Vanvn- “Cậu biết không? Bất kì một cuộc chiến tranh nào cũng đều tàn khốc cả. Cho dù mục đích của nó là gì. Cho dù là bên sai hay bên đúng. Khi đạn ra khỏi nòng, khi máu đã đổ xuống, khi những xác người chồng chất lên nhau, thì đều tàn khốc cả thôi.”…

1. Mở đầu
Chiến tranh dưới mọi hình thức và ở mọi thời đại đều là những thời khắc bất bình thường nhất, ẩm ương và dở hơi nhất của lịch sử nhân loại. Tại thời khắc ấy, nó không chỉ làm đảo lộn tất cả những người trong cuộc, kẻ ngoài cuộc tại những quốc gia, vùng lãnh thổ đang có chiến sự, mà ngay cả với những người, quốc gia và vùng lãnh thổ tưởng chừng như không hề có bất kỳ sự liên quan nào đến cuộc chiến ấy, vẫn có thể gián tiếp bị ảnh hưởng về đời sống, văn hóa, kinh tế, chính trị…
Cầm trên tay bản thảo cuốn tiểu thuyết thứ 7 “Phiêu dạt” của nữ nhà văn Thương Hà, tôi đã đọc di, đọc lại vài ba lần những câu chuyện kể về sự tác oai, tác quái mà chiến tranh đã và đang được diễn ra và để lại cho nhiều lớp người khác nhau, nhiều tổn thất đến mức không thể có nào bù đắp được, ở những quốc gia và vùng lãnh thổ khác nhau, những thời đoạn khác nhau của thời hiện đại trong tiến trình lịch sử nhân loại. Cuốn sách là hồi chuông nóng bỏng, cảnh báo và thức tỉnh nhân loại về chiến tranh thông qua những câu chuyện kể của nhân vật trong chuyện là nữ nhà văn Lam, đã được Thần Biển giao cho sứ mệnh đem những thông điệp của thần linh truyền đến với con người. Khi gặp Thần Biển, Lam mới chợt nhớ lại:
“Thần biển và những lời sấm truyền để thức tỉnh loài người, thức tỉnh những linh hồn còn lầm đường mà chưa thể siêu thoát…
“Chúng ta gặp nhau, bởi vì con là một người truyền lời.”
“Người truyền lời?!”
“Những áng văn của con, chính là một cách để truyền lời của Thần tới con người. Chúng ta chỉ có thể nói chuyện cùng những linh hồn. Mà câu chuyện của con, sẽ đưa thế giới này đến với những người trên dương thế kia.” (Chương 1).
2. Chiến tranh đối với “người trong cuộc”
2.1. Trước hết tôi cần giới thuyết khái niệm “người trong cuộc” ở đây là những người lính trực tiếp tham gia chiến đấu tại các chiến trường trong các cuộc xung đột vũ trang trên khắp thế giới ở mọi thời đại. Theo đó, trong tác phẩm này có ông Vương, một người lính trong Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Hoa, tham gia chiến tranh biên giới Việt- Trung (1979 – 1989); Lão Đạt, một người lính của quân đội Việt Nam Cộng hòa, tham chiến thời kỳ Mỹ tiến hành chiến tranh xâm lược Việt Nam (1955 – 1975); Mohamed Awad, người lính trong quân đội Giải phóng Palestine, tham gia chiến đấu trong các cuôc xung đột vũ trang giữa hai quốc gia láng giềng Palestine và Israel kéo dài hàng trăm năm qua; Còn Donzefski, một người lính của Quân đội Ucraina, tham chiến trong “chiến dịch quân sự đặc biệt” của chính quyền Nga thực hiện trên lãnh thổ của một nước láng giềng khác là Ucraina từ ngày 24.2.2022 đến nay. Cũng có thể kể đến một người nữa là bố cô giáo Mai, người lính Quân đội Nhân dân Việt Nam đã tham chiến và hy sinh tại chiến trường biên giới Vị Xuyên, Hà Giang (1979 – 1989) mà đến nay vẫn chưa tìm thấy hài cốt.
Tất cả họ đều có chung một số phận do chiến tranh định đoạt. Một số người đã bị ngã xuống do hòn tên mũi đạn của kẻ thù khi đang cầm súng chiến đấu là Mohamed Awad và Donzefski. Và một số người còn lại cũng đã chết sau khi đã rời quân ngũ.
Tuy nhiên cả năm người đã vĩnh viễn không còn có mặt trên thế gian này, nhưng mỗi lại người mang theo những xúc cảm, ám ảnh, những nỗi niềm, suy tư riêng về các cuộc chiến tranh mà họ đã từng đi qua trong tư cách là những “người trong cuộc” xuống địa phủ, nên chưa thể tìm ra con đường siêu thoát cho riêng mình. Vì theo Thần Biển chỉ có những ai trút bỏ được gánh nặng ám ảnh về số phận làm người lính trong các cuộc chiến tranh nơi trần thế thì mới có cơ hội tìm đến cửa luân hồi để được siêu thoát.
Thế nhưng dường như cả bốn người này (trừ bố Mai) đều chưa có ai làm được điều ấy cả. Mỗi người vẫn cứ khư khư giữ lấy cho mình một lý lẽ, suy nghĩ, trăn trở riêng đâu là tính hợp lý của chiến tranh, buộc họ phải tham gia với tư cách là công dân của nước mình. Ông Vương, người lớn tuổi nhất trong số bốn người nhớ lại:
“Kì thực những kí ức của ta về trận chiến ấy không rõ ràng lắm. Cũng có lẽ vì ta già rồi. Những gì còn sót lại trong ta đều là những tiếng đạn, tiếng bom, những tiếng la hét và mùi máu tanh nồng nặc.”… “Ngồi giữa thảm hoa gạo đen sậm mà nhắc đến mùi máu tanh và chết chóc khiến ông ta hơi sởn gai ốc.”…. “Giữa rừng núi hoang sơ với những đồi đá vôi, những tiếng súng đạn vang lên liên tục. Nó giống như một cơn mưa bao trùm lấy tất cả. Cho dù có muốn trốn tránh thì cũng rất khó để thoát khỏi nó.”… “Thực ra lần tham chiến đó, ta không có ấn tượng gì nhiều với đất nước này. Những cái ta nhớ được chỉ là những cuộc chiến khốc liệt và đẫm máu thôi.” (Chương 3).
2.2. Sau cuộc chiến tranh biên giới Việt – Trung, khi đã xuống địa phủ loay hoay tìm đường siêu thoát, ngồi dưới gốc cây hoa gạo đen với Hùng, một chàng trai trẻ bị lừa đi lao động ở châu Âu đã bỏ mạng giữa biển khơi. Khi Hùng hỏi: “Vậy hóa ra người Trung Quốc các ông vẫn cho rằng đó là một cuộc chiến tranh vệ quốc?”(Chương 4).
Ông Vương không mảy may có chút ngần ngại nào, trả lời thẳng tưng như mực tàu với chàng trai người Việt, mặc dù những điều ông nói ra chưa chắc đã đúng vì chúng hết sức mơ hồ:
“Phải! Đó là cuộc chiến tranh tự vệ. Bọn ta nghĩ như vậy. Và chúng ta cũng dạy cho con cháu mình như thế.”… “Cuộc chiến ấy kết thúc xong, cả hai bên đều tuyên bố mình là người chiến thắng. Chúng ta bảo vệ được lãnh thổ của mình. Việt Nam cũng nói họ bảo vệ được đất nước của họ. Những người hi sinh ở nơi đó có lẽ cũng nghĩ vậy. Chỉ có chúng ta, những người còn sống trở về mới mơ hồ về ý nghĩa chân chính của nó.”… “Cậu biết không? Bất kì một cuộc chiến tranh nào cũng đều tàn khốc cả. Cho dù mục đích của nó là gì. Cho dù là bên sai hay bên đúng. Khi đạn ra khỏi nòng, khi máu đã đổ xuống, khi những xác người chồng chất lên nhau, thì đều tàn khốc cả thôi.”… “Trải qua một trận đấu súng như vậy, số người còn sống cũng chẳng được bao nhiêu.” (Chương 4).
Nghe ông Vương nói vậy, Hùng cũng tiếp lời, dù chàng trai trẻ này được sinh ra năm 1992, tức là sau khi cuộc chiến tranh ấy đã kết thức được ba năm, 1989.
“Sau mỗi cuộc chiến tranh, những người cầm quyền đều tuyên bố thắng trận. Chẳng thấy ai thừa nhận sự thua cuộc của bản thân. Họ sẽ nói rằng cho dù có thương vong thì cuộc chiến ấy đã giành thắng lợi bởi mục đích của cuộc chiến ấy là đánh đuổi quân xâm lược và gìn giữ nền hòa bình. Việt Nam hay Trung Quốc đều vậy cả thô. Ngay cả khi các ông không phải là đuổi quân xâm lược mà là muốn dạy cho Việt Nam một bài học.” (Chương 4).
Vì đuối lý, ông Vương quay sang nói như thể cố tình cào bằng, xóa nhòa mọi ranh giới đúng- sai, phải- trái về cuộc chiến tranh xâm lược của Trung Quốc đối với Việt Nam:
“Người Trung Quốc sẽ không thừa nhận điều đó đâu con trai. Và cho dù là người Việt Nam, nếu đặt trong hoàn cảnh tương tự cũng không bao giờ nhận mình là kẻ xâm lược.”… “Lịch sử là như vậy. Bất kì một dân tộc nào cũng đều như vậy. Đúng hay sai chỉ là do người khác phán xét thôi.” (Chương 5).
Cuối cùng ông Vương vẫn cứ khư khư ôm lấy một mớ lý lẽ cùn để cốt giải thích cho Hùng rõ về sự “tất yếu” của cuộc chiến tranh biên giới mà qua đó những người cầm quyền Trung Quốc lúc bấy giờ là chủ tịch Đặng Tiểu Bình, muốn dạy cho Việt Nam một bài học về sự ngạo nghễ, tự tôn dân tộc thái quá sau khi đánh đuổi được quân xâm lược Mỹ, làm sụp đổ chính quyền tay sai Sài Gòn, rồi sau đấy đưa quân đội sang giúp nhân dân Campuchia đánh đuổi và tiêu diệt bè lũ diệt chủng Polpot- Iêngsêry cách đấy chưa lâu.
Dù là người sinh sau đẻ muộn và không trực tiếp tham gia các cuộc chiến tranh ấy, nhưng Hùng cũng có lý lẽ của riêng mình: “Chúng ta, sống trong giai đoạn lịch sử nào thì sẽ cảm nhận rõ nhất về giai đoạn lịch sử đó. Cho dù cái thứ ta nghe không chắc là sự thật, chưa hẳn là đúng đắn nhưng đó là thứ mà những người lãnh đạo đất nước muốn chúng ta phải nghe, phải thuộc. Chúng tôi nói rằng cuộc chiến của mình là chống xâm lược bảo vệ lãnh thổ. Các ông cũng vậy. Nhưng cái mà lãnh đạo nước ông muốn là dạy cho dân tộc nhỏ bé này một bài học và chứng minh cho chúng tôi thấy rằng Liên Xô sẽ không gia nhập cuộc chiến ở Campuchia. Rốt cuộc thì cũng chỉ có những người dân là ngã xuống thôi.”…“Haha, chiến tranh là như vậy. Làm gì có cuộc chiến nào không có tổn thất đâu.”
Hùng hỏi lại: “Vậy chúng ta kiên trì đâm đầu vào chỗ chết để làm gì?”…“Là hèn nhát ư? Là không yêu nước ư? Hay là bởi một cái gì khác?”
Còn ông Vương lại kiên quyết bảo vệ quan điểm của mình: “Ai cũng sẽ nói như vậy. Chúng ta hi sinh cho mục tiêu cao cả hơn.” (Chương 5).
Hùng dồn ông Vương vào chân tường: “Thế ông có chắc rằng mình hi sinh rồi thì cái mục tiêu cao cả ấy sẽ đạt thành không?” (Chương 5).
Chính cô giáo Mai, một người hậu sinh và “ngoài cuộc” cũng đã hỏi ông Vương về cuộc chiến tranh biên giới Việt – Trung năm xưa đã cướp đi người cha thân yêu của mình:
“Có phải các ngài vẫn luôn nghĩ rằng đó là một cuộc chiến tranh chống lại sự xâm lược của Việt Nam hay không?” (Chương 8)
Ông Vương trả lời một cách ráo hoảnh: “Đúng vậy! Chúng tôi nhận được tin báo về sự xâm lược của quân Việt Nam ở biên giới nên chúng tôi lên đường đến đó. Lúc đó…” (Chương 8).
Bởi vì, nhận thức của người dân nói chung và người lính nói riêng về sự đúng sai, tất yếu hay lựa chọn, khi chiến tranh xảy ra là hoàn toàn phụ thuộc vào ý đồ và sự tuyên truyền của những người cầm quyền của chính quyền sở tại lúc bấy giờ, mà ông Vương cũng không phải là trường hợp ngoại lệ:
“Người Trung Quốc dạy cho con cháu mình rằng đó là cuộc chiến tranh vệ quốc, là cuộc chiến chống lại sự xâm lược của Việt Nam. Nhưng hẳn là hiếm có mấy người chiến sĩ còn sống sót trở về từ trận chiến ấy nói với những đứa con của mình trên đất Trung Hoa rằng họ đã cầm súng, dùng pháo quét ngang ngọn đồi núi đá của Việt Nam như thế nào. Hiếm có mấy ai nói với thế hệ sau rằng, họ đã cầm súng đứng trên lãnh thổ Việt Nam, chĩa họng súng vào những người lính Việt Nam và cả dân thường nữa, khiến những người con đất Việt đã bỏ mình nơi rừng núi hoang vu mãi chẳng thể tìm thấy xác, những mảnh xương vắt vẻo trên sườn đá, sương gió đã làm mục nát, thân xác đã hóa thành cỏ vía giữa rừng trời từ bao giờ. (Chương 9).
2.3. Còn với lão Đạt, dù vẫn mặc cảm trước những sự dè bĩu, mỉa mai và lên án của Hùng và dường như là của cả một nửa số người dân đất Việt phía bên kia chiến tuyến, nhưng lão ta vẫn cảm thấy có một cái lý nào đấy, khi mình tự nguyện đứng trong hàng ngũ những người lính Việt Nam Cộng hòa, chiến đấu chống lại sự xâm lược của Bắc cộng. Nhưng ở vào cái thời và cái thế như lão Đạt, xét cho cùng lão ta cũng có cái lý riêng của mình, mà không phải ai cũng dễ dàng chấp nhận được.
“Nào đâu phải mình ông ta bị chửi như thế. Cứ khoác trên mình quân phục Việt Nam Cộng hòa là sẽ có người căm phẫn mắng chửi, lườm nguýt dè bỉu hay thậm chí là muốn cho ông ta một viên đạn, một cục gạch để ông ta sớm chầu Diêm Vương mà thôi. Lão Đạt cũng quen dần với điều đó rồi. Mặc dù ông ta không thể chấp nhận được những hành vi của lính Mỹ trên mảnh đất này, nhưng ông ta cũng lại chẳng có suy nghĩ gì khác rằng phải đấu tranh, phải đánh đuổi quân thù hay giành độc lập. Lối nghĩ của một kẻ từ nhỏ đã bấp bênh như ông ta chỉ mong có được một chỗ dựa để mình khỏi lênh đênh.”… (Chương 18).
Có lẽ vì thế mà Hùng và lão ta mới xảy ra một cuộc tranh luận nảy lửa ở chốn địa phủ này. Mỗi người có một lý lẽ riêng, không ai sai tất mà cũng không ai đúng hết:
“Ông cho rằng mình yêu nước sao?”
“Tôi yêu nước. Không phải tôi cho rằng là thế. Mà tôi thật sự là như vậy.”
“Ông yêu nước nên ông làm lính Việt Nam Cộng hòa ư?”
“Lính Việt Nam Cộng Hòa cũng phục vụ chính thể của họ ở Việt Nam. Vì sao phục vụ cho chính thể Việt Nam lại là không yêu nước?”
“Vậy ông có biết chính phủ Việt Nam Cộng hòa đưa quân Mỹ vào đất nước này không?”
“Chính phủ nói quân Mỹ bảo hộ cho Việt Nam Cộng hòa trước cuộc chiến với Việt Nam dân chủ cộng hòa.”
“Ồ! Chính phủ nói. Vậy tự ông nhìn thấy những gì? Quân Mỹ đã làm những gì trên đất nước này, ông có nhìn thấy không?”
“Quân Mỹ… quân Mỹ giúp quân Việt Nam Cộng hòa đánh Việt Cộng”…
“Quân Mỹ đánh Việt Cộng ư? Ồ! Vậy những người dân bị tàn sát vô cớ thì sao? Ông có biết không? Nhiều cô gái bị lính đánh thuê Park Chung-hee cưỡng hiếp. Ông có biết không? Những quả bom thả xuống khắp đất nước này, không chỉ giết chết lính Việt Công mà còn cướp đi mạng sống của rất nhiều người dân vô tội Việt Nam. Ông có biết không?”…
“Ông nào đâu có biết những điều đó. Thậm chí là cả những nạn nhân chất độc da cam vẫn để lại hậu quả cho đến hiện tại mà chính phủ Mỹ vẫn chưa chịu bồi thường, ông cũng đâu có hay. Ông cũng chẳng biết được trên đất nước này đến giờ vẫn có những đứa con lai, sống và trưởng thành mà không biết cha mình là ai. Ngay cả mẹ chúng cũng không biết cha chúng là ai. Bởi cha chúng có thể là một tên lính Mỹ, một tên lính đánh thuê Nhật Bản hay Hàn Quốc nào đó.”… “Ông có đủ hai mắt hai tai. Ông có thể nghe thấy tiếng súng, nghe được tiếng bom, nghe tiếng oán giận lầm than của người dân. Ông cũng có thể nhìn thấy cảnh dân bị hại, bị tra tấn tàn nhẫn. Cho dù chẳng học hành gì ông cũng có thể phân biệt được là ai đúng ai sai. Ông chỉ là thu mình vào cái vỏ ốc, tìm cho mình một nơi an toàn rồi bao biện cho sự thờ ơ của bản thân bằng cái lí do vô tri mà thôi.”… Cậu ta có biết về những người lính Việt Nam Cộng hòa. Dù họ mang trên mình một lá quốc kì khác, nhưng họ vẫn hướng trái tim họ về Tổ quốc này. Họ cũng sẽ giúp đỡ những người lính Việt Công bị thương. Họ cũng ngăn cản sự tàn sát vô tội vạ của lính Mỹ để bảo vệ những người dân lành vô tội. Ấy thế nhưng họ cũng chẳng lớn giọng nói mình yêu nước như lão Đạt.
Có lẽ ông ta cũng yêu nước. Có lẽ ông ta cũng bất lực khi chứng kiến những tội ác của lính Mỹ trên đất nước này. Có lẽ ông ta cũng từng bất lực khi nghĩ phải làm sao để cứu những con người vô tội ở đây hay là tự mình thoát khỏi cuộc chiến tranh khốc liệt ấy.”… (Chương 19).
2.4. Mohamed Awad, một người lính Palestine từng tham chiến tại những cuộc xung đột của người dân nước mình với quân đội Israel lại nhìn về chiến tranh theo một cách khác:
“Có lẽ tất cả chỉ mới là bước khởi đầu. Hoặc cũng có thể chúng tôi chưa tìm được con đường đúng đắn mình cần phải đi. Mọi thứ giống như một mối tơ vò hỗn loạn vậy. Những cuộc tấn công vẫn diễn ra. Những cuộc đụng độ vẫn điên cuồng mỗi ngày. Người dân cứ bị thương và tử vong. Chỉ có cuộc chiến kia là chưa chấm dứt.” (Chương 26)…
“Từ thời cổ đại, dân tộc chúng tôi vì những cuộc chiến tranh và xâm lược triền miên nên phải di tản đi khắp nơi. Cho dù chúng tôi cố bám trụ lại mảnh đất ấy thì cuối cùng sau bao năm, số người Hồi giáo ở lại chính quê hương của mình cũng chỉ còn 44%.” (Chương 25).
Mohamed Awad đã đặt ra những câu hỏi vô cùng hóc búa đối với ông Vương, mặc dù ông ta kiên quyết phản đối:
“Tôi đặt một giả thiết. Nếu một đất nước, như lớn chẳng hạn, muốn lấy được lợi ích từ lãnh thổ của Việt Nam, họ chọn xâm lược Việt Nam. Nhưng đất nước đó thực sự có thiếu thốn đến mức phải đi xâm chiếm Việt Nam không? Đó là một câu hỏi mang tính lựa chọn chứ không phải điều bắt buộc phải thực hiện.”… “Và Việt Nam có nhất định phải chống lại cuộc chiến xâm lược đó không? Họ cũng có thể lựa chọn trở thành một phần của đất nước kia. Chẳng ai phải chết cả. Đúng không? Đó cũng là một lựa chọn, chứ không phải điều bắt buộc phải thực hiện sao?”
“Không. Cậu nói vậy là không đúng.” (Chương 32).
2.5. Donzefski, một người lính trẻ Ucraina vừa mới gục ngã trên đất nước mình trong “chiến dịch quân sự đặt biệt” mà người Nga và tổng thống của họ là ông V. Putin đã phát động tấn công vào quốc gia láng giềng Ucraina cách đây khoảng 11 tháng, chính xác là từ ngày24.2.2022 đến nay lại có một cái nhìn có vẻ khách quan, sát với thực tế hơn.
Có thể nói, cả thế giới đều biết rõ là vị Tổng thống Ucraina, Zelensky là một người bài Nga và thân phương Tây. Nói một cách chính xác hơn từ một diễn viên hài nhảy một phát lên làm Tổng thống của một quốc gia có một truyền thống văn hóa khiến cả thế giới phải kính nể, lại nằm sát nách một cường quốc hạt nhân như Nga, vốn là cái đinh trong mắt của người Mỹ và các nước phương Tây như một đối trọng đáng gườm mà họ luôn muốn nhổ đi, thì vị tổng thống ấy phải được Mỹ và phương Tây ủng hộ, chống lưng là chắc chắn. Đã vậy Ucraina sớm hay muộn cũng là quốc gia để Mỹ và phương Tây thực hiện cuộc “chiến tranh ủy nhiệm” chống lại nước Nga, phê truất Tổng thống Nga Putin, một nhà chính trị lão luyện, già rơ và thậm chí họ còn muốn xóa sổ vĩnh viễn nước Nga trên bản đồ địa chính trị thế giới đơn cực do Mỹ đứng đầu và cầm chịch.
Thế nhưng với một nhà chính trị nghiệp dư như Tổng thống Zelensky có thể hoàn toàn không hiểu được hay cũng có thể cố tình không muốn hiểu một âm mưu sâu xa của Mỹ và các nước đồng minh phương Tây NATO và EU là luôn muốn tiêu diệt đế chế Nga, mà dưới con mắt của họ là nhà nước độc tài, là kẻ thù không đội trời chung với thể chế nhà nước dân chủ theo kiểu Mỹ và phương Tây. Trong khi đó vị diễn viên hài tổng thống Zelensky luôn lớn tiếng nói với người dân nước ông là chúng ta chiến đấu chống lại Nga vì quyền lợi chính đáng của người dân Ucraina, vì toàn vẹn lãnh thổ quốc gia… nên việc Mỹ và các nước phương Tây phải viện trợ vũ khí quân sự, kinh tế, y tế, nhu yếu phẩm cho họ là điều tất yếu phải đảm bảo. Cao hơn nữa, sự ngây thơ của Zelensky còn cho rằng Ucraina là quốc gia thuộc một phần của NATO và EU, nên họ phải có nghĩa vụ trợ giúp để chống lại quân xâm lược Nga. Trong khi ấy, dưới con mắt của người Mỹ và các nước đồng minh phương Tây, Ucraina chưa bao giờ là thành viên NATO, cũng không phải là thành viên EU, vì chính NATO, EU và Mỹ không bao giờ có ý định đối đầu trực tiếp với một cường quốc hạt nhân nhất nhì thế giới như Nga, vì họ e sợ sẽ xảy ra Thế chiến thứ III bằng chiến tranh hạt nhân thì khi ấy tất cả đều trở về với con số không tròn trĩnh, vì trái đất này sẽ không còn một bóng người.
Thực chất, Ucraina dù là quốc gia lớn thứ 2 châu Âu, chỉ đứng sau Nga. Nhưng Ukraine chỉ có có diện tích tự nhiên gần 604.000 km2 so với diện tích nước Nga 17,1 triệu km2, chỉ bằng hơn 1/30. Còn dân số hơn 43,3 triệu người so với dân số nước Nga 146 triệu người, chưa bằng 1/3. Đấy là chưa kể đến các chỉ số so sánh khác về nguồn năng lượng, tiềm lực quân sự và quốc phòng, nhất là vũ khí hạt nhân, Nga là nước đứng thứ 2 thế giới, chỉ xếp sau Mỹ. Còn về vũ khí kỹ thuật quân sự Nga có nhiều lĩnh vực vượt qua Mỹ. Đấy là lý do chính đáng nhất, khiến Mỹ và phương Tây không dám đương đầu trực tiếp về quân sự với Nga.
Vậy mà ông diễn viên hài Zelensky cứ khăng khăng một mực đòi thắng Nga. Chắc điều này chỉ có thể diễn ra trên sân khấu hài của vị Tổng thống này thôi. Kể cũng vui ra phết. Ở vào thời đại cách mạng công nghệ 4.0 mà vẫn có một vị Tổng thống diễn hài trên sân khấu địa chính trị.
“Tôi không hiểu vì sao tổng thống của chúng tôi có thể tin tưởng vào cái gọi là sự ủng hộ của Mỹ. Thế nhưng với những người lính cầm súng ra trận như chúng tôi thì chúng tôi biết, cái duy nhất ủng hộ chúng tôi là chính những người thân đang ở nhà mỗi ngày cầu nguyện cho chiến tranh nhanh kết thúc.”…
“Nói sao nhỉ? Đó là một cuộc chiến tranh xâm lược, cho dù với bất kì lí do nào đi nữa. Không thể chối cãi được.”
“Xâm lược. Vậy thì phải đánh chứ.”
“Ừ! Phải đánh.” (Chương 34).
Cuối cùng Donzefski cũng đã phải thốt lên một sự thật đau lòng như là tìm kiếm sự chia sẻ từ phía ông Vương:
“Chắc ông cũng hiểu nhỉ? Chẳng có bất kì một quốc gia nào có thể giúp đỡ các ông đánh đuổi quân xâm lược hết. Cùng lắm họ sẽ viện trợ cho các ông chút đồ ăn thức uống hay là vũ khí. Những tên lính đánh thuê cũng chỉ sang ăn hôi chút thôi. Cuối cùng thì vẫn phải là các ông tự cứu lấy mình.” (Chương 35).

3. Chiến tranh đối với “người ngoài cuộc”
3.1. Bao giờ cũng vậy, chiến tranh không chỉ làm tan nát một quốc gia, vùng lãnh thổ với bom đạn và các loại vũ khí kỹ thuật quân sự hiện đại. Điều đó, ắt sẽ dẫn đến thiên nhiên bị tàn phá trơ trọi, nhà cửa, các công trình quân sự và dân sinh sụp đổ, cơ sở hạ tầng xã hội như đường xá, cầu cống bị đánh sập; các nguồn cung cấp năng lượng bị hủy hoại… Và chắc chắn một điều là bao nhiêu sinh mạng của những người lính trực tiếp tham gia cuộc chiến ấy bị cướp đi bởi hòn tên mũi đạn của quân thù và số người lính bị thương tích, tàn phế có khi còn cao hơn gấp nhiều lần những người đã ngã xuống. Còn đối với những “người ngoài cuộc” như mẹ ông Vương, vợ lão Đạt, Hùng, cô giáo Mai hay Richard thì sao?
Chính những “người ngoài cuộc” nhiều khi lại cảm nhận về chiến tranh rõ hơn những “người trong cuộc”. Và những ám ảnh về chiến tranh cũng nhiều khi đeo bám dai dẳng và róng riết hơn đối với những “người ngoài cuộc”
“Mỗi người sinh ra đều có một nỗi khổ chẳng ai giống ai. Họ có thể khổ trong chiến tranh, khổ vì chiến tranh, khổ vì sinh ra bởi những người chịu ảnh hưởng của chiến tranh. Đôi khi chẳng phải vì chiến tranh thì họ vẫn có cái khổ riêng của mình. Trong tâm tưởng của mỗi người đều cho rằng, cứ phải cầm súng, cầm gươm, cầm vũ khí giết chết xâm lược thì đó mới gọi là chiến tranh. Thế nhưng kì thực trong xã hội này, cuộc sống tồn tại những cuộc chiến mà người ta lại chẳng thể nhìn rõ bằng mắt thường. Hoặc có lẽ họ nhìn thấy, nghe thấy nhưng lại không nghĩ rằng nó là chiến tranh.” (Chương 22).
3.2. Một người như Hùng, đúng là khổ vì chiến tranh, dù rằng anh không phải là người trực tiếp tham chiến, nhưng không phải vì thế mà không phải gánh chịu những hậu quả do chiến tranh để lại.
Đất nước trải qua các cuộc chiến tranh liên miên, làm cho sản xuất không phát triển được, kinh tế kiệt quệ, công ăn việc làm không có, nên anh ta đành phải đi tìm một cuộc sống bình yên và no ấm hơn. Đấy là suy nghĩ và việc làm chính đáng mà bất cứ một người bình thường nào cũng có thể nghĩ và làm như vậy. Nhưng Hùng lại không thể ngờ được rằng mọi suy nghĩ chính đáng của mình không vượt qua được đầu óc tính toán trong thời buổi khó khăn, nghèo đói, mọi người đua nhau ra nước ngoài kiếm sống trước hết là để cứu lấy mình, người thân trong gia đình trước khi trời cứu. Nhưng Hùng đâu có ngờ đấy cũng chính là cơ hội béo bở cho những tên lừa đảo đưa người đi lao động phía trời Âu.
Và thế là Hùng trượt dài trong mơ ước đi tìm một miền đất hứa. Cực chẳng đã. Hùng giống như con chim nhốt trong lồng, con cá trong chậu, miếng thịt trên thớt, phó mặc cho số phận nổi trôi theo những khát vọng hão huyền:
“Những ngày đầu ở kí túc xá của công ty, họ thu hết các giấy tờ tùy thân của chúng tôi như chứng minh thư hay hộ chiếu và nói rằng để lo liệu thủ tục giấy tờ. Mọi người cũng đều tin tưởng nên chẳng ai có phản ứng gì. Họ cũng không cho chúng tôi ra ngoài, cả đám ở tập trung trong một căn nhà với nhiều phòng giường tầng tại một khu ngoại ô. Chờ đến lúc thích hợp họ mới đưa chúng tôi đi.”
“Đưa đi? Họ đưa các cậu đi kiểu gì?”
… “Đó là vào một buổi tối muộn. Họ gọi chúng tôi dậy giữa đêm rồi bảo chúng tôi nhanh chóng di chuyển lên thùng của những chiếc xe container lớn. Chúng tôi giống như những món hàng được xếp bên trong thùng xe vậy.”… “Xe đi mãi rồi cũng dừng lại. Tôi không biết bên ngoài như thế nào, nhưng xe chuyển động rất chậm. Cứ được một chút lại dừng lại, giống như đang xếp hàng vậy.”… “Lúc ấy tôi giống như con cá nằm trên thớt sắp chết rồi. Khi người ta thiếu oxy lên não thì ngay cả mình là ai cũng chẳng biết chứ đừng nói gì đến chuyện nghĩ cái gì khác.” (Chương 22).
Và thế là “cuộc chiến của cậu ta thì đã thua ngay từ vạch xuất phát. Đơn giản chỉ là sự thiếu hiểu biết của bản thânmà thôi.” (Chương 28).
3.3. Richard với tư cách là một nghị sĩ của Hoa Kỳ, nên ông ta cũng có cái nhìn của giới thượng lưu và lối sống thực dụng của người Mỹ. Điều ấy hoàn toàn khác xa với suy nghĩ của những người lao động như Hùng, mẹ ông Vương hay vợ lão Đạt. Richard đã nói với Hùng:
“Lịch sử của chúng ta nói gì nhỉ? Nếu một cuộc xâm lược thành công, chúng ta nói với con cháu rằng mình đang mở mang bờ cõi. Nếu một cuộc xâm lược thất bại, chúng ta nói rằng chúng ta giúp đỡ chính quyền Việt Nam Cộng hòa chống lại quân Cộng sản nhưng rồi nhà nước Việt Nam Cộng hòa thất bại. Lịch sử có dạy các cậu những điều đó không?”… “Nếu như các cậu cũng có được lợi ích tương xứng, liệu có quan tâm đến việc đất nước mình bị xâm chiếm hay không? Hay là nói, nếu như cậu có được lợi ích mà mình muốn, cậu có nghĩ mình cần phải chiến đấu để giành lại chủ quyền dân tộc hay không?” (Chương 28).
Khi đối mặt với Thần Biển, Richard đã đưa ra nhiều lý lẽ tranh luận lại với Ngài về chiến tranh trên cơ sở của lý thuyết về lợi ích vật chất hơn là đạo lý và bản tính nhân bản thiện của con người:
“Rằng cạnh tranh không đồng nghĩa với chiến tranh. Rằng những cuộc chiến tra nh phi nghĩa chỉ khiến những người vô tội phải chết oan uổng. Thế nhưng họ lại chẳng hiểu được bản chất của chiến tranh.”…“Chúng ta có nhiều cách để cạnh tranh và để giành được thứ mà mình muốn. Cách nguyên thủy nhất mà tất cả những loài động vật sử dụng chính là bạo lực. Con người không phải lúc nào cũng sử dụng bạo lực. Chúng ta chỉ sử dụng bạo lực ở trường hợp cuối cùng khi mà đối thủ không chịu nhượng bộ. Không giống như các loài vật chỉ có thể sử dụng bạo lực để tranh cướp lẫn nhau mà thôi.”… “Ta không biết những truyền thuyết mà chúng ta vẫn lưu truyền liệu có thật hay không. Thế nhưng đâu phải các Thần đều bình đẳng. Các ngươi cũng có người đứng đầu, kẻ cầm quyền và những người bé nhỏ hơn phải phục tùng. Nếu xảy ra tranh chấp, có phải các người cùng sẵn sàng tàn sát lẫn nhau không?” (Chương 29).
Đích thị đấy là suy nghĩ và giọng điệu của những kẻ “mạnh vì gạo, bạo vì tiền”, của những người luôn coi mình là bề trên, thượng đẳng đi phán xét những người khác, mà dưới con mắt của ông ta họ chỉ là những người nghèo hèn, thấp cổ bé họng và ngu dốt không hiểu biết gì sất.
Tuy nhiên, xét ở một khía cạnh khác, Richard với tư cách là một Thượng nghị sĩ của Hoa Kỳ, một nước từng mang quân đội và vũ khí sang xâm lược Việt Nam, nên ông ta không thể là vô can, vì tiếng nói của ông đối với chính quyền Mỹ là rất quan trọng. Dưới góc nhìn của Thần Biển thì:
“Hơn ai hết, Richard lại là kẻ đứng đầu trong những cuộc chiến ấy. Ông ta không hẳn là kẻ trực tiếp giết người. Nhưng phần lớn những cuộc chiến tranh nổ ra là bởi những kẻ như ông ta.”… “Nếu nói những kẻ ngươi giết đều chống lại ngươi, là những kẻ cạnh tranh với ngươi trong cuộc chiến của quyền lực, của lợi ích. Vì ngươi muốn hướng đến một thứ tốt đẹp mà làm vậy. Những quả bom nguyên tử ném xuống các thành phố, làng mạc giết chết bao mạng người, hàng trăm ngàn tấn thuốc diệt cỏ rải khắp các cánh rừng, đồng quê để lại hậu quả cho biết bao thế hệ người Việt Nam thời hậu chiến thì sao? Những nạn nhân đó cũng xứng đáng ư? Bởi họ là người dân của đất nước đang chống lại các ngươi? Vì nếu còn sống thì một ngày nào đó họ cũng sẽ chống lại các ngươi ư?” (Chương 29).
Bàn về cuộc chiến tranh hiện đang xảy ra giữa Nga và Ucraina, bằng giọng điệu của một ông nghị sĩ nước lớn Hoa Kỳ, Richard đã phán xét người khác, khi ông ta nói với Donzefski:
“Thậm chí, ngay cả người cầm quyền hay tổng thống của nước cậu cũng chính là một phần đẩy kết cục của mâu thuẫn này biến thành một cuộc chiến tranh.” (Chương 37).
Phán xét về chiến tranh nói chung, ông Vương lại tỏ ra có lý khi ông nói với chàng trai trẻ rằng:
“Cậu biết không? Những nỗi đau chiến tranh, không chỉ là người từng trải qua mà cho dù là ai, thế hệ nào, chúng ta đều có chung một cảm giác về nỗi đau như thế.” (Chương 35).
3.4. Cô giáo Mai, một trong số những người thực tập sinh Việt Nam tại Trung Quốc, thuộc thế hệ 9X, những tưởng chẳng liên quan gì đến cuộc chiến tranh biên giới Việt- Trung (1979- 1989). Vậy mà cô còn gánh chịu hậu quả của cuộc chiến tranh đó, có khi còn hơn cả những “người trong cuộc” như ông Vương hay lão Đạt. Sau khi ông Vương đã giải ngũ về công tác tại một trường đại học, nơi có nhiều sinh viên Việt Nam đến tu nghiệp. Ông gặp cô Mai và được cô ấy cho biết:
“Cha tôi đã hi sinh ở Vị Xuyên. Cho đến hiện tại vẫn chưa tìm thấy hài cốt. Không chỉ cha tôi, mà rất nhiều người Việt Nam đã nằm lại ở nơi đó. Trong số họ, chắc sẽ có không ít người chết dưới họng súng của ông.” (Chương 3).
“Thậm chí cô chỉ được nghe nói về nó qua những lời kể,những trang sách và những hình ảnh tư liệu mà người ta ghi lại được.Thế nhưng nỗi đau ấy thì lại chẳng hề nhỏ chút nào. Nó kéo dài trong suy nghĩ của con cái những người lính từng tham gia chiến tranh.” (Chương 36).
4. Tạm kết
4.1. Dù là quá khứ hay hiện tại, quốc gia, vùng lãnh thổ hay lục địa nào, vì bất cứ lý do gì chính đáng hay ngụy tạo, xâm lược hay chống xâm lược, dù là phiến quân hay chính quyền quốc gia… nếu để xảy ra chiến tranh đều là tội ác với đại bộ phận người dân nơi chiến sự xảy ra. Người ta có thể trốn chạy từ chỗ này đến chỗ khác trong một thời gian có thể là ngắn hay dài, nhưng dứt khoát không một ai có thể trốn chạy khỏi lịch sử và càng không có thể chối bỏ trách nhiệm lương tâm của chính mình khi để xảy ra chiến tranh.
Theo tôi, đấy chính là thông điệp nóng bỏng nhất mà tiểu thuyết “Phiêu dạt” của nữ nhà văn Thương Hà gửi tới tất cả mọi người. Trải dài hơn 400 trang sách là một sự nhức buốt về thảm họa chiến tranh, không chỉ đối với những người còn sống sót, dù “trong cuộc” hay “ngoài cuộc”, mà còn cả với những người đã về thế giới bên kia nhưng vẫn chưa tìm được đường siêu thoát.
“Lịch sử luôn ghi lại, và ngay cả hiện thực cũng đang cho chúng ta thấy rất nhiều vấn đề của chiến tranh: Những cuộc di dân và những người dân vô tội phải bỏ mạng.
Những sự bất ổn khiến người dân không thể sống và làm việc một cách bình thường. Thậm chí có những người đêm đêm không thể ngủ bởi lo lắng cho những gì đang diễn ra. Những tiếng súng vang lên trong đêm yên tĩnh. Người dân lo lắng không biết chỉ vài giây sau ngôi nhà mình đang ở, đang tạm lánh nạn sẽ trở thành một đống đổ nát.
Chẳng một ai có thể biết được vài giây tiếp theo sau mình có thể bỏ mạng và trở thành một phần trong dòng chảy lịch sử của cuộc xung đột này hay không.” (Chương 39).
Bởi vì chiến tranh vĩnh viễn không bao giờ là tất yếu mà là một sự lựa chọn khi hai bên không tìm được tiếng nói chung thông qua con đường đối thoại hòa bình. Thực ra những người cầm quyền tối cao của một một quốc gia, vùng lãnh thổ, dù ở phía bên nào cũng đều nhân danh vì người dân của quốc gia họ và vì sự toàn vẹn lãnh thổ, nên kiên quyết không bên nào chịu nhượng bộ bên nào. Thế là bạo lực xem ra là cái mà họ cần thiết phải đem ra nói chuyện với nhau để bảo vệ chính thể của mỗi bên. Chủ tịch Trung Quốc Mao Trạch Đông trước đây từng tuyên bố đanh thép rằng: “súng đẻ ra chính quyền”.
4.2. Thời hiện đại còn có nhiều hình thức chiến tranh khác so với quá khứ, nhưng nổi bật nhất là chiến tranh phòng vệ quốc gia mà Nga đã và đang thực hiện đối với quốc gia láng giềng Ucraina. Còn trước đây Mỹ và các nước NATO đã phát động một số cuộc chiến tranh phòng vệ ở Afganistan, Liby hay Iraq. Tất cả các cuộc chiến tranh do người Mỹ phát động trước đây đều với lý do là các quốc gia nói trên có nguy cơ đe dọa an ninh của nước Mỹ. Tất nhiên đấy chỉ là cách giải thích và là cái cớ để chính quyền Mỹ phát động chiến tranh. Còn lý do nguy cơ đe dọa an ninh của nước Mỹ nhiều khi không hề có thật. Sau khi phát động chiến tranh với Iraq vì cho rằng quốc gia này sản xuất và tàng trữ vũ khi giết người hàng loạt (hạt nhân), nên Mỹ đã quyết truy tìm và giết cho bằng được vị Tổng thống “cứng đầu cứng cổ” Saddam Hussein. Cuối cùng vào năm 2008, chính Tổng thống Mỹ G.W. Bush trong một bài phát biểu của mình đã thừa nhận cuộc tấn công Iraq đã dựa trên các chứng cứ không có thật.
Cùng với đó, còn có một hình thức chiến tranh mà giới bình luận chính trị kỳ cựu gọi là “chiến tranh ủy nhiệm”, tức là Mỹ và các nước đồng minh phương Tây chỉ mượn đất và chính quyền Ucraina để thực hiện chiến tranh chống lại một quốc gia thứ ba, mà ở đây là tiêu diệt nước Nga hay chí ít cũng làm suy kiệt tiềm lực kinh tế và quốc phòng của đế chế Nga, một cường quốc hạt nhân không thua kém gì Mỹ, chứ thực chất không phải vì người dân Ucraina và toàn vẹn lãnh thổ quốc gia của họ, như vị Tổng thống diễn viên hài Zelensky đã mơ tưởng hão huyền đâu.
Nhưng kể cả đấy có là một suy nghĩ nghiêm túc về chiến lược phòng vệ đất nước và bảo vệ công dân của mình đi chăng nữa, để xảy ra chiến tranh thì không chỉ Tổng thống Nga V. Putin, người phát động cuộc chiến tranh mà ngay cả Tổng thống Zelensky của Ucarina cũng đều là người gây ra tội ác với chính người dân nước mình./.
Dịch Vọng, Hà Nội 2.1.2023.
ĐỖ NGỌC YÊN