Thăm Đồng Lộc, nhớ đồng đội xưa – Ký của Nguyễn Khắc Phê

Vanvn- “Trời mô xanh bằng trời Can Lộc…” Câu hát ấy cùng câu chuyện bi tráng 10 cô gái Thanh niên xung phong (TNXP) ở Ngã Ba Đồng Lộc viết nên đã trở thành quen thuộc với nhiều người. Vậy mà tôi, dù đã qua Đồng Lộc nhiều lần, lại chưa bao giờ thấy bầu trời xanh ở đó.

Một lý do đơn giản: Từ đường 12A dưới chân đèo Mụ Dạ, khi có việc về xuôi qua Đồng Lộc, xe đều đi vào ban đêm để tránh máy bay Mỹ. Có hai chuyến đi thật đáng nhớ: Năm 1965, sau trận máy bay Mỹ lần đầu ném bom cầu Bãi Dinh, Ban Kiến thiết 212 (hay gọi là “Ban A”, đơn vị giám sát các công trình xây dựng trên đường 12A) giải thể, tôi đạp xe về Vinh thăm mẹ trước khi trở lại “đầu quân” vào đơn vị bảo đảm giao thông đoạn đầu mối quan trọng nhất thời đó trên tuyến đường Hồ Chí Minh. Ngày đó, Đồng Lộc chưa phải là trọng điểm đánh phá của giặc Mỹ. Con đường băng qua vùng đồi mênh mông hiện ra mờ ảo dưới ánh trăng đầu tháng làm tôi tưởng đến cảnh những thảo nguyên trong phim Liên Xô và có lúc tôi vừa đạp xe vừa gật gà ngủ… Lần thứ hai, trên một chiếc xe tải, cùng đi còn có một phóng viên Đài Tiếng nói Việt Nam; người lái xe chắc cũng gật gà như tôi nên đã cho xe nhào xuống ruộng, may mà không chết ai!

Liệt sĩ Trần Thị Minh Thế

Và lần này, sau hơn ba chục năm “chia tay” với ngành giao thông, cùng với các bạn văn nghệ 6 tỉnh Thanh-Nghệ-Tĩnh-Bình-Trị-Thiên… đi thăm di tích Đồng Lộc giữa một ngày xuân nắng đẹp, tôi vẫn không được ngắm “trời xanh Can Lộc”. Chỉ vì làn hương khói nghi ngút trên khu mộ tưởng niệm 10 cô gái trẻ và đôi mắt tôi lệ chảy tràn mi. Nhà thơ – Tiến sĩ ngữ văn Hồ Thế Hà hơi nghiêng đầu nhìn tôi hỏi nhỏ: “Anh khóc à?” Anh hỏi vậy vì hình như tôi là trường hợp cá biệt.

Có lẽ khu di tích hoành tráng được xây dựng với 8 tỷ đồng bao gồm 4 công trình (tượng đài, khu mộ, Nhà lưu niệm TNXP cả nước, Nhà khách) chỉ gợi không khí trang nghiêm chứ ít gây xúc động. Dù nhà thiết kế tài giỏi đến mấy, những mảng khối bêtông lớn lặng lẽ cũng không thể dựng lại được không khí bi tráng cuộc chiến đấu ác liệt ở đây. Hay chính vì những khối bê tông… (Tôi chợt nghĩ: liệu có cách gì xây dựng các di tích chiến đấu sinh động hơn?) Riêng tôi, khi đứng trước tấm bảng lớn chi chít những dòng tên liệt sĩ trong Nhà lưu niệm TNXP, dòng nước mắt tuôn tràn không sao ngăn được. Đây rồi! Những đồng đội của tôi trên đường 12 A dạo nào!…

Liệt sĩ Hoàng Thị Minh Thú

Nguyễn Thị Mỹ Tình, Trần Thị Minh Thế, Hoàng Thị Minh Thú! Cả ba đều quê huyện Tuyên Hoá (Quảng Bình) là đội viên tiểu đội của anh hùng Nguyễn Thị Kim Huế, thuộc đại đội TNXP anh hùng 759. Cả ba đã hy sinh cùng một lúc ngày 18.01.1968 bên đoạn đường bờ nam sông Gianh. Những dòng tên… Không! Những khuôn mặt tuổi hai mươi trẻ măng… Không! Chỉ là những mớ tóc và chút ít da thịt lẫn đất đá… Đúng ngày đó, tôi có mặt ở bờ nam sông Gianh. Tôi lên đồi thông Ba Trại khi di hài 3 cô gái vừa được đồng đội thu gom từ mặt đường về; lẫn trong tiếng thông reo là tiếng thút thít cố nén lại: “Tình ơi! Thế ơi! Thú ơi!… Có còn chi nữa mô!…”

Quả là thi thể 3 cô gái chẳng còn chi đáng kể. Nhưng hình ảnh họ thì vẫn nguyên vẹn trong lòng đồng đội. Mới đó mà!… Hồi sáng, Huế vừa cắt mấy quả cam từ quê gửi xuống; Thế, cô gái mảnh khảnh, bé nhất đại đội, chen vào nhón một múi: “Em nhỏ nhất, nên phải ăn múi… nhỏ nhất!” Vậy nhưng trong chiến đấu, Thế không nhường ai, luôn ở hàng đầu những nơi ác liệt nhất – những trận chiến đấu bên bom nổ chậm, mấy chục ngày liền giành giật từng tấc đường dưới những chùm bom toạ độ rơi liên tiếp trên đồi “37”, hay giữa bãi bom B.52 dưới chân đèo Mụ Dạ… Còn Thú, mới hồi sáng đó còn ngồi chăm chú viết thư…

Ngay đêm ấy, trong căn hầm chữ A của chị em tiểu đội 6 dưới chân đồi thông, khi cùng các chiến sĩ kiểm kê di vật 3 cô gái vừa hy sinh, tôi đã tìm thấy lá thư Thú vừa viết, dòng chữ đề ngày tháng còn tươi rói: “Ngày 18-1-1968”. Không phải thư gửi người yêu. Thú giữ kín vì những điều thiêng liêng không thể đem khoe khoang:

“Bố mẹ kính mến…Về sự phấn đấu của con thì còn dang dở. Anh chị em họ cũng mong con sớm đứng dưới lá cờ tiền phong của Đảng, càng tăng thêm vững vàng cho hàng ngũ Đảng…Bố mẹ ạ, ở đây bom tọa độ ngày nào cũng xối xuống, cái chết và cái sống nó gần nhau lắm. Nhưng bố mẹ ạ, chỉ có những người làm cách mạng mới mang tất cả những trái tim đầy dũng cảm để đem lại những kết quả cho Đảng cho nhân dân. Dù có đổ máu, các con cũng không tiếc tuổi xuân…”

Tôi trích nguyên văn, có khác chút ít với lá thư đã công bố, chắc vì ai đó đã “biên tập” lại cho gọn hơn. Tiểu đội 12 người thì 10 người là Đảng viên. Có ý kiến cho là Thú phải thử thách thêm vì mới được kết nạp Đoàn trên trận địa đồi “37”; với lại Thú chăm chút hơi nhiều đến cách ăn mặc, mái tóc! Trời đất! Còn thử thách nào hơn trước cái chết luôn cận kề. Và biết làm đẹp mình lại là khuyết điểm sao? Hẳn là Thú đã biết, ngay trong lễ truy điệu sáng hôm sau, Đảng uỷ cấp trên đã chính thức tuyên bố kết nạp Thú vào Đảng kể từ ngày 18.01.1968! Có điều, chẳng bao giờ Thú còn được vuốt ve mái tóc đen mựợt của mình nữa!…

Thắp hương cho đồng đội

Tất cả, hiện rõ trước mặt tôi bên những dòng tên vàng liệt sĩ trong Nhà lưu niệm TNXP ở Đồng Lộc. Phải! Không chỉ mười cô gái ở đây hy sinh. Ờ, mà sao tôi lại nói nhiều đến những cô gái… Trên sách báo và phim ảnh, hầu như cũng chỉ có nữ TNXP xuất hiện? Quả là hình ảnh những cô gái trẻ măng đương đầu với bom đạn Mỹ thật dễ làm xúc động lòng người, nhưng xin đừng quên rất nhiều nam TNXP cũng đã hy sinh. Cũng trong nhà lưu niệm này, tôi đã thấy tên những nam đồng đội cũ: Lê Viết Lân, Hồ Văn Niệm, Trần Đức Hè… Hè là chiến sĩ xuất sắc nhất của đại đội 759 anh hùng và cũng hy sinh ở bờ nam sông Gianh hồi đầu năm 1968…

Tôi nhớ lại những kỷ niệm đau buồn này vào những ngày tháng 7 đáng ghi nhớ:

Ngày 15.7 kỷ niệm thành lập lực lượng TNXP;

Ngày 3.7.1966, tròn 40 năm trước, 9 chiến sĩ đại đội 759 anh hùng hy sinh cùng lúc dưới chân đèo Mụ Dạ, trên đường 12A (vì thế nơi đây có biệt danh là đồi “37”);

Ngày 24.7.1968,  mười cô gái hy sinh ở ngã ba Đồng Lộc…

Nhà văn Nguyễn Khắc Phê (ngoài cùng bên phải) cùng đồng đội trở về thăm chiến trường xưa ở Cổng Trời dưới chân đèo Mụ Giạ năm 2009

Và đau buồn thay là những ngày tháng 7 này, thêm một bọn sâu mọt đục khoét trên những nhịp cầu, những con đường ở TP. Hồ Chí Minh vừa bị còng tay tống vào trại giam! Lại còn bao tên tương tự đang ẩn nấp nhờ “ô dù” và đủ trò gian xảo?

Nỗi đau xót vì thế càng gấp bội. Và một câu hỏi quặn thắt trong lòng: Chẳng lẽ bao nhiêu máu và mồ hôi đã đổ xuống trên những con đường vì “Độc lập và Tự do” của Tổ quốc lại dung dưỡng nên lũ sâu mọt hôm nay? Vì sao?… Vì sao?!…

NGUYỄN KHẮC PHÊ

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *