Vanvn- Mỗi độ nhìn thấy từng chùm hoa đỏ khoe sắc, người ta nghĩ ngay mùa hạ đã về với nắng gắt và tiếng ve. Vậy mà trong tiết trời se lạnh của mai, đào, én lượn… cây phượng trước ngõ nhà tôi mặc chiếc áo đỏ rực đón xuân, trao cái ngỡ ngàng, thú vị trong ánh mắt bao người qua lại – phượng trái mùa.

Người trầm trồ khen ngợi, kẻ bảo trái mùa không hay – theo cách nghĩ ăn sâu qua nhiều thế hệ: Xuân của mai, đào, thu của cúc và phượng đến hạ về. Ví như cụ ông tuổi thất thập dạo Hội hoa xuân vô tình nhìn thấy cái lều tre có ông đồ trẻ măng với áo dài the, khăn xếp bên cạnh mực Tàu, giấy đỏ đã vội lắc đầu, ánh mắt kém niềm tin và đôi chân bước chậm không có ý dừng xem. Có lẽ với cụ, ông đồ là phải già, nhấp mấy chén đào, khề khà vuốt râu chậm rãi với nét chữ tượng hình mới phải…
Hay như cô, chú tuổi ngũ tuần nhấp ngụm cà phê lim dim thả hồn theo câu hát đầy thơ mộng của Phạm Duy “… Chủ nhật uyên ương, hẹn hò đâu đó. Uống ly chanh đường, uống môi em cười… “, và khẳng định với nhau như đinh đóng cột “Thế mới gọi là nhạc! Toàn bộ nhạc của đám trẻ bây giờ vứt không ai nhặt”. Giá như một lần nào đó các vị thử nhún nhảy theo điệu nhạc sôi động “… Anh và em yêu nhau thời xe máy, ô tô… ” của cậu bé Thiện Hiếu – tác giả bài “Ông bà anh”, ta sẽ bắt gặp hình ảnh trẻ trung và ca từ của em trong bài hát cũng ý nghĩa lắm chứ!
Cái ông đồ mặt búng ra sữa kia, biết lưu lại nét đẹp truyền thống của cha ông qua sáng tạo bằng chữ Quốc ngữ đáng khen chứ! Phải chăng cùng một công việc, cùng một sự kiện, ý nghĩa của nó trở nên cao đẹp hay bình thường là tùy thuộc vào cách nhìn của mỗi chúng ta? Trong cái cõi vô thường này đôi khi “cũ” chưa chắc đã hay, “mới ” chưa chắc dở, “thuận” chưa hẳn đã tốt “nghịch” nào phải toàn xấu.
Hoặc giả nhiều khi như Khổng Tử nói: “Thế ra trên cõi đời này có những việc chính mắt ta trông thấy rành rành mà vẫn không hiểu được đúng sự thật! Suýt chút nữa Khổng Tử này trở thành kẻ hồ đồ… ” – nghĩ oan cho cậu học trò xuất sắc nhất là Nhan Hồi – trong “Câu chuyện nồi cơm của Khổng Tử”.
Bánh xe thời gian cứ mãi trôi và ta không là Thượng đế để bắt nó mãi dừng lại cái tuổi thanh xuân đã qua của mình, để tha hồ độc đoán ý nghĩ riêng, trong khi ta đang ngắm nhìn và hít thở cái không khí của thế hệ con cháu với: @, facebook, zalo… Thế phải chăng vô tình ta đánh mất cơ hội được cảm nhận và hưởng thụ cái hay, cái đẹp hiện đại đang diễn ra xung quanh sao? Một trái tim vị tha, một cái nhìn thoáng, một suy nghĩ đúng – mới là điều ta quan tâm.
Với tôi, bầu trời xanh vợi có chùm én nhỏ vẽ vòng trên kia, tựa hồ như bức tranh thủy mặc của thời bút lông, nghiên mực được họa sĩ hiện đại nào đó – với đường nét riêng sáng tạo, chấm phá thêm cành phượng đỏ trái mùa, độc đáo mà vẫn dung hòa được giữa “cũ” và “mới “. Một bức tranh xuân đẹp lạ thường!
TRƯƠNG DUY VŨ