Vanvn- “Khúc kha khúc khích là cười/ Ai người nông nổi ai người tầm phơ/ Tiếng cười từ xửa từ xưa/ Thế gian nghiêng ngả đến giờ chưa thôi”
“Phạm Trọng Thanh có một cảm hứng đằm thắm về quê hương làng mạc, về đời sống lam làm của người dân đồng biển. Phong vị văn vật tỉnh Nam rõ lắm, không phải chỉ do những địa danh sông Ninh, chợ Bút, phủ Thiên Trường mà là do tất cả những gì làm nên chất liệu thơ anh.” – nhà thơ Vũ Quần Phương nhận xét.

Phác thảo Quy Nhơn
Không thể níu khoảng trời năm ấy
đêm sau chiến tranh Quy Nhơn xa vời
chòm sao đính trên vòm tháp cổ
Diêu Trì rì rào vào khuya
Tôi trở về trên chuyến tàu xa
trong nhịp điệu tươi xanh thành phố trẻ
áo sinh viên dọc lối hoa vàng
lấp lánh hoa văn bảo tàng
nụ cười thần bí chín thế kỷ
sa thạch chất chồng
thời gian trầm tích
mây lang thang Ghềnh Ráng hoàng hôn
Người biệt Sài Gòn ôm trăng Quy Nhơn
đêm độc ẩm ngoài khơi con sóng khát
ai làm đau trái tim thiên sứ
vết thương ứa máu bài thơ tình
lại đọc sự đời dâu bể
mắt dao cau ráo hoảnh theo chồng
Người bỏ cuộc chơi mùa hạ mênh mông
vịnh biếc Làng Mai rờn sắc cỏ
trưa miên man dốc vắng Mộng Cầm
màu trời Lệ Mỹ trôi về đây chăng(1)
sông trắng nắng trắng biển trắng
lá trúc vườn ai mời mọc
mộ thi nhân trên đồi Thi Nhân
hoa cau dâng tiếng sóng choàng êm
thơm bâng khuâng những câu thơ bất tử
______
(1) Nhà thơ Hàn Mặc Tử quê sinh Lệ Mỹ, Quảng Bình.
Gửi Xô Ny
Thân yêu tặng Hoàng Quí Bảo – Binh đoàn Cửu Long, F339,
QK9, cùng các bạn tôi – những người lính tình nguyện.
Xô Ny! Em sẽ đọc thư anh
một ngày nào đó
đến như nắng nhẹ nhàng trên đường phố
bác đưa thư dừng bước, tươi cười
Đây, anh đang ngồi ngay ngắn viết cho em
trong bóng những tàu dừa thân thiết
Em biết chăng
sau tiếng chào lan xa như dòng sông
anh đã gọi em niềm vui không giấu nổi
xúc động nhìn em ngoắt chùm hoa bước lên
dưới vòm trời muôn lá xanh xoè quạt
Phnôm Pênh huy hoàng lá cờ ba đỉnh tháp
tiếng vỗ cánh bầy chim sa-ri-ăng (1)
Phnôm Pênh rưng rưng
trong cuộc tiễn đưa dài lời hò hẹn
Xô Ny của các anh
giờ chia tay
sao em lại khóc?
Giọt nước mắt trở về
không thể mất
giọt lóng lánh Biển Hồ trong suốt
hạt tươi trong đi về phía cuộc đời…
Anh nhớ em
những bước chân xinh tươi trên thảm nắng
ngày Chon Chơ Nam Thơ Mây(2)đôi mắt đen mở to
bàn tay nhỏ chào vầng trăng
một cô bé trong vòng tay thương yêu
sao phải nhận những cực hình nhục mạ?
Bốn tên “ăng-ca”(3) đen kịt một khung trời
miệng rít gió và lưỡi đầy nọc độc
bàn ghế phút chốc quay cuồng
người cha đổ xuống mặt sàn nghẹn uất
người mẹ bị xua dồn
bị bứt ra như chiếc lá rẩy run
“Me ơi…Me ơi…” – tiếng kêu đau xé!
Em tái nhợt trước tám con mắt quỷ
chiều loạng choạng ngã nhoài vào bóng đêm
Bị đẩy vào đêm
ôi Campuchia Tổ quốc của em
những người thân mắt rợp bóng cây vườn
người bẻ lái chèo Mê-kông vượt thác
người tựa núi ngấp nghiêng triền Đăng-rếch
các vị thần tìm thuốc trường sinh
kỳ vĩ Ăng-ko những thế kỷ vàng
trăng dát hoàng cung đền đài thức ngủ
Những đôi tay giàu có quyền năng
tạc lộng lẫy tình yêu trên ngực đá
dọc lối hoa bay vương quốc phù điêu
gương mặt Bay-on hồn nhiên tĩnh toạ
để ánh sáng trời cao thành chất liệu vĩnh hằng
Một đất nước mỉm cười về xa thẳm
vũ điệu thanh bình bước chân làn sóng
bỗng lùi vào bóng đêm…
Xô Ny ơi!
Anh đã tìm thấy em
khẳng kheo bước giữa dòng người cùng cực
ve xao xác, lá lìa cành như trút
sự sống mong manh những hốc mắt mịt mờ
trên đường Xiêm Riệp
tay em run run níu lấy cánh tay anh
môi em run run bên ca nước chiếc bi-đông
thân thiết về đây những chàng trai Việt
những đứa em mồ côi len lét ngẩng đầu
cả những hình hài không còn tuổi còn tên
lờ mờ chiếc bóng
những phum sóc oằn mình trong đất lấm
phút hồi sinh bừng dậy mỗi cuộc đời
Xô Ny,
em không thể đi cuối đất cùng trời
tìm lại người cha thân yêu
nghẹn ngào tức tưởi
người cha ưa trồng hoa và giỏi bơi thuyền
đã chết nơi ngục tối
không thể hoá thành chim
hay một ánh cầu vồng giữa mùa khô quay quắt
Em làm sao có thể trở về
căn phòng tuổi thơ trong vòng tay mẹ
để mẹ vuốt ve mắt mẹ nhìn yên ấm
chải lại mái tóc cho em
dệt cho em một tấm khăn mềm
rạng rỡ như làn mây buổi sớm
khuôn mặt vầng trăng khuất ở nơi nào…
Chúng bỏ lại dưới mặt trời gay gắt
những giếng rợn xương người
những bãi thải đầu lâu người lăn lóc
nhân loại đau muôn thuở nỗi đau này:
Hoạ diệt chủng tiếng cười gằn quái vật
thời đồ tể nghênh ngang bạo quyền
gió độc vô hồi kỳ trận cuồng điên
lũ bạo chúa trời tru đất diệt!
Không, Xô Ny ơi, không thể nào
không có ai là con người lại để
những ngọn roi song những cuộn thừng dài
dồn đất nước này vào nơi u thảm ấy!
Em là chiếc mầm trong cánh rừng ngổn ngang đám cháy
hạt lúa nhỏ bên miệng cối tử thần hung hiểm
không, không… Xô Ny ơi!
Em là tuổi thiếu niên của tất thảy con người
giữa những năm Bảy mươi nhiều biến động
em là niềm hy vọng mong manh tia nắng
trong mắt khép những người thân trở trăn lần cuối
tiếng gọi mơ hồ quanh quất đâu đây…
Xô Ny,
các anh đã dìu em đi
vượt qua hết những ngả đường lầm lụi
được ngồi thở với anh
chút hương thơm bóng lá ngả bên đầu
Em đã hiểu vì sao
sau trận đánh bừng lên như ánh chớp
là bước hành hương
MỘT DÂN TỘC TRỞ VỀ
Em đã hiểu vì sao
đồng đội anh có bao người ngã xuống
lòng sáng trong buổi sáng cuộc đời
nguyên vẹn nụ cười bước chân thần tốc
bán đảo này quấn quít những lời thương
Sẽ trở về ven nguyên tiếng hát
em có nghe Mê-kông đang vỗ nhịp trước chân trời
lúa sẽ chín những mùa vàng đoàn tụ
sẽ ngọt dần chùm trái trong tầm tay
Anh nghe ngọn gió hoà bình cùng em cất tiếng
nơi mái trường đường phố dài hoa bay
ngày trẻ lại trong từng đôi mắt sáng
với trời mây sông núi đền đài
Em đang viết ở bên trời
ngón tay thon dịu dàng năm ngọn tháp
Campuchia…từng nét chữ – nét hoa văn nắn nót
trên trang vở tinh khôi
bên mái đầu nghiêng nghiêng
Ơi Xô Ny
các anh không bao giờ quên
làm sao quên em được
đây, anh đang ngồi trong nắng sáng viết cho em…
____________
(1) Sa-ri- ăng: chim sáo.
(2) Chon Chơ Nam Thơ Mây: Ngày Tết cổ truyền – Lễ hội chào trăng của nhân dân Campuchia.
(3) Ăng- ca (ông lớn): chỉ bọn tội phạm diệt chủng “Khơme Đỏ” Pôn Pốt, Iêng Xary
(1975-1979), tàn sát dã man 1,7 triệu người dân Campuchia vô tội.

Nguyên Hồng
Những ngày thơ ấu của ông ở đây
phố Hàng Cau
trường Cửa Bắc…
Nguyên Hồng đánh đáo đá bóng
Nguyên Hồng thuộc sử mê văn
ngang dọc trường thiên tiểu thuyết
trong cơn ho rát ngực cha
bên sạp hàng xuềnh xoàng của mẹ
Nguyên Hồng nao nao
Thành Nam đi học
qua đám người mãi võ Cửa Đông
Sở Mật thám lính Âu Phi đứng gác
Nguyên Hồng!
Thầy giáo già tin cậy gọi tên
cánh tay bụi phấn
cây gậy thần tiên
đưa ông tới Hải Phòng
ngọn bút nhân hậu
khởi đầu trang văn từ đây
những kiếp người cùng khổ
từ Cửa biển, Sóng gầm
đến quật khởi Núi rừng Yên thế
Vạm vỡ Nguyên Hồng
nhà văn rưng lệ
ở đây
Những ngày thơ ấu của ông…
Anh hề con gái
Cái nghề chọn mặt tài trai
Chứ sao em thích sắm vai làm hề
Má hồng chịu cái ngô nghê
Môi son phải luỵ mặt hề. Khổ chưa!
Đêm chèo như thực như mơ
Say như điếu đổ là cưa cột đình
Anh hề gàn chú hề xinh
Cười cho thế thái nhân tình tốt tươi
Khúc kha khúc khích là cười
Ai người nông nổi ai người tầm phơ
Tiếng cười từ xửa từ xưa
Thế gian nghiêng ngả đến giờ chưa thôi
Vầng trăng cười tít lưng trời
Còn bông hoa nở thì cười con ong
Thác cười trắng xoá đầu sông
Bồng bồng cô ấy cõng chồng đi chơi
Lạ lùng câu hát thì xuôi
Bàn tay nói ngược mắt thời liếc ngang
Hề mồi, hề gậy đa đoan
Đau ông hề hoạn bấm gan làm người
Anh hề ơi! Em hề ơi!
Tích trò thêm cả tiếng cười vòm hang
Cái ngày vượt dốc Ba Thang
Vai đeo cơn sốt băng ngàn mà đi…
Vẽ
Đêm qua
có áng mây lành tìm đến căn phòng em ở
đêm qua có ánh trăng rằm
dòng thác vô tư kia làm vỡ
tiếng chim đêm qua đánh thức một triền hoa
ý nghĩ của anh – ba chiều không gian rạng rỡ
hoá lâu đài thao thức đêm qua
Tấm toan lên khung
và em có thể chứa cả bầu trời anh biết
có thể vớt lên chuỗi màu óng ánh ngọc trai
thuở nàng công chúa khóc
chèo kéo dòng sông xa, vời con đường kia
chảy tới góc trời này
em sắm cả cỗ xe của vị thần Ánh Sáng
lóng lánh vàng ròng vòng bánh mặt trời xoay
Có thể vào tranh
chút nắng bâng khuâng bàn chân cuối dốc
cả nỗi hoang mang con sóc nhồi bông
đứng ngóng cành gầy
câu thơ phiêu du nghìn năm bên lầu Hoàng Hạc
vùng ngã ba sông hạc trắng bay về
nghe bước gió rông rênh
khi nhành lá quệt vào cửa sổ
trái tim yêu nhịp thương yêu đầy ứ
phố ta về nghìn thước núi lên tranh
Chiều Tam Đảo chân trời đang vẽ sóng
mùa thu lướt ngón thiên thanh
trên hàng phím dương cầm
Ngoảnh lại Giang Đình(1)
Rặng bần áp bến đò ngang
Để sông Lam chẳng lẫn sang sông Tần
Đỉnh Hồng gấp cánh phù vân
Chín mươi chín ngọn in ngần trời quê
Bên sông buổi ấy người về
Mon men tùng cúc thu kề ngoài song
Giang Đình kề mảnh trăng trong
Tiếng chày ánh lửa động lòng cố hương
Vớt lên khói sóng Tiền Đường
Trăm năm này cõi vô thường người ta
Bụi hồng bạc xóa lau xa
Tiếng Kiều đồng vọng cỏ hoa cúi đầu
Sông in núi chẳng thay màu
Ngả dài điệu sóng thuyền câu bập bềnh
Giang Đình ngày rộng thênh thênh
Cánh buồm xa thoắt qua ghềnh triều lên
Cỏ thơm vạt áo Tiên Điền
Thi nhân chừng mới như biền biệt đây
Chiều tà buộc nắng lưng cây
Biết đâu mây trắng còn ngây lối về
__________
(1) Một trong tám cảnh đẹp ở Hà Tĩnh, quê hương đại thi hào Nguyễn Du.
Tưởng vọng mưa nguồn
Giọt thấm mềm chân tóc
giọt ướt ròng thân sao
ông già trong suốt
vóc nhuồm hồn lau
vầng trán Ngũ Hành Sơn – rạch chớp
phức điệu Mưa nguồn(1)
rưng hai tròng mắt
bốn phía trời dầm chân đỏ hoe
thây kệ chiếc lược mưa phố dài chải chuốt
kệ những điệu chào lao xao tường mưa
Bồng bềnh phiêu du
người đang nghe mây trời kết trái
nghe ngọn lúa trổ hoa
vỗ rào nguồn trôi nước dạt
mưa vẽ chòm râu nước
mưa vẽ màu quê chung
mưa đưa ngày xưa sang ngày sau
hạt đo hạt đếm
có gì nhiều đâu
còn hai con mắt
ở chốn nhu mì còn em thương nhất
bao miền mưa chưa qua…
Giọt nổi nênh treo trước hiên nhà
giọt vây kín ngõ chiều phố chợ
câu thơ diệu tưởng
mới và cũ
thấm đẫm cơn mơ chiếc lá gió cồn
lang thang đủ mười mấy kiếp
thử vượt vòng sinh diệt
trong điệu chuông buồn
trên mái phố mưa bay
_______
(1) Thơ Bùi Giáng.
PHẠM TRỌNG THANH
CHUYÊN ĐỀ VĂN HỌC NAM ĐỊNH:
>> “Cho tôi ly nữa”… chân dung tinh thần tự họa của Nguyễn Bính
>> Truyện ngắn Phạm Trường Thi: Sự thật về bức tranh & Bờ nhân gian
>> Á Nam Trần Tuấn Khải, anh Khóa với những vần thơ nước non!
>> Thơ Trần Hồng Giang: Ký ức rêu phong nhưng chẳng dễ phai mờ!
>> Truyện ngắn Mai Tiến Nghị: Mặt trời chói lóa & Mùa cua rận
>> Thơ Nguyễn Thế Kiên: Từ cay đắng mẹ – mà nên đất này
>> Nhà thơ Trần Tế Xương – Một nhân cách văn hóa
>> Thơ Trần Văn Lợi: Bến quê buộc mảnh trăng vàng chơi vơi
>> Nhà thơ Đoàn Văn Cừ: Từ chợ quê đến… vợ quê
>> Truyện ngắn Lê Hà Ngân: Bão tơ hồng & Giấc xuân
>> Nhà văn Y Ban bàn về chuyện nói bậy của quê mình
>> Bà chúa Cột Cờ – Truyện ký của Phạm Trọng Thanh
>> Nguyễn Bính – lạc chốn thị thành
>> Thơ Phạm Trường Thi: Làm vua chết chẳng được chôn đúng mồ…
>> Lão Bõm – Tiểu thuyết của Trần Quốc Tiến – Kỳ 3
>> Văn hiến đất Sơn Nam – hào sảng nhà văn Nam Định – Kỳ 3