Vanvn- Đây là tuyển tập ca khúc đầu tiên trong sự nghiệp sáng tác âm nhạc của Nghệ sĩ ưu tú – nhạc sĩ Thế Hiển.
Sáng 26.8, tại trụ sở Liên hiệp các Hội VHNT TPHCM đã diễn ra buổi họp báo giới thiệu tuyển tập 40 ca khúc mang tên “Hát về anh – Nhánh lan rừng”. Đây cũng là tên 2 tác phẩm tiêu biểu của nhạc sĩ Thế Hiển quen thuộc với người yêu nhạc mấy mươi năm qua.
Thế Hiển là một trong những nghệ sĩ gắn bó với người lính, dù ông không xuất thân từ quân đội và được mệnh danh là “người lính không mang quân hàm”. Ông từng 6 lần đi Trường Sa và thường xuyên đến thăm các đơn vị bộ đội, nhất là ở biên cương, hải đảo.
Trong tuyển tập 40 ca khúc của Thế Hiển, chỉ có 8 ca khúc nằm phần cuối viết về tình yêu, quê hương đất nước như: Đêm Mỹ Sơn huyền thoại, Cho dù có đi nơi đâu, Nhong nhong nhong, Đợi chờ cơn mưa,… còn lại 32 ca khúc gắn với hình tượng người lính: Hát về anh, Nhánh lan rừng, Chiều xuân trên biên cương Người mẹ và hoa sứ trắng, Khi người lính trở về, Vỏ ốc biển, Tiếng hát trên đảo Sơn Ca, Nỗi nhớ từ đảo xa, Lính đảo Trường Sa,…
Riêng với Trường Sa, lần đầu tiên nhạc sĩ Thế Hiển ra thăm quần đảo này vào năm 2012 cùng với đoàn văn nghệ sĩ TPHCM và trên hải trình ông bất ngờ được tin Nhà nước vinh phong Nghệ sĩ ưu tú. Từ đó ông trở lại thăm Trường Sa thêm 5 lần nữa và sáng tác nhiều ca khúc, trong đó đặc biệt ấn tượng là Tiếng hát trên đảo Sơn Ca.
Theo lời nhạc sĩ Thế Hiển: “Bài hát Tiếng hát trên đảo Sơn Ca tôi sáng tác năm 2012 phổ thơ Phan Hoàng, trong chuyến đi đầu tiên cùng các văn nghệ sĩ ra thăm quần đảo Trường Sa. Khi chúng tôi đến đảo Sơn Ca, trong lúc một ca sĩ trẻ đang hát cùng anh em bài Vùng trời bình yên thì có kẻng báo động, các chiến sĩ ngay lập tức trở về vị trí, sẵn sàng chiến đấu. Chúng tôi cũng chạy theo anh em xuống hầm trú ẩn, nghe thấy tiếng máy bay và 15 phút sau mới được thông báo là hết báo động. Mọi người lại quây quần bên nhau, cô ca sĩ hát lại bài Vùng trời bình yên…”.

Tâm sự về việc ra mắt tuyển tập “Hát về anh – Nhánh lan rừng” trong thời điểm này, nhạc sĩ Thế Hiển cho biết: “Tôi rất xúc động, vì để có sản phẩm hôm nay là cả một quá trình sáng tác khoảng 40 năm qua. Tôi chọn thời điểm đang hướng tới kỷ niệm 50 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Thành phố cũng phát động cuộc vận động sáng tác, quảng bá. Tuyển tập này tôi cũng mong muốn đóng góp vào cuộc vận động đó. Tôi đã có mặt tại nhiều nông trường, lâm trường, đi cùng thanh niên xung phong, gắn bó bới tuổi trẻ thành phố. Tôi cảm ơn quý thầy cô đã dạy dỗ tôi”.

Nhìn nhận về nhạc sĩ Thế Hiển, nhà thơ Lê Minh Quốc nói rằng: “Tâm hồn anh là tâm hồn của thế hệ chúng tôi, thế hệ Nhánh lan rừng”. Còn Đại tá – nhạc sĩ Võ Công Phước thì cho biết: “Thời gian chiến đấu ở chiến trường Campuchia vào khoảng năm 1980, chúng tôi luôn nghe ca khúc Hát về anh của nhạc sĩ Thế Hiển. Chúng tôi thấy sau lưng mình là quê hương, gia đình, bạn bè, những em thơ vui bước đến trường. Những hình ảnh ấy động viên chúng tôi rất lớn để chiến đấu. Sức mạnh ấy giúp chúng tôi vượt qua những gian lao, khó nhọc như trong bài hát đã nói. Thời điểm này, chúng tôi chưa biết Thế Hiển là ai. Nhưng chúng tôi biết đây là bài hát viết cho mình”.
Sau này khi nhạc sĩ Võ Công Phước về làm Trưởng đoàn Văn công Quân khu 7 đã mời Thế Hiển thường xuyên tham gia các chương trình âm nhạc phục vụ bộ đội. “Thế Hiển luôn đến bằng tất cả tấm lòng, không màng bất kỳ điều gì. Đi đến đâu, cát-sê bao nhiêu, anh vẫn nhận lời hát cho bộ đội nghe”.

Từ Hà Nội, nhà thơ – nhạc sĩ Nguyễn Thụy Kha vào chung vui cùng nhạc sĩ Thế Hiển. Ông thổ lộ rằng, một lần đi công tác ở Quảng Ninh thấy những người lính ôm đàn hát nghêu ngao ca khúc Hát về anh, để lại trong ông nhiều suy tư trăn trở về người lính, lịch sử. Và ông bắt đầu mới tìm hiểu về nhạc sĩ Thế Hiển. “Tôi tin anh ấy phải rất yêu người lính thì mới có thể sáng tác và hát về người lính như thế”!
Tuyển tập ca khúc “Hát về anh – Nhánh lan rừng” của Thế Hiển được xuất bản 1.000 cuốn, không bán. Trong đó, 500 quyển đã được chuyển đến tỉnh Khánh Hòa để trao cho các lực lượng vũ trang ở biển đảo. Còn lại, ông sẽ gửi tặng nhiều đơn vị khác như: Bộ Tư lệnh TPHCM, Trường Sĩ quan Lục quân 2, các đơn vị bộ đội của Quân khu 7, Quân khu 9…
NHÃ ĐĂNG