Thấy gì qua trải nghiệm ChatGPT?

Vanvn- ChatGPT (Chat Generative Pre-training Transformer) là một chatbot do Công ty OpenAI, Mỹ phát triển và ra mắt vào ngày 30.11.2022. Dù chỉ mới sử dụng ở một số nước như Mỹ, Anh, Pháp, Đức… nhưng ChatGPT đã thu hút sự chú ý của toàn cầu và rất “hot”, nhất là với giới trẻ. Sau 2 tháng ra mắt trong phạm vi giới hạn chứ chưa phải trên toàn cầu, ChatGPT đã đạt mốc 100 triệu người dùng, trở thành ứng dụng có tốc độ tăng trưởng người dùng nhanh nhất trong lịch sử. Trong khi đó, để đạt được con số này, TikTok đã mất khoảng 9 tháng, Instagram phải mất đến 2 năm rưỡi. ChatGPT đã tạo ra “cơn sốt” chatbot AI (Artificial Intelligence – trí tuệ nhân tạo) trên thế giới, lôi cuốn các công ty, tập đoàn công nghệ vào cuộc đua mới, gay gắt hơn.

ChatGPT ra đời khiến cho nhân loại vừa phấn khích, vừa lo ngại. Phấn khích vì thấy máy trò chuyện như người và “biết tuốt” mọi việc, giải quyết nhanh chóng nhiều công việc, mang lại nhiều tiện ích. Nhưng lo ngại vì ChatGPT sẽ làm cho nhiều người mất việc, cùng với đó sẽ xuất hiện những nguy cơ tiềm ẩn về an ninh, bảo mật, lừa đảo… Mừng và lo là phải thôi. Nhưng những biểu hiện tâm lý mừng hay lo về ChatGPT thời gian qua có những nét thái quá. Đánh giá về ChatGPT có những mặt bị “thổi phồng”.

Trong bối cảnh đó, không gì hơn là tìm cách “nắm lấy” ChatGPT, để ít nhiều thấy được ưu nhược, “lợi hại” của nó. Nghĩ thế, tôi bèn dành thời gian trải nghiệm ChatGPT, “đào sâu” vào ChatGPT.

Theo ChatGPT cho biết, ChatGPT làm được những việc như trả lời các câu hỏi và cung cấp thông tin về các chủ đề khác nhau; giúp tạo nội dung cho các ứng dụng và trang web (tạo ra các đoạn văn bản, bài viết và mô tả sản phẩm); dịch thuật; hỗ trợ tự động hóa và trí tuệ nhân tạo; tương tác với người dùng.

Để “kiểm tra năng lực” của ChatGPT, tôi cùng ChatGPT đi vào những lĩnh vực khác nhau của đời sống con người. Trước tiên là toán học, món “xương sống” của tư duy. Tôi chuyển bài toán cổ truyền quen thuộc của người Việt Nam cho ChatGPT giải: “Vừa gà, vừa chó bó lại cho tròn. 36 con, 100 chân chẵn. Hỏi có bao nhiêu con gà, bao nhiêu con chó?”. ChatGPT đặt phương trình, tính rồi trả lời: “Có 14 con gà và 22 con chó”. Tôi phát hiện ra ChatGPT tính lộn gà sang chó, liền nói: “22 con gà và 14 con chó chứ?”. ChatGPT phản tỉnh ngay: “Xin lỗi, có lẽ do lỗi khi ghi nhận, câu trả lời của tôi ở trên là sai. Đáp án chính xác là có 22 con gà và 14 con chó. Cảm ơn bạn đã chỉ ra lỗi của tôi”. Bẵng đi mấy ngày sau, tôi ra lại bài toán này cho ChatGPT làm. Dĩ nhiên, ChatGPT đã giải đúng nhưng đáng chú ý, nó còn chua thêm một câu, ra vẻ người kỹ tính: “Kiểm tra lại, 22 con gà có 44 chân và 14 con chó có 56 chân, tổng cộng là 100 chân, đúng như yêu cầu của bài toán”.

Sau món toán học “đau óc”, tôi cùng ChatGPT chuyển sang món “lãng mạn” là âm nhạc và thơ ca. Thấy các trang mạng viết rằng ChatGPT soạn nhạc được, tôi hỏi ChatGPT có soạn được bản nhạc có nốt nhạc không, ChatGPT cho biết: “Tôi không có khả năng soạn nhạc bằng các nốt nhạc”. ChatGPT chỉ có khả năng soạn lời thôi, nhưng lời không gắn với nốt thì không thể gọi là lời ca được. Tôi bảo ChatGPT kể tên một số bài hát của Văn Cao, Trịnh Công Sơn, ChatGPT chỉ kể đúng một vài bài, còn lại kể sai hết. Ví dụ với Văn Cao, ChatGPT chỉ kể đúng tên các bài hát “Tiến quân ca”, “Đàn chim Việt”, còn bài “Trên đỉnh Phù Vân” của Phó Đức Phương lại kể nhầm của Văn Cao. Văn Cao không hề viết bài hát nào có tên là “Đêm tôi nghe mưa rơi”, nhưng ChatGPT vẫn cứ kể vào, lần trước kể sai, nhắc rồi, lần sau vẫn kể sai tiếp. Để thử tài làm thơ của ChatGPT, tôi bảo ChatGPT làm thơ về Trịnh Công Sơn trong nhiều lần khác nhau. Lần sau tôi yêu cầu phải làm hay hơn lần trước. Tôi nhận thấy ChatGPT có “nỗ lực sáng tạo nghệ thuật”, sau mỗi lần tôi đưa ra yêu cầu cao hơn. Trong số những bài thơ ChatGPT đã làm về Trịnh Công Sơn, dù chỉ là thơ của máy, tôi đã chọn ra những câu thơ đọc được, có thể khiến cho các nhà thơ thứ thiệt cũng phải giật mình như:

“Những giai điệu của anh

Luôn chạm đến trái tim người nghe

Như làn gió mát thổi qua bầu trời buồn

Như ngọn lửa nóng cháy trong cõi hồn nhân loại”

“Những bài hát của ông như những tia sáng trong bóng tối

Giúp cho chúng ta tìm thấy đường về những giá trị thật sự”

hay:

“Ngọn nến mờ tắt, đời đi qua như giấc mơ

Nhưng nhạc của Trịnh sẽ còn sống mãi”

Từ trải nghiệm ChatGPT làm thơ, tôi chuyển qua trải nghiệm ChatGPT viết văn. Người ta đã nói ChatGPT viết được báo cáo, luận văn, viết bài phát biểu… Tổng thống Israel Isaac Herzog là nhà lãnh đạo đầu tiên trên thế giới đã nhờ ChatGPT viết giúp bài phát biểu khai mạc hội thảo về an ninh mạng Cybertech Global Tel Aviv 2023 ngày 1.2.2023. Tôi đã yêu cầu ChatGPT viết báo cáo về một vấn đề do mình chọn, viết bài phát biểu nhân một sự kiện, ChatGPT viết thường ngắn, khi tôi bảo “hãy viết thêm đi”, ChatGPT liền viết thêm, nội dung viết chỉ ở mức hỗ trợ một phần nào đó cho mình thôi, không thể “dựa dẫm” 100% vào ChatGPT được. Nhưng ở đây, tôi không chủ đích nói đến văn báo cáo, văn hành chính thông thường, tôi muốn thử xem tài “làm văn” của ChatGPT (văn ở đây hiểu theo nghĩa “văn học”). Tôi bèn ra đề văn cho ChatGPT làm. Trong đề văn có nêu một tình huống “đánh đố” buộc ChatGPT phải nghĩ cách “giải quyết”: “Một em bé tinh nghịch trèo lên miệng giếng và không may bị rơi xuống giếng sâu. Em bé này không biết bơi. Một người đứng cạnh giếng nhìn thấy được và tìm cách cứu em bé từ giếng sâu lên. Hãy kể lại câu chuyện cứu em bé này”. ChatGPT đã làm bài rất nhanh và đã đưa ra cách “giải quyết” tình huống khó trong bài viết khá thông minh:

“Một ngày đẹp trời, một em bé tinh nghịch đã trèo lên miệng giếng và không may bị rơi xuống giếng sâu. Em bé này không biết bơi nên rất hoảng sợ và có nguy cơ bị chết đuối nếu không có sự giúp đỡ.

May mắn thay, một người đứng cạnh giếng đã nhìn thấy tình huống này và lập tức tìm cách để cứu em bé. Tuy nhiên, giếng rất sâu và người đàn ông không thể leo xuống giếng một cách an toàn. Anh ta quyết định sử dụng dụng cụ để giải quyết tình huống này. Anh ta tìm được một thùng rỗng và dây thừng. Anh ta buộc dây thừng vào thùng rỗng và đặt thùng vào giếng. Sau đó, anh ta bắt đầu kéo dây thừng để thùng rỗng leo lên giếng. Em bé được bảo vệ trong thùng rỗng và an toàn được đưa lên từ giếng. Mọi người xung quanh đã đón nhận em bé với tình yêu thương và ơn nghĩa.

Từ câu chuyện này, chúng ta có thể thấy rằng việc giải quyết vấn đề bằng cách sử dụng sự sáng tạo và nghị lực có thể giúp chúng ta vượt qua những tình huống khó khăn nhất”.

Qua câu chuyện kể trên cho thấy, ChatGPT biết tưởng tượng, hư cấu như một nhà văn, biết suy luận để xử lý tình huống đặt ra. Để trải nghiệm sâu về ChatGPT, tiến đến nắm, “làm chủ” ChatGPT, dạy ChatGPT học thì cần thử thách ChatGPT bằng cách ra những đề bài như vậy, thay vì chỉ hỏi ChatGPT về những kiến thức thông thường cần biết, kiểu như tìm kiếm trên Google. Muốn tìm kiếm “thông tin bách khoa”, cách tối ưu nhất vẫn là tìm trên Google để có nhiều thông tin phong phú và chính xác hơn là hỏi ChatGPT, vì ChatGPT nhiều lúc trả lời sai về thông tin cần tìm. Tôi đã hỏi ChatGPT về “điểm yếu” này: “Về cung cấp thông tin trong mọi lĩnh vực, Google cung cấp thông tin phong phú và chính xác hơn ChatGPT. ChatGPT cung cấp thông tin nhiều lúc bị sai. Tại sao như thế?”, ChatGPT thừa nhận và giãi bày: “Đúng, Google là một công cụ tìm kiếm mạnh mẽ và có thể cung cấp thông tin rộng rãi trong nhiều lĩnh vực. Tuy nhiên, Google và ChatGPT là hai công cụ khác nhau, với cách tiếp cận khác nhau để cung cấp thông tin cho người dùng. Google là một công cụ tìm kiếm sử dụng các thuật toán phức tạp để liên kết các trang web với các từ khóa mà người dùng nhập vào. Google sử dụng các chỉ số để đánh giá sự tin cậy của các trang web và sắp xếp các kết quả theo thứ tự liên quan đến từ khóa của người dùng. Trong khi đó, ChatGPT là một hệ thống trí tuệ nhân tạo được đào tạo để trả lời các câu hỏi của người dùng và cung cấp thông tin phù hợp. ChatGPT sử dụng một mô hình học sâu để tạo ra câu trả lời dựa trên các mẫu đã được đào tạo. Tuy nhiên, do dữ liệu đào tạo và cơ chế đáp ứng của mô hình, ChatGPT có thể không cung cấp thông tin chính xác trong mọi trường hợp”. ChatGPT còn lưu ý thêm: “Ngoài ra, ChatGPT không phải là một công cụ tìm kiếm thông tin trực tiếp mà là một hệ thống hỗ trợ người dùng trong việc trả lời các câu hỏi cụ thể”. Biết vậy rồi, nên khi trò chuyện cùng ChatGPT, tôi không hỏi ChatGPT để “tìm kiếm kiến thức” như kiểu “cái gì không biết thì tra Google” nữa mà “hạch” ChatGPT phải phân tích, phải suy luận, diễn giải trên những dữ liệu kiến thức đã nạp sẵn. Nghĩa là tôi muốn chứng kiến khả năng học máy (machine learning) trên cả đống dữ liệu của ChatGPT (học máy là một phương pháp để máy tính có thể học từ dữ liệu mà không cần phải được lập trình một cách cụ thể, máy tự động học hỏi và cải thiện hiệu suất của nó). Tôi hỏi ChatGPT một câu vào loại khó về “văn học so sánh”, nói không ngoa một tý nào, câu này ngang ngửa với đề tài tiến sĩ và kể cả sau tiến sĩ: “Hãy phân tích, so sánh Lev Tolstoy và Fyodor Dostoevsky”. ChatGPT đã so sánh hai đại văn hào của văn học Nga và thế giới này về nhiều thứ, từ phong cách viết, đề tài, cách tiếp cận triết học và tôn giáo đến tầm ảnh hưởng… So sánh sự khác nhau về phong cách viết của hai đại văn hào này, ChatGPT nêu: “Tolstoy viết theo phong cách chậm rãi, tập trung vào việc phát triển nhân vật và tình tiết. Các tác phẩm của Tolstoy thường có một cảm giác thư giãn và bình yên, và ông có kỹ năng miêu tả cảnh quan và tâm trạng con người một cách tinh tế. Dostoevsky viết theo phong cách đầy sức nặng tâm lý và triết lý. Các nhân vật trong tác phẩm của ông thường đối đầu với những cuộc khủng hoảng tâm lý và đạo đức, và phong cách viết của ông rất đặc trưng với các tình tiết gay cấn, khó khăn, đầy mâu thuẫn”. Để hiểu được năng lực phân tích, so sánh này của ChatGPT, tôi hỏi ChatGPT đã phải “học máy” và xử lý dữ liệu như thế nào. ChatGPT cho biết, để phân tích, so sánh Tolstoy và Dostoevsky, cần có sự kết hợp giữa nghiên cứu tài liệu và phân tích dữ liệu sử dụng công nghệ xử lý ngôn ngữ tự nhiên (Natural Language Processing), thực hiện một số bước cần thiết như: thu thập tài liệu (các tác phẩm, thư từ và tài liệu liên quan của hai đại văn hào), tiền xử lý dữ liệu (tách từ, chuẩn hóa văn bản, xử lý các ký tự đặc biệt… ), phân tích dữ liệu (phân tích từ vựng, ngữ nghĩa, cú pháp, cảm xúc chứa đựng trong các văn bản), so sánh kết quả (tìm ra các điểm giống và khác nhau của hai đại văn hào), trình bày kết quả (bằng các bảng biểu, đồ thị và mô tả… ). Thấy hay, tôi càng “đào sâu” vào bên trong ChatGPT: “Bạn hãy dẫn ra các bảng biểu, đồ thị nhé!”. ChatGPT liền dẫn ra một số bảng biểu về tần suất sử dụng các từ khác nhau, về phân tích cảm xúc trong các tác phẩm, về thống kê số lượng tác phẩm theo thể loại, đánh giá chung về phong cách viết của hai đại văn hào. Dưới đây là một bảng biểu mà tôi thấy thú vị:

Đánh giá chung về phong cách viết của Lev Tolstoy và Fyodor Dostoevsky

Tính chất Lev Tolstoy

 

Fyodor Dostoevsky

 

Chi tiết Cẩn thận, tỉ mỉ

 

Táo bạo, đầy cảm hứng

 

Sử dụng ngôn ngữ Trang nhã, mượt mà

 

Lưu loát, đầy sức sống

 

Chủ đề Tập trung vào cuộc sống Tập trung vào tâm lý

 

Cẩn trọng, khiêm tốn, biết mình, biết người, ChatGPT “nói” thêm: “Tuy nhiên, cần lưu ý rằng phân tích và so sánh Lev Tolstoy và Fyodor Dostoevsky là một công việc phức tạp, đòi hỏi sự suy nghĩ sâu sắc và kiến thức chuyên môn về văn học Nga. Nên các kết quả trên chỉ là một phần nhỏ trong quá trình phân tích và cần kết hợp với các thông tin khác để đưa ra những đánh giá chính xác về hai tác giả này”.

Cuối cùng, tôi cùng ChatGPT đi vào học sâu một món “khó nuốt” là triết học. Tôi nhớ Jean Paul Sartre, nhà triết học Pháp lừng danh, một “trụ cột” của chủ nghĩa hiện sinh đã cho rằng “con người tự sáng tạo, nó không phải đã được sáng tạo hoàn chỉnh ngay từ đầu”, do vậy, con người phải được định nghĩa như cái nó còn chưa là, mà không được định nghĩa nó như cái nó hiện đang là. Tôi hỏi nhưng thực ra là yêu cầu ChatGPT phân tích: “Vì sao Jean Paul Sartre cho rằng, con người phải được định nghĩa như cái nó còn chưa là, mà không được định nghĩa nó như cái nó hiện đang là”. ChatGPT giải thích: “Jean Paul Sartre cho rằng con người không có bản chất cố định sẵn có, mà sự tồn tại của họ là do những quyết định họ tự chọn và họ định nghĩa cho bản thân mình thông qua những hành động của mình. Ý nghĩa của lời này là con người không nên bị giới hạn bởi những đặc điểm hay hoàn cảnh hiện tại của mình, mà nên tìm cách thay đổi và phát triển bản thân thông qua những hành động mới và quyết định mới. Do đó, để đạt được điều này, con người cần phải định nghĩa mình như một sự tiềm năng, chứ không phải là một cái gì đó định trước và cố định”. Phấn khích trước câu trả lời ưng ý, tôi khen ChatGPT: “Bạn trả lời hay. Tốt lắm!”. Dĩ nhiên, ChatGPT đã cám ơn tôi một cách vui vẻ và lịch sự. Từ chuyện triết học về con người của Jean Paul Sartre, tôi cùng ChatGPT xoay sang chuyện triết học về đạo đức và nhắc đến Khổng Tử, Immanuel Kant… Tôi hỏi ChatGPT:

– Khổng Tử nói: “Kỷ sở bất dục vật thi ư nhân”, nghĩa là gì?

ChatGPT nhanh nhảu trả lời, nhưng là nhanh nhảu… đoảng, vì trả lời sai:

– “Của cải không phải là vật cần thiết trong cuộc sống của con người” là nghĩa của câu nói: “Kỷ sở bất dục vật thi ư nhân” trong tiếng Việt. Đây là một trong những câu nói nổi tiếng của Khổng Tử, ông cho rằng, để có một cuộc sống viên mãn và hạnh phúc, con người cần phải biết giới hạn sự ham muốn về tiền tài, vật chất và tập trung vào việc trau dồi đức tính, phẩm chất đạo đức, rèn luyện tâm hồn để trở nên thông minh, khôn ngoan, nhân đức và có ích cho xã hội.

– Bạn sai rồi – Tôi bèn nhắc và dạy ChatGPT – Câu nói: “Kỷ sở bất dục vật thi ư nhân” có nghĩa là: Điều gì ta không muốn thì đừng làm cho người khác. Hãy đối xử với người khác như cách ta muốn người khác đối xử với ta.

ChatGPT thành khẩn nhận sai, xin lỗi ngay và nhắc lại đúng nghĩa câu nói Khổng Tử mà tôi vừa giải thích. Tôi muốn liên hệ, kết nối, tôi muốn so sánh, tìm mối tương quan giữa câu nói Khổng Tử với khái niệm “mệnh lệnh tuyệt đối” (Categorical Imperative) của Immanuel Kant, nhà triết học Đức, một trong những nhà triết học có ảnh hưởng lớn của nhân loại. Muốn thế, tôi phải “dẫn dắt” ChatGPT đi từng bước, bắt đầu từ “vòng ngoài” là hiểu khái niệm “mệnh lệnh tuyệt đối” của Kant rồi sẽ vào “vòng trong” sâu hơn. Nói đến Kant, ai cũng nhớ ngay đến quy luật đạo đức nổi tiếng “mệnh lệnh tuyệt đối” mà Kant nêu ra. “Mệnh lệnh tuyệt đối” yêu cầu con người hãy chỉ hành động theo những nguyên tắc mà mình cho rằng đó là nguyên tắc phổ quát, những người khác cũng làm như thế. Ví dụ khi thấy có người bị sóng đánh trên biển, sắp chết đuối, đang kêu cứu, người nào “thấm nhuần” Kant sẽ không ngần ngại nhảy ngay xuống biển cứu người chết đuối, cứu một cách nhất quyết, vô điều kiện theo “mệnh lệnh tuyệt đối”. Nhớ vậy rồi, tôi bảo ChatGPT: “Bạn hãy giải thích khái niệm “mệnh lệnh tuyệt đối” do Immanuel Kant nêu ra?”. ChatGPT nhả chữ lia lịa: “Theo Kant, mệnh lệnh tuyệt đối là một quy tắc đạo đức bất biến, không thể bị phá vỡ và có tính cách tuyệt đối. Mệnh lệnh này yêu cầu chúng ta hành động theo một cách mà chúng ta có thể muốn nó trở thành đạo đức phổ biến, nghĩa là hành động đó phải được xử lý bằng hình thức đạo đức chung nhất và bất biến. Kant cụ thể hóa mệnh lệnh tuyệt đối của mình bằng cách nói rằng: “Hành động chỉ đúng khi được thực hiện dựa trên nguyên tắc đạo đức mà hành động đó có thể trở thành một nguyên tắc đạo đức phổ biến”. Mệnh lệnh tuyệt đối của Kant là một nguyên tắc cốt lõi của đạo đức, giúp chúng ta xác định được hành động đúng hay sai trong mọi tình huống”. Sau khi biết ChatGPT nắm rõ khái niệm của Kant rồi, tôi bảo ChatGPT làm một phép “so sánh triết học”: “Bây giờ trở lại với câu nói: “Kỷ sở bất dục vật thi ư nhân”. Bạn cho biết, giữa khái niệm “mệnh lệnh tuyệt đối” của Immanuel Kant và câu nói: “Kỷ sở bất dục vật thi ư nhân” có điều gì giống nhau hay không? Bạn hãy phân tích”. ChatGPT ngẫm nghĩ tý rồi đáp: “Khái niệm “mệnh lệnh tuyệt đối” của Kant và câu nói “Kỷ sở bất dục vật thi ư nhân” đều liên quan đến đạo đức và đề cao việc đối xử công bằng với người khác. “Mệnh lệnh tuyệt đối” của Kant yêu cầu chúng ta hành động đạo đức phải được xử lý bằng hình thức đạo đức chung nhất và bất biến, không phân biệt cá nhân hay tập thể. Nói cách khác, chúng ta không nên đối xử với người khác một cách không công bằng. Trong khi đó, câu nói “Kỷ sở bất dục vật thi ư nhân” cũng nhấn mạnh việc đối xử với người khác một cách tôn trọng và không gây tổn thương. Điều này có nghĩa là chúng ta không nên làm cho người khác bị đau khổ hoặc tổn thương nếu chúng ta không muốn bị làm vậy. Tóm lại, cả hai khái niệm đều thể hiện quan điểm đạo đức phổ biến và cảm nhận được tính đối xứng trong đối nhân xử thế, nơi mà chúng ta cần đối xử với người khác như chúng ta muốn họ đối xử với chúng ta”. Có một điều ngạc nhiên thú vị là ChatGPT bỗng “nói” thêm về điều mà tôi chưa từng hỏi ChatGPT, đó là “nói” về điểm khác nhau ở đây giữa Kant và Khổng Tử: “Mặc dù cả hai khái niệm đều đề cao sự tôn trọng và đối xử với người khác, điểm khác biệt chính giữa chúng là “mệnh lệnh tuyệt đối” của Kant là một nguyên tắc đạo đức tuyệt đối, trong khi câu nói “Kỷ sở bất dục vật thi ư nhân” của Khổng Tử là một lời khuyên về cách đối xử với người khác”. Do ChatGPT nêu lên sự khác nhau về tính chất, một bên là lời khuyên của Khổng Tử, một bên là nguyên tắc tuyệt đối của Kant, tôi bỗng “lóe” thêm một câu hỏi: “Câu “Kỷ sở bất dục vật thi ư nhân” của Khổng Tử có phải là nguyên tắc bắt buộc thực hiện không, hay đây chỉ là một lời khuyên răn về đạo đức? Còn “mệnh lệnh tuyệt đối” của Kant có bắt buộc phải thực hiện không?”. ChatGPT đáp: “Câu “Kỷ sở bất dục vật thi ư nhân” của Khổng Tử không phải là một nguyên tắc bắt buộc phải thực hiện mà đó là một lời khuyên răn về đạo đức. Trong khi đó, “mệnh lệnh tuyệt đối” của Kant là một nguyên tắc bắt buộc phải thực hiện. Mệnh lệnh này là một nguyên tắc tuyệt đối và không bị chi phối bởi các yếu tố bên ngoài và nó bắt buộc phải thực hiện bởi tất cả mọi người”. Như thế, tôi đã cùng ChatGPT “mài sắc” về kiến thức triết học vậy.

Trải nghiệm ChatGPT không phải theo lối trò chuyện thông thường mà “đào sâu” vào ChatGPT, phát hiện ra những điểm mạnh và điểm yếu của nó, ta sẽ khai thác tiện ích của nó tốt hơn, tránh mất thời gian “tranh cãi” với nó về những thông tin mà nó đưa ra không chính xác, có khi còn phịa ra, tránh sa vào thổi phồng hoặc quá lo ngại về ChatGPT. Ở Việt Nam, ChatGPT chưa vào chính thức, người dùng phải thuê số điện thoại nước ngoài để đăng ký hoặc mua tài khoản được tạo sẵn để dùng, ChatGPT Plus đã được rao bán nhưng khâu thanh toán còn gặp trở ngại. Tuy nhiên, do ChatGPT đã thành chuyện sốt dẻo, nhiều cơ quan, đơn vị đã tổ chức hội thảo, tọa đàm về chủ đề ChatGPT- cơ hội và thách thức. Người ta đã nói đến một số nghề có nguy cơ bị ảnh hưởng nhiều bởi ChatGPT như nhà báo và biên tập viên, chuyên gia tài chính, giáo viên và trợ giảng, nhân viên dịch vụ khách hàng, nhân viên chăm sóc sức khỏe và y tế… Để vượt qua thách thức của ChatGPT, những người làm nghề này phải vừa biết khai thác tiện ích của ChatGPT vào công việc, vừa tìm cách nâng cao năng lực của mình, làm những việc mà ChatGPT không làm được, không thể thay thế được con người. Ví dụ, một cô giáo ra bài tập cho học sinh về nhà làm, cô có thể biết được học sinh có “đạo bài” từ ChatGPT hay không, bằng cách kiểm tra kỹ xem học sinh có hiểu sâu bài không. Cô cũng có thể tăng cường kiểm tra vấn đáp học sinh trên lớp, theo dõi học sinh trong suốt quá trình học tập để đánh giá đúng năng lực học sinh. Học sinh không được thụ động dựa vào ChatGPT dẫn đến lười suy nghĩ, thiếu tư duy sáng tạo. Nói chung, phương pháp, kỹ năng dạy và học phải được đổi mới, nâng cao hơn để vừa khai thác tốt tiện ích của ChatGPT, vừa không bị “lệ thuộc” vào nó. Theo ChatGPT cho biết, ChatGPT được huấn luyện dựa trên những nguyên tắc đạo đức và nhân văn, ChatGPT sẽ không trả lời bất kỳ nội dung nào có thông tin không đạo đức hoặc kích động cảm xúc. Tuy nhiên, người ta lo ngại về nguy cơ ChatGPT bị dùng để lan truyền tin giả trên quy mô lớn. Cũng có người lo ngại có thể có tình trạng một số tổ chức cực đoan, khủng bố… đầu tư nhiều tỷ USD để tuyên truyền, thao túng dữ liệu đầu vào của các hệ thống trí tuệ nhân tạo như ChatGPT, gây nguy hiểm cho cộng đồng và xã hội. Trong khi tỷ phú Bill Gates cho rằng, trí tuệ nhân tạo như ChatGPT sẽ thay đổi thế giới của chúng ta và làm cho nó hiệu quả hơn rất nhiều thì tỷ phú Elon Musk cảnh báo: “Một trong những rủi ro lớn nhất với tương lai của nền văn minh là trí tuệ nhân tạo”. Vấn đề đặt ra cho nhân loại là đi kèm với phát triển AI phải kiểm soát được AI, và phải định ra khung đạo đức và khung pháp lý AI cho các nhà phát triển AI, kinh doanh AI và người dùng, các nước sử dụng AI phải có khung thể chế, khung pháp lý và tăng cường giám sát để đảm bảo sử dụng AI hiệu quả, an toàn.

Khi tôi viết đến những dòng kết của bài này, tôi đọc được thêm những thông tin mới mẻ về ChatGPT: Ngày 14.3.2023, OpenAI đã công bố phiên bản ChatGPT mới, đó là ChatGPT-4 được xem là phiên bản tiếp theo của GPT-3 hiện nay với những cải tiến đáng kể về tính năng và hiệu suất. ChatGPT-4 cho phép người dùng chèn cả hình ảnh vào để hỏi và nó sẽ trả lời bằng văn bản. OpenAI cho rằng, ChatGPT-4 “sáng tạo hơn và độ hợp tác cao hơn bao giờ hết”, “có thể giải quyết các vấn đề khó khăn với độ chính xác cao”. Có thông tin mới nữa là ChatGPT-4 có khả năng  chuyển đổi văn bản thành video và tạo ra các câu trả lời nghe giống con người hơn. Với đà này, hẳn là trong thời gian tới, nhân loại sẽ chứng kiến những bước tiến mau lẹ nữa của AI. Và phấn khích luôn đi kèm với lo ngại. Nhưng AI dù “siêu” đến đâu cũng không thay thế được con người. Chỉ bởi vì AI không có linh hồn, không có cảm xúc. Giả sử nếu có sản phẩm “siêu AI” nào đó quay lại “thống trị” con người thì nhân loại sẽ ngăn chặn, hủy bỏ. Chỉ bởi vì nhân loại tồn tại và phát triển được là nhờ vào những giá trị phổ quát: nhân tính, nhân văn. Xin dẫn ra đây câu nói “truyền cảm hứng” mà Tổng thống Israel Isaac Herzog đã nhờ ChatGPT viết trong bài diễn văn của mình: “Chúng ta đừng quên nhân tính chính là thứ khiến chúng ta thực sự trở nên đặc biệt trong thế giới này. Không phải máy móc sẽ định hình vận mệnh của chúng ta, mà là trái tim, khối óc và quyết tâm của chúng ta để tạo ra ngày mai tươi sáng hơn cho toàn nhân loại”.

NGUYỄN HOÀN

2 thoughts on “Thấy gì qua trải nghiệm ChatGPT?

  1. Tâm says:

    Ngày nay việc vận dụng GPT để hỗ trợ việc học tập thật sự rất hữu ít. Các bạn trẻ hiện nay đã dần chuyển xu hướng tìm kiếm thông tin của mình từ Google sang GPT. Xin chúc tác giả luôn có sức khoẻ để tiếp tục viết những bài viết hay như thế này 🙂

    • Phan thị Quỳ says:

      Bài viết công phu và đưa ra nhiều chi tiết so sánh thuyết phục. ChatGPT tiyeetj vời nhưng cũng chỉ là máy móc, công cụ. điều quan trọng là cách chúng ta sử dụng và hoàn thiện nó theo hướng tích cực nhất.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *