Thơ Phùng Hải Yến: Em sơn cước cái nhìn phóng khoáng

Vanvn- Phùng Hải Yến là người dân tộc Dao Khâu, hiện chị là Phó Chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Lai Châu, Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam. Có bố, mẹ đều đam mê viết văn, Phùng Hải Yến tiếp nối cả tình yêu thương, ước muốn, và năng khiếu bẩm sinh của thế hệ đi trước với nghề viết.

Nhà thơ Phùng Hải Yến – Hội viên mới Hội Nhà văn Việt Nam 2021

Sinh năm 1985, Phùng Hải Yến được học hành, đào tạo bài bản, là một nhà báo trẻ, cùng với nhiều bài báo sắc sảo, chị viết nhiều về nét đẹp truyền thống của quê hương. Có cảm giác Hải Yến như một cây non đang sung sức, gắng cắm rễ sâu vào lòng đất mẹ để có thể vươn cao hơn nữa. Thơ Phùng Hải Yến bằng cách riêng của mình đã chạm vào tâm thức người đọc để gợi lên những rung cảm thẩm mĩ. Những bài thơ khiến người đọc chạy dài trên cánh đồng chữ với những so sánh, ẩn dụ, trường liên tưởng, cho phép mở rộng giới hạn tư duy và cảm nhận.

Mảnh đất Tây Bắc nói chung, đặc biệt là quê hương Lai Châu mang lại cảm hứng vô tận cho các tác giả, Phùng Hải Yến qua các sáng tác của mình đã góp phần làm nên diện mạo văn nghệ trẻ Lai Châu, góp một làn gió mới cho văn nghệ dân tộc thiểu số Tây Bắc: “Tôi mộng du điệu vũ lạ kỳ/ Em sơn cước cái nhìn phóng khoáng/ Giọng ca ấm trầm lời đá núi/ Bát rượu đầy tình chưa uống chớm say”.

CHUYÊN ĐỀ VĂN HỌC LAI CHÂU:

>> Văn học Lai Châu: Nhìn từ Pu Ta Leng

>> Đỗ Thị Tấc – trụ cột của văn học Lai Châu

>> Hà Phong viết để yêu thêm đất núi quê mình

>> Huỳnh Nguyên thuộc thế hệ tiên phong văn học Lai Châu

>> Thơ Đinh Hồng Nhung: Nỗi niềm của cô giáo cắm bản

>> Thanh Phương – người đa tài của văn nghệ Lai Châu

>> Thơ Phạm Đào: Gom thương nhớ gửi vào miền xưa cũ

>> Truyện ngắn Đặng Thuỳ Tiên: Lão Gàn & Sa ngã

>> Thơ Châm Võ: Giấc mơ đêm hoa nở tràn trên đá

 

CÁ LĂNG VÀ ĐẠI BÀNG

 

Đại bàng không thể thở trong bốn khối tường xi-măng

Tôi đã ngấm khát khao tự do tung tẩy

Thênh thang cao nguyên mới đủ bão gió buông cánh chim sải mỏi

Đồng cỏ rộng dài mới chứa nổi khát vọng vượt thoát chờ tái sinh

 

Tôi nghe tiếng đập cánh thiêm thiếp trong những giấc mơ bí bách khốn cùng

Con cá lăng không thể nằm im trong lạch nước đục

Trong vắt, hung tợn sông Đà là nơi tôi vun vút khỏa nước

Lao săn sắt mũi tên qua từng dải đá ngầm, hai bên bờ ban nở trắng đại ngàn xanh

 

Lưới nào giăng được mây?

Chỉ nào buộc nổi gió?

Tôi soãi cánh giữa rừng già, lúa vàng óng ả là là ruộng bậc thang

Hoa cơm nếp thơm ngập mũi

Mùi của thiên nhiên,

tự do

cùng thử thách

Tôi thà bay ngang trời một lần rồi rơi thẳng xuống vực sâu hun hút

Cá lăng đã ngược thượng nguồn sông Đà

Và trở về đúng hình hài nơi đầu dòng thác dữ.

 

MƠ GIẤC THƯỜNG NGÀY

 

Giữa phố từng đoạn chăng kín dây cách ly

Tôi mơ ngồi với đám bạn thân

Chờ giọt cà phê rơi, nhấm nháp ngụm trà đá

Phút giây thảnh thơi trong guồng quay bận rộn

Quán xá nhộn nhịp gương mặt quen

 

Giữa quê mơ tiếng hàng xóm ghé thăm

Chén nước vối, hạt bí xanh tí tách

Chuyện trò rổn rang về ruộng vườn, cây trái được mùa hay mất vụ

Khoe nhà mình con giỏi, cháu ngoan

 

Ôm con trẻ

Tôi mơ cùng chúng cuốn vào các trò chơi

Trên thênh thang thảo nguyên

cánh diều liệng chao phấp phới

Nụ cười không bị chiếc khẩu trang lạnh lùng che khuất

Còn điều gì đáng mơ hơn hạnh phúc trẻ thơ?

 

Trong bốn bức tường câm, tôi rốt cục chỉ mơ về tấm phiếu đi chợ mỗi tuần ba phiên

Mua đủ những mưu sinh cần thiết

Mua được cả hình dáng yêu thương của bậc sinh thành không chỉ qua hồi chuông ríu ran điện thoại

Mua chút niềm tin xua lo lắng trên dòng tin thêm số người nhiễm bệnh buổi sáng

Không còn tiếng còi réo ầm ĩ khuấy đau cả sương mai…

 

Mùa đại dịch chập chờn bao cơn mơ

Giấc mơ trước đây không cần phải mơ, vẫn luôn sẵn có.

Tranh của họa sĩ Lê Trần Thanh Thủy

NIỀM TIN

 

Đọc báo giữa những ngày nắng vàng mùa thu

Tim nấc nghẹn như chính mình đang trong vùng tâm dịch

Cánh tay tiêm vắc-xin còn tê mỏi

Ống thở khò khè trên mũi rát đau.

 

Không gian tôi sống hôm nay vẫn là khoảng trời, không khí trong lành vùng cao

Lớp lớp ruộng bậc thang lúa cong trĩu bông đón gió

Váy thổ cẩm phơi hiên nhà gợi hơi ấm sự sống

Chợ phiên bớt tưng bừng nhưng sản vật vẫn thơm ngon

 

Khoảng khắc sống chậm mỗi ngày gợi nhiều suy ngẫm bên trong

Mong cầu nhiều điều mà ngày thường không hề để ý

Ánh mắt trẻ thơ lay láy tròn

Niềm tin đến ngày mai chưa từng tàn lụi

Ngày bình yên lại trở về trên đất nước tôi.

 

Những điều bình thường như là xe thì sẽ thông thương

Người nắm tay nhau, ghé môi hôn không cần khẩu trang bưng bít

Mẹ tôi lại thăm bà, dì tôi ở miền Nam mỗi ngày không cần sợ hãi

Và chính chúng tôi, sẽ lại có công việc bình thường mà không cần họp online cùng bốn bức tường khép kín cách ly…

 

LỜI KHÈN

 

Tiếng khèn thổi dọc suốt bờ rào đá

Bỏng rát nỗi lòng em

Khèn đừng vang cuốn, người ơi!

Kẻo bước chân lại bíu ríu qua bậc cửa.

 

Khèn rượt đuổi trong giấc mơ đêm

Em giấu mế, xâu lời khèn đầy gối

Gối đêm nào cũng không ru giấc ngủ

Giục ánh mắt chập chờn theo gió len qua vách gỗ nhà.

 

Tiếng khèn thổi suốt tâm trí em

Tiếng khèn gieo hy vọng và nỗi sợ hãi

Tiếng khèn mang theo tuổi trẻ

đến nơi chợ phiên đã già.

 

Em không còn sơn nữ

Em lập bập ghé góc cuối chợ tình

Nghe lời khèn cũ nát

Khèn thổi suốt đơn côi cuộc đời em.

 

GIÓ CỐM

 

Chày khua đáy cối

Gió cốm len khẽ nếp áo chàm

Nắng thổ cẩm chở thu về hong tóc

Khói bếp bay.

Hương rượu cay.

Ánh mắt say.

 

Gió cốm đượm nồng vạt cỏ,

Cô gái mây

Nâng chày

Đưa mùa

Tiễn ngày tháng

 

Gió cốm

Níu chân khách lạ

Tình lay…

Tranh của họa sĩ Lê Trần Thanh Thủy

THIẾU NỮ LA HỦ

 

Đêm huyền diệu Mường Tè

Sương trắng bồng bềnh trôi

Tôi lạc lối giữa phố chợ

Tìm em…

 

Em

Áo thổ cẩm rực chỉ màu La Hủ

Bạc khua dồn nhịp bước

Ánh mắt nai chiều quên lối

Giữa những thiếu nữ lạ – quen

Tôi mê mải chờ mong.

 

Tôi mộng du điệu vũ lạ kỳ

Em sơn cước cái nhìn phóng khoáng

Giọng ca ấm trầm lời đá núi

Bát rượu đầy tình chưa uống chớm say

 

Tôi tìm thấy em trên núi giăng đầy mây

Sông trở mình thành thác,

Tôi chẳng còn kịp chuyến xe về

Hồn lỡ ghi tên mình thành người con bản em.

 

NỤ CƯỜI CỦA ĐÁ

 

Nội tôi

Cổ thụ cao nguyên

Rễ cây xòe nếp trán

Vết chai chỉ tay

Trăm năm buồn với đất,

Hồn hậu

Nội nhoẻn cười

Bờ môi vun

Mầm vui.

 

Nội là đá của rừng sâu,

Là đá trồng thêm những nương ngô, vụ lúa

Con cháu – cây trái quây quần bên đá,

Ngọt bùi mai sau.

 

CÁNH ĐỒNG

 

Tôi trở về cánh đồng hun hút gió heo may

Thấy những người cha, người ông hướng dẫn con, cháu mình gieo mạ

Bàn tay nhỏ bé sục bùn non

Mồ hôi mướt mát

Ngõ nhỏ tuổi thơ đưa lối tôi về

 

Trên cánh đồng thuở xưa

Ông nội tôi cày sâu cuốc bẫm

Hạt lúa đỏ lạo xạo nuôi bố tôi khôn lớn

Trưởng thành,

Đi xa…

 

Những con đường tôi dấn bước chân qua

Mùi cơm gạo trắng mới chẳng thể nào nhớ nổi

Trở lại quê xưa

Nghẹn lòng gạo đỏ

Ông tôi hóa khói mây trời.

 

Nhiều thế hệ lớn lên trên cánh đồng

Ước mơ trải dài thung lũng

Dù đi bao xa

Vượt qua bao sông núi

Ai cũng một lần ngoái lại nơi sinh.

 

Cánh đồng là nơi gieo hạt mầm

Trên đất núi chúng tôi khôn lớn…

 

PHÙNG HẢI YẾN

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *