Rực rỡ Ngày thơ Việt Nam lần thứ 21 tại Hoàng thành Thăng Long

Vanvn- Với chủ đề “Nhịp điệu mới”, Ngày thơ Việt Nam lần thứ 21, Xuân Quý Mão 2023 do Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức tại Hoàng thành Thăng Long đã thành công rực rỡ, được đông đảo văn nghệ sỹ, công chúng yêu thơ hưởng ứng.

Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa phát biểu trong sự kiện. Ảnh: Thanh Tùng

Ngày thơ Việt Nam là ngày hội để tôn vinh thi ca, tôn vinh những giá trị văn hóa trường tồn được lưu giữ qua những áng thơ văn trong suốt chiều dài lịch sử dân tộc. Thêm nữa, ngày thơ còn là một ngày hội tôn vinh văn hóa đọc, tôn vinh vẻ đẹp của khí phách, của tâm hồn, của ngôn ngữ Việt Nam.

Đến dự Ngày thơ có Thượng tướng Nguyễn Trọng Nghĩa – Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; nhạc sỹ Đỗ Hồng Quân – Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam; ông Nguyễn Minh Nhựt – Vụ trưởng Vụ Văn hóa Văn nghệ Ban Tuyên giáo Trung ương.

Về phía Hội Nhà văn Việt Nam có nhà thơ Nguyễn Quang Thiều – Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, nhà thơ Trần Đăng Khoa – Phó Chủ tịch, nhà văn Nguyễn Bình Phương – Phó Chủ tịch, nhà thơ Hữu Thỉnh – nguyên Chủ tịch Hội, các nhà thơ nhà văn trong Ban Chấp hành Hội, cùng đông đảo công chúng yêu thơ.

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều phát biểu tại “Đêm thơ Nguyên tiêu”. Ảnh: Thanh Tùng

Ngày thơ Việt Nam lần thứ 21, Nguyên tiêu Quý Mão 2023 năm nay diễn ra trong bối cảnh dịch bệnh được đẩy lùi, tình hình kinh tế xã hội của đất nước có nhiều khởi sắc. Được tổ chức tại không gian lịch sử văn hóa lâu đời và linh thiêng của dân tộc, Hoàng thành Thăng Long.

Chủ tịch nhà thơ Nguyễn Quang Thiều trong lời khai mạc đêm thơ xúc động bày tỏ niềm vui về sự vinh danh trong năm 2022 của UNESCO với hai nhà thơ lớn của nhân loại đó là Nguyễn Đình Chiểu, và Hồ Xuân Hương. Trước đây UNESCO đã vinh danh Chủ tịch Hồ Chí Minh, là anh hùng giải phóng dân tộc kiệt suất nhà văn hóa kiệt suất của Vệt Nam, vinh danh và kỷ niệm năm sinh của Nguyễn Trãi, Nguyễn Du.

Sự vinh danh đó cho thấy sứ mệnh của những nhà thơ Việt Nam, những nhà văn hoá lớn của Việt Nam và sự đóng góp của họ trong việc tạo ra những giá trị tinh thần nhân văn cao cả cho dân tộc Việt Nam cho nhân loại.

Theo ông: “Thơ ca đi qua mọi thách thức, mọi đe doạ và đi qua cả cái chết trong chiến tranh vệ quốc để mang vẻ đẹp và niềm kiêu hãnh bước vào từng ngôi nhà trong xứ sở chúng ta, để nhóm lên ngọn lửa của tình thường yêu vô tận con người. Vào thời khắc này, xin các nhà thơ và những người yêu thơ trên xứ sở chúng ta hãy cùng nhau viết một bài thơ – bài thơ của tình yêu thương của con người, của lương tri, của giấc mơ tự do và hy vọng, bằng những cách riêng của trái tim mình. Thơ ca hãy đứng về phía con người, hãy vinh danh con người và hãy bảo vệ con người”. (Trích diễn từ khai mạc của nhà thơ Nguyễn Quang Thiều).

Thay mặt lãnh đạo Đảng và Nhà nước, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa khẳng định vai trò của thi ca trong tiến trình lịch sử của dân tộc: “Hiếm dân tộc nào trên thế giới mà trong lịch sử phải đương đầu với nhiều cuộc chống xâm lăng như dân tộc Việt Nam ta. Thực tiễn lịch sử cho thấy, hiếm dân tộc nào lãng mạn như dân tộc Việt Nam. Chúng ta có tướng soái làm thơ, có chiến sĩ là nhà thơ, và những vị vua là nhà thơ. Chúng ta đã chứng kiến biết bao chiến sỹ cách mạng cũng là những nhà thơ tiêu biểu của đất nước, của dân tộc. Thơ ca được làm ở các lao tù của đế quốc, thơ ca được sáng tác trên suốt chặng đường hành quân của cán bộ, chiến sỹ và nhân dân ta”.

“Tôi mong muốn các tác phẩm của các nhà thơ vươn ra khỏi địa giới quốc gia để sánh vai và hoà mình cùng với nền văn học trên thế giới. Mỗi tác phẩm văn học phải là một sứ giả của văn học Việt Nam trong thời đại mới. Mỗi tác phẩm là một tiếng nói xác lập tư cách, vị thế của dân tộc ta, đất nước ta trong mắt bạn bè quốc tế”.

Sau tiếng trống Khai mạc Ngày thơ Việt Nam lần thứ 21 của ông Nguyễn Trọng Nghĩa, pháo hoa được bắn lên để chào mừng sự kiện đêm thơ Nguyên tiêu.

Ngày thơ năm nay có sự kế thừa những hoạt động cốt lõi của những năm trước nhưng đã thêm vào yếu tố sân khấu để hỗ trợ tối đa công chúng cảm thụ được những cung bậc khác nhau của một ngày hội thi ca. Công tác tổ chức Ngày thơ Việt Nam năm nay được thực hiện bởi một ê-kíp sáng tạo. Đó là tổng đạo diễn Lê Quý Dương, cũng là một người làm thơ, dành nhiều tâm huyết với thơ ca; dựng kịch bản là nhà thơ Hữu Việt; chịu trách nhiệm mỹ thuật có họa sĩ Phạm Hà Hải.

Họa sĩ Lê Đình Nguyên mang đến ngày thơ 2 con mèo lớn, ứng với năm Quý Mão 2023. Đây là sản phẩm làm cho phong vị của sân khấu ngày thơ thêm phần hấp dẫn. Người tham dự ngày thơ sẽ ký tên lên 2 con mèo này làm kỷ niệm.

Đêm thơ Nguyên tiêu năm nay có  21 tiết mục chính tương đương với con số của Ngày thơ Việt Nam lần thứ 21. Về phần đọc thơ sẽ chia ra làm 4 giai đoạn (chương) gồm: Từ Thơ Mới đến thơ kháng chiến chống Pháp; thơ kháng chiến chống Mỹ, thơ thời kỳ đổi mới và là thơ trẻ.

Hai MC sẽ dẫn dắt đêm thơ là nhà báo Phan Đăng và Thụy Vân.

Chương trình thơ nhạc mở đầu với ca khúc Mùa xuân đầu tiên của Văn Cao, biểu diễn Tam ca nữ Thăng Long Hà Nội. Ca khúc Người Hà Nội, nhạc và lời Nguyễn Đình Thi, biểu diễn: Tứ ca nam Lạc Việt, bài thơ Giá từng thước đất của nhà thơ Chính Hữu qua phần trình bày của NSUT Tạ Minh. Bài thơ Biển, của Xuân Diệu, NSUT Thu Hà thể hiện bài Thu nhà em, NSND Thúy Mùi thể hiện bài Mưa thuận thành tác giả Hoàng Cầm.

 Nhà thơ Hữu Thỉnh trình bày tác phẩm “Gởi từ đảo nhỏ”.

Mạch thơ thời kỳ chống Mỹ với ca khúc Đường chúng ta đi, thơ Xuân Sách, nhạc Huy Du qua giọng ca của NSUT Đăng Đương, thơ của các nhà thơ Hữu Thỉnh, Thi Hoàng, Anh Ngọc, Bằng Việt, Phan Thị Thanh Nhàn, Trần Đăng Khoa, Nguyễn Việt Chiến, Nguyễn Bình Phương do các tác giả trực tiếp thể hiện trên sân khấu chia sẻ với công chúng. Tiếp theo là ca khúc Mơ về nơi xa lắm – thơ Thái Thăng Long, nhạc Phú Quang, trình bày NSUT Minh Thu; Thơ tình cuối mùa thu, thơ Xuân Quỳnh, nhạc Phan Huỳnh Điểu, trình bày bởi ca sĩ Đông Quân.

Tổ khúc “đối thoại của những câu thơ”, được trình diễn bởi hai nhà thơ trẻ Lữ Mai và Nguyễn Minh Cường.

Thời kỳ thơ đổi mới, thơ trẻ được dàn dựng và trình điễn bởi các nhà thơ với những giọng điệu trẻ trung, tác giả trẻ đầu tiên là nhà thơ Nguyễn Bảo Chân với bài thơ Những chiếc lá đang thở.

Tổ khúc “đối thoại của những câu thơ”, được trình diễn bởi hai nhà thơ trẻ Lữ Mai và Nguyễn Minh Cường. Tổ khúc này đã ghi lại những câu  thơ khác nhau, của nhiều nhà thơ thành một bài thơ hoàn chỉnh, nhà thơ Hữu Việt đã nảy sinh ý nghĩ này sau khi tham dự triển lãm những câu thơ hay in trên gốm của họa sĩ Lê Thiết Cương.

Ca khúc Tháng hai, sáng tác và biểu diễn của nhà thơ, nhạc sỹ Nguyễn Vĩnh Tiến. Sóng trầm biển dựng của nhà thơ Đoàn Văn Mật, Lý Hữu Lương với bài thơ Tôi viết cho dân tộc tôi.

Khép lại đêm thơ ngập tràn cảm xúc với phần quà đặc biệt của của 21 cháu thiếu nhi biểu diễn dành tặng cho các nhà thơ và những người yêu thơ, ca khúc phổ thơ Hạt gạo làng ta thơ Trần Đăng Khoa, nhạc Trần Viết Bính (remix).

Lịch sử, với biết bao thăng trầm thi ca, đêm thơ đã làm sống lại những chặng đường tiêu biểu, với những tác giả, tác phẩm điển hình của nền thơ Việt Nam.

Trong bối cảnh mới, với khí thế phát triển đi lên đầy sức sống của quê hương, đất nước sẽ là nguồn cảm hứng để văn nghệ sỹ tiếp tục sáng tác nên nhiều tác phẩm giá trị, làm giàu thêm kho tàng thi ca dân tộc.

VANVN

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.