Ở đây và bây giờ của Đặng Huy Giang – Tiểu luận Văn Chinh

Vanvn- Người ta có hai lần trẻ lại trên đường đời một chiều từ khi sinh ra, chưa kể đi đến mút đường thì già bỗng hóa trẻ con nhưng đó lại là một câu chuyện khác; ở đây chúng ta chỉ bàn đến hai lần trẻ lại như một ân hưởng của hạnh phúc làm người. Đó là khi chúng ta thành bố mẹ rồi thành ông bà. Sự trẻ lại lần thứ nhất kỳ diệu như một phép nhiệm mầu: Một phần sinh thể ta thành con ta, nó gợi một hình dung ngày ta bé dại, nuôi dưỡng con mà hình dung ra cha mẹ nuôi dưỡng mình. Lần sau, sự trẻ lại không còn kỳ diệu nữa nhưng cũng đầy ân sủng. Ta đã đi đến nửa đường đời, nhiều thứ đã bắt đầu chai sạn; được bế cháu, chơi với cháu như được cải lão hoàn đồng. Tôi chợt thấy, chúng ta mới có triết luận một chiều: “Công cha như núi Thái Sơn/ Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra” mà chưa có một câu nào tương tự để nói về lòng biết ơn con cháu?

Nhà thơ Đặng Huy Giang. Ảnh: PH

Nhưng có vẻ như đó là một khiếm khuyết dành cho thi ca, ủy nhiệm cho thi ca một sứ mệnh.Thú vị là ngay cả khi thực hiện sứ mệnh này, nhà thơ cũng được trẻ lại, mềm đi. Chúng ta biết Đặng Huy Giang có thái độ thẩm mỹ quyết liệt:

Hoa nở trên đỉnh núi

Chỉ thơm cho một người

Yêu. Bay lên mà hái

Dốc đứng thời gian trôi

Nhưng khi viết cho con thì khác hẳn, lời thơ ngọng nghịu, hai bố con cứ như đang tập nói:

Con vừa cất tiếng a a

Thì cha cũng đã à à… lời ru

(Con và cha)

Có thể nói, Ở đây và bây giờ là tập thơ của sự tương tác giữa bố mẹ/ ông bà với con/ cháu – là thơ “mọc”lên giữa tương tác ấy mà Đặng Huy Giang chỉ ghi lại:

Chúng cháu đi chơi đây

Ông ở nhà, vui nhé!

Nhớ, không được mở cửa

Để người lạ vào nhà!

 

Buồn, chơi với mèo nhỏ

Buồn, chơi với chó con

Ipad, cháu để đó

Buồn, ông mở ra xem…

(Lời cháu)

Tập thơ Ở đây & bây giờ – Đặng Huy Giang

Hẳn là khi ghi lại bài Ngôn ngữ bé, Đặng Huy Giang cay đắng nghĩ: Ngôn ngữ của các thiên thần thơ hơn mọi nhà thơ, các sắc thái biểu cảm phong phú hơn ngôn ngữ người lớn:

Mẹ ơi, hạt cơm ngã

Xuống đất, có đau không?

Sao thịt lại thịt…bò

Như con hồi bẩy tháng?

Đây nữa, ở bài Những câu hỏi của con:

Sao bố không mua trăng

Làm đồ chơi cho mẹ?

Còn trong bài Mẹ và con, thế giới mở rộng ra đến mặt trăng mặt trời để rồi bật ra một liên tưởng độc đáo, cũng chỉ có ở các thiên thần:

– Có phải con còn trẻ con

Ngày đêm con quay quanh mẹ?

– Phải, con của mẹ còn bé

Đêm ngày mẹ quay quanh con.

Đây là một tập thơ có nhiều bài hay, nhưng tôi thích nhất bài Khi cháu vắng nhà, nó củng cố nhận thức về ý nghĩa của con cháu với người lớn chúng ta và về sứ mệnh của thơ bổ khuyết cho nhận thức một chiều gia trưởng cũ. Tôi cũng đồng ý với tác giả, trẻ em hôm nay thế giới ngày mai là việc của xã hội, còn ở đây và bây giờ thì nhiệm vụ của bố mẹ ông bà là cùng con cháu tương tác sống trong ân sủng. Ấy là hạnh phúc vậy:

Vắng cháu, vắng cả bây giờ

Cả ở đây nữa

thẫn thờ

đó

đây

 

Thời gian trơ trọi phút giây

không gian trống hoác

lấp đầy làm sao?

Bởi vì, hãy đọc bài Nếu 2:

Nếu không có đất

Làm sao biết…trời!

Không con, con ơi

Làm sao ra… bố!

Đọc và chỉ cần nghĩ nông thôi, chúng ta cũng có thể nhận ra người xưa mới chỉ chú trọng có một nửa tam cương trong đạo làm người. Vậy nên liều viết ra đây, để cùng bạn đọc bàn bạc sâu thêm.

VĂN CHINH

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *