Thơ Trần Đăng Khoa chia sẻ nỗi đau thương của Palestine

Vanvn- “Khắp đất nước Palestine/ Đến đâu tôi cũng thấy/ Những bức tường/ Trong hình hài những thân cây gãy/ Những ngôi nhà đổ sập tan hoang/ Và bời bời gạch đá ngổn ngang/ Sau những trận bom và tên lửa…”

Nhà thơ Trần Đăng Khoa ở Palestine 6.2023

Vào một chiều đầu tháng 11.2023, tại Đại sứ quán Palestine ở Hà Nội, các nhà ngoại giao Đại sứ quán các nước, các vị khách quốc tế đã có mặt chia sẻ với nhà nước và nhân dân Palestine về đau thương mất mát trong cuộc chiến tranh đang diễn ra trên Dải Gaza giữa Israel với Hamas.

Nhận lời mời của Đại sứ Palestine Saadi Salama, Hội Nhà văn Việt Nam đại diện có các nhà thơ Nguyễn Quang Thiều – Chủ tịch, Trần Đăng Khoa – Phó Chủ tịch và Hữu Việt – Ủy viên Ban Chấp hành, Phó ban Đối ngoại của Hội đã đến tham dự sự kiện có ý nghĩa.

Theo lời Đại sứ Saadi Salama, hiện nay cuộc chiến ác liệt đã làm cho hàng trăm ngàn người dân Palestine bị giết hại dọc Dải Gaza, trong đó có hơn 3500 trẻ em. Tính trung bình hàng ngày cứ 5 phút lại có một đứa trẻ vô tội bị giết chết.

Trước đó, vào tháng 6.2023, một đoàn nhà văn Việt Nam đã đi thăm Palestine và nhà thơ Trần Đăng Khoa đã viết một chùm thơ về đất nước bạn trong chuyến đi này. Từ trải nghiệm thực tế mắt thấy tai nghe, bằng tình cảm chân thành và sự rung động mạnh mẽ của trái tim một thi sĩ lớn đến từ một đất nước từng trải qua những năm tháng vô cùng đau thương vì chiến tranh chia cắt, nhà thơ Trần Đăng Khoa đã viết nên những vần thơ giản dị mà cuốn hút, hiện sinh mà trắc ẩn, nhẹ nhàng mà phẫn uất, lay động thức tỉnh và mẫn tuệ nhân văn.

Vanvn.vn trân trọng giới thiệu chùm thơ của nhà thơ Trần Đăng Khoa đến bạn đọc như một sự chia sẻ nỗi đau buồn với đất nước và nhân dân Palestine!

 

BÊN SÔNG JORDAN

 Tặng Nguyễn Quang Thiều

 

Chúa dừng chân, rửa tội

Bên bờ sông Jordan

Ngẩng lên, trời rực sáng

Chúa chợt thấy Thiên đàng

 

Ngỡ chỉ còn mấy bước

Tới thế giới Thần tiên

Mặt người ngời hạnh phúc

Ấm lành và bình yên…

 

Tôi lặng ngắm dòng sông

Từng in gương mặt Chúa

Giờ như vũng trâu đầm

Dây thép gai vây bủa

 

Ở trên cây Thánh giá

Chúa còn bị hành hình

Huống chi con của Chúa

Những kiếp người mong manh…

Sông Jordan, nơi Chúa từng rửa tội và nhìn thấy Thiên đàng: “Giờ như vũng trâu đầm/ Dây thép gai vây bủa”

CHÚA LẠI BỊ HÀNH HÌNH

LTG: Trong thời gian chúng tôi ở Palestine, nhà thơ Sami Tamimi đã đi theo bảo vệ đoàn nhà văn Việt Nam an toàn trong suốt mười ngày. Nhưng trong thời gian ấy, đội quân chiếm đóng đã càn quét làng ông, bắn chết cháu nội ông, bé All – Tamimi Mohammed 3 tuổi khi đang chơi ở sân nhà mình. Nhân dân Palestine đã tổ chức tang lễ cháu bằng một cuộc biểu tình rất lớn.

 

Chúa đã Phục sinh, sao không nhìn thấy Chúa

Chúa trở về trong muôn kiếp nhân sinh

Mảnh đất Chúa sinh ra không có chỗ cho Chúa

Nơi đất mẹ yêu thương, Chúa từng bị hành hình…

 

Chúa có mặt khắp nơi. Và Chúa chỉ có một

Còn Judas thì đầy cả hành tinh

Kẻ giết Chúa vẫn hàng ngày cầu nguyện

Mong Chúa ban phước lành…

 

Hình như Chúa vừa về trong dáng hình All – Tamimi Mohammed

Thiên thần trong veo lại bị bắn trước sân nhà

Gương mặt bé rạng ngời như Chúa mới sinh ra trong Máng Cỏ

Chúa thực mà. Nào có phải đâu xa…

 

Xưa Chúa bị đóng đinh khi ba mươi ba tuổi

Giờ Chúa lại bị hành hình ở tuổi mới lên ba…

 

NHỮNG BỨC TƯỜNG Ở PALESTINE

 

Trong bảo tàng thành phố Ramallah

Có bức tường

Nhỏ bé và đơn độc

Khi tôi đến bên

Bức tường bỗng cất lên tiếng khóc

Rồi tiếng thét gào, rên la

Tiếng đàn ông

Đàn bà

Người già

Trẻ nhỏ

Tiếng các em còn chưa rõ

Như ngọn gió hoang gào u oa, u oa…

 

Bao nhiêu người trẻ, người già

Đã từng bị giết

Cả một kiếp người còn lại tiếng kêu rên

 

Khắp đất nước Palestine

Đến đâu tôi cũng thấy

Những bức tường

Trong hình hài những thân cây gãy

Những ngôi nhà đổ sập tan hoang

Và bời bời gạch đá ngổn ngang

Sau những trận bom và tên lửa…

 

Bàn chân bỗng lạnh giá

Tôi không dám bước thêm

Sợ sỏi đá dưới chân, lại cất tiếng kêu rên:

– Xin đi thật nhẹ thôi!

Mới hôm qua

Chúng tôi còn là những Con Người…

Biển Chết bị rào chắn cùng tấm biển “Vượt qua hàng rào sẽ bị bắn”

BIỂN CHẾT

 

Không phải Biển đâu. Những kiếp người đau khổ

Khao khát Tự do, Hạnh phúc, Yêu thương

Đành thoát khỏi kiếp người mà thành Biển

Vượt sa mạc đọa đầy, tìm cách đến Đại dương…

 

Nhưng Biển cũng có thoát được đâu. Biển đã thành Biển Chết

Chết mà chẳng được yên. Vẫn bị tù đày

Một dải quặn thắt bên trời là máu và nước mắt

Mặn đến đắng ngắt kia. Nên chẳng có gì chìm được ở đây

 

Biển vẫn long lanh một con mắt khóc

Hình như muốn nói điều chi với cả loài người

Nhưng loài người ở đâu? Trời thì sâu thăm thẳm

Để cây cỏ ven bờ cũng vật vã khôn nguôi…

 

Ta đã vượt qua cả nửa vòng Trái đất

Đến cạnh Biển rồi mà có tới được Biển đâu

NẾU VƯỢT HÀNG RÀO THÉP GAI SẼ BỊ BẮN*

Đành qua hàng gai thép để nhìn nhau…

______________

 * Dòng chữ trên biển cấm treo dọc hàng rào dây thép gai…

 

NÚI CÁM DỖ

 

Nào có gì ở nơi đây?

Mà núi lại thành cám dỗ

Một vùng sỏi đá cỗi cằn

Không một nhành cây, ngọn cỏ

 

Trời trong. Gió lành dịu mát

Sao không thấy cỏ xanh lên

Mới hay vùng đất khắc nghiệt

Đâu phải chỉ vì Thiên nhiên…

 

Biết bao ngọn núi cám dỗ

Chờ ta ở khắp mọi nơi

Và núi cám dỗ hiểm nhất

Lô nhô dựng giữa lòng người!

 

Nhân sinh muôn kiếp qua đây

Chiêm ngưỡng một triền núi vắng

Chợt như bóng Chúa Jesus

Lững thững bước vào mây trắng….

 

6.2023

Nhà thơ Trần Đăng Khoa (bên trái) tại Đại sứ quán Palestine ở Hà Nội chiều 4.11.2023

NGẪU HỨNG

Yêu mến tặng Thủ tướng Palestine Mohammad Shtayyeh

 

Ở hai miền xa thẳm

Cùng một Trái đất thôi

Chúng ta đều kiêu hãnh

Đứng thẳng dưới Mặt trời

 

Dù dân ta còn khổ

Khổ cả ngàn năm rồi

Không thể bị săn đuổi

Bởi chúng ta là Người!

 

Kẻ nào bắn các bạn

Là bắn vào tim tôi….

 

Palestine 6.2023

TRẦN ĐĂNG KHOA

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *