Vanvn- Không ai hạnh phúc thật sự cả. Tất cả chỉ là thói quen. Thói quen miệt mài đến mức, khi bị lật tẩy sự giả dối ra, người ta cũng không biết làm thế nào để cư xử với Niềm tin đúng mực. Nên truyện ngắn Kịch câm được viết năm 1991 đến nay đã 30 năm đọc lại, tôi nhận ra hôm nay, Đức hạnh vẫn cần đi tìm sự bảo chứng của Niềm tin…
>> Kịch câm – truyện ngắn Phan Thị Vàng Anh
>> Cuộc giải phẫu gia đình Việt Nam đương đại

Thế hệ chúng tôi, yêu văn chương như đời sống riêng của chính mình. Chúng tôi đã đọc văn như một cách để sống, để yêu cuộc đời thanh xuân của thế hệ chúng tôi. Thời đó, Phan Thị Vàng Anh xuất hiện càng khiến chúng tôi đắm đuối vào sách vở, bởi chị đã bật ra được tiếng nói bị ẩn giấu của những-chúng-tôi thời đó. Thời những ẩn ức được cất kỹ trong chiếc rương đức hạnh. Và Khi người ta trẻ được xuất bản, Phan Thị Vàng Anh đã giúp chúng tôi bật chiếc rương đó để bung ra những cười khóc dồn nén bên trong.
Bất hạnh thay, nước mắt, ẩn ức, đau-khổ-bình-thường cứ thế được nhà văn lôi ra khỏi chiếc rương đức hạnh, trần trụi một cách đơn giản bằng những mẩu chuyện bé tí tẹo đến không ngờ.
Trong tập sách đó, với “Kịch câm”, một mẩu truyện bé tí, Phan Thị Vàng Anh đã làm người đọc nín thở. Truyện ngắn chừng ngàn rưỡi chữ với hai nhân vật chính là ông bố đức hạnh bị đứa con lạnh lùng bắt được “gót chân Asin” trong một lần tình cờ phát hiện mẩu giấy là “tang chứng” hẹn hò với tình nhân. Đứa con đắc thắng khi có được mảnh giấy “thông hành” mà từ đây nó nghĩ rằng đủ sức đối mặt với ông bố khắc nghiệt lâu nay lấy đức hạnh đè lên gia đình của chính mình. Mảnh giấy đó đủ sức mở ra cánh cửa tự do của đứa con gái mới lớn, cởi trói mẹ và lũ em ra khỏi những luật lệ hà khắc tôn ti trật tự trong gia đình. Mảnh giấy với một chữ “Em…” đơn giản nhưng đủ khiến ông bố “cầu khẩn và căm thù nhìn đó”, từ đó, trật tự trong nhà được “thiết lập lại”. Không còn sợ hãi, không còn lo lắng, không còn lấm lét nhìn ông bố dưới hình bóng một bậc đại nhân như bấy lâu vẫn từng. Đứa con âm thầm thỏa mãn về điều tình cờ nó bắt gặp được, đủ chứng minh ông bố nó không đức hạnh như bên ngoài, và nó đạt được tự do một cách đầy bất ngờ đến nghẹt thở.
Phan Thị Vàng Anh sử dụng nghệ thuật kể chuyện bằng lát cắt, là cách chị thường dùng để dựng nên tác phẩm của mình. Lẩy một chi tiết rất nhỏ trong đời sống, chị để nhân vật của mình len theo sợi dây chi tiết đó, bám vào chi tiết một cách triệt để, từ đó bật ra bao nhiêu vấn đề. Trong “Kịch câm”, toàn bộ “sân khấu” là không khí đời sống gia đình công chức mẫu mực. Ông bố đức hạnh, bà mẹ hạnh phúc và những đứa con ngoan ngoãn. Nổi bật trên phông nền đó là màn đối thoại câm đầy xung đột của ông bố và đứa con. Chỉ bằng những hành động ít ỏi, đứa con “trườn” đến cửa hàng photocopy mảnh giấy tang chứng của vụ hẹn hò và đem về “lẳng lặng đưa cho bố” với một “nụ cười ngang hàng”; tất cả đã thay đổi. Đứa con đắc thắng nghĩ về tự do. Ông bố đau khổ và sợ hãi thu mình vào trong vỏ bọc đức hạnh. Người mẹ ngạc nhiên vì sự dễ dãi của chồng. Nhưng tất cả họ đã không hạnh phúc.
Bởi đơn giản, ông bố sợ những tà áo dài nề nếp phát hiện ra cái vỏ đức hạnh bị rỗng bên trong đã đành. Đứa con giành được quyền năng của đức hạnh, đã phát hiện “bây giờ lại đạo đức hơn bố mình” và “Mình càng nghiêm trang, ông cụ càng hãi, vậy đã hơn”. Nó say sưa quan sát bố mình, một người hiệu phó trường cấp 3, đau khổ diễn tiếp vai mẫu mực trong khi bên trong đã bị nó phát giác. Nhưng nhà văn đã đẩy thêm một bước sâu bên trong nữa, là nó, đứa nắm quyền năng đạo đức trong tay, bất giác phát hiện ra mẹ nó, người bấy lâu đơn giản và ngây ngô bị bố nó lừa dối, vẫn sống hạnh phúc như thường. Những đứa em nó vẫn hồn nhiên sống hạnh phúc như thường. Chỉ có hai người biết rõ nhau là hai người đau khổ nhất.
Phan Thị Vàng Anh đi từ chi tiết giản đơn nhất đến sự phức tạp rối rắm trong tâm lý của nhân vật. Nói một cách khác, chị đã mượn chi tiết đơn giản đó như một cái cớ, để mở bung thế giới con người đầy phức tạp. Nề nếp, lề thói, gia trưởng, tuân thủ, yên lặng… tất cả đó đã ở trong đời sống chúng ta như vốn hằng. Con người Việt đã quen với sự hiện diện của nó đến mức người ta phải giấu đi cái khao khát bản năng về tự do, về yêu đương, về tất cả những gì tốt đẹp trong tiếng nói riêng của trái tim. Để khi muốn tìm ra lối thoát cho mình, người ta phải vin vào một cái cớ nào đó. Ở đây, chị đã cho đứa con tuổi mới lớn, đầy khao khát về tự do, rất thông minh nhận ra sự bất thường trong gia đình với vỏ bọc êm ái hạnh phúc của cha mẹ mình và cho đứa con đó một kẻ hở, là “gót chân Asin” của bố. Từ đó, nó phá tung cái hàng rào đức hạnh, giễu cợt chính bố mình để tìm ra lối thoát của chính mình. Nhưng đứa con không nghĩ rằng, chính nó đang khép lại cánh cửa khác của bố nó, dù được mở một cách lén lút, nhưng đã giúp bố nó sống một khía cạnh nào đó, thật là mình hơn.
Trong cuộc đối đầu bằng ánh mắt này, Phan Thị Vàng Anh không dẫn nhiều chi tiết, không dụng công xây dựng các mâu thuẫn, nút thắt gỡ. Chỉ với những suy nghĩ của nhân vật đứa con, chị nhẹ nhàng đẩy nhân vật trượt theo đời sống một cách bất ngờ. Ông bố không còn đức hạnh rơi vào cơn khủng hoảng tâm lý và hành động. Ông dễ dãi trong đời sống gia đình và hoảng loạn trong nỗi ám ảnh của mối quan hệ xã hội. Đau đớn hơn, ông biết ông đang mất đi đứa con của chính mình. Đến mức, ông đã thấy đứa con rơi xuống bùn nhưng cương quyết “tự nguyện lặn luôn xuống đáy” chỉ vì “mình không đủ tư cách mà kéo nó lên”. Trong khi đứa con “Cay đắng, nó nghĩ đến cuộc sống đen tối mà gia đình nó sẽ phải có”. Những gì một đứa trẻ mới lớn đang thấy đã ám tượng khủng khiếp vào dự cảm tương lai cho một số phận cuộc đời.
M.Gorky cho rằng “Chi tiết nhỏ làm nên nhà văn lớn”. Tôi thấy điều này thật chính xác với những truyện ngắn của Phan Thị Vàng Anh. Hai nhân vật không cần tên, không nhiều hành động, không dụng công miêu tả rườm rà; chị bám theo sợi dây suy nghĩ của hai nhân vật để đi đến cùng của xung đột. Tôi gọi tên đó là xung đột của Niềm tin và Đức hạnh. Cái vỏ Đức hạnh đã khiến con người ta không sống thật với lòng mình. Vay mượn lớp áo đức hạnh để biểu thị quyền uy trong một trật tự đời sống cũ kỹ để khi khao khát bản năng bị lật tẩy, gương mặt mượn danh đức hạnh đã méo mó đến tội nghiệp. Tước đoạt được quyền năng của đức hạnh những tưởng sẽ thiết lập lại được công bằng đời sống, không ngờ lại phải gồng mình gánh chiếc vỏ đó như một sứ mệnh bất đắc dĩ.
Cuối cùng, hạnh phúc là gì? Là sự ngây thơ của người mẹ một lòng nhẫn nại với ông chồng của bà? Là sự hồn nhiên của những đứa em không biết tấm lòng thật của cha mình sau lớp áo đức hạnh? Hay sự đắc thắng của người con?
Không ai hạnh phúc thật sự cả. Tất cả chỉ là thói quen. Thói quen miệt mài đến mức, khi bị lật tẩy sự giả dối ra, người ta cũng không biết làm thế nào để cư xử với Niềm tin đúng mực. Nên truyện ngắn Kịch câm được viết năm 1991 đến nay đã 30 năm đọc lại, tôi nhận ra hôm nay, Đức hạnh vẫn cần đi tìm sự bảo chứng của Niềm tin. Tất nhiên, tôi vẫn yêu những trang viết của Phan Thị Vàng Anh như ba mươi năm qua đã từng.
Huế. 23.10.2021
ĐÔNG HÀ
Theo Viết & Đọc
- Trao giải Cuộc thi Tìm hiểu 75 năm thành lập Liên hiệp các Hội VHNT VN
- Bi kịch của người nữ trong Truyện Kiều & Nỗi buồn chiến tranh – những tương đồng gặp gỡ
- Trưng bày hơn 300 hiện vật của danh nhân Nguyễn Đình Chiểu
- Đại thi hào Anh Gordon Byron: Tình yêu và tranh đấu
- Những suy tưởng trong thơ Nguyễn Việt Chiến qua tập “Thơ và trường ca”