Trăng trong cõi người – Truyện ngắn của Nguyễn Hồng

Vanvn- Cái thành phố bé tẻo ấy đã từng xuất hiện xoẹt qua đầu anh một tích tắc. Chừng 20 năm trước. Hồi ấy anh đi tàu từ Phủ Lý vào Nha Trang nhân một chuyến du lịch bất chợt. Nói bất chợt vì nó đột ngột đến. Chừng 5h chiều, sau khi biết kết quả trúng tuyển vào đại học, thằng Tô hích vào tay anh. “Hay đi tàu một chuyến nhỉ, tao chưa bao giờ có cảm giác với tàu hoả”. Anh cả cười. Cái cười cợt nhả. “Chắc cũng chẳng có gì thú vị đâu. Nhà thì cạnh sân ga. Nghe tiếng còi tàu phát ớn”. Nhưng mày đã ngồi tàu bao giờ chưa. Nghe bảo cũng hay ho lắm. Nhất là khi rung lắc. Chao đảo chao đảo thế này này. Phê lắm”.

Thằng Tô vừa nói vừa làm điệu bộ. Anh bị cuốn theo. Đúng là anh chưa bao giờ ngồi tàu, mặc dù nhà cạnh sân ga. Đêm đến, khi tàu hú đúng tiếng thứ ba, anh mang lạc húng lìu ra sân ga phụ mẹ bán hàng. Cái cảm giác rung lắc chao đảo ấy anh cũng đã gặp. Lúc người soát vé đuổi hết người bán hàng xuống để tàu chuẩn bị chuyển bánh.Tiếng còi máy hực lên, đoàn tàu xình xịch giục giã đẩy anh dúi về phía trước. Anh lật bật tìm cửa, lao xuống ga khi tàu chầm chậm lăn bánh. Chả có gì là thú vị cả. Lần chao đảo nào anh cũng vội vàng, cũng muốn ngã. Anh quen đến từng tiếng rít ken két của phanh, ống khói nặc mùi dầu máy hay tay nắm cửa trơn bóng…Chỉ nghe tiếng còi thôi anh đã đoán được tàu từ xứ nào đến, tàu đi hay tàu về. Quen là thế nhưng chưa một lần anh được làm hành khách. Sẵn cơn hào hứng của thằng Tô, sự phấn khích của niềm vui trúng tuyển, đằng nào cũng phải chờ ngày nhập học, không làm gì cho nguôi đi thì chỉ chết vì khấp khởi. Anh đồng ý lên tàu.

“Cảm giác lạ lùng lắm em”. Anh vẫn tiếp tục câu chuyện. Cô nằm sấp, chống cằm chăm chú.

Chìa tờ tiền tiết kiệm bị gấp nát bét qua ô cửa lấy vé, anh run run. Cô bán vé hỏi đi đâu. “Đủ tiền đến đâu thì mua vé đến đó”. Thằng Tô đứng ngay sau lưng, cướp lời. Nha Trang là điểm đến đầu tiên xa nhất của anh là thế.

Nhà văn Nguyễn Hồng ở Nghệ An

Bước qua cửa ga, có gì đó chộn rộn phía sau, anh ngoảnh lại. Chỉ có người và người. Anh không biết mình muốn gì lúc đó cả. Cảm giác như sẽ có hoặc sắp có hoặc muốn có bàn tay nào đó vỗ nhẹ vào vai mình từ phía sau. Anh ngoảnh lại nhìn sân ga thêm lần nữa trước khi thằng Tô hồ hởi đẩy anh lên.

– Mày kiếm gì đấy

– Ở , không có gì.

– Tìm chỗ đi. Nhanh lên.

Thằng Tô giục. Nhưng việc gì phải vội. Vé số nào thì ngồi ghế số đấy. Có ai tranh mất đâu.

Anh không có được sự rộn ràng của thằng Tô. Cái khoảng không phía sau vẫn đeo bám. Anh nghĩ nhiều về nó. Té ra là cái cảm giác lấm lét lên tàu, tất tả xuống tàu. Tộ sư nó chứ. Bây giờ mình là hành khách cơ mà, có ai đuổi nữa đâu mà sợ chứ. Anh bật cười một mình.

Anh ném cái ba lô nhẹ tênh lên gác, ló mặt qua mắt cáo nhìn xuống sân ga. Đèn cao áp đỏ quạch. Từng bóng người hoán đổi lên xuống. Thằng Tô vẫn loay hoay bên cạnh, sắm nắm sắp đặt cái này cái kia. Đoạn khựng lại vì thấy sự bần thần của anh.

– Lo hả?

– Không.

– Sao mặt cứ như mất sổ gạo thế?

– Tao nhớ mẹ quá.

Nói ra rồi anh mới biết là mình lỡ lời. Anh còn có mẹ để nhớ. Thằng Tô còn không biết mặt mẹ. Tô xuất hiện trên đời này là sự đánh đổi. Hoặc mẹ. Hoặc nó. Cuộc đời đã chọn Tô. Hay mẹ Tô chọn cái chết để nhường sự sống cho nó. Tô làm sao biết được. Anh chỉ biết Tô sống cùng bà ngoại. Thi thoảng chạy qua chạy lại nhà anh. Mẹ anh bảo mẹ Tô giống bà ngoại như đúc. Nghe người lớn kể chuyện, Tô cũng chỉ biết mình có một người mẹ mang hình hài bà ngoại.

Anh muốn rút lại lời nói nhưng không kịp. Thằng Tô mặt nghệt ra, đấm nhẹ vào vai anh. “Thôi mà, hôm nay rằm đấy. Chốc có đi qua chùa nào thì bái vọng, báo kết quả cho mẹ mừng”. Đời Tô bao năm chỉ biết ngửa mặt lên trời tìm mẹ. Mẹ ở trong từng đám mây. Trong nắng. Trong gió. Trong tất cả những gì nó muốn. Đến ngày tuần thì mẹ ở chùa. Là Tô nghe lời bà ngoại, dù có đi đâu làm gì, cứ đến ngày tuần thì mẹ về chùa.

Anh chỉ muốn xin lỗi Tô.

Tàu qua ga lớn dừng 5 phút, ga lẻ thì 3 phút. Thời gian ở sân ga mỗi người một kiểu. Người thì dài ngoẵng ra vì chờ đợi. Người thì tất tả cho kịp giờ lên giờ xuống. Riêng con tàu một mình một lối, chẳng vì ai mà nhanh hay chậm. Đó là phát hiện của anh năm lên 7 tuổi. Sém tý nữa thì mất mạng. Anh dập mặt vào đường ray khi nhảy vội qua cửa. Mẹ anh la lên “Tý, xuống nhanh đi con, tàu chạy rồi”. Lúc ngẩng mặt, anh thấy mẹ đang hoảng loạn. Máu bết vào tóc anh. Đau lắm. Nhưng anh vẫn cố cười để trấn an mẹ. “Không sao mẹ. Đồ quỷ. Nó chờ con thêm một lúc thì chết ai đâu chứ”. “Bậy nào. Tàu đến giờ thì tàu chạy thôi con. Lần sau không được thế nữa.”

– Nó, là con tàu đấy, em biết không?

Cô nhổm người. Hôn anh. Nụ hôn tham lam như thể muốn hút hết vị mặn ở môi anh, mắt anh. Anh rít mạnh cơ thể cô. Nhắm mắt. Cơn xúc động dồn lên. “Anh nhớ mẹ quá”. Anh cố gắng tiết chế. Anh ghét nước mắt. Đã rất nhiều lần anh kể với cô là anh không biết khóc. Ngay cả khi người làng báo tin mẹ mất. Khi đó anh đang ở sân ga. Gói húng lạc cuối cùng vừa trao cho khách, anh quýnh quáng chạy về nhà.  Anh cũng đã không khóc. Người làng đông nghịt trong nhà. Mẹ nằm trên phản gỗ. Nhẹ tênh. Anh không dám cử động mạnh, chỉ sợ mẹ bay mất. Mẹ anh mất vì tai biến.

Anh kể đến đâu rồi nhỉ. À. Cái thành phố ấy bé tẻo. Tàu dừng lại ở ga V lúc 23h55p. Thằng Tô bảo. “Đến V rồi mày”. Anh không quan tâm lắm. “V là đâu?” “Là V chứ đâu nữa. Ngày xưa nó là một thị xã. “Bố khỉ”. Anh gắt lên. “Thành phố nào chẳng phát triển từ thị xã chứ. Có phải cứ hiện hữu là thành phố luôn được đâu”. Thằng Tô gục gặc cái đầu. “Ừ nhỉ. Nhưng Phủ Lý vẫn đang là thị xã”. Thì ra thế. Thằng Tô muốn nói với anh rằng mình vừa biết thêm được một thành phố nữa, nó hơn đứt Phủ Lý lung linh nhà mình là cái chắc. Vì nó đã là thành phố. Anh chẳng quan tâm gì đến V cả. Nó bé hay to thì anh cũng chẳng cần biết để làm gì. Nhưng thành phố ấy bé thật. Chỉ sau vài ba cái ngáp là tàu đã vụt qua V. Mặt thằng Tô đầy tiếc nuối. “Nếu tàu dừng lâu hơn chút tao sẽ mua kẹo cu đơ. Nó quá nổi tiếng. Ai qua V cũng mua về làm quà. Loại kẹo được nấu từ mật mía và lạc. Có 2 miếng bánh đa kẹp bên ngoài. Để lâu chắc là cứng lắm. Bà ngoại tao chẳng còn răng nữa. Nhưng tao vẫn cứ muốn mua”. Lúc đó, anh cũng muốn gắt lên. Nhưng anh thấy mình đã gắt thằng Tô nhiều lần quá. Tệ cái là nó không biết giận. Thế nên gắt lần nào là anh quên lần đó, ân hận chút xíu lại tiếp tục. Lần này anh kiềm chế. “Còn lượt về nữa mà mày. Lượt về sẽ mua. Người già không ăn bằng răng. Người già ăn bằng những linh cảm. Tao cũng sẽ mua. Tao mua cho mẹ. Mẹ tao cũng sẽ ăn bằng linh cảm”.

Thằng Tô không hề buồn ngủ. Nó chong mắt nhìn bên ngoài. Đi đến đâu nó huyên thuyên tường tận đến đó. Nó học chuyên khối C, đặc biệt giỏi địa lý. Nó trúng tuyển vào báo chí. Anh học khối A, anh đậu vào giao thông.

Tranh của họa sĩ Lê Trần Thanh Thủy

Đoàn tàu lầm lũi trong đêm. Một mình. Chẳng có ai để ý đến sự có mặt của nó cả. Mỗi người một thế giới. Đoàn tàu cũng có thế giới riêng của nó. Cần mẫn vun vút trong đêm, chẳng cần để ý trong bụng mình chật ních tâm trạng người. Đêm trên tàu chỉ khác ngày là bị bóng đen nhuộm tối, vẫn đầy ắp thanh âm, đầy đủ sinh hoạt. Người thì ngủ. Người thì thức. Người thì ăn quà. Người hút thuốc. Người nói chuyện…. Ô cửa tàu bé tin hin, những ánh mắt háo hức ló qua mắt cáo nhìn ra bên ngoài. Cứ như thể ngoài kia đang giữ bí mật gì đó khủng khiếp lắm, ai cũng căng mắt kiếm tìm.

Anh cũng căng mắt nhìn nhưng chẳng có gì ngoài đó cả. Chỉ có trăng. Trăng là đặc ân mà vũ trụ ban cho loài người. Không có trăng, người ta chẳng đoái đến đêm tối làm gì cả. Đêm chỉ là đêm thôi. Để ngủ. Hoặc nhắm mắt. Không đáng để chờ đợi. Đáng lẽ anh chỉ ngồi ghế trong, nhường chỗ gần của sổ cho thằng Tô nhiều mơ mộng. May mà người đối diện buồn ngủ, anh năn nỉ đổi chỗ. Tất nhiên họ không được thoải mái lắm, vừa ngáp vừa bảo lát tôi tỉnh ngủ là phải trả ngay chỗ cho tôi đấy. Tôi cũng muốn ngắm trăng hít khí trời một lúc. Nhưng họ ngủ say quá. Anh lãi nguyên một đêm trăng. Là đêm trung tuần tháng tám. Trời trong veo. Gió len qua mắt cáo thổi vào ràn rạt. Vừa mát vừa thơm. Hình như có hương dẻ. À không, có thể là hương bưởi, hương cau…. Mùi hương quen lắm. Cứ ngút trong đầu anh. Thơm lành. Đấy là lúc tàu trườn qua núi. Bạt ngàn trăng là trăng.

Anh bỗng chốc nghĩ đến V. Anh khèo tay thằng Tô. “Đã qua V lâu chưa nhỉ?” “Tao không biết. Trăng nhiều quá. Chắc là đã xa V lắm rồi”. Thằng Tô mải đắm đuối với ánh trăng ngoài kia. Có thể nó đã cất V ở đâu đó, cũng có thể V đã rớt đi đâu đó. Bây giờ trong đầu nó chỉ có trăng. Anh thì nghĩ đến V chỉ để so sánh. V bé thế. Đèn đường liêu xiêu thế, Không chừng bị ánh trăng nuốt chửng mất rồi. Tự dưng anh muốn kể chuyện này với mẹ. Chuyện về thành phố bé tý tẹo bị ánh trăng nuốt chửng. Ngày xưa mẹ vẫn hay kể chuyện về ông trăng. Rằng cái bụng của ông to lắm, nuốt chửng không biết bao nhiêu là chuyện. Mà ông chỉ thích ăn chuyện buồn. Đấy, con thấy không. Hôm đàn gà mái mơ bị dịch, mẹ đã tiếc mãi, tiếc mãi. Đàn gà ấy đang kỳ đẻ, còn dịch ngày nào là nhà mình mất bữa ngày đó. Đã thế còn không biết có khỏi được không, hay là sẽ chết hết. Mẹ khóc vì tiếc. Mẹ khóc vì tủi. Mẹ khóc vì thương con. Mẹ khóc vì những chạy vạy sấp ngửa không được đền đáp. Mẹ đã kể hết với ông trăng, ông nuốt luôn nỗi buồn của mẹ. Ngày mai mẹ ra chợ mua đàn gà khác. Là những cục bông di động con chăm hằng ngày đấy. Con thấy vui không? Mẹ còn kể. Ông trăng nuốt nỗi buồn của cô Lý. Nỗi buồn tha hương. Cứ mỗi lần bị chồng đánh đuổi cô chỉ muốn tìm đường về quê. Muốn bỏ cuộc sống vợ chồng bữa đòn bữa đói. Ông trăng nuốt nỗi buồn của ông Lang. Ngày bốc thuốc cứu người. Đêm hát vu vơ mấy câu khóc vợ. Ông cứu bao nhiêu người nhưng không cứu nổi vợ mình. Âu cũng là số mệnh. Trời gọi đi thì đi, ông giữ không được. Đại loại là vậy…. Ông trăng nuốt vào bụng hết thảy mọi chuyện buồn. Nên đợi sáng, ông Lang lại cần mẫn bốc thuốc. Có khi ông vừa bốc thuốc vừa hát. Cô Lý quảy gánh cun cút theo chồng ra đồng. Người đàn ông lực điền ấy đánh vợ nhiều thế mà chăm vợ cũng không đến nỗi nào. Anh cũng đã đôi ba lần kể chuyện buồn dưới trăng. Đấy là lúc anh nhớ mẹ. Một mình ở gốc duối, bên trên là trăng. Anh xin lỗi. Đó là chuyện về một người con gái. Mà thôi, anh không kể nữa. Anh xin lỗi.

Anh vòng tay qua người cô, siết chặt. Cô chấp nhận lời xin lỗi chân thành. Chỉ là theo mạch chuyên đang kể, anh không cố ý làm cô tủi.  Hương cơ thể vấn vít. Anh cọ mũi vào tóc cô. “Em thơm quá”. Mùi hương bưởi hương cau trong đêm trăng trung tuần tháng tám quẩn quanh trong đầu cô. Biết đâu mùi hương của ngày xưa ấy cũng đang ken kín trong đầu anh. Cô không chắc là mình đang ghen nhưng cảm giác tủi thân len lỏi. Chuyện về người con gái ấy cô nghe được từ Tô. Là mối tình đầu của anh. Xoắn xuýt bao mùa trăng cho đến ngày ra mắt gia đình. “May quá, em không phải làm dâu mẹ chồng”. Anh sững người. Bao lần người con gái ấy khóc lóc van vỉ chỉ vì lỡ lời nhưng lòng anh trống rỗng. Cũng trong một đêm trăng. Ông trăng nuốt chửng nỗi buồn của anh. Cô gái ấy không còn theo anh về làng nữa. Theo như lời Tô kể, cô ấy giống mẹ anh rất nhiều. Anh reo lên với Tô. “Trong lần gặp đầu tiên. Tao ngỡ ngàng, cô ấy giống mẹ tao quá. Nhất là lúc cô ấy cười. Trời ơi. Không thể lẫn vào đâu được”. Tô mừng cho anh. Sau này, Tô còn mừng cho anh thêm nhiều lần nữa. Những cô gái đến rồi đi. Cô nào cũng có nét hao hao của mẹ. Những đêm trăng buồn nhiều dần lên. Gốc duối làng lặng lẽ.  Anh ít tâm sự với Tô hơn. Cho đến ngày gặp cô. Không hẳn hào hứng, anh rót thêm rượu. Những ly rượu đầy vun. Không đợi Tô uống trước, anh tự cụng vào ly, hơi rượu phả vào mặt Tô, cay nồng. “Cô gái ấy đến từ thành phố bé tẻo. Chỉ vào ba cái ngáp là vụt qua một thành phố. Cô ấy không có nét gì của mẹ tao cả. Không hề giống. Chỉ có bướng”. Tô chặc lưỡi. “Thôi uống đi. Ít hôm nữa lại tìm về gốc duối. Trên trời trăng vẫn sáng và sẵn sàng nuốt chửng bất cứ câu chuyện buồn nào”.

Tô dặn đi dặn lại, không để cho anh biết. Đấy là chuyện riêng giữa cô với Tô. Trong thâm tâm, Tô chỉ muốn anh sớm yên ổn. Lông bông mãi, bụng nào ông trăng chứa nổi. Cô gật đầu. Đã hứa là phải giữ lời. Nên anh làm sao biết được trong đầu cô, những cơn tủi cứ cồn lên rấm rứt.

Thành phố V của em í, nó quá bé. Chỉ nhấn ga một tý là hết vèo. Lần nào anh cũng bảo thế khi bắt đầu câu chuyện. Cô kệ. Nó bé thế thì đã sao. Ngày nào anh chẳng  hỏi. Hôm nay V sao em. Có mưa không? Có nắng không? Có trăng không? Có buồn không? Có nhớ anh không? Rồi anh lại kể. Hôm nay trong cuộc họp, anh gặp một người ở V. Trời ạ. Tranh cãi muốn nổ tung. Anh lại nghĩ. Hay tất cả người V đều bướng. Như em í. Nhưng anh thấy ý kiến của ông ta cũng hợp lý. Chỉ là ông ta nói to quá. Sau cuộc họp anh định hỏi ông ta về vấn đề đó. Nhưng anh chẳng cần hỏi. Ông ta đoán được ý anh thì phải. Ông bảo ông uống nước Sông Hồng ngót nghét 30 năm rồi, chú đừng vơ đũa lung tung. Người V hay thật đấy.

Cô cứ nghĩ. V bé thế thì làm sao chứa nổi anh. Người đàn ông ngang tàng như gió. Người con gái anh đang yêu lại chẳng có nét gì giống mẹ. Đã thế còn bướng. Bụng ông trăng thì to. Chuyện buồn cỡ nào cũng chứa được. Kể cả chuyện bỗng dưng cô thấy tủi. Cô không muốn giống bất cứ người đàn bà nào đã từng đi qua cuộc đời anh hết. Cô sẽ bỏ đi. Cô không muốn mình là vật thay thế. Cô chỉ là cô thôi. Hay cô thử tìm về gốc duối, ngồi một mình dưới trăng. Kể vu vơ đôi ba nỗi niềm. Buồn cũng nhiều, vui cũng nhiều…. cô sẽ kể tuần tự từng chuyện một. Rồi kệ vậy. Trăng trong cõi người thì đầy.

NGUYỄN HỒNG

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *