Thấy hơi thu lành lạnh đâu đây!

Vanvn- Cuối thu bắt đầu ngả sang đông là lúc chuyên san Viết&Đọc của Nhà xuất bản Hội Nhà văn đến tay các hội viên Hội Nhà văn Việt Nam và bạn đọc trong cả nước.

Trong bối cảnh lần đầu tiên trong lịch sử nước nhà, Hội nghị Đại biểu Nhà văn lão thành Việt Nam lần thứ nhất được tổ chức ở Đồi Rồng Hải Phòng, không có gì thích hợp với tinh thần của hội nghị bằng Thư Ban biên tập của nhà thơ Nguyễn Quang Thiều về Dòng sông và các thế hệ của nước, khẳng định một chân lý: đừng bao giờ tách rời các thế hệ nước ra khỏi con sông, cũng như đừng tách rời các thế hệ nghệ sĩ ra dòng chảy của nghệ thuật.

Bìa chuyên đề Viết&Đọc mùa thu 2023

Vẫn nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, trong phần Ấn tượng 90 ngày, đã “hiện nguyên hình” là một nhà báo lão luyện của thời những năm đầu thế kỷ XXI, khi anh – cùng với các thành viên trong đoàn Hội nhà văn Việt Nam – đã thực hiện một photoessay cực kỳ sinh động về chuyến đi thăm Palestine của đoàn vừa qua. Chỉ với những bức ảnh của các thành viên trong đoàn, Nguyễn Quang Thiều đã khéo kết nối kể lại một câu chuyện tràn ngập các đám mây tự do và những rào dây thép gai đâm nát bầu trời, về con cá nằm trên đĩa cũng nghẹn ngào nỗi đau mất đất và những chiếc chìa khóa mong ngóng một ngày trở về mở ra ngôi nhà của chính mình…

Bốn truyện ngắn của Viết&Đọc mùa Thu là bốn sắc màu khác nhau: chất phác, cổ điển như Bờ sông gió thổi của nhà văn đất Thái Bình Trần Văn Thước; gấp gáp gắn với hơi thở đời sống như Ông trời của Đặng Chương Ngạn; mang phong vị điện ảnh, đậm chất melo như Nhà có mái hiên của Phạm Việt Tiến; thử nghiệm, dòng ý thức như Ngẫu nhân luận của Phạm Giai Quỳnh.

Phần Đọc lại, các độc giả sẽ một lần nữa gặp lại diện mạo văn chương của nhà văn liệt sĩ Nguyễn Thi qua một tác phẩm nhỏ xinh mà không nhỏ của ông, truyện ngắn Im lặng, theo những điểm nhìn tham chiếu của Đoàn Minh Tâm và Phạm Xuân Thạch.

Một bút ký dài hơi của nhà văn quân đội Nguyễn Đình Tú, Dọc đường văn ấy gặp những người lính trấn thủ lưu đồn, với cách thể hiện lạ và thú vị: anh theo dấu những nhân vật, ảnh hình trong tuyệt tác Tây tiến của nhà thơ Quang Dũng hơn nửa thế kỷ trước để đến với những người chiến sĩ biên phòng hôm nay đang ngày đêm canh giữ miền đất phên giậu của Tổ quốc.

Chỉ trong hơn hai tuần trong tháng 7, văn chương Việt mất đi cùng lúc hai người, cặp vợ chồng tài hoa Hoàng Phủ Ngọc Tường và Lâm Thị Mỹ Dạ. Bài chân dung về Lâm Thị Mỹ Dạ của nhà thơ Nguyễn Đức Tùng từ Canada viết riêng cho Viết&Đọc phác họa một chân dung nghệ thuật-chân dung người của nhà thơ Khoảng trời – Hố bom, một người dịu dàng, thương khó mà quyết liệt cả trong thơ và trong đời.

Tác giả trẻ giới thiệu cây bút Huỳnh Trọng Khang, trẻ về tuổi đời nhưng già dặn, từng trải trong Biên niên ký một bông vụ. Những độc giả phía Bắc có lẽ không biết “bông vụ” là gì, đọc truyện ngắn này sẽ biết!

Vẫn như nhiều số Viết&Đọc trước, phần Thơ của số mùa Thu mang đậm dấu ấn của người tuyển chọn với sự hiện diện các cây bút tài năng trên thi đàn. Đáng chú ý trong chùm các tác giả lần này có tới ba người “phá cách” chính mình: Phạm Ngọc Tiến, sau những văn xuôi Tàn đen đốm đỏ, những kịch bản phim truyền hình nóng hổi tính thời sự, bất chợt đằm lại với chùm 8 bài thơ toàn lục bát; có thể thêm một dòng nữa trong CV văn chương của anh: “Lục bát Tiến”. Còn Trần Thắng, họa sĩ với những tác phẩm hội họa sắc màu rực rỡ, cũng chính là người chăm nom, thiết kế lâu nay cho Viết&Đọc, gây nên nỗi ngạc nhiên lớn với chùm 5 bài thơ giàu chiêm nghiệm của anh. Và Lê Quý Dương, người được biết đến như một trong những nhà đạo diễn các sự kiện văn hóa lớn, mời bạn đọc đi vào thế giới thơ của anh, hiện đại, ẩn chứa nhiều tâm tình trong chữ.

Một số hình ảnh trang trong của chuyên đề Viết&Đọc mùa thu 2023

Phần đối thoại ghi lại hai cuộc trò chuyện sinh động của nhà thơ, nhạc sĩ Nguyễn Thụy Kha với nhạc sĩ Nguyễn Thiên Đạo (mà nhiều người vẫn nhầm là Nguyễn Thiện Đạo).

Phê bình và tiểu luận tiếp tục đăng tải những tham luận trong cuộc hội thảo (chưa thành) giữa các nhà văn Việt Nam và Trung Quốc, cùng một bài phê bình tiểu thuyết Từ giờ thứ sáu đến giờ thứ chín (tác giả Nguyễn Một), một tác phẩm đang nhận được sự săm soi của các nhà phê bình và sự chú ý của đông đảo bạn đọc trong thời gian gần đây.

Các nhà thơ hải ngoại số mùa Thu cũng mang đến cho bạn đọc một nỗi ngạc nhiên lớn: chân dung thơ Mai Thảo, nhà văn với hơn 40 tác phẩm văn xuôi nhưng chỉ có duy nhất một tác phẩm thơ in trong thời gian sống ở hải ngoại.

Phần Văn học nước ngoàiNhững người nổi tiếng thế giới giới thiệu những gương mặt có thể nói là quan trọng bậc nhất trong đời sống văn chương thế giới trong thế kỷ XX: Franz Kafka và Albert Camus.

Phần Tư liệu công bố những tư liệu quý giá về mối quan hệ (và chịu ảnh hưởng) phức tạp giữa nhà văn Nguyễn Huy Tưởng với nhóm Hàn Thuyên, một trong những nhóm văn chương có nhiều dấu ấn trong thập niên 40 của thế kỷ trước.

Cuối cùng, chúng ta gặp lại gương mặt của đôi vợ chồng nhà văn – nhà thơ Hoàng Phủ Ngọc Tường – Lâm Thị Mỹ Dạ qua ống kính tài hoa của nghệ sĩ nhiếp ảnh Dương Minh Long, người luôn cất trữ những bức ảnh của anh như ủ rượu trong thùng rượu lâu năm, lâu lâu mới thò ra một chút!

Cuối cùng, cái làm nên chất Thu nhất của ấn phẩm Viết&Đọc mùa Thu 2023 là những bức tranh của nhà thơ – họa sĩ Đỗ Trung Quân, tranh bìa và các minh họa. Bìa của Viết&Đọc lần này lạ, theo phong cách chưa từng có trong các số Viết&Đọc trước đây, đậm phong vị của mùa Thu đang dần qua…

Đọc chậm rãi các bài viết trong chuyên san Viết&Đọc mùa Thu, có thể cảm thấy cái hơi thu lành lạnh đâu đây. Và một câu thơ từ chốn xa xăm của Chu Hoạch bất chợt lại dội về trong trí nhớ: “Thu rất thật thu là khi chớm đông sang…”

YÊN BA

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *