Vanvn- Nếu chẳng may ít ngày nữa mà có kết quả test nhanh, tôi dính F0 thì có lẽ tết này tôi sẽ không được về quê ăn tết cùng bố mẹ, sẽ là cái tết xa nhà đầu đời.
Từ khi biết mình thuộc diện F1 mấy ngày trước, tôi được công ty cho cách ly làm việc tại nhà. Gọi là nhà nhưng thực chất là phòng trọ. Ở quê, mẹ tôi thắc thỏm đứng ngồi, hằng ngày mẹ xem tivi thấy số lượng ca F0 tăng mạnh, mẹ sợ tôi sẽ nhiễm bệnh.

>> Thể lệ Cuộc thi viết “Về nhà”
Mẹ lấy bố khi mới tròn đôi chín. Bố mẹ tôi bươn chải trăm nghề làm thuê để sinh tồn, từ căn nhà trát bùn ngày nào, với đôi bàn tay chịu khó, bố mẹ đã xây được một căn nhà gác nho nhỏ để ở nhưng đổi lại bố mẹ tôi già hơn so với tuổi và đôi chân tập tễnh của bố sau một lần tai nạn giao thông.
Tôi còn nhớ những ngày tháng Chạp hồi nhỏ, khi tôi còn ở nhà, bố mẹ bận rộn bao việc. Cứ sáng sớm, bố mẹ lại leo lên chiếc xe máy cũ kỹ, thồ một đống hàng gốm cồng kềnh đi mưu sinh muôn nẻo. Trời lạnh tê tái, tôi nằm trong chăn ấm đệm êm nhưng vẫn cảm nhận được hơi lạnh len qua từng khe cửa. Vậy mà, khi trời còn nhá nhem đen mặt người, bố mẹ đã có mặt ở chợ từ rất lâu.
Chiều về, bố mẹ tôi lại trở thành những người nông dân với ruộng hoa phục vụ tết. Tết với anh em chúng tôi không như nhiều đứa trẻ khác, chúng tôi thường phụ bố mẹ buôn bán, hái hoa, bán hàng gốm sứ đến tận tối muộn ngày tất niên. Trong khi nhiều đứa trẻ được bố mẹ đưa đi sắm tết, mua quần áo mới thì anh em tôi lại quen với “tết chợ” trong vai người bán hàng.
Những ngày cuối năm, trời thường mưa lâm thâm, càng thêm lạnh buốt. Bố mẹ tôi dọn đống hàng gốm ngay ven đường quốc lộ 1A và thường hứng chịu những cơn bụi rất lớn từ xe cộ hoặc đôi khi là chạy hàng thục mạng do người ta không cho phép buôn bán lề đường. Những ngày đó, chỉ có cặp lồng cơm vội vàng đã nguội tanh, chỉ có giấc ngủ trưa chập chờn xoa dịu đôi mắt thâm quầng, chỉ có hàng chục lớp áo mỏng tanh giữ ấm cho cơ thể cứ rét run lên cầm cập của bố mẹ.
Chợ búa tất bật, chẳng có thời gian sắm tết hoặc dẫn anh em tôi đi chơi. Mẹ tôi thường tranh thủ lúc vắng chợ dẫn tôi đi mua tập lá dong, ít bánh kẹo, măng khô, giò… mỗi hôm một ít rồi cũng sắm đủ tết. Ngày tất niên, mấy người bạn chợ còn những cây đào, cây quất cuối cùng mang đi tặng nhau như món quà cuối năm thì mẹ tôi thường được tặng đầu tiên. Người nghèo họ dễ hiểu ngôn ngữ của nhau là vậy. Đã có lần, tối muộn ngày 30 tết, cả nhà tôi mới vội vã dọn hàng trong khi tiếng pháo giao thừa bắn sớm đang rộn ràng đâu đó, đôi bàn tay khô hanh nứt toác của mẹ duỗi từng đồng tiền lẻ trong chiếc nón…
Dịch bệnh ập đến, mấy tháng trời giãn cách, may mắn cả nhà không ai nhiễm bệnh. Nhưng cuộc mưu sinh, bố mẹ tôi phải lam lũ với cơm áo gạo tiền cho dù biết dịch bệnh còn đang rất nguy hiểm. Tôi xa nhà được vài năm, trên căn gác trọ, mỗi sáng sớm tôi vẫn nghe thấy tiếng rít thuốc lào quen quen. Trong mê man, tôi nghĩ đó là bố đang rít. Tiếng xe máy dream nổ “bình bình” rồi vào số “khực”, tôi lại nghĩ rằng đó là hai thân cò bắt đầu đi chợ, trong đầu tôi lúc luôn xuất hiện suy nghĩ cầu mong cho bố mẹ bình an cho dù có bán được hàng hay không đi chăng nữa.

Mỗi tối, mẹ tôi thường chủ động gọi video cho tôi, mẹ luôn nhắc tôi phải chú ý phòng dịch bởi trên phố dịch dễ lây lan hơn ở quê. Tôi dặn lại mẹ, nhưng mẹ tôi cứ gạt đi “con yên tâm, mẹ biết rồi có phải trẻ con đâu, vả lại mẹ sống đến tuổi này rồi không sợ đâu”. Với mẹ, tôi luôn là quan trọng nhất, mẹ sẵn sàng hy sinh tất cả để cho tôi được khỏe mạnh, được cơm no áo mặc.
Biết tôi là F1, mẹ ngày nào cũng gửi cho tôi các phương pháp tăng cường miễn dịch tại nhà, có khi gửi đi gửi lại vài lần rồi bắt tôi làm cho mẹ chứng kiến. Dù F1, tôi vẫn rất lạc quan vì mình cũng đã tiêm đủ 2 liều vắc-xin và tiếp xúc rất hạn chế với F0. Mẹ tôi thì chẳng tin cho dù nhìn thấy tôi tươi cười mỗi ngày, nỗi lo của mẹ cứ ì ạch cả đêm, rồi đến sáng sớm mẹ lại bật dậy đi chợ, thiếu ngủ nên đôi mắt mẹ cứ sâu hoắm, tóc bạc đi trông thấy….
Đã có lần tôi đi công tác về qua nơi bố mẹ tôi bán hàng, trên ôtô anh đồng nghiệp hỏi nhà tôi ở đâu, đúng lúc đó tôi thấy mẹ tôi đang ngồi khoanh gối ngủ gật. Tôi giật mình nhận ra nhưng rồi lại ngập ngừng chỉ về phía mẹ thì ôtô đã lướt qua, bỗng trong lòng tôi thấy bứt rứt khôn tả.
Chỉ còn ít ngày nữa là tôi sẽ hết thời gian cách ly tại nhà, tôi tin rằng mình sẽ không bị F0. Việc đầu tiên tôi làm chắc chắn là đón chuyến xe về nhà, rúc vào vai áo mẹ để mẹ tin rằng tôi vẫn đang rất khỏe mạnh, để mẹ tin rằng tết này tôi sẽ ăn tết ở nhà cùng mẹ và đối với tôi, quây quần, giúp đỡ mẹ bán hàng ngày tết đã như một thói quen chứ không nhất thiết cần nghỉ ngơi, dọn nhà hay sắm sửa…
Bình yên nhất là trông thấy bố mẹ khỏe mạnh, được ăn bữa cơm quê có hơi ấm gia đình.
NGUYỄN DUY KHÁNH (Hà Nội)