Phú Quang – nhà “Hà Nội học” của tình ca

Vanvn- Phú Quang không chỉ là nhạc sĩ gắn bó, am hiểu và sáng tác nhiều nhất về Hà Nội, mà còn sở hữu lượng ca khúc hay nhất, được công chúng trong và ngoài nước yêu thích khi nhắc nhớ, hát về Thủ đô.

Nhạc sĩ Phú Quang

Người con Hà Nội ấy đã viết xong cuối năm 2019 khí nhạc “Khâm Thiên” như một món nợ bạn bè, hàng xóm sau trận bom 12.1972 mà ông chứng kiến và ám ảnh. Phú Quang nghẹn ngào mỗi khi hồi tưởng cảnh đau thương ấy. Đài Tưởng niệm trên phố Khâm Thiên dựng trên nền nhà cũ của ông.

Tình ca của Phú Quang, người sâu sắc, trải nghiệm và vốn đọc bề thế, nhất thiết đâu chỉ cho lứa đôi. Đấy là những nghiệm sinh về cuộc đời dày đặc nỗi buồn nhưng không khi nào ngơi khát vọng; đấy là tình ca cho thành phố yêu thương không cất thốt danh từ vẫn biết chỉ dành cho Hà Nội.

Ông không đủ sức khỏe để rời Bệnh viện Hữu nghị Việt Xô nhận giải thưởng Bùi Xuân Phái – Vì tình yêu Hà Nội năm 2020 khi đang tuổi 72. Ông không thể chờ Giải thưởng Nhà nước (đang xét) muộn màng mà lẽ ra Phú Quang xứng đáng được tôn vinh gần 20 năm trước. Phú Quang đâu chỉ có hơn 1.000 ca khúc. Ông đã viết nhạc cho hàng chục phim truyện và hoạt hình, kịch nói, ballet; trực tiếp phối khí, chỉ đạo nghệ thuật, nhà sản xuất và tổng đạo diễn hàng trăm chương trình, album giá trị.

Hai năm 2020, 2021, người yêu nhạc không được xem những đêm tình ca sang trọng, cuốn hút, được ngóng chờ thành lệ khi mùa Thu, Đông kì đẹp nhất, tại Nhà hát Lớn. Sẽ không bao giờ được gặp Phú Quang “khó tính” khi chỉ huy dàn nhạc, “mắng” các cháu ca sĩ ngôi sao khi họ đến tập không chuẩn giờ hoặc hát sai tác giả; uốn nắn cả con gái lẫn con rể tiến sĩ học từ Tchaikovsky có trình độ biểu diễn quốc tế. Nghiêm khắc, cầu toàn để mỗi đêm nhạc đạt tối đa ý tưởng nghệ thuật. Căng thẳng chỉ giãn khi Phú Quang ra sân khấu, trực tiếp đệm piano cho 1 bài đinh đêm ấy, hát cùng ca sĩ hoặc hát 1 mình. Khẩu khiếu lại trí tuệ, sắc sảo, hài hước, Phú Quang luôn thu hút mỗi khi trò chuyện ở đâu hay đứng giao lưu trên sân khấu.

Ông là một nhạc sĩ hiếm hoi của nền âm nhạc Việt Nam đạt độ toàn diện: Tài năng cống hiến đa dạng và vạm vỡ, hình thức đẹp (cao 1m72, da trắng, phong thái hào hoa); viết chữ đẹp, đọc Văn học rất nhiều tinh tường nên bổ trợ lớn cho sáng tác; nói chuyện hấp dẫn; phẩm cách nghề và nhân cách đời sống đàng hoàng, được nể trọng. Phú Quang là trường hợp hiếm vừa đạt đỉnh cao nghệ thuật lại thành công trong showbiz. Một nhạc sĩ chơi thành thạo 3 nhạc cụ, trình độ âm nhạc xuất sắc, một mình thực hiện – quán xuyến mọi khâu sản xuất băng đĩa – đêm diễn từ sáng tác đến hòa âm, phối khí, dàn dựng, bán vé và công diễn như Phú Quang là cực hiếm, nếu như không nói là “có một không hai” ở thế hệ của ông.

Sẽ còn mãi, phần âm nhạc tuyệt vời của phim kinh điển “Bao giờ cho đến tháng Mười” (truyện nhựa, đạo diễn Đặng Nhật Minh) và “Vị đắng tình yêu” (truyện video, đạo diễn Lê Xuân Hoàng) là hai ví dụ tiêu biểu của dòng phim nghệ thuật và thị trường mà đều đạt lượng người xem đa thế hệ đa quốc gia yêu mến và doanh thu lớn, khiến Phú Quang trở thành một nhạc sĩ đóng góp tiêu biểu cho Điện ảnh cách mạng Việt Nam.

Tôi và những người yêu quý Phú Quang, không bao giờ nói với ông lời giã biệt.

Lễ tang nhạc sĩ Phú Quang. Ảnh: BTC

***

Phú Quang và chuyến khởi hành buổi sáng

Chú không chờ được cháu vào thăm lần nữa

Dù lần trước cháu đã hẹn mùa Thu

Một mình hai con nhỏ, vất vả lắm Chú ơi

Nhớ Chú mà không gửi được con để đi và viết

Chú cười, da hồng, bàn tay ấm

Miệng cười, mắt ậng ưu tư

Chú nhớ nhà, nhớ khán giả, bạn bè, nhớ phố

Hơn 1 năm rưỡi chẳng thể rời bệnh viện

Bay bao dặm toàn cầu mà không băng qua 10 cây số được

Để con đường Cổ Ngư, hồ Tây nhắc mãi

Tình ca Hà Nội của Phú Quang chưa khi nào hết

Kìa sông Thao Cẩm Khê đỏ mắt

Này sông Hồng phù sa nhức nhớ

Người nhạc sĩ tạo một thế giới bằng âm nhạc

Muôn khuông, giai điệu nâng Chú lên, ra thế giới tự do

Không phải ngày trắng đêm đen giữa giường bệnh, căn phòng, blouse… toàn trắng

Mà thần diệu nốt trắng nốt đen nốt nốt thanh âm thăng giáng cháy bỏng sâu trầm

Tâm hồn Phú Quang phiêu bồng trong mong mỏi đầy hy vọng

Mùi thuốc lá thơm còn vương, điếu cigar cháy đỏ

Bút đẹp mở nắp đợi tay cầm

Ngón tay Phú Quang hôn giấy trắng bằng tình tự vô cùng

Người Hà Nội hôn Hà Nội bằng triệu làn môi hát

Ta còn em… Vì ta bị mất em…

Không mất đâu, Hà Nội đẹp nhất đã được truyền lưu

Bởi một con người dâng tâm hồn tài hoa như thế

Bảo lưu trọn vẹn những cao thanh, lộng lẫy bằng cực đoan trân quý

Không một lần thỏa hiệp, dung nạp lai căng

Người hoạt ngôn, hài hước, sắc sảo, thông tuệ nhường kia

Lại sống gần hai năm cuối đời không thể nói

Phú Quang mệt rồi, rời đi trong lặng lẽ

Nhưng tên ông đã là một danh từ gắn với hồn cốt, di sản Thăng Long

Tấn Minh sẽ không còn được chính tác giả đệm piano hát về Mẹ nữa đâu

Nhưng giọng trầm ấm vẫn bay từng mái phố

Tấn Minh sẽ vẫn vút lên cùng Phú Quang gọi Mẹ ơi! vang lộng Nhà hát Lớn

Sao người – dương- cầm không vượt được mùa Đông?

Sao không thể vượt được mùa Đông

Như dòng sông nhân gian không thể nào trở lại

Năm 2021, đón Tết trên giường bệnh

Năm 2022, Phú Quang đã sang chặng khởi hành

Sáng mùa Đông lạnh giá, kịp đâu áo khăn vòng ôm chặt siết

Sao người không qua nổi mùa Đông???

VI THÙY LINH – VI VI/LĐO

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *