Vanvn- Ngày Thơ Việt Nam là một hoạt động văn hóa được tổ chức vào ngày rằm tháng giêng hàng năm nhằm tôn vinh các giá trị thi ca nước nhà. Nhân dịp Ngày Thơ Việt Nam lần thứ XX, Ban Biên tập Vanvn.vn mở chuyên đề “Thơ trẻ và quan niệm về thơ” dành cho một số cây bút được lựa chọn Tham dự Hội nghị Những người viết văn trẻ toàn quốc lần thứ X sắp tới. Chuyên đề do nhà thơ Phan Hoàng – Ủy viên Ban Chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam, Giám đốc – Chủ biên Vanvn.vn và nhà thơ – nhà phê bình Hoàng Thụy Anh, Ủy viên Ban Nhà văn trẻ, Ủy viên Ban Biên tập Vanvn.vn tổ chức thực hiện.

Dấn thân vào cội nguồn, đức tin, thân phận, tình yêu,… cây bút trẻ Khét – Trần Đức Tín từ Cà Mau đã khẳng định bản lĩnh, sự tự do của cái tôi thông qua những khoảnh khắc đối thoại, chất vấn, phá vỡ, lật xới, cấu trúc nên vỉa tầng cảm hứng riêng mình: “quanh tôi nhiều tượng/ ai ai cũng tượng/ và bài thơ này/ cũng vừa từ chối một linh hồn…”.
Con đường thi ca đến với Khét ra sao? Anh tâm sự: “Với tôi, viết thơ như một nhu cầu tự thân, một cách để trải lòng, khám phá và lần mò về nguyên bản. Những tác động khách quan từ cuộc sống đến ta là điều không thể tránh, và bất kì ai cũng phải đối diện với nó, có người chọn cách này hay cách khác, nhưng người cầm bút sẽ đối diện, phơi bày nó từ lòng mình ra trang giấy để nhận diện rõ bản thân hơn, khi vốn dĩ con người là sinh vật phức tạp. Và viết thơ cho bản thân cũng là cho mọi người. Vì ta là một cá thể đang thở giữa cộng đồng, sống cùng một khung cảnh, chịu cùng những tác động tích hay tiêu cực của thời đại, dĩ nhiên sẽ có những ý niệm chung. Vậy nên, cái riêng vẫn mang nét của cái chung, như niềm vui và đau khổ vẫn song hành”.
Tượng
lặng im phật
lặng im chúa
chỉ có kinh kệ vô tri gạt lòng người
quanh tôi nhiều tượng
đâu đâu cũng tượng
lồi lõm
sao không ai nặn nước mắt
nước mắt mang hình nhau thai
nơi tôi
tiếng chó sủa ma vang vọng hơn tiếng chuông
tiếng chó sủa ma biết thương gã đồ tể cuối xóm
rằm
tôi lễ chùa bằng chiếc lá đa mang che mắt phật
cuối tuần
tôi quét lời xưng tội ra đường cho xe cán
và đêm nào
tôi cũng sợ tôi
quanh tôi nhiều tượng
ai ai cũng tượng
và bài thơ này
cũng vừa từ chối một linh hồn…
Một ngày
một ngày tháng bảy năm hai không hai mốt
những bóng người gục xuống đại lộ
kéo lê giấc mơ
ngang đường lớn
ma sát giấc mơ
giữa nắng và mưa dồn dập
mỗi bước đi
họ đạp
dí bóng mình
thành thị xác xơ và đồng quê lam lũ
không có cái tay nắm cửa nào phía trước và sau lưng
loài người
hồi hương giấc mơ
bằng cách
di cư nó…
có phải tôi cũng muốn hồi hương?
ba mươi năm
ầu ơ cánh võng gieo xuống ruộng đồng
trổ lên ngút ngàn chai sạn
lời ru lạc dấu về nhà
một ngày tháng bảy năm hai không hai mốt
tôi mang giấc mơ hồi hương của mình bày ra căn trọ
giấc mơ nhỏ quá không dám đựng vào chiếc ba – lô
bóng tôi lạnh hơn bóng tường
một ngày tháng bảy năm hai không hai mốt
tôi hồi hương giấc mơ
bằng cách
vấn khăn tang cho mình.

Ngủ hết đêm nay với Vàm Cỏ
đói một thứ lửa
được thắp lên trong ngôi mộ cổ
già làng này chỉ biết nói thật
em bé làng này chỉ biết nói thật
những mảnh đói găm sau lưng đàn ông đàn bà
được che bằng sự lên đồng lên cốt của miếng bùa dán trước cửa
ngồi nghe gió trống trong lòng
giăng vòng tơ này nữa ta đã phủ mặt mình
chỉ tiếng chó sủa ma là sống
ngủ hết đêm nay với Vàm Cỏ
thương những bóng ma trôi trên sông
có khi ngừng thở để sống
có khi ta tự sinh ra mình.
Nhai lại mặt trời
để lại một dấu chân trên cát
và cắt đứt sợi dây trong đầu loài người
thứ nối nhau không phải là ánh mắt
tổ tiên viết số trước làm thơ
làm tình trước khi có mùng
và sinh con trước khi có hang động
loài hoa tiền sử không màu
mặt trời tiền sử không sáng
đêm tiền sử không lửa
cái gì đã cháy đến hôm nay
cái gì đang cháy trong ta và vầng trán bọn trẻ
đừng gọi tên nhau
ướm dấu chân mình lên cát
nhai lại mặt trời.
Ngồi xuống mà nghĩ
1.
có những ngày chưa đi đã hết
chôn trong bốn bức tường một tiếng cố hương.
2.
có mùa xuân nào chín trên tay tôi không
bốn mùa U Minh trắng bông tràm
không thể ngoi lên khỏi rừng
không thể soi bóng dưới nước
những đứa con của làng muôn đời không dám đốt lửa
mơ lọn khói ngập mắt mình
nếu tôi là thân đước
hãy chặt mà ung than
nếu tôi là thân tràm
hãy chặt mà phơi áo khoác
mẹ tôi ngàn năm lúa nước
cha tôi cào đời mình dưới biển
ném hòn đất xuống nước
sẽ nhập vào cội nguồn
ném hòn tôi xuống đời
trôi vô tăm tích.
3.
bằng cách này hay cách khác
hoa vẫn nở trong lòng đường
bằng cách này hay cách khác
tôi vẫn nở về quê hương.
KHÉT
- Rưng rưng cây trái thì thầm vườn quê nội – Ký của Lã Thùy Trang
- Những cuốn sách chứa độc chất: Một phần lịch sử của giới xuất bản
- Giới thiệu bộ sách điện tử “Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh – Biên niên sử truyền hình”
- Dấu ba chấm của tình yêu – Truyện ngắn Nguyễn Ngọc Yến
- Chùm thơ Anh Dũng: Ăn sương muối gội sương mai