Nhà văn Mộc An: Tình bạn nhiều khi không cần lý do nào…

Vanvn- Nhà văn Mộc An (tên thật là Nguyễn Thị Nguyệt Trinh, sinh năm 1980, quê ở huyện Tuy Phước, Bình Định) quen thuộc với độc giả quan tâm đến văn học thiếu nhi với những tác phẩm như Đậu Đậu Sâu Sâu Bé Bé (in chung với tác giả Thùy Trang, NXB Đà Nẵng, 2021),  Nếu một ngày chúng tớ biến mất (tập truyện, NXB Kim Đồng, 2022), Cây cầu lấp lánh (thơ, NXB Trẻ, 2022).

Đặc biệt, cuối tháng 5.2023, một niềm vui lớn đến với nhà văn Mộc An khi chị là một trong 4 tác giả đoạt giải Khát vọng Dế Mèn của Giải thưởng Thiếu nhi Dế Mèn lần 4 – 2023 với bản thảo truyện dài Ở một nơi có rất nhiều rồng. Một niềm vui nối tiếp với chị, đồng thời cũng là một bất ngờ với bạn đọc khi đầu tháng 6.2023, chị ra mắt độc giả tập truyện dài dành cho thiếu nhi Nhạc sĩ đường phố (NXB Kim Đồng).

Nhà văn Mộc An

Nhân dịp này, chúng tôi có cuộc trò chuyện cùng nhà văn Mộc An, chia sẻ niềm vui và lắng nghe những tâm sự của chị về sáng tác dành cho thiếu nhi.

* Chúc mừng chị với Giải thưởng Khát vọng Dế Mèn. Chị có thể chia sẻ cảm xúc của mình khi nhận được giải thưởng này.

– Tôi cảm thấy rất vui. Tôi vẫn nghĩ rằng, văn chương giúp nối kết con người với nhau. Dế Mèn đã cho tôi sự nối kết ấy. Nhờ tham dự giải, tôi có sự kết nối với những bạn đọc mới, lẫn những bạn viết mới. Giải thưởng giúp tôi hình dung bao quát hơn về bức chân dung văn học thiếu nhi hiện tại, với những cây bút gạo cội vững vàng lẫn những cây bút trẻ đặc sắc giàu triển vọng. Với tư cách là người viết, tôi có thêm niềm vui và động lực để cố gắng, với tư cách người đọc, tôi có thêm niềm vui của việc thấy rõ hơn  sự vận động và phát triển của văn học thiếu nhi Việt hiện tại và tương lai.

Nhà văn Mộc An (thứ 3, từ trái sang) nhận giải Khát vọng Dế Mèn.

* Ở một nơi có rất nhiều rồng, một cái tên khá gợi. Chị có thể bật mí đôi chút…

– À, đó là một câu chuyện về thế giới huyền thoại, nơi vẫn tồn tại rất nhiều Rồng. Mặc dù là câu chuyện tưởng tượng, nhưng xoay quanh những điều gần gũi như tình bạn, tình thân, giữa Rồng và Rồng, giữa người và người, giữa người và Rồng… rộng hơn là giữa vạn vật. Có những biến cố, thử thách khá gay cấn đặt ra cho sự lựa chọn cho mỗi nhân vật, ngai vàng hay tình thân, an toàn của bản thân hay an nguy của người khác, trách nhiệm hay tự do… đôi khi sự lựa chọn không giống nhau và không phải dễ dàng. Nói chung, có thể sẽ có những thú vị bất ngờ trong cuốn sách, hy vọng được độc giả đón nhận. Bản thảo này tôi viết khá nhanh, trong vòng vài ba tháng, tuy nhiên thời gian ấp ủ ý tưởng cho đến khi chín muồi thì mất khoảng một năm.

* Vì sao chị lựa chọn hình tượng về loài rồng cho bản thảo lần này?

– À, tôi viết Rồng theo nguyện vọng của một bạn đọc nhỏ tuổi hết sức đặc biệt của tôi. Tôi rất thích được nghe phản hồi từ độc giả, nhất là bạn ấy. Hồi đọc Đậu Đậu, Sâu Sâu và Be Bé (in chung với Thùy Trang), bạn ấy chê truyện… trẻ trâu, chỉ thích mỗi đoạn Rồng, nhưng cũng bảo Rồng dễ thương quá mà ít quá, có… mỗi một con. Vậy nên lần này Rồng sẽ bớt… dễ thương và nhiều hơn (cười).

* Tôi đang hình dung về “độc giả đặc biệt” mà chị nói đến…

– Tôi viết một phần cũng vì muốn chinh phục một độc giả khó tính mà bạn vừa nhắc đến ấy, là con trai tôi. Thật ra mà nói, chất liệu cho truyện của tôi chủ yếu là trí tưởng tượng, kí ức tuổi thơ, kể cả trong tâm hồn người lớn là tôi vẫn có một đứa trẻ. Và dĩ nhiên không thể thiếu quan sát, cảm nhận từ thế giới trẻ thơ xung quanh, đặc biệt là từ con trai mình. Tôi từng thường xuyên đọc truyện khoảng 30 phút cho bạn ấy nghe trước khi đi ngủ, “đọc ké” truyện mua cho bạn ấy, và giờ bạn ấy là người đọc rất đặc biệt của tôi. Truyện chúng tôi đọc chung rất nhiều, điều này cũng giúp tôi có cảm hứng viết truyện cho các bé đọc.

* Con người như lạc vào những xô bồ thường nhật, không ít trường hợp nén chặt mình trong nỗi cô đơn luôn cần những đồng điệu san sớt. Truyện của chị dường như cũng thấp thoáng những nhân vật như thế, và chị đang “giải phóng” họ khỏi những điều ấy?

– Có lẽ vì sống trong một thế giới có rất nhiều những cô đơn, nên những nhân vật của tôi cũng phảng phất màu sắc như vậy chăng? Nhưng dù ở đâu, thế giới nào, cũng cần đến những đồng điệu san sớt. Có thể có hoặc không, nhưng tôi vẫn tin rằng có. Tôi muốn nhích gần khoảng cách của những người cô đơn nhưng có tấm lòng lương thiện, thuần thành ấy xích lại gần nhau hơn.

Bìa sách Nhạc sĩ đường phố

* Chúc mừng chị một lần nữa với tập sách vừa xuất bản – Nhạc sĩ đường phố. Đây là tập truyện tiếp nối mạch của Nếu một ngày chúng tớ biến mất?

– Tập truyện vốn là một phần trong bản thảo Nếu một ngày chúng tớ biến mất, được Nhà xuất bản tách và in riêng, có lẽ thấy tuyến nhân vật đi theo một hướng khác. Nên bạn có thể gặp lại văn phong, lẫn những thông điệp đã từng xuất hiện ở tập truyện trước, với ít nhiều những nét mới và khác biệt.

Nhạc sĩ đường phố mượn âm nhạc làm sợi dây nối kết, nối kết tình cha con với những quan niệm khác biệt do khoảng cách thế hệ, nối giữa những người bạn lưu lạc gặp nhau tình cờ, nối ký ức và thực tại, và cả, giấc mơ cho tương lai. Bạn có thể gặp những nhân vật đáng yêu như Dế Bột, Dế Bụi, gia đình nhà Sẻ, cụ Dế viện trưởng Học viện âm nhạc Dế cùng cô cháu gái xinh đẹp “bắt hồn” các chàng Dế mới lớn… Mượn âm nhạc kết nối, lấy thiên nhiên làm nền tảng, viết nên những mẩu chuyện nho nhỏ ít được để tâm của đời sống, xen vào đó những bài hát vui vẻ lẫn thoáng u buồn. Thế giới xung quanh có nhiều vẻ đẹp ẩn giấu, quan sát một chút, lắng tai một chút, để tâm một chút… bạn sẽ nhận ra bao điều kỳ diệu. Bản nhạc diệu kỳ nhất chính là bản nhạc do thiên nhiên và cuộc sống viết nên. Tinh thần của Nhạc sĩ đường phố cơ bản là thế.

* Dế Bụi, Dế Bột và các thành viên trong “Ban nhạc đường phố” có một tình bạn đẹp. Và cả Dế cùng chim Sẻ, Dế và cậu bé tốt bụng lành hiền. Vẫn là tình bạn thấp thoáng đâu đó trong Ở một nơi có rất nhiều rồng, nhưng ở Nhạc sĩ đường phố, có gì đặc biệt hơn?

– Tôi không nghĩ có gì đặc biệt hơn. Chỉ có xíu khác biệt ở sự đồng điệu liên quan đến âm nhạc, cái đẹp đưa mọi người lại gần nhau. Nhưng có lẽ cũng không cần lý do nào cả, họ “va” vào nhau, đúng nghĩa, kiểu gặp gỡ tình cờ. Tình cờ gặp nhau hợp thành một ban nhạc ca hát tự do, tình cờ cứu nhau, tình cờ nhận ra nhau… Tình bạn nhiều khi là sự tình cờ ấy, không cần lý do nào…

Một số tập sách thiếu nhi đã in của tác giả Mộc An

* Hóa thân vào thế giới loài vật, là điều thường thấy ở các nhà văn viết cho thiếu nhi. Chị có lo lắng về sự “gặp gỡ” với những hình tượng cũ mà các nhà văn đi trước đã khai thác?

– Tôi không ngại điều này. Chất liệu đời sống thường có bấy nhiêu, nhưng từ chất liệu quen thuộc vẫn có thể tìm ra cái khác, hình tượng gặp gỡ nhưng không hẳn trùng lặp. Văn chương muôn đời là một dòng chảy bất tận với những tiếp nối, kế thừa nhau. Tôi vẫn thấy vui nếu được kế thừa người đi trước, và gửi gắm những thông điệp thuộc thời đại mình. Bạn Dế chẳng hạn. Có những hình tượng Dế đã trở nên hết sức thân thương trong lòng độc giả. Nhưng cũng vui vui nếu được góp một bạn Dế bé nhỏ hát ca, thổi vào đấy linh hồn khao khát tự do của các bạn trẻ bây giờ…

* Chị còn nhiều những ý tưởng với sáng tác cho thiếu nhi?

Đúng vậy. Tôi đang hiện thực hóa những ý tưởng ấy bằng trang viết của mình. Viết cho thiếu nhi cho tôi thêm nhiều năng lượng tích cực. Tôi tìm thấy được nhiều chia sẻ trong những câu chuyện tưởng tượng ấy. Chỉ hy vọng theo năm tháng, tâm hồn mình sẽ không già nua và khô cạn đi, để có thể viết về thế giới trẻ thơ một cách tự nhiên và đồng điệu, như vậy mới được các em yêu thích đón nhận. Tôi vẫn đang sáng tác, và sẽ viết đến khi nào bản thân cảm thấy… cạn nguồn và độc giả chán đọc mới thôi”.

* Cảm ơn chị về cuộc trò chuyện!

VÂN PHI (thực hiện)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *