Vanvn- “Tiếng mưa” là tập thơ đầu tay của nữ sỹ Vũ Trần Anh Thư, nhưng hình như đã được tác giả sàng sảy khá kỹ trước khi cho trình làng. Bởi chúng tôi thấy trong cả tập thơ, những con chữ của chị thường rất mượt nhưng gọn, thi ảnh vừa đủ để ý tứ bung tỏa, nền nã và dịu dàng. Tiếng nói ấy được cất lên dường như cũng chỉ cốt để thể hiện cái nhìn tâm cảm luôn trong veo và lấp lánh sự viên mãn?
Thoạt đầu, đọc “Tiếng mưa”, chúng tôi chỉ thấy ắp đầy ở đó là một tiếng thơ nhẹ nhàng, trong sáng. Có chút rón rén nhưng lại đầm đẫm tâm tình “Em mải miết hong những vần thơ viết dở/ hong nỗi buồn/ hong cả phố sau mưa…/ Tháng Tư/ nỗi buồn nhẹ tênh/ chùm hoa kèn trắng muốt/ chở em đi đâu?…/ Kìa những cánh hoa vô ưu/ rơi vàng con phố/ bỏ lại đằng sau những muộn phiền/ vào hạ nhé tháng Tư” (Tháng tư chở em đi đâu).

Dần dà, càng đọc thì chúng tôi càng thấy “Tiếng mưa” là sự lắng lòng để nghe, để cảm những tí tách vang ngân trong kí ức, trong cuộc đời, là tiếng va đập của tâm tính mang màu sắc hoài niệm, cho dù là mơ hồ. Do vậy, thơ Vũ Trần Anh Thư trong “Tiếng mưa” thường là mềm mại về câu chữ và nhã nhặn về ý tứ. Câu chữ thủ thỉ nhỏ nhẹ mà cất lên những giai điệu tâm tình dịu ngọt “Người đàn bà bên chiếc gương mùa thu/ âu yếm vết chân chim/ chiều tình tự…/ Đi qua chừng ấy thanh xuân/ có thể nào vẹn nguyên sau tháng năm bồi lở/ mắt thơ ngây giờ ánh nhìn sâu lắng/ trong trẻo xưa hóa những nồng nàn/ Và cuộc đời đã vơi nửa thời gian/ em bất chợt giật mình quay nhìn lại/ giọt nắng mơ phai rơi xuống lưng đồi” (Tự khúc).
“Tiếng mưa” còn là tiếng thơ ắp đầy chất nữ tính, câu chữ đằm thắm “Hoàng hôn dần trôi/ em chờ ai hôn lên vết chân chim nơi khóe mắt/ đợi cơn gió chạm cơn sóng hồ dìu dặt/ dịu dàng đổ bóng vào thu” (Tự khúc)
“Tiếng mưa” còn là tiếng thơ dịu dàng, sâu lắng. Nữ sĩ đã để cho nhân vật trữ tình của mình tự bộc bạch khi đến tuổi “mùa thu” của cuộc đời “người đàn bà bên chiếc gương mùa thu/ âu yếm vết chân chim/ chiều tình tự…/ trong trẻo xưa hóa những nồng nàn…/ hoàng hôn dần trôi/ em chờ ai hôn lên vết chân chim nơi khóe mắt/ đợi cơn gió chạm sóng hồ dìu dặt/ dịu dàng đổ bóng vào thu” (Tự khúc). Rõ ràng, những câu thơ kia là tâm sự của một nhân vật trữ tình là người phụ nữ trung niên từng trải, ở đó có những khát khao nén vào chờ đợi, song không đến nỗi bùng vỡ chát chúa mà chỉ là sự “dịu dàng đổ bóng vào thu”. Giọng thơ êm nhẹ, dìu dặt vừa đủ để mơ màng, lãng đãng.

Do vậy, “Tiếng mưa” là tiếng nói êm ấm từ tốn dìu dịu dường như được chưng cất từ hơi thở của hạnh phúc hàng ngày, nó vang vang ngọt ngào không kém phần say sưa nồng nàn nhưng vẫn gòn gọn một tiếng nói trách nhiệm với gia đình, với con cái. Do đó, trong “Tiếng mưa” còn thấy đậm đặc và nồng ấm tình mẫu tử: “Mẹ thả vào kí ức của con những giọt thơm/ để tháng ngày tuổi thơ con/ đọng hương của mẹ/ Hạt giống nhân văn/ mẹ gieo trên cánh đồng con/ hồi hộp chờ vỏ hạt tách mầm trỗi dậy/ Những chữ nghĩa yêu thương dào dạt/ không cần sắp đâu con/ cứ để nó cuộn trào” (Cánh đồng của mẹ). Tác giả để cho nhân vật trữ tình nhìn ra “cánh đồng của mẹ” từ việc chăm bẵm con, lắng nghe tuổi thơ con lớn lên từng ngày thì chao ôi, đấy đích thị là tiếng nói hạnh phúc trong một sự tròn đầy viên mãn. Bởi thế, dư âm ấm nồng và vang vọng như gõ mãi trong “Tiếng mưa”.
Do thế, thiên nhiên trong thơ Vũ Trần Anh Thư cũng trong lành và êm đềm đến lạ: “Tháng chín mùa thu trong vắt nỗi buồn/ trăng sáng quá nên trời thênh thang quá/ lộc vừng buông đung đưa ngoài khung cửa/ bức rèm hương theo gió luênh loang” (Tháng chín). Nỗi buồn cũng trong văn vắt trong khung trời tháng chín, không gian càng như rộng hơn bởi ánh “trăng sáng quá”, và bức rèm như được làm bằng “hương” của hoa “lộc vừng”. Một cách tả thiên nhiên bằng nghệ thuật tu từ chuyển đổi cảm giác rất hay, ấn tượng.
Chúng tôi đồ rằng, nhân vật trữ tình của Vũ Trần Anh Thư trong “Tiếng mưa” luôn luôn trải lòng mình ra con chữ bằng tâm cảm. “Tiếng mưa” đã thật sự hóa thân vào tiếng lòng để vút lên những giai điệu thanh thoát nhẹ nhàng và trong trẻo. Bởi vậy, “Tiếng mưa” có lẽ sẽ luôn để lại những dư âm long lanh, trong veo veo nơi tâm thức độc giả. Tập thơ đầu tay mà làm được những chuyện ấy thì kể cũng là một thành công, điều đó lại chẳng làm cho chúng ta nâng niu và trân trọng?
KHANG QUỐC NGỌC