Thơ Nguyễn Thị Hoài Thanh: Chúng ta cùng đi về phương đồng cỏ của mình

Vanvn- “Chú bò ơi chú đi như tù binh/ Đi về đâu? Đến lò sát sinh hay ra đồng ruộng?/ Đi về đâu?/ Tới ngã ba đường tôi với chú chia tay/ Đi về đâu?/ Tôi biết rồi đấy nhé,/ Buổi sáng hôm nay thật là vui vẻ/ Chúng ta cùng đi về phương đồng cỏ của mình”.

Không có phẩm chất thi sĩ và dường như chỉ có thi sĩ mới có cách nhìn, sự đồng cảm và chia sẻ tinh tế, nhân văn như vậy với môi trường xung quanh. Tất nhiên, khi đã nặng lòng cùng vạn vật thiên nhiên, nhà thơ Nguyễn Thị Hoài Thanh cũng đã sống hết mình với thế giới con người, mà trước hết là với gia đình, bạn bè, đồng nghiệp thân gần ở thành phố Hải Phòng quê hương: “Dù mai sau tôi sẽ chẳng còn/ Thì hoa phượng khắp nẻo đường vẫn cháy lên mong ngóng”. Và đúng như nhà thơ Thi Hoàng đã viết trong tập thơ “Tôi ở Hải Phòng” của bà: “Thơ chị Nguyễn Thị Hoài Thanh viết tặng nhiều người, cả ở những bài không thấy chị ghi tặng ai cũng có bóng dáng ai đó mà chị đang viết về họ, cho họ”. (PH)

Nhà thơ Nguyễn Thị Hoài Thanh (1936 – 2020)

TÔI Ở HẢI PHÒNG

 

Tôi ở Hải Phòng

Với cầu Xi Măng như một thứ đồ chơi ngày nhỏ

Nắng vàng bỡ ngỡ

Hẹn mùa đông hé cửa nắng về

Tôi ở Hải Phòng

Trong lòng những bông hoa dại ven đê

Dây lạc tiên tràn lan như nỗi nhớ

Trong nắng đồi Kỳ Sơn mùa hạ

Trong hương hoa Hạ Lũng vườn xưa

Trong tiếng xe bò lọc cọc ngoại ô

Trong con nước triều lên sông Lấp

Tôi ở Hải Phòng

Trong cánh buồm nâu không địa chỉ

Ai gửi thư cho những cánh buồm hãy mượn gió đưa tin

Sông Cấm ơi

Sông như người bạn mới quen

Thân thiết thế mà sao không hiểu được

Chiều tan ca tôi đi bên dòng nước

Sông với tôi với bóng là ba

Bóng tôi nghiêng với bao la

Sông mang về biển

bóng tôi còn nguyên vẹn không sông ?

Tôi ở Hải Phòng

Dù mai sau tôi sẽ chẳng còn

Thì hoa phượng khắp nẻo đường vẫn cháy lên mong ngóng

Thành phố hôm nay cất mình gió lộng

Tôi xin đời đời ôm thành phố hát ca.

 

THÀNH PHỐ MÙA THU

 

Những mái nhà ngủ dưới bóng thông

Chỉ nụ tầm xuân trong vườn còn thức

Nắng mỏng quá như là không có thực

Như lẫn vào một ít trăng non.

Cây thông bé xinh như chú thỏ con

Vui điều chi mà thì thầm ca hát

Muốn bế bồng muốn nâng niu ve vuốt

Từng chiếc lá non hồi hộp thở trên đồi.

 

Thành phố mùa thu ơi

Từ nơi xa hôm nay tôi đã đến

Người dang cánh tay dịu dàng âu yếm

Ôm tôi vào lòng nhè nhẹ ru êm

Và thế là tôi chợt nhớ chợt quên

Hôm xưa bên dòng sông Cấm

 

Nắng tháng năm chói chang nóng bỏng

Từng giọt mồ hôi rỏ xuống hầm tàu

Những buổi chiều bụi bậm đã xa đâu

Những tốp thợ áo xanh về xóm thợ

Những đoàn xe chở hàng lao trên phố

Tiếng còi tàu làm ngơ ngác hàng cây.

Tôi định tìm quên lãng ở nơi đây

Dẫu tháng năm đã tôi già nỗi nhớ

 

Câu chuyện mười năm bây giờ tôi mới kể

Với hàng cây yên tĩnh nẻo đồi kia.

Tập thơ “Tôi ở Hải Phòng” của nhà thơ Nguyễn Thị Hoài Thanh

 

THU SỚM

 

Bữa nay thu sớm lạc vào hè

Nắng đã nhạt vừa gió chớm se

Chiều thấp lênh đênh sương lẫn khói

Vòm cây đã ẩm giọng ngân ve

 

GIẤC MƠ

(Kính tặng nhạc sĩ Văn Cao)

 

Một đêm trời nổi mưa giông

Giấc mơ từng giọt lâng lâng vào lòng

Tóc mây gặp gió bềnh bồng

Trong mơ trôi ngược về dòng thiên thai.

Chèo khua nước động bồi hồi

Âm ba gờn gợn làn môi não nề

Tiếng hờn ngày cũ thâm khuê

Ba mươi năm bỗng vọng về đêm nay.

Tiếng vui phơi phới cỏ cây

Gió xào xạc gió, rừng ngây ngất rừng

Tiếng buồn trăng xuống ngập ngừng

Nửa len lối biếc, nửa dừng nẻo mơ.

Tiếng trầm suối ngọt lặng lờ

Tiếng thanh chim lạ sững sờ bay lên

Một đêm, ừ nhỉ một đêm

Giấc mơ gõ cửa triền miên cuộc đời.

 

BÓNG TRĂNG RƠI

 

Thôi anh đừng nói nữa

Chiều bên sông em lại một mình đi

Nước sông trôi như nỗi buồn muôn thuở

Cứ thản nhiên lờ lững chẳng can gì

 

Giờ em đã cũ, con đường cũ

Chỉ gió trăng là vẫn mới thôi

Thưở ấy câu thơ trăng bắt được

Anh đi mà hỏi bóng trăng rơi.

 

HOA PHƯỢNG

 

Hoa rong chơi từ thu năm ngoái

Hôm nay nghe phố gọi rủ nhau về

Gió đã mở, nắng đã vàng đã chín

Hồn đã say chân đã bước đinh ninh

Trong ngất ngây ai cuối phố đợi mình

Ai hát nữa điều gì thao thức lạ?

Hoa khờ dại cháy mình trưa nắng hạ

Để thu về tan tác cả lòng ai…

Tranh sơn mài của họa sĩ Nguyễn Khôi

BUỔI SÁNG CHÚ BÒ

 

Buổi sáng tôi gặp chú bò đi trên phố

Tôi chào chú, chú chẳng nhìn tôi

Có lẽ chú tưởng tôi là gốc cây với tâm hồn gỗ

Mang trái tim sỏi trộn xi măng.

 

Tôi thương những móng chân của chú giẫm lên hè

Thương đôi tai phải nghe tiếng động phố phường

Đâu phải tiếng hát cỏ xanh

 

Chú bò ơi chú đi như tù binh

Đi về đâu? Đến lò sát sinh hay ra đồng ruộng?

Đi về đâu?

Tới ngã ba đường tôi với chú chia tay

Đi về đâu?

Tôi biết rồi đấy nhé,

Buổi sáng hôm nay thật là vui vẻ

Chúng ta cùng đi về phương đồng cỏ của mình.

 

DI LINH

 

Tạm biệt nhé, Di Linh thôi chào nhé

Ở chưa quen đã vội vã ra về,

Tạm biệt cơn mưa đến trước ta một lát

Chơi trốn tìm với nắng đâu đây.

Con bò vàng thủng thẳng dưới hàng cây

Đâu biết mùa đi quệt dây bìm rắc tím,

Thung lũng xa sương mờ bịn rịn

Hoa chuối rừng hay dấu phẩy thời gian?

 

Khi ta đến Di Linh chiều rất trẻ,

Trong yên lặng ta nghe chừng đã rõ

Tiếng nắng về dát bạc dưới lòng thung.

Ta ngồi bên thác nước nhớ mông lung

Tiếng nước reo hay nước đòi hóa kiếp ?

Để thành mây, mây về đâu chẳng biết

Cõi lưu đày có gặp bến hư vô…

 

Khi ta đến Di Linh chiều nghiêng đổ,

Gió se vàng gọi nắng hồng mờ tỏ

Hình như thu chỉ có ở đây thôi,

Người yêu xưa giờ mãi tận phương trời

Có biết chiều nay ta nhớ người tha thiết ?

Được sống lại bởi vì ta chưa chết,

Trong một chiều rất đẹp có Di Linh.

 

NGUYỄN THỊ HOÀI THANH

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *