Trên núi Sa Hà – một cây nghiến già đa nghĩa

Vanvn- Một cậu bé nhỏ người nhưng khát vọng sống thật mãnh liệt, cậu sinh ra bên cạnh ngọn núi Sa Hà cứng cáp, hiên ngang mà sừng sững chống trời. Như hiện thân của linh hồn ngọn núi ấy, vừa âm thầm, vừa cô đơn, buồn bã. Trải qua nhiều biến cố trong tâm thế là một nhà giáo, một anh lính Cụ Hồ, một nhà thơ, một người chồng, người cha. Tiến sĩ Ngô Gia Võ đã vẽ cho mình con đường chất chứa đủ màu cảm xúc vui buồn…

Nhà thơ Võ Sa Hà ở Thái Nguyên

Ngọn núi thơ mồ côi – Sa Hà

Không những trong nghệ thuật mà cả bên ngoài cuộc sống, nhà thơ Võ Sa Hà đã quen với sự cô đơn đeo bám theo ông suốt hành trình. Những hành trang giúp ông trở thành một nhà giáo, nhà thơ đích thực có lẽ không gì khác mà chính là nghị lực sống mãnh liệt của ông. Từ bé, lên năm tuổi nhà thơ Võ Sa Hà đã phải tự làm lụng giúp đỡ gia đình bằng những việc đi hái rau rừng, bắt tôm, cá ngoài sông, ngoài suối. Cuộc sống khó khăn, khổ sở nhiều hơn thế. Bởi vì vậy tính tự lực trong ông đã có từ rất lâu. Những đau khổ âm ỉ dọc dài tháng năm, bản thân nhà thơ không làm mờ đi mà thay vào đó tạo dựng cho mình một khát vọng, và khát vọng ấy cho đến bây giờ ông vẫn đang thực hiện đó là chinh phục ngọn núi cao Sa Hà Tiếng gì thủ thỉ//Ruột núi vọng ra//Nhủ tôi cần biết//Sa Hà rất… xa…//Ngày xưa thơ dại// bây giờ dại thơ//tự mang nghiệp chướng// nhiều…buồn không ngờ… (Vô Thanh). Ông đã tự than trách mình thế đấy, nhưng có than, có thở thì mới có cái cớ để sống tiếp giữa cuộc sống vô thường này.

Năm 1980, ông tốt nghiệp chuyên ngành Ngữ Văn tại Trường Đại học Sư phạm Việt Bắc và được giữ lại trường làm giảng viên. Vài tháng sau, nhập ngũ cùng 19 cán bộ trẻ của trường, sau đó về trường Văn Hóa Quân Khu I dạy học. Năm 1984, ra quân ông trở lại trường Đại Học Sư Phạm Việt Bắc công tác đến bây giờ. Ông đã có những thành công nhất định khi học đến học vị Tiến Sĩ và là Phó Viện trưởng Viện Nghiên Cứu Khoa học Xã hội và Nhân văn Miền núi thuộc Đại Học Thái Nguyên, ngoài ra ông còn là người lãnh đạo của một trung tâm luyện thi lớn bậc nhất Thái Nguyên. Nhiều biến cố, trở ngại dồn vào giữa rối ren cuộc sống nhưng chẳng yếu tố nào có thể dập tắt ngọn lửa sinh tồn trong bản thân nhà thơ Võ Sa Hà. Vì vậy, xuyên suốt cuộc đời ông đã và đang làm được nhiều việc không chỉ riêng mình.

Trong tâm thức của một người đặc biệt, nhà thơ Võ Sa Hà phải tự tạo cho mình một lối đi riêng, bắt kịp thời đại trong nghệ thuật Chụm lại nào khát vọng//cùng gác chéo nỗi buồn//thêm cành cô đơn nữa//âm thầm ta nhóm lên…Bốn câu thơ trên được trích trong bài thơ Lửa Trắng bao quát đủ những yếu tố, phương diện để cấu thành con người thơ Võ Sa Hà. Đối với ông khi làm thơ, khát vọng là điều đầu tiên hiện diện trong tâm trí ông, thứ hai là nỗi buồn, sự cô đơn và cuối cùng là một mình. Khi sinh, nhà thơ Võ Sa Hà chỉ vỏn vẹn 1,5kg, gầy gò, ốm yếu, tưởng chừng không thể vượt qua, nhưng đâu đó đã lấp lánh một tia sáng hiếm hoi để ông được sống.

Thơ mà, những nỗi buồn thực sự tận cùng sẽ chạm vào trái tim người khác, đồng thời cũng nói ra điều mà mình không thể hiện được bằng lời nói thông thường. Võ Sa Hà làm thơ trong “âm thầm” và chỉ “một mình”. Ông viết về vùng cao, về cha mẹ,… nhiều cảm xúc, nhiều cảm giác để rồi độc giả đã rung động vào những tầng vỉa nhất định. Nhà thơ Võ Sa Hà thường uống rượu một mình và xuất hiện những chiêm cảm đầy ma mị, lúc đau đáu cuộc đời, khi dữ dội tình yêu, khi thâm u, bí hiểm. Mỗi bài thơ tôn lên dáng vóc của một thi nhân chuẩn mực.

Nhà thơ Võ Sa Hà sở hữu một hầm rượu ngô men lá được vận chuyển từ huyện Quản Bạ, tỉnh Hà Giang vùng cao nguyên đá do người Mông bản địa nấu đem về. Ông sành rượu và quý rượu nhưng không nghiện rượu, rượu ngon hay dở chỉ cần một vài thao tác nhỏ sẽ biết ngay. Cũng giống thơ, tài thẩm luận, nhận định thơ của ông cũng đầy tinh tế… Mỗi lần thẩm luận thơ ông đều giải thể, phân tích một cách riêng mới, khác người, hợp lý, thuyết phục. Ông nói Chính cảm xúc thật sự mới có thể chạm vào trái tim mọi người, dựa vào cảm xúc đó hãy tập trung, đừng để rơi vào thế bị động rồi sẽ sa vào những cái người ta đã làm. Khi đó cái cảm xúc thật của ta sẽ trở thành cảm xúc giả… Làm một mình, không ai cả, chí ít trong tác phẩm phải có sự “riêng, mới” của ta ở trong đó.

Nhà thơ Võ Sa Hà sống thiên về nội tâm, ông có đôi mắt biết nói, duy cảm, trên tay thường kẹp điếu thuốc lá, ông chung thủy với loại thuốc Thăng Long dẹt, điếu nhỏ, dài, không nặng lắm. Vẻ phong trần, đơn giản ấy hệt chất thơ tự do, rừng núi của ông. Là một người hiếu khách, hào sảng… Bởi vậy ngôi nhà nhỏ của ông thường xuyên có bạn văn chương đến trò chuyện. Mỗi vị khách đến nhà đều quý hóa, tiếp đãi chu đáo. Uống chút rượu, ông sẽ đọc thơ. Ông được trời ban cho một giọng đọc khàn trầm, truyền cảm, có lẽ những ai ngồi nghe ông đọc thơ cũng từng rơi nước mắt qua những bài thơ về người, về đời, về cha mẹ, bạn bè và đồng đội. Trong giọng đọc ấy chất chứa sự cô đơn, buồn tủi theo kèm sự khát khao mãnh liệt đi tìm hạnh phúc cho đời mình.

Thơ là một cuộc chơi vô tăm tích

Nhà thơ Võ Sa Hà từ thuở thiếu thời đã có những cái nhìn khác, đặc biệt với bố mẹ đã cho ông những cảm xúc chạm sâu vào lòng người đọc. Những bài thơ ông viết về bố, về mẹ không hề giống ai; khi viết về sự thiêng liêng, ông viết trên nền cảm xúc thật, ngôn từ bình dị, người đọc có lẽ cũng phần nào dễ cảm đồng. Nhưng không phải cứ bình dị là không có gì mới mẻ, sáng tạo. Chẳng hạn ở bài Giỗ Mẹ (2004): Sương nhìn con//nắng nhìn con//gió cũng nhìn con//những ánh mắt thật hiền//nhìn sâu vào thương nhớ.//… Chỗ mẹ nằm hoa cỏ//hương thơm từ đất thơm lên…

Thông thường người ta viết về giỗ mẹ, giỗ bố thì người ta nhớ đến cái đức tính tốt, kỉ niệm, công ơn thiêng liêng mà bố mẹ dành cho con. Sau đó họ viết về mâm cỗ, nén hương, sự thành kính con cháu… Thế nhưng với nhà thơ Võ Sa Hà thì khác: Ngày giỗ mẹ là ngày con hướng về mẹ, mẹ hướng về con. Cả không gian và thời gian của nhân loại này đều chết, chỉ còn không gian của tình mẫu tử, chỉ còn một đứa con nhớ mẹ và chỉ còn một người mẹ đang từ cõi linh thiêng trở về để hiểu đứa con của mình. Không gian giỗ mẹ của nhà thơ là không gian của tình mẫu tử; không tri ân, không kể kỉ niệm, không biết ơn… bởi không gian của ngày giỗ mẹ là không gian để con đắm chìm vào tình mẫu tử và mẹ trở về yêu quý và thương con, cho nên tất cả mọi thứ đều là con và mẹ, đều là mẹ và con (từ sương, từ cây, từ nắng, từ gió…).

Với bài thơ Dải tang mây (1986): Mẹ ra đi đúng lúc trăng tròn//Bố chưa kịp thịt gà mừng con đầy tháng// Khi con hỏi mẹ đâu bố ghì con im lặng//Bố chỉ lên trời mẹ ở trăng kia!//Tuổi thơ con chạy nhảy dưới mẹ trăng//Nhiều đêm mơ được ôm trăng vào ngực//…  Khi mẹ mất, trời bỗng đầy mây xám//Một dải khăn đen cuốn vòng trăng mười sáu//Bóng núi Sa Hà trùm bóng bố cô đơn//17 năm bố ở vậy nuôi con//… Con sắp thành sinh viên, bố về với mẹ rồi//Núi Sa Hà thêm một vòng mây phủ//Trăng ở xa mà núi thì gần quá//Hai dải mây chì đè xiết đời con…

Nhà thơ Võ Sa Hà mất mẹ khi mới chỉ 17 ngày tuổi, một thằng bé nặng chưa đầy 2kg, không sữa bú, khó nuôi, bố định bán cho người Mán thế nhưng ông nội xem tử vi bảo thằng này được, phải giữ lại và bắt em ruột của bố cho bú, khi ấy cô em ruột của bố sinh một đứa con trước nhà thơ Võ Sa Hà 7 tháng. Mười bảy tuổi bố ông cũng về với đất trời. Ông viết bài thơ này vào một ngày 16 trăng tròn năm 1986, khi đang còn ở trong quân ngũ bằng những câu thơ từ gan ruột trên nền thơ tự do ngập tràn xúc cảm. Ông đã đọc cho tôi nghe nhiều lần, ông khóc, tôi cũng khóc. Hoàn cảnh mồ côi đã tạo dựng cho nhà thơ Võ Sa Hà một ý chí mãnh liệt, không những ngoài đời mà cả trong thi ca.

Núi Sa Hà thêm một vòng mây phủ; một dải khăn đen quấn vòng trăng mười sáu là hai thi ảnh mở gợi, ám ảnh. Cảnh tang tóc, đau thương mà mủi lòng. Thi tứ cũng mới, chân cảm lại hoẳm sâu, mỗi bài thơ là một góc cạnh, câu chuyện khác nhau, cho nên trong cuộc chơi thơ ca đối với ông mà nói, nó là một cuộc chơi tìm kiếm cái đẹp và là một cuộc chơi vô tăm tích. Điều này cũng được nhà thơ khẳng định ở bài thơ Lửa Trắng (2004):.. Cháy đi nào lửa trắng//soi nhân thế khóc cười//một vầng trăng sấp bóng/một mảnh hồn mù khơi… Lửa trắng cháy lên thì nó làm được một nhiệm vụ là làm sáng một khoảng không gian, đặc biệt là soi rõ “nhân thế” và phải bám với cuộc đời mình, đặc biệt ở hai tâm trạng chính của con người buồn – khóc; vui – cười. Nhưng buồn đi trước, hơn 90% thơ hay của nhân loại là thơ buồn cho nên lửa trắng cháy lên sẽ làm sáng rõ hai tâm trạng quan trọng nhất của con người nỗi buồn, niềm vui. Một vầng trăng sấp bóng, lửa trắng cháy lên để tìm ra cái đẹp mới, cái đẹp độc đáo, bất thường, riêng, lạ của nhà thơ. Vầng trăng thì ai cũng thấy đẹp, nhưng nhà thơ thấy vầng trăng sấp bóng là cái đẹp thì đó chính là cái tư chất riêng của nhà thơ và là sứ mạng của thi ca. Nhà thơ phát hiện ra cái đẹp mới, tìm ra mặt trái trong văn chương đấy mới là thi sĩ đích thực. Đặc biệt nhà thơ Võ Sa Hà nhìn ra cái siêu hình của giấc mơ trong cái vô hình mênh mang của đất trời: một mảnh hồn mù khơimảnh thì rất bé, đó là cái chi tiết kín đáo phải tìm được. Rồi ở khổ thơ cuối cùng của bài thơ: Cháy hết đi lửa trắng//trang giấy đọng tro đen//xác chữ nằm quăn cứng//lạnh lùng sa mạc quên. Khi lửa trắng cháy hết thì chỉ còn trang giấy đọng tro đen, xác chữ nằm quăn cứng, lạnh lùng sa mạc. Thi sĩ cũng phải chết, rơi vào sự lãng quên của cuộc đời bởi vì thế quan niệm làm thơ của nhà thơ Võ Sa Hà được hình thành: Làm thơ là kiếm tìm cái đẹp, là một cuộc chơi vô tăm tích. Có một bài thơ nhà thơ Võ Sa Hà viết như thế này: Một nén hương chữ nghĩa/ gửi về sau về sau//hỡi ai người nhận được//xin đừng hỏi từ đâu.

Trong ý niệm – tính chất lạ hóa

Cái lạ không đơn thuần trong hình thức ý nghĩa, câu chữ… mà đó là cái lạ trong tư duy nghệ thuật. Nói cách khác, những mới lạ trong thơ là sản phẩm của một kiểu tư duy thơ độc đáo: Tư duy lạ hóa. Như chúng ta đã biết con đường nghệ thuật luôn là hành trình đi đến những vùng đất mới, không gian mới. Và những cái mới thường nằm ngoại biên của những hệ giá trị truyền thống, nghĩa là nó có thể phạm quy, lệch chuẩn, phi lý tính…

Trong thơ Võ Sa Hà xuất hiện lạ hóa về ngôn ngữ, về thi tứ, về suy tưởng, về cách nghĩ… Cách triển khai cấu trúc vẫn là sự liên kết nội dung mạch lạc. Nhưng lại khó nhìn hơn, khó hiểu hơn vì điều cấp thiết muốn nói lại nằm ở lớp sâu dưới mặt chữ. Có thể nhận thấy ở những bài thơ của Võ Sa Hà có lối diễn đạt mới, khác, lạ mang đậm nét văn học hậu hiện đại: Em//bắp chân rắn căng hơn lốp ô tô//vai nổi cục gáy to//thích đi đất ra đồng… (Em) Hay sau đêm giao lưu//ta đã bị cài đặt vào nỗi nhớ của em//điện thoại liên tục réo//ta không trả lời sim ấy//em lại thay sim. (Thơ tình thời phủ sóng). Hoặc Chụm lại nào khát vọng//cùng gác chéo nỗi buồn//thêm cành cô đơn nữa//âm thầm ta nhóm lên… (Lửa Trắng). Ngay tiêu đề bài thơ đã ẩn chứa một dụ ngôn khó hiểu, nếu không tinh mắt sẽ khó nhìn ra được “Lửa trắng” là lửa như thế nào? Ở đây ngọn lửa trắng không phải là ngọn lửa bình thường mà nó chính là ngọn lửa mới, lửa nghệ thuật. Vậy trong ngọn lửa nghệ thuật nó tồn tại những thành tố gì? Đó chính là Khát vọng; Nỗi buồn; Cô đơn và Âm thầm. Bốn thành tố này được nhà thơ gài cắm vào bài thơ như một nền tảng vững chắc để tạo dựng nên một nhân tố. Có lẽ tính lạ tồn tại trong ông cũng vì ông sinh ra tại một mảnh đất “lạ” Quảng Uyên, Cao Bằng. Nhà thơ Võ Sa Hà tên thật Ngô Gia Võ sinh ngày 27/10/1957, khi chào đời ông đã làm bạn với núi, rừng, sông, suối… Nơi đây đã chọn ông, và bố mẹ của nhà thơ Võ Sa Hà lại chọn Cao Bằng. Bố ông là Ngô Văn Khuê, quê quán xã Tam Giang, huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh, ông đã thi đỗ Thành Chung (trình độ trung học cơ sở bấy giờ). Mẹ là Nguyễn Thị Tuyết quê Thị Cầu, Bắc Ninh. Hai người đều là người xứ khác lưu lạc đến Cao Bằng sinh sống, có duyên gặp gỡ và yêu thương nhau. Khi thuyền về với bến, ông bà sinh được 3 người con trong đó nhà thơ Võ Sa Hà là con út. Là một gia đình nghèo, có lẽ đây cũng là điều khiến nhà thơ Võ Sa Hà thực sự nỗ lực để trở thành một người giỏi và nổi bật. Ở một bài thơ lạ về cách nghĩ: Tô Thị ơi tôi biết nàng buồn khổ//Nhưng sao lại bắt tội đứa con cùng đứng giữa trời?//Nắng, gió, mưa đập vào mặt trẻ//Có người mẹ nào nỡ thế nàng ơi!… (Với nàng Tô Thị). Xưa nay những bài viết về Tô Thị là cảm thông, chia sẻ với nàng bởi hiếm thấy ai lại cõng con đi khắp nơi như thế chờ chồng! Nhưng nhà thơ Võ Sa Hà có cái nhìn khác: ai lại nỡ để đứa con một, hai tuổi chết trên lưng mình như thế! Mặc dù nàng cũng nên và phải được thương cảm, nhưng ở tâm thế là một người mẹ lại để con chết trên lưng thì tội nghiệp cho đứa bé lắm. Có lẽ Võ Sa Hà là người đầu tiên phát hiện ra thi tứ độc đáo này (phê phán nàng Tô Thị) ở một bình diện khách quan nhất, không phải là thoá mạ gì cả mà ông muốn đưa cái tư tưởng thế nào là một người mẹ đúng nghĩa truyền tải đến công chúng.

Và một bài thơ lạ về suy tưởng Hàng triệu người đến thương nàng Tô Thị//Có hay đâu nàng hạnh phúc khác đời//Nàng còn hơn vạn người vợ trẻ//chồng đã bỏ mình nơi mặt trận xa xôi//…Nàng Tô Thị còn được làm thân đá//để ngàn năm nhân thế đến cúi đầu//những người vợ kia bằng xương bằng thịt//đến bao giờ hóa đá nổi nỗi đau… (Dưới chân đá Vọng Phu). Nhà thơ mượn thân phận nàng Tô Thị mà làm nổi bật sự mất mát của những người lính, để lại những cô phụ chết dần chết mòn trong cô đơn, buồn tủi. Tứ thơ này cũng rất mới và độc đáo. Để ý thì thấy nhà thơ Võ Sa Hà luôn có những ý nghĩ ngược với thông thường nhưng hoàn toàn thuyết phục cả về tình lẫn lý.

Con người tìm cái khác không phải để lập dị, để khác biệt, để làm phiền đồng loại mà là vì cuộc sống. Nhà thơ Võ Sa Hà cũng vậy, vì cuộc sống này không dễ dàng… Ông phải gồng mình để thích nghi ở mọi môi trường, hoàn cảnh. Là một người chồng, người cha, người thầy… không phải cứ nhởn nha mà làm được. Phải hạ cái tự ti và bản chất cá nhân xuống rồi dần thay đổi theo quỹ đạo đúng, quá trình này như một khổ ải, phải va chạm, rèn luyện thậm chí là hi sinh nhiều hơn mới có thể thực hiện. Cả con người và thơ Võ Sa Hà đều mang trong mình dòng chảy khác, mặc dù khó khăn, gian nan, ông vẫn vươn lên không ngừng. Với Võ Sa Hà con đường thơ thực sự đầy rẫy chông gai, dễ huyền hoặc và phụ thuộc nhiều vào tài năng và sức lao động… Mà nếu không ngộ thức được có khi cả cuộc đời thơ sẽ trở thành công cốc. Bởi vì tác phẩm chỉ thành công và có giá trị khi nó được người đọc ôm vào lòng, nên trong sáng tác luôn cần đổi mới, cách tân, sáng tạo. Và nếu không làm như vậy thì rất nhạt nhẽo khi tự giam cầm mình trong cái nhàm cũ và ngủ sâu trong cái bóng của mình. Trong tâm tưởng nhà thơ Võ Sa Hà luôn ẩn chứa việc đổi mới, cách tân nhưng không phải là kiểu bày trò làm dáng cho ngôn ngữ. Ông để nó diễn ra một cách tự nhiên và cảm xúc nhất.

Nặng duyên nợ với đất trời

Là người có trí nhớ cực tốt và lối tư duy bén nhậy, nhà thơ Võ Sa Hà như một thư viện sống, ông đọc nhiều sách lý luận và thuộc lòng hàng ngàn bài thơ từ truyền thống cho đến hiện đại. Ông có thế mạnh ngôn ngữ và biến tấu nó một cách độc đáo. Suốt cuộc đời làm nghề giáo, hàng vạn học trò được thầy Võ giảng dạy, ông là người có cách truyền đạt lý thú khác hẳn những giáo viên, giảng viên khác. Khiến học trò của không khỏi say mê, chăm chú lắng nghe ông giảng bài. Với Truyện Kiều của Đại thi hào Nguyễn Du, ông có thể đọc ngược từ dưới lên mà không sót chữ nào. Ông là một trong những người giảng Kiều cực hay và lôi cuốn. Thậm chí hết giờ làm việc học trò vẫn muốn nghe ông tiếp tục giảng. Có thể nói trên con đường làm nghề dạy học ông đã rất thành công, hằng năm các học trò vẫn thường xuyên đến nhà thăm ông. Thậm chí những học trò ông đã dạy cách đây gần 40 năm vẫn quý trọng và đến thăm ông. Nhiều học trò quý ông nên đã xưng bố, con một cách thân thiết, gần gũi, thoải mái nhất. Tôi và một vài người bạn thân có một cơ may ngẫu nhiên được trực tiếp nghe ông giảng văn ở một lớp đại học Tại chức miền núi phía Bắc. Chưa có cảm giác nào như thế, thật vui và thú vị, ông dạy không giáo án, mỗi buổi học đều khác nhau.

Về gia đình, ông cũng không tránh khỏi điều không mong muốn. Sau khi ly hôn vợ, nhà thơ Võ Sa Hà buồn bã, khổ sở, sống cảnh gà trống nuôi con. Khó có thể hòa nhập với cảnh đơn chiếc một mình, sự cô đơn, buồn tẻ càng bộc lộ rõ hơn Chạy quàng ra chợ bóp/ Chọn mớ muống xanh non. Sau 3 năm vắng bóng người phụ nữ ông đã quyết định đi thêm bước nữa. Một gia đình nhỏ vui vầy, hạnh phúc đây cũng là thành tố quan trọng giúp cho nhà thơ có những nhìn nhận mới mẻ trong thơ, những suy nghĩ sáng tạo, táo bạo trong văn học. Sự chuyển động khoa học của ngôn ngữ, cái tinh hoa tự nhiên ở thơ; nhà thơ Võ Sa Hà đi tìm chúng trong nhiều chiều không gian khác nhau; khắc nghiệt, khó khăn. Càng tìm càng có thêm những móc ria nghệ thuật mới, ma trận ấy hàm chứa một năng lượng lớn, có độ cuốn hút cực kì lớn… Nhà thơ vẫn đang chậm rãi khám phá nó, dù ông biết rõ cuộc chơi này không hề có hồi kết, nó sẽ còn kéo nhiều cây viết ở nhiều thế hệ vào thế giới ấy, thế giới của sự không tưởng, để rồi những bất ngờ được òa vỡ và những tàn tích này (dù lớn hay nhỏ) sẽ lưu dấu vào tâm khảm của nhiều tầng lớp người khác nhau, khi họ vẫn coi văn học là một nền tảng tri thức lớn có thể tác động và giúp được bản thân mình.

Cha mẹ nhà thơ Võ Sa Hà là người dân tộc Kinh và đều từ dưới xuôi lên miền núi sinh sống. Chất núi rừng ngấm vào máu, đến mức con người ông hoang sơ và thật như người dân bản địa. Mộc mạc, nghĩa tình, hào sảng, chất thượng võ Cao Bằng thuộc về ông tự nhiên như tất yếu. Ông sống theo phong tục Tày, nói tốt tiếng Tày và thấm đẫm văn hóa Tày. Do đó, những bài thơ về núi rừng ông sáng tác rất bay bổng và chân thực trên nền tảng thơ hiện đại. Ông đã viết hàng trăm bài thơ về quê hương Cao Bằng, Thái Nguyên, cả tuổi thơ ông được sống bên sông sâu, núi hiểm đã giúp ông có những sáng tác hay và cá tính Mẹ ở đâu sợi khói lả giữa chiều//Chút yên tĩnh đi hoang vào lũng núi//Bóng núi xô nghiêng căn nhà của Mẹ//Lưng đá gầy run rẩy giữa sương trăng//… (Ngày của mẹ) một sáng tác mới của ông cùng nhiều xúc động được thể hiện trên nền thơ mới. Cảnh nhà thơ đứng trước mộ mẹ, thương nhớ về mẹ, với một người mồ côi mẹ từ bé, có nỗi tủi nào tủi hơn thế, dù ông không thể hiện ra ngoài cảm xúc ấy nhưng thực chất cả hồ nước mắt đang chảy ướt nhèm trong ông. Tác giả không khóc ư? Không và không phải vậy! Nỗi đau đời ông đang ủ lệ vào thâm tâm… Ông đã uống rượu và uống nhiều hơn nữa nhưng sự cô đơn, nhoi nhói càng thi vị hơn.

Nhà thơ Võ Sa Hà đã vượt qua được những thử thách mà ông gặp phải và tự nhận thấy trong mình sự tử tế, nhân đạo, trọn nghĩa tình. Danh vị mà tiến sĩ Ngô Gia Võ phấn đấu, hao tâm tổn trí là thi sĩ chứ không phải điều gì khác. Ông là một nghệ sĩ đích thực và bắt kịp thời đại, thông minh khi khai thác làm mới, sáng tạo, cách tân dựa theo cơ sở thơ truyền thống Việt Nam. Sự nhận thức về thực tế bén nhạy, tinh tế, kịp thời nên ông mang trong mình  “chủ nghĩa hiện đại” trong quá trình sáng tác văn học của bản thân.

LÊ NGỌC DŨNG

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *