Thực hư xung quanh “Bài hát ru hoa sen” của thi sĩ họ Trần

Vanvn- Sinh thời, Trần Hòa Bình bao giờ cũng thể hiện bản thân trước mấy đứa đàn em chúng tôi như một kẻ khôn ngoạn, lọc lõi trong cuộc sống, và già dơ trong tình ái. Đương nhiên, chúng tôi luôn tin và phục anh lắm.

Nhưng càng về sau, tôi càng thấy hóa ra thi sĩ họ Trần không phải như vậy…

Nhà thơ Trần Hòa Bình (1956-2008)

Sau khi ly hôn, Trần Hòa Bình giành quyền nuôi con. Lúc này, anh đường đường chính chính là kẻ độc thân, chưa vợ. Anh hay nói đùa với bọn tôi rằng “Anh là kẻ đang yêu”…Gì chứ tán dóc thì Trần Hòa Bình thuộc loại có hạng.

Trong nghề chữ nghĩa, anh là một kẻ tài hoa. Làm thơ, viết truyện, làm báo, vẽ tranh…Đủ món. Trong đời sống hàng ngày, anh là kẻ đào hoa, hiểu theo nghĩa chả mấy khi anh không có một bóng hồng nào bên cạnh. Về chuyện yêu đương, anh chẳng có ý định giấu giếm bao giờ. Anh đưa người mình yêu về nhà, đi chợ nấu nướng, làm quen và chăm sóc đứa con gái bé bỏng của mình. Những khi anh đi dạy tại chức nơi xa, hoặc đi “phiêu du” đây đó, anh thường đưa cho bạn gái chìa khóa để ở trông nhà, tay hòm chìa khóa, chăm sóc con cho anh…Bà con đồng nghiệp khu tập thể ban đầu còn để ý, sau thấy cảnh ấy mãi nên cũng quen dần. Vả lại, anh ở tuổi đang yêu, có bạn gái trong nhà là chuyện thường tình, chả sao…

Nhưng chốn tình trường bao giờ chả lắm những chuyện trái ngang. Với người bình thường, chắc chẳng mấy ai để ý. Còn với người nổi tiếng, chuyện lớn bé rất dễ bị/được đẩy lên thành giai thoại, với nhiều mảng màu khác nhau. Trần Hòa Bình, tác giả của các thi phẩm Thêm một, Mùa thu ngoại thành, Sơn Tây một phía…nổi đình nổi đám lúc bấy giờ làm sao thoát khỏi những nguồn cơn  như thế.

Chung quanh bài thơ nổi tiếng mang tên “Bài hát ru hoa sen” của thi sĩ họ Trần cũng có không ít những giai thoại ngay từ lúc nó mới được công bố trên báo.

Số là, thi sĩ họ Trần lúc bấy giờ đang giảng dạy tại Khoa Ngữ văn- ĐHSP Hà Nội 2 đóng tại Xuân Hòa. Làm một người thầy trẻ trung, tài hoa giữa một rừng người đẹp quả là… nguy hiểm. Có khi thầy phải lòng trò. Cũng có khi ngược lại, trò phải lòng thầy. Ở đây, nhiều khi ý thức đạo đức không có khả năng tham gia điều khiển con tim được. Đối tượng của nhân vật trữ tình, nàng thơ trong “Bài hát ru hoa sen” đang là một sinh viên văn khoa, quê Từ Sơn. Nàng có cái đẹp mặn mà, sắc sảo của con gái vùng Kinh Bắc. Những lần thầy lên lớp, chả biết tự khi nào, con mắt cánh sen kia đã gây chấn động trong tâm hồn thi sĩ. Mỗi khi lên lớp, những lời giảng của thầy như thể chỉ dành cho người ấy. Có một lần, trong lúc tán gẫu, Trần Hòa Bình nói với tôi cái ý, nghề dạy học lắm khi cũng lạ, có khi lên lớp chỉ là để giảng cho một người ấy nghe mà thôi, còn những sinh viên khác như thể là được nghe ké vậy…Một cách nói hơi ngoa thế nhưng quả là không phải không có một phần sự thật.

Có những buổi chiều khi đi dạo trên những con đường vùng đồi ngập tàng cây phi lao vi vút gió, hoặc ven con sông Cà Lồ hiền hòa, thơ mộng, chẳng biết vô tình hay hữu ý, họ lại gặp nhau. Có phải “Tình trong như đã, mặt ngoài còn e…”.

Khốn nỗi, trong lúc này nàng đã nhận lời yêu một chàng trai  Kinh Bắc cùng quê. Chàng học trên cô bé ấy hai khóa. Thỉnh thoảng họ đi về quê cùng nhau. Mối tình của họ cũng đang rất đẹp.  Trớ trêu một nỗi, cả cô và cậu sinh viên ấy đều là học trò của thầy giáo họ Trần. Khi biết điều ấy, chắc trong lòng thi sĩ có nhiều dằn vặt. Nếu ngỏ lời yêu nàng thì chẳng hóa ra mình là kẻ đi phá đám mối tình của học trò ư? Vả lại, có ngỏ lời thì chắc gì đã được yêu. Và nếu có được yêu đi chăng nữa, thì cậu học trò kia rồi sẽ thế nào… “Ta thương em mà không sao thưa được /Ta yêu em mà không sao nói được/Sen ngủ trong bình, em thức trong ta…”. Một trạng thái dằn vặt, nhung nhớ, yêu mê gần như tuyệt vọng như thế đã là ngọn nguồn cảm hứng cho thi phẩm “Bài hát ru hoa sen” nghèn nghẹn ra đời.

Sau bài thơ tình ghê gớm này, cô gái ấy cũng đã ngã lòng. Thế rồi, việc gì phải xảy ra cũng đã xảy ra, mối tình của nàng và chàng trai sinh viên kia đổ vỡ. Chàng cay đắng, và thất vọng, thất vọng với cả ông thầy nghệ sĩ họ Trần nữa. Sau đấy, chàng bỏ đi rất xa, sang hẳn phía bên kia Tây bán cầu để bước vào một hành trình mới.

Còn tình yêu của thi sĩ họ Trần với nàng, rốt cuộc cũng chỉ là mối tình dang dở. Họ không đi đến được với nhau. Có lẽ cô ấy còn quá trẻ. Một người trẻ, đẹp như thế sao lại phải hy sinh nhiều đến thế để đèo bòng một nửa cái gia đình đổ vỡ kia… Nói theo giọng cánh trẻ ngày hôm nay: “Em đẹp em có quyền…”.

Tuy kết cục không được trọn vẹn như một kết thúc có hậu thường thấy trong phim, nhưng thi sĩ họ Trần đã để lại cho đời một bài thơ tình xuất sắc.

Mùa sen tháng Năm 2021

VĂN GIÁ

_____________________

Chuyến đi điền dã của Khoa Báo chí – Học viện Báo chí & tuyên truyền tại Cao Bằng. Từ phải sang: Văn Giá, Trần Hòa Bình, Hà Huy Phượng

Bài hát ru hoa sen

 

Ngủ đi những đoá sen
Sen mọc bên nhà em
Ta hái về thành phố
Đêm nay Từ Sơn ta nhớ
Đêm nay Từ Sơn còn nhớ ta?

Ngủ đi những đoá hoa
Giấc mơ yêu nồng thắm của ta
Hết khổ đau lại chập chờn hy vọng
Hạnh phúc là gì, hạnh phúc có thật không?
Ôi những đoá sen dè dặt cánh hồng…

Ngủ đi những đoá hoa vợ chồng
Ta ru hoa một đêm dài đơn độc
Và em nữa, đã bao giờ em khóc
Trước hồn sen trong vắt một ước nguyền
Trước những cánh sen quay trong gió như thuyền?

Ngủ đi – nhưng đừng vào lãng quên
Những bông hoa ta hái về chậm trễ
Ta thương em mà không sao thưa được
Ta yêu em mà không sao nói được
Sen ngủ trong bình, em thức trong ta…

Ngủ đi những đoá hoa lạ nhà
Hãy mơ giùm ta một mùa đôi lứa
Đêm nay hồn ta hé nở
Nhớ một đầm sen
Thổi gió dài tóc em…

TRẦN HÒA BÌNH

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *