‘Tôi đã đọc những câu thơ có lẽ cuối cùng của nhà văn Nguyễn Huy Thiệp…’

Vanvn- Cách đây gần một tiếng trái tim nhà văn Nguyễn Huy Thiệp đã ngừng đập trong nỗi tiếc thương của gia đình và đồng nghiệp. Hội Nhà văn Việt Nam sẽ tổ chức tang lễ cho ông và thông báo chi tiết sau. Đau buồn tưởng nhớ nhà văn lớn Nguyễn Huy Thiệp, xin trân trọng giới thiệu bài viết gần đây khi ông lâm trọng bệnh… 

Nhà văn Nguyễn Huy Thiệp khi còn khỏe mạnh với người vợ quá cố, em vợ, hai con trai và các cháu – Ảnh: Gia đình cung cấp

Tôi đã đọc những câu thơ có lẽ là cuối cùng trên giường bệnh của nhà văn Nguyễn Huy Thiệp – một tên tuổi lừng lẫy trên văn đàn Việt Nam cuối thế kỷ XX đầu thế kỷ XXI…

“Sinh lão bệnh tử/ Luật trời đã ban/ Thì đành chấp nhận/ Với nụ cười thôi… Nói chỉ nói vậy thôi/ Lòng buồn không tả nổi…”.

Những câu thơ có lẽ là cuối cùng trên giường bệnh của nhà văn Nguyễn Huy Thiệp – một tên tuổi lừng lẫy trên văn đàn Việt Nam cuối thế kỷ XX đầu thế kỷ XXI – khiến những người yêu thương ông và yêu tài văn của ông không khỏi đau thắt lòng.

Đi qua những ồn ào của phố phường ngày cận tết, rẽ vào ngôi nhà thẳm sâu trong con hẻm nhỏ mà cách đây không lâu còn là cái làng ven đô nửa quê nửa phố, bước qua khoảng sân nhỏ có tượng Phật bao năm nay vẫn đứng bình thản trước mưa nắng, trầm luân kiếp người, trên chiếc giường đơn sơ, Nguyễn Huy Thiệp nằm đó, nhận lấy những chăm sóc của các con như một đứa trẻ.

Đôi khi, ông từ chối những chăm sóc ân cần.

Nguyễn Phan Khoa – cậu con trai út của nhà văn – luôn tay cho bố uống sữa, ăn cháo, uống thuốc. Gần 1 năm trời kể từ ngày cha nằm ốm sau tai biến vài lần, Khoa cùng với anh trai Nguyễn Phan Bách thay phiên nhau chăm bố, hết bệnh viện lại ở nhà.

Từ khi nhà văn Nguyễn Huy Thiệp bệnh nặng hơn thì Khoa nghỉ việc hoàn toàn, ở nhà chăm bố. Phải 3 tháng nay Khoa không đi ra khỏi khu phố của mình. Gã đàn ông trẻ chẳng phải khéo ăn nói, giỏi chăm sóc người khác, bỗng thành thục hết việc pha sữa, bón mớm, thay rửa.

Mà đâu chỉ chăm một mình bố nằm liệt. Vợ Khoa – cô sơn nữ xinh xắn miền ngược vài năm trước ông Thiệp đã vui sướng cùng bạn bè chí thiết là những tên tuổi nghệ sĩ lớn ở Hà Nội lặn lội 400 cây số đón dâu cho cậu con trai đã từng làm ông khổ sở bao năm trời – đi làm ca, có khi 11h đêm mới về nhà.

Khoa một mình chăm bố, chăm hai đứa con nhỏ mới tuổi mẫu giáo, mẹ cũng ốm, thêm một bà dì bệnh. Dì của Khoa không có chồng con, bao năm qua sống cùng đại gia đình anh rể, chị gái và các cháu.

Rồi mẹ lại đột ngột qua đời. Khoa và anh trai mình chẳng có cả thời gian để được thỏa thuê khóc mẹ cho lòng vợi nhớ thương. Các anh chỉ có thể giấu chặt trong tim nỗi đau mất mẹ để còn lo cho bố.

Nguyễn Phan Bách chăm chỉ hơn với công việc của một họa sĩ để lo kinh tế cho gia đình, anh em đùm bọc nhau. Nên việc chăm bố giao chính cho Khoa.

Nguyễn Huy Thiệp nhiều năm về già đã thanh thản hơn với niềm vui chăm con chăm cháu và học đạo – Ảnh: Gia đình cung cấp

Khi đổ bệnh, nhà văn Nguyễn Huy Thiệp có 5 triệu đồng. Bạn bè thăm nom và khoản tiền xuất bản cuốn sách Truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp của Đông A giúp phần nào thuốc thang, chữa trị cho nhà văn và chuyện hậu sự cho vợ ông.

10 năm dạy học ở miền núi, rồi một số năm nữa làm việc ở Hà Nội, nhưng chỉ mãi gần đây ông mới được cho lãnh lương hưu hơn 2 triệu đồng/tháng. “Cũng đủ tiền mua bỉm cho bố”, Khoa nói.

Cuộc sống chẳng ai học hết chữ ngờ.

Nguyễn Phan Khoa – nguyên mẫu của Khuê trong cuốn tiểu thuyết Tuổi 20 yêu dấu của cha mình – người con lạc lối đã khiến Nguyễn Huy Thiệp phải bao năm đau khổ, tuyệt vọng, rồi hi vọng và kiên nhẫn giành giật lại đứa con trai mình từ ma túy – ai ngờ giờ lại tận tụy chăm bố ngày đêm, không từ một việc gì, từ bón sữa đến lau rửa, thay bỉm.

Cậu con trai “phá gia chi tử” ngày nào giờ có cơ hội được báo đền công cha. Chỉ tiếc, sự báo đền này chắc không ai mong muốn nhận được. Nguyễn Huy Thiệp càng không.

Nguyên mẫu của nhân vật “tướng về hưu” trong truyện ngắn nổi tiếng của Nguyễn Huy Thiệp xưa cũng nằm liệt một chỗ gần chục năm trời trước khi từ giã cõi đời.

Thì nay, số phận lại bắt nhà văn rất chân chất, đôn hậu và yêu thương con người sâu sắc đã viết lên bao câu chuyện chấn động nhân tâm ấy lại phải chịu thêm một thử thách quá khắc nghiệt tương tự như nguyên mẫu truyện ngắn của mình.

Lão Kiền trong truyện ngắn Không có vua, cả lão Bổng trong Tướng về hưu đều cho thấy rất sợ cảnh ốm đau nằm liệt trước khi chết, những cái chết khổ sở. Nay thì tác giả của những nhân vật ấy lại rơi vào chính tình cảnh đó.

Tranh và thơ Nguyễn Huy Thiệp vẽ, viết tặng người vợ tảo tần thủy chung của mình khi ông chưa đổ bệnh nặng – Ảnh: Gia đình cung cấp

Lão Kiền khi rời bệnh viện về, lúc mê sảng đã kêu lên với các con: “Cho tôi chết đi, đau đớn lắm”. Thì người tạo lên nhân vật bất tử ấy, sau vài chục năm cũng lại có lúc làm con trai mình đau thắt ruột với câu hỏi: “Làm thế nào để chết được”.

Trong gần một năm bệnh, đã có lúc Nguyễn Huy Thiệp rất quyết tâm “muốn thoát ra đừng ốm/ làm khổ hết cả nhà” như câu thơ ông run rẩy viết trên giường bệnh. Nhưng những cơn tai biến liên tiếp, rồi cái chết đột ngột của người vợ yêu đã đánh gục nhà văn vốn quá nhạy cảm.

“Số phận của những nhà văn, những nghệ sĩ tài năng là phải như vậy. Họ phải nếm trải hết những khổ ải, đớn đau của kiếp người mà không thể kêu lên được “Tại sao?”, để mà viết ra nỗi đau và cả vẻ đẹp của con người”, nhà nghiên cứu Phan Cẩm Thượng thương xót cho những khổ ải cuối đời của nhà văn Nguyễn Huy Thiệp – người mà ông đánh giá là một trong số vài nhà văn Việt Nam xuất sắc nhất thế kỷ 20.

Cận Tết, ngôi nhà của Nguyễn Huy Thiệp và các con vẫn chẳng có chút không khí Tết nào. Tuy thế, Khoa vẫn thì thầm vào tai bố để người bố cả lo của mình yên tâm: “Chúng con đã lo Tết xong rồi bố ạ”.

Bên cạnh, con gái Khoa mới vài tuổi xúm lại gần ông, líu lo nói “thương ông”. Mẹ của bé cưng nựng: “Con thương ông nhé. Ông bế ẵm chăm con từ khi mới 3 tháng tuổi cho mẹ đi làm đấy”.

Đó có lẽ là quãng thời gian thanh thản nhất của Nguyễn Huy Thiệp, khi con trai út của ông trở về từ những trại cai nghiện, chí thú làm ăn, cưới vợ sinh con, ông “rửa tay gác kiếm” với văn chương cực nhọc, ngày ngày chăm các cháu, đưa đón cháu đi học và học đạo.

Quán cà phê trên phố Hàng Hành ông ít ghé hơn, có đến cũng lại mau chóng cưỡi xe đạp điện về nhà để kịp giờ đón cháu.

Bây giờ, nhà văn lẫy lừng của văn đàn Việt Nam suốt hơn 30 năm qua nằm đó “lòng buồn không tả nổi”. Những bạn bè thương quý tới thăm ông cũng vậy.

Một năm bất thường của nhân loại sắp qua…

THIÊN ĐIỂU/TTO

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *