Vanvn- Tác giả Trung Sỹ đã có hai cuốn sách được người đọc chú ý: Hà Nội – mũ rơm và tem phiếu, kể chuyện thời chiến và thời bao cấp ở Hà Nội. Chuyện lính Tây Nam kể về đồng đội thời sang chiến đấu giúp Campuchia thoát khỏi nạn diệt chủng của Khmer Đỏ. Đấy là hai cuốn truyện ký, ghi chép chuyện người thật việc thật. Anh còn một cuốn sách khác lấy bối cảnh truy quét Khmer Đỏ, nhưng là tiểu thuyết, rất nhiều vốn sống thực tế đã được chưng cất qua tưởng tượng và hư cấu: Đội trinh sát và con chó Sara.

Tên sách đã kể rõ về các nhân – vật chính trong tiểu thuyết: người và thú. Trước hết là về thú: con chó Sara. Đơn vị trinh sát nhặt được nó trên đường hành quân, cho đi theo tưởng là vướng chân nhưng hóa ra lại được việc. Không mang tên Việt là con Riềng con Mẻ mà được đặt cho cái tên Khmer là Sara, nghĩa là Rượu. Con chó của lính trinh sát nên được tôi luyện trong môi trường lính chiến. Nó đánh nhau với con chó to gấp rưỡi nhưng thuộc loại “lính cậu”, vốn được ngồi xe của đơn vị pháo binh.
Kết quả là con chó “pháo binh” to tướng kia bị đo ván và bị đưa đi cùng riềng mẻ. Có lần ở giữa rừng, đơn vị trinh sát phát hiện địch nhưng chúng lại có một con voi dữ, rất có thể gây thương vong cho đám dân thường bị chúng bắt đi cùng. Sara lập tức xông tới nhử con voi chạy ra khỏi đội hình dân thường để rồi con voi nhận luôn một quả đạn B40 kết liễu số phận.
Lần khác, Sara phát hiện ra kẻ đánh mìn tự sát, tránh được thương vong cho đơn vị. Một khi đã là “nhân vật” chính, Sara đã được nhân cách hóa có những hành vi và cảm xúc như con người. Tác giả đã cho nó hẳn một chương đứng ra tự sự khi nó lạc đơn vị trong lần theo bộ đội đi bảo vệ chuyến tàu dân sự. Con vật trung thành đã biết lần theo đường tàu tìm về với những người lính yêu mến của nó.

Tuyến nhân vật chính của tiểu thuyết, tất nhiên là “đội trinh sát”. Cơ cấu một đơn vị, có đầy đủ chỉ huy và người lính, nhưng tác giả tập trung vào ba chiến sĩ trinh sát: Sên, anh lính người Hậu Giang, thường vận hò vè ca dao vào các tình huống các số phận, có nhiều khi rất hài hước. Như mọi cuốn tiểu thuyết về chiến tranh, phải có nhân vật ngã xuống, Sên là người ra đi để lại bao đau đớn cho đồng đội.
Nhân vật thứ hai là Phong, anh lính người Hà Nội, hay trầm ngâm suy tư và triết lý. Từ chiến trường Campuchia, Phong nhận được thư người bạn gái từ biệt để đi lấy chồng. Nhân vật thứ ba là Đức, người Bình Định, mọi yêu thương thù hận đều thẳng băng, không gợn nghĩ.
Luồn rừng truy quét địch, cứu dân khỏi tay bọn diệt chủng, đưa dân trở về làng xóm bình yên, tất yếu hình thành quan hệ quân dân sâu đậm. Còn hơn thế, quan hệ đã đẩy tới tình yêu mãnh liệt của những người phụ nữ Campuchia với các anh bộ đội Việt Nam. Ở đây là quan hệ của hai đôi trai gái: Phong – Chanrithy, Đức – Thea Lim.
Phong mang nỗi buồn riêng trong lòng, và cũng chủ động tránh phiền phức trong quan hệ giữa bộ đội Việt Nam với người dân nước bạn. Nhưng tránh cũng chẳng được trước mối tình khi thầm lặng khi phát lộ của cô gái Chanrithy, được đơn vị cứu khỏi tay bọn diệt chủng. Vốn là một cô gái che giấu được thân phận thành thị và giỏi tiếng Pháp, bị lão già chỉ huy của Khmer Đỏ bắt sống chung như vợ chồng. Khi lão già đột tử, Chanrithy giấu được số vàng mà lão ăn cướp được, về sau cô quay lại tìm và trở nên giàu có. Được đơn vị bộ đội Việt Nam đưa về sống trong một làng mới, cô gái trở thành cô giáo cho trẻ con trong làng, rồi cái yêu thầm nhớ vụng với Phong bộc lộ. Khi Phong bị thương, cô đã đến quân y viện chăm sóc hàng tháng trời.
Cặp Đức – Thea Lim có khác. Cô gái cũng bị ép lấy một lính Khmer Đỏ là Sà Rươn. Khi bộ đội đến làng, Sà Rươn bỏ chạy theo Khmer Đỏ, có lúc quay về giả vờ hàng, rồi lại xúc trộm gạo trốn đi, sau đó dẫn quân về tập kích bộ đội. Có một người chồng chập chờn như thế, nên gặp Đức, Thea Lim xông thẳng vào anh lính Việt với tình yêu cuồng nhiệt. Anh lính Việt thẳng thắn và đầy tình sắc dục cũng cuồng nhiệt không kém.
Nhưng cuộc sống của người lính trinh sát luôn bên bờ vực của cái chết. Họ bao giờ cũng đi trước đơn vị để phát hiện địch. Thường xuyên luồn rừng leo núi, có mùa khô suýt chết khát giữa rừng “con suối rừng vạch nét xanh ngoằn ngoèo trên bản đồ, giờ chỉ là một con suối chết, lòng cạn khô đầy cát sỏi”. Hiểm họa có thể đến bất cứ lúc nào từ thú dữ: trăn rắn, hổ báo, con lươn chúa ở đầm lầy. Và nguy hiểm nhất là kẻ địch, chúng ở lẫn trong dân, giả vờ về hàng, giả vờ làm du kích, ban ngày là du kích, ban đêm là Khmer Đỏ, từ trong đánh ra, từ ngoài đánh vào.
Tình yêu của hai cặp trai gái Khmer – Việt Nam cứ vượt lên trên bối cảnh đầy hiểm họa. Phong còn nhiều băn khoăn trăn trở, nhưng Đức thì rất đơn giản: “Mai này nếu may sống được đến khi giải ngũ. Vẫn thương nhau thì sẽ xin phép chính phủ đón Thea Lim về Hoài Nhơn với má. Nếu không được thì tao về thưa má, rồi qua Tà Keo quê Thea Lim cùng sống”. Giản đơn thế và chân thành thế, cho nên xuyên qua những tình huống hiểm nghèo chết chóc, người đọc phấp phỏng chỉ lo có một cái kết bi thương đến với họ, và tất nhiên, người đọc chỉ mong chờ một câu chuyện có hậu.
Không tầng tầng lớp lớp và ngổn ngang chi tiết như Chuyện lính Tây Nam, tiểu thuyết Đội trinh sát và con chó Sara thưa thoáng hơn, nhưng cũng đủ tạo được không khí về một cuộc chiến dữ dội chống lại chế độ diệt chủng ở Campuchia và công cuộc cứu dân, khôi phục hòa bình trên đất nước bạn. Trong dòng chảy của câu chuyện, đôi khi tác giả cũng đổi giọng bằng những khúc hồi tưởng, những trang tự sự của nhân vật như Phong, Chanrithy, thậm chí là giọng tự sự của con chó Sara. Khi câu chuyện đi đến chỗ có hậu thì không chỉ tác giả mà cả người đọc cũng có tâm lý nhẹ nhõm và hân hoan.
HỒ ANH THÁI
__________
* Đội trinh sát và con chó Sara, tiểu thuyết của Trung Sỹ, Công ty Sống và NXB Lao Động.