Trương Tửu – Thỏi vàng ròng còn lại

Vanvn- Sáng 17.11.2023, Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức Lễ kỷ niệm 110 năm Ngày sinh nhà văn, Giáo sư Trương Tửu (18.11.1913-18.11.2023). Đây là dịp để các nhà nghiên cứu, nhà văn và công chúng nói chung nhìn lại những dấu ấn quan trọng trong cuộc đời, sự nghiệp của ông, cũng như khẳng định những đóng góp to lớn của ông đối với nền văn học nghệ thuật nước nhà.

Các nhà văn, nhà nghiên cứu chụp ảnh lưu niệm tại buổi lễ tưởng nhớ GS Trương Tửu

>> Trương Tửu – Khởi điểm của những khởi điểm

>> Trương Tửu, Trương Chính và Tự lực Văn đoàn

>> Giáo sư, nhà văn Trương Tửu: Người “Kiêu khích” văn đàn

 

Tới dự Lễ kỷ niệm có nhà thơ Trần Đăng Khoa – Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, nhà thơ Hữu Thỉnh – nguyên Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, ông Trương Quốc Tùng – con trai Giáo sư Trương Tửu cùng một số người thân trong gia đình, Giáo sư – Tiến sĩ Trương Việt Bình – Phó Chủ tịch Hội đồng họ Trương tại Việt Nam, học trò và nhiều giáo sư, nhà nghiên cứu, lý luận phê bình văn học, các nhà văn, nhà thơ, cùng bạn đọc yêu văn chương của ông.

Nhân dịp này, Nhà xuất Lao động đã xuất bản tập sách “Nhà văn – Giáo sư Trương Tửu – Nguyễn Bách Khoa”, do hai tác giả Kiều Mai Sơn và Trương Quốc Tùng biên soạn.

Nhà thơ Trần Đăng Khoa phát biểu khai mạc

Phát biểu khai mạc lễ kỷ niệm, nhà thơ Trần Đăng Khoa bày tỏ sự tôn vinh và ngợi ca Giáo sư Trương Tửu là một điển hình của việc tự học, tự đào tạo. Thời trẻ, Trương Tửu học hết năm thứ nhất bậc trung học, rồi học Trường Kỹ nghệ thực hành ở Hải Phòng, nhưng chỉ được một năm rưỡi thì bị đuổi học vì tham gia bãi khóa để đòi thực dân pháp thả Phan Tất Đắc. Bị buộc rời trường, ông đã tự học chương trình tú tài Pháp – Việt với ý chí quyết tâm và tinh thần tự học, tự đào tạo. Tuy tự học, tự đào tạo, nhưng năm 1956 ông là một trong 29 vị giáo sư được Nhà nước phong tặng lần đầu tiên ở Việt Nam, cùng đợt với các học giả Đào Duy Anh, Đặng Thai Mai, Trần Văn Giàu, Nguyễn Mạnh Tường,…

Nhà thơ Trần Đăng Khoa kỳ vọng tại Lễ kỷ niệm đầy ý nghĩa này sẽ được nghe những ý kiến của các giáo sư, nhà văn, nhà giáo, nhà nghiên cứu, “những nhà Trương Tửu học” để có một góc nhìn gần hơn về nhà văn, Giáo sư Trương Tửu. Ông nhấn mạnh: “Chúng ta biết nhiều về tác phẩm, nhân cách của Trương Tửu nhưng con người thật trong đời sống của ông thế nào thì không phải ai cũng biết”.

Sinh thời nhà văn, Giáo sư Trương Tửu đã cống hiến cho đời sống văn học trên 30 đầu sách và hàng trăm bài báo, bài nghiên cứu làm lay động trái tim hàng triệu độc giả. Chính vì vậy, ông được bạn văn, bạn đọc đương thời đánh giá là một trong những người viết sung sức nhất trong khoảng nửa đầu thế kỷ XX.

Nhà thơ Trần Đăng Khoa khẳng định thêm: “Cố nhà văn, Giáo sư Trương Tửu –  Nguyễn Bách Khoa là tên tuổi lớn của làng văn chương Việt Nam nói riêng, nghiên cứu khoa học nói chung. Ông sở hữu những công trình nghiên cứu, mà giới phê bình cho rằng đó là những công trình không chỉ mang tính chuyên biệt mà còn chứa đựng hàm lượng khoa học cao, với những góc nhìn khác nhau trước tác phẩm. Càng lùi thời gian, người đọc càng cảm nhận được những đặc sắc của tác phẩm Trương Tửu…”

Giáo sư Trần Ngọc Vương thì cho rằng Giáo sư Trương Tửu đã cố gắng trở thành nhân vật hiếm, đó là nhà diễn giả bẩm sinh, nhà hùng biện với những cuộc dấn thân, với một tinh thần trung thực, tranh đấu vì học thuật và lẽ phải.

Ông cũng đã trả giá đắt bằng chính cuộc đời mình. Tuy sách từng bị thực dân Pháp cấm, thu hồi tại nhà in, người thì bị lùng bắt, phải đổi bút danh để tiếp tục viết, nhưng ông tôn thờ khoa học trong văn chương, và đã để lại ấn tượng mạnh mẽ, khác biệt trên văn đàn.

Giáo sư – Tiến sĩ Lã Nhâm Thìn tham luận

Hội thảo đã lắng nghe tham luận của Giáo sư – Tiến sĩ Lã Nhâm Thìn qua ba góc nhìn: Ở góc nhìn thứ nhất, ông lý giải hiện tượng Trương Tửu với sự tài hoa của trong sáng tác, nghiên cứu khoa học và ở góc độ thứ hai, ông lý giải một Trương Tửu – ba nhà trong một với những triết lý riêng của mình khi xây dựng tính độc lập, tương đối với văn học và là người đặt nền móng cho mảng Tiểu thuyết luận đề. Ở góc độ thứ ba, nhà văn – Giáo sư Trương Tửu trong vai trò người thầy. Ông được đồng nghiệp, học trò kính trọng, tôn vinh thuộc hàng vạn tuế sư biểu của Khoa Ngữ văn Trường Đại học Tổng hợp, nay là Trường Đại học Khoa học Xã hội & Nhân văn Hà Nội.

Giáo sư Lã Nhâm Thìn cũng xem Giáo sư Trương Tửu là một “hiện tượng” rất lớn và phức tạp: “Bởi những điều trái ngược nhau luôn xảy ra trong cuộc đời và sự nghiệp của Giáo sư Trương Tửu, ở ông luôn có những sự trái ngược như thế. Khi số mệnh dội bão táp xuống cuộc đời giáo sư thì ông đã đi tìm được sự thanh thản, nhưng ai ngờ từ đây lại thêm một điều trái ngược khác nữa là trong chính sự thanh thản ấy cũng tạo nên bão táp, bão táp của những tranh luận, của những ý kiến từ người khác về ông mà dường như chưa rõ hồi kết”.

Sự nghiệp của Giáo sư Trương Tửu lớn là vậy nhưng nhìn vào các bộ lịch sử văn học Việt Nam hiện nay vẫn thiếu vắng tên tuổi cùng tác phẩm của ông cả về mảng sáng tác và nghiên cứu khoa học, Giáo sư Lã Nhâm Thìn cho rằng đây là một thiếu sót rất đáng tiếc.

Tuy nhiên, sự lãng quên này có lý do bởi các tác phẩm văn xuôi của Trương Tửu đều chưa được tái bản. Trên thực tế, Trương Tửu sáng tác khá nhiều và được coi là một trong những cây bút có phong cách trong làng tiểu thuyết giai đoạn trước Cách mạng tháng Tám.

Với tư cách là nhà giáo, Trương Tửu là một trong những người có công đặt những viên gạch đầu tiên xây dựng ngành Ngữ văn nước nhà và ông cũng là thầy của nhiều sư biểu, giáo sư trong lĩnh vực khoa học xã hội nhân văn như: GS-NGND Phan Trọng Luận; PGS. Cao Xuân Hạo; nhà phê bình Văn Tâm; GS-NGND Nguyễn Đình Chú; GS-NGND Hà Minh Đức; nhà nghiên cứu Ninh Viết Giao…

Trong tâm trí của nhiều thế hệ học trò, Giáo sư Trương Tửu là một vị giáo sư uyên bác, học nhiều, biết rộng và còn là một người thầy “đầy cá tính”.

“Giáo sư Trương Tửu hiện lên như con người của lịch sử, là một con người thực nhưng lại phảng phất sắc màu huyền thoại. Một con người phải chấm dứt sự nghiệp ở tuổi ngoài 40, nhưng những gì Giáo sư Trương Tửu để lại không chấm dứt, nó vẫn tiếp tục, chưa có hồi kết”, Giáo sư Lã Nhâm Thìn nhấn mạnh.

Giáo sư – Nhà giáo nhân dân Nguyễn Đình Chú phát biểu

Giáo sư – Nhà giáo nhân dân Nguyễn Đình Chú, người năm nay vừa tròn 95 tuổi đã kể lại một vài kỷ niệm của ông với người thầy Trương Tửu, trong đó, ông xúc động nhắc lại điếu văn đọc tại lễ truy điệu Giáo sư Trương Tửu năm 1999: “Thầy ơi, chuyện đời cái gì đáng qua đi, sẽ qua đi. Cái gì đáng còn lại, sẽ còn lại. Những vinh quang của thầy sẽ còn lại”.

Cuộc đời, sự nghiệp của Trương Tửu gắn liền với tiến trình tư tưởng, học thuật với nhiều giai thoại, thời gian giúp chúng ta nhận thấy được những đóng góp của ông trong sự phát triển văn học nghệ thuật, giúp giới văn nghệ sĩ hoàn thiện công cuộc đổi mới văn hóa của dân tộc.

Ông Trương Quốc Tùng gửi tặng sách của nhà văn Trương Tửu cho Bảo tàng Văn học Việt Nam 

Lễ kỷ niệm 110 năm ngày sinh nhà văn, Giáo sư Trương Tửu có sự tham dự của gia đình, học trò, các nhà văn với nhiều bài tham luận được gửi tới từ các nhà nghiên cứu Trần Đình Sử, Trần Ngọc Vương, Trịnh Bá Đĩnh, Nguyễn Hữu Sơn, Đinh Văn Chinh, Đỗ Lai Thúy, Nguyễn Văn Sơn,…

Phát biểu kết luận buổi lễ, nhà thơ Trần Đăng Khoa đề nghị các nhà khoa học, lý luận phê bình và nhà văn, nhà thơ đã có những ý kiến giá trị về nhà văn, Giáo sư Trương Tửu hôm nay, cần gửi lại văn bản tới ban tổ chức để có thể đăng, in, tổng hợp, bởi những ý kiến dù “hay thế nào thì lời nói gió cũng bay”. Trương Tửu có cuộc đời và sự nghiệp đa chiều, nhưng không thể bị lãng quên. Ông chính là thỏi vàng ròng còn lại…

Cũng nhân dịp này con trai của nhà văn, Giáo sư Trương Tửu là ông Trương Quốc Tùng gửi lời bày tỏ cảm ơn đến Ban Chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam, và gửi tặng Bảo tàng Văn học Việt Nam một số cuốn sách, và đĩa phim tư liệu về cuộc đời nhà văn Trương Tửu do Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh Vĩnh Phúc thực hiện.

***

Nhà văn, GS Trương Tửu sinh ngày 10.10.1913 và mất ngày 16.11.1999, ông là một nhà giáo, nhà văn và nhà nghiên cứu, phê bình văn học nổi tiếng ở Việt Nam.

Sự nghiệp của GS Trương Tửu trải rộng trên cả lĩnh vực sáng tác, nghiên cứu và giảng dạy văn học. Ông để lại cho hậu thế một di sản đồ sộ trên nhiều phương diện: về sáng tác, ông viết nhiều truyện ngắn, tiểu thuyết như “Thanh niên SOS” (1937), “Khi chiếc yếm rơi xuống” (1939), “Khi người ta đói” (1940), “Một cổ đôi ba tròng” (1940), “Tráng sĩ Bồ Đề” (1943) … Về nghiên cứu, phê bình văn học, Trương Tửu – Nguyễn Bách Khoa cũng có nhiều công trình quan trọng như: “Kinh thi Việt Nam” (1940), “Nguyễn Du và Truyện Kiều” (1943), “Nguồn gốc văn minh” (1943), “Văn chương Truyện Kiều” (1944), “Tương lai văn nghệ Việt Nam” (1945)…

KBH-TB

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *