Ở trung ương cũng có những tay văn nghệ rất “địa phương” và ngược lại – Kỳ 2

Vanvn- Để giúp các nhà văn và bạn đọc có cái nhìn sâu rộng hơn bức tranh toàn cảnh đời sống văn học nghệ thuật cả nước, nhất là văn học, Ban Biên tập Vanvn mở chuyên đề đối thoại, phỏng vấn những người đang giữ vai trò lãnh đạo các hội văn học nghệ thuật địa phương trong mối tương quan, chia sẻ với Hội Nhà văn Việt Nam.

Nhà thơ Hải Thanh – Chủ tịch Hội VHNT tỉnh Vĩnh Phúc tâm sự rằng ông ưu tiên hỗ trợ đầu tư chiều sâu để mong có tác phẩm hay: “Nói gọn là, tôi muốn làm cái gì đó ra tấm ra món, xứng với đồng tiền bát gạo của nhân dân. Nhưng chao ôi, khó quá. Toàn nghệ sĩ nhớn mà không có tác phẩm nhớn. Tranh khôn. Ai cũng nhận mình khôn cho nên thế gian này vẫn luôn tồn tại và tiềm ẩn những cuộc cãi vã. Mà cãi vã thì không phải là văn chương. Không phải văn chương thì làm phong trào. “Phong trào tạm lắng, phong trào lại lên”. Vui là chính, chả mất lòng ai. “Hàng đầu không biết đi đâu/ Đi đâu không biết hàng đầu cứ đi”. Thế mới khổ”…

Nhà thơ Hải Thanh. Ký họa của họa sĩ Lưu Công Nhân

>> Ở trung ương cũng có những tay văn nghệ rất “địa phương” và ngược lại – Kỳ 1

 

* Nhà thơ Tản Đà từng ở dốc Láp theo đường chim bay cách cơ quan Hội VHNT Vĩnh Phúc chừng 500 mét. Ông có biết chính xác địa chỉ ngôi nhà thi nhân từng ngụ chứ? Theo ông nếu không tiên tửu thì Tản Đà liệu có thơ hay đến thế không?

– Chả có rượu thì làm thơ thế nào được. Có người còn tự hào bảo: Tôi làm được tác phẩm này là do rượu. Không sai. Nhưng sau đấy là nát gan và nát nhà, không ai có thể cứu rỗi.

Tôi có xem bức tranh biếm của Hoàng Đạo vẽ Tản Đà vừa dạy học vừa uống rượu, với lời thuyết minh “Tản Đà: Các ngài muốn hỏi tôi cách làm thơ ru? Khó gì đâu: Tửu nhập thi xuất!” – đăng trên Phong Hoá.

Còn về cụ Tản Đà, tôi có đọc một số tư liệu, biết có thời cụ ở Vĩnh Yên, cả Vĩnh Tường nữa đấy. Mang máng ở cây số 2, đường lên Tam Đảo. Trong “Giấc mộng con” cũng có nói. Tôi không dám chắc đâu. Nhưng đọc cụ có bài thơ chống tham nhũng. Là nhân một vụ kiện tranh chấp gia tài, Tuần phủ Vĩnh Yên lúc đó đã ăn của đút hai ngàn rưởi đồng. Tôi chỉ nhớ câu: “Cũng bởi thằng dân ngu quá lợn/ Cho nên quân nó dễ làm quan”. Nói ra điều này nhạy cảm lắm. Ở ta, cái gì cũng nhạy cảm.

Còn đây là bài thơ tôi nhớ kỹ:

ĐÊM XUÔNG PHỦ VĨNH

Đêm xuông vô số cái xuông xuồng
Xuông rượu, xuông tình, bạn cũng xuông!
Một bức màn con coi ngán nỗi
Một câu đối mảnh nghĩ dơ tuồng!
Một vừng giăng khuất đi mà đứng
Một lá mành treo quấn lại buông
Ngồi hết đêm xuông, xuông chẳng hết
Chùa ai xa điểm mấy hồi chuông…

* Ông hẳn xem hoặc đọc vở kịch “Trận thắng trong làng” của Trần Quốc Phi nhỉ? Vấn đề văn hóa làng xã, dòng họ đã được Trần Quốc Phi bàn và phẫu tích trước cả “Mảnh đất lắm người nhiều ma” của Nguyễn Khắc Trường hơn 20 năm. Ông có ý kiến gì trường hợp Trần Quốc Phi – thành viên sáng lập Hội Văn nghệ Vĩnh Phú – là Phú Thọ và Vĩnh Phúc bây giờ?

– Tôi hay xem chèo lắm. Mỗi buổi đi làm về, tôi thường mở chèo cổ ra xem. Cứ xem là tự nhiên nhẹ hết cả người.

Vở kịch của cụ Phi, tôi phải mất nhiều thời gian mới sưu tầm được một cuốn. Tôi cho trưng bày trong tủ sách của cơ quan.

Tôi nhỏ người, lại ít kinh nghiệm sống, không dám lạm bàn về các bậc tiền bối. Nhưng tôi chắc chắn điều rằng, các cụ xưa, ngoài gánh vác việc làng việc nước, còn là những diễn viên thực sự ưu tú. Họ truyền cảm hứng tới dân bằng nghệ thuật; phục vụ nhân dân, tâm huyết, hoàn toàn không vụ lợi. Dân gian vẫn còn lưu truyền, trân quý nhiều lớp diễn, xếp trò của các cụ Lý Mầm, cụ Trùm Thịnh, cụ Chánh Chắt, cụ Phó Khai, cụ Đoàn Bảng… Những danh nhân này tuyền trong dân gian, có thể tôi không nhớ chính xác. Chỉ có điều đáng lưu ý là các cụ về già, ai cũng nguyên chức “cụ”, dân không ai gọi “thằng”. Đến bốn, năm đời sau, người ta vẫn bảo cháu chắt cụ ấy, hoàn toàn không có sự khinh miệt. Đời thì thiếu gì cái nọ cái kia, nhưng các cụ diễn tất cả bằng tấm lòng. Mỗi lần nghe là thảng thốt.

Cụ Phi là người thực tiễn, chả gì qua mắt được cụ đâu. Tôi nghe có nhiều giai thoại về cụ, vui lắm và quyết liệt lắm. Nhưng chỉ dám đứng từ xa lễ vọng. Cụ là lãnh đạo tỉnh, là người có công sáng lập Hội Văn nghệ Vĩnh Phú, có sự kiện gì, dịp nào tôi cũng đến thắp hương…

* Ồ, Vĩnh Phúc còn một văn nhân đặc sắc nữa từng lưu bước sáng tác ở xưởng vẽ tại cây số 3 đường lên Tam Đảo – Họa sĩ Lưu Công Nhân. Danh họa vẽ nhiều tranh đẹp về Vĩnh Phúc. Chẳng hay, bảo tàng tỉnh hoặc cá nhân người Vĩnh Phúc có sưu tập bức tranh nào của danh họa không?

– Với tôi, và chắc không ít người, Lưu Công Nhân là cỡ “mét”. Ông ở chỗ ấy hơn chục năm, một mình. Tôi cũng có ý định mua lại căn nhà cô đơn của ông nhưng đận ấy không có tiền, còn trẻ con quá thể. Tôi nhớ có lần ngồi với ông ở đoạn đường tàu chiều Khai Quang, uống Whisky ngâm sâm, ông ấy bảo: Ngắm đồng lúa đi, sau này không có nữa (!). Nghĩ thấm buồn.

Tôi vinh hạnh được ông vẽ cho cái chân dung và cái bìa thơ. Tôi ngồi trong cái bếp buổi tối mất điện, ông vẽ tôi như không có trời, không có đất. Lúc điện sáng lên, tôi mới nhận ra “tác phẩm” chính mình, chỉ ú ớ nói được câu: Sao ông tài thế. Ông lẳng lặng lấy trong xó nhà cái sọt rác, ở đấy có bao tờ nháp vẽ tôi.

Tôi biết rõ, ở Vĩnh Yên và Việt Trì có mấy người hằng năm ông gửi thiệp chúc tết bằng tranh. Rồi ký hoạ cho nhiều người, chuyện này dài lắm.

Rồi ông về Nam, mang theo cả căn bệnh parkison. Từ bấy không còn được gặp nhau lần nào nữa. Nghe báo chí nói ông tặng nhiều tranh để làm từ thiện. Tôi ngơ ngẩn tiếc. Tiếc là Vĩnh Phúc không có bức tranh nào của ông. Tôi và mấy anh Vĩnh Phúc có giữ lại được mấy cái, nhưng bé tí, chủ yếu là phác thảo thôi.

Nhà thơ Hải Thanh trò chuyện với nhà văn Nguyễn Tham Thiện Kế

* Cùng một dải đất, cùng một truyền thống văn nghệ, Phú Thọ đã có nhà tưởng niệm Phạm Tiến Duật, và dựng tượng Bút Tre. Vĩnh Phúc có ý dự án nào đề xuất đến việc lưu giữ những địa chỉ văn hóa của Tản Đà, Trần Quốc Phi, Lưu Công Nhân và một số nhà văn nhà thơ tên tuổi khác, đã đóng những sáng tác không chỉ làm sáng đẹp Vĩnh Phúc và còn cho cả nước?

– Cá nhân tôi đã nghĩ kỹ và đề xuất với lãnh đạo tỉnh xây tượng đài Trần Nguyên Hãn, Nguyễn Thái Học, Kim Ngọc… Tỉnh vui lắm, nhưng nghe nói lại vướng mắc ở đâu đó. Có đận người dân bức xúc bảo, dân tự nguyện đóng góp, không lấy đồng nào của nhà nước mà lo. Vẫn không được. Rồi lại cũng chẳng biết đâu mà lần.

“Đầu xuôi đuôi lọt”. Cái trước không nổi, cái sau thế nào. Tôi đã đề nghị một hai trường hợp, danh nhân rõ ràng, số má hẳn hoi. Tỉnh cũng vui lắm, nhưng lại vẫn mắc đâu đó, cho dù cải cách hành chính đã nhiều năm được báo chí ca ngợi rầm rầm.

* Ở Vĩnh Phúc có tới hai cơ sở chăm lo đến lao động sáng tạo của các nghệ sĩ: Nhà sáng tác Tam Đảo và Đại Lải. Hầu như đoàn sáng tác nào đến địa phương cũng có màn chào hỏi giao lưu với Hội VHNT Vĩnh Phúc. Văn nghệ Vĩnh Phúc quảng giao hay coi đây là một cơ hội trao đổi kinh nghiệm sáng tác? Ông đã bao giờ cảm thấy mệt mỏi vì giao tiếp chưa?

– Cả hai, nhưng nói thật, cũng rất mệt. Nhà thơ Hữu Thỉnh có lần hỏi tôi: Năm qua, văn nghệ Vĩnh Phúc làm được những gì? Tôi bảo, nổi bật nhất là tiếp khách. Ông ngớ người không hiểu. Tôi nói thẳng, Bí thư hỏi, tôi cũng báo cáo như thế. Thì mỗi tháng, bình quân mỗi Nhà sáng tác 2 trại, ai cũng bảo đến Vĩnh Phúc lần đầu, mà tiếng tăm thu nhập của Vĩnh Phúc kinh khủng lắm. Thôi thì văn nghệ, có gì đâu ngoài chữ Tình.

Nhà thơ Hải Thanh tiếp bạn văn từ các tỉnh thành

* Hội VHNT Vĩnh Phúc đã làm rất tốt công tác phong trào chăm sóc các hội viên đặc biệt là các hội viên cao tuổi, như thăm hỏi, trợ giúp công bố tác phẩm những năm qua. Vậy riêng ông hoặc Hội có tham vọng nâng cao chất lượng xuất bản phẩm hơn nữa. Đặc biệt là bà đỡ cho những tác phẩm xứng tầm với sự phát triển giàu đẹp của Vĩnh Phúc hôm nay?

– Nhuận bút, hỗ trợ hằng năm, hỗ trợ giải thưởng, rồi gần đây làm cơ chế đặt hàng. Làm hết mình. Tôi quan điểm, phong trào cũng là nhiệm vụ chính trị, nhưng tôi ưu tiên hỗ trợ chiều sâu. Nói gọn là, tôi muốn làm cái gì đó ra tấm ra món, xứng với đồng tiền bát gạo của nhân dân. Nhưng chao ôi, khó quá. Toàn nghệ sĩ nhớn mà không có tác phẩm nhớn. Tranh khôn. Ai cũng nhận mình khôn cho nên thế gian này vẫn luôn tồn tại và tiềm ẩn những cuộc cãi vã. Mà cãi vã thì không phải là văn chương. Không phải văn chương thì làm phong trào. “Phong trào tạm lắng, phong trào lại lên”. Vui là chính, chả mất lòng ai. “Hàng đầu không biết đi đâu/ Đi đâu không biết hàng đầu cứ đi”. Thế mới khổ.

Còn hy vọng, kỳ vọng thì nhiều lắm. Nhưng thiết nghĩ, phải qua “bước nhảy” mới có tác phẩm “đỉnh cao” theo tư tưởng của Marx.

* Ông thường đọc thơ của những tác giả nào của thế hệ mình? Vì sao ông lại có sự lựa chọn đó?

– Câu hỏi này vừa khó lại vừa khách sáo quá, nhưng tôi cũng thực lòng mà nói rằng, tôi không có nhiều thời gian để đọc thơ của mọi người đâu. Tôi có nhiều sách báo được tặng, cả mua, rồi đặt hàng. Đấy là chưa kể trên mạng, ê hề chợ. Nhưng đọc không hết, không tới. Tân cổ điển, hậu hiện đại, phê bình sinh thái… tôi thấy cứ mang mang. Từ lâu, tôi đã thuỷ chung với “các cụ”. Hôm nào tôi cũng đọc hoặc nghe kinh điển, cả Ta, Tây lẫn Tàu, nhẩm đến thuộc. Nhưng cũng không được bao nhiêu. “Càng học càng dốt” mà.

* Trân trọng cảm ơn ông. Chúc nhà thơ Hải Thanh và văn nghệ Vĩnh Phúc có những “bước nhảy” vươn tới tầm cao hơn!

NGUYỄN THAM THIỆN KẾ thực hiện

_____________________________

Nhà thơ Hải Thanh họ và tên khai sinh là Bùi Xuân Thanh, sinh năm 1970, quê quán xã Nghĩa Hưng, Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc. Cử nhân báo chí. Hội viên: Hội Nhà văn Việt Nam, Hội Nhà báo Việt Nam, Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam.

– Tác phẩm chính đã xuất bản:

Bến trăng (Tập thơ, NXB Thanh niên, 1994)

Bến thu xưa (Tập thơ, NXB Thanh niên, 1998)

Lênh đênh những con đò số phận (Tập ký, NXB Thanh niên, 2000)

Tự thanh (Tập thơ, NXB Hội Nhà văn, 2005)

Con đường không có vết chân (Tập thơ, NXB Hội Nhà văn, 2006)

Thượng huyền (Tập thơ, NXB Văn học, 2009)

Tự thanh II (Tập thơ, NXB Văn học, 2012)

* Tự thanh 3 (Tập thơ, NXB Quân đội nhân dân, 2017)

* Nhà sau lưng phố (Tập tản văn, NXB Phụ nữ, 2017).

– Giải thưởng văn học:

* Giải Khuyến khích, Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam, 2005.

* Đồng Giải B, Giải thưởng VHNT Vĩnh Phúc 5 năm lần thứ I (1997-2000),  lần II (2001-2005), lần III (2006-2000), lần IV (2011-2015).

– Suy nghĩ về nghề văn:

Từ thuở nhỏ, tôi đã thầm mơ ước lớn lên làm nhà văn, để được viết những gì đẹp nhất về cuộc sống, về con người. Ấu thơ tôi làm sao biết được đó là một nghề nhọc nhằn, và theo chữ của cụ Phan Bội Châu là “lập thân tối hạ”. Nhưng đã mang lấy nghiệp, tôi cứ chuyên cần khai khẩn lối đi. Và trước những cô đơn đầy ắp, tôi đã viết. Viết là một nhu cầu tự thân.

Hầu như tất cả nỗi niềm đầy vơi, ấm lạnh trong cuộc đời đều làm tôi trăn trở. Nhưng tôi nghĩ chậm và viết chậm, trong khi cái mới, cái hay luôn thôi thúc mỗi ngày.

Suốt năm tháng dài, tôi cũng chỉ quẩn quanh ở làng. Trong không gian nhỏ hẹp ấy, tôi luôn tự nhủ: Đi đến tận cùng của làng này sẽ bước sang làng khác.

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *