Vanvn- Trên con đường học thuật gian nan nhưng đầy thú vị, Hội đồng Lý luận, phê bình (LLPB) văn học, nghệ thuật (VHNT) Trung ương không chỉ là một địa chỉ tin cậy về chuyên môn mà còn luôn quan tâm, hỗ trợ thắp sáng niềm tin cho các nhà nghiên cứu trẻ vững tâm hơn trên con đường đã chọn.
Kiến trúc sư, nhà nghiên cứu Vũ Hiệp (Trường Đại học Giao thông vận tải): Tôi cảm thấy may mắn và vinh dự khi được Hội đồng trao tặng thưởng mức A năm 2020 cho công trình “Nghệ thuật dưới góc độ di truyền”. Từ đó, tôi có thêm niềm tin vào công việc nghiên cứu, viết lách của mình; thấy rằng công việc đó góp ích cho công chúng rộng rãi. Các đơn vị truyền thông, xuất bản, giáo dục công lập cũng biết đến tôi nhiều hơn và tạo điều kiện hơn trong việc quảng bá công trình nghiên cứu của mình. Tuy nhiên, tác động từ tặng thưởng của Hội đồng lại chưa giúp ích nhiều cho tôi trong việc liên kết với các đơn vị xuất bản tư nhân, nơi lợi nhuận được đặt lên hàng đầu, mà sách LLPB thì khó có lợi nhuận kinh tế.

Để phát triển đội ngũ LLPB trẻ, sự đầu tư của Nhà nước là rất cần thiết. Các đơn vị tư nhân trong nước thì chưa đủ trách nhiệm xã hội để làm việc đó. Tôi cũng biết một số tổ chức nước ngoài đang có các dự án tài trợ nghiên cứu LLPB VHNT, nhưng mục đích của những nghiên cứu đó nhằm kể câu chuyện của ai, kể như thế nào, và kể cho ai nghe thì còn rất nhiều băn khoăn.
Nói chung, đầu tư cho LLPB không tốn kém, nhưng hiệu quả và đem lại giá trị lớn về mặt tư tưởng cho xã hội. Cần phải nhấn mạnh rằng, Hội đồng đang là cơ quan hiếm hoi ở nước ta duy trì hiệu quả hoạt động hỗ trợ của các nhà LLPB và đáng mừng là những cây bút trẻ đều có cơ hội tham gia, cất tiếng nói của mình vào đời sống học thuật. Tôi mong muốn Hội đồng cần phát huy uy tín về học thuật và tính chính danh để nâng đỡ những người viết LLPB trẻ thông qua các hoạt động thiết thực, cụ thể hơn.
Nhà nghiên cứu văn học, dịch giả Bùi Bảo Kỳ (Hội VHNT tỉnh Tây Ninh): Muốn nâng cao chất lượng đội ngũ LLPB VHNT, đặc biệt là mảng nghệ thuật còn khá ít ỏi, nhất thiết phải tổ chức dịch thuật, giới thiệu, quảng bá các lý thuyết văn hóa, văn nghệ tinh hoa thế giới tại Việt Nam. Dù rằng trong bối cảnh toàn cầu hóa, mặt bằng trình độ ngoại ngữ ở nước ta ngày càng phát triển, việc đọc thẳng bằng nguyên tác là một đòi hỏi chính đáng và đáng quý. Tuy nhiên, tìm hiểu các nền học thuật của một số nước, cho thấy việc dịch thuật chưa bao giờ thiếu hữu ích. Chỉ khi có tài liệu được dịch nghiêm cẩn, đội ngũ LLPB sẽ có thể tự đào tạo, nâng cao trình độ, tất yếu tác phẩm LLPB chất lượng cũng sẽ ra đời.

Do đó, đề án dịch thuật các tác phẩm về LLPB nước ngoài của Hội đồng là cần thiết và cấp thiết, không chỉ trong khuôn khổ của học thuật theo nghĩa hẹp mà có thể nói một cách khác là sẽ kiến tạo nền tảng có ý nghĩa sâu sắc cho đời sống văn hóa, tinh thần của quốc gia, dân tộc một cách lâu dài. Tôi nghĩ, với một đề án vừa mang tính hệ thống, tính khoa học và tính giáo khoa như vậy, dưới sự tổ chức của Hội đồng còn góp phần xây dựng nên một đội ngũ trẻ để kế tục. Không có gì tốt hơn là những nhà nghiên cứu, dịch giả trẻ tham gia vừa làm vừa tự đào tạo chính mình.
Nhà thơ, nhà nghiên cứu văn học dân gian Phạm Tiến Triều (Hội VHNT các dân tộc thiểu số Việt Nam): Là người chuyên nghiên cứu VHNT Mường, tôi nhận thấy do chưa được trang bị kiến thức LLPB và tầm hiểu biết nên hầu hết các nghiên cứu về VHNT Mường nói riêng và các dân tộc thiểu số nói chung hiện nay chỉ mới dừng lại ở sự giới thiệu, điểm mặt các tác giả mà chưa có được những công trình xứng tầm.

Vì vậy, tôi đề xuất với Hội đồng một số vấn đề: Một là, mỗi năm, Hội đồng nên tổ chức riêng một lớp tập huấn cho các cây bút nghiên cứu trẻ người dân tộc thiểu số và những cây bút người Kinh nghiên cứu về văn học các dân tộc thiểu số. Hai là, Hội đồng cần có chính sách hỗ trợ riêng về kinh phí cho các công trình nghiên cứu về văn học các dân tộc thiểu số. Ba là, khi xét giải thưởng, Hội đồng cũng nên quan tâm hơn nữa đến các công trình nghiên cứu về văn học các dân tộc thiểu số.
HÀM ĐAN/QĐND