Phạm Quỳnh Loan với “Giấc mơ hoa Chi Pâu”

Vanvn- Với Giấc mơ hoa Chi Pâu, Phạm Quỳnh Loan đã dành gần trọn tập thơ để nói về đời sống văn hóa, tập tục sinh hoạt của đồng bào dân tộc thiểu số.

Tôi nhận quà tặng của Phạm Quỳnh Loan ngay khi cuốn sách mới ra lò, sực nức mùi keo. Sinh ra, lớn lên, dạy học và nghỉ hưu tại Yên Bái, Phạm Quỳnh Loan là giáo viên Toán, song cô đã tìm thấy cho mình sự đồng điệu với thi ca. Cô yêu thơ, dành nhiều thời gian cho việc làm thơ, in sách, trở thành hội viên Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Yên Bái, hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, hội viên Hội Nhà văn các dân tộc thiểu số.

Nhà thơ Phạm Quỳnh Loan ở Yên Bái

Là cây bút nữ, thơ Phạm Quỳnh Loan cá tính, bạo liệt nhưng không kém phần nữ tính. Thông điệp trong thơ cô đẫm triết lý cuộc sống, thế thái nhân tình, giúp ta dễ tìm đến sự đồng cảm. Năm 2017 Phạm Quỳnh Loan in tập thơ đầu tay Đàn bà tuổi 50. Tiếp đó, cô lần lượt xuất bản: Bóng núi – 2018; Núi thả bùa mây trắng – 2019; Những ngọn đèo thắp nắng – 2020; Và Giấc mơ hoa Chi Pâu – 2023 là đứa con tinh thần thứ 5 của cô. Tất cả đều mang sắc thái vùng cao và do Nhà xuất bản Hội Nhà văn ấn hành.

Với Giấc mơ hoa Chi Pâu, Phạm Quỳnh Loan đã dành gần trọn tập thơ để nói về đời sống văn hóa, tập tục sinh hoạt của đồng bào dân tộc thiểu số. Trên phương vị đó, nhà thơ lần lượt đưa ta đi thưởng ngoạn các vùng miền. Đọc cô ta thấy, phải có một tình yêu bản sở, yêu tộc người; yêu Tây Bắc điệp trùng, Tây Nguyên lộng gió, trở trăn cùng biển đảo…như thế nào, người thơ mới có thể mang đến cho người đọc nguồn cảm xúc cuốn hút đến thế. Những cấu trúc và lối nhào nặn con chữ của cô, đã khởi lên đam mê đồng sáng tạo, khi độc giả hóa thân vào “giấc mơ” của loài hoa này.

Bìa tập thơ “Giấc mơ hoa Chi Pâu” của Phạm Quỳnh Loan

Lấy tên bài thơ Giấc mơ hoa Chi Pâu đặt tên cho tập sách, người thơ đã hé lộ một sự tích. Loài hoa có sắc tím không chỉ làm đắm say du khách, mà còn tím hoang dã mê dụ Tà Chì Nhù/ ban sơ Xà Hồ/ tím thủy chung từ cái bụng người Mông thẳng ngay ruột núi. Nhưng trước một loài hoa đẹp, đẹp đến mê dụ cả “nóc nhà của Yên Bái”, người dân bản địa duy nhất chỉ một câu trả lời: “Chi Pâu” (tiếng Mông là “Không biết”). Phải chăng, “Giấc mơ hoa Chi Pâu” là giấc mơ của sự đổi đời, được mang tên một loài hoa đúng nghĩa; giấc mơ tận hiến… em tìm tiếng khèn mùa yêu tạc đá/ tạc bản Mông vắt vẻo Cù Vai/ bát rượu sóng vàng lựng ngô lựng lúa/ mèn mén thơm hương đất hương rừng (Giấc mơ hoa Chi Pâu).

Viết về quê hương Yên Bái, tác giả đưa ta đến Mường Lò, nơi không chỉ có cánh đồng mênh mông, gạo ngon có tiếng, trở thành niềm tự hào qua câu thơ “Mường Lò gạo trắng nước trong/ Ai đi đến đó lòng không muốn về”. Nơi đây còn là chiếc nôi của những điệu xòe cổ. Xòe là món ăn tinh thần của bà con người Thái: “Không xòe không vui, không xòe cây lúa không trỗ bông, cây ngô không ra bắp, không xòe trai gái không thành đôi”. Và cô đã viết: Xòe cổ níu lòng gửi Mường Trời câu hát/ xòe cho bồ đầy thóc/ xòe cho lợn chật đàn/ tộc người bốn phương về tổ tiên nguồn cội/ mắc pém dậy thì/ mắt chan mắt/ mà say (Mường Lò).

Vẫn với quê hương mình, Nậm Tốc Tát (Thác nước rơi) là địa danh văn hóa tâm linh, mang triết lý nhân sinh, hướng thiện của người Thái. Dòng thác như từ trời chảy xuống, càng thêm vẻ huyền bí, linh thiêng. Tới được Nậm Tốc Tát là quãng đường gian truân: Ba tầng thác/ bảy tầng trời/ gió hay linh hồn lẫn quất/ mọc từng tảng/ nở thành rừng/ đá hay linh hồn tộc người mấy ngàn năm. Bãi đá “Đông Quai Hà” có hàng nghìn tảng dưới chân thác, còn gọi “Rừng Trâu Đá” hay “Rừng Hồn Trâu”, nơi ta chạm phải đầu tiên khi tìm tới huyền sử Nậm Tốc Tát: Đông Quai Hà dắt tôi mênh mông huyền sử/ thì thầm đá/ một thế giới khác/ thế giới mọc cánh/ thế giới bay/ già làng dắt tôi lên chóp mây màu xám/ vách núi lô xô đuổi bắt linh hồn/ Nậm Tốc Tát âm âm gió/ đất trời cách một bàn tay/ nước nào rồi cũng tan về biển/ chỉ “Thác nước rơi” đón người Thái lên trời (Đường đến Nậm Tốc Tát).

Một thoáng Cao Bằng, nơi có vườn quốc gia Phia Oắc – Phia Đén, được ví như “viên ngọc thô” giữa núi rừng Đông Bắc. Nhà thơ chọn tháng Tư, lúc đất trời trong xanh nhất, muông thú rủ nhau tự tình, xây tổ, để mời ta khám phá “nóc nhà” của Cao Bằng. Ta mê say trước núi non điệp trùng, còn em yếm chàm hái bình minh mới nhú/ những búp non Phia Đén chạm môi mềm/ hái dịu dàng nguyên sơ nơi đỉnh trời Phia Oắc/ mặt trời lành nướng ngực tháng tư/ đôi “Chót bót” dưới lùm cây bách diệp/ rót vào trời ngôn ngữ loài chim… (Bình minh trên đỉnh Phia Oắc).

Như chưa thỏa với Cao Bằng, khi cảm xúc cứ va vào “nõn ngực tháng ba”, va vào “chàm mới chớm” hay “đêm bẽn lẽn Dã Quỳ” và “câu then mắc võng đợi”. Nhà thơ tung thêm title mới, cô viết: Lửng một ngày xuân/ đỏ bông gạo rụng/ cỏ ướt thầm thì nõn ngực tháng ba/ gió thiếu nữ ngai ngái chàm mới chớm/ áp chao thơm/ vuông vức một vòng tay/ lâng lâng tôi giữa chênh vênh đá núi/ cạp váy xanh/ xà tích/ phập phồng/ Dã Quỳ vàng va vào đêm bẽn lẽn/ va câu then mắc võng đợi hương ngày/ tôi cứ đi/ mãi miết kiếm tìm/ một Cao Bằng bồng bềnh mây trắng/ một Thang Hen/ Ngườm Ngao/ Phia Oắc/ có lời người vọng lại kết vòm xanh/ chợt tiếng gió run run ngoài cơn gió/ chợt ánh nhìn gắp sóng Bằng Giang/ tôi đi… (Viết ở Cao Bằng)

Tác giả lại mời ta về Yên Bái giữa những ngày thu, cùng vượt đèo Khau Phạ, trải nghiệm kỳ thú giữa bồng bềnh mây núi. Cũng xin mách nhỏ, khi bạn thoảng thấy mùi hương thơm nhẹ, có nghĩa bạn đã đến đúng đất cốm Tú Lệ rồi đấy: Một vốc thu nồng nàn hương cốm/ Tú Lệ thơm vàng/ mây lãng đãng/ và anh… Khau Phạ như những chiếc “sừng núi” chọc thẳng lên trời, giá đỡ của những cung đường quanh co và những triền ruộng bậc thang giữa miền sơn cước: bánh xe lăn ôm ngang vòng Khau Phạ/ ruộng đỉnh trời/ sương gió cũng bậc thang/ những thảm vàng tươi tãi miền sơn cước/ hạt gạo căng tròn ướp giọt mồ hôi/ ướm váy xòe hoa quấn vòng xà cạp/ em hóa thân thành gái Mông 18/ hóa vào ruộng mật bờ xôi/ nghe đất trời giao hợp/ nghe tình yêu nảy mầm/ nghe thì thầm chạm thu mùa Tây Bắc/ lang thang… (Vốc thu trên đèo Khau Phạ). Tôi yêu quá, yêu đến nao lòng câu thơ ruộng đỉnh trời/ sương gió cũng bậc thang.

Với hồ Thác Bà, nơi được ví là “Hạ Long trên núi”, cô khéo léo bật mí: Từng có nhà thơ đến thăm Yên Bái lần đầu đã viết, đại để “muốn đổi Thác Bà thành thác em cho lòng hồ trẻ mãi”. Từ đó cô trải ra giữa mênh mang mặt hồ bức tranh Núi thả bùa mây/ chòng chành thuyền độc mộc/ mái chèo khua thăm thẳm nước xanh trong/ em gái Cao Lan bước ra từ mắt Ngọc/ yếm chàm thơm/ xà tích/ vòng tay// anh còn muốn đổi tên/ Thác Bà thành thác em/ để tình mình trẻ mãi/ hồ thác quê em chưa một lần mệt mỏi/ thắt dòng sông Chảy quặn niềm đau/ lời của núi hay âm âm cánh sóng/ bao lâu rồi?…vẫn hừng hực trong nhau (Tiếng vọng Thác Bà). Cô từng xuất bản tập thơ Núi thả bùa mây trắng, cái tên rất hút, rất gợi. Với Thác Bà “Núi (lại) thả bùa mây”, cách bỏ bùa này khiến con thuyền độc mộc, cô gái Cao Lan, cả nhà thơ năm nào đều dính bùa, để hồ thác mãi mãi xuân xanh và cánh sóng luôn trẻ trung, tin cậy.

Trở lại cao nguyên, xúc động nghĩ về lời nguyền khắc nghiệt, đã được hóa giải bằng sự quyên sinh của chàng Lang và nàng Biang. Nhưng trước một Tây Nguyên tươi mới, trong cô xôn xao cảm xúc, chính cô đang rạo rực, ước mang tất cả về chốn Hà Thành: Trở lại Tây Nguyên dạt một triền gió gọi/ lả chã sương treo lơ lửng mở ngày/ mở LangBiang/ mở chiều Đà Lạt/ phượng bung trời/ cánh mỏng rơi/ rơi…// âm âm cồng chiêng/ chênh vênh lời núi/ lời K’Lang hay H’Biang hóa dòng Dankia chát mặn/ hay máu tộc người nhuộm đỏ đất badan// cứ muốn cả thành phố tình yêu theo về Thành Nội/ cả tím thủy chung/ những cuộc hẹn hò (Hò hẹn với cao nguyên).

Cảm nhận từ đêm hội cồng chiêng cùng bà con người Chil, người Lạch tại ngôi làng dưới chân dãy LangBiang. Ngôi làng mang theo truyền thuyết, về một tình yêu chân thành – Làng Cù Lần. Nhà thơ thật cao tay, khi sử dụng thủ thuật so sánh trên cấu trúc lục bát. Những cặp đối sánh cứ đan bện vào nhau, lấy A tô điểm cho B, làm cho B lộng lẫy/lấp lánh hơn: Vít cong đêm hội cồng chiêng/ vít cuống gió uống linh thiêng đất trời/ cháy lên ngọn lửa tộc người/ lửa cao nguyên lửa thắp lời núi sông. Ngọn lửa tộc người, ngọn lửa của tình đoàn kết, của niềm tin, của lòng yêu nước… luôn rực sáng, thắp lên lời sông núi. Động từ “thắp” đặt vào đây là một thủ pháp của người thơ, một thủ pháp đắc địa. Truyện Kiều của Nguyễn Du có câu: “Thiếp như con én lạc đàn/ Phải cung rày đã sợ làn cây cong”. Phạm Quỳnh Loan thật tinh tế khi vận dụng đưa vào thơ: chim khôn né ngọn cây cong/ người Chil, Lạch né lòng vòng quẩn quanh/ đại ngàn chắt giọt trong xanh/ người Chil, Lạch chắt lòng lành nghĩa nhân. Người Chil, người Lạch “né lòng vòng quẩn quanh”, chắt chiu “lòng lành”, chắt chiu “nghĩa nhân”, cho cuộc đời thêm bao dung, thánh thiện. Người thơ nhận ra: Cù Lần mà chẳng cù lần// thông reo hay suối thĩ thầm/ rót ta lời núi rót chầm chậm đêm (Đêm cù lần).

Khi những cơn sóng ngầm vẫn chực chờ khuấy đục biển Đông và sau những nghiệt ngã của thiên nhiên ở miền Trung. Nhà thơ tự cho phép mình thực hiện những “chuyến bay” quán chiếu và cô đã bày tỏ nỗi lòng bằng ngôn ngữ thơ: Phía dưới kia miền Trung và biển/ mới hôm qua bão chồng bão cuồng phong/ mới hôm qua lũ ông lấp Rào Trăng/ biển vẫn máu vạn ngàn vết cắt/ miền Trung đau cả nước nghẹn lòng/ tôi bay/ phía dưới kia đảo trở mình gầm thét/ những Gạc Ma, Chữ Thập… gọi Hoàng Sa/ gọi hồn thiêng mấy ngàn năm bờ cõi/ mấy ngàn năm lịch sử/ mấy ngàn năm/ phía dưới kia máu ròng mắt ướt/ giọt xanh lên sông núi ruộng vườn/ giọt chát mặn kết hình chữ S/ những bàn tay nắm chặt… (Bay).

Dừng chân bên Gành Đá Đĩa, một thắng cảnh thiên nhiên ban tặng Phú Yên, cô viết: Tôi thả gót lò cò theo những eo thon đá/ đá dắt tôi từng đĩa chân trần/ sóng đơn thân nhảy chồm nghiến ngấu/ cong mình tung bọt trắng ngầu. Đến đây, tôi như người đang chạy marathon đột nhiên sững lại. Đã nhiều nhà thơ viết về địa danh này, nhưng viết như Loan thì tôi chưa gặp: em gái Chăm ơi gánh gì nghiêng ghềnh đá/ gánh cả bình minh gánh đỏ mặt người/ giọng Bắc Trung Nam giọng người xứ Nẫu/ những lạ quen thương thoảng một Phú Yên (Đến Gành Đá Đĩa).

Đêm ấy, cái đêm giã từ người cha thân yêu là lúc cô mất mát nhiều nhất, dẫu thời gian có vùn vụt đi qua, ký ức trong cô không thể phai mờ hình ảnh Đêm ấy…/ vòm cây vườn héo lá/ kim đồng hồ ngừng đập/ trái đất ngừng quay/ rơi hẫng mình trong cõi vô hồn/ trong thế giới không thế giới/ Cha… (Đêm ấy). Vẫn mạch nguồn đầy cảm xúc, cô diễn đạt nỗi lòng về ngày giỗ cha trong đại dịch: Ngày giỗ cha con chẳng thể về/ chẳng thể quây quần anh em bên mẹ/ đặt tay lên mộ cha/ nén tâm nhang thắp đỏ/ thắp nỗi lòng đứa con đôi lần lầm lỡ/ đứa con gái đa đoan mơ một lần Bụt hiện/ một mỉm cười ấm lại những mùa Đông/ cái đứa/ nửa cuối chiều vẫn tưng tưng nặn nhào con chữ// lần đầu/ ở nơi xa… tự tay con sắp mâm cơm online cầu nguyện/ chút mặn mòi biển Nga Sơn theo khói hương trực tuyến/ canh rau rừng bớt lạnh tháng ngày xa (Giỗ online). Chỉ với bấy nhiêu, nhà thơ đã nói hộ nỗi lòng bao người và bao gia đình có cùng cảnh ngộ.

Hội tụ trong menu Giấc mơ hoa Chi Pâu, là những cái title đầy tâm trạng, như Ký ức lặng câm; Hai người đàn bà cũ; Dọc bờ cát trắng; Khép một cung đường; Trước biển; Khúc tháng Ba; Bên mộ mười cô gái; Cho một ngày tháng Tư; Độc hành đêm; Bên mộ Hàn Mặc Tử..vv.

Đặc biệt, Sóng Trường Sa ở núi, bài thơ với ngôn ngữ mềm mại, nhẹ nhàng nhưng có độ căng nhức đến nhói lòng: Tôi đã thấy sóng Trường Sa vỗ bồng bềnh mây núi/ một Trường Sa giữa Nà Hấu lưng trời/ những con sóng vỗ dập dồn thế sự/ và máu đào đỏ vạt áo em thơ// những em bé sinh ra từ ruột đá/ bi bô hai tiếng: Trường Sa// chạm nhẹ tay lên cột mốc chủ quyền biển đảo/ giữa đại ngàn thơm thảo quế Văn Yên/ thơm tấm lòng bản Mông cõng mặt trời ủ nắng/ Nà Hấu xanh trời câu hát gọi Trường Sa (Sóng Trường Sa ở núi).

Sau những cuộc “bay”, “say”, “chan”…, người thơ trở về trong niềm hạnh phúc lần đầu làm mẹ chồng, cô cởi lòng tâm sự với con dâu: Thế rồi thu đã chạm tay/ thế rồi thu lãng đãng đầy mắt thu/ là duyên là lộc trời cho/ con về nhà mẹ câu thơ nảy mầm// góp vui từ những đợi mong/ góp thương từ những trắng trong cuộc người (Với con)…

Xuyên suốt tập thơ, ta còn gặp những câu thơ, thậm chí bài thơ “thật thà”, ngữ ngôn có thể chưa phù hợp với ngữ cảnh… Tuy nhiên, không vì thế ta khoác cho cô “chiếc áo” dễ dãi. Vừa nghỉ hưu, người thơ còn khoác đầy mình tư duy Toán học, cô bước vào văn chương với sức viết khỏe khoắn, bốn năm ra bốn tập thơ là điều không dễ. Riêng tập thứ năm, cô chia sẻ, phải có sự dồn nén, tạo giọng điệu, tính cách cho riêng mình. Và cô đã thành công với Giấc mơ hoa Chi Pâu, tập thơ xinh xắn, thu hút sự khám phá, giải mã của người đọc từ những trang đầu. Ở độ tuổi còn nhiều khao khát, đam mê tung tẩy, bạn đọc sẽ còn tiếp tục đón đợi ở Phạm Quỳnh Loan những bữa tiệc thi ca sang trọng.

NGUYỄN TIẾN NÊN

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *