Phạm Ngọc Định – Viết là hành động đẹp đẽ nhất

Vanvn- Với Phạm Ngọc Định bây giờ, thì ngoài việc kinh doanh trang trại nuôi sống gia đình, anh còn dành tâm huyết cho việc viết, viết để in sách, trả ơn cuộc đời và quê hương.

Làm thế nào mà một tử tù, vốn vô cùng ghét văn chương, thường bỏ học môn văn khi còn ngồi trên ghế nhà trường, cuối cùng lại được văn chương không chỉ cứu rỗi linh hồn, mà còn cứu mạng thực sự?

Chúng ta hãy cùng tìm hiểu về tác giả Phạm Ngọc Định (sinh năm 1961 tại Hạ Lý, Hồng Bàng, Hải Phòng), người tạo nên một kỳ tích trong chính cuộc đời mình và hành trình đến với văn chương. Ngày 6.11.2023, tác giả Phạm Ngọc Định có buổi lễ ra mắt cuốn truyện dài dành cho thiếu nhi “Biến tấu của ký ức” (NXB Văn học, tháng 10.2023) thu hút nhiều độc giả, bạn hữu, doanh nhân, giới văn chương, báo chí tham dự.

Truyện dài dành cho thiếu nhi “Biến tấu của ký ức” – Phạm Ngọc Định

Ở trường, Phạm Ngọc Định là cậu học trò năng động, tinh nghịch nhưng lười học, và ghét nhất môn văn. Lớn lên, anh trở thành một kẻ giang hồ khét tiếng đất Cảng, từng hai lần kết án tù, đến lần thứ hai thì do dính vào buôn bán ma túy, nên anh bị kết án tử hình. Trong trại biệt giam, đếm từng thời khắc ngắn dần lại của cuộc đời, người tử tù Phạm Ngọc Định chợt thức tỉnh, và trong anh dấy lên một khát khao cháy bỏng, làm thế nào, bằng cách nào để trả nợ cuộc đời, chuộc phần nào tội lỗi mình đã gây ra.

Lúc ấy, những ký ức tuổi thơ thời chiến tranh, khi Hải Phòng cháy đỏ dưới mưa bom Mỹ, và cậu bé Phạm Ngọc Định vừa tròn 11 tuổi, đã trỗi dậy mạnh mẽ. Anh quyết định mình sẽ viết sách để tái hiện lại ký ức đau thương, gian khổ đặc biệt nhưng cũng đầy những dấu ấn đẹp đẽ của thời thiếu nhi. Quả là một quyết định táo bạo, và khó khăn vô cùng khi chính người muốn viết sách qua nhiều năm không thèm đọc chữ nào, đã gần như quên mất mặt chữ, quên cách viết chữ. Và thách thức lớn hơn nữa, là trong điều kiện biệt giam, một chân bị cùm, không có giấy bút, thì làm thế nào để viết ra cuốn truyện mong muốn đây!?

Nhưng Phạm Ngọc Định đã quyết định chọn cách viết truyện, và một ý chí mãnh liệt cộng thêm đầu óc tinh quái của một đứa trẻ nghịch ngợm và một quá khứ giang hồ va chạm quá nhiều tình huống éo le, Phạm Ngọc Định đã tìm ra giải pháp trong tình huống gần như bất khả. Anh tỉ mẩn tách đôi các trang họa báo tạp chí Thế giới Phụ nữ mà người nhà gửi cho, để có hai mặt trắng, rồi tìm cách “thó” chiếc bút bi của cán bộ quản tù và cứ thế kê cuốn họa báo với các mặt trắng giữa tờ in để viết miệt mài, viết khẩn thiết như ngày mai mình sẽ lên đoạn đầu đài. Mỗi khi bút gần hết mực, anh lại quan sát, nhân lúc cán bộ trại giam sơ hở, tráo ruột bút bi gần hết mực của mình vào bút của cán bộ, lấy ruột bút mới để viết tiếp.

Nhà văn Nguyễn Đình Tú và tác giả Phạm Ngọc Định trong Lễ ra mắt sách “Biến tấu của ký ức” tại Hải Phỏng

Khi viết kín các mặt trắng của hai tờ tạp chí, Định lại khéo léo dán các trang viết lại để không ai phát hiện ra, và gửi hai tờ tạp chí đó về nhà cho vợ anh cất giữ, mong có ngày cuốn truyện được xuất bản. Nỗi ân hận về những tội lỗi của mình, khao khát muốn làm gì có ích cho quê hương đã biến thành động lực, khiến Định hoàn thành cuốn truyện dài trong hoàn cảnh biệt giam. Viết sách đã thành hành động chuộc lỗi, nhưng lại tạo ra một điều kỳ diệu, khi những trang viết của anh, cùng những bức thư anh viết gửi nhà văn Nguyễn Đình Tú, đã thành duyên cớ để báo chí phát hiện người tử tù ôm mộng văn chương và những trang viết đầy sức sống. Lập tức một số báo nổi tiếng như Tiền Phong, Công an nhân dân đã cử phóng viên tới trại giam gặp Định, viết bài về anh. Và rồi từ một tử tù, anh được giảm án chung thân, và cuối cùng được ân xá tha bổng qua những nỗ lực phi thường hoàn lương.

Chia sẻ về việc viết sách trong lao tù, Phạm Ngọc Định nói về cảm giác của mình: “Hồi ấy, ngày trả án tới gần. Tôi lo sợ khủng khiếp, rằng mình sẽ bị tử hình khi cuốn sách chưa kịp viết xong. Vì thế, mà tôi tập trung cao độ, viết nhanh nhưng không được phép có lỗi. Nhiều lúc tay viết không theo kịp suy nghĩ. Có ngày tôi viết tới 20 trang.”

Nhạc sĩ, nhà thơ Nguyễn Thụy Kha phát biểu về sách “Biến tấu của ký ức”

Nhạc sĩ, nhà thơ Nguyễn Thụy Kha nhận xét: “Vào những năm tháng chiến tranh 1972 khi ấy, tôi đang ở chiến trường, nên đã không thể chứng kiến cảnh quê nhà Hải Phòng ra sao khi bom Mỹ oanh tạc. Tôi cũng đã có ý tìm kiếm cuốn sách nào thể hiện chân thực bối cảnh khốc liệt của Hải Phòng khi ấy mà chưa tìm được. Nay nhờ cuốn sách “Biến tấu của ký ức” của tác giả Phạm Ngọc Định, mà tôi như được sống lại trong hoàn cảnh khủng khiếp ấy của người dân quê hương. Anh Định đã lột tả đến tận cùng sự gian khổ, hy sinh cũng như lòng quả cảm của người dân Hải Phòng, đặc biệt là những em nhỏ. Những trang sách ngồn ngộn chất sống, và sáng bừng tinh thần quật cường, can đảm, táo bạo, sáng tạo của người Hải Phòng. Thêm một giá trị nữa, đó là cuốn sách của anh Định được viết trong hoàn cảnh vô cùng đặc biệt, viết trong biệt giam tử tù, không có giấy bút mà phải vận dụng tài khéo để có được giấy bút sáng tác nên tác phẩm. Trong hoàn cảnh thách thức đó con người lớn lên. Văn chương thực sự đã cứu mạng người. Cuốn sách được sinh ra là một kỳ tích. Cuốn sách này thực sự quý giá trong mọi góc nhìn khác nhau.”

Phạm Ngọc Định hiện nay làm chủ một trang trại kha khá. Anh cũng có những bạn hữu thân tín nhiệt tình hỗ trợ quá trình hoàn lương, làm kinh tế và viết sách tri ân cuộc đời, quê hương. Tập truyện dài “Biến tấu của ký ức” cũng được tác giả trao tặng tới 10 trường phổ thông tại Hải Phòng, để các em học trò được biết thêm về hoàn cảnh cha, ông mình từng sống, trải qua thời chiến tranh khốc liệt ra sao khi bằng lứa tuổi mình. Đó là trải nghiệm, là giá trị sống mà Định muốn trao đi. Như anh chia sẻ, với anh thời gian qua, thì “Viết là hành động đẹp đẽ nhất!” Anh cũng đã viết thêm 1900 trang tiểu thuyết, và sẽ viết tiếp 100 trang nữa để hoàn thành cuốn sách 2000 trang về chủ đề chiến tranh Việt Nam.

KIỀU BÍCH HẬU

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *