Vanvn- Lần này nếu mẹ không dặn, tôi cũng chẳng muốn gây gổ với bọn trẻ làm gì. Càng ngày, tôi càng trở nên lầm lì ít nói. Cả nhà đầu tắt mặt tối, nên ít ai để ý đến tôi. Những niềm vui tuổi nhỏ hay những nỗi buồn mồ côi, tôi chỉ còn có mẹ để tâm sự. Nhưng thấy bọn trẻ cùng lứa có cha chia sẻ, tôi lại nghĩ tâm sự với mẹ thì không xứng là con trai, thà im lặng còn hơn. Nhiều khi tôi nhớ cha đến cồn cào gan ruột.

>> Truyện dài thiếu nhi của Huỳnh Văn Quốc: Tiếng vọng ngày xanh – Kỳ I
CHƯƠNG VI
BUỔI HỌC ĐẦU TIÊN
Chỉ còn một hôm nữa là tới ngày khai giảng, cha tôi đột ngột bị bệnh. Mọi khi có bệnh ông vẫn ra vào làm việc vặt trong nhà được, nhưng lần này ông phải nằm một chỗ. Mẹ đành thay cha dẫn tôi tới trường. Bộ quần áo mới xúng xính, hơi rộng so với khổ người tôi, mặc cứ lùng thùng. Soi vào gương, tôi thấy mình khác hẳn với thường ngày. Mặt tôi trở nên bầu bĩnh, người có vẻ lớn nhỉnh lên, làm cho tôi cảm thấy lạ với chính mình. Xung quanh láng giềng, cùng lứa tôi ngoài thằng Tiêu, chẳng có đứa nào đi học trong đợt này cả.
Buổi sáng. Mặt trời vẫn như còn ngái ngủ sau rặng tre, tôi theo bước chân mẹ đi trên những quãng đường làng còn rợp mát. Con đường quen thuộc biết bao, giờ bỗng trở nên ngỡ ngàng dưới chân tôi. Học sinh lớn từng tốp rủ nhau đi, nói cười rộn rã, ra dáng quen thuộc thành thạo lắm. Trên đường làng hôm nay, chỉ có học trò là đi đông nhất. Tôi bỗng thấy như tất cả đều dành cho chúng tôi, và tôi thấy mình cũng trở nên quan trọng hẳn.
Ngôi trường làng nằm ở giữa xóm với hai dãy phòng ngắn, lớp học cao nhất là lớp ba. Mẹ dắt tôi vào trường ngang qua ngôi lẫm cháy dạo nào. Lẫm nằm ngay trong khuôn viên trường, cháy sập gần hết mái, khói đen ám loang lổ trên các bức vách. Những rui kèo chưa đứt hẳn, cháy nham nhở còn treo lủng lẳng trên xà nhà như cài bẫy. Mấy tấm đanh cửa sổ cũng bị sạt ra, trơ những thanh sắt níu giữ những mảng bê tông đang trĩu xuống. Mẹ phải dắt tôi đi băng qua đó mới vào được lớp, nhưng lại dặn:
– Con đừng xớ rớ bên dưới, nó sập xuống thì nát xương!
Mẹ dặn hờ vậy thôi chứ tôi thấy thật khó mà sập. Những rui kèo và bê tông đang trĩu xuống ấy trông hãy còn kiên cố lắm, nếu không nó đã sập hẳn trong đêm bị cháy rồi, hoặc người ta cũng đã kéo đổ xuống cho yên từ lâu rồi, chứng tỏ phải tốn nhiều thời gian cho nên người ta phải gác lại để làm những chuyện quan trọng hơn trước mắt. Tuy vậy tôi vẫn thấy rờn rợn lạnh gáy khi phải đi qua những chùm bê tông trĩu nặng hàng tạ ấy. Nghe người ta nói lẫm này là nơi hội họp của các quan chức trong làng, có khi lính tráng cũng thường về làm việc ở đây, là nơi giằng co tranh chấp giữa ta và địch. Nhiều vết đạn lỗ chỗ găm vào tường, trơ cả gạch ra. Trước sân lẫm là trụ cờ xây bằng xi măng với ba vòng tam cấp, nằm giữa hai cây thầu đâu sần sùi to bằng hai, ba người ôm, lá vàng rụng rải rác cả một khoảng đất rộng xung quanh.
Lớp học đã tề tựu đông đúc tự hồi nào. Thầy giáo đang ngồi chỉnh tề trên bục nhìn xuống lớp, giương mục kỉnh lên điểm danh. Chẳng biết mẹ nói gì mà ông ta gật đầu mấy cái rồi nhướng mắt nhìn tôi:
– Trò mới vào, được ngồi ở bàn đầu cho rõ.
Mẹ tôi lễ phép như một học trò, có khi còn hơn:
– Dạ xin cảm ơn thầy! Xin gửi cháu lại cho thầy dạy dỗ, xin phép thầy tôi về.
Thầy giáo lại gật đầu:
– Chị yên tâm!
Thấy vẻ nghiêm trang của thầy giáo và thái độ kính cẩn của mẹ, tôi hơi bối rối, cảm thấy mình thật nhỏ bé và thầy mới lớn lao làm sao, thậm chí khó gần nữa. Tôi lễ mễ ôm hai cuốn tập ngồi vào nơi thầy chỉ. Cả lớp im phăng phắc, nhưng tôi thấy rõ chúng đang trố mắt nhìn tôi với tất cả sự dò xét tò mò. Bàn có ba đứa, với tôi là bốn. Những đứa này đều to con và cứng cáp, đen sậm, hình như chúng lớn tuổi hơn tôi thì phải. Những đứa khác càng lớn hơn nên thầy mới cho ngồi bàn sau. Tôi ngồi yên không nhúc nhích, vậy mà vẫn cảm thấy phía sau gáy bị nhồn nhột như có ai sờ! Buổi học đầu tiên, thầy giáo chỉ dặn dò chúng tôi phải đi học đúng giờ. Ai đi trễ mà không có lý do chính đáng, không được vào lớp. Ai không thuộc bài, phải bị phạt quì bên góc bảng. Xong thầy hỏi nhớ chưa? Cả lớp đồng thanh:
– Dạ nhớ!
Thầy dõng dạc:
– Nhớ rồi thì chuẩn bị ra sân chào cờ!
Chúng tôi còn đang loay hoay, tiếng trống trường ngoài hiên đã vang lên rộn rã, thúc giục. Tôi hiểu rằng, bây giờ mới là lúc bước vào khai giảng. Buổi chào cờ mở đầu năm học diễn ra ngắn gọn. Toàn trường gộp lại đâu chừng được sáu bảy lớp gì đó, ngồi tập trung theo từng lớp ở giữa sân trường. Nắng mai tỏa chiếu hầu hết mặt sân. Người tôi hâm hấp nóng. Ngồi quay mặt xuống chúng tôi là một nhóm thầy cô đang nói chuyện với nhau. Thầy phụ trách đứng dậy trịnh trọng:
– Hôm nay, lần đầu tiên cùng với cả nước, phân trường Hoà An chúng ta khai giảng năm học mới, năm học đầu tiên sau ngày giải phóng miền Nam, thống nhất nước nhà. Đề nghị các thầy cô giáo, các em học sinh đứng dậy làm lễ chào cờ.
Chúng tôi lục tục đứng lên. Giữa sân trường, một cột cờ bằng tre thẳng đứng, nền cột được đắp tạm bằng đất. Hai học sinh lớn đang đứng dưới chân cột chờ kéo cờ lên. Chúng tôi nhướng mắt nhìn, chờ đợi. Thầy phụ trách lấy hết sức hô:
– Nghiêm! Chào cờ, chào!
Chúng tôi ai nấy đều đứng thẳng đơ, ngực ưỡn ra. Thầy phụ trách lại hô:
– Quốc ca!
Tôi còn đang ngơ ngác không biết thầy bảo phải làm gì, vì từ này tôi mới nghe lần đầu, lập tức các thầy cô giáo đã cất lên tiếng hát vừa trang nghiêm vừa trầm hùng:
“Đoàn quân Việt Nam đi, chung lòng cứu quốc, bước chân dồn vang trên đường gập ghềnh xa…”
Lá cờ đỏ sao vàng từ từ được kéo lên theo bài hát. Những ngày mới giải phóng, tôi chỉ thấy lá cờ Cách mạng nửa xanh nửa đỏ, cũng sao vàng nằm giữa, tôi thường thấy nhất là cờ tay chị Bốn cầm đi hô cổ động vào ban ngày. Cha tôi giải thích đó là lá cờ tượng trưng đất nước bị chia cắt. Màu đỏ độc lập ở miền Bắc, màu xanh còn bị chiếm đóng ở miền Nam, nhưng có ngôi sao vàng là linh hồn Cách mạng soi sáng cho cả nước, bao giờ thống nhất sẽ chỉ toàn nền đỏ một màu! Hôm nay, lần đầu tiên trong đời, chúng tôi được chào lá cờ hoàn toàn một màu đỏ ấy, đứa nào cũng ngây ra nhìn. Càng lên cao, nắng và gió càng làm cho lá cờ phấp phới, sáng tươi. Cờ đã lên đến đỉnh, chúng tôi được thầy phụ trách cho ngồi xuống rồi mà dư âm bài hát vẫn còn văng vẳng bên tai: “Tiến lên! Cùng tiến lên! Nước non Việt Nam ta vững bền!” Thầy dặn dò thêm vài điều rồi cho chúng tôi ra về. Nhà đi đâu vắng cả, tôi chạy ngay vào giường bệnh cha nằm:
– Cha à, con đi học xong rồi đấy!
Đang nằm thiêm thiếp, cha quay ra nhìn tôi:
– Quyết đó hả con? Rót cho cha chén nước!
Sợ ít, tôi tìm chiếc tô lớn rót đầy cho cha rồi lễ mễ bưng vào. Đang mệt nhưng cha vẫn không nhịn được cười:
– Không cần nhiều như vậy đâu con, một chén là đủ rồi. Đưa vở cha xem thử coi!
Tôi ấp úng:
– Nhưng thầy chưa cho chữ.
– Vậy chớ thầy dạy những gì?
Tôi hớn hở khoe:
– Thầy phụ trách dạy bài chào cờ!
– Vậy con học tốt không?
– Dạ đâu có khó gì, chỉ có đứng nghiêm nhìn cờ là xong thôi cha!
Cha trầm ngâm một lát rồi xoa đầu tôi:
– Đó không phải bài học, mà là bổn phận phải làm của mọi công dân đấy con ạ.
Tôi không biết công dân là gì, nhưng thấy cha mệt nên cũng không dám hỏi nhiều, chỉ loáng thoáng hiểu chắc công dân là tất cả mọi người dân. Vậy ra ai cũng được chào cờ chớ không riêng gì học trò chúng tôi. Hôm nay, chị Bốn cũng đi học, nhưng chị học ở trường cấp II ngoài xã, xa hơn trường thôn của tôi gấp mấy lần đường, mãi đến giờ vẫn chưa thấy về. Tôi thích được đi học trường xa như chị để có dịp đi chơi nhiều hơn, vả lại cũng… oai hơn! Có đâu như trường tôi, cấp một cũng chưa tới lớp bốn, cách nhà có mấy đoạn đường, chẳng oai tí nào! Trường bé đến nỗi chỉ được gọi là phân trường, ăn theo trường của chị Bốn, thật lép vế quá!

CHƯƠNG VII
CHUYỆN NHÀ
Mẹ và anh Hai đã về. Thấy tôi mẹ hỏi qua quít: “Sao, đi học có vui vẻ không?”. Tôi chưa kịp khoe gì mẹ đã vội vã bước lại giường bệnh hỏi cha:
– Có bớt được chút nào không ông?
Cha lắc đầu. Mẹ nói qua tiếng thở dài:
– Hai mẹ con đi từ sáng tới giờ, không ai người ta cho mượn đồng nào cả. Tôi và thằng Quân tính, phải bán bớt giường tủ trong nhà, ông thấy có được không?
Cha ậm ừ:
– Đã như vậy thì tùy bà, cái thân còn lo chưa được, lo gì của!
Gần chiều tối, có mấy người khách lạ đến nhà tôi. Họ khuân đồ đi! Tôi nhìn họ trân trân.
Mẹ tôi chẳng nói, cứ đăm chiêu tính toán.
Khi họ bắt đầu dỡ các trổ cửa ở hàng ba chuyển ra sân, khiêng chiếc đi-văng và bộ phản gỗ mun dày gần cả tấc, Mẹ cố nén tiếng thở dài. Chị Bốn từ dưới bếp lên, mắt đỏ hoe. Chỉ chốc lát, căn phòng trở nên trống trơn, các khung cửa không cánh ở hàng ba bị gió thổi thông thốc vào tận giường cha nằm, Không khí trong nhà chùng xuống, ai nấy buồn thiu. Mẹ tôi thường nói “một con ngựa đau cả tàu bỏ cỏ”, tuy còn bé nhưng tôi thấy thật thấm thía vô cùng. Cha tôi đau, bữa cơm chiều cũng nhạt nhẽo, ai nấy đều ăn qua quít rồi đứng dậy. Mọi người trở nên ít nói, nhà vốn buồn càng buồn thêm.
Hôm cha phát bệnh, Ông (chùa) đã bổ gần chục thang thuốc nam nhưng không khỏi. Ông bắt mạch và bảo:
– Bệnh này nặng lắm, phải chạy thuốc tây mới trúng chứng. Mẹ đã chạy ngược chạy xuôi, hết cả tiền rồi mà bệnh vẫn không hề giảm. Không mượn đâu ra mới phải bán đồ đạc trong nhà. Tôi biết mẹ đau lòng lắm, xót của thì ít, mà buồn bực thì nhiều. Hàng xóm cứ bàn ra tán vào, họ sợ hỏi vay tiền nên lảng dần, thậm chí ngay cả bà con thân thích cũng vậy. Họ còn đồn đại rằng cha tôi bị bệnh vì ma bắt, ai tới thăm sẽ bị nó ám luôn (!) Mới bắt đầu bệnh cũng còn có người thăm, dù vội vàng cho xong chuyện, sau cứ thưa dần. Mẹ càng rầu rĩ:
– Không biết mình ăn ở có mích lòng ai đâu mà họ lại ghẻ lạnh trong lúc này?
“Tự kiểm điểm” mãi cũng không bói đâu ra lỗi lầm nào khả dĩ làm cho láng giềng xa lánh, mẹ lắc đầu:
– Mình chỉ sống tốt với người ta, còn họ thấy mình suy sụp lại muốn chà đạp thêm!
Đã gần ba tháng mà bệnh cha vẫn không giảm chút nào. Ngược lại càng trầm trọng thêm. Nhiều thầy thuốc tới đều lắc đầu, bảo bệnh không còn cứu vãn được. Trong nhà xem ra cũng không còn gì để bán, nhưng mẹ vẫn hy vọng cha sẽ khỏi bệnh, vẫn chạy ngược chạy xuôi lo liệu mọi bề. Đêm đêm mẹ lại thức canh bên giường bệnh của cha, người phờ phạc hẳn đi.
Tháng Chạp năm nay trời rét đậm. Rét như cắt da cắt thịt. Người lớn bảo chưa bao giờ trời lạnh cóng như năm nay. Mưa phùn liên miên càng làm tăng rét buốt. Ai cũng ngại ra đồng. Gia cầm gia súc chống chịu không nổi với cái lạnh, lớp bị dịch bệnh, lớp bị chết cóng, nhất là đối với những con còn nhỏ. Ngoài ruộng, mạ không mọc được, hoặc mọc loang lổ như lang ben, trông rất khó coi. Đất cũng tê cóng dưới chân người. Đồ vật như hút hết khí lạnh về, chạm vào đâu cũng thấy buốt. Đêm nằm trùm mền kín cả đầu gần như ngộp thở, vậy mà hai hàm răng cứ đánh bồ cạp, va vào nhau lập cập liên hồi. Hình như lạnh từ trong gan ruột lạnh ra, cho nên không trốn vào đâu được. Nhiều lúc chạm tay vào mền, lại thấy như lạnh hơn! Nhiều nhà dù có túng thiếu vẫn phải bán gạo mua than về ủ dưới gầm giường. Giá than củi tăng vọt, đắt chưa từng có.
Tôi đi học chỉ mặc một bộ đồ vải, không có áo lạnh. Mỗi khi về nhà, tôi thích chạy lại giường cha tìm chút hơi ấm từ chậu than dưới gầm giường. Thấy tôi mon men lại, cha hỏi:
– Con lạnh lắm phải không?
Tôi lắc đầu.
– Ở trường có đứa nào ăn hiếp con không?
Như được dịp, tôi kể cho cha nghe với giọng ấm ức:
– Có mấy thằng to xác cứ giẫm vào chân con. Con tức quá xô cho nó ngã lại bị thầy bắt phạt, nhưng chỉ phạt mình con thôi. Ghét thật!
Cha trầm ngâm không nói gì. Một lúc ông gọi mẹ lại:
– Bà cũng nên giành thời giờ cho thằng nhỏ một chút. Kẻo bỏ bê rồi nó tủi.
Mẹ cằn nhằn:
– Cứ lo chạy bệnh cho ông đã. Việc con nít hơi đâu! Ông ráng uống thuốc cho mạnh rồi dậy mà coi sóc nó.
Cha không nói gì. Nét mặt trở nên tư lự, đăm chiêu. Ông lại quay ra gọi tôi:
– Quyết con!
– Dạ!
Thấy giọng cha âu yếm lạ thường, tôi linh cảm chắc có điều gì đặc biệt cha định nói ra nên lắng nghe hết sức chăm chú. Ông chậm rãi nói một cách hết sức khó nhọc qua hơi thở thều thào:
– Các anh chị con dù sao cũng đã lớn hết rồi. Anh Hai, chị Ba đều đã có vợ có chồng. Chị Bốn đang học cấp hai cũng tạm được. Chỉ có con còn nhỏ quá…
Dừng lại một lúc, cha đắn đo nói tiếp:
– Lỡ cha không khỏi bệnh, con lớn lên chắc sẽ vất vả nhiều, không được thuận lợi như bạn đồng lứa. Ngược lại còn bị mọi người ăn hà ăn hiếp không ai bênh vực, con sẽ khó sống ở đời. Nhưng dù gì đi nữa vẫn phải cố mà sống cho tốt. Thua bạc thua tiền chớ đừng thua ý chí, phải vươn lên như mụt măng. Con biết mụt măng tre chớ?
– Dạ biết – Tôi liến láu – Măng lớn thành tre, măng nhỏ nấu canh, con ăn hoài sao không biết!
Thấy tôi hồn nhiên quá, mẹ cười mà nước mắt giàn giụa:
– Thôi đi con! Để nghe cha dạy tiếp.
Cha cầm tay mẹ:
– Giàu có người ta nịnh chớ không nể, muốn được người ta nể trọng là phải học càng nhiều chữ càng tốt. Sức con học tới đầu bà ráng mà cho nó theo. Trường hợp nó dốt quá không muốn học nữa là tại nó, lớn lên thua kém người ta cũng không oán cha trách mẹ được.
Mẹ gật đầu:
– Chuyện đó ông đừng lo, chỉ cần nó hay chữ như ông là tôi mừng rồi. Ông ráng uống thuốc cho khỏi bệnh trước đã, cứ ưa nói chuyện xa vời.
Không để ý đến lời mẹ, cha lại kéo tay tôi:
– Lớn lên chắc con sẽ vất vả thiếu thốn. Nhưng dù gì cũng phải học, có chữ dù đói rách cũng không ai dám coi khinh. Sau này không còn cha, nhà mình nghèo con sẽ khó mà theo kịp chúng bạn, nhưng không được nản. Sách Thánh Hiền dạy đất xấu nở hoa muộn, nhà nghèo phát đạt chậm. Chậm nhưng vẫn có, cái chính là con không được nản chí trong hoàn cảnh của mình.
Mẹ tôi gắt:
– Thôi đi ông! Con nó mới bây lớn, ông nói nhiều chuyện quan trọng như vậy làm sao nó hiểu, nó nhớ?
– Thì đã có bà nghe, – cha tôi nói, – sau này lớn lên bà nhắc lại cho nó.
Mẹ đưa tay quệt nước mắt:
– Bệnh mà nói nhiều, lo nhiều, chỉ sợ ông mệt thôi.
Cha lại đăm chiêu:
– Mệt cũng phải nói, sợ không còn dịp nào nữa thì sao?
Nước mắt mẹ vẫn lăn dài:
– Ông đừng nói điều xúi quẩy. Mẹ con tôi chạy chữa cho ông, ông phải nghĩ mà ráng sống chớ.
Cha gượng cười:
– Tôi nghĩ sao bằng trời nghĩ. Thánh Hiền dạy thuốc chữa bệnh, không chữa được mệnh. Biết làm sao! Tôi nghe trong người khác lắm rồi, không nên giấu giếm làm gì.
Tôi tò mò hỏi xem:
– Mẹ, Thánh Hiền là gì mà cha cứ nói vậy?
Mẹ nhìn cha:
– Ông đã nói rồi thì nói luôn cho con nó nghe đi.
Cha lại cầm tay tôi:
– Đó là những người học nhiều hiểu rộng thời xưa, được thiên hạ tôn gọi là những ông Thánh, ông Hiền. Các ông này làm nhiều chuyện phi thường có ích cho đời, lại còn để lại sách vở có nhiều câu hay, dạy người ta sống tốt theo từng cảnh ngộ. Cha học Nho theo ông nội con nên hay đọc sách Thánh Hiền, nghèo mà vẫn vui, vẫn sống đàng hoàng, tới giờ này ngẫm lại thấy không có gì phải xấu hổ với mọi người và trời đất. Giá mà được khỏi bệnh đận này, cha sẽ dạy thêm cho con chữ Nho để biết đạo Thánh Hiền, đạo của ông cha mình ngày trước. Cha đọc sách của cụ Nguyễn Đình Chiểu cho mẹ con nghe hoài, sau nếu con không đọc được chữ Nho, bảo mẹ kể lại cho nghe cũng tốt, có ích lắm. Nếu con ham học, ham sách vở, tuy không còn cha nhưng vẫn như thấy cha luôn ở bên mình vậy. Con nhớ lời cha không?
– Dạ nhớ!
Tôi trả lời như cái máy. Kỳ thực những điều cha dặn tôi chỉ nhớ đại khái, loáng thoáng rồi quên đi theo những trò chơi tuổi nhỏ. Mẹ phải nhắc đi nhắc lại lời cha mỗi khi có dịp, tôi mới nhập tâm. Tôi không ngờ lần ấy là lần cha nói chuyện cuối cùng với tôi, nhiều và lâu nhất. Vài hôm sau, cha sốt mê man rồi cấm khẩu. Trưa hôm ấy, đi học về, tôi chạy lại giường mách cha chuyện mấy thằng to con xô tôi ngã xuống ao trường, cha cựa mình ú ớ, vẻ mặt trông rất bức bối, khó nhọc. Tôi thảng thốt: “Sao cha không nói được?”. Ông chỉ lắc đầu. Tôi hiểu bệnh cha càng đến hồi nguy kịch. Tôi bỗng thấy tiếc bữa cha dặn dò hôm nọ biết bao. Hôm đó tôi cứ nghĩ cha nói nhiều hơn bình thường, nhưng nếu biết trước như vầy, cha có nói nhiều hơn nữa vẫn còn là ít!
Đêm ấy đang ngủ vùi đầu trong chiếc mền len thì anh Hai lay dậy:
– Quyết! Quyết! Cha chết rồi em ơi!
Mặc dù còn đang ngái ngủ, hai mắt cay xè, tôi vẫn nhận ra vẻ thờ thẫn trên gương mặt anh Hai. Tôi bàng hoàng dụi mắt, không nói không rằng, lặng lẽ theo chân anh tới góc giường bệnh của cha. Một ngọn đèn dầu leo lét đặt ở đầu giường, xung quanh đều trở nên nhợt nhạt. Nhợt nhạt căn phòng, nhợt nhạt chiếc giường, nhợt nhạt cả hình bóng mẹ tôi đang bơ phờ ngồi rũ trong tiếng nấc nghẹn.
Một tờ giấy trắng phủ lên mặt cha. Tôi ngạc nhiên quá đỗi, nhưng rồi bỗng nghĩ, phải chăng vì vậy mà mẹ thường gọi người chết là những người khuất mặt? Tự nhiên tôi thấy cha xa lạ quá chừng. Cha chết thật rồi sao? Tôi như không tin vào mắt mình nữa. Mới hôm nào cha còn xoa đầu tôi âu yếm, còn dặn tôi những điều hơn lẽ thiệt, vậy mà bây giờ, tôi không thể nói gì với cha được nữa rồi, không thể bày tỏ tình cảm của mình cho cha vui được nữa rồi. Tôi muốn gào thật to cho “Thế giới bên kia” – thế giới của những người khuất mặt – nghe thấu mà trả linh hồn cha lại cho tôi. Nhưng tôi vẫn đứng yên bất động, mắt ráo hoảnh, người gần như trống rỗng. Tôi chẳng biết phải làm gì trong lúc này. Anh Hai nói nhỏ:
– Đây, em nhìn mặt cha đi!
Anh lật tờ giấy trắng che mặt cha ra. Tôi nhìn không chớp mắt. Mãi đến sau này tôi vẫn nhớ như in gương mặt cha lúc ấy. Hiu hắt. Xa xăm.
Bên ngoài, xóm làng đều yên ắng như tờ, nghe rõ tiếng những giọt sương từ hàng tre bên vách rơi trên mái nhà lộp độp. Tiếng gió trườn qua mái ngói, thầm thì như tiếng thở dài của đêm khuya. Trời lạnh như cắt. Hai hàm răng tôi va vào nhau lập cập. Anh Hai bảo:
– Em đi ngủ đi.
Tôi lắc đầu. Lúc này còn ngủ gì được nữa. Mẹ và anh túc trực bên giường cha chờ cho trời sáng. Tôi cũng ngồi co ro bên góc giường, chốc chốc lại rùng mình, nghe lạnh thấu tâm can.
Rồi tôi cũng thiếp đi lúc nào không biết. Khi tỉnh dậy thấy nhà đã ồn ã kẻ ra người vào. Họ tới chuẩn bị lo việc chôn cất cha tôi. Lúc này nỗi xốn xang càng xâm chiếm trái tim non nớt của tôi. Tôi chạy vào giường cha với nỗi khắc khoải chỉ lát nữa thôi sẽ không còn được nhìn cha nữa! Cha nằm đó, dẫu sao cũng là hình hài cha còn hiện diện trên thế gian này, cũng lưu luyến an ủi phần nào cho người thân những giây phút cuối.
Không biết ai đã báo tin mà chị Ba ở mãi tận quê chồng cũng đã về bên cha tự lúc nào. Vừa trông thấy tôi, chị bật khóc hu hu:
– Em ơi là em! Hức… hức… Mới mấy tuổi đầu, chưa biết gì… hờ…ức… sao phải chịu mồ côi vầy em ơi! Sao cha sớm bỏ em mà đi em ơi…
Chị ôm chầm lấy tôi bằng một cử chỉ khác lạ tôi chưa từng gặp bao giờ. Chị nghẹn ngào trong tiếng nấc, tiếp tục than khóc nghe thật não lòng. Tôi cứ mở to mắt ra nhìn chị, chị càng khóc dữ:
– Tội nghiệp em tôi quá trời ơi! Hờ… hờ…
Mắt tôi vẫn ráo hoảnh. Tôi lặng nhìn xung quanh mà không thốt lên một lời nào. Những người bà con họ hàng ở đâu tôi chưa từng biết mặt, lúc này cũng nhìn tôi chép miệng:
– Tội nghiệp! Nó còn nhỏ quá, lại chưa biết khóc, sau này sẽ khó mà nguôi ngoai được. Thà trong lúc này có nước mắt khóc cho hả rồi thôi, cho lòng không còn nặng nữa. Người không khóc được, nước mắt cứ chảy vào trong, nỗi đau buồn khó phôi phai lắm!
Người ta may cho tôi một chiếc mũ tang trắng bằng vải thô. Tóc tôi cứng lại húi theo kiểu đầu đinh, khi đội mũ vào, tóc cứ đâm lởm chởm ra ngoài, ai nhìn cũng xốn mắt.
Đám tang cha tôi như một áng mây đen đã sớm phủ lên tâm hồn tôi những ngày thơ ấu. Lúc hạ huyệt, mọi người bảo tôi hãy thả xuống vài nắm đất cho sau này dễ nguôi quên, tâm hồn khỏi bị nhiều u ám. Làm như vậy, người chết sẽ được thanh thản ở thế giới bên kia, người sống cũng không còn nặng lòng vương vấn để tiếp tục mà sống với đời. Hóa ra, quên cũng là một việc người ta cần làm, người ta mong muốn như một liều thuốc sẽ làm giảm bớt được ít nhiều những nỗi đau.

CHƯƠNG VIII
MỒ CÔI
Trời vẫn còn trong tháng chạp, ngày càng rét dữ. Cha mất rồi, nhà tôi trở nên vắng vẻ quạnh hiu, không mấy ai tới. Điều này cũng dễ hiểu. Anh em chú bác hoặc bạn của cha tới, lấy ai mà chuyện trò. Đã vậy, mẹ và các anh chị tôi ngày nào cũng đi suốt, từ khi gà gáy sáng đến tối mịt mới về. Nhà chỉ còn mình tôi trông nom. Mẹ dặn: “Cả nhà phải đi làm mướn kiếm cơm. Con không đi được, cố gắng giữ nhà đừng đi chơi hoang, đến chiều nấu cơm nấu nước chờ mẹ về. Buổi trưa thì ăn phần cơm sáng mẹ nấu sẵn rồi đó”.
Những ngày phải ở nhà thui thủi một mình, tôi buồn chân quá đỗi. Cảnh vắng vẻ làm tôi sợ. Mọi ngóc ngách trong nhà như có gì bí mật, mà một thằng bé như tôi luôn cảm thấy nhờn nhợn khi phải vào ra một mình. Vì vậy tôi đóng tất cả các cửa lại, khóa trái cửa ngoài, lẻn đến nhà hàng xóm chơi. Gần nhất và tôi cũng thường chơi là thằng Tiêu. Ở đó thằng Túc, thằng Tèo cũng hay sang. Ba má thằng Tiêu còn trẻ, trong họ hàng tôi gọi bằng anh chị, thằng Tiêu phải gọi tôi bằng chú. Thằng Túc, thằng Tèo cũng vậy. Chỉ có thằng Túc là mồ côi cha như tôi, nhưng mẹ nó rất trẻ, còn lại đứa nào cũng đầy đủ mẹ cha. Nhìn chúng nó được chiều chuộng, ăn sung mặc sướng lại chẳng phải làm gì, tôi phát thèm. Có đâu như tôi, tối ngày phải lo lượm củi đợi chiều nấu cơm, gai tre cào xướt chân tay. Nấu cơm đối với tôi như một cực hình, chỉ nơm nớp sợ cơm khê, cơm nhão, mẹ và các chị đi cấy thuê tối về mệt ăn không nổi sẽ mắng cho nhớ đời. Anh Hai đi làm thuê tận miền ngược nên không ăn cơm nhà. Anh Hai đâu chừng hăm mấy tuổi nhưng vắng anh, nhà càng quạnh quẽ vô cùng. Mẹ tôi thường bị hàng xóm ăn hiếp, kể cả những người trước kia hay lui tới thân mật với nhà tôi. Toàn những điều ngược ngạo mà mẹ tôi phải hứng chịu. Có lần cha mẹ thằng Tiêu mượn chiếc can sắt đựng dầu lửa đã lâu không thấy trả, mẹ tôi nhắc. Những tưởng sẽ được nhận chiếc can về với lời xin lỗi, nào ngờ ba thằng Tiêu quay ngoắt lại, sừng sộ:
– Bà có ngủ mơ không đấy? Hay là cho ông nào rồi tới đây hỏi tôi?
Mẹ tôi sững sờ, bà hỏi lại như không tin vào tai mình nữa:
– Chú định đùa hay sao vậy chú Bốn?
– Tôi không có thời gian mà đùa với bà. Đừng có ăn nói quàng xiên! Tôi mượn can của bà hồi nào, ai làm chứng? Nhà tôi cỡ này không sắm nổi hay sao mà phải đi mượn của nhà bà!
Không ngờ lại bị ngược ngạo đến vậy, mẹ tôi giậm chân kêu trời:
– Chú nói ngang ngược vậy, không sợ trời trả báo cho vợ con chú à?
Như chạm nọc, ông ta nổi hung theo kiểu cả vú lấp miệng em:
– Này, tôi nói cho bà biết, góa chồng mà không biết phận thì liệu hồn.
Càng tức, mẹ càng định nói nữa thì lúc ấy có ông hàng xóm mang chiếc can sang trả. Vốn không chứng kiến cảnh lời qua tiếng lại vừa rồi nên ông ta nói oang oang:
– Lâu quá Bốn bỏ lỗi. Sai sắp nhỏ đi trả mà chúng cứ nạnh lộn hoài, nay rảnh rỗi tôi mang sang đây.
Sự vô tình của ông khách như một cái tát bất ngờ vào mặt cha thằng Tiêu trong lúc này. Ông ta cụp đôi mắt xuống, đờ người ra như trúng gió, miệng cứng đơ không còn già hàm được như lúc nãy nữa, vì đó rành rành là chiếc can anh Hai tôi đã khắc tên “Quân” vào đó đàng hoàng!
Quay sang người trả can, mẹ vừa nói vừa run:
– Cảm ơn chú trả đúng lúc, không thì tôi đã mất của lại còn mang tiếng xấu.
Nghe nói sau này cha thằng Tiêu trách móc người trả can, trời xui đất khiến làm sao mang can tới “thú nhận” đúng vào lúc ấy, làm cho ông ta bị bẽ mặt với mẹ mà không thể chống chế được nữa. Còn mẹ tôi về nhà chép miệng:
– Chắc cha mầy linh thiêng đã khiến thằng nọ mang can đến vào lúc ấy. Nếu không, chuyện không đáng gì cũng bị người ta ăn hiếp, tủi nhất còn bị hàng xóm hùa vào cho là bà góa nói xằng!
Từ hôm ấy, tôi càng thêm thấm thía cảnh “mẹ góa con côi” mà người lớn thường hay nói. Hóa ra là như vậy ư? Còn gì buồn hơn, còn gì đáng giận hơn khi những kẻ hiếp đáp gia đình tôi chính là chòm xóm thân thuộc, thậm chí còn là bà con họ hàng? Tôi hằn học nói với mẹ:
– Con mà lớn lên, bọn nào ăn hiếp mẹ, con sẽ không để yên đâu.
Mẹ ôm tôi vào lòng, hai giọt nước mắt nhỏ xuống mặt tôi nóng hổi. Nhưng mẹ lại cười, gương mặt mẹ lại có phần tươi tỉnh lên đôi chút:
– Con quên lời cha rồi sao? Người ta sợ người hiểu biết chớ không ai sợ kẻ võ biền. Với lại cũng đừng nên đe dọa ai dù họ không ở phải với mình. Nói gì thì nói, họ cũng là những người quen biết thân thuộc xung quanh ta thôi mà.
Tuy còn bé nhưng mọi điều buồn tủi của mẹ đều thấm vào tôi, ảnh hưởng không nhỏ đến tuổi thơ tôi. Và trong tôi đã hình thành một ý chí: phải làm sao để mẹ khỏi buồn, khỏi tủi, để mọi người xung quanh khỏi coi thường. Vì bức xúc quá, tôi chỉ nung nấu ý nghĩ vươn lên như vậy chứ thật ra cũng chưa biết phải làm gì.
Mẹ bị xóm giềng ức hiếp, còn tôi ra ngoài cũng bị đối xử không công bằng. Mỗi khi đi chơi bị trẻ làng hùa nhau gây sự, nỗi căm hận trào lên sùng sục trong tôi, khiến tôi không còn biết ngán sức là gì nữa. Tôi nghiến răng lao vào chúng với tất cả sức lực. Tôi bị chúng cậy đông đánh cho nhừ tử, nhưng phần chúng cũng bị đứa thì sưng mắt, đứa bị vêu miệng, đứa lại trầy trụa tay chân! Không hiểu sao những lúc ấy, tôi cảm thấy khỏe gấp bội. Bọn chúng hèn hạ hùa nhau, chứ nếu đánh từng đứa, chưa hẳn tôi thua chúng. Tệ nhất là cha anh chúng thấy tôi chỉ đơn độc một mình, đã không can ngăn con em mình thì thôi, đằng này cũng hùa vào cho tôi mấy cái bạt tai, vài cái đá đít, miệng còn chửi toáng lên:
– Đồ con không cha không ai dạy, lần sau còn động tới sợi lông của mấy đứa này nữa thì tao giết!
Tôi càng ức không thể nhịn được. Nhưng tôi vẫn là một đứa trẻ con thì làm được gì. Tuy vậy cũng không thể lủi thủi đi về được. Tôi chạy với khoảng cách khá xa cho những kẻ này không đuổi theo kịp rồi quay đầu lại chửi, tay còn giơ cao nắm đấm dứ dứ về phía họ rồi bỏ chạy!
Bọn người tức điên nhưng thấy không đuổi kịp nên đành chửi với theo lưng tôi:
– Thằng hỗn quá trời! Đồ mất dạy!
Tôi chạy về mà vẫn còn ấm ức, kể lại đầu đuôi cho mẹ nghe. Cứ tưởng bà sẽ xót con mà xoa đầu an ủi, nào ngờ vừa nghe xong, bà hầm hầm rút vội chiếc roi tre vụt vào mông tôi túi bụi:
– Đồ ngu! Tao nuôi cơm cực khổ để mày mang đầu cho người ta đánh! Thà tao đánh trước còn hơn.
Mẹ còn tiếp tục vụt roi vào người tôi thì có tiếng người từ ngoài sân:
– Mợ Năm làm gì mà đánh cháu dữ vậy?
Mẹ nhìn ra:
– Chị Ba về chơi đấy à! Thằng này nó hư quá, không đánh không được. Cứ đi chơi la cà rồi đánh nhau với con nhà người ta, cha mẹ chúng lại xúm bênh con, thằng này tức không chịu được thì chửi càn gọi họ bằng mày tao. Thiệt là ăn nói vô phép, chẳng biết kẻ lớn người nhỏ gì ráo, để cho người ta mắng là mất dạy. Tôi tức lắm.
– Thôi mà mợ! Từ từ rồi dạy cháu. Cháu nó sai chỗ nào nên nói cho nó biết chỗ ấy. Nó mồ côi cha chịu nhiều thua thiệt rồi mà cứ đánh đập thật tội nghiệp. Tôi không bênh cháu nhưng thực ra bọn người lớn có cư xử tốt với nó đâu.
Mẹ vứt chiếc roi xuống đất, mặt vẫn làm nghiêm với tôi, tuy giọng đã có phần dịu lại:
– Thôi, hôm nay tao tha. Nhưng phải nhớ là từ nay không được chơi bời la cà với bọn trẻ nữa, không lại sinh chuyện. Con lại chào cô Ba di!
Tôi thở phào nhẹ nhõm chạy lại bên cô Ba, cảm thấy một tình thương máu mủ đang khơi dậy trong tôi. Đã lâu lắm rồi tôi mới gặp lại được thứ tình thương như thế, lúc này quí giá vô ngần đối với tôi. Tôi thấy ngoài tình thương của cha mẹ anh chị trong nhà ra, nếu không có chút tình thương máu mủ ruột rà nào từ những người thân, thật buồn tủi biết ngần nào, nhất lại là một thằng bé đang thiếu thốn tình cảm như tôi.
Cô Ba là chị ruột của cha tôi. Cô theo quê chồng cách mấy xã liền, mỗi lần về chơi chỉ toàn đi bộ. Dượng mất đã lâu, các con cô đã có gia đình đều ra ở riêng cả, cô đi đâu cũng chỉ một mình. Dáng cô gầy và trông già di nhiều. Ngày còn cha, tôi ít khi thấy cô có dịp về chơi. Từ ngày cha mất, cô thường tạt về thăm mẹ và chúng tôi. Thấy tôi còn bé quá, cô than thở xót xa:
– Tội quá chừng! Mới bây lớn mà mồ côi mồ cút.
Nói xong cô lặng lẽ rút dây buộc thắt lưng, móc chiếc túi vải bé xíu lấy đưa tôi mấy hào dành dụm được:
– Cô cho con ăn kẹo.
Hầu như lần nào về cô cũng đều cho tôi tiền cả. Nhận những đồng xu nóng hổi từ nay cô, không hiểu sao tôi cứ muốn khóc. Tôi nhớ lại ngày mất cha, cô khóc khản cả tiếng, cô ôm ghì tôi vào lòng mà gào:
– Tôi già chừng này, cậu Năm sao không nhường cho tôi chết trước, cậu sống mà nuôi thằng Quyết. Bỏ nó côi cút như vầy cậu ơi!
Từ đó cô rất thương tôi, mỗi lần về đều hỏi tôi một cách âu yếm:
– Cháu muốn ăn gì thì cô cho tiền mua ăn?
Thương nhất là cô cũng chẳng giàu có dư dả gì, có khi còn túng thiếu chẳng có tiền mà đi chợ nữa!
Chị Ba tôi lấy chồng cách nhà cô một làng. Nhà chồng đối xử với chị không ra gì. Thương cháu, cô Ba nghe ngóng tình hình tất cả, thành ra những điều chị Ba giấu giếm, mẹ tôi đều biết. Mẹ và chị lại nhìn nhau mà khóc. Cô Ba già yếu cũng vung cánh tay gầy gò ra bênh cháu: “Nhà nó xử bạc với con, trời cũng trả cho con gái nó lãnh! Con người ta cũng là người, sao nó không thương?”. Giống như cô, chị Ba hiền lành và nhẫn nhục lắm. Nhưng hoàn cảnh của chị thì gò bó hơn cô. Mỗi khi về chơi, chị thường tranh thủ chốc lát vào lúc vãn chiều. Chị cũng chuyên lội bộ, đội chiếc nón lá nghiêng nghiêng, xách đôi dép nhựa đi tắt qua mấy cánh đồng, khi đến đường lớn mới đặt xuống mà xỏ chân. Khác với cô Ba, lúc mới vào nhà chị không nói gì với tôi. Khi chuẩn bị ra về, chào mẹ rồi chị lẳng lặng tìm tôi, nói nhỏ:
– Em đi với chị ra ngõ cho vui.
Tôi hiểu chị muốn tôi tiễn một đoạn dù chỉ mấy bước đường. Ngõ nhà tôi khá dài mới ra tới đường làng. Hai chị em vừa đi vừa nói chuyện. Hình như lúc này mới là thời gian chị dành cho tôi, tuy ngắn ngủi nhưng tôi không sao quên được. Chị nhìn tôi với đôi mắt đỏ hoe như chực khóc:
– Em có nhớ cha lắm không? Có cực khổ lắm không?
Trả lời chị, bao giờ tôi cũng chỉ lặng lẽ bước bên cạnh như không muốn rời chị ra. Tôi cố đi thật chậm cho thời gian ở bên chị được lâu hơn, vậy mà đường làng cũng đã hiện ra trước mắt. Chị dừng lại nhìn tôi, tần ngần, rồi mắt lại dõi về phía cánh đồng chỉ còn le lói nắng. Cuối cùng chị ngồi thụp xuống bên chân tôi, tôi đứng chỉ cao hơn chị một chỏm đầu. Chị nửa ngồi nửa đứng, kéo tôi lại cho thật sát, vuốt mấy sợi tóc lòa xòa trên trán, dặn dò:
– Em nhớ nghe lời mẹ. Nhà mình vất vả, đừng làm cho mẹ buồn thêm.
Chị âu yếm nhìn tôi một lúc rồi loay hoay lục trong chiếc ví nhỏ mấy đồng bạc, thì thầm: “Cho em ăn quà”. Biết chị rất thương em, nhưng tôi lại ái ngại cho chị quá, lắc đầu không nhận. Chị nói nghẹn ngào:
– Em thiếu thốn lắm, chị buồn mình khổ quá không có cho em thật nhiều. Em cầm mấy đồng lẻ này mà ăn quà cho chị vui.
Tôi nói cộc lốc:
– Em không chê ít, em chỉ tội chị thôi!
Có lẽ câu nói của tôi là điều chị chưa bao giờ nghĩ tới. Chị xúc động một cách bất ngờ, lại ôm chầm lấy tôi mà cố nén tiếng khóc sắp bật ra, nếu còn trong nhà có lẽ chị đã khóc cho thỏa. Chị vỗ vỗ vào lưng tôi:
– Tội nghiệp em tôi. Em còn nhỏ mà biết thương chị quá. Nhưng em càng thương càng phải nhận tiền lì xì cho chị vui.
Tôi nghe râm ran khắp người. Như sợ không dứt đi được, chị giúi mấy đồng tiền vào túi áo bé tẹo của tôi rồi vùng đứng dậy nói nhanh:
– Thôi chị đi. Em ở nhà nhớ ngoan, chị nhớ em nhất đó.
Mặt trời cũng vừa khuất bên kia núi. Nhìn cái dáng tất tả của chị, tôi nghĩ lúc này chắc chị phải vừa đi vừa chạy mới mong trời không quá tối. Tôi đứng ngơ ngẩn nhìn mãi, nhìn mãi theo cái dáng nhỏ dần của chị cho đến khi mất hút từ giữa cánh đồng làng.
Cha mất để lại một khoảng trống lớn trong tâm hồn tôi. Cũng may còn có cô Ba, có chị Ba thường về thăm như vậy, tâm hồn non nớt của tôi đã được an ủi rất nhiều. Những đồng tiền của cô và chị cho, tôi không muốn tiêu xài vào việc gì. Tôi coi như đó là những gì thiêng liêng nhất mà những người trong tình máu mủ đã dành cho tôi, quan tâm tới tôi. Tôi không thể đem điều thiêng liêng ấy mà đi tiêu xài được.
Mẹ tôi biết chuyện, bà bảo nên cất tiền vào “ổ bịp”, một đồng sẽ đẻ ra mười đồng, đến cuối năm “trút ống” sẽ được một món tiền đáng kể, tha hồ sắm Tết. Tôi nghe lạ tai nên giục mẹ làm ngay. Mẹ bảo anh Hai làm cho tôi một “ổ”. Thì ra ổ bịp là một ống tre lớn mỏng cơm, chỉ cần cưa một khe nhỏ là có nơi cho tiền “chui” vào. Vào được nhưng ra không được, giống như chiếc lờ đơm cá. Muốn lấy tiền chỉ còn cách… chẻ ống tre ra. Vì vậy buộc phải đợi đến hết năm mới trút ống. Tiền có đẻ được không? Giá như tiền đẻ được thì mẹ tôi đỡ khổ biết bao! Anh Hai cười, giải thích câu đùa của mẹ:
– Ngày xưa có thằng bé mơ được nhiều tiền để mua chiếc áo rét. Mẹ nó bày cất một đồng tiền vào ổ bịp, mai sẽ đẻ ra mười đồng. Thằng bé làm theo, đến sáng thì nó kiểm tra có mười đồng bạc thật. Nó mừng rỡ reo lên, nhưng có ngờ đâu ấy là tiền mẹ nó bỏ thêm vào!
Thì ra là vậy! Trong những lúc buồn người ta lại nghĩ ra nhiều trò lạ để khích lệ mình, kể cũng hay. Cuộc đời sẽ trở nên lạc quan hơn, thú vị hơn, sẽ lấp lánh khêu gợi chứ không chán ngắt như những ngày u ám.
Cả nhà lại tiếp tục đi làm thuê. Mẹ dặn tôi:
– Con ở nhà, dứt khoát không được gây lộn với trẻ hàng xóm đâý.
Lần này nếu mẹ không dặn, tôi cũng chẳng muốn gây gổ với bọn trẻ làm gì. Càng ngày, tôi càng trở nên lầm lì ít nói. Cả nhà đầu tắt mặt tối, nên ít ai để ý đến tôi. Những niềm vui tuổi nhỏ hay những nỗi buồn mồ côi, tôi chỉ còn có mẹ để tâm sự. Nhưng thấy bọn trẻ cùng lứa có cha chia sẻ, tôi lại nghĩ tâm sự với mẹ thì không xứng là con trai, thà im lặng còn hơn. Nhiều khi tôi nhớ cha đến cồn cào gan ruột. Trong tâm trí, tôi vẫn chưa quen hoàn toàn với ý nghĩ cha đã thật sự không còn trên cõi đời này nữa. Mỗi khi chợt nghĩ đến sự thật ấy, tôi lại thảng thốt giật mình, cứ như vừa mới chứng kiến cảnh cha mất hồi đêm. Lạ một điều, trong ngày mất cha, tâm trí tôi vẫn còn bình thản đủ để quan sát những gì diễn ra xung quanh. Vậy mà trong những lúc nhớ về cha như thế này, tôi cơ hồ như lịm người đi, tê dại và đau nhói.
HUỲNH VĂN QUỐC
(Còn tiếp…)
- Truyện ngắn Phùng Văn Khai: Dấu ấn khúc dạo đầu
- Gia đình nhà văn Lê Văn Nghĩa tặng hiện kim giải Cống hiến cho trường cũ Bình Tây
- ‘Vua phóng sự’ làm gì khi cuốn sách về gái điếm bị đá vào xó tường?
- Một cuộc hội ngộ ý nghĩa của văn nghệ Xứ Thanh
- Nhà văn Thương Hà và cuốn tiểu thuyết hiếm hoi về Đại dịch