Vanvn- Ngay từ nửa đầu năm 2021, thật bất ngờ khi biết có cuộc hội thảo nhỏ về thầy Phạm Vĩnh Cư. Thế là sao nhỉ? Nói, viết hay trò chuyện với nhau về thầy Phạm Vĩnh Cư cũng tựa như chúng ta nói chuyện về Mikhail Mikhalovich Bakhtin, Vladimir Soloviev, Nikolai Berdyaev… khi mà ngay cả tên của các vị này, chúng ta biết được cũng là qua thầy Phạm Vĩnh Cư. Chả nhẽ cuộc hội thảo này biết được câu hỏi thường trực của tôi: Thầy Phạm Vĩnh Cư là ai? Sẽ là thú vị khi tất cả những người tham gia đều mang đến đúng một câu hỏi ấy.

Hồi nhỏ, những khi vấp phải câu hỏi khó, tôi thấy người ta thường phẩy tay bất lực rồi nói: Có giời mới biết! Bất giác, tôi hỏi tôi: Thầy Phạm Vĩnh Cư là ai? Lạ thay, tôi hoàn toàn thỏa mãn với câu trả lời: Có giời mới biết!
Tôi nhớ khi thầy làm cuốn Đường sống giới thiệu lại Liev Tolstoy, thầy đặt bài các chuyên gia, dịch giả và sau đó thầy đánh vật với đám bản thảo đó khá tốn thời gian. Ai chả biết Tolstoy là một đại văn hào nhưng thử dịch hoặc viết vài dòng về Tolstoy xem nào?
Trong cuốn Đường sống ấy, tôi đọc thấy một tiêu đề “Trả lời quyết định của Thánh vụ viện ngày 20-22 tháng hai và những thư nhận được nhân cơ hội này”. Câu này sao ấy nhỉ? Một vế rất nghiêm trọng là quyết định của thánh vụ viện, vế kia lại là “những thư nhận được nhân cơ hội này”! Nối với nhau là một chữ “và”… Cái cân này đang cân những thứ kỳ quặc? Nó có cân bằng được không?
Xin đọc bản dịch của thầy Phạm Vĩnh Cư sẽ rõ ngay thôi: “Ban đầu, tôi không muốn trả lời quyết định về tôi của thánh vụ viện, nhưng quyết định ấy đã kéo theo nó rất nhiều thư từ, mà trong đó những người tôi không quen biết- người thì mắng chửi tôi về việc tôi gạt bỏ cái mà tôi không gạt bỏ, những người khác thì dụ dỗ thôi tin vào cái mà tôi vẫn không ngừng tin, những người thứ ba thì bày tỏ sự đồng tư tưởng với tôi là cái mà vị tất tồn tại trong hiện thực, và sự cảm thông mà tôi vị tất có quyền được hưởng, và tôi quyết định đáp trả cả quyết định của thánh vụ viện, chỉ ra những điều không đúng ở đấy, và cả những bức thư gửi tôi của những tác giả mà tôi không quen biết.”
Cũng trong bức thư tự biện này, Tolstoy viết nhiều câu văn không vì vẻ đẹp chính xác của logic, nhờ nó ông bác bỏ thuyết phục những cáo buộc phi lý, mà bởi kết quả của suy luận chính xác ấy mang tính hài hước, kiêu hãnh và có cả băng tuyết trong đó nữa: “Nó thiếu căn cứ, bởi vì đưa ra làm cớ cho sự xuất hiện của mình sự lan truyền rộng rãi cái ngụy thuyết dụ hoặc con người của tôi, trong khi đó thì tôi biết rõ rằng những người chia sẻ quan điểm của tôi vị tất có được một trăm…”.
Đó là phần trả lời “những thư nhận được nhân cơ hội này”, còn phần trả lời các quyết định của thánh vụ viện thì tốt nhất là lặng im vì tôi không biết ở nước Nga giờ đây có còn cái ngày mà tất cả các chuông nhà thờ đều gióng lên inh ỏi vì ông nữa không. Tôi sẽ vác cái băn khoăn bé xíu này đến hỏi thầy Phạm Vĩnh Cư. Chứ còn gì nữa!
Tính phổ cập các tác phẩm của Tolstoy luôn ở cấp độ toàn cầu, sinh thời ông trả lời thư từ khắp các châu lục nhưng ông viết chính xác không ai có thể hiểu sai được: “…rằng những người chia sẻ quan điểm của tôi vị tất có được một trăm”. Đánh cắp văn của ông, tôi cũng chắc chắn rằng, kể từ khi ông viết những dòng chữ ấy đến nay, con số ấy đã tăng thêm một, thưa bá tước xứ Tula, người đó có tên là Phạm Vĩnh Cư.
Gần đây, tôi có xem trên truyền hình một chương trình về các nhà khoa học lượng tử và ngạc nhiên khi thấy một ông lớn nhưng thích im lặng và khó tính như quỷ. Nếu ai đó tò mò hỏi ông thích gì, ghét gì, ông ta hỏi lại như sập cánh cửa vào mũi người ta: Sao anh muốn biết điều đó?
Vậy nhưng có một lần, ông lớn Paul Dirac ấy đã trả lời rằng: Tôi thích đọc Dostoievski. Rồi ông ta băn khoăn: Trong tiểu thuyết của Dostoievski có một chi tiết không đúng “mặt trời mọc hai lần trong một ngày”! Rồi ông ta im lặng luôn, mặc xác người hỏi cũng im lặng nhưng là sự im lặng trầm trọng khá tệ hại. Tôi không thể nhớ được chi tiết mặt trời mọc hai lần trong môt ngày ấy ở đâu trong 5 cuốn tiểu thuyết của Dostoievski nhưng cho rằng rất thú vị nên tôi đem cuộc đối thoại kỳ quặc ấy đến hỏi thầy Phạm Vĩnh Cư. Chứ còn sao nữa?
Trong chuyến theo thầy hành hương đến Nga, thầy dẫn tôi đến thăm tượng Gogol nhỏ tại một tu viện nhỏ cách không xa tượng Gogol khổng lồ nơi giao lộ chính ở Moskva. Tượng khổng lồ có cái mũ công nhân, tay cầm quyển sách cũng bằng bê tông khổng lồ – một vị bán thần đắc ý của thời đại mới.
Pho tượng bán thần cần lao này đặt đúng nơi tượng Gogol bằng đồng nhỏ thó đứng trước đây. Dù bị thay thế bởi chất liệu mới rẻ tiền và khổng lồ, nhưng không biết bằng cách nào pho tượng nhỏ bằng đồng được chuyển về tu viện nhỏ nơi ông sống những ngày tháng cuối đời.
Pho tượng Gogol nhỏ ấy mới đích thật Gogol: Cái áo choàng trùm kín người ông, chỉ có cái đầu với đôi mắt đặc biệt: điểm nhìn của ánh mắt có lẽ là đôi giày cũ nơi chân ông, nó cũ đến mức khá tệ. Cái áo choàng như cứng cóng lại trong giá lạnh rồi biến thành đồng chứ không phải nghệ sư điêu khắc sử dụng chất liệu đồng làm nên nó!
Dù thời gian eo hẹp, tôi vẫn trốn thầy tự mò mẫm năm lần bảy lượt đến với tượng Gogol nhỏ. Tôi cố tìm cách lọt vào ánh nhìn của ông, giá tìm được điểm nhìn của ông rồi đứng vào đó một lúc thì tuyệt quá. Nhưng không thể, dù tìm mọi cách tôi vẫn không thể xác định được ánh nhìn của ông ở đâu ngoài mũi giầy cũ rách nơi chân ông.
Lạnh thấu xương, nhỏ thó, khắc khổ, cô độc…. tôi không hiểu ánh nhìn, điểm nhìn của ông, trong khi đó, nơi bệ tượng ông ngồi, tôi thấy cả đám nhân vật trứ danh, đặc biệt là gã Sicicov ưỡn ngực thẳng tiến trong sự nghiệp buôn bán linh hồn chết. Không lẫn vào đâu được.
Đến giờ, tôi vẫn giữ cuống vé vào nhà hát Hải Âu xem vở kịch Vườn anh đào cùng thầy. Nó không là bằng chứng để xác thực một điều có thực với bất kỳ ai. Nó là tấm vé mở cánh cửa bước vào nỗi xấu hổ của tôi.
Tôi yêu thơ ca Nga, các tiểu thuyết Nga qua thầy Phạm Vĩnh Cư. Dù không biết tiếng Nga, nhưng tôi bồn chồn chờ đến giờ được bước vào nhà hát lừng danh ấy. Thời điểm đó cũng như bây giờ, không chỉ ở ta mà cả ở Nga cũng như toàn thế giới, tình cảnh nhà hát không sáng đèn, không có khán giả là đương nhiên.
Thế nhưng mắt tôi lại thấy dòng người lũ lượt chen chân vào rạp Hải Âu xem Vườn anh đào. Rất đông thanh niên, có nhiều thiếu nữ Nga rất trẻ đẹp, một mình chen chân vào rạp.
Tôi ngồi im chờ xem chàng sinh viên vĩnh cửu sẽ ra sao trên sân khấu, nhưng rồi tôi quên phứt: người vào vai nữ chính quý phái làm sao! Đến hồi 3, đến cảnh nữ bá tước Liubov Andreevna Raievxkaia rút khăn mùi soa làm rơi tờ điện tín…Trời ạ! Cánh tay hơi trễ nải ấy, cái khăn mùi soa vô trọng ấy trong tay nữ diễn viên nhập vai, phẩy nhẹ… Tôi nhìn sang thầy, thấy thầy chăm chú nhìn lên sân khấu. Giá như nỗi xấu hổ nơi tôi bay biến như hạt bụi mờ sau cái phẩy nhẹ từ chiếc khăn mùi soa vô trọng của bà chủ vườn anh đào!
Thôi, mặc xác gã sinh viên Priphomov với cái giọng tôi đòi cố mở mắt cho bà chủ thấu thị của y rằng cái gã mà vì hắn bà đã khuynh gia bại sản, cái gã mà bà yêu đến mất trí và sắp chạy đến Paris với hắn… “hắn chỉ là kẻ đào mỏ. Ai cũng biết thế, chỉ có bà là không biết thôi….”. Từ khi nào mà cái thứ quyền lực tôi đòi lại tự tin về phẩm chất tôi đòi, lên mặt trơ tráo đến thế nhỉ?
Cái gã sinh viên mà hệ thống giáo dục thời Sa hoàng dù muốn tống khứ y ra khỏi cổng trường thật nhanh cũng đành bất lực, không thể cấp bằng tốt nghiệp cho y được!. Tôi nghĩ, vì quyết định này, hệ thống giáo dục mà chúng ta quen khẳng định khuyết điểm lấn át ưu điểm chỉ vì chúng thuộc thời Sa hoàng, chắc chắn được cả thần linh và quỷ sứ ủng hộ.
Đám nhân vật trong vở kịch này thì tôi khá thuộc qua bản dịch của Nhị Ca, nhưng bà chủ vườn anh đào là ai mà tất thảy những gì xung quanh bà đều tìm mọi cách thể hiện để được bà chú ý hơn, được bà yêu hơn chút nữa? Tại sao gã Lopakhin sau khi trở thành ông chủ cũng vườn anh đào ấy mở tiệc mời rượu lại không ai buồn uống, đến biếu tiền lộ phí cho tay sinh viên vĩnh cửu hắn cũng không thèm nhận?
Phải thế nào mới xứng là chủ của: “…cái vườn trắng tinh, trắng tinh. Ôi khu vườn của tôi! Sau những ngày thu mù sương và sau những ngày lạnh giá mùa đông, ngươi lại hồi sinh. Bao giờ cũng tươi trẻ và tràn trề phúc lành của Chúa”. Bi kịch nằm ở chỗ “ Ước gì tôi có thể vứt đi hòn đá nặng nó cứ đè xuống tim tôi, ước gì tôi có thể quên đi dĩ vãng của mình được nhỉ!”.
Cái phiến đá ấy là gì? Nó có gì khác phiến đá của những nhà hiền triết? Nó có gì khác với tấm bảng ghi 10 điều răn khi xưa Moise mang xuống từ đỉnh Sinai? Phiến đá đó có ghi những điều răn để tạo dựng nên tâm hồn Nga đôn hậu thuần khiết?….
Đương nhiên tôi phải hỏi thầy Phạm Vĩnh Cư về không chỉ “hòn đá đè nặng lên tim” ấy mà còn hỏi ngây ngô về những điều a,b,c…: Tại sao tập hợp những phạm trù cơ bản như cái cao thượng, cái anh hùng, đức hy sinh, yêu người bên cạnh, sự khiêm nhường…. mà lại tạo thành bi kịch? Từ giáng sinh đến phục sinh sao nhiều bi kịch đến thế?
Tôi nhớ cái cân linh hồn của Ai Cập cổ đại – cũng do thầy Phạm Vĩnh Cư mở mắt cho. Một bên là trái tim rứt ra từ lồng ngực, bên kia là màu trắng tinh khiết và hương thơm dịu nhẹ của hoa anh đào. Thăng bằng chứ nhỉ? Tôi tin rằng nữ bá tước Liubov Andreevna Raievxkaia là chủ nhân đích thực và duy nhất của Vườn anh đào hoàn mĩ ấy.
Bất giác tôi nhớ đến “Nhật ký chìm tàu” của hàng hải Anh quốc, khi tàu bị đắm, thuyền trưởng rút gươm ra lệnh: thả xuồng cứu nạn và chỉ phụ nữ, trẻ em được lên xuồng. Thuỷ thủ và binh lính trên con tàu đắm gần mũi Hảo Vọng ấy đã không một ai trở về nhưng vẫn còn lại một câu nói ám ảnh: Đạo đức không giúp ta thoát chết nhưng có thể giúp ta trở nên người hơn.
Phiến đá đè lên tim cũng là thế sao? Nhưng cách diễn đạt nhẹ như cánh hoa anh đào của tinh thần chính thống giáo Nga khác với cách diễn đạt chắc nặng như đá tảng của tinh thần Anh giáo ra sao? Cái cân nào sẽ cân những ý tưởng như vậy? Cái nào mới là sức mạnh sư tử bước đi trên đôi chân của chim bồ câu? Như kiếm được một cái cớ hợp lý, tôi lại xin được đến gặp thầy Phạm Vĩnh Cư. Chứ còn gì nữa!
Trong một tiểu luận ngắn của Dostoievski tôi đọc thấy một câu nói về nhà thơ, rất lạ: “Nhà thơ phải là người dám nhảy từ tầng 2 xuống mặt đất”. Đọc nhưng tôi không hiểu, chả nhẽ nhà thơ là phải có máu liều, điên điên không coi sống chết ra gì? Chắc chắn là không bởi, ngưỡng mộ sự sống như Dostoievski thì tự cổ chí kim cũng không có mấy người. Khi đọc kịch Vườn anh đào, tôi lại thấy Sekhov viết: “…có một nhà triết học cao siêu nọ đã khuyên người ta nhảy từ nóc nhà xuống đất. Ông ta bảo rằng: Nhảy đi, Mục đích cuộc đời là ở đó!”.
Lạ thật! Cái ông Arixtophan thời Hy Lạp cổ đại từng viết hẳn một vở kịch chế nhạo Socrates “lơ lửng trên mây”…. Chỉ liệt kê một tí thôi mà đã rơi ngay vào tình trạng “rối lượng tử”, nghĩa là không thể hiểu được, lý trí bất lực đầu hàng. Bởi, nếu chỉ để nói rằng: Hãy bước vào đời sống, hãy tồn tại một cách thực tế như mọi người, đừng có làm những chuyện điên rồ trời ơi đất hỡi nữa thì đâu cần phiền đến ai phí công dạy bảo?
Có một bài thơ của Blok về một tráng sĩ Nga mỗi khi kiệt sức trở về để được nghe nàng thơ của ông cất tiếng ân cần trìu mến: Chàng mất hút nơi đâu? Đem về tin tức gì?/Ai thương mến chúng ta, ai ghét bỏ? Ai xua đuổi?” Nhảy xuống đất để đi trên mặt đất như tráng sĩ Nga này mới là đúng? Tôi tin chắc là thế.
Tôi có xem một chương trình về bộ ba khổng lồ Socrates – Khổng Tử – Đức Phật của một chuyên gia người Mỹ. Khi nói về vở kịch chế giễu Socrates ấy, bà hình dung khá hài hước cứ như viết thêm vào vở kịch của Arixtophan: khi cả sân khấu cất tiếng cười chế giễu nhân vật ám chỉ Socrates thì, tôi nghĩ, từ lô ghế của mình, Socrates đứng dậy cúi chào công chúng như để khẳng định: Vâng, là tôi đây….
Tôi thích thú với hình dung của vị chuyên gia người Mỹ này và đương nhiên tôi đem cả núi câu hỏi, thắc mắc…đến gặp thầy Phạm Vĩnh Cư. Bởi tôi biết, không có cách nào khác!
Không cần đến lời cảnh tỉnh hóm hỉnh của Marcel Proust về sự ngộ nhận phổ biến “đi ăn tối với bác sĩ giỏi rồi tự nghĩ mình đã khỏi bệnh”, tôi tự biết mình là con bệnh, có lẽ bệnh còn tệ hơn sau lần đi ké cùng thầy vào nhà hát Hải Âu.
Nếu vẫn có người hỏi tôi: thầy cậu là người như thế nào? Tôi kiêu hãnh trả lời: thầy tôi tên là Phạm Vĩnh Cư. Cái hữu hạn ngắn ngủn nghĩ về cái vô hạn cũng như thế. Có thầy, tôi thấy dễ thở hơn, nhẹ nhõm hơn, ít nói hơn nhưng nỗi xấu hổ về những thứ tệ hại không chỉ nơi tôi thì ngày một nhiều hơn.
Tháng 4.2021
QUANG HẢI
Báo Đất Việt