Thơ Phạm Bội Anh Thuyên: Gánh Tây Nguyên một chuyến về xuôi

Vanvn- Trái tim em đẫm ướt tình buôn làng/ chẳng thể nào khô héo/ có dòng Krông Nô và núi rừng thiêng lắm/ con gái Ê Đê không dám bỡn đùa/ em chỉ sợ trái tim anh khô héo/ sợ anh không về với buôn với làng/ trái tim em sẽ lạc mất/ bậc thang lên nhà chẳng có người tới/ thần linh không tha buôn làng cũng không tha

Nhà thơ Phạm Bội Anh Thuyên ở Bến Tre

CÂY KƠ-NIA MẢI HÁT BÊN ĐỒI

 

Anh giúp em gieo hạt ngô

ngô tràn nương rẫy

anh giúp em gieo hạt lúa

lúa xanh lúa vàng thổ cẩm

cái bụng anh tốt

cái đầu anh hay

 

Ai xui em uống rượu cần

đồi núi lâng lâng

dòng Dakrông rạo rực

buôn làng bỗng nhiên đẹp hơn trước

em bỗng nhiên yêu nương yêu rẫy hơn trước

trai làng nhìn trộm em bằng con mắt khát

gái làng ghen với em có chàng trai Kinh như Giàng cho muối

em cầu thần linh canh giữ

anh đừng lạc vào cái nhà sàn cái nương người khác

 

Mùa ngô mùa mùa lúa say bồ

mẹ cha ưng lắm buôn làng ưng lắm

bướm bay vui như mùa cưới

xin anh đừng bỏ về xuôi

cơm lam sẽ nhạt con nai rừng sẽ nhớ

 

Còn hạt giống lòng em đang ấp ủ

hoa pơ-lang cũng biết

đàm chim phí cũng hay

chỉ có cây kơ-nia mải hát bên đồi.

 

GIỮ

 

Ban mai thức giấc đưa em lên rẫy

em không quên mang theo trái tim anh bé bỏng

(lần đầu lên đây anh đánh rơi bên gốc kơ-nia nơi em đụt nắng)

em giữ nó như người Ê Đê giữ hạt giống

như người Ê Đê giữ buôn giữ làng

em đem nó khoe khắp núi khắp rừng

gieo nó theo từng hạt ngô hạt lúa

trộn nó vào giấc mơ

trộn nó vào hoa pơ-lang mà anh và em cùng thích

em sợ nó khô em sợ nó héo

như già làng sợ người Ê Đê bỏ chiêng bỏ cồng

 

Trái tim em đẫm ướt tình buôn làng

chẳng thể nào khô héo

có dòng Krông Nô và núi rừng thiêng lắm

con gái Ê Đê không dám bỡn đùa

em chỉ sợ trái tim anh khô héo

sợ anh không về với buôn với làng

trái tim em sẽ lạc mất

bậc thang lên nhà chẳng có người tới

thần linh không tha buôn làng cũng không tha

 

Em sợ trái tim anh khô héo

nên giữ nó như người Ê Đê giữ hạt giống

như người Ê Đê giữ buôn giữ làng.

 

HẮT LÊN HUYỀN THOẠI

 

Thung sâu

thung sâu

thung sâu

tay xà-gạc dang lưng trần trùng trục

da nâu đen như lõi cây già cháy sém

chiếc khố thô quấn tròn năm tháng

thiên nhiên nín gió cúi đầu

buôn làng đặt ống tẩu vào bờ môi đá

già làng thả mây bay thức dậy núi rừng

 

Đồi cao

cao cao

đồi cao

gùi sương trên lưng địu con trước ngực

trộn cuộc đời vào những mùa rẫy

bàn chân trần lách đá tai mèo bước qua gian khó

những người đàn bà Tây Nguyên cần mẫn nhặt lên

hạt hạnh phúc sau tiếng chài khuya khoắc

 

Những thế hệ đàn ông đàn bà Tây Nguyên

dài theo vì kèo Trường Sơn

sừng sững như đỉnh Trường Sơn

giác độ nào cũng hắt lên huyền thoại

 

Giàng bên đông giàng bên tây gom mây đen mọi nẻo

pha sắc xanh rừng dâng lên chiều tím

mưa lê thê như đứa trẻ khóc nhè

giá mà nắng hững

ta với lấy cầu vồng bảy sắc

gánh Tây Nguyên một chuyến về xuôi.

Tranh của họa sĩ Thanh Hiếu

TRONG NGẦN VIỆT BẮC

 

Mấy mùa ngô mùa lúa

dông bão chinh phạt

rủ nhàu Việt Bắc

 

Cụ già Tày phong đời mình trong tấm áo chàm chếch màu gỗ gụ

gió cuốn nhập nhòa kiếp cỏ lông chông

chẳng còn gì để tựa

cụ tựa vào chơi vơi

nhẩm nha mấy cọng rau còm

giỏ củ mài trên lưng trằn trọc

chiếc mũ rách bươn vô tình để ngửa

dăm tờ nhân ái khách qua đường

cụ già Tày luống cuống

tiếng Kinh nghèo trút ra khó nhọc

hững hờ mưa bụi

 

Chiếc gậy liêu xiêu

dắt cụ đi như kiến rừng chạy lũ

ngược chiều những tờ giấy bạc

ngược chiều đám cỏ lông chông

hướng về Việt Bắc trong ngần.

 

LINH GIÁC

 

Tháng chạp

linh giác đưa ta về nghe già làng kể sử thi Đam San, Đam Kteh Mlan…

đêm lửa bập bùng bốc cao huyền thoại

giấc mơ đưa ta về dự lễ hội mừng cơm mới

tiếng chim pôlôtôk đưa ta về bên con trâu dâng lên ánh nhìn van xin trong chiều vĩnh biệt

nón duôn bai nàng khuất lấp

áo váy nàng thẫm đen lặng lẽ

lẫn vào đoàn người đi trẫy hội

linh giác ta bất lực

giấc mơ ta treo ngược trên cành khát vọng

tiếng chim pôlôtôk dẫn ta lạc lối

nhưng tiếng vòng tay bộ kép của nàng khua không thể giấu ta được

dù sóng cồng chiêng dập dềnh lưng núi

ôi nàng đâu nàng đâu không thấy

ta hốt hoảng trông vời cao nguyên

hét lên như mụ đàn bà ghen tuông xấu nết

 

Những mắc xích tháng chạp

linh giác chưa lên đường

giấc mơ bị tiếng ồn ào thương trường giành nhau thị phần đánh thức

tiếng chim pôlôtôk điên rồ mộng mỵ

ta thèm làm con dế nép vào cỏ tranh ri ri bên vạt nương luân khoảnh

ta cười như sấm ta khóc như suối đổ

nếu mái nhà sàn kia nhôn nhịp lễ cưới chồng

 

Linh giác cuồng si

giấc mơ mê ảo

tiếng chim pôlôtôk ma thuật

là – món- quà – nỗi – đau- ngọt – ngào

duy có mỗi ta thần linh cấp quyền sở hữu

 

Nàng hỡi xin đừng bước ra. Kho báu.

 

MẶT TRỜI NGƯỢC DỐC

 

Đôi mắt Châu Ro màu rượu

đôi mắt Châu Ro dậy men rượu

ta tựa vào gốc kơ-nia ngắm trộm

ta tựa vào gốc kơ-nia say trộm

chữ nghĩa lăn quay

 

Mỗi ban mai thung sâu xanh màu ký ức

nàng cần mẫn như con ngựa cu

thồ mặt trời ngược dốc

(con đường hằn sâu như nỗi mát mát)

ánh nhìn ta ngược dốc

ta trải lòng cho nàng ngược dốc

 

Nàng trải ánh sáng màu cánh kiến lên nương rẫy

tiếng mõ bò thức dậy

buôn làng thức dậy

thương con chim ngói hót tức tưởi

thương chàng chết vì nàng bởi con hổ đói

(trước ba hôm ngày cưới)

 

Cái xà-gạc của chàng nàng thờ trên vách

chiếc áo chàm phong phanh của chàng nàng gùi theo lên

càng ôm vào từng giấc ngủ

bậc nhà sàn nàng ngóng chàng trong vô vọng

bên gốc kơ-nia ta đợi nàng trong vô vọng

(chẳng phải ta không đồng tộc)

 

Nắm lá ngón có lần nàng ném bên bờ suối`

Mặt trời trên lưng nàng ngược dốc mỗi ban mai.

 

“ĐẺ RỪNG”

 

Không có con cọp vồ

không ăn nhằm lá ngón

chỉ có mũi tên tẩm đầy hủ tục

trong khu rừng biết bao mùa rẫy

bắn vào định mệnh

những người đàn bà Bru-Vân Kiều “đi biển mồ côi”

 

Như con sông Sê Pôn không hề ngừng chảy

thời gian vật vờ A Lưới  A Sao

bên gốc cổ thụ bao thế hệ tắc kè nối tiếp nhau tặc lưỡi

nghe sản phụ Pru Vân Kiều ngửa mặt

thét gọi Giàng nát ngọn Chư Pông

giọng đầy trượt đổ lá khoai

(Giàng cao ngửa mặt gọi ai)

cái xà-gạc xà bách bất lực

hồn những gã đàn ông bị con nai tha đi mất

 

Con ma rừng ơi

sao mày lén chi già làng lén chi thần Núi

dẫn đường dẫn lối

người Pru Vân kiều hiền lành trong trắng

luẩn quẩn trong khu rừng oan nghiệt.

_____________

Chú thích: Người Pru Vân Kiều có hủ tục, khi sản phụ tới kỳ sinh nở, phải tự ra rừng một mình để “vượt cạn”. Vì họ quan niệm rằng, sinh trong nhà sẽ có nhiều điều không may. Chính hủ tục “đẻ rừng” này gây ra biết bao cái chết khi sản phụ sinh nở gặp khó hoặc băng huyết.

 

PHẠM BỘI ANH THUYÊN

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *