Vanvn- Dù dự án đường cao tốc Bắc – Nam giai đoạn hai mới ở thời điểm bàn giao cắm mốc mặt bằng cho ba tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, nhưng nhiều hộ dân đã tranh thủ xây nhà tạm, trồng cây… để trục lợi chênh lệch giá đền bù. Các cơ quan chức năng đã mau chóng xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, làm ảnh hưởng đến tiến độ triển khai dự án quốc gia.

Xây nhà đón… dự án
Theo thống kê của UBND huyện Lệ Thủy (Quảng Bình), đến đầu tháng 3.2022, trên địa bàn có 78 công trình các loại được xây dựng trong thời điểm dự án đường cao tốc bắc-nam đang được cơ quan chức năng cắm mốc hướng tuyến. Trong đó nhiều nhất là tại các địa phương như thị trấn Nông trường Lệ Ninh (31 công trình), xã Phú Thủy (18 công trình), xã Kim Thủy (14 công trình), xã Trường Thủy (14 công trình). Các công trình trái phép chủ yếu được xây dựng tạm bợ bằng gạch block, mái lợp tôn, trên đất rừng sản xuất, đất trồng cây lâu năm với mục đích “đón đầu” để hưởng đền bù từ dự án.
Chủ tịch UBND huyện Lệ Thủy Đặng Đại Tình cho biết, huyện đã chỉ đạo UBND các xã kiểm tra, giám sát, nếu phát hiện vi phạm thì cương quyết xử lý theo quy định. Lực lượng chức năng các xã cũng đã yêu cầu các hộ dân không tiếp tục cơi nới, xây mới; nếu vi phạm sẽ lập biên bản xử lý hành chính để cưỡng chế tháo dỡ. Tại xã Phú Thủy, thông qua công tác tuyên truyền, vận động của chính quyền địa phương, bước đầu có ba hộ dân đã tự giác tháo dỡ các công trình trái phép mới xây dựng.
Tương tự, bên tuyến đường tránh quốc lộ 1A qua Đèo Con, đoạn thuộc xã Quảng Hợp, huyện Quảng Trạch (Quảng Bình) gần đây đồng loạt mọc lên các công trình xây dựng trên đất nông nghiệp như nhà, chuồng trại, hàng rào… Có những ngôi nhà xây tường bao xong nhưng không đổ hay lợp mái hoặc những đoạn tường rào uốn lượn, quanh co theo triền đồi chỉ để bảo vệ vài cây chuối, cây ổi mới trồng chưa kịp lên xanh. Theo Chủ tịch UBND huyện Quảng Ninh (Quảng Bình) Phạm Trung Đông, đầu tháng 2, khi nắm bắt thông tin sẽ có tuyến đường đi qua, một số hộ dân ở các xã thuộc huyện Quảng Ninh đã xây dựng trái phép các công trình dưới dạng tạm bợ để chờ đền bù khi giải phóng mặt bằng. Huyện đã chỉ đạo các xã yêu cầu người dân ký cam kết giữ nguyên hiện trạng mặt bằng trong phạm vi thực hiện dự án; tạm dừng xây dựng nhà, công trình phụ, trồng cây trong khu vực hành lang giải tỏa; đồng thời tăng cường kiểm tra, giám sát, tránh hiện tượng người dân tự ý di chuyển, thay đổi mốc giải phóng mặt bằng dẫn đến sai lệch phạm vi giải phóng mặt bằng của dự án.
Tình trạng tương tự cũng diễn ra tại tỉnh Hà Tĩnh. Theo tìm hiểu, dự án đường bộ cao tốc bắc-nam đoạn qua xã Kỳ Hoa, huyện Kỳ Anh có chiều dài 9 km, sẽ ảnh hưởng tới đất ở của sáu hộ dân và đất lâm nghiệp của hơn 100 hộ dân. Mặc dù các hộ dân đã nắm bắt được chủ trương giải phóng mặt bằng thực hiện dự án, tuy nhiên, một số hộ vẫn tiến hành xây dựng cơi nới công trình, trồng cây ăn quả để chờ đền bù. Chủ tịch UBND xã Kỳ Hoa Hoàng Minh Tâm cho biết: Ngay sau khi phát hiện sự việc, chúng tôi đã tiến hàng lập biên bản và yêu cầu người dân dừng các công việc thực hiện trái phép trên phần đất của gia đình. Đồng thời khẳng định, công trình, tài sản trên đất do người dân xây, trồng mới sau khi đã có chủ trương giải phóng mặt bằng sẽ không được bồi thường theo quy định.
Phạt nặng, không đền bù
Trước tình trạng diễn biến phức tạp, UBND tỉnh Quảng Bình đã chỉ đạo các cấp, ngành siết chặt kiểm tra, rà soát và ngăn chặn kịp thời các vi phạm để bảo đảm công tác giải phóng mặt bằng xây dựng đường cao tốc bắc-nam. UBND cấp huyện, xã phải tăng cường kiểm tra, kịp thời xử lý nghiêm các trường hợp xây dựng trái phép công trình trên đất thuộc phạm vi dự án đường bộ cao tốc bắc-nam phía đông, phải giữ nguyên hiện trạng sử dụng đất; không cho phép chuyển mục đích sử dụng đất đối với các thửa đất thuộc phạm vi phải thu hồi để thực hiện dự án. Đồng thời, Sở Tài nguyên và Môi trường Quảng Bình đã chỉ đạo Văn phòng Đăng ký đất đai không tiếp nhận hồ sơ, không thực hiện thủ tục cho tách thửa đất, chuyển quyền sử dụng đất đối với các thửa đất thuộc phạm vi khu vực phải thu hồi đất, giải phóng mặt bằng để xây dựng tuyến đường.
Theo ông Võ Trọng Hải, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh, sau khi thành lập Ban chỉ đạo, tổ giúp việc dự án đường bộ cao tốc bắc-nam phía đông giai đoạn 2021-2025 đoạn Bãi Vọt-Kỳ Anh, UBND tỉnh Hà Tĩnh đã chỉ đạo các đơn vị liên quan xây dựng, ban hành hướng dẫn áp dụng cơ chế đặc thù trong công tác giải phóng mặt bằng để các địa phương triển khai theo tinh thần Nghị quyết 18/NQ-CP. Các địa phương có tuyến đường cao tốc đi qua thực hiện nghiêm chỉ đạo của tỉnh trong việc giữ nguyên hiện trạng trong phạm vi hướng tuyến; khi phát hiện người dân cơi nới, xây dựng thêm công trình thì phải kiên quyết xử lý ngay và người đứng đầu xã, huyện phải chịu trách nhiệm. Đồng thời chủ động, tập trung cao độ triển khai thực hiện các hồ sơ, thủ tục liên quan, bảo đảm hoàn thành giải phóng mặt bằng theo tiến độ yêu cầu của Chính phủ.
Thực tế, tình trạng người dân xây thêm công trình, trồng cây trên đất thuộc dự án để chờ đền bù đã diễn ra từ nhiều năm nay, với nhiều dự án, tại nhiều địa phương. Ngay từ giai đoạn một dự án cao tốc bắc-nam cũng xảy ra tình trạng tương tự tại Thanh Hóa, Nghệ An… Nhiều dự án khác từ những năm trước đây cũng đã xảy ra tình trạng trục lợi này. Theo luật sư Nguyễn Đức Hùng (Công ty Luật TNHH TGS), việc người dân ồ ạt xây dựng công trình trái phép để đón đền bù là rất đáng báo động. Tuy nhiên, việc xử lý các hành vi này chưa được quy định một cách rõ ràng, cụ thể. Với tình trạng đang diễn ra thuộc dự án đường cao tốc bắc-nam, diện tích đất được thu hồi kéo dài và phần lớn nằm trên đất nông nghiệp. Việc xử lý công trình xây dựng trái phép cần phải áp dụng các biện pháp hành chính, buộc khắc phục hậu quả theo Điều 11, Nghị định 91/2019/NĐ-CP.
Vừa qua, Bộ Giao thông vận tải có văn bản gửi UBND 12 tỉnh, thành phố: Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Cần Thơ, Hậu Giang, Bạc Liêu, Kiên Giang, Cà Mau nhằm tăng cường công tác quản lý nhà nước về trật tự xây dựng trên địa bàn; tuyên truyền vận động người dân ủng hộ chủ trương đầu tư xây dựng đường cao tốc và chấp hành nghiêm các quy định về xây dựng; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.
Nếu không quyết liệt, các hành vi trục lợi này sẽ gây nên nhiều hệ lụy, tiềm ẩn nguy cơ xảy ra tranh chấp, chây ỳ, làm ảnh hưởng đến nguồn vốn đầu tư và kéo dài thời gian thực hiện dự án trọng điểm này. Nhìn rộng ra, những hành vi sai trái này cần “liều thuốc” đặc hiệu để xử lý dứt điểm, bảo đảm việc thực hiện nghiêm minh các quy định của pháp luật.
HƯƠNG GIANG-NGÔ TUẤN-HẢI MIÊN
Báo Nhân Dân cuối tuần