Thấy gì “Trong và ngoài căn phòng” của Trần Nhã Thụy?

Vanvn- Trong và ngoài căn phòng tôi (NXB Hội Nhà văn, 2022) là tập sách mới nhất – được gọi là tạp văn – của Trần Nhã Thụy, mà tôi vừa được đọc.

Thực ra tôi không thích từ “tạp” này cho lắm. Nó liên tưởng tới từ tạp ăn tạp uống, có vẻ trần tục sao sao ấy (!) Nhưng nghĩ đi nghĩ lại thì chữ tạp đặt ở đây cũng có phần đúng. Vào trong đó, bạn sẽ thấy tác giả xới tung mọi vấn đề của con người và xã hội, mà không theo một trật tự nào. Từ những căn tính con người (như: Về cái ác, Về kẻ giàu người nghèo, Yêu và ghét, Thói đố kỵ đến tổ chức xã hội như giáo dục (Làm giáo dục dễ lắm; Nghĩ vụn về giáo dục) hay môi sinh (Về khí hậu; Con người tinh khôn, con người rồ dại), về cái chết (Huyệt mộ), và thậm chí về những ham muốn thầm kín bản năng khó nói (Về tình dục). Tất cả đều được xới tung. Đào lên, đôi khi mệt quá để lại nửa chừng. Nhưng nếu kiên nhẫn dạo hết khu rừng bị xới tung lên đó, bạn lại thấy một hình hài hiện ra ngày càng rõ nét. Đó là một “mùi hương thôn dã” bàng bạc lan tỏa từ một nội tâm buồn.

Nhà văn Trần Nhã Thụy

Trong các loại ký ức, thì ký ức về tuổi thơ làm người ta hoài niệm nhiều hơn cả. Nhất là những tâm hồn thơ trẻ được đắm mình trong thiên nhiên, chốn đồng quê, nơi chôn nhau cắt rốn. Cũng như nhiều người xa quê lập nghiệp nơi phố thị, Trần Nhã Thụy cũng có một quê hương như vậy. Có một quê, có một chốn đi về, mới cảm nhận được nỗi ray dứt xa quê: “Ra đi là mất quê hương/ Nửa đời ngoái lại con đường vời xa” (Mùi hương thôn dã). Nhưng rồi tác giả đã tìm được một lối thoát, một chốn đi về khác, tuy hai mà một: “Nơi nào mang lại cho tâm hồn mình bình yên, làm cho trí mình không cùn lụt, ấy chính là quê nhà…”. Thật là một kiểu quê nhà cởi mở đại lượng.

Tôi thường tự hỏi rằng, nếu thuở nhỏ không sống ở đồng quê nghèo khổ, thì ký ức tuổi thơ của mình giờ sẽ ra sao? Bao nhiêu là chuyện: chuyện ruộng đồng sông núi. Ở quê, hình như vùng nào cũng có một ngọn núi thiêng. Thụy viết: “Nhà tôi nằm bên cánh đồng, gần trục ngang Quốc lộ 1. Thời xa vắng, đêm nằm nghe tiếng sóng biển rì rầm từ phía Đông, bước ra sân, ngó lên phía Tây thì thấy một thanh gươm đỏ rực. Đó là hình ảnh đốt than trên núi Vàng ngày ấy. Cứ lâu lâu nhìn lên núi lại thấy đỏ một đường dài như thanh gươm đang cháy…”. Nhưng rồi lớn lên tác giả nhận ra, không phải núi Vàng mà là núi Giàng, tức là núi Trời – Linh sơn (Dưới chân núi Giàng). Đọc tới đây tôi liên tưởng tới một thanh gươm báu của Trời trên núi đang chờ đôi tay của người hiền tài giúp dân độ thế.

Dân phố thị cùng quê mỗi lần gặp lại thường kể chuyện quê, nhất là chuyện chăn bò. Thậm chí còn tranh nhau, ai chăn bò giỏi. Tức cười thiệt, chăn bò có gì mà phải tranh đua phải không các bạn! Còn nhớ cách đây vài năm, hôm đi tìm hình ảnh minh họa cho bài Con Gồ trong cuốn Miền nước chảy ngược, tôi về quê bươn bả cả ngày để tìm một đứa bé chăn bò nhưng không có. Bò giờ người ta chỉ nhốt hoài trong chuồng, hoặc giả cột ngoài bờ ruộng cho ăn cỏ mà không có người chăn. Tôi đành vào nhà gần đó, tìm một em bé, giải thích với cha mẹ nó rằng: nhờ nó ra đứng cạnh con bò để chụp pô hình. Nhưng khi đứa bé ngơ ngác, lạ lẫm lại gần con bò, con bò tức thì quay mặt bỏ đi. Làm vài lần không được, tôi đành bỏ cuộc.

Trần Nhã Thụy cầm tinh con trâu nhưng cũng đã từng là một thằng bé chăn bò giỏi. Cho nên, người đọc sẽ không ngạc nhiên khi thấy hình ảnh những đứa bé chăn bò rải rác khắp trong những trang viết về đồng quê của Thụy. Anh bộc bạch: “Con trâu tôi từng được con chuồn chuồn cắn rốn, từng được con dế mèn, dế dũi, con cá lia thia con chim chào mào… bày những cuộc hồn nhiên vui vẻ. Con trâu tôi từng sống với con gà con vịt, con chó con bò, con heo…để hiểu thêm về con người”. Và, trong những ký ức thôn dã êm đềm đó, “thật kỳ lạ, đôi khi giữa miền lãng quên, giữa những giấc mơ chồng lấp phố thị, tôi lại thấy hình ảnh con bé cưỡi con trâu mộng chậm rãi đi về phía mình. Vẫn là đôi mắt hồ thu sương khói ngườm ngợp ấy, nhưng hình như con bé vừa chum chím môi hé một nụ cười…”. Tác giả hạnh phúc biết bao! (Con bé chăn trâu).

Lại nói về cái buồn.

Trong các loại cảm xúc con người có lẽ nỗi buồn là đi vào văn chương nhiều nhất. Nhưng nỗi buồn cũng thiên hình vạn trạng. Không buồn nào giống buồn nào. Buồn: Có người thì khóc, có người kiếm bạn làm vài ly than vãn trút sầu, lại có người chỉ gặm nhấm nỗi buồn trầm ngâm không nói… Trần Nhã Thụy thì “Buồn quá mà viết văn. Chứ viết văn không phải vì nghèo hèn, không phải viết để kiếm tiền, mặc dù đến giờ vẫn nghèo hèn…Viết văn như một nhu cầu tự thân. Không viết không được. Đơn giản vậy thôi” (Tôi là nhà văn một mình). Đây có vẻ như “tuyên ngôn nghề” của Trần Nhã Thụy.

Nhà văn Trần Nhã Thụy và nhà thơ Phạm Hồng Danh với tác phẩm “Trong và ngoài căn phòng tôi” – NXB Hội Nhà văn, 2022.

Buồn. “Tôi không hiểu vì sao những buổi chiều lại khiến tâm hồn mình buồn bã đến vậy. Nhưng tôi lại thích những buổi chiều (buồn)…Tôi thích những buổi chiều trước sân nhà, uống chén rượu, rít hơi thuốc. Cứ thế một mình ngồi lún vào đêm…”. (Chiều chiều). Nhưng đây không chỉ là cái “chiều buồn len lén tâm tư” mà buồn trầm tư suy nghiệm “Một đời mấy vạn buổi chiều/ Mà không nhặt được nửa điều khả tri” (Chiều chiều). Vì buồn mà viết. Đây là nỗi buồn nhân thế. Buồn vì đạo đức suy đồi, lòng tin đổ vỡ, thật giả lẫn lộn, cái ác lên ngôi…; với tất cả những cái đó, nhà văn làm được gì? Phải chăng họ chỉ còn trang viết: “Tôi chợt nhận ra, sự vô tình cũng chính là bản chất của đời sống này. Tôi là một nhà văn, nhưng dù đã nghe, đã thấy, đã cảm nhận được; song có lúc tôi cũng thật vô tình. Tôi đã có sẵn lòng trắc ẩn, nhưng rồi tôi cũng không làm được gì. Cái làm được, đôi khi chỉ là những trang viết, nhưng để làm gì?” (Lòng trắc ẩn và trang viết).

Tôi nhận thấy điều này: bất kỳ tác giả nào, khi những con chữ tuôn ra từ lòng trắc ẩn, từ nỗi buồn nhân thế đều như một làn hơi ấm, nhè nhẹ thấm sâu vào tâm hồn con người, mang lại một cảm giác thật là dễ chịu, nhẹ tênh. Tôi có thể gọi đó là cái Đẹp Buồn. Ngược lại, khi viết ra với một tâm hồn sân hận, hơi độc từ những con chữ đó sẽ tỏa đầy ám khí, cắn xé kích thích thần kinh người đọc khó chịu vô cùng. Tôi tâm đắc với câu này của Thụy: “Người sáng tác vùng vẫy trong hiện thực, thường biểu lộ cái “sát căn” mà anh ta không kiểm soát được. Có nhiều cái hay nhưng ác, hiểm. Oái oăm thay, xưa nay, đa số cũng dùng văn chương như một thứ vũ khí chiến đấu (tôi phải nói thêm là chiến cho thỏa cái sân hận tư thù, hoặc giả mưu cầu chút tiền chút quyền nho nhỏ), đâm chỗ này chém chỗ kia. Nhưng rốt cuộc chẳng hạ được ai, mà chỉ làm tổn thương mình”. Bài Haiku của tướng quân Yoda: “Con chuồn chuồn ngô/ Bứt hai cánh/ Quả ớt. Hay, nhưng sắc lạnh như lưỡi kiếm của ông ta vậy. Baso với tâm hồn phóng khoáng rộng mở chỉ cần đảo ngược lại, bài thơ hay đã trở thành tuyệt tác: “Quả ớt/ Chắp hai cánh/ Chuồn chuồn ngô”! (Tâm thơ).

Để kết đoạn Tâm thơ này, cũng là kết bài, tôi trích dẫn một đoạn trong thư tác giả gửi các bạn trẻ: “Các bạn trẻ thân mến! Tôi là một người cha nghèo. Nhưng tôi không bao giờ bắt con mình phải có trách nhiệm làm giàu. Tôi không bắt con cái phải gồng gánh ước mơ của đời mình… Mỗi người hãy sống lấy phần đời của mình… Giàu được thì tốt quá, nhưng nghèo cũng chả sao. Quan trọng là phải làm chủ cuộc đời mình… Hãy khóc khi có cái gì đó thực sự trong lòng. Hãy cười khi nhận ra niềm vui sướng tự thân. Đừng khóc theo bầy đàn… Và các bạn hãy nhớ lấy điều này: Đọc sách vừa tìm kiếm tri thức vừa bồi dưỡng tâm hồn. Khi bạn ngang hàng với những người khác cùng trang lứa, thì để bứt lên, để khác biệt, không có gì khác hơn là đọc sách”. (Thư gởi các bạn trẻ).

NGUYỄN NGỌC ANH

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *