Nông Tiến làng hoa – Bút ký của Cao Xuân Thái

Vanvn- Đã đi đến cuối đời người mà thầy vẫn còn khao khát, đau đáu vì quê hương. Từ ý kiến của thầy mà tôi nhận ra: Bây giờ người ta không chỉ phấn đấu ăn ngon mặc đẹp, mà còn biết thế nào là sang trọng, trong đó sắc hoa và trang thơ là biểu hiện cho sự thanh cao ấy.

Nhà văn Cao Xuân Thái

Cứ vào dịp cuối năm, tôi hay sang Nông Tiến ngắm hoa đào nở, cũng có ý chọn đôi cành để về chơi Tết. Có lần thuận đường tôi đến thăm cụ Đoàn Trình (ngày cụ chưa rời cõi tạm), cụ là thân phụ của nữ sỹ Đoàn Thị Ký, ở tổ 13 phường Nông Tiến – thành phố Tuyên Quang. Quê gốc ở tỉnh Bắc Ninh. Thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp, cụ làm cán bộ Thông tin Tuyên truyền của tỉnh Bắc Ninh, bị đau dạ dày mãn tính cụ được cơ quan cho ra vùng tự do chữa bệnh. Lên Tuyên dạy bình dân hoạc vụ,dạy phổ thông rồi cụ nghỉ hưu năm 1987.

Sau ngày ông Công, ông Táo lên trời, tết đã cận kề, mà nắng chói chang như giữa mùa hè. Nhìn những vùng Đào Phai, Đào Bích nở rừng rực không có cách nào hãm lại, nhiều cây, hoa đã rụng tầm tã dưới gốc, đỏ hồng như xác pháo

Tôi chuyển cách xưng hô với cụ cho thêm phần gần gũi :

– Thầy ơi! Xót quả, thất bát là chắc rồi!

Thầy bảo:

– Đã lâu lắm mới gặp thời tiết bất thường như vậy, hy vọng rét về may còn cứu vãn được chút ít!

Phía sau nhà thầy có vườn đào của bà con hàng xóm, với hàng trăm gốc cũng rơi vào hoàn cảnh tương tự. Ở cuối góc vườn lộ ra chiếc bể xi măng, nửa chìm nửa nổi, màu thời gian đã phủ mờ lên lớp rêu phong xưa cũ, gợi nhớ lại một thời, cũng là kỷ niệm chẳng dễ gì quên của thầy…

Thầy bảo: Đây là bể chứa nước để cọ rửa nong tằm, dấu vết còn lại của cái làng Tằm xưa…

Tôi nghe rõ lời thấy mồn một mà lòng còn nửa tin nửa ngờ. Chưa kịp hỏi thầy cặn kẽ chợt màu xanh nương dâu bên bờ con sông Đáy quê tôi lay thức, đưa tôi trở về với vùng quê Bắc Bộ một thời chưa xa lắm… Dòng sông Đáy là biểu tượng sức sống quê tôi. Phía ngoài con đê chắn sóng là nương dâu xanh mướt kéo dài từ La Mai, La Phù về tận chân núi Dục Thúy Sơn, dằng dặc hàng dăm cây số. Nghề nuôi tằm dâu, kéo sợi, dệt vải là nghề truyền thống lâu đời của quê tôi. Thẫm đẫm cái hồn làng, hồn nước mà tôi biết thế nào là “Nuôi tằm ăn cơm đứng.”

Câu chuyện bắt đầu từ những con ngài (giống như con bướm) cắn tổ, chui ra khói kén. Không hiểu tại sao vừa mới chào đời chúng đã tìm đến nhau để thực hiện cái bản năng sinh tồn, duy trì nòi giống. Khi chúng rời nhau là lúc con cái đẻ trứng vào tờ giấy bản, mẹ tôi đã lót sẵn. Vô số trứng tằm li ti, màu ngà còn bé hơn cả hạt vùng. Mẹ tôi nhẹ nhàng bắt từng đôi ngài bỏ ra, rồi treo những tờ giấy bản lên cao. Độ vài ngày thì đem xuống. Trứng bắt đầu nở thành tằm, trông như những con sâu rau bé xíu, mẹ tôi cẩn thận để vào chiếc dần, lót giấy bản ở dưới. Tay mẹ xếp một ít lá dâu bánh tẻ cuộn lại, dùng dao sắc thái ra những sợi dâu mảnh như sợi chỉ, rắc nhẹ lên số tằm mới nở…Cuộc đời con tằm ăn lá dâu xanh bắt đầu. Chỉ một loáng, chúng đã chén sạch số dâu ấy, còn trơ lại gân lá. Rồi cứ như thế tằm lớn lên. Vui nhất là lúc tằm ăn rỗi, lá dâu cứ xếp đều, ngồn ngộn lên từng nong tằm, chúng ăn rất khoẻ, rào rào như tiếng mưa xa. Khi tằm “chin” là lúc bận rộn nhất. Mẹ tôi chuẩn bị rơm khô, những chiếc né to tròn như chiếc nong, đan thưa mắt cáo. Mẹ cài rơm chắc chắn vào những mắt cáo, để trên sân gạch, bắt những con tằm chín vàng, rắc đều lên hai mặt né. Xong xuôi, mẹ cẩn thận treo lên giữa sân. Con tằm cũng lạ lắm, khi nhả tơ làm kén, chúng cũng tự vệ sinh cá nhân sạch sẽ, nghĩa là mọi cặn bã trong mình chúng tự đưa ra ngoài hết. Vài giờ sau, những tổ kén vàng hình thoi đã đầy đặn. Để như vậy vài hôm, mẹ tôi nhặt ra đầy những thúng lớn, thúng nhỏ…

“Một nong tằm bằng năm nong kén/ Một nong kén là chín nén tơ ”…Nghe câu hát mà lòng rưng rưng thương mẹ, suốt ngày bận rộn, lui cui bên bếp lửa kéo sợi, khỏi bếp cay nhoèn, mắt mờ, tay mỏi. Cuối chiều những nén tơ vàng như nắng, treo kín cả cây hóp dài đặt trước hiên nhà. Lớn lên đi xa, tôi hay bồi hồi nhớ về mùa tằm dâu, nhất là lúc tằm ăn rỗi, tiếng xa quay đều đều như tiếng mưa đêm rất gợi và buồn…

Giọng thầy Đoàn Trình trầm ấm, cắt ngang ý nghĩ của tôi. Thầy bảo. Gọi là làng cho ra vẻ bề thế, chứ thực ra đây là cơ sở nghiên cứu thực hành về dâu tằm  của thực dân Pháp, với 2 dãy nhà khiêm tốn, có 20 công nhân làm việc.

Xa xưa tơ lụa là mặt hàng xa xỉ, dành cho tầng lớp quý tộc. Liên quan đến tơ lụa là Con đường tơ lụa, thực chất là hành trình đi tìm sự giàu sang. Không ít tăm tối, khủng khiếp, chuyện rùng rợn về những tên lái buôn còn được truyền tụng đến giờ… Người Pháp nhận ra, rẻo đất phì nhiêu ven sông Lô xứ Tuyên này, cùng với khí hậu ôn hoà, rất tốt cho việc thí điểm trồng tuyển chọn, tìm ra loại dâu tằm tốt nhất, để nhân rộng ra toàn miền Bắc… Cách mạng Tháng Tám thành công chương trình tằm dâu của người Pháp đành bỏ dở…

Tôi hào hứng: Thầy ơi, làng quê Việt Nam mà mất đi luỹ tre, nương dâu, bến nước… thì buồn lắm!

Thầy nho nhã và lịch lãm: Đất nước đang dồn sức cho mục tiêu hiện đại hoá, công nghiệp hoá… mà vẫn giữ được bản sắc tốt đẹp của cha ông mình. Anh thấy không, người dân Nông Tiến đang giàu lên từ khi trồng đào, trồng hoa. Hoa Đào chẳng phải là cốt cách văn hoá tinh thần của dân ta đó sao!

Đã đi đến cuối đời người mà thầy vẫn còn khao khát, đau đáu vì quê hương. Từ ý kiến của thầy mà tôi nhận ra: Bây giờ người ta không chỉ phấn đấu ăn ngon mặc đẹp, mà còn biết thế nào là sang trọng, trong đó sắc hoa và trang thơ là biểu hiện cho sự thanh cao ấy.

Có người bạn công tác nước ngoài về kể với tôi rằng, một ly cà phê cho giới thượng lưu Mỹ giá 20 Đô la. Thấy tôi ngờ vực, anh giải thích: Chắc chắn rằng không chỉ là việc thưởng thức ly cà phê, mà chính là người ta bỏ tiền ra để mua sự sang trọng, kèm chút hiếu kỳ của ánh sáng, các kiểu ly, tiện nghi, phòng ốc….

Lại nói về hoa đào, cùng với triết lý tôn vinh cái đẹp. Người Việt Nam thưởng thức hoa đào không giống người Trung Quốc. Ở ta, hoa đào được đưa vào từng nhà, còn người Trung Quốc để hoa đào hoà nhập với thiên nhiên. Khi mùa xuân về, hoa đào nở là họ mở lễ hội, chơi xuân ngắm hoa. Mặc sức cho tao nhân mặc khách thong dong, các nghệ sĩ thì ngâm vịnh, làm thơ, phóng cọ…

Được tôn vinh là hoàng hậu của các loài hoa, đó chính là hoa đào còn cái sự thưởng hoa, chơi hoa mỗi nơi một khác. Có điều dân ta chơi đào sành nhất. Chỉ cần mua đứt một cây là chơi được trong nhiều năm. Gần tết họ gọi chủ vườn mang đến, qua xuân lại chuyển đào về cơ sở chăm sóc. Nếu chơi cành thì còn nguyên cái gốc, năm sau lại vươn nhánh, nảy búp. Không những vậy, trồng đào còn mang lại giá trị kinh tế cao. Cũng cùng một diện tích canh tác, nếu trồng đào cho thu nhập gấp 3, 4 lần trồng lúa. Do vậy, phát triển vùng trồng hoa ở Nông Tiến chính là cái nhìn, tư duy nhạy bén của người nông dân thời kỳ mới…

Làng hoa không chỉ dừng ở Nông Tiến. Nhiều nông dân Nông Tiến đã giàu lên từ trồng hoa, tạo dáng cây cảnh. Những năm gần đây nghề trồng hoa còn phát triển ở Tân Hà, Ỷ La (thị xã Tuyên Quang), ở Vĩnh Lợi (Sơn Dương).

Phải nói ngay rằng, không đâu có sự yên tĩnh, thanh khiết, tuyệt vời như ở giữa chốn ngàn hoa. Khi đã nhìn ngắm no say sắc hoa lộng lẫy của đào bích, đào phai và nhiều loài hoa khác. Ở cái thời khắc lắng sâu, như lời thơ của ai đó:” Người ánh lên hoa / Hoa ánh lên người..”. tôi tạm biệt vùng hoa Nông Tiến trở về, trong lòng thấy phấn chấn lạ thường. Khi đứng trên cây cầu lớn hiện đại nối đôi bờ thành phố, tôi gặp ngọn gió cuối chiều se lạnh từ phương Bắc tràn đến, làng chài hắt lửa xuống mặt sông loang loáng. Lúc này tôi thầm trách người bạn gái đã nỡ bỏ Tuyên Quang mà đi lấy chồng xứ khác. Trong tác phẩm: “Nghe mưa làng Tằm”, tôi đã gửi gắm: ”Ghềnh Giềng mùa nước cạn/ Sông Lô thành ca dao/ Em lấy chồng xứ khác/ Mắt còn vương mùa đào..”. Trách thì trách vậy, nhưng tôi vẫn mong em về giữa mùa đào để thấy sự giàu lên của người dân Nông Tiến quê mình.

Ý tưởng và cũng là khát vọng để Nông Tiến sớm trở thành một vùng hoa tầm cỡ, theo tôi là có cơ sở. Bởi kết quả của những năm qua, và hoa tươi, đồng nghĩa với cái đẹp, đã là nhu cầu của toàn xã hội, của mỗi người dân…

CAO XUÂN THÁI

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.