Tolstoy, Dostoevsky, Chekhov, Nabokov – các vị biến đi đâu rồi?

Vanvn- Chỉ sau khi Giải Nobel Văn học hoàn toàn bất ngờ được trao tặng cho tác giả người Belorussia Svetlana Aleksievist, người đã viết nên “những cuốn sách bằng tư liệu”, lập tức một câu hỏi xuất hiện từ đã lâu nay lại bùng lên với một sức mạnh mới. Tại sao văn học Nga – một nền văn học buộc người ta phải sống trải những chịu đựng không hề lặp lại, nhiều năm rồi đã không còn cống hiến cho nền văn học thế giới những nhà văn vĩ đại? Tolstoy, Dostoevsky, Chekhov, Nabokov. Các vị ấy đã biến đi đâu cả rồi?

Vào tháng ba năm ngoái trên tạp chí Foreign Policy đã in bài báo với nhan đề “Nền văn học Nga đã chết rồi sao?”. Đây rõ ràng là một câu hỏi đúng, bởi vì tác phẩm “Bác sỹ Givago” của Boris Pasternak, được trao giải Nobel Văn học vào năm 1958 đã trở thành cuốn tiểu thuyết Nga cuối cùng nổi tiếng toàn thế giới. Còn tác phẩm khổng lồ gồm 4 tập của Aleksandr Solznhenitsyl với tên gọi “Quần đảo GULar” được công bố vào năm 1973. Những năm tiếp sau, có thể nói, mọi người đã quên văn học Nga.

Nữ văn sỹ  Belorussia Svetlana Aleksievist, người nhận Giải thưởng Nobel Văn chương năm 2015

Trong bài báo đăng trên tờ Foreign Policy cũng trích dẫn lời tuyên bố của Vladimir Putin. Tổng thống Nga tuyên bố ông sẽ làm tất cả những gì có thể làm được để nâng cao uy tín và ảnh hưởng của văn học Nga trên thế giới. Nói thẳng ra, điều đó không thể làm được. Nhớ tới văn học Nga là nhớ tới Tolstoy, Dostoevsky, Chekhov, Gogol, Puskin, Nabokov và… hết! Nói cách khác, đó là kể tới những nhà văn đã khuất núi. Đương nhiên, cũng nhận ra một số tên tuổi khác, nhưng họ lại cũng qua đời từ đã lâu. Ví dụ như Isaak Babel mà những truyện ngắn của tác giả này được bạn đọc đón nhận với những lời khen ngợi. Nhưng Babel cũng đã bị xử bắn dưới thời Stalin. Tác phẩm của nhà văn này chỉ xuất hiện trở lại sau khi Stalin chết.

THỜI BUỔI CHUYỂN GIAO

Nên nhìn nhận ra sao đây việc nữ văn sỹ người Belorussia Svetlana Aleksievist được trao giải Nobel Văn học vào năm 2015? Số đông trong chúng ta lần đầu tiên được nghe cái tên ấy, chúng ta ngạc nhiên và có thể đặt câu hỏi: “Liệu Putin có hài lòng về việc này không?”. Không, chắc là thế, nếu tính tới thái độ đối lập của Aleksievist đối với chế độ ở Nga. Nữ nhà văn khiêm nhường này kể rằng bà ta đang ủi quần áo thì có điện thoại báo tin bà được trao giải thưởng, nhưng sau đó bà tuyên bố: “Tôi yêu thế giới nhân đạo Nga, nhưng tôi không yêu thế giới của Lavrenti Beria, Stalin, Sergei Soigun, Putin”.

Chúng ta sẽ còn quay trở lại với hiện tượng nữ văn sỹ Aleksievist, nhưng chủ đề chính của bài báo này nói về sự băng hoại của văn học Nga buộc nhiều bạn đọc phải âu lo về một sự chấn động, hay nói khác đi là sự khởi đầu của một “thời buổi chuyển giao”.

Theo ý kiến của nhà phê bình Dmitri Buikov, người trò chuyện với phóng viên báo Foreign Policy thì không phải ở nước Nga không có những tác phẩm hay mà ở chỗ những tác phẩm ấy hầu như không được dịch sang tiếng các nước khác. Nữ đồng nghiệp của nhà phê bình này, bà Masha Gessen không đồng ý với quan điểm trên khi cho rằng những tác phẩm của các nhà văn hiện đại Nga không thể gọi là những cuốn sách “mang tầm cỡ thế giới” được.

LÝ LỊCH CHÍNH TRỊ

Tổng Biên tập đề án dịch của Trường Đại học Three Percent Chad W. Post thận trọng hơn trong việc đánh giá khi ông cho rằng vấn đề không phải ở chỗ các nhà văn và tác phẩm của họ mà ở khâu  phổ biến. Theo lời của người đứng đầu Glas – một nhà xuất bản Nga nổi tiếng, bà Natasha Perova các nhà xuất bản phương Tây “dị ứng “với văn học Nga, ngoài những cuốn sách “ăn khách” họ hoàn toàn không quan tâm tới gì khác.

Theo ý kiến của nữ dịch giả Will Evans thì không nên nói tới sự “xuống cấp” của văn học Nga. Không có gì đáng để tâm tới khâu xuất bản cả. Vấn đề chính là ở chỗ người đọc ở các nước phương Tây chỉ chú ý tới các nhà văn Nga có những tác phẩm mang tính đối nghịch với chính quyền và chế độ hiện hành; mà cũng không chú ý gì tới phong cách viết, chỉ chú ý tới nội dung cốt chuyện thôi. Những tác phẩm không nằm trong đích ngắm ấy liền nằm ngoài sự quan tâm của họ.

NGƯỜI ĐƯỢC TRAO GIẢI NOBEL VÀ CHIẾC CỘT THU LÔI CỦA NHỮNG BI KỊCH  

Có một thực tế như thế này. Việc giải thưởng Nobel Văn học được trao cho bà Svetlana Aleksievist, tác giả của những cuốn sách như “Trong chiến tranh không có gương mặt đàn bà”, “Lời nguyền Chernobuyl” đã khiến dư luận sửng sốt ngạc nhiên. Bởi nữ văn sỹ này không viết truyện ngắn, tiểu thuyết. Bà sáng tạo ra loại “tác phẩm tư liệu”, sử dụng phương pháp sáng tác có một không hai của mình mà bà gọi là nghệ thuật “cắt dán”.

Nữ nhà văn tạo cho bạn đọc điều kiện được nhìn thấy toàn cục bức tranh ở dạng tổng thể. Trong các tác phẩm của mình nữ văn sỹ nói thẳng bà là chứng nhân của các sự kiện như Đại chiến Thế giới 2, việc quân đội Xô Viết tiến vào Afganhistan, vụ nổ lò phản ứng hạt nhân Chernobuyl. Nhà văn, người đã xác định thể loại các tác phẩm của mình như một thứ “tiểu thuyết về đám đông” và mỗi lần động chạm tới khái niệm “đạo đức của ký ức” bà tin rằng: nếu chúng ta sẽ còn lưu giữ được trong ký ức của mình những sự kiện khủng khiếp của quá khứ, chúng ta sẽ không để tái diễn lại những sai lầm đã xẩy ra. Và giống như Dostoevsky, nhà văn mà bà coi như ngọn đèn định hướng, bà dường như cảm nhận được cái sẽ nắm bắt, nhìn thấy cái sẽ hiện hình, nhận ra cái sẽ hiện ra… Một lần nữa, giống như Dostoevsky, nữ văn sỹ tin rằng niềm hy vọng giành cho toàn thể nhân loại ẩn náu trong mối đồng cảm giữa chúng ta với nhau; trong nỗ lực xóa bỏ mọi hận thù.

Với tác phẩm có tên gọi “Trong chiến tranh không có gương mặt đàn bà “được hình thành bằng chất liệu qua những cuộc trò chuyện với những chị em phụ nữ đã từng tham gia chiến đấu ở ngoài mặt trận trong những năm Thế chiến 2, Aleksievist viết: “Trong những căn hộ và trong những ngôi nhà gỗ, trên đường phố và trong các toa tầu. Tôi được nghe… Tất cả mọi chuyện mỗi lúc một lấp đầy bên tai này, ngay cùng một lúc tôi phải nghiêng tai bên kia để nghe một người khác. Tôi “đọc được “trong từng giọng kể ..”. Cũng đã có lúc nữ văn sỹ muốn lảng tránh xa nỗi đau của con người và bắt tay vào một thể tài khác. Nhưng rồi nữ văn sỹ đã như “một cây cột thu lôi” để bỏ qua ý định ấy mà thu lấy hết những bi kịch của con người.Dường như chỉ một nỗi đau thôi cũng đã khiến nữ văn sỹ không thể làm ngơ. Ví như chỉ cần nhìn thấy một đứa nhỏ đổ máu cam hoặc chứng kiến một con cá chết trên sạp hàng. Aleksievist đã hứa sẽ không bao gờ viết về chiến tranh nữa. Nhưng rồi bà không thể làm được điều đó.

“SỰ ĐỒNG CẢM KHÔNG CẦN CHỌN BÊN NÀY BÊN KIA”  

Aleksievist, cũng như Dostoievsky cho rằng “sự đồng cảm không cần lựa chọn phía bên này hay bên kia”. Bà viết về một người đàn bà đã sống trong thời kỳ phòng thủ Leningrad mỗi ngày mang thức ăn tới cho những tên lính Đức. Thậm chí nhiều năm sau, người phụ nữ ấy nhìn thấy trên tivi những người tỵ nạn Palestin đói khát, bà ta đã không kiềm nén được nỗi xúc động…Trong những cuốn sách của Aleksievits chỉ những người phụ nữ mới biết chia sẻ những mối đồng cảm.. Họ cứu vớt những đứa trẻ mồ côi khỏi nỗi khiếp hãi trong Đại chiến thế giới 2, họ an ủi những người bị đau khổ bởi những thảm kịch ở Afganistan, họ chữa chạy cho những người chồng của mình bị nhiễm phóng xạ trong thảm họa Chernobyil. Tác giả nói: “Từ bản thể của chúng tôi sinh ra thái độ chống chiến tranh”- và nữ văn sỹ đã chỉ ra những người đàn bà cảm thụ chiến tranh một cách khác. Trong câu chuyện kể của bà không có những người anh hùng và những chiến công hiển hách mà chỉ có nỗi đau và sự đồng cảm. Đó là nỗi đau chung của chúng ta”. Và ở những nơi ấy không chỉ có họ (con người), mà cả cây cỏ, chim muống đều đau khổ hết. Tất cả trái đất này đều đau khổ “- tác giả viết.

“CHIẾN TRANH – SẢN PHẨM CỦA BẢN CHẤT ĐÀN ÔNG”

Theo lời của Aleksievist, những tài liệu ghi chép lại cuộc chiến tranh Afganistan diễn ra từ năm 1979-1989 đều che đậy những bí mật, những sự giả dối, và cần nói – thêm tất cả những người đàn ông, về thực chất đều “buôn bán những sự giả trá”. “Chiến tranh là sản phẩm của bản chất đàn ông”- nữ văn sỹ nói. Aleksievist có một cuốn sách với nhan đề “Những chú bé thiếc”. Trong đó nữ tác giả viết về những người lính trẻ thi thể được bỏ vào những quan tài thiếc để gửi về gia đình của họ; về những người lính bị thương hoặc sang chấn trong cuộc chiến tranh, tức những ai phải trông mong vào tấm lòng thương xót vì tương lai sẽ là những người không còn năng lực làm việc; và nói chung là về tất cả những người mà cuộc sống của họ phân ra thành hai nửa “trước” và “sau”. Phê phán gay gắt thời kỳ Xô Viết, nữ văn sỹ đưa ra câu hỏi: Chả lẽ có thể giết người nhân danh chủ nghĩa xã hội hay bất cứ tư tưởng cao đẹp nào sao? Nữ văn sỹ viết: “Sao đây, thậm chí khi đối xử với mạng sống của con người mà chúng ta lại không biết thận trọng, giữ gìn để tạo nên những huyền thoại về chính bản thân mình. Chúng ta có thói quen núp dưới những vỏ bọc như thế này:  Chúng ta cái gì cũng nhất, tốt nhất, đúng nhất, trung thực nhất… “.

TÔ HOÀNG chuyển ngữ từ tiếng Nga

Theo Báo Haberlurs – Thổ Nhĩ Kỳ

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *