Vanvn- Cây bút trẻ Diệp Linh tên thật Nguyễn Thị Mỹ Châu sinh ngày 9.3.1992, hiện sống ở vùng biên giới Tây Nam – ấp Cái Tràm, xã Vĩnh Thạnh, huyện Tân Hưng, tỉnh Long An. Sau khi tốt nghiệp chuyên ngành ngôn ngữ Hán Nôm Trường Đại học Khoa học Xã hội & Nhân văn, Đại học Quốc gia TPHCM, cô về quê cộng tác biên dịch phim Hoa – Việt cho các đài truyền hình; có nhiều tản văn, tùy bút đăng trên báo chí và in chung trong các tuyển tập.

“Tôi sinh ra và lớn lên nơi vùng quê biên giới của Đồng Tháp Mười, nơi có những rừng tràm, ruộng lúa, kênh rạch chằng chịt, những chiếc xuồng ba lá cỏn con đã dần trở nên quen thuộc trong từng câu dân ca, điệu hò, bài lý của bà, của mẹ. Nơi có những chiếc cầu khỉ bắt qua con kênh xanh xanh chạy dài xa tít đến tận cánh đồng thơm mùi lúa mới và những mái nhà lợp lá đơn sơ, mộc mạc vẫn vững chãi vượt qua bao mùa nắng mưa. Tôi luôn viết về những điều gần gũi, thân thương, mộc mạc, những kỷ niệm tuổi thơ gắn liền với quê hương, viết về những cái đẹp được trải ngiệm qua mỗi chuyến đi, về vấn đề trăn trở trong hôn nhân gia đình, về phụ nữ. Mỗi bài viết tôi hay lồng vào các câu ca dao, điệu hò, lời bài hát tình quê đậm đà, chân chất, đó cũng chính là cách tôi gìn giữ cái đẹp của quê hương vùng biên nơi tôi đang sống”. Những tản văn giản dị, xúc động thường khởi đầu bằng chữ “Thương” của Diệp Linh thể hiện đúng như lời cô tâm sự. Và trên cơ sở dữ liệu các tản văn này, Diệp Linh đang triển khai nâng cấp dần thành những truyện ngắn về một không gian văn hóa đặc biệt miền biên cương.
Thương lắm mùa nước nổi
Chẳng giống như miền Bắc có bốn mùa xuân, hạ, thu, đông. Miền Tây Nam Bộ chỉ có hai mùa là mùa khô và mùa nước nổi. Mùa nước nổi ở nhiều vùng là nỗi lo. Nhưng ở miền Tây quê tôi, mùa nước nổi là “nhân vật” được mong chờ nhất, bởi nó mang theo rất nhiều món quà trời ban mà không phải nơi nào cũng có. Chừng đó thứ đã giúp cuộc sống người dân ấm no, hạnh phúc biết bao.
Năm nào cũng vậy, tôi thường trông đợi những ngày nước nổi khắp cánh đồng quê mình. Những dòng sông, con kênh chẳng còn khoảng cách giữa đôi bờ đê quanh co, khúc khuỷu, mọi thứ ngập chìm trong làn nước chở nặng phù sa từ thượng nguồn đổ về. Chỉ còn vài ngọn cỏ vượt nước, nhú lên rung rinh trong nắng gió.
Năm nay, mùa nước nổi đến muộn hơn mọi năm. Nhưng không vì thế mà các sản vật trời ban lại ít đi. Mỗi khi nhìn thấy trái cà na căng tròn chín mọng bán ở chợ trong mùa nước nổi. Lòng tôi bồi hồi nhớ lại những kỷ niệm tuổi thơ, nơi quê ngoại yêu dấu vào mùa cà na chín.
Nhớ ngày ấy, bọn trẻ chúng tôi hiếu động, thường leo lên cây cà na rung cho trái rụng xuống, rồi cả nhóm nhảy ùm xuống sông lượm trái, chấm muối ớt, ăn ngấu nghiến! Mới nghĩ đến đã nếm được vị chua, chát của những trái cà na căn mọng đong đưa trên cành như mời gọi.
Ngoại kể, không biết tự bao giờ những hàng cà na mọc xanh um dọc mép sông thân rễ bao bọc lấy nhau, bám đất mà nhờ có hàng cà na nên đất nhà ngoại không bị sạt lở, bông cà na có màu xanh khi nở bung có màu trắng. Những cơn gió thổi nhè nhẹ làm rơi những bông cà na xuống sông làm trắng xóa cả dòng sông thơ mộng. Và hàng cà na lâu năm ấy đã từng gắn liền tuổi thơ bao thế hệ từ xa xưa đến nay. Và trái cà na bình dị, dân dã như người dân quê tôi, mãi đi vào lòng người như câu ca dao:
“Xứ đâu là xứ quê mùa
Đi thăm cháu ngoại cho vùa cà na”
Những ngày nước nổi, là những ngày tôi cùng má bơi xuồng ra đồng hái bông điên điển, giữa bềnh bồng sóng nước, chiếc xuồng ba lá nhỏ chao nghiêng, cơn sóng dữ như muốn nhấn chìm hai má con. Bỗng tiếng má từ mũi xuồng vọng lại “Bây cứ ngồi yên, đừng có lắc càng lắc là cái xuồng chìm luôn đó”. Nghe lời má tôi chẳng dám nhúc nhít. Thật vậy, sau đợt sóng to chiếc xuồng vững vàng, không lảo đảo nữa. Tôi lại nhớ bài hát Bông điên điển:“Với màu điên điển say mê/Vàng trong ánh mắt vỗ về gót chân/Trót thương tình nghĩa vợ chồng/Nên bông điên điển nở cho lòng vấn vương/Tình thương em khó mà lường”….Trên cánh đồng lúc này rợp sắc vàng tươi của bông điên điển. Một màu vàng rực sáng khắp chân trời mênh mông.
Mùa nước nổi cũng là mùa của cá linh non, khắp các chợ quê đâu đâu cũng có. Trong ca dao có câu: “Nước không chân sao kêu nước đứng/ Cá không thờ sao gọi cá linh”. Tôi nhớ hồi nhỏ, cha tôi hay chống xuồng ra đồng thả lưới cá linh, chừng lát sau cha đem về cả rổ cá tươi chông. Cùng mớ rau muống đồng vượt nước. Má tôi từ chái bếp sau nhà bước ra, chặt cây mía, đập giập kho cá linh, bông điên điển nấu canh chua, rau muống đồng bóp xổi, bữa cơm chiều đạm bạc nhưng ấm lòng người dân quê cần cù, lam lũ.
Đến hẹn lại lên, mùa nước nổi là mùa bông súng ma nở rộ khắp cánh đồng tràn đầy con nước chở nặng phù sa. Dù mọc hoang nhưng bông súng có nguyên tắc tồn tại riêng. Nàng tiên ruộng đồng chỉ xuất hiện trong mùa nước nổi, mực nước càng cao bông súng càng vươn mình ngoi lên mặt nước, tỏa hương thơm ngát khắp cánh đồng. Cha tôi cùng mấy chú trong xóm lại hò nhau đi hái bông súng ma lúc sáng sớm. Hễ gặp cộng nào xanh non, tươi mà nhổ, làm sạch bùn đất. Đôi ba cộng cha tôi lại khoanh tròn đem về cho má.
Tôi chợt nhớ năm tháng xa xưa, cả nhà cùng nhau đi nhổ hẹ nước. Kêu là hẹ nước vì nó mọc dưới nước, ở trong các đồng ruộng phèn, gốc bám sâu dưới bùn đất, bụi hẹ vươn lên khỏi mặt nước và xòe ra xung quanh, lá tỏa ra dập dềnh, dập dềnh, uốn éo theo từng đợt sóng mỗi khi có cơn gió thổi qua làm mặt nước ruộng chao động, phập phồng. Lá hẹ nước mềm, xốp và giòn, vị ngọt thanh mát rượi. Bông súng đem về lột vỏ, ngắt khúc, hẹ nước rửa sạch cắt rể bỏ chấm vào mắm kho má nấu mà thành bữa cơm ngon lành mùa nước nổi. Tất cả đã trở thành miền ký ức không thể phai nhòa trong tôi.
Giờ đây, sau bao ngày tha phương cầu thực nơi đất khách, nhìn từng đám lục bình trôi. Tôi nhớ quê. Nhớ mùa nước nổi. Tôi nhớ con nước trắng bạc khắp cánh đồng, nhớ màu vàng bông điên điển, những trái cà na căng mọng chín vàng, nhớ những bữa cơm chiều đạm bạc nhưng đậm đà tình quê. Thương lắm mùa nước nổi quê nhà…

Thương những đời như lục bình trôi
Tôi nhớ hồi nhỏ, trước nhà có con kênh, lục bình hay tấp đầy kênh. Mỗi dịp nghỉ hè, những đứa trẻ như tôi hay ra kênh để ngắt ngó lục bình đem về cho má tôi chế biến các món ăn dân dã. Thời đó, ngó lục bình hầu như hiện diện thường xuyên trong mâm cơm gia đình của người dân nghèo ở vùng quê sông nước.
Tôi nhớ má hay lâý ngó lục bình muôi làm dưa rồi chấm với mấm kho, cá kho. Đặc biệt, là chấm với cá kèo kho lạt thì ngon hết chỗ chê.
Thỉnh thoảng những ngày mưa, má hay kêu tôi ra kênh cắt ngó lục bình về xào mớ tép đồng mà tía tôi đi đỗ sờ di về. Cách làm món ngó lục bình xào tép đồng đúng kiểu miệt vườn cũng không quá cầu kì. Má nói, để món ăn thật ngon khâu chọn ngó rất quan trọng, phải chọn những ngó non tơ xanh mơn mởn. Ngó lục bình mang về, cắt thành từng khúc ngắn, rửa sạch với nước muối pha loãng, sau đó bóp cho ráo nước. Mớ tép đồng còn tươi rói, má ướp chút tiêu, hành, tỏi, nước mắm ngon rồi cho vào chão nóng xào cho săn lại. Sau đó, cho tất cả lục bình vào, tiếp tục xào thật đều và nêm nếm cho vừa miệng trước khi đặt xuống bếp, cho ra dĩa. Món ăn này kèm thêm chén nước mắm cá linh, dầm chút ớt hiểm xanh cay tê đầu lưỡi. Sẽ trở nên hoàn hảo khi ăn cùng cơm trắng nóng hổi, hương thơm quyến rũ cùng vị ngọt đồng quê hòa huyện vào nhau đã khiến món ăn dân dã trở thành đặc sản riêng, rất thi vị. Vì vậy, dân quê tôi có câu:
Lục bình trôi dọc triền sông
Hái vào xào tép ngọt lòng dân quê
Dân thị thành còn khá xa lạ với những món ngon làm từ lục bình. Tuy nhiên, giờ đây các món ăn từ ngó lục bình cũng đã xuất hiện trong thực đơn của một số nhà hàng với nhiều cách chế biến đa dạng như ngó lục bình luộc chấm mắm kho, cá kèo kho lạt, làm gỏi ốc gạo, nấu canh chua lươn, canh chua cá lóc,… Nhưng dù chế biến theo cách nào thì chính sự dân dã, mộc mạc cùng hương vị tinh túy của hương đồng cỏ nội cũng đủ làm lưu luyến, say lòng với bất kì ai thưởng thức.
Bắt lươn đem nấu canh chua
Món ăn dân dã đâu thua thị thiềng.
Cứ mỗi độ hoa phượng, hoa bằng lăng, hoa sưa đã dần báo hiệu chuyển sang thu, những đứa trẻ như tôi hay cùng tụ họp lại, rồi rủ nhau ra con sông cái lớn để ngắt lục bình để chơi trò làm bánh mì thịt. Trò này thú vị lắm. Với lục bình, chúng tôi chia ra thành nhiều nguyên liệu khác nhau như cọng có thân phình to sẽ để làm bánh mì; còn cọng nối giữa hai nhánh lục bình làm lạp xưởng; những chiếc lá xanh rờn sẽ dùng để gói từng ổ bánh mì. Đó hẳn sẽ là kỷ niệm, khoảnh khắc vô cùng hạnh phúc, không thể nào quên suốt những năm tháng tuổi thơ của trẻ em ở vùng quê sông nước.
Lục bình giống như một hình ảnh đặc trưng nhất khi nghĩ về những kiếp người trên sóng nước phương Nam bươn trải với cuộc đời. Dẫu lênh đênh, mặc gió giông mưa nắng, mặc vất vả lo toan, họ vẫn thủy chung cùng dòng nước với tình người chân chất ấm nồng. Ví như câu hát:
“Về phương Nam ngắm sông ngậm ngùi
Thương những đời như lục bình trôi”
Ngày nay, nghề đan lục bình ngày càng phát triển, lục bình đã trở thành “vị thần hộ mệnh” cho người dân quê tôi sau việc đồng án ngoài ruộng. Khi cây lục bình bước vào giai đoạn trưởng thành, thân cây đạt độ dài 60 cm. Đó chính là lúc thích hợp thu hoạch cây lục bình. Người ta cắt cây lục bình sát gốc, vạt bỏ lá, rồi đem phơi ngoài nắng vài ba hôm cho lục bình héo khô, thế là thành cây nguyên liệu để đan các sản phẩm lục bình. Những người đan lục bình trong xóm tôi phần đông là chị em phụ nữ. Ngoài công việc đồng áng và công việc nội trợ trong gia đình, các chị thường tranh thủ những giờ nhàn rỗi để đan lục bình. Tuy chỉ là nghề phụ, nhưng nhờ khéo tay và chịu thương chịu khó, khi đã quen tay quen việc thì thu nhập từ nghề đan lục bình lại cao hơn thu nhập chính là nghề nông. Cái hay nữa là công việc này luôn có quanh năm. Nhờ sản vật trời ban, cuộc sống người dân quê tôi mang những màu sắc mới trong niềm hân hoan.
Giờ đây, trong những ngày cuối tuần được trở về quê sau bao ngày tha phương cầu thực, nhìn từng đám lục bình trôi bên sông hòa cùng màu xanh của đất trời, màu xanh của lục bình như tiếp thêm sức mạnh và hy vọng cho tôi, cho người dân quê vào một tương lai tươi sáng phía trước.

Thương hoài mùa bình bát
Là người con lớn lên ở miệt sông nước nên trong tôi luôn nuôi dưỡng nhiều ký ức về mảnh đất miền Tây đầy hào sảng. Dù xa quê đã lâu, nhưng thi thoảng tôi vẫn quay trở về quê những khi có dịp. Mỗi lần như thế, tôi thích tìm mua hoặc hái nhiều loại trái cây quê dân dã như trái nhãn lồng, trái thù lù nút áo, trái cà na, nhưng trong đó có bình bát – loại trái đã gắn liền với cả một thời thơ ấu. Chẳng biết cây bình bát xuất hiện tự khi nào. Tôi chỉ ấn tượng về cây bình bát quê tôi bởi nó mọc ở những nơi có kênh rạch chằng chịt, vùng đất thấp ven sông, dọc hai mé kênh. Làm tôi nhớ về câu ca dao:
“Lựu, lê, bình bát, mãng cầu
Bốn cây tứ quý, anh sầu một cây”
Ở quê tôi, cây bình bát đến mùa trổ bông có màu trắng tô điểm khắp hai bên mé sông. Tôi còn ấn tượng bởi cánh hoa bình bát có hình trái tim, điểm xuyết chung quanh bởi rất nhiều chiếc lá màu xanh đậm, trông rất đẹp mắt. Bông bình bát sẽ cho quả non màu xanh. Hồi đó, chúng tôi đứa nào cũng nghịch. Chúng tôi tụm ba tụm bảy kéo nhau đi hái bông bình bát. Hễ cứ thấy bông nào đẹp nhất là với tay hái cho bằng được, rồi chỉ đơn giản là để thả trôi theo dòng nước. Đến khi bình bát chín thì mỗi đứa lại giành nhau leo cây để hái trái.
Tôi vẫn còn nhớ, trẻ con như chúng tôi hồi đó thích đi dọc theo mé kênh, rạch hoặc bơi xuồng để tìm trái bình bát chín. Cây bình bát quê tôi hầu như cho trái quanh năm, nhưng rộ nhất vẫn là thời điểm miền Tây bước vào mùa nước nổi. Trái bình bát tròn, da láng. Khi chín, trái ngả sang màu vàng tươi. Chỉ cần một cơn gió nhẹ thoảng qua cũng đủ làm những trái bình bát chín cây rụng ngay xuống đất, vàng dọc khắp mé sông. Hoặc hễ cứ thấy trái nào hườm hườm là từng đứa lại tranh thủ hái, sau đó chia nhau mang về ủ trong lu gạo, vài ba ngày là chín. Cầm trái bình bát chính cây trên tay, tôi thích đặt nhẹ chiếc mũi lên trên, sau đó hít một hơi thật dài. Hương thơm nhẹ nhàng khoan khoái ấy lưu luyến trong tôi mãi không phai.
Bình bát chín, chúng tôi sẽ bẻ ra ăn ngay tại chỗ để cảm nhận trọn vẹn cái vị vừa ngọt vừa có mùi thơm đặc biệt. Hoặc cầu kỳ hơn, mang những trái bình bát chín về nhà, sau đó gọt vỏ, bỏ vào ly, rồi dầm với đá, đường. Má tôi còn làm thêm cách làm sạch vỏ, ướp ít đường cát hay đường phèn trộn đều đợt đêm xuống phơi ngoài trời để hứng sương đêm. Sáng hôm sau được ly bình bát ngọt lịm và mát lạnh. Đây là một trong những thức uống đã giúp chúng tôi giải khát vào những trưa nắng oi bức ngày ấy.
Tuy là loại trái hấp dẫn bởi hương và vị nhưng nhiều đứa trẻ trong chúng tôi khi đó không đủ kiên nhẫn để ăn bình bát. Bởi đây là loại trái có thịt rất mỏng, lại nhiều hạt và khi ăn phải chịu khó lừa từng hạt mới lấy được phần cơm mỏng. Thế nhưng, chính vị thanh mát cùng hương thơm thoang thoảng đặc trưng của trái bình bát, rất kích thích vị giác, nên dù có đi xa mấy, chúng tôi cũng chẳng thể nào quên. Có lúc bồi hồi nhớ tiếng võng kẽo kẹt với lời ru ngọt ngào của mẹ:
“À … ơi! Xa quê vẫn nhớ quê nhà
Nhớ trái bình bát … à .. ơ … nhớ trái bình bát đậm đà ngọt ngon”
Giờ đây, mỗi khi có dịp ngồi trở về, tôi lại phiêu bồng trên con đường quê rợp bóng tre ngà, lâu lâu tôi đứng lại ngẩn ngơ ngó bên kia sông vì tôi tiếc không còn bắt gặp hình ảnh trái bình bát đang đong đưa hiên ngang trên cành. Những hàng bình bát năm nào mọc ngay mé sông giờ cũng không còn nhiều bởi một số vùng đã đô thị hóa hiện đại hơn xưa. Những người con xa quê như tôi có ước mong mấy cũng thật khó để tìm về một mùa nước nổi năm xưa. Tất cả còn lại chỉ là những ký ức tươi đẹp của một thời tuổi thơ chẳng thể phai nhòa. Bồi hồi nhớ lại câu ca dao mà má tôi hay nói thuở xưa:
“Hương thôn sâu nặng nghĩa tình
Xa quê vẫn nhớ vị bình bát quê”

Nhớ những mùa sen tươi ngọt quê nhà
Quê tôi, nơi có những rừng tràm, ruộng lúa, kênh rạch chằng chịt, những chiếc xuồng ba lá cỏn con đã dần trở nên quen thuộc trong từng câu dân ca, điệu hò, bài lý của bà, của mẹ. Quê tôi, nơi có những chiếc cầu khỉ bắt qua con kênh xanh xanh chạy dài xa tít đến tận cánh đồng thơm mùi lúa mới và những mái nhà lợp lá đơn sơ, mộc mạc vẫn vững chãi vượt qua bao mùa nắng mưa. Và nơi đó, có những mùa hè tuổi thơ đi trong hương sen ngào ngạt, mênh mông,… Sen rộ mùa là vào tháng sáu, tháng có những ngày hè nắng chói chang nhất. Trong cái oi nồng, ngột ngạt của mùa hè, sen lại mang đến chút dịu mát, trong lành cho vùng quê thanh bình, yên ả.
Trong ký ức tuổi thơ của tôi, đồng sen quê nhà luôn mênh mông, bao la. Mênh mông trong màu xanh của lá, màu hồng hay màu trắng của hoa. Những chiếc lá sen to tròn, xanh thẫm, có cái trải ra che một khoảng trên mặt nước, có cái cao vượt trên mặt đồng, nhưng tất cả đều xòe rộng để hứng nắng và đón gió. Mỗi khi có làn gió thổi qua, mặt nước gợn sóng, lá sen lại dập dềnh, xuôi theo con sóng như hòa mình theo dàn đồng ca mùa hạ của vùng đất nặng tình mến nghĩa. Nắng hè miền quê gay gắt thế mà lá vẫn một màu xanh rì, thản nhiên đung đưa trong gió và làm nền cho hoa. Hoa sen tuy giản đơn nhưng toát lên vẻ đẹp thanh tao, thuần khiết mà không phải bất cứ loài hoa nào cũng chiếm trọn nét đẹp tuyệt mỹ như vậy. Sen màu trắng hay màu hồng đều có sự kín đáo riêng của nó, với hương thơm dìu dịu, man mát, vấn vương đến khó quên,…
Mùa sen quê tôi trong nỗi nhớ mãi là những bó hoa sen tươi rói được hái vào buổi sớm mai, mẹ tôi tẫn mẫn cắt những cánh hoa héo, úa, chọn những hoa tươi đẹp nhất cắm vào bình rồi dâng lên bàn thờ Phật, thờ ông bà tổ tiên. Điều ấy, như thành thông lệ trong nhà trong những ngày Rằm hàng tháng, ngày lễ, ngày Tết hàng năm. Hay bắt gặp trên con đường đê thân thuộc các dì, các mợ trên vai nặng đôi quang gánh hoa sen kĩu kịt cùng những bước chân thoăn thoắt nhanh cho kịp buổi chợ quê. Sẽ nhớ mãi những ấm trà ướp sen được mẹ ủ nóng mỗi sáng cho cha đem theo ra đồng, là những đêm trăng rằm kề bên cha mẹ ngồi nghe kể chuyện xưa cùng nhau uống tách trà sen thơm lừng. Ngày được nghỉ hè, nũng nịu đòi mẹ nấu chè hạt sen cho thưởng thức, hạt sen thật tươi, thật ngọt được lấy từ những đài sen no tròn, ăm ắp hạt. Ăn một chén rồi lại đòi mẹ cho thêm chén nữa vừa ăn vừa thơ ngây nói với mẹ “Mẹ nấu chè hạt sen là ngon nhất, ăn vào mùa hè nữa thì ngon hết chỗ chê luôn”. Có những điều giản đơn mà chẳng dễ tìm lại, chợt nhật ra đã thật xa rồi những ký ức tuổi thơ mà cứ ngỡ ta đã gặp mới ngày hôm qua.
Với tôi, hoa sen còn là biểu tượng cho một vẻ đẹp vừa đời thường lại vừa cao quý, linh thiêng; vừa duyên dáng, mềm mại, nhưng không kém phần cứng cáp, đĩnh đạc; tượng trưng cho phẩm chất của con người Việt Nam: dũng cảm, kiên cường nhưng đôn hậu và cởi mở.
Bây giờ, vùng quê của tôi hầu như nhà nào cũng có một ao sen ở trước hoặc sau nhà để làm cảnh, có nhà thả cá vào ao để nuôi nhằm cải thiện bữa ăn đạm bạc hàng ngày. Cũng có nhà mạnh dạn chuyển sang trồng sen, cho năng suất và giá trị kinh tế khá cao. Đến nơi đây, sẽ hiếm khi thấy nhà lá đơn sơ như xưa, những ngôi nhà nóc Thái, kiểu Pháp khang trang, bề thế được mọc lên như nấm tràm mùa mưa.
Người dân quê tôi ngày một phấn khởi, niềm vui nối những niềm vui và nhớ rằng mình sinh ra và lớn lên từ vùng quê được gọi là nơi “đồng chua cỏ cháy”, từ những rừng tràm bạc ngàn, ruộng lúa mênh mông, đồng sen nồng nàn hương sắc. Để những ai có bước chân đi xa mà nhớ lối quê tìm về… rồi ung dung ngân nga câu thơ:
“Tháp Mười đẹp nhất bông sen
Việt Nam đẹp nhất có tên Bác Hồ”
DIỆP LINH
Từ ngữ chị dùng rất mộc mạc và gần gũi. Chân thật lắm