Truyện dài thiếu nhi của Huỳnh Văn Quốc: Tiếng vọng ngày xanh – Kỳ I

Vanvn- Tập truyện dài thiếu nhi Tiếng vọng ngày xanh của Huỳnh Văn Quốc ở Phú Yên đã được trao Giải thưởng NXB Kim Đồng năm 2001. Vanvn.vn đã từng trích đăng một số chương của truyện này, nay theo yêu cầu của bạn đọc và được sự đồng ý của nhà văn Huỳnh Văn Quốc, xin lần lượt giới thiệu toàn bộ văn bản Tiếng vọng ngày xanh nhân dịp mừng Ngày Quốc tế thiếu nhi 1.6.

Nhà văn Huỳnh Văn Quốc – Phó Chủ tịch Hội VHNT tỉnh Phú Yên, Tổng biên tập Tạp chí Văn Nghệ Phú Yên

CHƯƠNG I

TRÊN ĐỒNG LÀNG

 

Ngày cha cho tôi theo ra đồng cũng đến. Trời nắng lắm. Mẹ, hai chị và anh tôi cùng đi. Đồng đang vào mùa gặt. Những đám ruộng trơ gốc rạ, nước xâm xấp, bờ ruộng lẹp nhẹp mùi cỏ ngái, mùi bùn non và phân trâu bò. Thửa ruộng nhà tôi không lớn nhưng lầy đến gối. Mẹ giao cho tôi ôm lúa lên bờ. Những bó lúa mẹ và chị buộc, tôi ôm gọn hơn, nhẹ hơn của cha và anh Hai. Mới đầu còn hăm hở, chỉ sau khoảng mươi bó là chân tôi đuối dần, rũ ra, đám ruộng bùn phoàm phạp níu chân tôi lại đằng sau, gốc rạ xước lên chân buốt thon thót, mồ hôi nhễ nhại thấm vào môi mặn chát. Tôi thấm mệt. Mẹ khích lệ:

– Con xách ít ít thôi, đừng gắng sức, miễn là phải siêng năng thì lúa nó mới thương mình.

Nghe mẹ nói lạ, tôi cãi:

– Làm gì mà lúa biết thương người! Lúa có phải là người đâu, mẹ nói giỡn nghe hay thiệt!

Các anh chị tôi phì cười, nhưng mẹ không cười. Ngược lại còn nghiêm mặt với một vẻ hết sức tin tưởng, cứ làm như điều đó là có thật hoàn toàn. Tay vẫn thoăn thoắt cắt từng mớ lúa, mẹ thong thả kể:

– Tụi mày không biết đâu, người lớn nói cho nghe còn cứ cãi! Ngày xưa có đứa con gái tánh hay làm biếng, chỉ muốn ăn mà không hề muốn làm một chuyện gì dù là nhẹ nhứt. Tới mùa lúa chín, cha mẹ cô nàng có việc phải đi vắng, dặn con gái ở nhà nhớ dậy sớm quét sân quét ngõ cho sạch sẽ để đón lúa về. Ngày xưa khi chín lúa tự về nhà được, lúa thương người nhưng tánh lúa cũng sạch sẽ lắm, nhà ai không quét dọn nghinh đón thì lúa lũ lượt quay ra đồng, chờ khi nào chủ nhà quét dọn sân xong mới về.

Mẹ kể nghe sao lạ quá, tôi nôn nóng hỏi:

– Ngày xưa lúa tự về được, sao nay lúa không về nữa, để mình phải đi cắt gánh mệt thấy mồ?

– Thì vậy mới đáng nói! Hôm ấy cô gái lười ngủ nướng. Mặt trời mọc non cây sào rồi mà chưa dậy. Lúa đã ùn ùn kéo về nói chuyện râm ran ngoài ngõ, cô sực tỉnh vơ vội cây chổi ra quét sân. Lúa ùa vào giục giã: “Cô chủ ơi, quét nhanh nhanh lên cho chúng tôi vào!” Bên ngoài lúa tiếp tục kéo về chật ních, thúc hối cô chủ “quét nhanh nhanh lên, quét nhanh lên”. Thấy bị thúc bách quá, cô chủ đâm ra bực mình, cô trở quạu vung chổi đập túi bụi lên đầu những cây lúa đang áp sát vào mình: “Nhanh nè! Nhanh nè!”. Bị đối xử ngược đãi như vậy, lúa giận quá hè nhau: “Anh em ơi, không về nhà nữa, chúng mình quay ra ruộng thôi”. Trước khi đi, lúa còn ngoảnh lại thề độc: “Vòng săng dao sắt, cắt cổ tao cũng không về”. Từ đó trở đi, lúa ở luôn ngoài đồng, cứ đến mùa lúa chín con người phải ra cắt mà gánh về, vất vả nặng nhọc cũng đành chịu mà thôi.

Thật đáng tiếc. Lúc này tôi đã thấm mệt nên càng thấy ghét cô gái trong câu chuyện mẹ kể vô cùng. Tôi phàn nàn:

– Nếu cô gái ấy không lười thì nay mình đâu có mệt vì phải cắt lúa nắng nôi như vầy chớ.

– Cho nên không được lười biếng – mẹ tôi tiếp – ai lười sẽ phải nhận hậu quả.

– Nhưng mình có lười đâu? – Tôi thắc mắc. – Một mình cô gái ấy lười, cô ta đập chổi vào lúa mà sao nhà nào cũng bị lúa giận, cũng phải ra đồng cắt lúa cực khổ?

Mẹ tôi bị bất ngờ. Bà trở nên lúng túng:

– Ờ ờ, sao lạ vậy cà… mà mày còn nhỏ hỏi mấy chuyện đó làm gì?

Các anh chị tôi cười khúc khích, bỗng cha lên tiếng:

– Không biết nó mới hỏi, chuyện nãy giờ bà kể cho nó nghe kia mà! – Ông quay sang tôi. – Con biết tại sao cô gái ấy mắc lỗi mà mình phải chịu khổ lây không? Là vì cô ấy cũng là người như mọi người, lúa nó không phân biệt được, cho nên hễ một người làm điều xấu là cả loài người phải chịu chung. Do vậy nếu con làm một điều xấu thì cả nhà, rồi cả làng phải xấu hổ theo đó, rồi phải chịu khổ chung do việc làm xấu của con gây ra. Con biết ghét cô gái lười trong câu chuyện mẹ kể thì nhớ đừng làm điều gì xấu để mọi người tức giận.

Mẹ kể chuyện từ đời nảo đời nào mà bây giờ cha rút lại nghe sao gần gũi quá. Câu chuyện vốn đã hay, lời cha thêm vào càng thêm thấm thía khiến tôi cứ suy nghĩ mãi. Té ra câu chuyện ấy vẫn có phần mình trong đó, mình chịu khổ lây do việc làm xấu của cô-gái-lười gây ra. Vậy thì từ nay nếu thấy ai làm điều gì xấu, tôi sẽ nhắc nhở hoặc mách cho người khác cản trở để họ khỏi làm khổ mọi người. Tôi thấy thấm thía với cái mệt ôm lúa lên bờ trong lúc này nên lời cha dặn sẽ không thể nào quên. Tôi quyết không bao giờ làm điều xấu để mọi người phải khổ như cô gái nọ đã làm.

Tuy mệt tôi vẫn thấy vui, không phải niềm vui mùa màng của người lớn biết lo xa, mà vui vì lúa đã cắt xong, giờ được xếp gọn gàng trên bờ chờ các anh chị tôi gánh về. Nhưng lúc này việc gánh lúa được hoãn lại, một việc khác đang hấp dẫn lôi cuốn: bắt cá đồng! Ruộng nhà tôi nhiều cá quá. Lúc sáng hai chị em tôi đã mang theo thùng thiếc chờ bắt cá. Thấy lúa đã cắt xong, trẻ chăn bò cũng xúm vào tranh nhau sục sạo. Trời gần đứng bóng, nước ruộng nóng dần lên, phả hơi nóng hầm hập vào mặt, hòa vào hơi thở hừng hực của mọi người. Thấy đám trẻ hăng quá, tôi cũng không ngại gì, sục tay vào bùn, mặc cho áo quần bê bết. Những chú cá rô cong mình búng nước, tôi không bắt kịp còn bị bùn văng đầy mặt. Mấy ả cá nhét mình trơn như lươn, tôi cầm cả hai tay vẫn không giữ được, chỉ một cái vặn mình là chúng đã trườn tuột vào bùn, mất dạng. Vậy mà thằng Túc lại giỏi như người lớn, có khi giỏi hơn cả chị tôi, mặc dù nó cũng trạc tuổi tôi. Hai tay nó bắt cá như nam châm hút sắt, sờ trúng lưng con nào là con nấy như dính chặt vào tay nó. Thấy tôi trầy trật mãi không bắt được con nào, nó cười hích hích:

– Ê Quyết, mày về bắt cá trong nồi là chắc ăn nhất!

Trời nắng gắt. Mặt tôi vốn đã phừng phừng, bây giờ càng nóng bừng lên. Thấy có con cá trê bằng ngón chân cái đang vẫy đuôi lách bùn, tôi vội vàng chộp ngay để cho thằng Túc thấy rằng mình không quá dở. Khi tôi vừa chộp được chiếc đuôi, con cá quẫy mình búng gập lại một cái, tôi bỗng thấy đau nhói ở mu bàn tay. Con cá lẹ làng vuột khỏi tay tôi, nhưng cũng không qua được tay thẳng Túc. Nó chộp lấy đầu con cá, hai ngón tay trỏ và giữa của riêng bàn tay phải thôi đã kẹp gọn dưới nách chú trê mà chú không làm gì được. Thằng Túc giơ trước mặt tôi lắc qua lắc lại:

– Cho mày đấy!

Tay nhức quá làm tôi đâu còn ham. Nhưng tôi cũng nhìn kỹ theo tay thẳng Túc xem thử chú cá có gì mà đâm tôi đau điếng. Thì ra ngoài bốn chiếc râu với cái đầu dẹp lép, hắn còn có hai chiếc ngạnh ở hai bên khóe mang để tự vệ. Thằng Túc đã kẹp ngón tay dưới hai chiếc ngạnh ấy nên không hề gì. Ngạnh trê cứng và nhọn như vậy hèn chi chị Bốn hay ví mỗi khi tôi bướng bỉnh không làm việc gì chị giao, lúc ấy chị gọi tôi là “đồ ngạnh trê”. Bây giờ thì tôi đã thật sự nếm mùi lợi hại của ngạnh trê rồi. Mặc cho thằng Túc cười cười nói nói, mắt tôi nhìn mọi vật bỗng trở nên nhoè đi, xung quanh chao đảo chòng chành. Bàn tay đã sưng vù, tím buốt, nóng giần giật. Tôi gắng bình thản cho thằng Túc khỏi cười, nhưng cuối cùng cũng không gượng nổi, đành xiên xẹo bước về phía bờ ruộng, lựa nơi cỏ êm nhất nằm phịch xuống trong khi chỗ đau giần giật nóng ran.

Nghe thằng Túc mách, mẹ chạy lại sờ nắn tay chân tôi, sau đó mới lục hết túi này đến túi khác tìm được chai dầu gió xức cho tôi. Mẹ nói:

– Cái thứ cá trê sồn sồn này chích ngạnh là đau gấp nhiều lần so với cá lớn! Nhưng không sao đâu, con nghỉ cho khỏe rồi sẽ hết.

Quả thật tôi đau thấu tim. Anh Hai phải cõng tôi về tìm các loại thuốc lá cây giã đắp vào tay. Tối đến, do lần đầu ra ruộng, gặp nắng gió gắt gỏng hay sao mà tôi lên cơn sốt mê man. Mẹ tôi lo lắng luôn miệng hỏi: “Có sao không con? Bây giờ con thấy đỡ hơn không?” Tôi chỉ đáp rời rạc cho qua chuyện, mẹ càng lo hơn và chăm sóc ân cần hơn, hết dỗ tôi uống thuốc lại nấu cháo cá trê ép tôi ăn.

– Ngạnh cá trê không độc lắm, – mẹ nói, – cái chất nhớt của nó làm người ta nhức. Nhưng hễ ai ưa, nó chích cũng chẳng ăn nhằm gì, bất quá như con kiến cắn thôi. Ai không ưa, nó nhức còn hơn nhức răng, cứ việc ăn cháo cá trê vài lần là giải.

Tôi ngạc nhiên quá, hỏi lại:

– Ngạnh trê chích đau thấy mồ, mẹ biểu ai mà ưa cho được?

Mẹ cười:

– Ông vải mày! Là tao nói người nào có máu hạp với nó sẽ khỏi bị nhức. Do máu mình có ưa hay không, chớ cá chích ai mà ưa cho được. Thôi không hỏi nữa, ăn đi.

Nồi cháo cá trê lên hơi thơm phức trong căn nhà nhỏ. Mùi hành hăng hăng, mùi tiêu cay nồng gợi lên cảm giác thèm ăn và ăn ngon miệng. Mẹ đã múc cháo bày ra mâm cả nhà cùng ăn. Cháo nhuyễn và ngọt lừ. Tôi vừa ăn vừa thổi phù phù, nóng toát cả mồ hôi. Cha tôi cười:

– Ăn cháo húp quanh. Nhưng cháo này phải húp nóng mới đã, vừa xuất mồ hôi giải cảm, vừa nhận được cái ấm nóng nồng nàn của mùi vị thơm ngon lan truyền trong cơ thể. Ăn tới đâu biết ngon tới đấy, nghe nó thấm vào người. Không như những món khác chỉ ngon ở miệng, vào đến dạ dày là không còn dư vị gì nữa.

Mẹ tôi góp lời:

– Ông nói vậy hèn chi khó ăn khó uống, không mập được. Phải tập dễ một chút ông à.

– Thì tôi có đòi hỏi cao lương mỹ vị gì đâu, – cha cười, – chẳng qua tôi muốn chút khoan khoái khi nếm những món ăn quê mùa gần gũi mà thôi.

Chị Bốn chen vào:

– Vậy nhà mình có món cháo hoa là gần gũi nhất đấy!

Cả nhà cười rộ. Chỉ có tôi là không. Chị Bốn trêu:

– Đố thằng Quyết biết cháo hoa là gì?

Tôi bị bất ngờ, ấp úng:

– Chẳng lẽ… chẳng lẽ… cháo nấu bằng hoa à?

Ai nấy đều cười ngặt nghẽo. Tôi vẫn ngơ ngác:

– Bộ… không đúng sao? Vậy chớ cháo nấu bằng gì?

– Bằng gạo thôi, cu em! – Chị Bốn vẫn không ngớt cười.

Tôi cãi:

– Bằng gạo thôi thì gọi là cháo gạo có đúng hơn không, sao lại gọi là cháo hoa?

Cười chán, chị Bốn giải thích:

– Có lẽ hồi xưa người ta không có gì, khi nấu cháo thấy hạt gạo nở mịn như hoa thì gọi luôn là cháo hoa cho sang, nghe vừa hay vừa thấy thích ăn, lại vừa thấy bớt buồn khi phải ăn cháo gạo suông. Mày ăn cháo hoa hoài mà không biết!

Tôi lại cãi:

– Có ai nói cho mà biết!

Cha cười:

– Đấy, cho nên có những cái gần gũi với mình hàng ngày, mặc dù quá quen thuộc nhưng không tìm hiểu gốc gác, cũng khó mà biết cho có ngọn có ngành.

Mẹ tôi không tham gia câu chuyện. Bà lẳng lặng đi nấu nồi lá xông, mở vung đặt giữa nhà, hơi bay nghi ngút, bảo tôi đến ngồi bên rồi kéo mền trùm kín. Hơi nóng phả vào người tôi hầm hập, mồ hôi tuôn đầm đìa như tắm. Đến khi gần như ngạt thờ, tôi tung mền đứng dậy đã thấy nhẹ hẳn người. Lau mồ hôi cẩn thận, mẹ hỏi:

– Khỏe chưa con?

Tôi thấy đã đỡ nhiều nhưng vẫn vờ như đang bệnh dữ lắm để tận hưởng sự âu yếm của mẹ. Một cảm giác dễ chịu đang mơn man rạo rực trong người. Giống như những ngày còn bé tí đâu chừng vài ba tuổi, khi đã nhận biết được xung quanh, tôi nhớ nhất là tối tối, mẹ bồng tôi lên chiếc võng đay đưa qua đưa lại, mỗi lần đưa là một lần mái nhà như sà xuống bên tôi, ấp iu tôi, khiến tôi vừa khoan khoái vừa rợn ngợp trong cảm giác bềnh bồng. Thú vị nhất là kèm theo nhịp võng, giọng ru hời của mẹ mới dỗ dành âu yếm làm sao. Tiếng mẹ ru khi bổng khi trầm, lúc dài lúc vắn, tôi nghe như tiếng của mái nhà ấm áp, của cái cột cái kèo từ thuở nào vọng lại dang mơn trớn thịt da tôi, tắm táp tâm hồn tôi. Cứ thế, tôi lớn lên lúc nào không biết nữa.

Tranh của họa sĩ Lê Trần Thanh Thủy

CHƯƠNG II

BÓNG MÁT TUỔI THƠ

 

Thấy tôi đã khỏi hẳn, cha tôi xoa đầu nhắc với giọng ôn tồn:

– Lần sau đừng có đòi theo cha nữa đấy. Ức ra đồng như cá ức nước, biểu ở nhà chơi với Ông mà không chịu.

Không dám cãi cha nhưng tôi ít thích ở nhà với Ông, vì buồn vắng quá. Ông đây là ông Tám Chùa em ruột ông ngoại. Vì ông bà nội – ngoại đều không còn nên nhà tôi gắn bó với ông lắm, anh chị em tôi đều coi như ông ngoại ruột, và chỉ gọi bằng mỗi một từ là Ông với cả niềm thương kính. Ông đi tu từ nhỏ, cạo tóc nhưng để râu giờ đã bạc trắng, không vợ không con, thường chơi với cháu làm vui. Ngôi chùa làng chỉ mình Ông ở nằm cách nhà tôi non cây số. Ông thường xuống chơi với tôi hàng buổi. Khi cả nhà tôi đi làm về là Ông trở lại chùa vác cuốc làm vườn.

Theo lời cha kể, cuộc đời Ông cũng có nhiều lúc gian truân khốn khổ. Năm Pháp bắt lính, không muốn làm tay sai cho giặc nên ông xin vào chùa, sớm chiều kinh kệ làm vui. Thời ấy chùa làng nghèo lắm, được làm bằng nhà tranh vách đất đơn sơ, bên trong duy nhất một pho tượng Phật cũng bằng đất. Một tay Ông đã làm lụng, gây dựng dần dần nên ngôi chùa như ngày nay. Ông làm thợ giáo-ngoại, không hiểu sao người dân ở đây lại gọi như vậy đối với những người làm thuê bằng công việc nhồi đất trát vách. Công việc nặng nhọc nhưng Ông chỉ ăn mỗi bữa có nửa chiếc bánh tráng, làm bằng bột sắn pha gạo, để cầm cự qua ngày. Ông đi bộ rất tài, chân không hề mang dép nhưng luôn đạp đất băng đường tới những nơi xa nhất trong tỉnh, bởi ông còn là một thầy thuốc nam có uy tín trong vùng. Ông chữa bệnh mà không hề đòi hỏi ở gia chủ một lễ lạt gì, vì người bệnh nào tìm tới ông cũng đều túng quẫn ngặt nghèo cả. Tiền thuốc ư? Đã có cả một khu vườn chùa trồng toàn thuốc nam do chính tay Ông chăm sóc. Tiền đi đường ư? Đã có đôi bàn chân cứng cáp. Ông chưa hề biết mỏi. Nghĩa là trong mọi việc, ông đều tự túc hoàn toàn.

Ngày đi chữa bệnh, cúng kinh, tối về gióng chuông niệm Phật, lòng không vướng bận những bon chen thế tục, ông có cuộc sống khá thanh bần. Vậy mà vẫn không được yên. Năm mà Chính phủ Ngô Đình Diệm đàn áp Phật giáo, họ đưa lệnh về địa phương cho cánh tay sai cưỡng bức nhà chùa và các gia đình phật tử phải bỏ đạo Phật truyền thống, bắt buộc mọi người chuyển sang một thứ đạo Phật biến tướng do họ đặt ra gọi là Cổ-sư-môn! Thực chất của đạo này là làm tay sai cho giặc, gây bất bình lớn cho nhà chùa và giới phật tử. Lúc bấy giờ có hai gã đêm nào cũng tới chùa đe dọa:

– Bây giờ ông nói đi, theo Cổ-sư-môn hay theo Phật giáo Thống nhất?

Ông không nói với họ nửa lời. Một gã cao kều đứng đụng cây trính nhà, nghiến răng:

– Không nói, đêm nay tui treo cổ ông tại đây!

Gã luồn qua cây trính sợi dây thừng, thòng xuống như một con rắn độc chờ mồi. Ông vẫn một mực im lặng. Gã tiếp:

– Nói cho ông biết, những người không chịu từ bỏ Phật giáo Thống nhất đã bị thủ tiêu hết rồi. Ông đừng dại mà theo bọn họ. Cho ông thêm một ngày suy nghĩ, đêm mai trả lời.

Hai gã về rồi mà ông vẫn không sao ngủ được. Và việc này còn trở đi trở lại cho đến đêm thứ năm, ông bị họ dẫn tới một cái hố đào sẵn ở bìa rừng:

– Phật cũng không cứu nổi ông đâu. Ông đã muốn chết chưa?

Im lặng.

– Không sao, – họ cười ghê rợn, – chẳng ai dại gì muốn nằm trong cái hố này. Ông vẫn còn quyền lựa chọn chết hay không chết kia mà.

Im lặng.

– Sao ông lại im lặng, – họ khiêu khích, – không muốn trả lời với tụi này, ít ra ông cũng niệm Phật trước khi chết xem thử Phật có xuống cứu được ông không chớ. Hay là Phật bỏ mặc ông chết khốn chết khổ ở đây, chết mà không có được nấm mồ?

Ông cười nhạt:

– Hừ! Sống như vầy thì chết sướng hơn.

Hai gã tay sai đột nhiên cười lớn:

– Khá lắm! Ông muốn chết, bọn tui bắt ông phải sống. Chỉ có bọn cộng sản mới gan bướng như ông, đưa ổng về đồn!

Hai gã tra tấn ông tàn nhẫn hàng tiếng đồng hồ, sau đó họ không hỏi về lập trường tôn giáo mà tập trung sang ý đồ khác:

– Ông là cộng sản đội lốt thầy tu nên mới ngoan cố như vậy phải không?

– Không.

– Vậy sao thời Việt Minh đánh Tây, cộng sản lấy chùa ông làm trạm xá, ông giúp chúng chữa chạy cho thương bệnh binh?

– Tôi làm nghề thuốc nam. Ai có bệnh là tôi chữa. Còn thời ấy ai chẳng giúp Việt Minh, riêng gì tôi mà các ông hỏi.

– Liệu cái hồn! Việt Minh giao ông nhiệm vụ gì?

– Chỉ chữa bệnh.

– Sao chúng chỉ giao có việc chữa bệnh?

– Vì tôi không biết chữ.

Trước khi đưa ông điểm chỉ vào bản cung với nhiều lời khai bịa đặt, hai gã dụ dỗ:

– Ông đã khai báo thật thà, vậy nên điểm chỉ vào đây để trình lên trên xin thả ông ra.

Họ đọc cho ông nghe những lời Ông đã khai giống như lúc nãy. Không nghi ngờ gì, Ông đồng ý điểm chỉ. Gã cao kều khoái trá cười sặc sụa:

– Ha ha, tốt lắm rồi, tốt lắm rồi! Chính ông đã điểm chỉ rành rành công nhận ông là Việt cộng nằm vùng rồi nhé. – Gã dứ dứ tờ khai. – Tụi này có muốn cứu ông cũng không cứu nổi nữa rồi!

Biết mình bị lừa vì không biết chữ, hai gã đã lồng lời khai bịa đặt vào bản cung, Ông cay đắng không nói thêm lời nào, mặc cho số phận muốn ra sao thì ra. Giữa lúc ấy bỗng nghe tiếng gõ cửa, rồi có tiếng bà già gọi tên một trong hai gã, một người dớn dác chạy ra mở cửa:

– Gì vậy má?

Bà già hớt hơ hớt hải bước vào:

– Vợ mày chuyển, chuyển bụng đẻ… tính mạng ngàn…ngàn cân treo… treo sợi tóc!

Bà ta nhìn vào trong và hoảng hốt:

– Trời ơi là trời! Thằng mắc dịch! Sao mày dám cả gan bắt sư thầy vô đây, không còn kiêng dè thánh thần trời Phật, hèn chi mắc quả báo nhỡn tiền. Mày không thả sư thầy ra, trời sẽ không cho vợ mày sinh nổi dứa con cầu tự chuyến này đâu. Đừng hòng đưa đi nhà thương là yên, tao coi bộ nó kiệt sức không còn chờ nổi nữa đâu.

Mặc cho thằng con đang bối rối đứng như trời trồng, bà mẹ chạy lại sụp lạy ông:

– Thầy ơi! Xin thầy tha thứ cho con tôi nó trẻ người non dạ, trót hỗn với thầy. Vợ chồng nó gần mười năm nay chưa được mụn con, giờ lại bị trời phạt sinh khó sắp chết tới nơi, xin thầy mở lòng từ bi có phương thuốc nào hay tới cứu mẹ con nó trong lúc này!

Thấy bà ta cầu cứu thiểu não quá, Ông động lòng trắc ẩn:

– Được rồi. Tuy con bà đang quyết đẩy tôi vào chỗ chết, nhưng lúc này cứu người là trọng, trước hết tôi phải được về chùa mới bốc được thuốc.

Thấy không còn cách nào khác, gã tay sai đồng ý đưa Ông về, không quên hứa sẽ đền ơn nếu Ông cứu sống vợ con gã. Gã tính với tình hình nguy kịch, nếu chuyển đi nhà thương chắc chắn sẽ bị chết trên đường. Thôi thì cứ để Ông chữa may ra còn vớt vát. Lời hứa của gã chỉ làm Ông mỉm cười độ lượng chứ trong lòng không mảy may tin tưởng.

Với vốn liếng y học cổ truyền, Ông đã kịp thời bốc thuốc cứu chữa vợ gã tay sai được mẹ tròn con vuông. Lần này thì anh ta xúc động thật sự:

– Lâu nay tôi lỗi đạo với thầy, thầy không thù hận lại còn cứu giúp cho gia đình tôi được yên ấm. Tôi xin thề với thầy, từ nay sẽ cải tà qui chính, không làm điều gì ác đức nữa.

Nói xong, anh ta rút tờ cung hôm trước ra đốt trước mặt ông, rồi hạ giọng:

– Đây là việc đầu tiên tôi làm, xin trả lại tự do cho thầy. Danh sách “Tố cộng” còn giữ chưa trình lên trên, tôi cũng xin được đốt ở đây có thầy chứng kiến.

Nghe nói sau này anh ta đã cứu thoát một chiến sĩ cách mạng bị truy đuổi, đưa về nuôi giấu trong nhà. Chuyện kể ra thì dài, chỉ biết đận ấy anh ta được giác ngộ cách mạng, trở thành cơ sở thuận lợi cho việc nắm bắt tin tức của địch, tránh được những tổn thất có hại cho phong trào.

Có lần trong lúc vui chuyện, cha tôi mon men hỏi ông:

– Tình gia đình cháu hỏi thiệt, lúc cảm hoá được ông nọ, chú có bày cho ổng đi theo cách mạng không? Hay chú là người của cách mạng?

Ông chỉ cười, không đáp. Cha tôi từ đó thôi không hỏi nữa.

Ông hạp với cháu rể là cha tôi vì cùng biết chữ Hán và hay nói chuyện thơ phú sách vở, cùng bàn chuyện đạo lý thánh hiền với nhau. Những quyển sách in bằng chữ Hán chỉ có ông và cha tôi là cùng tâm đắc, nói chuyện thâu đêm. Ngoài ra ai cũng mù tịt, chỉ có mấy ông bác họ của tôi có biết ít nhiều chữ nghĩa thì lại ở xa, cứ đến dịp tết nhất hoặc giỗ chạp gì đó là mới về nhà từ đường của cha tôi chuyện trò văn chương chữ nghĩa suốt ngày cho bõ những lúc ruộng đồng cực nhọc. Mọi người đều quí mến cha tôi bởi tính điềm đạm, mang phong thái của một nhà Nho, hiểu biết mà không kiêu, nói năng mực thước. Ông lại hay dàn hòa các bác tôi mỗi khi họ tranh cãi về một vấn đề gì đến hồi gay gắt. Có ông góp lời làm sáng tỏ câu chuyện, người ta biết lẽ phải thuộc về ai và thôi không cãi nữa.

Cha tôi, một người bình dị làm lụng quanh năm. Hình ảnh về cha mà tôi nhớ nhất là cây cột ở góc nhà, nơi mà mỗi khi cha về, người lấy chiếc nón nhựa trắng móc lên đó. Chiếc nón không chỉ đập vào tầm mắt, mà còn in đậm vào ký ức tuổi thơ tôi. Tôi đi ra khỏi bậc cửa, chiếc nón trắng như dõi theo. Tôi chạy về nhà, chiếc nón trắng đón tôi trước nhất. Và những khi ấy, tôi biết rằng cha tôi đang có nhà, hoặc người đang lúi húi ở đâu đó trong vườn. Người cha gầy, cao, nước da sạm đen, gương mặt hiền từ với chòm râu suông điểm vài sợi bạc. Đôi mắt người đen và sâu, ẩn chứa bao nỗi ưu tư, lắm khi phiền muộn. Những lần đi làm về, tôi thấy đôi chân “giò cuốc” của cha lấm lem, lắm khi vệt bùn còn đọng ở vành tai, bết vào lưng áo…

Những lúc có cha ở nhà, bà con họ hàng thường tạt qua chơi, ngồi quanh ấm trà tán chuyện. Lạ một điều là ai cũng chân lấm tay bùn nhưng khi ngồi với nhau lại nói những chuyện tận đẩu tận đâu, gặp điều thích thú thì cười vang rộn nhà, nghe chuyện không vui lại ngồi trầm ngâm nghĩ ngợi…

 

CHƯƠNG III

VƯỜN HOANG

 

Thằng Túc hay bày lắm trò nghịch, mà tôi lại ham vui nên thích tham gia. Hôm nay nó đầu têu một nhóm có thằng Tiêu, thằng Thịnh, thằng Tèo sang rủ tôi đi hái duối dẻ ở vườn nhà lão Trợ. Mắt trước mắt sau, thấy trong nhà không ai để ý vậy là tôi đi ngay.

Duối dẻ là loài cây mọc hoang ở rào ở bụi, mọc tự nhiên chứ không ai trồng được. Hoa duối dẻ to bằng đầu ngón tay cái người lớn, cánh cứng với hai mặt khác nhau: mặt trong có màu trắng ngà, mặt ngoài màu vàng hung như da bò, người ta còn gọi là duối-dẻ-bò. Hoa nở chúm lên trên kiểu như hoa súng. Vì cánh cứng như giấy bìa vở tập nên hoa duối dẻ mới “tham gia” nổi các trò chơi tuổi nhỏ hay nghịch phá của chúng tôi. Hoa là người bạn trong những ngày thơ ấu, đầu trần chân đất lang thang làng trên xóm dưới mặc cha mẹ rầy la. Chúng tôi hay dùng hoa duối dẻ chơi trò “xoay vụ”. Cứ ngắt một nụ hoa đặt cuống xuống đất, thường là địa điểm ở những truông làng, xoắn tay búng một cái là hoa xoay tít như chong chóng, hễ đứa nào búng hoa xoay lâu hơn là đứa ấy thắng. Phần thưởng không hề có mặt đồng tiền hoặc “hiện vật” nào. Thường đứa nào thắng cuộc sẽ được mỗi thằng chúng tôi lần lượt cõng đi một đoạn. Có khi gặp đứa thắng hơi quá, chơi trò nhong ngựa trên lưng để hành bạn cho đã, liền bị đứa cõng trả đũa bằng cách giả vờ vấp ngã để hất “cục nợ” xuống đất.. Thế là đứa cõng không hề gì còn đứa được cõng bị ngã lăn cù!

Lạ một điều là hoa duối dẻ ban ngày không hề có mùi hương, nhưng mỗi lúc hoàng hôn buông xuống là toả hương thơm ngào ngạt cả một vùng. Mùi hương là tiếng nói, là âm nhạc của hoa. Ban ngày hoa duối dẻ lặng lẽ nép mình trong bờ bụi, mộc mạc chân chất như con nhà nông, không ai thèm để ý ngoài bọn trẻ chúng tôi. Vậy mà khi hoàng hôn buông, hoa như chàng Trương Chi cất lên bản nhạc mê hồn từ sâu thẳm tâm can. Hương duối dẻ không choáng ngợp vẻ ngoài như hoa lài, không “thủ thỉ” dịu dàng như hoa sứ, mà mùi hương của nó như một thứ men làm ngây ngất lòng người, nghe vô cùng quyến rũ. Một thứ hương như có mật, vừa thơm lừng lựng vừa ngọt nồng nàn, ai nghe qua một lần cũng đều có cảm giác thèm nếm thứ bánh ngọt ướp hương dầu chuối.

Chúng tôi thường hái hoa duối dẻ về đặt trên bàn, đợi đêm đến thưởng thức hương thơm. Vốn tin chuyện vô hình, mẹ tôi gắt:

– Mang vứt ra ngoài mau! Hoa gì ban ngày không hương, đến xẩm tối mới thơm? Rõ ràng là mùi thơm của ma quỷ cám dỗ!

Cha tôi bênh:

– Bà đừng tập cho con trẻ tính nhát. Một mình bà muốn tin gì thì tin, đừng bắt con phải tin theo rồi nó lo sợ những chuyện mơ hồ.

Tôi cũng có ý không tin mẹ, giờ nghe cha nói càng thấy mình không sai. Nhưng rồi bọn trẻ chúng tôi cũng không hái hoa duối dẻ mang về nhà nữa. Những chùm quả duối dẻ chín vàng mới thật sự hấp dẫn chúng tôi.

*

Trời đứng bóng. Xóm làng đều yên ắng. Bọn tôi lẻn ra khỏi nhà rủ nhau đi mà không gặp sự cản trở của người lớn nào.

Vườn nhà lão Trợ nghe nói rộng hơn năm mẫu đất, tre dày bao bọc xung quanh. Mặt trước giáp với đường cái quan, phía lưng lại thông được ra sông. Gia đình lão bỏ đi đã lâu, dời lên thị xã làm ăn, còn khu vườn này chẳng ai chăm sóc, cũng không sang nhượng lại cho ai! Nghe đồn rằng vườn không người ở thì ma nhiều lắm. Nhà tôi sát vườn lão. Tôi không thấy mặt ngắn mặt dài con ma ra sao nhưng lại rất sợ rắn. Vườn hoang thường là nơi các loài chim thú rắn rết hay trú ngụ, vì chúng tránh được sự quấy nhiễu của con người. Từ ngày lão dọn nhà đi, các cây ăn quả như mít, xoài, đào, ổi…đều lắc lư những trái, chín rụng đầy vườn không ai buồn nhặt, chỉ có trẻ con là hay mò đến lượm ăn. Hôm nay đi với mấy thằng “trơi ơi” này, tôi không dám đi trước. Chỉ có thằng Túc là gan dạ nhất. Cha nó mất sớm vì trúng ca-nông; nó chỉ còn mẹ và mấy đứa em gái nhỏ nên việc gì cũng làm, lại liều lĩnh nữa. Đang đi bỗng nhiên nó chùn lại, mắt la mày lét thì thào:

– Tụi bay có nghe thấy gì không?

– Thấy gì?

Cả bọn dỏng tai nghe ngóng. Thằng Thịnh đực mặt ra, nhăn nhở:

– Tao chịu. Chỉ nghe rắm mày đánh “bẹp” một cái thì có!

Nói xong nó đưa tay chun mũi, miệng phun phèo phèo. Thằng tèo, thằng Tiêu bất giác làm theo. Tôi đứng xa hơn nên không bắt chước làm gì, vả lại cũng không nghe thấy. Thằng Túc cười rất dơ, vỗ vai thằng Thịnh:

– Tai mày thính thiệt!

Thằng Tiêu lại nhổ thêm một bãi nước bọt, chửi đổng:

– Cái đồ chết bầm!

*

Sục sạo khắp các kẽ rào, chúng tôi cũng không bói đâu ra được duối dẻ chín. Chùm thì chim moi quá nửa, chùm đang còn xanh… Cuối cùng thằng Túc rủ:

– Ê tụi bay! Hay là hái trâm đi?

Nó chỉ vào cây trâm giữa rào khá cao, đang lùm lùm những chùm hạt bằng đầu chiếc đũa, chín mọng tím. Trâm cũng là một loại cây gốc gác ở rừng, thường được dùng làm trụ rào sống vì có thân to, chắc; mùa trái chín chủ nhà không thèm động, thả chộ cho trẻ nhỏ leo trèo.

Không đợi ai nói gì thêm, thoắt cái thằng Túc đã trèo lên lưng chừng cây. Thấy mấy đứa kia đều trèo mà tôi còn ngần ngại, nó khiêu khích:

– Ê! Mày trèo không nổi à?

Tôi thú thật:

– Cao vầy tao ngán lắm.

Ngồi vắt vẻo trên cao, cả bọn rung cành cười ngất:

– Thằng nhát quá! Sợ chết mà cũng đòi đi. Thôi mày cứ ở dưới đất lượm trâm cho tụi tao cũng được, lát nữa chia đều!

Trâm lúc lỉu đầy cây, chúng hái ném xuống rào rào. Tôi vừa nhặt cho vào mũ vừa nghêu ngao hát:

Trời mưa lâm râm

Cây trâm có trái…

Như được châm ngòi, cả bọn hào hứng hát theo:

Con gái có duyên

Đồng tiền có lỗ

Bánh đỗ thì ngon

Bành giòn thì béo

Cái kéo thợ may

Cái cày xới ruộng

Cái xuổng đắp bờ

Cái lờ đơm cá

Cái ná bắn chim

Cây kim may áo

Cái gáo múc nước

Cái thước đo vải

Cái…

Đang hát, thằng Túc bỗng khựng lại, miệng lắp bắp:

– Chết cha rồi, ma bay ơi! Ma!

Nó tụt nhanh, phóng thịch xuống đất rồi cắm đầu chạy. Không biết hư thực ra sao, bọn tôi cũng nháo nhào chạy theo mà không dám quay đầu xem thử chuyện gì đã xảy ra, trâm văng tung toé. Tim đập thình thịch liên hồi, chúng tôi chạy không kịp thở, chen nhau mà chạy; đứa nào cũng sợ mình tụt sau đứa kia, tâm lý vừa hốt hoảng lại vừa thấy một thứ khoái cảm sợ hãi đang dâng lên rậm rực gai người.

Bọn tôi chạy ra đến đường cái thì dừng lại, đứa nào đứa nấy đều thở hổn hển, mặt tái mét. Thằng Túc nói không ra hơi:

– Tao…tao thấy…thấy…hình như ma…

Thằng Tiêu đã bắt đầu sốt ruột, nó gắt:

– Thì ai chẳng biết, nhưng bộ dạng con ma làm sao?

Chừng như đã bình tĩnh hơn, thằng Túc nói tiếp:

– Làm sao tao biết được! Chỉ thấy một con gì to lắm đang ở trong bụi. Tao định nín hơi dòm thử, nhưng chưa kịp nhìn kỹ thì bất ngờ nó ngó lên, không phải mặt người, mà là ma! Nó nhìn tao chăm chăm, mặt nó đen sì… Tao đâu dám dòm lâu, chỉ còn nước phóng xuống đất mà vọt cho lẹ.

Nghe nó nói mà bọn tôi nửa tin nửa ngờ. Chẳng lẽ giữa ban ngày ban mặt lại có chuyện mơ hồ nhảm nhí? Nhưng nhìn mặt nó bây giờ thì biết đây không phải là lúc nó nói láo. Vậy thì đó là thứ gì, ma hay người, hay là những con vật lạ lùng nào đấy? Cả bọn nhao nhao chẳng ai chịu ai, tôi đề nghị:

– Tốt nhất tụi mình nên quay lại xem thì rõ!

Máu tò mò đã làm cho bọn tôi lúc này háo hức lắm, cho nên khi thấy tôi đề nghị quay lại để xem cho kỹ là cả nhóm tán thành ngay.

Tuy nhiên, hăm hở là vậy nhưng vẫn vó một trục trặc nhỏ, là bây giờ chẳng đứa nào chịu đi trước cả. Ai cũng cảm thấy ngài ngại một thứ gì không rõ rệt. Thằng Tiêu thường hay khôn lỏi, nó đùn đẩy:

– Chỉ có thằng Thịnh là thính tai thính mắt, tốt nhất nên để nó đi đầu.

Thằng Thịnh giãy nảy, chỉ tay sang thằng Túc:

– Ông Túc hồi nãy đi đầu quen rồi, giờ đi lần nữa cũng được lắm chớ…

Vẫn chưa hết hồi hộp, thằng Túc gạt phăng:

– Mỗi ông một lần chớ, sao bắt tui đi đầu hoài vậy?

Không thấy ai nói gì, nó bỗng quay sang tôi:

– A đúng rồi! Lúc nãy ai đi sau cùng thì bây giờ phải đi trước. Ông Quyết phải đi trước rồi!

Thằng Tèo vỗ tay hùa theo:

-Phải rồi! Chính thằng Quyết đề nghị quay lại mà, nó đi đầu là đúng nhất đấy…

Thật khổ cho tôi chưa? Ai biểu lúc hăng lên lại đề nghị quay lại làm gì, để bây giờ bị chúng nó đùn đẩy. Không đi đầu chúng sẽ chê nhát như thỏ đế, còn nếu nhắm mắt làm liều lỡ có chuyện gì thiệt là tai hại. Tôi định chỉ cho thằng Tèo thì nó lại hùa theo thằng Túc để bắt bí tôi. Hoá ra đứa nào ngại trách nhiệm là đứa ấy lại mau mồm mau miệng đổ qua cho người khác để người ta đừng tập trung tới mình, mà chỉ chú ý tới anh nào im lặng chưa lên tiếng mà thôi. Hừm! Thì đi chớ ngại gì! Nhưng như vậy thật chẳng công bằng chút nào. Tôi liền nảy ra một mẹo:

-Tốt thôi, ai đi đầu cũng được hết. Nhưng tao muốn bốc thăm cho đàng hoàng, khỏi ai ép ai, hễ trúng ai người ấy đi.

Có lẽ việc bốc thăm vốn đã mang tính chất đỏ đen thua thắng nên dễ kích thích niềm hứng khởi tò mò khiến tụi bạn hào hứng tham gia. Còn khi có kết quả thì như một thực tế đã “an bài”, làm cho người ta không còn so bì tị nạnh được với ai, bởi chính tay mình bốc trúng kia mà, có ai gí vào đâu? Cho nên khi nghe tôi đề nghị, cả bọn nhao nhao hưởng ứng:

-Vậy thì làm ngay đi, còn đợi gì nữa?

Chiếc mũ lệch của thằng Tèo được ngửa ra. Bọn tôi cho vào đấy năm chiếc lá non bằng nhau, được hái từ các loại cây khác nhau bên bờ rào, quy ước đứa nào bốc nhằm lá ổi là phải đi đầu.

Sau khi xóc lá, chiếc mũ được đặt ở chạc ba một cây cao quá đầu chúng tôi, chỉ vừa đủ cho tay với vào, gặp lá nào cầm lá ấy ngay, không chần chừ. Thằng Túc lại đề nghị:

-Ai bày ra trò này thì ưu tiên bốc trước.

Tôi cười vui vẻ:

-Được thôi!

Cả bọn nhìn tôi, chờ đợi. Tất cả đều im lặng, ra chiều việc này quan trọng lắm. Thấy vậy tôi càng khoái, càng làm cho ra vẻ. Tôi đĩnh đạc bước lại bụi cây, nhắm mắt, thò tay vào mũ…Mắt vẫn nhắm, tôi giơ cao chiếc lá lên trước mặt cả nhóm. Bỗng tiếng cười bật ra, đứa thì vỗ tay reo hò, đứa lại ôm bụng khoái trá, cười lăn cười lóc. Té ra tôi đã bốc phải chiếc lá ổi! Đích lá ổi trăm phần trăm rồi, không còn nghi ngờ gì nữa. Nghĩ ra cách này tôi tâm đắc lắm, ai ngờ người trúng thăm lại chính là mình; giá lúc nãy đồng ý quách cho xong, khỏi phải mất công vẽ vời làm gì cho mệt! Buồn cười quá, tôi cũng đành cười theo chúng nó.

Vậy là tôi đành phải đi trước với vẻ mặt phớt tỉnh. Cả bọn rón rén từng bước thận trọng theo sau, gần như nín thở, mắt căng ra đảo khắp chung quanh, tai lắng hết mọi âm thanh để thăm dò động tĩnh.

Trên đọt măng tre cong cong như chiếc cần câu đang lác đác lá non, một đôi chim cu lửa đứng phơi mình trong nắng tỉa lông cánh cho nhau. Chốc chốc con trống hứng chí gáy vang một hồi mà bà con hay “phổ” cho âm điệu của nó là “đu đủ luộc, đu đủ luộc, đu đủ luộc…”, cứ từng tràng ba tiếng một như vậy với chất giọng trầm đục khàn khàn. Cu lửa gáy không giòn và sang bằng chim cu cườm, nhưng cái chất dân dã quê mùa của chúng khiến tôi có cảm tình, lâu dần cũng cảm thấy thích, thấy nhớ mỗi khi vắng chúng.

Nghe động, bất thình lình đôi cu lửa bay vụt đi, hốt hoảng; đọt măng tơ cũng nống vọt lên theo…

-Tụi bay vào đây làm gì?-Một tiếng quát giận dữ gào lên.

Chúng tôi khựng lại, định thần nhìn ra anh Bành ở xóm trên, nhưng sao hôm nay trông anh giận dữ quá, trên tay lại lăm lăm khẩu súng bắn đạn chì…

Thằng Tiêu nhanh mồm nhanh miệng:

-Vậy chớ ông cũng vào đây làm gì?

-A, thằng cà chớn!-Anh ta chĩa súng ra doạ-Tao rình cặp cu lửa cả buổi, bọn mày phá đám còn lý sự hả?

Cả bọn ù té chạy, đứa nào cũng muốn mình vượt lên trước! Nhưng ngoái cổ nhìn thấy anh ta không đuổi theo, thằng Túc cười hì hì:

– Tao hiểu rồi, ma đấy chớ ma đâu! Hồi nãy lão nhát ma bọn mình để được yên tĩnh mà bắn chim…

– Mai tao mách thầy giáo – Thằng Tiêu ra vẻ hiểu biết – Bọn mình học bài ở lớp là không nên phá tổ chim, trong khi lão Bành đi bắn chim lại còn hăm doạ tụi mình!

Cả bọn cũng nhao nhao đầy vẻ hiểu biết:

– Được được, phải bảo vệ chim, bảo vệ môi trường. Chúng mình phải tiếp tục “cản mũi” ông Bành mới được…

Nghe các bạn hạ quyết tâm, tôi thấy phấn chấn hẳn; và lại mong sớm sớm chiều chiều những con cu lửa, những bầy dồng dộc, những đàn cò…lại tin cậy về với khu vườn này cất lên tiếng hót để tuổi thơ chúng tôi được chắp thêm đôi cánh tuyệt vời của thiên nhiên, của ước mơ bay bổng…

Tranh của họa sĩ Diệp Anh

CHƯƠNG IV

NHỮNG NGÀY GIẢI PHÓNG

 

Tôi đang ngon giấc thì một tiếng nổ lớn làm cho choàng tỉnh. Cả nhà cũng thức tự khi nào. Ngoài đường người ta chạy rầm rập. Phía đầu làng, một đám lửa dựng lên ngút trời, sáng rực giữa màn đêm.

– Cháy lẫm rồi bà con ơi! Cháy lẫm rồ… ồi…

Lẫm cách nhà tôi không gần, vậy mà ánh lửa vẫn sáng hực lên mấy đọt dừa, lên hàng tre đen thẫm. Tiếng lửa cháy nghe rừng rực, răng rắc trong các thớ gỗ, giòn và khô khốc. Tiếng cột kèo gãy đổ ùng ục, ầm ầm, ngói rơi loảng xoảng. Tiếng reo lớn: “Giải phóng rồi! Giải phóng rồi!”.

Trên các ngả làng đều rộn rã người đi. Cả làng đang thức. Náo nhiệt. Rộn ràng. Tiếng reo hò, tiếng la hét vang sát bên tai. Tiếng trẻ nhỏ chạy theo người lớn cũng chí choé gào toáng lên, í ới dậy cả làng. Cha và anh Hai đã đi tự khi nào. Tôi còn nhỏ mẹ không cho đi. Chưa bao giờ tôi thấy khổ sở giày vò như lúc này. Tâm lý bị ức chế ghê gớm. Tôi giận mình sao không lớn nhanh cho mẹ khỏi kìm hãm. Nỗi ấm ức rạo rực khiến tôi cảm thấy gần như ngạt thở. Tôi muốn vùng khỏi tay mẹ, chạy ra đường với chúng bạn gào “Giải phóng rồi! Giải phóng rồi!” cho hả hơi thỏa thích, sao mẹ không cho nhỉ? Tôi vùng vằng:

– Con không ở nhà nữa đâu! Giải phóng rồi, cho con đi coi một chút chớ!

Mẹ dỗ:

– Con biết giải phóng là gì mà đòi đi? Trời tối như vậy, con nít ra ngoài ma nó bắt rồi về bệnh đau báo hại cha mẹ.

Ma! Ma! Ma! Lúc nào mẹ cũng nhát ma, một thứ không hề gặp bao giờ. Tôi phàn nàn, bị mẹ nạt “đừng có hỗn”. Làm trẻ nhỏ thật khổ quá!

Thấy tôi cứ bần thần, mẹ an ủi:

– Con đừng lo, biết nghe lời mẹ cho ngoan, mai mốt con lớn muốn đi xem gì là mẹ cho đi ngay.

Lời an ủi ấy làm tôi càng ngang bướng:

– Con không cần. Đêm nay không cho đi, đợi con lớn mới cho thì ngày giải phóng đâu còn!

Không biết làm sao cho tôi hết cự nự, mẹ gắt um lên:

– Thằng này… dỗ ngọt không nghe! Mày muốn roi thiệt mà!

Thấy đã đến lúc căng, tôi im thít, không dám hó hé nữa. Cự nự lúc này thế nào cũng bị mẹ áp dụng biện pháp mạnh, phết roi vào đít thì thật là xúi quẩy.

Tuy phải bấm bụng ở nhà nhưng tôi vẫn không sao ngủ được. Không tận mắt thấy cảnh lẫm cháy, cảnh cả làng kéo đi xem vui như hội, tôi đành dồn hết sự chú ý vào đôi tai, lắng nghe mọi diễn biến bên ngoài qua tiếng động. Mỗi âm thanh vang tới là tôi hình dung một cảnh đang diễn ra bên ngoài. Người tôi như nóng bừng trước những âm thanh rộn rã nức lòng.

Cha và anh Hai đã về. Hai người vừa đi vừa nói chuyện râm ran từ ngoài ngõ. Tôi hau háu dõi ra mong được nghe kể lại những chuyện hấp dẫn mà mình không được dự. Con Kiệu bung dậy phóng ra sân hực hực mấy tiếng rồi rít lên ư ử, chồm lên người cha làm ông suýt văng điếu thuốc đang cháy dở. Nó lại quay sang anh Hai như quấn lấy chân, ngoạm ống quần nhũng nhẵng làm anh cứ đi cà nhích mới vào được trong nhà, vừa đi vừa vuốt ve đầu cổ khiến nó sướng rơn, miệng kêu ủng oẳng như phát khóc.

Cha vừa bước vào nhà, mẹ đã mách chuyện tôi. Cha không nói gì. Ông lại kéo tôi vào lòng, vỗ về:

– Con nít hiếu động là thường, huống gì ngày giải phóng mấy mươi năm chiến tranh đau xót mới có được, làm sao nó chịu được ở nhà trong khi người ta đi rần rần ngoài đường! – Dừng lại một lúc, cha như nói với riêng tôi: – Nhưng con còn nhỏ quá, con nít sáu tuổi đứng mới tới háng người ta, ai thấy mà tránh? Họ chen lấn xô đẩy, rồi giẫm cho nhẹp ruột thì sao? Con muốn đi phải có người lớn kèm mới được.

Tôi vẫn còn tiếc rẻ:

– Vậy sao cha không cho con theo?

Ông cười giả lả:

– Rồi còn nhiều dịp khác, lo gì!

Nghe cha nói, anh Hai bỗng sực nhớ ra:

– A phải rồi, tối mai có chiếu bóng ở ruộng rộc bà Lưu, cha dẫn em đi cho nó biết! Con đi xem với mấy thằng bạn, dẫn em đi không giữ nó được, lỡ đêm hôm bị lạc thì khổ.

Cha rít một hơi thuốc dài làm đốm điếu đỏ rực, nổi rõ hai gò má nhô cao với chòm râu ngả bạc, vui vẻ hỏi lại:

– Có chiếu bóng thiệt à? Được rồi, mai tao dẫn thằng Quyết đi.

Tuy chưa hề biết chiếu bóng là gì, nhưng nghe được đi là tôi mừng rơn. Cha ít khi hứa gì cho tôi, nhưng khi đã hứa thường không bao giờ sai, làm tôi càng tin chắc thế nào cũng được một bữa hòa mình vào đám đông vui nhộn tưng bừng. Niềm vui mới này đã xua tan nỗi ấm ức ban nãy. Tôi không thấy buồn ngủ, cứ mong trời mau sáng, mau được xem bữa chiếu bóng đầu tiên trong đời. Có lẽ mãi đến gần sáng, tôi mới chợp mắt lúc nào không hay.

Khi cả nhà đã đủ mặt quanh mâm cơm chiều ngoài sân, mặt trời vẫn còn muốn nấn ná với những tia nắng cuối ngày vương trên khóm tre ngoài ngõ, mấy con chim sẻ ríu rít rộn ràng như đang reo mừng hớn hở một điều gì. Bỗng vang lên tiếng loa phóng thanh từ phía lẫm làng:

– A lô, một, hai, ba, bốn. A lô…

Chỉ mới nghe bấy nhiêu, tôi đã không còn bụng dạ nào ngồi ăn cơm được nữa, lòng nôn nao như có kiến cắn. Tôi vội bỏ bát đứng dậy. Mẹ tôi liền ngăn lại:

– Con không ăn, mẹ sẽ không cho đi!

Bên ngoài tiếng loa phóng thanh lại tiếp tục vang lên:

– A lô, a lô! Kính thưa quý vị đồng bào, nhân ngày tỉnh nhà được giải phóng, đội chiếu bóng lưu động số 13 kính mời đồng chí, đồng bào đúng bảy giờ tối nay về tại sân bãi ruộng bà Lưu xem phim phục vụ…

Ăn vội ăn vàng bát cơm, tôi giục:

– Cha ơi, đi!

Cha phì cười:

– Không mất phần đầu mà lo, còn sớm lắm.

Tôi đứng ngồi không yên, mắt cứ ngóng về phía có tiếng loa phóng thanh. Giờ đây lại là những bài hát Cách mạng, những bài hát khỏe khoắn vô cùng, có một sức mạnh sục sôi kỳ lạ. Từ đêm qua tới giờ, những bài hát ấy đã vang lên từ mọi đường quê ngõ xóm. Trẻ con hát, người lớn hát, nhất là thanh niên như chị Bốn là có hẳn một cuốn sổ tay chép đầy những bài hát. Ở bãi chiếu bóng, người ta đang hát vang lên loa: “… Núi kia dù có cao sông kia dù có sâu, nhưng có núi sông nào ngăn được ta tiến bước, khi trái tim ta chói ngời tình yêu nước…”. Bọn trẻ con chúng tôi nhớ nhất là bài hát có những câu: “Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng, lời Bác nay đã thành chiến thắng huy hoàng…”. Có đứa lại ngọng líu ngọng lo. Được cái bài hát ấy ngắn, dễ thuộc và âm diệu đơn giản nên đứa nào cũng nhập tâm, hễ mở miệng ra là “Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng…”, thậm chí trong khi ngủ cũng cứ nghe văng vẳng mơ màng “Như có Bác Hồ, như có Bác Hồ…”

– Quyết ơi, đi con, đi được rồi đấy.

Tay vê vê điếu thuốc rê, cha gọi. Tôi thở phào mừng rỡ, dù đã biết trước mình được đi. Trời nhá nhem tối. Những ngôi sao mọc sớm nhấp nháy trên nền trời xanh thẫm tối dần. Rộc bà Lưu kề bên lẫm làng, lúa vụ đông xuân cắt xong tự hồi nào, lúc này ruộng là một bãi rộng khô ráo lồi lõm vết chân bò. Người đi xem rất đông nhưng không còn cái cảnh reo hò rầm rộ như đêm qua. Người ở thôn ngoài cầm đuốc đi từng đoàn. Dân lân cận bưng đèn dầu hoặc cầm đèn pin í ới gọi nhau đi. Những đốm sáng nhấp nhô từ các ngả làng, hòa vào sân bãi tạo nên một góc trời sáng rực.

Phim bắt đầu chiếu. Tiếng máy quay chạy xè xè. Chiếc màn vải rộng hơn hai thước được căng dựng trên hai chiếc cọc tre, giờ đây như có phép màu khi đón nhận luồng ánh sáng phóng ra từ máy quay. Luồng ánh sáng ôm lấy màn vải, nhích lên nhích xuống điều chỉnh cho thật khớp với bốn góc màn. Đúng lúc đó, chiếc màn bỗng hiện lên nhà cửa, đường sá và mọi người đi lại rõ mồn một như hiện lên trong gương, nhưng còn hấp dẫn và giống với thực tế hơn rất nhiều. Bọn trẻ lần đầu được xem, thấy kỳ diệu quá, đứa nào cũng trố mắt rồi chỉ trỏ reo mừng thích thú. Chúng tranh cãi nhau ỏm tỏi, chẳng đứa nào chịu kém hơn đứa nào. Chúng tranh cãi nhau về những điều mới mẻ ngoài sự hiểu biết của mình, và người lớn còn bận rộn nhiều việc chưa kịp giảng giải. Có đứa mới tới nơi, vừa lúc xem ngay màn hình mà không biết lúc nãy chỉ là một tấm màn phẳng, cứ quả quyết ở trong đó có người bằng xương bằng thịt, có xe tăng, thiết giáp đang chạy tưng bừng. Lỡ đầu xe đang nhắm ra ngoài mà lao thì chúng kêu ré lên hoảng hốt; đến khi thấy hình ảnh đó tan biến đi đâu, chúng lại vui vẻ hú hồn! Đứa khác lại cãi không hề có người thật việc thật trong màn ảnh, sao lúc nãy chúng nó xem kỹ chỉ thấy một tấm màn mỏng dính thôi mà! Rồi tụi nó lại giải thích đó chẳng qua là xiếc ảo thuật, mà có lúc chúng nghe người lớn kể, tức chỉ là ảo giác mà thôi! Chẳng đứa nào chịu đứa nào, tôi cũng mù tịt nên chỉ há hốc mồm mà xem chớ không tham gia. Cha tôi bảo:

– Cha cũng không biết rõ về kỹ thuật chiếu bóng ra làm sao, nhưng đại khái có thể nói con hiểu là không phải xiếc ảo thuật, không phải người thật đang diễn, mà chỉ là hình ảnh lưu giữ trong cuộn phim, bây giờ cứ việc bật máy chiếu vào màn là có hình hoạt động. Vậy mới gọi là chiếu bóng chớ!

Hay quá! Hình ảnh y như thật, những chuyện xảy ra ở tận đâu giờ được bày ra trước mắt chúng tôi, khiến đứa nào cũng cảm thấy mình đang sống trong truyện. Hiện lên màn ảnh nhiều nhất, quen thuộc nhất là các anh bộ đội với quân phục màu xanh, mũ tai bèo, lá ngụy trang che kín lưng, gương mặt tươi vui hiền hòa trông gần gũi quá chừng. Vậy mà khi xáp trận, anh nào anh nấy đều gan dạ lạ thường. Có anh nằm rạp giữa hai làn xích xe tăng khiến dịch không thể phát hiện được, xe chạy qua anh đứng dậy ném lựu đạn theo. Xe bốc cháy! Có anh nhử máy bay địch xuống thấp. Đạn trên máy bay bắn theo anh như vãi trấu nhưng không trúng. Súng của ta được ngụy trang sẵn lúc đó mới bắn khiến máy bay phụt khói xẹt lửa ra đằng đuôi, lao cắm đầu xuống đất. Giặc lái bung dù bật ra lơ lửng trên không khí, rớt xuống đất liền trở thành tù binh của các anh bộ đội. Một chiến thắng thật trọn vẹn, thật đã đời! Bọn chúng tôi reo hò sung sướng như chính mình đang tham gia chiến đấu: “Phe ta thắng rồi, hoan hô bộ đội, phe ta thắng rồi!”. Phim còn chiếu về cuộc chiến tranh vệ quốc của hồng quân Liên Xô, theo lời cha nói, nhưng bọn trẻ vẫn cứ nhao nhao: “Phe mình thắng rồi! Phe địch thua rồi!” Trong ý thức của chúng tôi lúc này, phe ta bao giờ cũng thắng áp đảo bằng sức mạnh, phe địch bao giờ cũng yếu thế, thất bại tơi bời. Vậy nên có lúc phe địch dang chiếm ưu hế, chúng tôi cũng cứ gọi là phe ta! Có thằng không chịu được, nó cãi: “Phe ta sao đội mũ sắt?” Thằng khác liền bẻ: “Vậy không phải phe ta sao lại thắng thế được?” Cứ cãi qua cãi lại như vậy nhưng cuối cùng cũng không đứa nào cắt nghĩa được tại sao cả!

– Về thôi, con!

Cha kéo tôi đứng dậy. Xung quanh mọi người nhộn nhạo di chuyển. Tôi ngơ ngẩn tiếc:

– Hết phim rồi à cha?

– Hết chớ còn gì nữa. Mười hai giờ đêm rồi. Con không thấy buồn ngủ hay sao!

– Không, con không thấy buồn ngủ chút nào. Chiếu phim tới sáng con cũng xem được, về nhà chán chết.

Quả thật lúc này tôi không hề thấy buồn ngủ. Bao nhiêu hình ảnh trên phim cứ chập chờn trong tâm trí tôi, choán hết giấc ngủ tôi. Sao người ta cần giấc ngủ quá vậy không biết. Chớ nếu không, suốt đêm nay cứ ngồi xem phim thì mới thỏa.

*

Về nhà bọn tôi thường tụ tập nhau lại chơi trò đánh trận giả bắt chước trong phim. Chẳng đứa nào chịu làm phe địch, cuối cùng phải bốc thăm. Phe Cách mạng dùng bẹ chuối làm dép lốp, tay tàu chuối làm súng AK, cứ thấy địch là gạt tay chuối nổ lụp bụp. Phe địch lăn ra chết lấm lem mình mẩy quần áo, nhiều đứa bị mẹ tra roi vào đít vẫn không hề ngại. Có khi địch không chịu chết, chúng tôi quy ước hễ phe ta rượt đuổi phe địch, vỗ được vào lưng ba cái là phe địch lăn đùng ra chết. Trò này hấp dẫn và làm cho đứa nào cũng dần dần trở nên chạy nhanh, đôi chân khỏe vô cùng. Chơi chán, chúng tôi lại bày ra trò “cút-kiếm”, còn gọi là chơi trốn-tìm. Trò chơi này đơn giản nhưng chơi hoài không chán, vì nó gợi tính sáng tạo, mưu trí và rèn luyện độ nhanh nhạy nữa. Chơi ban ngày kém hấp dẫn hơn ban đêm. Đêm tối vừa mát mẻ và gợi sự hồi hộp bí ẩn. Mỗi gốc cây, mỗi bờ rào, mỗi góc vườn đều trở nên vừa gần gũi vừa xa lạ đối với chúng tôi, khi nấp vào đó thường gây cảm giác rùng mình, lại tăng thêm thích thú. Mẹ thường giao cho anh Hai tìm tôi về trong những đêm vui chơi như thế. Nhưng dạo này anh Hai được Chính quyền Cách mạng giao công việc dạy “bình dân học vụ” các lớp ban ngày lẫn ban đêm. Vả lại hằng đêm trên các ngả đường làng đều có người đi đông vui nên mẹ quản tôi có nới hơn. Tôi được ra ngoài nhiều hơn, có khi còn rủ nhau đến tận các lớp học xem anh Hai dạy học cùng với những người khác. Học viên phần đông đều là những người già hơn anh, nhiều người đáng tuổi mẹ tôi vẫn phải đến lớp. Anh Hai kể có lần bà Bốn Cái xóm dưới học gần nửa tháng, một đêm vừa nhai trầu vừa ráp vần:

– Cóc… cóc a sa, cóc á sá. Cóc ngồi bờ sa, cóc ra ruộng sạ…

Anh Hai giữ đạo con cháu không dám cười, nhưng vẫn tìm hiểu vì sao bà lại ráp vần lạ lùng như vậy. Bà giải thích:

– Tui học chữ ếch, thấy cùng loài chồm hỗm như cóc nên cứ gọi là cóc cho gọn, dễ nhớ.

Nghe kể chuyện này, tôi thắc mắc:

– Vậy chữ ếch là chữ gì? Có chữ cóc chữ nhái nào nữa không?

Anh Hai cười:

– Thật ra đó là chữ ét-sờ (s), bà con nghe âm thanh lạ tai, quen gọi là ếch cho gần gũi dễ nhớ. Không ngờ bà Bốn còn sáng tạo thêm một mức nữa. Đúng là tam sao thất bổn!

Tôi hỏi:

– Sao mẹ không đi học như bà Bốn?

Mẹ không giấu diếm tự hào:

– Hồi Chín năm tao học qua rồi. Tao học ba tháng là đọc thông viết thạo, giờ đâu cần xóa mù nữa! Thời ấy Cụ Hồ bảo dốt cũng là một thứ giặc, nó làm cho dân mình bị nô lệ, cần phải “đánh” giặc dốt cho thắng trước đã, rồi mới tính chuyện thắng giặc ngoại xâm được!

Mẹ đăm chiêu một lát để nhớ lại một thời đã xa nhưng bỗng gợi nhắc nhiều kỷ niệm như chỉ mới hôm qua:

– Thời Chín năm, bà Bốn Cái cũng từng đi học xóa nạn mù chữ nhưng theo được mấy hôm rồi nghỉ. Nhiều người ngại khó cũng trốn tránh như bà. Chính phủ Cụ Hồ nghĩ ra cách giăng khẩu hiệu ở các ngả đường vào chợ, hễ bà nào muốn đi chợ là phải đứng đọc từng chữ một mới được cho qua. Bà nào không biết đọc phải ngồi vào giỏ tre, người ta khiêng tới nghĩa trang, lấy giỏ đạp cho bẹp dí rồi chôn xuống đất với ý nghĩa chôn giặc dốt. Cụ Hồ tỏ rõ quyết tâm diệt giặc dốt như vậy nhưng chưa kịp làm tận gốc thì đất nước bị chia đôi đến giờ, nay giải phóng được đã hơn hai chục năm rồi!

Cứ như lời mẹ kể thì thời Chín năm giống như thời Nghiêu – Thuấn xưa bên Tàu mà cha tôi thường nói, nghĩa là hết sức tốt đẹp. Ngoài đường không có người ăn xin. Ai nhặt của rơi cũng trả lại người mất. Trong làng không còn người trộm cắp. Các đối tượng này đều sửa đổi tâm tính, tiến bộ nhanh một cách không ngờ. Không có ai giàu nứt đố đổ vách, cũng không có ai nghèo rớt mồng tơi. Trong làng nhà nhà đều có ý thức đùm bọc xóm giềng, hễ nhà nào chỉ còn nửa cân gạo cũng tự nguyện san sẻ cho nhà chẳng còn hột gạo nào. Vì thế mà làng trên xóm dưới sống chan hòa trong tình yêu thương, ai cũng coi nhau như người trong một nhà, vui buồn đều san sẻ. Thời đó không sợ nghèo, không sợ đói là vậy.

Những câu chuyện mẹ kể thường chỉ có tôi ngồi nghe chăm chú, như nghe chuyện đời xưa. Anh Hai chắc đã nghe nhiều lần rồi nên không hào hứng lắm. Chị Bốn dạo này cũng bận đi suốt. Chị trong diện thanh niên, thường họp hành và tham gia đi hô cổ động hằng đêm. Tiếng trống, tiếng mõ tre cùng với đèn đuốc sáng rực diễu qua khắp mọi ngõ ngách trong làng, ngay cả ở những nơi tối tăm vắng vẻ nhất. Những tiếng hô “nhiệt liệt”, “muôn năm”; “tích cực”… được đoàn thanh niên hô vang rầm rộ. Đi hết một vòng, các anh chị lại về tập họp ở sân nhà ai đó cùng tập hát những bài ca Cách mạng, mãi đến khuya mới ai về nhà nấy. Tôi tiếc quá, giận chưa lớn kịp đến tuổi thanh niên như chị Bốn để được tham gia những hoạt động rầm rộ sôi nổi như vậy. Chỉ còn biết trốn me đi xem…

 

CHƯƠNG V

NẮNG THÁNG TƯ

 

Một trưa nắng chang chang, lũ trẻ chúng tôi đang chơi trò đánh trận giả trên đồng làng, bỗng thằng Tiêu reo lớn:

– Tụi bay ơi coi kìa! Thứ gì trắng trắng trên trời rơi xuống kia!

Bọn tôi dụi mắt nhìn theo tay nó chỉ. Từ lơ lửng trên cao, những tờ giấy trắng bằng bàn tay người lớn đang lượn lờ rơi xuống. Mới chỉ thoạt nhìn mà chúng tôi đều mỏi cổ, hoa mắt, nhưng đứa nào đứa nấy đều hò reo trong tâm trạng hiếu kỳ chưa từng có:

– Tiền Trời tụi bay ơi, ông Trời thả xuống cho tụi mình xài đó!

– Không phải tiền, ổng gửi thư thôi, tiền gì mà to vậy?

– Thì vậy mới tiền Trời!

Thằng Túc nãy giờ cứ nheo mắt dõi nhìn tứ phía, không tranh cãi tầm phơ với bọn tôi, lúc này lại chen ngang:

– Sai bét hết! Tui bay coi kìa!

Chúng tôi lại ngước cổ nhìn. Nhưng trời nắng lóa mắt, tôi chỉ thấy choáng váng chứ không nhìn được gì. Có đứa đã nhìn ra, nó reo lên chia sẻ với thằng Túc:

– A đúng rồi! Máy bay phải không? Máy bay!

Thằng Túc đắc chí:

– Tụi bay còn nói tiền trời nữa không đấy?

Chăm chú nhìn kỹ tôi mới thấy hai chiếc máy bay trắng lóa với nắng trời, bay như dán trên nền trời thật khó nhận ra, cao đến nỗi âm thanh chỉ còn văng vẳng nếu không tập trung không thể nghe thấy được. Vậy là những tờ giấy kia được tung ra từ đó!

Mới đầu giấy bay còn xa tít trên cao, lác đác lượn vờn trong gió, sau như một giọt nước loang ra. Từng chùm, từng chùm giấy trắng bồng bềnh trong nắng trưa như bông gòn tháng bảy. Chúng tôi đổ xô nhau chạy đi nhặt, dù không biết sẽ dùng để làm gì, trong suy nghĩ của mỗi đứa đều mong muốn ôm về thật nhiều những mảnh giấy ấy để được người lớn khen ngợi. Các thửa ruộng trên đồng đều đã vỡ đất, những giề đất to lật nghiêng phơi ải từ lâu, lúc này khô cứng làm chúng tôi vấp dúi dụi, gan bàn chân đau ê ẩm. Tuy vậy, chúng tôi như quên cả mệt, cứ chạy rướn về phía trước theo hướng rơi của những tờ giấy trắng. Những tờ giấy cứ lượn lờ mãi trên đầu chúng tôi rồi từ từ hạ xuống, rải rác ở những thửa ruộng xa, làm chúng tôi cứ vừa chạy vừa ngửa cổ trông chừng, mệt phờ nhưng vô cùng thích thú. Có đứa không làm theo cách ấy, cứ chạy đón đầu nơi hướng gió, thế nào cũng nhặt được vài tờ. Mãi đến khi bóng mát đã đổ dài trên mặt ruộng, chúng tôi mới lục tục ai về nhà nấy.

Cả nhà đang ngồi quanh mâm cơm chiều ngoài sân, vừa trông thấy tôi về, mẹ mắng ngay:

– Mày đi đâu tối rồi không chịu về ăn cơm? Sao không đi luôn cho tao nhờ! Còn vác mặt về đây làm gì?

Mẹ cứ mằng sa sả. Có lần cha tôi bảo, ở xóm này mỗi bà cưng con một cách. Mẹ thằng Túc thì chiều con đến mức thả lỏng cho nó muốn làm gì tùy thích, đi chơi đâu xa mấy cũng không lo. Mẹ thằng Tiêu lại chiều con theo cách nó đòi gì mua cho nâý, làm cho thằng Tiêu phổng mũi, nhiều lúc vênh mặt lên với bọn tôi, đứa nào cũng ghét thói ấy nhưng ham vui nên vẫn xuề xòa chơi chung với nó. Mẹ tôi thì lo cho con theo kiểu kèm riết, bà nói mang nặng đẻ đau không thể bỏ mặc con muốn làm gì thì làm, đi đâu thì đi được, làm cho tôi cảm thấy bị tù túng hơn những bạn bè khác rất nhiều! Nhưng bù lại, tôi ít khi mắc phải những trò phá phách khiến thiên hạ phải mắng vốn với cha mẹ nhiều như chúng nó. Mọi khi tôi đi đâu vượt quá sự cho phép, về nhà thế nào cũng bị mẹ rầy la, thậm chí tra roi vào đít. Mẹ để mắt tới tôi luôn luôn như vậy nên khi nào nhà có khách, nhất là khách lâu ngày tới thăm chơi, là tôi như mở cờ trong bụng. Cha mẹ tôi lúc ấy thế nào cũng bận tiếp khách, còn thì giờ đâu mà để ý đến tôi! Vậy là tranh thủ, làng trên xóm dưới tôi đi khắp, đến khi thấy bóng dáng người khách đã ra tới đường cái lớn là lật đật chạy về! Lén lút và phập phồng như vậy nhưng tôi thấy vẫn có cái thú của tuổi thơ không dễ gì đánh đổi được. Cho nên mặc dù bị mẹ quản chặt, tôi vẫn không mấy khi chịu ở yên, hễ sểnh ra là chạy đi ngay. Đòn roi hoặc mắng chửi của người lớn chỉ thấm vào người trong chốc lát, sau đó lại tan biến di lúc nào không hay mỗi khi có cuộc chơi mới. Thật ra những lúc lêu lổng cùng bạn bè, tâm trạng tôi bao giờ cũng phấn khích, chỉ khi nào về đến nhà mới lo âu nhớ lại những trận đòn, trận mắng! Nhưng lần này tôi cảm thấy rất vững tâm khi bị mẹ mắng chớ không lo sợ hồi hộp như trước. Trong lòng còn khoái trá nghĩ tới cái lúc mẹ thấy tôi “có công” mà đổi giận làm vui, không chừng lại hối hận vì đã “mắng oan” tôi cũng nên! Nghĩ vậy, tôi càng cố ý trêu tức mẹ, bằng cách nói lửng lơ nhấm nhẳng:

– Con không đi chơi đâu!

Quả thật thái độ khang khác của tôi đã làm cho mẹ chững lại:

– Hả, vậy chớ mày đi đâu?

Tôi muốn kéo dài thêm sự khoái trá trẻ con này nên cố tình nói hỗn, để được thấy trạng thái tình cảm của mẹ sẽ thay đổi đột ngột như thế nào:

– Mẹ không biết thì đừng mắng?

Lập tức mẹ tôi sừng sộ ngay:

– A cái thằng này! Mày học thói hỗn ở đâu vậy hả? Không có roi không dạy được mà… à…

Mẹ kéo dài tiếng “mà” khiến tôi nhận thấy nguy cơ bị ăn đòn. Không dám kéo dài sự đắc chí nữa, tôi vội vàng lắp bắp:

– Con… con đi… lượm mấy tờ này…

Mẹ lại chùng xuống chờ tôi. Thích thú vì thái độ của mẹ diễn biến phụ thuộc vào ý muốn của tôi, tôi chậm rãi moi từ túi quần mấy tờ giấy nhặt được hồi chiều, chìa ra cho cả nhà xem. Mẹ ngạc nhiên hỏi dồn:

– Cái gì vậy? Ở đâu ra hả?

– Con nhặt ngoài đồng, có hai chiếc tàu bay rải xuống.

Thấy vẻ mặt mẹ căng thẳng, tôi bỗng lo, không khéo vì chuyện này mà mình bị đòn nặng hơn cũng nên, đừng có hí hửng! Tôi vội nói thêm để củng cố cho mẹ thấy rằng đây là chuyện bình thường và không chỉ có mình tôi nhặt:

– Thấy tàu bay rải xuống trắng trời, người ta chạy đi lượm đầy đồng, có đứa lượm về nhiều gấp mấy lần con vậy đó! Mẹ chưa kịp nói gì, anh Hai đã nôn nóng bảo:

– Đưa anh xem giấy viết gì trong đó.

Cha tôi đang ngồi vấn thuốc rê, không tỏ vẻ sốt ruột nhưng cũng có ý chờ anh Hai đọc thử. Xem lướt qua các tờ giấy, anh lựa ra một tờ đọc chăm chú rồi nói:

– Đây là truyền đơn cha ạ, truyền đơn của Cách mạng.

Mẹ hỏi gấp:

– Vậy giấy nói gì trong đó?

Anh Hai hắng giọng:

– Để con dọc cho nghe: “Hỡi đồng bào, đồng chí và chiến sĩ trên toàn miền Nam! Đúng vào ngày 30 tháng 4 năm 1975, thành phố Sài Gòn đã được giải phóng, kết thúc cuộc kháng chiến thần thánh của toàn quân và dân ta trong suốt ba mươi năm qua, thống nhất Nam Bắc một nhà. Thắng lợi vẻ vang này xin gửi đến tất cả đồng bào, đồng chí để cùng phấn khởi và chung tay xây dựng, khắc phục hậu quả trước mắt và lâu dài do cuộc chiến để lại. Chào thân ái và quyết thắng.”

Cha tôi cười khà khà:

– Biết là giải phóng hoàn toàn miền Nam rồi, vậy mà đọc được truyền đơn của Cách mạng, vẫn thấy náo nức lạ lùng!

Nghe anh Hai đọc khoái quá, tôi rút lại một tờ, cứ săm soi mãi những hàng chữ biết nói răm rắp mọi chuyện mà tôi chưa thể nào nhận ra, ngoại trừ nghe đọc lại! Anh Hai cười:

– Em chưa đi học mà giữ tờ giấy ấy làm gì, để anh Hai đưa lại những nhà chưa nhặt được họ đọc cho biết.

Cha bỗng nhìn tôi với vẻ khác lạ, trầm ngâm một lúc rồi quay sang hỏi mẹ:

– Thằng Quyết đã đủ tuổi đi học chưa bà?

– Để tôi xem…

Đến lượt mẹ trầm ngâm, lẩm nhẩm tính toán:

– Tính theo tuổi ta là sáu tuổi rưỡi rồi, còn tính theo tháng mới chỉ già hơn năm tuổi thôi. Cho đi học sớm người ta vẫn nhận, gửi vào lớp một được rồi đấy.

Cha gật đầu:

– Được rồi, để khai giảng năm nay tôi đưa nó đi.

Tôi mường tượng ra việc học chắc là quan trọng lắm, khó khăn lắm. Nhưng mẹ sẽ không coi tôi là trẻ con mà kèm riết nữa. Tôi đã là người lớn, chỉ có người lớn mới đi học được như anh Hai, như chị Bốn. Tôi đủ quyền đi một mình đến trường, có cơ hội đi chơi mà không sợ bị mắng! Suốt đêm ấy và những ngày sau, một nỗi háo hức được đi học cứ như con gì đang ngọ ngoạy trong lòng, làm cho tôi đứng ngồi không yên, đi đâu và làm gì cũng đều nghĩ về chuyện được đi học cả. Tôi đem chuyện này khoe với đám bạn. Chúng nó đứa thì bảo: “Để tao xin cha mẹ cho đi với mày cho vui”. Đứa lại nói: “Đi học khổ lắm, tao không thích. Ở nhà sướng hơn”. Có đứa còn viển vông: “Học lớp một thì nói làm gì. Chừng nào được đi học, tao học thẳng vào lớp mười kia”. Mỗi thằng nói một cách làm cho tôi cũng chẳng còn hình dung được việc học sẽ ra sao nữa. Chỉ năm mười ngày sau là tôi quên béng, không hề đả động gì đến chuyện ấy nữa, nhường tâm trí vào những trò chơi vui nhộn với bạn bè.

Trong lúc tôi không còn nghĩ đến việc được đi học nữa thì ngày khai giảng đang đến gần. Chị Bốn đã chuẩn bị một ôm vở, bao bìa từng cuốn rồi dán nhãn rất tinh tươm. Tôi cũng được chị mua cho hai cuốn vở, một cuốn để tập viết và một cuốn cho thầy “phóng chữ” rồi viết theo. Chị nắn nót viết tên tôi vào nhãn, dán cẩn thận lên góc trên bìa vở, mùi hồ dán mới nghe lần đầu, thơm phức! Lọ mực “Anh pha” cùng với cây bút ngòi dáng lá tre cũng được đặt sẵn ngay ngắn trên một góc bàn. Chưa biết viết chữ gì nhưng tôi cứ ngứa ngáy muốn thử bút mực xem sao. Tôi bê ra nền nhà, chấm ngòi bút vào lọ mực rồi bắt đầu bôi nguệch ngoạc lên giấy. Tôi vẽ cha, vẽ mẹ với những hình thù trông rất buồn cười. Đang chúi mũi vào trang vở thì mẹ tôi về bắt gặp, la toáng lên:

– Mày phá vừa vừa nghe Quyết! Chưa nhập học mà hư hết một cuốn vở rồi! Đáng đánh đòn hay không đây hả?

Cha tôi lên tiếng:

– Thôi, cho nó nợ. Nếu đi học rồi mà nó lại bỏ bê sách vở, hãy trị sau cũng không muộn.

Đột nhiên mẹ hạ giọng:

– Ông nè, tới ngày khai giảng, ông đưa con nó tới trường cho mau mắn, học hành tấn tới nghe!

Cha cười:

– Bà thiệt là… Nhưng thôi, để tôi dẫn nó đi cho.

HUỲNH VĂN QUỐC

 (Còn tiếp…)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *