Trở về nhà, nghe hạnh phúc – Tản văn dự thi của Vũ Lam Hiền

Vanvn- Xóm trọ của cô gồm mấy phòng trọ cũ kỹ, san sát, chỉ cần đến ở vài giờ đã trở nên quen biết lẫn nhau. Người ở xóm trọ toàn dân tỉnh, từ nơi xa, tụ tập ở thành phố này, chen chúc mưu sinh.

>> Thể lệ Cuộc thi viết “Về nhà”

Hình ảnh ngôi chợ quê quen thuộc

Cô đã hơn 30 tuổi, để lại gia đình ở quê, nghe lời giới thiệu, nghĩ chắc ở thành phố sẽ dễ tìm được việc làm, sẽ có tiền lương cao hơn ở quê nhà xa lắc của mình.

Mỗi ngày, dãy phòng trọ đều thức dậy thật sớm. Chị Năm thì lục đục chuẩn bị xe đẩy bán hủ tiếu, nhóm bếp lửa để ninh nồi nước lèo, thái những miếng thịt heo luộc mỏng dính, lặt ít rau sống, để tương, chanh, ớt… cho đủ. Anh Ba chạy xe ôm thì đang chuẩn bị cà men thức ăn, chai nước uống đem theo cả ngày. Anh sẽ nghỉ trưa bên đường, ăn vội bữa trưa nguội ngắt và chờ có khách đến hỏi chở đi. Dạo này mấy bạn tài xế trẻ hơn đang chuyển sang chạy xe công nghệ, ai cũng phải trang bị chiếc smartphone, chiếc xe Honda đủ tiêu chuẩn để hành nghề. Anh cũng đang để dành tiền, để sắm sửa chạy xe công nghệ như người ta. Thấy mấy bạn tài xế trẻ có cuốc chạy liên tục mà anh Ba cảm thấy mừng vui vì khấm khá hơn chạy xe ôm thông thường. Xã hội giờ phát triển nhanh quá, nếu không kịp chạy theo sẽ lạc hậu rồi bị đào thải…

Cô cũng dậy thật sớm, nấu cho mình bữa sáng rồi lật đật đến công ty bằng chiếc xe đạp cọc cạch. Công việc của cô ở xưởng may giày thật túi bụi cả ngày. Chuyền trưởng rất khó chịu, ngay cả cô tạm nghỉ xin đi vệ sinh vài phút. Tiền lương công nhân dù khiêm nhường nhưng nếu biết gói ghém, dè sẻn thì cô đủ sống ở thành phố đắt đỏ này và gửi về quê lo giúp đỡ gia đình, lo cho các con nhỏ đang tuổi ăn học.

Mỗi khi đạp xe đến công ty, bắt gặp trên đường những ông bố bà mẹ chở bé con mình đến trường học trên chiếc xe máy láng cóng thì cô lại chạnh lòng. Cô thầm nghĩ chắc có phấn đấu cả đời thì cô cũng không đủ sức lo cho con mình được đến thành phố, ăn học như con nhà người ta.

Rồi dịch bệnh Covid-19 lan đến công ty của cô, đến xóm trọ của cô. Cả xóm không ai đi buôn bán, đi làm công nhân được. Toàn cả xã hội đều phải tạm ngưng, giãn cách. Không được đi làm kiếm kế sinh nhai như trước đó, cô không thể gửi tiền về quê nhà. Trong khi đó, vẫn phải trả tiền trọ nhà, tiền ăn uống hàng ngày… Giá cả mọi thứ đều tăng. Đến mức, cô chỉ còn cách xin thiếu tiền thuê nhà, mua mì gói về ăn cầm hơi. Những gói hỗ trợ dịch bệnh từ các mạnh thường quân, cơ quan, thành phố, chính phủ có đem chút hy vọng, trông chờ của những người dân lao động như cô, những rồi cũng như muối bỏ bể. Cả thành phố vắng lặng, xe cộ xếp xó ở nhà, các cửa hàng đóng cửa… Mùa dịch, thành phố thật buồn, thật ảm đạm.

Bến sông bình yên quê nhà. Ảnh: VLH

Cô lo ngay ngáy về các con nhỏ ở quê. Vừa phân vân đếm lại mớ tiền lẻ còn sót lại. Chắc phải về quê thôi, chắc sẽ phải vay mượn để mua cho kịp vé xe về nhà với con. Cô nghe đâu các bến xe chỉ còn 1 ngày nữa là không được đi ra khỏi thành phố rồi.

Giờ cô đang ngồi trên xe khách, mùi xăng xe xộc lên mũi đầy khó chịu. Cả xe đầy khách, ai cũng đang ngổn ngang suy nghĩ. Rời khỏi thành phố thật sự rất khó, rất đau lòng nhưng đã hết cách. Xe chạy trên đường cũng khá vắng, những chốt trạm kiểm tra làm lộ trình của xe chạy lâu hơn. Có vẻ như các bác tài xế phải vất vả hơn khi phải khai báo, trình bày tại các chốt trạm kiểm tra của mỗi địa phương.

Xe khách về đến quê cũng mờ mịt tối. Cô bước thấp bước cao, tay xách túi đồ mà bước xuống xe. Nước mắt rơi lã chã. Ừ, thì về đến quê rồi, đi đoạn nữa là nhà mình kia rồi. Đám nhỏ ăn cơm xong chưa, giờ này đang chong đèn học bài hay đã lên giường ngủ. Con đường về nhà, không có chút ánh sáng, gập gồ gạch đá khiến cô phải đi chậm lại. Việc đi chậm lại làm cô càng nôn nóng trong lòng.

Cô bước vào sân nhà, cất tiếng gọi các con, có tiếng chó sủa, rồi thấy tiếng reo hò của đám nhỏ. Cô thật sự vỡ òa đến rớt nước mắt, dang tay đón các con nhỏ chạy ùa vào lòng mình. Đám nhỏ la hét reo vui vì mẹ chúng đã trở về nhà. Cô ôm lấy các con mình, vuốt lại đám tóc của chúng mà thở phào. Ừ thì mẹ đã về đây, về với các con đây. Dịch giã thật sự đã làm cuộc sống xáo trộn. Nhưng nếu được trở về nhà, nghe thấy tiếng ê a, nhìn thấy nụ cười của bọn trẻ con thì cô đã thấy còn đó hạnh phúc.

Thành phố đang phải xoay trở với những ca nhiễm Covid-19 đầy nguy hiểm. Cô thì sẽ cùng gia đình, cùng làng quê của mình trải qua những ngày dịch giã khó khăn này, dù sao cũng không phải là một mình giữa thành phố rộng lớn nữa. Về nhà là hạnh phúc. Hy vọng rồi sau đại dịch, tất cả sẽ bình ổn trở lại.

VŨ LAM HIỀN (HẢI DƯƠNG)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *