Tiểu luận của tác giả trẻ Lê Si Na ở Quảng Trị

Vanvn- Nhà phê bình trẻ Lê Si Na sinh năm 1988 tại tỉnh Quảng Trị. Chị hiện là giáo viên ngữ văn Trường THPT Chuyên Lê Quý Đôn – Quảng Trị; nghiên cứu sinh Viện Văn học – Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam.

Tác giả trẻ Lê Si Na

Vài năm trở lại đây, cái tên Lê Si Na bước đầu gây ấn tượng với khách văn chương qua những bài phê bình xuất hiện trên các tạp chí như Văn Nghệ Quân Đội, Nhà Văn & Tác Phẩm, Sông Hương…

Từ chối viện dẫn lý thuyết khô xám đông tây này kia, cây bút trẻ Lê Si Na trình xuất những văn bản phê bình tươi và sang khi chỉ chú mục “làm việc” với văn bản sáng tác bằng tất cả nữ cảm của mình. Văn phê bình của chị mạch lạc sáng rõ và có khả năng truyền cảm hứng.

HOÀNG ĐĂNG KHOA giới thiệu

 

Biểu tượng hoa hồng

từ nữ cảm tôn giáo của Colleen McCullough

 

Hoa hồng là nguồn cảm hứng sáng tạo muôn thuở của nghệ thuật. Không phải chỉ vì đó là niềm tôn thờ của những người Bulgaria hay sự kiêu hãnh trong dáng dấp của một loài hoa nữ hoàng mà không sự cao quý nào chạm đến được, mà còn vì câu chuyện về những bông hoa ấy khiến người ta nhận ra, rằng tất thảy những điều kì diệu và cao đẹp nhất trên cuộc đời này có lẽ đều phải được đánh đổi và trả giá bằng những nỗi buồn lộng lẫy, bằng sự hi sinh, bằng đớn đau hay bằng cả cái chết.

Thần thoại Hi Lạp từng kể, hoa hồng được sinh ra từ chính máu và nước mắt của thần Aphrodite khi nàng chịu gai đâm băng rừng tìm người yêu là Adonis. Huyền thoại đẹp đẽ này khiến người ta nghĩ đến con chim lao mình vào bụi mận gai để được một lần cất tiếng hót trong đời ở The Thorn Birds của nữ văn sĩ người Úc Colleen McCullough. Cuốn tiểu thuyết ngọt ngào và buồn thương này để lại trong lòng người đọc nhiều day dứt, và hoa hồng, màu tro của hoa hồng đã bám riết tâm trí độc giả mãi không thôi. Màu tro của hoa hồng ấy đã có khi nhạt nhòa mong manh, có lúc rơi vào hố thẳm khôn cùng của tuyệt vọng và hủy diệt nhưng vẫn cứ nồng nàn trong trái tim đức cha Ralph de Bricassart, bền bỉ mãnh liệt và đầy thách thức trong cuốn Kinh thánh mà Hồng y giáo chủ vẫn mang bên mình, xuyên suốt từ đầu đến cuối thiên truyện như một biểu tượng đầy dẫn dụ và ám ảnh về tôn giáo, tính nữ và tình yêu.

Phụ nữ là một vấn đề luôn được đặt ra trong các tôn giáo lớn. Nếu cho rằng “lịch sử giới nữ là lịch sử của câm lặng và giông bão” (Trần Huyền Sâm) thì lịch sử của phụ nữ với tôn giáo là lịch sử của khuôn mẫu và định kiến, của cấm kị và hà khắc, của thừa nhận và chống đối. Vậy nên, không phải nhà văn nào cũng đủ dũng cảm đặt cả hai phạm trù này bên cạnh nhau. Nhưng, trước tường thành bí ẩn và thiêng liêng này, McCullough đã vượt qua ấn định giáo lí thông thường để viết nên Tiếng chim hót trong bụi mận gai mà ở đó những nhìn nhận về tôn giáo đã được tượng hình bằng một nguồn cảm hứng lãng mạn nhưng đầy kịch tính, gay gắt mà không kém phần phóng khoáng bay bổng, bằng một nữ cảm tôn giáo mạnh mẽ, quyến rũ và mê đắm lạ thường.

Tiếng chim hót trong bụi mận gai, đồng hành với xứ sở Drogheda diệu kì là câu chuyện về ba thế hệ nhà Cleary trong suốt chiều dài thời gian hơn nửa thế kỉ trên đất Úc châu từ năm 1915 đến năm 1969. Họ đã sống với thiên nhiên, với những bi kịch của kiếp người được vùi chôn giấu kín, những mất mát, hận thù, chia li. Trung tâm của câu chuyện là cuộc gặp gỡ cùng mối tình kì lạ giữa Meghann, tên gọi thân mật là Meggie, và vị cha xứ Ralph de Bricassart. Bằng những gì trong khiết và say đắm nhất, bất chấp tuổi tác, không – thời gian, những cấm kị tôn giáo, họ yêu nhau, vượt lên trên cả tình yêu đối với Chúa…

Không phải ngẫu nhiên mà ở cuốn tiểu thuyết có sự đấu tranh dữ dội giữa tình yêu và tôn giáo này, hoa hồng trở thành một hình ảnh xuất hiện đậm nét và trở đi trở lại (17 lần) như thế. Với văn hóa phương Tây, hoa hồng mang vẻ đẹp của người Mẹ thánh thần, biểu thị cho sự hoàn mĩ trọn vẹn. Nó tượng trưng cho phần thưởng của cuộc sống, cho tâm hồn và trái tim. Hoa hồng là hoa của tình yêu thay thế cây sen Ai Cập, cây thủy tiên Hi Lạp. Đó là loài cây kiêu kì, sống bền bỉ, gai góc nhưng rất đỗi dịu dàng như một tình yêu trong trắng và hiến dâng. Trong hệ tranh tượng đạo Kitô, hoa hồng lại được coi như là chén hứng máu Chúa hoặc là sự hóa thân của những giọt máu này, hay là biểu tượng những vết thương của Chúa. Với cái nhìn ấy, hoa hồng còn như là nỗi đau, là sự bí ẩn thiêng liêng gắn liền với linh hồn, đức tin và Chúa trời.

Colleen McCullough đã để cho câu chuyện tình yêu đậm sâu, đầy day dứt khắc khoải, chưa một giây phút nào bị nguôi quên mà mình kể bàng bạc sắc hồng, vương vấn hương thơm như để vừa ngợi ca những gì cao khiết nhất, vừa trải nghiệm trái cấm tội lỗi, vừa dấn thân một cách đớn đau tự nguyện, lại vừa kiêu hãnh tràn đầy thách thức… Có lẽ, điều khiến người ta đau đáu và khắc khoải với Tiếng chim hót trong bụi mận gai không phải chỉ là những vườn hồng rực rỡ tuyệt đẹp ở trang trại Drogheda – lí do níu giữ bước chân linh mục khả kính, nền cảnh cho tình yêu của Ralph de Bricassart với Meggie bé nhỏ – mà còn là màu hoa với những biến thể khác nhau mang nhiều ẩn dụ kín đáo, thâm trầm và sâu sắc.

Màu tro của hoa hồng trước tiên chính là màu của một chiếc váy lộng lẫy, biểu tượng của nữ tính và cũng chính là biểu tượng cho vẻ đẹp của Meggie. Vào sinh nhật lần thứ bảy mươi hai của bà Mary Carson, chủ nhân trang trại Drogheda, một cuộc chiêu đãi lớn được tổ chức và Meggie khi ấy tròn mười bảy tuổi, mặc một chiếc váy dài thêu những bông hoa hồng. “Bộ áo không bóng, màu xám nhạt có ánh hồng dịu dàng – trong những năm ấy được gọi là tro của hoa hồng”. Bộ váy được Meggie yêu quý, mặc lại nhiều lần và màu của chiếc váy cũng như được sinh ra để dành riêng cho nàng. (Đến vài thế kỉ sau, rất nhiều ngành nghệ thuật, công nghiệp thời trang qua những bức tranh hay các bộ sưu tập đều có tham vọng tái hiện, biểu đạt màu sắc ấy. Từ câu chuyện về Meggie, màu tro hoa hồng được xem là màu thời thượng nhất). Đó là màu của những cánh hồng bị đốt, không rực rỡ lấp lánh mà dịu dàng thuần khiết đầy mê đắm và ám ảnh không biết bao nhiêu ánh nhìn, trong đó có cha Bricassart. Khi Meggie bước xuống cầu thang trong bộ váy tro của hoa hồng, cha cũng như mọi chàng trai khác đều bị choáng ngợp. Và ngay trong khoảnh khắc, cha Bricassart không còn là một vị linh mục nữa mà là một người đàn ông lặng lẽ ngắm nhìn vẻ đẹp của cô gái. Đúng vào thời điểm đó, mọi sự kết hợp như vô ý bỗng được sắp xếp đan cài vào nhau, màu sắc của chiếc váy dạ hội, ánh mắt nồng nàn nhung nhớ cùng mái tóc bềnh bồng khiến cho Meggie bé bỏng vụt sáng, trở thành một thiếu nữ quyến rũ đầy nữ tính.

Nếu như trong Kinh thánh, phụ nữ luôn là một nhân vật bên lề thì ở Tiếng chim hót trong bụi mận gai, từ lúc còn bé con cho đến khi làm một người đàn bà trưởng thành, một người mẹ, Meggie lại chính là trung tâm. Ở Kinh thánh, lời của thánh Timothy từng được chép lại rằng: “Khi nghe lời dạy dỗ, đàn bà phải thinh lặng và hết lòng phục tùng. Tôi không cho phép đàn bà giảng dạy, hay thống trị đàn ông, trái lại họ phải thinh lặng, vì Ađam được tạo dựng trước rồi mới đến Eva”. Vậy nhưng Meggie con chiên ngoan đạo của Chúa trời lại mang nỗ lực vượt thoát khỏi bóng tối câm lặng đã đè nén từ hàng ngàn năm, khát khao được cất lên tiếng nói thầm kín đầy kiêu hãnh quyền lực và thực sự thống trị trái tim người phụng sự Chúa, chỉ qua ngôn ngữ của một màu áo. Để rồi với Ralph, cô gái ấy chính là hoa hồng. Từ cách Ralph nhìn Meggie, “quan sát cái miệng hoa hồng hé nở” cho đến suy nghĩ “Meggie là hoa hồng” đều khiến người ta nhận ra, rằng Kinh thánh có thể đồng hành với đức Hồng y giáo chủ nhưng trên hành trình tạo nên sự sống với những nỗi đau và niềm hạnh phúc bản thể không thể cự tuyệt hay khước từ thì vẻ đẹp cùng thiên tính nữ của Meggie mới thật sự là ám ảnh. Như thế, chiếc váy màu hồng và sắc tàn tro trong lần đầu tiên xuất hiện rực rỡ đã như một tiếng nói khẳng định bản ngã, một tiên đoán theo suốt cuộc đời Meggie như một định mệnh thiêng liêng…

Tro của hoa hồng. Thật khó để hình dung một cách cụ thể rõ ràng về sắc màu diệu vợi mà Colleen McCullough nhắc lại nhiều lần trong tiểu thuyết nhưng hẳn nhiên không chỉ là màu của một bộ xiêm áo lộng lẫy, đó còn là thứ màu chất chứa tuyệt vọng, biểu thị cho sự mong manh, xa vời, khó nắm bắt, màu của tận cùng nỗi đau và tình yêu. Qua hơn tám trăm trang sách, cuộc tình buồn thương mà đẹp đẽ đến nao lòng của hai nhân vật chính đã chạm đến trái tim của hàng triệu người đọc. Meggie yêu Ralph bằng tình yêu đầu đời thơ ngây trong sáng của cô bé con, rồi tình yêu ấy trăn trở lớn lên thành khao khát chiếm hữu và day dứt khôn nguôi với yêu và hận của người đàn bà bởi trái tim linh mục Ralph de Bricassart thuộc về nàng nhưng lí trí của ông lại đặt ở Chúa. Meggie dù có dũng cảm can trường, bao nhiêu lần khắc khoải vẫy vùng để đấu tranh thậm chí giành lấy tình yêu thì cũng bấy nhiêu lần đau khổ bất lực. Và mãi mãi với Meggie, đó là tình yêu ngoài tầm với. Tro của hoa hồng chính là màu của khao khát phải kìm nén, của xúc cảm riêng tư giằng co với tham vọng hoài bão, là màu của tình yêu bị hủy diệt. Trong cuốn tiểu thuyết, cha Ralph chọn con đường công danh ở Giáo hội và khoản tiền thừa kế kếch xù chứ không phải là Meggie. Những cánh hồng vì thế mà trở nên bé nhỏ yếu ớt dễ dàng bị giẫm đạp, bị đốt cháy. Đêm ấy trong khu vườn nhà Mary Carson, chính Ralph de Bricassart đã bày tỏ những ý nghĩ trong rời rạc, vỡ vụn, đứt nối và tự thú với lòng mình: “Những hoa hồng. Tro của hoa hồng… Meggie thân yêu của ta, ta đã bỏ rơi em. Nhưng em có hiểu không, em đã trở thành một mối đe dọa? Cho nên, ta đã giẫm nát Meggie dưới đế giày tham vọng; Meggie không còn gì khác hơn là một hoa hồng tan tác trên cỏ”… Với sự lựa chọn quyết liệt, lạnh lùng tỉnh táo của Ralph, tình yêu bắt buộc bị lí tưởng chôn vùi ngay khi vừa chớm nở…

Vậy nhưng, màu tro của hoa hồng trong cảm quan của Colleen McCullough, trên tất thảy, cũng chính là màu của tình yêu vĩnh cửu. Tình yêu có thể khó níu giữ, bị đe dọa, cố gắng lấp vùi nhưng vẫn kiên cường bền bỉ vượt qua mọi đổ vỡ va chạm của thời gian và cuộc đời. Angelus Silesius từng coi hoa hồng là hiện thân của linh hồn và cũng là hình ảnh của Chúa Kitô mà hồn ta mang dấu ấn. Hoa hồng bằng vàng xưa kia do Giáo hoàng ban tặng vào ngày chủ nhật thứ tư của Tuần Chay lớn là biểu tượng của sự phục sinh và bất tử. Saadi de Shiraz trong giáo phái thần bí đạo Hồi cũng cho rằng sự tương hợp của hoa hồng với máu chảy thường xuất hiện như một sự hồi sinh thần bí. Trong cái nhìn ấy, tro của hoa hồng trong Tiếng chim hót trong bụi mận gai là ẩn dụ của tình yêu bất tử và hồi sinh, mãnh liệt đầy thách thức, dám đương đầu với tất thảy, là tình yêu tưởng chừng đớn đau đến tan nát, nghiệt ngã đến xé lòng nhưng chưa một lần tàn phai. Thậm chí, Ralph có nỗ lực hủy diệt bao nhiêu thì tình yêu ấy càng sống dậy bấy nhiêu, Meggie càng cố gắng quên lãng chừng nào thì tình yêu ấy càng lớn lên, hiện hữu. Trong tiểu thuyết có chi tiết một bông hồng màu tro nhạt, bông hồng còn sót lại cuối cùng qua một đám cháy dữ dội ở Drogheda được Meggie tìm thấy và trao tặng cho Ralph, ông đã đặt nó giữa những trang Kinh thánh luôn mang theo bên cạnh suốt cả cuộc đời. Vậy ra, người ta đấu tranh lí trí dữ dội để giữ cho bằng được tham vọng quyền lực và khát vọng tôn giáo nhưng chẳng thể nào dập tắt được tình yêu ngự trị trong trái tim mình. Đóa hồng đó, qua bao tháng năm vẫn khơi gợi những cảm giác nồng nàn, vẫn luôn làm Ralph bối rối và xúc động. Và cũng chỉ có tình yêu như đóa hồng kia mới đủ lớn lao xô đẩy Ralph de Bricasart cởi bỏ tấm áo choàng khả kính của đức Tổng giám mục để tìm đến đảo Matlock với Meggie. Chỉ có tình yêu mới đủ khiến Ralph dám vượt qua ranh giới để sống đúng với bản thể, để biết cảm giác thức dậy vào buổi sáng bên cạnh một người phụ nữ, ấm áp và ngọt ngào, để biết được cuộc đời này trần tục mà thiêng liêng và thần thánh hóa cuộc đời là ảo tưởng. Bởi, dẫu có tôn sùng hay quy phục Chúa, trước tình yêu và hạnh phúc đời thường, người ta không thể phủ định thân phận làm người của chính mình. Và bởi, con người dẫu có vĩ đại đến đâu thì trước tình yêu họ cũng chẳng thể là thánh thần.

Viết về tình yêu trong mối quan hệ với tôn giáo, đặc biệt từ góc nhìn và cảm nhận của nữ giới, nhà văn Colleen McCullough đã bản lĩnh đào sâu vào vùng đất cấm kị, rũ bỏ đi lớp áo thành kiến nặng nề, thực hiện một cuộc đối thoại giữa những chế định thần thiêng gò bó và khát vọng hạnh phúc, tự do trần tục của bản thân sự sống. Tiếng chim hót trong bụi mận gai cùng biểu tượng hoa hồng, tro của hoa hồng đã trở thành một bài ca về thiên tính nữ, cất lên bởi vẻ đẹp và giá trị của người phụ nữ và tình yêu trong cuộc sống đời thường, mang lại cho hàng triệu người đọc niềm thích thú mê say, điều mà không phải tác phẩm văn học nào cũng có được.

Tranh của họa sĩ Nguyễn Quang Thiều

Trên dấu chim di thê – trên vết thương phận người

 

Khi Văn Cầm Hải đặt bút viết bài ca về Apollinaire – một nhà thơ lớn của Pháp – Dù thời đại lưỡng tính/ Anh không ăn bóng một thời thơ đã qua, tôi cho rằng đó cũng là lúc đầy kiêu hãnh và thách thức, anh xác lập quan điểm sáng tạo của riêng mình. Vào thập niên 1990, người ta biết đến Văn Cầm Hải như một hiện tượng thơ độc đáo với tư duy phức cảm trừu tượng và ngôn ngữ biến hóa khôn lường, mở ra một thế giới vừa lãng mạn huyền ảo vừa đẹp đẽ gần gũi lại vừa bí ẩn xa xôi. Người thơ ấy không ít lần trở thành chủ đề tranh cãi trên thi đàn, riêng tôi đồng tình với Nguyễn Trọng Tạo khi cố thi sĩ này khẳng định, Văn Cầm Hải là một “tư duy khác, một cách lập ngôn khác, một nhạc điệu khác”.

Và cái sự “khác” ấy còn được Văn Cầm Hải thể hiện ở một thể loại ngoài thơ ca – bút kí văn học, với các tác phẩm như Trên dấu chim di thê (2003), Tây Tạng – giọt hoa trong nắng (2004), Bụi đường tơ lụa, Sự trầm lặng của Mississippi (2005). Bằng kiến văn rộng lớn, đặc biệt là sự am hiểu sâu sắc văn hóa, tôn giáo, triết học, nghệ thuật… cùng việc sử dụng ngôn ngữ cực kì hiện đại Tây phương mà vẫn nhuần nhị những rung cảm thiết tha rất đỗi truyền thống, bằng văn chương tràn đầy cảm xúc, giàu chất thơ, mạnh mẽ xen lẫn dịu dàng, tinh tế hài hòa cùng sang trọng, nhà văn Văn Cầm Hải đã xuất sắc đưa người đọc du kí qua từng con chữ để phiêu lưu và trải nghiệm, khám phá và suy tư, tỉnh thức và đau đớn mà không phải cây bút kí đương đại nào cũng làm được.

Chẳng biết có phải vì thái độ “tương kính như một cặp tình nhân” với cả thơ ca lẫn văn xuôi hay không mà đến bút kí, Văn Cầm Hải cũng viết với một niềm hứng khởi đặc biệt. Đọc bút kí của anh, người ta thấy tất cả như được viết ra một cách hồn nhiên đến điêu luyện bởi câu thúc bản năng, bởi xung đột giữa im lặng và lên tiếng, bởi những ám ảnh thân phận cần được cởi giải. Và thiên bút kí đầu tay do Nhà xuất bản Trẻ ấn hành – Trên dấu chim di thê, lần theo dấu chân lưu lạc và vết thương phận người, là một sự giải phóng cho những trạng thái đó. Tác phẩm được viết trong một chuyến dịch chuyển không gian thú vị vào năm 2002 khi Văn Cầm Hải theo học đạo diễn truyền hình tại thành phố Hilversum, Hà Lan. Với sự chuyên nghiệp của chàng phóng viên dấn thân khắp hang cùng ngõ hẻm nhiều nước châu Âu và tư chất nhạy cảm đặc biệt trước nỗi đau và số phận con người của một nhà văn có trái tim nồng ấm, Văn Cầm Hải đã tìm hiểu, lắng nghe, đối thoại với từng kiếp người, sống với từng mảnh đời. Để rồi, những trang văn ấy gây cho người đọc những khắc khoải nhức nhối khôn nguôi trước bao nhiêu cảnh đời bi thương đến cùng cực, dạt trôi đến quên lãng, vong thân đến sầu xứ.

Lưu vong là một hiện tượng có từ khởi thủy loài người. Khi chàng Kinh Kha nước Tề năm xưa di cư sang Vệ rồi không được vua Vệ trọng dụng mà phải rời quê nhà đến đất Yên, khi người Do Thái mấy mươi năm trước Công nguyên bị đánh bật khỏi quê hương phải di tán khắp nơi coi bốn bể là nhà…, thì đã là những ám ảnh lằn in vào “vô thức tập thể”. Nhưng cho đến những năm cuối thế kỉ XX đầu thế kỉ XXI, “diaspora” mới trở thành cụm từ được nhắc đến thường xuyên trong lí thuyết văn hóa và văn học như một phát hiện thú vị. Ở Việt Nam, trong sáng tác của một số nhà văn Nam Bộ từ Hồ Biểu Chánh cho đến Sơn Nam, Nguyễn Ngọc Tư, cảm thức lưu lạc, bị chia tách khỏi nơi chốn quen thuộc, lạc lõng giữa biển đời mênh mông được nhắc đến như một nỗi niềm day dứt. Thế nhưng, thẳng thắn, không giấu giếm, thậm chí đau đáu phơi bày bi kịch của những người Việt vì rất nhiều lí do mà phải di cư sau năm 1975 thì Văn Cầm Hải là một trong những nhà văn sớm ráo riết đề cập. Anh không tìm đến những thể loại đậm chất hư cấu như truyện ngắn, tiểu thuyết, mà chọn bút kí như một cách ghi chép, kể lại và thể hiện cái nhìn chân thực sinh động nhất.

Trong tập bút kí gồm mười lăm câu chuyện nhỏ có vẻ mỏng manh ở dung lượng nhưng lại đầy công phu về thông tin cũng như phong phú hiện thực này, người tha hương xuất hiện trước hết chính là người Việt – những người lựa chọn lưu vong vì nhiều can cớ khác nhau. Số phận và mối nhân duyên kì lạ nào đó đẩy đưa họ gặp gỡ người viết, để rồi bao nhiêu bi kịch đời người, bao nhiêu nỗi niềm hoài hương cố xứ như tràn ra, xâm chiếm từng trang viết tác giả, bám riết tâm trí người đọc. Mở đầu tác phẩm là ấn tượng về một cuộc “hiếp khô” kinh hoàng trong không trung. Trên chiếc Boeing giá lạnh đưa tác giả đi từ Hà Nội đến Amsterdam, gã đàn ông trạc bốn mươi ngồi cạnh mang theo một cô bé ngơ ngác “như tôi từ thuở nào rời áo mẹ qua sông” đã không ngần ngại đẩy đóa hoa mình mua được với giá rẻ mạt hơn hai nghìn đô từ Sơn Tây vào phòng vệ sinh rồi tiến hành mười phút dã thú. Nhà văn đã kể lại bằng một nỗi phẫn uất ứ nghẹn, một thái độ bất lực và nỗi buồn mênh mông như lan cả vào không gian mà chuyến bay xuyên qua. Cuộc trò chuyện ngắn ngủi với cô bé Sơn Tây thơ dại trong giấc mơ còn ú ớ gọi mẹ và khát khao về nhà được Văn Cầm Hải truyền đạt chậm rãi từ tốn, nhưng mỗi lời kể lại như một vết dao cứa mạnh khiến người đọc thắt lòng. Có bao nhiêu giấc mơ đổi đời, bao nhiêu sự đánh cược và bao nhiêu “đứa trẻ chết già” như thế? Đa phần những người Việt tha phương mà tác giả gặp gỡ đều khao khát một đời sống sung túc hơn, đều mưu cầu tìm thấy giá trị sống nào đó ở phía bên kia đại dương. Có kẻ thỏa nguyện, có người không như ý nhưng hầu hết mang một bi kịch tinh thần riêng. Đó là vị sư già bên bờ biển La Haye mà tác giả gặp trong buổi chiều “tàn hơi tái lạnh”. Kí ức của người ấy dần hiện ra với quá khứ là một thuyền nhân lênh đênh rời bỏ vợ con và đất nước, từng làm dịu cơn đói bằng mùi tanh của máu, chấp nhận trở thành cướp biển để bảo toàn tính mạng, cúi đầu trước sự khinh bỉ của tên học trò cứu sống mình. Khi kể câu chuyện này, Văn Cầm Hải đã giữ một thái độ không phán xét, không chê trách mà kiên nhẫn lắng nghe bằng sự ấm áp cảm thông. Anh nhận ra nỗi đau nghiệt ngã ẩn khuất sau chiếc áo tu hành bình thản, nhìn thấy nỗi u uất tột cùng trên gương mặt tưởng chừng không còn tơ vương bụi trần, để hiểu “chiến tranh tàn khốc hay cơn đói dã man vẫn không làm cho ta điên, nhưng cô đơn, không nỗi lòng chia sẻ đã dồn đẩy kẻ tha phương vào chân tường”. Là Thanh, vốn là đảng viên, nhân vật tác giả gặp trong Người chị miền Đông Đức ước mơ vươn tới cuộc sống khá khẩm hơn. Để được ở lại Đức, Thanh “khai dối mình là kẻ tị nạn chính trị, không hồi hương, không chịu đựng được chế độ cộng sản ở Việt Nam”. Sự dối trá ấy cùng bao nhiêu lần chui lủi và những cơn đau thể xác tự gây ra cho mình cuối cùng cũng không khiến Thanh được dung nạp. Thanh buộc rời khỏi trại tị nạn và bị dẫn độ về nước với hàng chục vết thương trên cơ thể lẫn sự tủi nhục trong tâm hồn. Là Thủy Tiên, cô gái được anh trai bảo lãnh sang Hà Lan rồi lấy chồng người bản xứ. Những tưởng cuộc sống sung sướng đề huề nơi đất khách phần nào xoa dịu cảm giác thiếu quê hương, nhưng những cơn sóng lòng vẫn cứ âm ỉ khôn nguôi bởi càng cố quên dĩ vãng quê nhà thì lại càng nhung nhớ. Cô dự cảm “Đạm Tiên chết bên lề cỏ, tôi chết bên lề văn minh phương Tây”. Là nhà văn Cao Xuân Tứ có hơn bốn mươi năm lang thang ở hải ngoại, lúc chế độ Việt Nam Cộng hòa sụp đổ ông “trở thành người Việt Nam đầu tiên định cư trên đất nước của hoa tulip”. Người thơ phiêu bồng ấy vượt qua được những mặc cảm lịch sử nhưng vẫn hoang vắng cô đơn vì số kiếp rời bỏ nơi chôn nhau cắt rốn. Là Mây, cô gái Huế chính gốc bán hàng sứ mĩ nghệ Việt Nam duy nhất ở Amsterdam. “Như một chiếc lá mờ dần chất diệp lục”, Mây thà chết già nơi xứ lạ còn hơn trở về nhà mà không có nổi chiếc áo hào hoa lịch lãm khoác lên mình…

Chính niềm yêu thích dịch chuyển từ Đông sang Tây cùng tấm lòng bốn phương và ý nguyện kết giao bè bạn khắp thiên hạ đã khiến cho tâm thế cúi xuống những phận đời của Văn Cầm Hải không giới hạn trong một màu da sắc tộc nào, theo đó, văn chương của anh trở thành văn chương không biên giới. Có một điều dễ thấy ở Văn Cầm Hải là tinh thần sống tận tụy với mỗi mảnh đất anh đến, mỗi xứ sở anh qua, mỗi con người anh gặp. Trong những ngày lang thang trên đất châu Âu, sự tận tụy ấy thể hiện qua tấm tình mà nhà văn dành cho rất nhiều người bạn đa sắc tộc, đa tôn giáo cũng biệt xứ li hương. Họ là ai? Là một “kì nữ Trung Quốc trên chuyến xe Eurolines” với “cơn làm tình guitar dưới đất”. Sau cú sốc và sự choáng váng, người đọc mới hay cô gái bán thân là một sinh viên ngành xã hội học, làm điếm nghiệp dư để có tiền đi đủ năm trăm địa danh. Là Natalia, một kĩ nữ Ukraina vốn là con gái của bí thư huyện ủy vùng ngoại ô Kiev mà nhà văn gặp trong đêm lang thang trên phố Amsterdam. Đối với những cô gái phố Red Light, nhà văn đã viết về họ bằng sự chân thực đến nghiệt ngã nhất nhưng cũng giàu thương cảm nhất. Đặc biệt ở cuối thiên tùy bút, khi Văn Cầm Hải gặp lại Duly, người bạn gái Tây Ban Nha từng đến Huế, bao nhiêu thảng thốt thất vọng chua chát cay đắng lẫn nỗi niềm thương mến trào ra. Người con gái trẻ trung tuyệt vời “như một bài thơ Lorca” sau bảy năm không gặp đã lưu lạc thành một người đàn bà làm điếm lòng đầy hận thù, cũ kĩ và già nua…

Những người bạn – “cánh chim di thê” của Văn Cầm Hải còn là những người mang trong mình nỗi đau dân tộc. Chẳng biết có phải từ chiến tranh và lịch sử của dân tộc mình mà nhà văn đã thấu tỏ nỗi đau của dân tộc bạn hay không, nhưng mỗi dòng mỗi chữ tác giả viết về những cuộc trốn chạy li cắt tàn khốc hay định kiến kì thị đều đau đớn xót xa đến kiệt cùng. Fey – “kẻ không thiêng xứ mình”, một người bạn Ethiopia – phải trốn chạy chính tổ quốc vì sự nghi ngờ và hằn thù do toan tính quyền lực. Từ một nhà báo học tập Migration để làm nên những tác phẩm ngăn chặn nạn di cư tự do, Fey trở thành một đứa con bị đất nước chối từ. Còn Khan và Mary, đôi vợ chồng mang hai quốc tịch Palestine và Israel lại luôn “nằm trong tầm ngắm của những họng súng hằn thù hướng vào nhau”. Tình yêu vĩ đại và lớn lao của họ cuối cùng không thể chiến thắng sự thù ghét nghi kị giữa hai dân tộc. Khan “gục xuống như một đoạn kinh Coran rách nát” khi không thể tìm thấy vợ và con trai mình…

Trong quá trình nghiên cứu ở Đại học Harvard (Mĩ), Văn Cầm Hải từng khởi xướng khái niệm “organic memory” (kí ức chân như). Hầu hết những trải nghiệm về phận người trong Trên dấu chim di thê đều được khai thác từ kí ức nguyên sơ, trọn vẹn của nhân vật. Họ phơi trải kí ức của mình qua những tâm tình với tác giả. Và chính việc để cho kí ức trở thành một sợi chỉ mỏng manh mà bền bỉ kết nối quá khứ hiện tại tương lai đã khiến cho hiện thực mà nhà văn kể đến trở nên sống động chân thực giàu sức thuyết phục. Phía sau mỗi số phận lưu vong thường gắn liền với một biến động lịch sử. Chính Văn Cầm Hải từng phát biểu: “Màu sắc lịch sử và văn hoá dân tộc có thể phóng chiếu qua số phận một con người”.

Người đọc dễ thấy một điều, những nhân vật xa xứ trong văn chương Văn Cầm Hải, dù họ là ai dân tộc nào ở đâu, thì li hương hay mất căn cước cũng không thể khiến họ lãng quên cội nguồn. Từng nhân vật mà nhà văn gặp gỡ chứng kiến và kể lại đều chắt chiu níu giữ nuôi nấng những gì đẹp đẽ nhất thuộc về nơi chốn mình sinh ra. Đó là Fey không một phút rời xa tấm khăn choàng trắng, là Thủy Tiên với khúc dân ca Nghệ Tĩnh, là ngôi chùa Vạn Hạnh với tiếng kinh kệ vang lên thầm thì cùng mùi khói hương nồng nàn ở xứ Bắc Âu, hay giọng hát của chính tác giả với những ca khúc Vũ Thành An trong lòng Paris… Tất cả đều như nốt nhạc trong trẻo tươi lành khiến cho nỗi buồn thân phận và vết thương lòng người được xoa dịu an ủi phần nào.

Trên dấu chim di thê còn là cái nhìn đầy nhức nhối, thể hiện trách nhiệm của một người cầm bút có lương tri trước các cuộc chiến tranh phi lí. Đó là sự thẳng thắn nhận định về tội ác mà quân đội Hitler gây ra cho người Do Thái hay lí giải cuộc đời lưu lạc cuối cùng phải vào nhà thương tâm thần của nữ phóng viên Nazifa (Đài phát thanh Kabul – Afganistan) chính là hệ luỵ những cuộc chiến chống khủng bố của Mĩ. Nhà văn cũng đau đáu trước sự thật, rằng người dân Trung Đông trở thành cộng đồng vong quốc lớn nhất nhì thế giới, “trong dòng máu người Trung Đông, lưu vong dường như trở thành một định mệnh lưu chảy từ đời này sang đời nọ kể từ khi Abraham vâng lời Chúa bỏ xứ ra đi bảo vệ thiên khải của Người”. Có thể nói, khi kể về những cuộc đời ở hải ngoại, ngòi bút Văn Cầm Hải đẫm trĩu tấm chân tình của một “vòng tay lớn” với tâm thế sẵn sàng kết giao bằng hữu. Anh xem thân phận của người như của chính mình, đau nỗi đau của đất nước bạn như đau nỗi đau của tổ quốc mình. Tác giả Ngọc Vũ trong một bài viết đã nhận xét: “Những tác giả như Văn Cầm Hải đã tiên phong trong con đường kết nối những tình cảm năm châu, đưa người đọc đến những vùng đất, những sự đồng cảm mới mẻ mà không phải tác giả nào cũng làm được, đặc biệt ở nền văn học chưa được quốc tế hóa mạnh như Việt Nam”.

Trên hành trình dấn thân và nhập cuộc này, với Trên dấu chim di thê, rất tự nhiên, Văn Cầm Hải đã bộc lộ một cái tôi nghệ sĩ ấn tượng ám ảnh, bởi sự hào hoa thông tuệ, cô độc ngút ngàn nhưng vô cùng lãng mạn tự do, xiển dương một cách sống hào sảng đại đồng. Trong một cuộc phỏng vấn nhạc sĩ Trịnh Công Sơn do Văn Cầm Hải thực hiện tại Huế, Trịnh có nói rằng: “Trong nghệ thuật, điều quan trọng nhất là làm thế nào để mở ra một con đường ngắn nhất đi từ trái tim của mình đến trái tim của người mà không cần cắt nghĩa gì thêm”. Tập bút kí của Văn Cầm Hải, với sự giải phẫu vết thương phận người bằng tất cả run rẩy trắc ẩn của một nhà văn, tôi nghĩ, đã và sẽ chạm gặp tức thì trái tim của những ai hữu duyên đọc nó. Mà câu chuyện của trái tim thì, mượn cách nói của thi sĩ Trần Dần, như “mưa rơi không cần phiên dịch”.

LÊ SI NA

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *