Vanvn- Cuộc tọa đàm văn chương Nguyễn Linh Khiếu từ “Chùm mơ tiên cảm” được tổ chức tại Cà phê sách Tổ Chim Xanh, Hà Nội vào ngày 25.4.2023. Đông đảo các nhà văn, nhà thơ, nhà báo, nhà nghiên cứu, phê bình văn học và bạn bè văn chương khu vực Hà Nội đã đến dự và luận bàn.

Nhà thơ Nguyễn Linh Khiếu, PGS-TS Triết học, sinh năm 1959 tại Thái Bình, hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, hiện là Chủ tịch Hội đồng Thơ – Hội Nhà văn Hà Nội.
Ông từng đoạt Giải C thơ Báo Văn Nghệ (Hội Nhà văn VN) năm 1995, Giải A thơ Tạp chí Văn Nghệ Quân Đội năm 2010. Các tác phẩm đã xuất bản: Chùm mơ tiên cảm (thơ-1991), Mùa thiêng (thơ-1995), Hoa linh (thơ-2000), Dọc sông Hồng (thơ in chung-2002), Sa hồng (thơ-2018), Phồn sinh (trường ca-2018), Beijing lá phong vàng (tùy văn-2018), Dòng thiêng (tập hợp các tập Chùm mơ tiên cảm, Mùa thiêng, Hoa linh, Sa hồng-2019), Hoa linh thảo (trường ca-2021)…
Phát biểu đề dẫn tọa đàm, nhà phê bình văn học Văn Giá nhận định: Thơ và trường ca của Nguyễn Linh Khiếu thực sự là một hiện tượng trong đời sống văn học hiện nay, rất cần được tiếp tục nghiên cứu, “giải mã” và đánh giá tương xứng.
Tiếp sau phát biểu của ông Văn Giá, các nhà lý luận phê bình, nhà văn, nhà thơ như: Nguyễn Văn Dân, Trần Nhương, Đỗ Lai Thúy, Sương Nguyệt Minh, Trần Gia Thái, Trần Đăng Thao, Văn Công Hùng, Hoàng Liên Sơn… đã sôi nổi tọa đàm về thơ và trường ca của Nguyễn Linh Khiếu.

Tính từ tập thơ đầu tay Chùm mơ tiên cảm xuất bản đến nay hơn 30 năm, Nguyễn Linh Khiếu đã không ngừng sáng tác. Các phát biểu tập trung nhiều nhất vào tập trường ca Phồn sinh – một tác phẩm đồ sộ về mặt số học cũng như chủ đề tư tưởng và nghệ thuật.
Về cơ bản, các bài viết và phát biểu có mấy hướng tiếp cận chính về thơ và trường ca Nguyễn Linh Khiếu: Tiếp cận triết học; Tiếp cận văn hóa học; Tiếp cận phân tâm học; Tiếp cận thể loại thơ/trường ca, trong đó có tiếp cận ngôn ngữ thơ; Tiếp cận báo chí, truyền thông…
Mặc dù là một cuộc “tọa đàm mở” dạng “cà phê sách”, không có kết luận; nhưng không khí cuộc tọa đàm Nguyễn Linh Khiếu từ “Chùm mơ tiên cảm” hết sức trang trọng, học thuật, ấn tượng. Đây là một sinh hoạt văn chương xã hội hóa rất cần được khuyến khích trong đời sống văn học hiên nay.
BÙI ĐỨC THỌ