thiếu nhi của Huỳnh Văn Quốc: Tiếng vọng ngày xanh – Kỳ I

 

CHƯƠNG IX

RAU VƯỜN NHÀ

 

Những ngày phải ở nhà một mình, cho dù công việc nấu cơm có làm tôi chán đến mức nào, cuối cùng cũng thành quen. Một nồi cơm năm người ăn, chỉ riêng việc nhóm lửa đã làm cho tôi nước mắt nước mũi ròng ròng. Trong nhà không sẵn củi, phải tự đi kiếm lấy. Quanh vườn chỉ toàn gai tre, ngày thường tôi ghét chúng vô cùng, vậy mà giờ đây tôi mới quí chúng làm sao. Có hôm tôi nấu cơm bị sình cũng vì thiếu củi. Lửa bếp như trêu ngươi, cứ ngoi lên vài tia rồi tắt ngấm, mãi đến khi cả nhà về đông đủ rồi mà nồi cơm vẫn chưa chín!

Những lần như vậy làm tôi cứ ám ảnh mãi, phần sợ mẹ mắng, phần lo mẹ đói mệt. Vậy là từ sớm tôi đã leo rào rút những cành tre khô gom lại thành bó. Những nhánh gai chìa ra xây xướt chân tay. Tôi đã biết tiếc từng que nhỏ nên sự đau rát đâu có thấm tháp gì. Tôi chụm dè sẻn từng cây, đến khi nồi cơm vừa chín là dừng ngay lại, sợ phí! Cây củi tre gai góc chẳng phải quí giá gì, vậy mà những lúc này cũng làm cho tôi khổ sở quá.

Cơm do tôi nấu càng ngày ăn càng ngon. Mẹ khen là khéo hơn chị Bốn nấu! Không chỉ có cơm, những nồi canh tập tàng cũng được cả nhà tán thưởng. Vườn nhà tôi vốn cằn cỗi, bốn xung quanh đều có tre bao bọc, đất rập và thiếu nước. Vậy mà rau nấu canh thì không thiếu. Những loại rau tôi thuộc làu, đến mức cảm thấy thân thiết như những bạn bè thầm lặng. Mỗi lần hái xong, tôi lại tưới nước và chăm sóc cẩn thận cho chúng xanh thêm.

Rau thuộc loại dây leo có mồng tơi, rau bát. Thật mát lòng nếu trưa nắng sau buổi làm về, trong bữa cơm có chén canh như thế. Tuy cùng họ dây leo, nhưng hai loại rau này không hoàn toàn giống nhau. Rau bát mọc ở các bờ rào, leo có khi lên tới đọt tre. Gặp nơi mát mẻ, dây bám chằng chịt vào cành, lá trĩu từng chùm một màu xanh đằm thắm. Rau bát nấu canh có vị ngọt pha bùi, nhai kỹ nghe có chút ngầy ngậy ngấm vào trong cổ, đơn sơ mà đậm đà, đã mát lại ngon lâu. Rau mồng tơi chủ yếu mọc gần quanh giếng, tự nhiên cũng có, do người trồng cũng có. Lá mồng tơi không sậm như rau bát, màu xanh nó có phần sáng hơn, lá nào lá nấy mọng nước, mướt mượt. Dây mồng tơi thường trèo thấp, chỉ cần vài nhánh cây cắm xuống là bám sống quanh năm. Canh ăn ngọt nhưng không đậm đà bằng rau bát. Lá mồng tơi khi nấu lại có phần dẻo bởi chất nước dấp dính tiết ra, tạo cho nồi canh sánh đặc nom rất ưa ăn.

Rau bát và mồng tơi vốn hiện diện quanh vườn. Lúc kiếm củi tôi gặp rau bát, khi xách nước lại gặp mồng tơi. Những ngọn rau không chỉ cho nồi canh ngon, mà sự có mặt của chúng làm cho tôi cảm thấy đỡ trống trải khi phải ở nhà một mình. Màu xanh của rau khiến lòng tôi dịu lại, thì thầm với chúng về nỗi cô đơn vắng vẻ mà một đứa trẻ như tôi sớm cảm nhận một cách sâu sắc, và dường như những ngọn rau cũng đã an ủi sẻ chia cùng tôi khá nhiều tâm sự. Một đứa trẻ còn ít tuổi mà nghĩ ngợi nhiều, không tốt dâu, mẹ tôi bảo vậy. Nhưng chỉ có một mình, biết nói chuyện với ai mà không nghĩ ngợi? Mẹ có biết đâu, một đứa trẻ dù bị ăn đói mặc rét vẫn còn chịu được, chứ nếu bị cô lập thì thật là một điều kinh khủng, tâm hồn non dại sẽ cảm thấy bị tổn thương ghê gớm không biết ngần nào.

Giữa những ngày tôi thui thủi ở nhà một mình, thằng Túc thỉnh thoảng chạy đến chơi. Có khi nó cũng phải lo việc cơm nước vì mẹ đi vắng. Tôi cho rau mang về nấu canh, nó thích chí lại mon men đến tiếp, nhiều hôm chơi với tôi suốt ngày. Nó thích nghe tôi kể chuyện. Những câu chuyện hồi cha còn sống kể cho nghe, bây giờ trở thành vốn liếng để tôi kể lại cho nó. Những câu chuyện hấp dẫn nên tôi nhớ rất dai. Thằng Túc cứ há hốc mồm nghe kể, vẻ mặt hân hoan khi nghe Lục Vân Tiên đánh cướp, khi lại căm giận nghe Trịnh Hâm phản bạn… Rồi đến chuyện Thạch Sanh Lý Thông, chuyện Ăn khế trả vàng, toàn những chuyện mà người lớn đã biết nhàm ra rồi, nhưng đối với bọn tôi thật lung linh kỳ ảo, hấp dẫn lạ lùng. Nghe một mình chưa đã, thằng Túc lại rủ thêm tụi thằng Tiêu, thằng Tèo tới nghe tôi kể. Cả đứa kể lẫn đứa nghe đều như được lâng lâng bay bổng trên chín tầng trời, mãi đến khi cha mẹ chúng nó kêu về ăn cơm mới hay ra sự thể! Từ đó người ta đồn ra tôi có tài nhớ dai, kể chuyện hấp dẫn lôi cuốn lắm. Nhiều người lớn đã rành những câu chuyện ấy rồi nhưng ban đêm lại đến yêu cầu tôi kể xem sao! Có đêm người nghe không đủ ghế ngồi, mẹ tôi cũng thấy vui và có phần hãnh diện về tôi nữa. Người ta nghe mãi đến khuya, lúc ra về vẫn còn tiếc rẻ, muốn nán lại thêm. Từ đó ai cũng biết đến tôi, khen tôi còn bé mà kể chuyện hay, người lớn nghe cũng phải mê. Mọi người dần dần ai cũng phục và mến tôi, kể cả những người chưa từng nghe tôi kể chuyện lần nào! Họ còn bảo tôi là đứa trẻ ngoan nhất trong làng. Dường như ai cũng quên rằng đã có lúc hắt hủi tôi, gọi tôi là đồ mồ côi mất dạy! Tôi cảm thấy cũng không còn hờn giận ai nữa, chỉ thấy tinh thần càng thêm hăng hái, tự tin. Nhiều nhà khi gặp con hư đã mắng sa sả: “Con có cha có mẹ mà thua con không cha! Tụi mày tới xách dép cho thằng Quyết!” Nghe những dư luận tốt về tôi, một đứa trẻ được nhiều người chú ý, mẹ cũng thấy hởi dạ. Còn tôi càng được người ta khen càng muốn làm vui lòng mẹ, muốn mẹ cứ an tâm đi làm, không phải lo gì những việc nhỏ ở nhà nữa.

Công việc của tôi lại vẫn chỉ là nấu cơm, quét dọn vườn tược, nhà cửa. Mặc dù không ai bảo nhưng tôi muốn cả nhà sau khi làm lụng vất vả, về nhà cũng được bữa cơm ngon, dù chỉ với món rau vườn nhà!

Mồng tơi, rau bát hái mãi rồi cũng hết. Chúng chủ yếu mọc tự nhiên, khó duy trì. May sao những ngày này, những hàng rau ngót đã ra lá xanh mướt. Quanh thềm giếng, rau má bò kín mấy vạt đất, lá tròn như đồng tiền. Hai loại rau này ăn mát, mồng tơi, rau bát còn phải thua xa. Rau ngót lá nhỏ, mảnh nhưng dai, canh ăn ngọt có khi không cần nêm mì chính. Cây rau ngót đã cắm vào đâu là bám ngay vào đấy. Có nơi đất khô khốc, trắng bệch, cây ngót khẳng khiu vẫn âm thầm sống. Những que cây gầy trơ xương, xám mốc, bụi phủ dày trên lá. Bẻ một que, bên trong vẫn tươi roi rói, nhiều lúc cứ nhùng nhằng không gãy, chỉ tróc lớp vỏ xám xịt bên ngoài mà thôi. Cây và rễ rau ngót còn dùng làm thuốc nam, khá nhiều tác dụng. Rau má nhiều khi cũng được sắc uống giải nhiệt. Công bằng mà nói, rau má nấu canh không được ngon bằng rau ngót, nhưng tác dụng giải nhiệt thì tuyệt vời, chưa chắc rau ngót đã hơn. Vì vậy mà người ta thường dùng rau má vào việc xay lấy nước. Những ly nước xanh đậm, cho thêm mấy thìa đường khuấy đều, dù cho nắng nôi mệt nhọc cách mấy, uống vào cơn mệt cũng tiêu tan, mát lịm, người như tỉnh hẳn ra, khoan khoái vô cùng. Tôi chỉ hái rau má nấu canh. Nghe người lớn ca tụng tính mát của nó, tôi lại rủ thằng Túc đào rễ rau chỉ lớn bằng đầu đũa, như giải khoai, chúng tôi đem rửa sạch, đợi cơm sôi cạn, cho vào nồi hấp và chờ chín. Rễ rau má có vị bùi nhưng nhạt, phảng phất mùi thuốc nam. Chúng tôi dè sẻn, nâng niu như nếm nhân sâm mà người ta thường nói. Chẳng rõ có mát ruột hay không, nhưng trông mặt thằng Túc phớn phở lắm, còn tôi thì khoái chí vì đã rủ rê được nó vào “trò chơi” này. Đối với tôi, hễ mẹ giao việc gì mà không tìm thấy bóng dáng chuyện chơi, tôi coi như cực hình. Việc nấu cơm bấy lâu làm tôi ngán ngẩm khổ sở, đến khi tìm được hứng thú từ những nồi canh rau, tôi đã phần nào cảm thấy đây là công việc nhẹ nhàng thú vị. Giờ đây tôi lại tìm được niềm vui từ rễ rau má hấp cơm, lại có thêm thằng Túc tham gia, tôi cảm thấy việc nấu cơm thật sự như một trò chơi, một trò chơi thú vị êm đềm trong những ngày xanh.

Rễ rau má ăn mãi rồi cũng chán. Tôi nảy sinh sáng kiến đào củ bông dề. Sợ mẹ la, tôi và thằng Túc dùng que nhọn moi mấy củ bên mép bụi, xong lấp đất lại, lấy rác mục phủ lên cẩn thận. Bụi rau vẫn xanh không thể nhận ra dấu hiệu khác lạ nào. Củ bông dề được xay rồi đãi lấy bột, còn gọi là bột hoàng tinh. Người quê tôi vẫn quen gọi là bột bông dề. Bột bông dề dùng làm một số loại bánh hoặc chữa bệnh. Nếu để lấy củ, ăn sống cũng khá hấp dẫn, nhưng nấu ăn là ngon nhất. Chúng tôi không tiện nấu, còn hấp cơm thì khó chín, vậy là cứ rửa sạch rồi nhai từ từ, vẫn cảm được cái dẻo cái thơm cùng với một chút vị béo của củ khoai vườn nhà. Ngon miệng lạ!

Mùa này bông dề chỉ còn những lá già xơ tướp. Hoa nhú mọc từ mùa thu, phơn phớt tím như những búp sen, có điều lớn lắm cũng chỉ bằng ngón chân cái và mọc thẳng đứng. Hoa tỏa hương thơm ngát, một mùi hương dịu dàng thanh thoát, nấu canh vừa ngọt vừa thơm. Một nồi canh có hoa bông dề xắt nhỏ trộn vào, bữa cơm bao giờ cũng ngọt ngào hương vị, thơm ngon và tinh khiết. Bông dề chỉ trồng một lần là năm nào cũng nhú hoa. Hồi cha còn, tôi nhớ có lần ông nói, hoa này vậy chớ thủy chung lắm, không chê đất nghèo, cứ tới tháng bảy ta, trời đang chuyển mùa là nó lại trồi lên, không sai hẹn. Hoa bông dề cho người ta những bữa canh ngon, tàn mùa hoa lại cho mùa lá tuy không ngon bằng nhưng cũng nấu canh được dài dài, sau nữa là mùa củ! Rau bông dề thật hào phóng biết bao. Cuối cùng giống rau này như lặn mất, chỉ còn trơ lại mặt đất khô cằn, đến lúc không ai còn nhớ nữa thì hoa lại đội đất mọc lên, tỏa hương ngào ngạt khắp vườn… Cứ thế, bông dề đối với tôi là một loài rau bình dị nhưng rất dỗi diệu kỳ.

Tranh của họa sĩ Phạm Thị Phương Thảo

CHƯƠNG X

NHỮNG NGÀY HỢP TÁC

 

Vợ chồng anh chị Hai ra ở riêng, thành ra nhà chỉ còn mẹ, chị Bốn và tôi. Chị Bốn học hết cấp hai đã lâu, không học tiếp, xin vào làm ở trại nuôi tằm của hợp tác xã nông nghiệp, công điểm mỗi mùa cũng được hơn nửa tấn thóc. Anh Hai làm cán bộ Hợp tác xã, những năm đầu bận việc tối ngày, một hôm về hỏi mẹ:

– Nhà mình có đan nong đan né được không?

– Nghề gia truyền, sao lại không được. Nhưng mày hỏi làm gì vậy?

– Để cung cấp cho Hợp tác xã nuôi tằm, còn mình đan thì được công điểm lãnh lúa. Con đã hỏi nhiều nhà rồi nhưng họ bảo nhọc công lắm, thà làm việc khác khỏe hơn.

Mẹ vui vẻ nhận lời:

– Người ta chê thì mình nhận. Tao nghĩ họ chê chắc là ngại vốn mua tre, không có lời lãi gì. Còn nhà mình nhờ có vườn trại nhiều tre, chặt về đan lấy công làm lời cũng được. Tao đang lo không có việc gì làm để nuôi thằng Quyết, vì mẹ quá tuổi lao động đâu ai cho ra đồng lấy điểm, nay việc mày đưa tới thật hợp sức tao lắm! Khỏi sợ ngồi không.

Anh Hai tán thành, nhưng vẫn còn băn khoăn:

– Phần đan thì được rồi. Chỉ lo không ai chặt tre đây, nay con bận việc lắm.

Mẹ quả quyết:

– Khỏi lo! Tao với thằng Quyết, mạnh dùng sức, yếu dùng chước, rồi cũng xong thôi.

Anh Hai nhìn sang tôi:

– Quyết, em chặt tre được không?

Tôi nói cứng:

– Dư sức!

Anh trề môi:

– Dóc quá!

Tôi nói:

– Đi vơ cỏ ruộng cho Hợp tác xã mới ớn, trên nắng dưới nước, đau lưng mỏi cổ quá trời. Em thích chặt tre hơn.

Anh Hai à lên một tiếng:

– Thì ra là vậy. Được rồi, mai em về vườn trại mà chặt, cố gắng đan nhanh cho kịp đợt tằm chín.

Bỏ ra một ngày, tôi chặt được hơn chục cây tre. Lúc đầu mẹ cũng hơi lo, bây giờ vui ra mặt. Mẹ khích lệ tôi:

– Chỉ có con trai mới đỡ đần được cho mẹ những việc này!

Tôi nghe mà phổng mũi. Bét gì nay tôi cũng đang học lớp năm trường làng, không chặt tre được còn đợi chừng nào? Công việc này so với tuổi tôi, nặng thì có nặng nhưng mang tính chất đàn ông, tôi thích hơn đi vơ cỏ. Ngày mới vô hợp tác, các thầy ở trường tôi cho tập hợp học trò lại, long trọng tuyên bố:

– Các em thân mến! Nước nhà đã được thống nhất rồi, kể từ hôm nay, chúng ta không còn làm ăn cá thể nữa, không sản xuất tư nhân nữa. Tất cả đều trở thành tài sản chung của tập thể, cùng làm việc theo phương thức sản xuất xã hội chủ nghĩa, mà cụ thể là mô hình hợp tác hóa. Ai cũng được làm chủ, ai cũng được đóng góp sức mình. Không ai được ăn trên ngồi trốc mà có làm có hưởng, bình đẳng như nhau. Các em tùy theo sức của mình, ngoài nhiệm vụ học tập, nên góp phần lao động tham gia xây dựng Hợp tác, xây dựng chủ nghĩa xã hội. Lao động là vinh quang!

Sau lời thầy, toàn trường chúng tôi được nghỉ học một ngày, tập trung đi hô cổ động. So với hồi tôi mới vào lớp một, học sinh của trường nay cũng khá đông. Từ lớp ba, trường được mở thêm lớp bốn, lớp năm, học trọn chương trình cấp I cơ sở. Chúng tôi đi cổ động, nhờ đông, xếp thành hai hàng dài rồng rắn đi từ đầu đường đến cuối đường mà tiếng hô vẫn chưa dứt. Lớp nào hô theo lớp nấy. Tiếng hô cứ liên tục “nhiệt liệt”, “tích cực”, “sẵn sàng”… kéo dài ra hết làng này đến xóm khác. Hồi chưa đi học, tôi thèm được đi cổ động như chị Bốn, vậy mà bây giờ mỏi quá, lòng hăng hái cũng không còn. Đúng như lời thầy giáo nói, Những ngày đầu hợp tác, làng xóm không còn phân biệt giàu nghèo, ai cũng như ai, cứ làm việc tùy sức mà hưởng. Hộ nhà tôi không còn ai đương sức làm. Anh Hai và chị Bốn đã làm việc khác. Còn mẹ quá tuổi, tôi còn thiếu niên, đều xếp vào diện lao động phụ, đi làm chỉ được ăn điểm công C, đâu chừng hai điểm rưỡi mỗi ngày. Công A giành cho thanh niên thanh nữ và những người sức vóc, công loại B giành cho người đang tuổi làm nhưng có bệnh hoặc sức khỏe yếu, phụ nữ đã qua tuổi thanh niên cũng xếp vào loại công B. Hôm họp bình chấm công, mọi người trong đội sản xuất đều tranh cãi căng thẳng, chẳng ai chịu ai. Ngôi nhà thầy Năm bỏ hoang lâu ngày được dùng làm nơi họp đội. Những người nông dân vốn quen làm hơn nói. Vậy mà sao khi vào họp, ai cũng trổ tài lý luận hơn thua, đàn ông thì mạnh mồm to tiếng, đàn bà thì mềm mỏng phân trần. Ai cũng cố kèn cựa nhau, muốn giành phần hơn về cho mình. Rốt cuộc, thường thì phần thuận lợi nghiêng về những nhà có đàn ông mạnh sức và mạnh mồm. Nhà nào neo đơn hoặc mẹ góa con côi như nhà tôi, nói chẳng ai nghe, nếu có chia chác gì chỉ được lãnh phần đầu thừa đuôi thẹo. Nếu ai thắc mắc, lập tức sẽ được đội trưởng hoặc đội phó vặn lại: “Lao động chính được chia phần ngon để có sức mà đi làm. Còn lao động phụ, lúc làm sao không giành phần nặng, đến lúc chia lại muốn giành phần ngon?” Cả đội cười ầm lên, nhìn người thắc mắc như lâu giờ không mấy khi gặp nhau, mặc dù cùng đứng nắng ngoài dồng suốt ngày! Người thắc mắc đã chẳng được gì, lại còn bị ngượng ê mình mẩy trước những ánh mắt nhìn buốt như kim châm.

Nhà tôi và nhà thằng Túc đều thuộc diện lao động phụ. Mẹ tôi và mẹ nó bàn nhau:

– Hay là mình cho mấy đứa nhỏ đi làm, thêm được điểm nào đỡ ngặt điểm nấy. Nhà lao động phụ vẫn phải ăn tiêu sinh sống, vậy mà tới mùa lãnh không được mấy hột lúa cả!

Tiếng là bàn vậy, chớ thật ra hai bà đã đi đăng ký sẵn với đội rồi. Cảnh làm ruộng tập thể cũng vui. Đầu mỗi buổi nghe kẻng gióng lên vài lần, tôi và thằng Túc hăm hở đi ngay, ra ngồi ở đầu bờ chờ mọi người đến. Mãi một lúc lâu, người ta mới lục tục kéo đến, cười cười nói nói, thậm chí có nhiều bà đến sớm còn ngồi bắt chí cho nhau, thật thảnh thơi. Hèn chi khi thấy chúng tôi vùng vằng không chịu đi, mẹ thằng Túc động viên:

– Mấy đứa đừng có lo. Tụi bay đi làm như đi chơi vậy hà.

Học buổi sáng, chúng tôi đi làm buổi chiều. Trời nắng đến nỗi nước dưới ruộng muốn sôi lên, mồ hôi tuôn như tắm, làm sao như đi chơi được? Thấy chúng tôi nhỏ tuổi, người ta phân công ôm cỏ chất lên bờ, khỏi phải nhổ. Tối về tôi ngủ mê man, đến sáng không muốn dậy, như có ai đè bẹp xuống phản, mỏi nhừ người. Mẹ lại động viên:

– Nay có ruộng làm là tốt lắm rồi. Hồi Pháp thả bom sập cầu máng, nước Đồng Cam không chảy được xuống đồng Tuy Hòa, ruộng đất bỏ hoang. Ai cũng phải ăn củ chuối cầm hơi, nhiều người chết đói. Thèm làm ruộng nhưng đâu có nước mà làm! May thời Chín năm, Chính phủ Cụ Hồ bày dân đào mương dẫn thủy, nạn đói mới chấm dứt…

Chẳng rõ mấy nhà khác có động viên con mình như mẹ tôi không, mà ngày hôm sau, nhiều đứa cùng lứa tôi, có khi nhỏ hơn, cũng xúm nhau đi làm. Ngay cả con ông đội trưởng cũng vậy. Thành ra đội quân lao động nhỏ tuổi lại càng đông vui. Tuy nhiên cũng vất vả vô cùng.

Nhận việc đan nong đan né, mẹ và tôi có phần vừa sức hơn. Nong khó hơn do mẹ đan, còn né thuộc phần tôi. Công việc không nặng lắm, nhưng cần có tay nghề và nhanh tay mới kịp hạn giao. Tôi đan mỗi ngày bốn năm chục vỉ né, nhanh đến nỗi mẹ cũng không ngờ. Bà rất mừng:

– Vậy là con đã đỡ cho mẹ nhiều rồi đó.

Ngày giao sản phẩm, trưởng trại tằm tiếng là kỹ tính cũng phải gật gù:

– Tốt lắm rồi. Hai mẹ con có nhận làm nữa không, tôi thay mặt Hợp tác xã đặt tiếp mỗi thứ năm chục cái nữa?

Mẹ tôi vui ra mặt:

– Vậy thì còn gì bằng. Có công ăn việc làm là tôi mừng nhất! Cảm ơn chú quá.

Trưởng trại tằm vốn là bạn của anh Hai, cười xởi lởi:

– Lo gì thím! Nay mai rồi còn nhiều việc cần làm nữa, phù hợp với người già và trẻ em lắm. Thế nào tôi cũng nhớ đến thím!

Tranh của họa sĩ Diệp Anh

CHƯƠNG XI

VƯỜN TRẠI

 

Những lời có cánh của anh trưởng trại tằm đã làm cho mẹ tôi rất phấn khởi. Về nhà mẹ bảo:

– Từ nay không được hái măng vườn trại nữa, để thành tre, dành sau này theo nghề đan mà sống. Mình yếu sức, đội đâu cho làm công lấy điểm nữa.

Tôi hỏi:

– Vườn trại vẫn còn nhiều tre mà, sao mẹ sợ hết?

– Đó là trước mắt. Còn về lâu dài, không dưỡng măng từ bây giờ, lấy tre đâu mà đan.

– Mẹ lo xa quá. Còn lâu mới có đợt người ta đặt nong né cho mình nữa!

Mẹ trầm ngâm:

– Không phải vậy. Ý mẹ định đan rổ bỏ chợ, không giàu có gì nhưng chắc mẹ con mình cũng đủ sống. Mình làm mướn cho mình, quanh năm khỏi sợ phụ thuộc ai. Ông bà xưa nói cùng nghề đan thúng, túng nghề đan nia. Mình có sẵn tre, lấy công làm lời cũng được.

Nghe mẹ nói, tôi chỉ biết lặng im. Quả thật lúc nào mẹ cũng lo toan, nghĩ ngợi những điều mà tôi không hề để tâm tới. Giá như tôi đã thật sự lớn khôn rồi, hẳn mẹ cũng giảm được nhiều nỗi lo về miếng cơm manh áo, cũng được phần nào thảnh thơi trong lúc tuổi già. Nhưng hiện tại tôi vẫn còn nhỏ dại trong vòng tay mẹ, vẫn cần sự chở che nuôi dưỡng mà mẹ sẵn sàng vắt kiệt sức vì tôi.

Bàn chuyện làm như vậy, mẹ dặn:

– Vợ chồng anh Hai bay thường đi làm bên ngoài. Hai cháu còn nhỏ. Bỏ nhà không ai coi. Con đi học về rồi về đó coi giùm nhà cho nó, cũng là coi vườn trại giữ măng luôn thể.

Nghe điều này tôi rất thích. Vườn trại là đất ông bà để lại. Trước kia cha mẹ tôi dựng một túp lều nhỏ, gọi là trại, ngày ngày trông coi hoa màu xung quanh vườn. Vườn trại gọi mãi mà thành tên từ đó. Bây giờ vẫn quen, trại xưa được thay thế bằng ngôi nhà tranh vách đất của gia đình anh Hai, mọi người trong nhà cũng vẫn gọi là vườn trại. Ở đây gần đường lớn nhưng xa xóm, tôi sẽ tha hồ chơi, tha hồ to tiếng mà không sợ người lớn dòm ngó la rầy.

Hai cháu Danh và Duyên đã biết tham gia các trò chơi phù hợp với lứa tuổi, tôi thấy cũng khá vui trong lúc trông vườn. Cháu Danh chạy nhảy lăng xăng nhưng còn ngọng líu ngọng lo, lại hay trầm trồ nghe rất buồn cười, nghịch phá không yên. Cháu Duyên mới biết đi chập chững, lúc vui thường nói bi bô khá ngộ nghĩnh, lúc trái ý hay khóc nhè dỗ hoài không nín. Tôi và cháu Danh vừa dỗ vừa dọa, Duyên mới nín. Ba chú cháu chơi với nhau càng ngày càng thích, không mấy khi rời.

Lúc đầu chỉ có ba chú cháu, sau có thêm anh Kiên, cậu thứ ba của hai cháu tới ở, vườn trại càng thêm vui. Anh Kiên lớn hơn tôi gần chục tuổi, đang theo học một trường ở thị xã, khá xa nhà anh. Anh chị Hai thấy nhà mình lẻ loi xa xóm, rủ anh đến ở cũng là để anh đi học cho gần. Từ ngày có anh Kiên, thằng Túc, thằng Tiêu cũng thường lui tới. Chúng mê anh Kiên còn hơn là mê tôi kể chuyện dạo nào. Chúng nhờ anh dạy võ!

Anh Kiên đang là võ sĩ thuộc môn phái võ đường Lâm Kiến Hùng, có tiếng trong thị xã. Anh đã thi đấu võ đài được hai lần, toàn thắng. Thằng Tiêu và thằng Túc có được xem các trận đấu đó, chúng hâm mộ anh vô cùng, nay quả là dịp thuận lợi hiếm có để chúng nhờ anh chỉ cho vài “chiêu”! Anh nói khéo:

– Học võ nặng lắm. Mấy đứa đợi lớn, đủ sức tập luyện rồi anh dạy cho.

Mặc cho chúng tôi nằn nì, anh Kiên quyết không dạy, bảo “Rồi đi đánh lộn đánh lạo, hư hỏng”. Tuy nhiên chúng tôi cũng học lỏm được vài thế, chẳng đâu vào đâu nhưng ra ngoài múa may loạn cả lên. Anh Kiên treo một bao cát lớn ngoài vườn, thường tập đấm đá huỳnh huỵch đến vã mồ hôi, chúng tôi xem rồi bắt chước từ đó! Anh Kiên đang tập để chuẩn bị thi đấu lần thứ ba. Lần này được tổ chức tại xã tôi, sau nhiều năm mới có. Anh tâm sự với anh Hai là ráng sức thi đấu lần này nữa, kiếm được ba bằng võ sĩ rồi thôi, không đeo đuổi thêm làm gì. Chúng tôi cứ ngong ngóng, mong mau đến ngày thi đấu, xem cho thỏa. Mãi rồi cũng tới. Anh Kiên kiếm đâu ra được tấm giấy mời, về đưa anh Hai:

– Tối nay anh đến xem, cổ vũ cho em thêm tinh thần.

Anh Hai cũng được một giấy nữa của Hợp tác xã mời. Anh cho tôi giấy ấy, giấy cho hai người xem. Tôi cân nhắc không biết nên rủ thằng Túc hay thằng Tiêu. Phải chi giấy cho ba người xem thì đỡ khổ! Cuối cùng tôi đành chọn rủ thằng Túc. Về tình cảm, hai chúng tôi cùng mồ côi, gắn bó và dễ san sẻ với nhau hơn. Về điều kiện, nhà thằng Tiêu khá giả, cứ để nó tốn tiền mua vé cũng chẳng ảnh hưởng gì. Nghĩ như vậy, tôi không cảm thấy áy náy với thằng Tiêu nữa. Còn thằng Túc khi được tôi mời, nó sung sướng nhảy cẫng lên:

– Tao định tối lẻn chui rào vào xem. Mày rủ đúng lúc quá, khỏi lo gì nữa rồi! Hoan hô thằng Quyết, hoan hô chú Hai.

Võ đài được dựng trên bãi cỏ trước mặt trụ sở ủy ban xã. Người ta chen lấn đông hơn xem hát. Ba chúng tôi đi từ sớm để được đứng gần xem cho rõ. Vậy mà vẫn bị người lớn chen tới trước, chắn khuất góc nhìn. Cuối cùng ba thằng đành trèo lên cây bàng gần đấy mà xem, thoải mái hơn nhiều. Những đứa trẻ khác cũng tranh nhau trèo lên, cãi chí chóe. Các võ sĩ ngồi ở hàng ghế gần võ đài, chờ thi đấu.

Một võ sư được cử làm đại diện lên thử sàn đài, trước khi cho phép trận đấu chính thức bắt đầu. Ông ta người to cao, vạm vỡ, săn chắc. Ông ngả mình vào những dây thừng chăng quanh sàn đài, chúng căng răng rắc các góc cột, rung lên, dao động thoảng qua rồi yên hẳn. Ông hội ý với ban tổ chức, đêm đấu được phép tiến hành. Khi chưa được xem, tôi thường nghe nhiều về những pha đánh phi thường. Nào là đá song phi, nào là biến hóa không còn thấy người, chỉ thấy chân tay ra đòn vùn vụt… Trong tâm trí tôi, người thi đấu phải siêu phàm lắm! Tôi háo hức chờ đợi được tận mắt chứng kiến những điều đó. Đã qua bốn cặp đấu ở các hạng cân, tôi căng mắt xem thật kỹ, vẫn chẳng thấy những thế võ như đã nghe truyền tụng. Tôi định thắc mắc cùng tụi thằng Tiêu, thằng Túc, bỗng giật mình nghe tiếng loa phát ra của ban tổ chức:

– Xin mời bà con và các bạn tiếp tục xem trận đấu tiếp theo ở hạng cân sáu mươi giữa hai võ sĩ: Kim Toàn thuộc võ đường Kim Hay, Lâm Kiến Kiên thuộc võ đường Lâm Kiến Hùng. Mời hai võ sĩ tiến lên võ đài!

Thằng Tiêu reo lên:

– Tới lượt anh Kiên rồi bay ơi!

Tôi còn ngờ ngợ, hỏi nó:

– Anh Kiên họ Trần, sao đây đọc họ Lâm? Phải anh Kiên thật không?

Thằng Tiêu cười lớn:

– Anh Kiên chớ còn gì nữa! Khi thi đấu, võ sinh thường lấy họ theo tên võ đường. Coi đấu nhiều lần rồi, tao biết.

Thằng Túc chăm chú nhìn rồi trỏ tay xuống tốp người đang đứng gần khán đài:

– Còn cãi gì nữa, anh Kiên kia kìa!

Đúng là anh Kiên thật. Chúng nó xem đấu võ nhiều rồi nên rành cũng phải. Hai võ sĩ đã “bái Tổ” xong, giờ đang thủ thế lăm lăm chực xông vào nhau. Không biết lúc này anh Kiên có hồi hộp không, chứ bọn tôi lo cho anh lắm. Trông dáng võ sĩ Kim Toàn nở nang hơn, toàn thân lù lù như gấu, đang chập chập đôi găng vào nhau, gờm gờm lựa thế tấn công. Anh Kiên gầy nhưng cao hơn, căng mắt nhìn đối thủ như xẹt lửa. Tôi nhớ có lần anh bảo: Khi thi đấu, tài nghệ là cần, nhưng quan trọng hơn cả là phải thắng đối phương từ ánh mắt, nó có thể làm cho anh ta mất tinh thần! Quả thật, tôi thấy anh Kiên không hăng khí như Kim Toàn, nhưng ánh mắt thì như muốn nuốt sống anh ta. Một ánh mắt vừa điềm tĩnh đến lạnh lùng, vừa như chất lửa hừng hực bên trong, không hề nao núng e dè, bất chấp tất cả. Kim Toàn ra đòn trước. Cú đá bị hụt. Anh Kiên chưa kịp phản đòn thì từ bên dưới, bỗng đâu có một người đàn bà xông vào đang giằng co với ban tổ chức, miệng gào lên thật to:

– Kiên ơi là Kiên, mày là con người hay là cái bao cát? Mày mang đầu cho người ta đấm đá, mày giết mẹ không dao biết không?

Sân bãi huyên náo hẳn lên. Anh Kiên sững người. Kim Toàn định phi vào nhưng khựng lại. Trọng tài cho dừng trận đấu. Lúc ấy tôi chợt thấy anh Hai từ đâu chen vào. Anh cầm tay bà mẹ vợ, tức mẹ anh Kiên, nói gì đó một lúc. Có lẽ cơn giận dữ đã dịu lại nên tôi thấy bà không còn giằng co với ban tổ chức nữa, lặng lẽ đi ra. Chỉ lát sau trận đấu lại được tiếp tục. Nếu anh Hai không có mặt đúng lúc, không biết sự thể sẽ đi đến đâu nữa! Tuy vậy hình như anh Kiên thi đấu cũng không còn tập trung. Kim Toàn tấn công anh liên tục. Anh chỉ còn đỡ đòn mà không đánh trả được miếng nào, thậm chí anh còn bị dính mấy cú đấm choáng váng, loạng choạng. Nguy cho anh quá! Hai hiệp đã trôi qua, chỉ còn hiệp đấu cuối cùng. Săn sóc viên võ đường anh Kiên nhắc đòn liên tục. Anh vừa đánh vừa liếc mắt lĩnh ý. Kim Toàn vẫn tấn công ráo riết, truy bức khẩn trương. Trong một pha đánh xa, anh bị hụt chân, mất đà, trong khoảnh khắc không còn tập trung. Lập tức anh Kiên chớp thời cơ, xông vào tung một cú đá nhanh đến nỗi chúng tôi không thấy nhằm vào đâu. Chỉ thấy sau đòn ấy, võ sĩ Kim Toàn bật ngã như một thân cây bị trốc gốc, nằm quay đơ. Trọng tài lập tức xông vào chắn giữa, sợ anh Kiên say đòn. Thấy Kim Toàn không gượng dậy được, ông ta bắt đầu đếm chậm rãi:

– Một… hai… ba… bốn…

Mãi đến tiếng thứ chín, Kim Toàn lồm cồm đứng lên. Cả sân bãi rộn lên tiếng reo hò cổ vũ. Nhưng họ lại cụt hứng thấy anh ta lắc đầu, hai tay bưng mặt. Thì ra cú đá của anh Kiên đã nhằm trúng mặt anh ta! Trọng tài hỏi thêm vài câu gì nữa, vẫn thấy anh ta lắc đầu. Anh cố đứng dậy chỉ để tránh tiếng đếm thứ mười, tiếng đếm cuối cùng nghiệt ngã mà có lẽ anh ta đã từng thấm thía. Anh gượng dậy trước tiếng đếm cuối cùng ấy dù không còn thi đấu nổi, vẫn vớt vát được chút kiêu hãnh cuối cùng của tinh thần thượng võ.

Trọng tài tuyên bố anh Kiên thắng cuộc. Anh cười chào khán giả mà như mếu. Thằng Tiêu bình luận:

– Mấy trận trước tao thấy anh Kiên thắng khỏe lắm. Lần này tuy hạ Kim Toàn đo ván nhưng tao thấy anh còn mệt hơn Kim Toàn nữa đấy! Nếu không có cú đòn quyết định ấy, chắc anh Kiên thua điểm mất.

Không được xem những lần trước nên tôi chẳng rõ thằng Tiêu nói có đúng không, còn lần này thì quả anh Kiên thắng nhưng mệt phờ người. Một chiến thắng thật khó khăn. Về nhà, anh Kiên cảm ơn anh Hai với vẻ mặt hớn hở. Chị Hai cằn nhằn:

– Anh em ông mà còn hầm rập, bà già không nhìn mặt đâu đấy.

Anh Hai phân trần:

– Lần này tôi khuyên mẹ để cậu nó thi đấu lấy bằng thứ ba. Nếu có lần thứ tư, đã có… vợ cậu nó động viên mẹ rồi, khỏi lo.

Chị Hai nguýt dài, hứ cái cốc:

– Xùy, còn lâu! 111

Anh Kiên trấn an:

– Được ba bằng rồi, nay em không thi đấu nữa đâu. Chị Hai yên tâm.

Những ngày sau, anh Kiên không còn luyện tập võ nghệ gì nữa. Có lẽ anh nói thật. Anh chuyển sang đan ống trúm nhử lươn. Ruộng đồng giăng ngay trước nhà, đêm đêm anh đi thả trúm quanh các bờ ruộng, trong trúm đã sẵn xác cua bốc mùi khăn khẳn, lươn ta chui vào. Thế là không còn đường ra, cứ nằm khoanh luôn trong trúm. Việc này ở đây không mấy ai làm nên anh Kiên trúng rất nhiều lươn. Sáng tinh mơ anh dậy thật sớm, tôi cũng theo anh ra đồng phụ xách những trúm lươn đầy. Nhiều con to bằng cổ tay. Anh Kiên nhờ chị Hai bán được bộn tiền. Các món làm từ lươn ăn rất ngon nếu mới thưởng thức lần đầu. Sau vì nhiều quá, chị Hai cũng không muốn trổ tài khéo tay nữa, ăn thấy ngán.

Những ngày mùa mưa, trời đất tối sầm lại, nước trắng đồng. Anh Kiên không thả trúm nữa. Anh nhờ anh Hai đan vài chục chiếc lờ mang đi đơm cá. Những nơi có trổ nước chảy qua, anh bảo tôi đặt lờ vào đó, thế nào cũng có cá chui vào. Cứ chập choạng tối là hai anh em mang lờ đi đặt. Gió lạnh hun hút. Cánh đồng chỉ còn tiếng ếch nhái tranh nhau rôm rả. Vài tia lửa ma trơi xẹt xuống phía trước mặt làm tôi rùng mình. Anh cười trấn an: “Ma đuốc đấy, nó soi đường cho mình đi thả lờ mà!” Tôi không biết là thứ gì nhưng thấy anh bình tĩnh nên cũng vững dạ. Sáng ra, tôi rạo rực dậy sớm. Anh Kiên còn dậy sớm hơn, anh bảo: “Tranh thủ kẻo mất lờ!” Cũng may chưa lần nào chúng tôi bị mất. Dậy sớm chỉ có đón gió lạnh căm căm. Bước chân đầu tiên nhúng xuống ruộng, tê như đá. Vậy mà khi nhìn thấy những chú cá rô búng mình rần rật trong lờ, chúng tôi không còn biết lạnh là gì nữa, hăng hái đi gom tất cả lại. Có chiếc đầy cá, nhưng cũng có chiếc chỉ được vài anh cua hoặc không có con nào. Tháng mười, thịt cá rô béo ngậy, nướng thơm phức. Kẹp trên nẹp tre, gác xâu cá trên lò than hồng, trở qua trở lại một chốc là đã nghe mùi thơm ngầy ngật. Mỡ cá rơi xuống than kêu xèo xèo. Cháu Danh, cháu Duyên đang ngồi chầu hẫu, chép nước bọt thèm thuồng. Chị Hai trợn mắt một cái rồi lấy cho chúng mỗi đứa một con:

– Nè, đi chỗ khác chơi!

Nói vậy nhưng đâu có đứa nào chịu đi. Nó cầm mãi con cá mà không ăn vội, cứ nhìn mẹ nướng với ánh mắt thích thú. Bên ngoài mưa gió và lạnh lẽo, tôi cũng chẳng muốn rời bếp lửa hồng, nói chi là chúng nó.

Anh Kiên lại định khoe tài:

– Ở vườn này có chim cuốc, để bữa nào em nhử bắt nấu canh.

Tưởng được hưởng ứng, ai ngờ chị Hai gạt phắt:

– Đừng, đừng! Chim cuốc nó khôn lắm, tình nghĩa lắm, đừng bắt mà mang ác!

Chị nói chẳng khác gì mẹ. Tôi chỉ mới thấy chim cuốc thấp thoáng bên bờ ruộng rồi lủi vào bụi tre, nhưng nghe mẹ nói về nó, tôi thật có cảm tình. Chim cuốc sống rất thủy chung, nhất định chỉ một vợ một chồng. Nếu một con bị bắt, con còn lại sẽ không ăn uống gì cho đến chết, xác rũ ra. Có khi mất con, cuốc cũng kêu khắc khoải suốt đêm ngày, nghe như cứa vào gan ruột. Kêu mãi, kêu mãi, cho đến chết mới thôi.

Khác với chim cuốc, chim cu gáy không có tình nghĩa gì ráo. Ấy là mẹ tôi bảo vậy. Chim gì được nuôi trong lồng, mất tự do, lại lấy tiếng gáy mua vui cho chủ, còn dùng tiếng gáy ấy phỉnh gạt đồng loại vào tròng! Cho nên chim bìm bịp ghét cay ghét đắng, hễ thấy người ta dùng cu gáy làm mồi để nhử đồng loại, thế nào nó cũng chọc mỏ vào lồng, mổ cho chết mới thôi. Còn cu gáy hễ thấy bóng bìm bịp là im bặt, không dám đứng trong lồng gáy rộn rủ rê đồng loại nữa. Nghe mẹ nói có lý, nhưng tôi vẫn thấy thích cu gáy lắm. Những ngày mùa, nghe tiếng cúc cu của chúng, người ta như quên đi mệt nhọc, lòng sảng khoái niềm vui được mùa. Những trưa hè cũng dịu lại trong tiếng chim cu. Vòng cườm trên cổ chúng mới mượt mà duyên dáng và xinh xắn làm sao! Mẹ lại bảo, cái giống điếm đàng lường gạt đồng loại, bao giờ chẳng ngọt ngào miệng lưỡi và mẽ ngoài chải chuốt! Không dám cãi lại nhưng tôi thấy mẹ có thành kiến chủ quan, và chưa chắc ý mẹ đã đúng.

Lâu nay ngoài chim cuốc trọng nghĩa ra, tôi thấy mẹ quý có loài chim vạc. Một giống chim dự báo thời tiết rất tài. Cứ vào xâm xẩm tối, nhất là mùa đông, vạc từ phía nam bay ra thành từng đàn, rủ đi kiếm ăn. Vạc là loài ăn đêm. Nếu đi ban ngày thường bị cò đuổi đánh. Mẹ bảo ngày xưa vạc thua bạc, phải gán hết ruộng cho cò để trừ nợ. Từ đó không còn quyền sở hữu ruộng đất, phải kiếm ăn lén lút vào ban đêm. Anh Hai lại nói khác: ban ngày vạc không nhanh nhẹn bằng ban đêm, tìm khó ra mồi, chỉ có đêm xuống vạc mới kiếm ăn được.

Ở quê tôi chim vạc thường làm tổ ở các dãy núi phía nam. Nói áng chừng vậy chứ chẳng ai biết vạc có tổ hay không. Chỉ thấy chúng từ đó bay ra rợp trời, hướng về núi Chóp Chài, vừa bay vừa kêu oác oác, từng đôi cánh đen thẫm lẫn dần vào trời đêm. Chắc nhìn gần, chúng phải to lắm. Chỉ riêng tiếng kêu thôi đã thấy vang vọng rất xa. Mẹ tôi quí chúng ở tiếng kêu này. Những vụ gieo và vụ gặt thuộc vào mùa đông, thời tiết ảnh hưởng rất lớn, ai cũng phải lệ thuộc vào đó. Tuy nhiên khó ai đoán được ngày mai trời mưa hay nắng. Vậy mà vạc biết được! Nếu trời nắng, tiếng kêu của vạc dù xa tít trên trời cao, người ta vẫn nghe vọng lại từ phương bắc, nhỏ dần, nhỏ dần rồi mất hút. Nhưng đang bay, bỗng nhiên tiếng vạc quay ngược về, to dần lên, kêu oác oác ngang qua nóc nhà, trở về phương nam, thế nào trời cũng mưa dầm hoặc có bão. Có nghĩa là thời tiết xấu vạc cũng không thể kiếm ăn được, đành quay về nhịn đói. Người nông dân không mấy nhà có đài, đều nghe tiếng vạc mà đoán thời tiết. Nhiều khi dự định làm việc gì, mẹ tôi thường nghiêng tại dõi theo tiếng vạc, phán đoán nắng mưa mà sắp xếp việc làm. Những lúc đó, vạc như sứ giả của trời đất, đi loan truyền tin tức cho mọi người. Tiếng vạc rơi vào thinh không, đêm tối cồn cào. Tiếng vạo rơi vào lòng mẹ, dậy lên lắm nỗi niềm riêng.

Có lẽ, chim vạc xứng đáng là bạn của nhà nông chẳng kém gì cò. Nhưng loài chim bạn với tuổi thơ, tôi thích chim giồng giộc hơn cả. Chúng lớn gấp rưỡi chim sẻ, còn “ngoại hình” vẫn chẳng khác gì chim sẻ. Mùa hè, nhìn những tổ giồng giộc treo lủng lẳng trên tít dọt dừa, đu đưa như võng, tôi vừa thích thú vừa thán phục. Tôi chưa thấy loài chim nào làm tổ khéo và đẹp bằng chim giồng giộc cả. Chúng sống thành cặp. Khi chọn được cây dừa hoặc hàng tre nào ưng ý, chim trống bay đi tha rác, mang về cho chim mái xây tổ. Vật liệu khi thì lá cỏ, khi thì rơm rạ, lá mía xước nhỏ… Nói chung là phải dài và mảnh. Chim dùng mỏ và đôi chân của mình đan cài các lá vào nhau, chỉ vài ba ngày, hai vợ chồng chim đã có được một “ngôi nhà” xinh xắn. “Nhà” của chim giồng giộc che nắng che mưa dều tốt. Từ dưới nhìn lên, tổ chim giồng giộc được đan móc từ một nhánh cây, phủ xuống rồi thắt lại tạo thành một túi chứa giống như cái diều gà, cửa tổ nằm kề, được đan thành hình ống thông xuống dưới. Chim non bên trong khỏi lo mưa nắng gì, ngay cả rắn rết cũng không thể mò lên được. Lá dừa mềm quá, nếu rắn mà lên sẽ bị oặt xuống lộn cổ. Tổ giồng giộc thực sự là một tổ ấm với đúng nghĩa của nó.

Lâu nay, vườn trại là nơi giồng giộc làm tổ nhiều nhất. Trên mấy đọt dừa đọt cau, tổ lủng lẳng như những chùm quả. Những đọt tre cao, giồng giộc cũng làm tổ phất phơ trong gió. Hàng tre sau nhà, bên trên là giồng giộc, chim sẻ ríu ra ríu rít suốt ngày, bên dưới là những đôi chim cuốc làm nơi trú ngụ. Nhiều hôm, tiếng cu cườm, cu lửa cất tiếng gáy giòn, gọi mời bè bạn nhà chim tụ về càng thêm rộn rã.

Trước anh Kiên, nhiều người cũng ngỏ ý muốn xin vào vườn nhử cu nhử cuốc. Mẹ nói với anh Hai:

– Đất có lành chim mới đậu. Để người ta nhử bắt thì còn ra gì!

Thấy anh trầm ngâm, chị Hai tỏ lời hưởng ứng theo mẹ một cách kiên quyết:

– Má đừng lo! Tuy là chim trời cá nước, nhưng vườn nhà mình, con nhất định không cho ai được động tới đâu.

HUỲNH VĂN QUỐC (PHÚ YÊN)

(Còn tiếp)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *