Trong tiềm thức nhỏ nhoi

(Kỷ niệm 200 năm ngày sinh danh nhân Nguyễn Đình Chiểu, 1.7.1822 – 1.7.2022)

Vanvn- Khi các phương tiện truyền thông đồng loạt đưa tin nhà thơ yêu nước Nguyễn Đình Chiểu cùng với nữ sĩ Hồ Xuân Hương được UNESCO vinh danh, tôi chợt nhớ tới sự nhận định đầy trải nghiệm, rất thuyết phục của văn hào Lev Tolstoy: “Những tác phẩm nghệ thuật lớn, thật sự là lớn, khi mà nó vừa tầm với mọi người và được mọi người thông hiểu”.

Với truyện thơ Lục Vân Tiên, Ngư tiều y thuật vấn đáp, Dương Từ – Hà Mậu, Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc của cụ Nguyễn Đình Chiểu là như thế. Thơ văn của cụ bắt nguồn từ văn hóa dân gian. Thế nên những tác phẩm ấy “quay về” với dân gian “được mọi người thông hiểu” là lẽ đương nhiên.

Danh nhân Nguyễn Đình Chiểu

Tôi lớn lên ở một vùng quê nghèo Giồng Trôm, Bến Tre đầy chiến tranh, chết chóc. Nên bấy giờ mặt bằng dân trí rất thấp. Cả ấp có vài người sở hữu bằng tú tài phần I, phần II là được xã hội trọng thị lắm. Từ nhà tôi đến chợ quận, xa ba bốn cây số mới có thư quán Trúc Lâm, thư quán Việt Hưng. Gọi là thư quán cho oai chơi chứ chỉ lèo tèo chừng vài mươi quyển sách đặt trên giá cùng với một ít sách đựng trong bao tải cho mướn. Muốn đi mua hay mướn sách mang về đọc, đa số độc giả phải cuốc bộ.

Radio chừng mươi nhà mới có một chiếc để nghe. Đài Phát thanh  Sài Gòn thỉnh thoảng phát Chương trình thơ của nhóm Mây Tần do nhà thơ Kiên Giang phụ trách. Riêng Đài Phát thanh Pháp Á, đài Quân đội, phần lớn đưa tin tình hình chiến sự là chính. Mỗi tuần chỉ phát Chương trình Văn nghệ “Lính hát lính nghe”, mục địch phục vụ cho binh sĩ Việt Nam cộng hòa giải trí.

Bấy giờ dường như không có phương tiện truyền thông nào “đá động” đến các tác phẩm của Cụ Đồ Chiểu. Ấy vậy mà trong xóm tôi không ít người thuộc làu làu thơ Lục Vân Tiên. Không những các cụ mà các bà mẹ trẻ, có con đầu lòng cũng ru con bằng thơ Lục Vân Tiên. Trên các cánh đồng, thơ gặt, thợ cấy cũng ru, hò, nói thơ Lục Vân Tiên, như một sinh hoạt văn hóa không thể thiếu. Cánh mày râu cũng không hề kém.

Trong những lễ cưới, đám giỗ… có ít rượu vào, cao hứng họ lại ngâm Lục Vân Tiên với lối ngâm ngự, mang tâm thế đầy kiêu hãnh: “Trước đèn đọc truyện Tây minh/ Gẫm cười hai chữ nhân tình éo le…”. Hay: “Trai thì trung hiếu làm đầu/ Nữ thì tiết hạnh là câu trau mình…”. (Lại có người phá bĩnh, đọc trại thành “Nữ thì tiết hạnh phau câu, cánh mề”. Hoặc “Vân Tiên cõng nhẹ chạy ra/ Đụng phải mái nhà cõng mẹ chạy vô…”). Ngoài ngâm thơ, các trang nam tử Hớn Minh, Tử Trực – nhân vật trong truyện cũng được mọi người đem ra mổ xẻ sôi nổi. Hay có cậu ấm nào mê gái, ham chơi không chịu học thì bị gán cho là “Bùi Kiệm” (Nhân vật trong Lục Vân Tiên) với sự chế giễu.

Vậy từ đâu mà truyện thơ Lục Vân Tiên có sức lan tỏa, ảnh hưởng lớn như vậy? Xin thưa: Không phải sách báo, truyền thông mà phần lớn  từ dân gian truyền khẩu. Sức sống của Lục Vân Tiên qua mấy thế kỷ, ngoài tiết tháo, đạo nghĩa, tác phẩm còn được tạo tác bởi ngôn ngữ, giọng điệu, bút pháp. Nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu đã rất thành công khi xây dựng hình tượng, tính cách nhân vật đến ngoại hình (sức mạnh thể chất), bằng sự tài hoa và đầy tâm huyết với trái tim yêu nước nồng nàn trước nạn can qua.

Các nhân vật chính diện, phản diện trong Lục Vân Tiên hầu như có mặt rải rác trong xã hội. Từ đó, hơn ba mươi năm trước nhà văn Nguyên Tùng từng lấy tên cho một bút ký của mình là Ông Vân Tiên. Đó là ông già mù, tốt bụng, giàu tính trượng nghĩa  ở Mỏ Cày Nam. Hay Giáo sư – Tiến sĩ âm nhạc Ca Lê Thuần lấy cảm hứng từ truyện thơ Lục Vân Tiên mà dày công viết bản giao hưởng cùng tên. Và không ít tác giả dành nhiều tâm huyết, nhằm nghiên cứu những tác phẩm của Nguyễn Đình Chiểu. Cũng như Lục Vân Tiên được dựng thành phim, thành vở diễn sân khấu cải lương.

Ngoài ra, Bến Tre không ít nơi lấy tên nhà thơ mù yêu nước. như Đường Nguyễn đình chiểu, Trường PTTH Nguyễn Đình Chiểu, Bệnh viện Nguyễn Đình Chiểu, Hội VHNT Nguyễn Đình Chiểu. Và giải thưởng văn học, nghệ thuật danh giá cũng được mang tên Nguyễn Đình Chiểu. Đồng thời, không ít nơi lấy tên đường, tên trường Nguyễn Đình Chiểu.

Từ trái sang, các nhà thơ: Vũ Hồng, Phạm Bội Anh Thuyên, Phan Hoàng ở Khu Di tích danh nhân Nguyễn Đình Chiểu – Ba Tri, Bến Tre, 01.7.2022.

Năm 2013. Tôi đi thực tế sáng tác ở Cà Mau. Buổi sáng rảnh  rỗi, thả bộ xuống chợ bán cá khô. Tình cờ nghe được hai cô gái (nét quê quê) vừa đi vừa chuyện trò rôm rả. Bất ngờ cô gái ít tuổi hơn trách yêu: “Em ghét chế (chị) như nhà nông ghét cỏ”. Ồ! Thì ra không phải những tác phẩm của Nguyễn Đình Chiểu có mặt trong đời sống văn hóa của người dân Bến Tre, mà nó còn “chu du” xuống tận miền cực Nam Tổ quốc. Câu “Em ghét chế…”, cô gái ấy lấy từ câu “Tiếng phong hạc phập phồng hơn mươi tháng, trông tin quan như trời hạn trông mưa; mùi tinh chiên vấy vá đã ba năm, ghét thói mọi như nhà nông ghét cỏ”, trong Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc bất hủ của Cụ Đồ Chiểu. Sự so sánh cực kỳ độc đáo, xác đáng của tác giả và sự vay mượn, sử dụng của cô gái Cà Mau thật tài tình, thú vị.

Và, điều làm cho tôi suy nghĩ hơn, đó là thỉnh thoảng vào dịp Lễ hội truyền thống văn hóa tỉnh, tôi về Ba Tri, sẵn dịp tìm mấy người bạn họ Lâm, họ Thái. Nhưng khi hỏi đến, người nhà của bạn tôi đều bảo “Ảnh ra ngoài mộ rồi”. Tôi ngầm hiểu “ra mộ” là ra Lăng cụ Nguyễn Đình Chiểu”. Cách nói ấy cho tôi xác tín rằng, người Ba Tri đều xem Cụ Đồ như tổ tiên của mình, dù không có họ hàng chi cả.

Chừng hai mươi năm trước, Tiến sĩ sử học Nguyễn Khắc Thuần có về Bến Tre làm việc. Dịp này, ngài thuyết giảng về cuộc đời và tác phẩm của Nguyễn Đình Chiểu. Nơi Hội trường lớn Ủy ban tỉnh năm ấy người đến dự thính chật kín. Rất nhiều thành phần, tầng lớp, nên rất ồn ào, mất trật tự. Quả tình tôi rất lo lắng. E rằng buổi thuyết trình của vị nhà sử học đáng kính này sẽ bị phá sản. Không ngờ, chừng ông “đề pa” không quá một phút thì cả Hội trường im phăng phắc để nghe người thuyết trình đầy thuyết phục, như “rót mật vào tai” đến khi kết thúc chương trình. Và có một chi tiết không ít người rất đáng suy gẫm. Đó là, khi ấy ông kể về thời chiến tranh mình từng vào Nam. Đêm xuống, ở một vùng quê, không ít nam thanh nữ tú, mặt trét lọ nghẹ, đi vòng tròn, say sưa ngâm thơ Lục Vân Tiên. Bấy giờ ngài chưa tiếp cận với thơ văn Nguyễn Đình Chiểu, nên ngài thấy lạ lẫm và không ưng lắm. Nhưng cuối cùng vị Giáo sư bảo: “Bây giờ ai đụng đến Lục Vân Tiên, đụng đến Nguyễn Đình Chiểu thì không yên với tôi đâu!”. Cũng như trước đây, có một bài báo “mang” Lục Vân Tiên ra , chỉ trích, chê bay, liền bị hai lương y ở Ba Tri đanh thép “đập” lại liền.

Trong tiềm thức nhỏ nhoi của tôi, đại tác phẩm Lục Vân Tiên, nhà văn hóa Nguyễn Đình Chiểu không phải dừng lại ở chừng mực đó, không gian đó. Lục Vân Tiên còn được Đoàn hát Chèo Vĩnh Phú (tỉnh kết nghĩa với Bến Tre) dàn dựng vở Kiều Nguyệt Nga. Năm 1977, Đoàn từng vào Bến Tre biểu diễn ở nhiều địa phương. Bấy giờ loại hình nghệ thuật hát Chèo hãy còn xa lạ với khán giả Bến Tre, nhưng hàng ngàn người đến, đứng xem đầy sân Trường cấp I Tam Đảo (Giồng Trôm) để thưởng thức. Như để chiêm ngưỡng Kiều Nguyệt Nga – biểu tượng của phụ nữ Việt Nam.

Không những người Việt ta trân trọng những giá trị của Lục Vân Tiên, đặc biệt hơn, thời đầu Pháp thuộc, một sĩ quan pháo binh người Pháp từng mang truyện thơ Lục Vân Tiên về nước họ. Tuyệt tác này được dịch thành nhiều ngoại ngữ. Và rất nhiều tranh vẽ minh họa được họa sĩ của Triều đình Huế thực hiện rất sinh động.

Gần đây, nhân chuyến công du ở Pháp, Giáo sư Phan Huy Lê phát hiện ra ở Thư viện Paris. Sau đó ông mang về và được tái bản. Và, năm 1985, đất nước hoa anh đào Nhật Bản từng xuất bản truyện thơ Lục Vân Tiên một cách trang trọng, cũng như đưa Lục Vân Tiên vào giảng dạy ở trường học. Cũng từ cảm thụ, lĩnh hội những giá trị đích thực của Nguyễn Đình Chiểu nên lúc sinh thời, cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng từng nhận định: “Trên bầu trời có nhiều ngôi sao càng nhìn lại càng sáng. Văn thơ của Nguyễn Đình Chiểu cũng vậy”.

Đến hôm nay đã qua một trăm năm mươi năm, tầm vóc của Lục Vân Tiên, nghĩa dũng, khí phách của nhà giáo, thầy thuốc, nhà thơ, nhà văn hóa Nguyễn Đình Chiểu đã định vị, không còn sự bàn cãi, dù rất nhỏ. Cụ Nguyễn Đình Chiểu được vinh danh là lẽ đương nhiên. Nhưng dù sao, chúng ta cũng cần ghi nhận, tán dương sự nỗ lực, phối hợp của Ủy ban Nhân dân tỉnh Bến Tre với Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam để trình hồ sơ lên UNESCO. Đây không những là niềm tự hào của người Bến Tre mà cả nhân dân Việt Nam chúng ta.

PHẠM BỘI ANH THUYÊN

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *