Nồng ấm cuộc giao lưu với hai sứ giả thi ca Hungary

Vanvn- Sáng ngày 4.2.2023, tại Hội trường Hội Nhà văn Việt Nam ở Hà Nội đã diễn ra Chương trình giao lưu giữa các nhà văn Việt Nam với hai nhà thơ Hungary: Attila F Balázs và Sándor Halmosi.

Đến tham dự, về phía lãnh đạo Hội Nhà văn Việt Nam có nhà thơ Nguyễn Quang Thiều – Chủ tịch, nhà thơ Trần Đăng Khoa – Phó Chủ tịch, các Ủy viên Ban Chấp hành Hội: nhà văn Khuất Quang Thụy – Tổng biên tập Báo Văn Nghệ, nhà thơ Phan Hoàng – Giám đốc-Chủ biên Vanvn.vn, nhà thơ Lương Ngọc An cùng đông đảo thành viên các hội đồng chuyên môn, nhà văn nhà thơ hội viên và các bạn yêu văn chương.

Về khách mời, ngoài hai nhà thơ Hungary là Attila F Balázs và Sándor Halmosi còn có ông Đặng Vũ Nhật Thăng – Phó Chủ tịch Hội Hữu nghị Việt Nam – Hungary.

Chủ tịch Nguyễn Quang Thiều và Phó Chủ tịch Trần Đăng Khoa tặng bằng khen hữu nghị và hoa cho hai nhà thơ Hungary: Attila F Balázs và Sándor Halmosi.

Nhà thơ Hungary Attila F Balázs hiện là Giám đốc Nhà xuất bản AB-ART, hội viên của các Hội Nhà văn Hungary, Rumania và Slovakia. Ông cũng là thành viên của Học viện Khoa học và nghệ thuật châu Âu tại Paris, Chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật Danube, được nhận hàng chục giải thưởng văn học quốc tế. Ông có 32 tập thơ và văn xuôi đã được xuất bản tại 18 quốc gia bằng 20 ngôn ngữ, ông đã dịch 32 cuốn sách.

Nhà thơ Sándor Halmosi là dịch giả văn học, nhà toán học, hội viên một số Hội Văn học Hungary và Rumania, trong đó có Câu lạc bộ Văn bút Hungary. Ông là Nhà sáng lập và Chủ tịch danh dự Hội Văn học nghệ thuật Echivox (Stuttgart, Đức), Nhà sáng lập và Giám đốc nghệ thuật, Giám đốc sáng tạo của Hội Văn hóa – Mỹ thuật và Di sản Csontváry.

Năm 2019, sau Hội nghị Quảng bá văn học Việt Nam lần IV, Hội Nhà văn Việt Nam và Nhà xuất bản AB Art của Hungary đã kết nối chặt chẽ với nhau trong việc dịch và xuất bản tác phẩm văn học của mỗi bên. Hai bên đã quy tụ những dịch giả và tác giả sẵn sàng có tác phẩm để dịch và dành thời gian cho việc dịch văn học. Họ không những là dịch giả, mà còn là những nhà thơ, nhà văn, chủ nhà xuất bản và Lãnh đạo Hội văn học nghệ thuật tại Hungary.

Đặc biệt, về phía Hungary có hai nhà thơ, nhà văn, dịch giả tiêu biểu, đó là Attila F Balázs và Sándor Halmosi. Trong ba năm qua, hai tác giả kiêm dịch giả và nhà xuất bản này đã dịch và xuất bản cho Việt Nam được 5 cuốn sách, trong đó có: Hợp tuyển thơ chiến tranh Việt Nam của 6 tác giả: Huy Cận, Giang Nam, Tố Hữu, Chế Lan Viên, Chính Hữu, Phạm Tiến Duật, Hữu Thỉnh; tập truyện ngắn “Trại bảy chú lùn” của Bảo Ninh, tập thơ “Bay trong mơ” của Trần Quang Đạo, tập thơ “Chất vấn thói quen” của Phan Hoàng.

Về phía Hội Nhà văn Việt Nam cũng đã xuất bản 4 đầu sách văn học Hungary. Đó là các tập thơ “Mười ngày 57” của Sándor Halmosi, do dịch giả Nguyễn Chí Hoan chuyển ngữ tiếng Việt; tập thơ “Xác thịt vô cảm” của Attila F Balázs, dịch giả Văn Minh Thiều chuyển ngữ tiếng Việt; tập thơ “Xương của nắng” của Sándor Halmosi, do dịch giả Phan Anh Sơn chuyển ngữ tiếng Việt; tập truyện ngắn “Sự biến hóa của Casanova” của Attila F Balázs do dịch giả Khánh Phương chuyển ngữ tiếng Việt.

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều phát biểu, dịch giả Phan Anh Sơn phiên dịch tiếng Hungary

Thay mặt Ban Chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam, Chủ tịch Nguyễn Quang Thiều bày tỏ niềm vui mừng khi có chuyến viếng thăm của hai nhà thơ Hungary nhân dịp đầu xuân khi Hội Nhà văn tổ chức Ngày thơ Việt Nam lần thứ 21. Sự kiện này sẽ bắt đầu mở ra cánh cửa rộng hơn nữa trong việc dịch thuật thi ca. Theo ông đây là bước khởi đầu để bắt đầu hành trình dài hơn trong hợp tác dịch thuật trao đổi văn chương giữa hai nước.

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều mong sẽ có những sự phối kết hợp thuận lợi hơn trong việc dịch thuật, có thời gian gặp gỡ riêng để bàn luận kỹ hơn, rõ hơn về sự hợp tác và phát triển văn học giữa hai đất nước Việt – Hung. Thay mặt các nhà văn, bạn đọc Việt Nam, ông xin nồng nhiệt đón chào sứ giả thi ca của đất nước Hungary và trao Bằng Hữu nghị cho hai nhà thơ!

Ông Đặng Vũ Nhật Thăng vui mừng khi nhận được giấy mời tham dự sự kiện này.

Hungary và Việt Nam đã trở thành bạn của nhau trong suốt 72 năm qua. Quan hệ song phương giữa hai nước đang phát triển rất tốt. Bên cạnh sự hợp tác kinh tế quan trọng, chúng ta đang có một sự hợp tác văn hóa, công nghệ và kết hợp văn hoá giáo dục hiệu quả. Với nỗ lực chung chúng ta thấy triển vọng tốt cho việc tăng cường giao lưu văn hoá. Hy vọng sẽ có giao lưu văn học nghệ thuật của 2 quốc gia phát triển văn học lên tầm cao mới.

Nhà thơ Trần Quang Đạo chia sẻ tại buổi gặp gỡ giao lưu: “Lần đầu tiên tôi đọc tập thơ của một tác giả nước ngoài trọn vẹn và kỹ càng – Đó là đọc tập Xương của nắng của Halmosi Sándor, nhà thơ người Hungary. Đây là một tác giả mới toanh đối với tôi, vì trước đó tôi chưa đọc bài thơ, tập thơ nào của ông, dù ông đã có một tập thơ in ở Nhà xuất bản Hội Nhà văn năm 2020. Và tập thơ này của ông như một bóng núi đổ xuống tấm lưng lạc đà của tôi trên con đường khám phá cái đẹp của ngôn từ, hình ảnh, khám phá vẻ đẹp của tư tưởng thơ… qua một tập thơ đến từ Hungary. Tôi đã khó nhọc nắm bắt và cắt nghĩa từng thi ảnh, từng ý tưởng, từng bài thơ và gộp lại cả tập thơ để nói lên cảm nhận của mình về tập thơ có cái tên rất “đánh đố”.

Quả thật thơ của Halmosi Sándor rất khó đọc. Nó càng khó đọc hơn khi phải chuyển ngữ, nghĩa là đã qua sự thẩm dịch của người dịch. Mà dịch thơ thì vô cùng khó khăn nan giải. Đặc biệt là thơ của Halmosi Sándor – một loại thơ phải nghĩ rồi mới cảm, từ cảm phải nghĩ tiếp mới mong tiếp nhận được.”

Dịch giả Mai Hòa 

Dịch giả Mai Hòa là người đam mê dịch thuật, khi được tiếp cận với  thơ ca, cô nhận thấy thơ là ngôn ngữ nghệ thuật khó, cô đọng, súc tích, đa nghĩa, ẩn dụ, nên việc chuyển ngữ chưa khi nào dễ dàng, luôn thách thức dịch giả, nhiều sự khác biệt như vần điệu, âm điệu, văn hóa, là việc khó, ngôn ngữ thơ ca khó, chuyển ngữ không dễ dàng, thách thức dịch giả, người viết thơ có cảm nhận, cách biểu đạt riêng, người đọc thơ cũng có những cảm xúc riêng, có những bối rối khi tiếp cận thơ Attila F Balázs.

Nhà thơ Trần Hùng có những cảm nhận đánh giá riêng của ông khi đọc tập thơ “Xác thịt vô cảm” của nhà thơ Attila F Balázs:

“Đọc Attila F Baláz thật khó, nhưng rồi như người bám theo một chiếc xe giữa xa lộ mịt mùng, tôi cố gắng bám theo từng chuyển động của chiếc xe. Có lúc chỉ phán đoán chắc là nó đấy, và cảm giác chỉ lơ là chút thôi, chiếc xe kia sẽ mất hút.”

“Cách ông diễn đạt về tình yêu thật đặc biệt. Có cảm giác mỗi câu mỗi chữ về tình yêu trong thơ ông đều đẹp đến phát khóc và thiêng liêng như một nghi lễ”.

Nhà thơ Balázs F. Attila – Chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật Danube phát biểu

Nhà thơ Hungary Attila F Balázs rất ấn tượng và yêu thích đất nước Việt Nam với khí hậu ấm áp, con người thân thiện. Ông có điều kiện gặp gỡ nhiều nhà thơ trên thế giới, nhưng ít có mối quan hệ với các nhà thơ Việt Nam. Ông muốn trong tương lai có sự hợp tác tốt đẹp, thuận lợi  từ phía Hội Nhà văn Việt Nam.

Hiện nay quan hệ xuất bản, dịch thuật, đã có bước khởi đầu tốt đẹp, Ông mong được giúp các nhà thơ Việt Nam có điều kiện tham gia nhiều hơn vào các liên hoan thơ quốc tế, ngoài dịch và xuất bản các tác phẩm của Việt Nam ra tiếng Hungary, ông còn có khả năng giúp các nhà thơ Việt Nam có thể xuất bản dịch thuật các tác phẩm của mình ra nhiều thứ tiếng trên thế giới như Ba Lan, Đức, Slovakia, Czech, Rumania.

Dịch giả Nguyễn Chí Hoan với bài viết cảm nhận của ông khi đọc những bài thơ của Sándor Halmosi: “Trong tập thơ này của ông biểu hiện một tự do tính mãnh liệt và lạ lùng. Một trong vài đặc điểm nổi trội của chúng là chúng thường không có những cái kết hồi ứng – cái kết “gói” lại một ý một “tứ” hàm ngụ trong tên bài thơ hay trong những khổ thơ mở đầu và phát triển. Hoặc sự hồi ứng bên trong mỗi bài thơ này vận hành theo liên hệ trừu tượng giữa các hình ảnh – một thứ “liên tưởng tự do” rất đặc sắc.

Giữa những hình ảnh trong thơ này, cái không gian thơ phương Đông gọi là “ý tại ngôn ngoại”, là những khoảng cho vận động của liên tưởng tự do. Cái chuyển vận đó, của thơ này, dường như luôn là cố gắng tìm đến, khám phá cái “bản thể” của “em”, của “tôi”, của cái sống phổ biến. Có thể vì vậy nên tự do là ứng xử và là con đường. Và chắc chắn, tự do là chính cái niềm hân thưởng mà những bài thơ này mang tới.

Đây là một thơ ca tin vào chính mình – không phải như một năng lực viết văn chương, mà đúng hơn như một năng lực của cái tự do tự tại.” (Bài viết gửi cuộc gặp gỡ nhà văn Hunggary)

Dịch giả văn học – nhà thơ Sándor Halmosi phát biểu

Thi sĩ Sándor Halmosi: Ấn tượng bởi đất nước với thiên nhiên tươi đẹp, giàu truyền thống lịch sử, văn hóa và đặc biệt là thơ ca và cuộc sống đầy tình cảm, ông quan nệm thơ ca là nhân cách của cuộc sống, là cách để ta sống sâu sắc nhất, thơ ca thể hiện ý nghĩa của bản thân cuộc sống. Và điều quan trọng không chỉ là chính cuộc sống, mà ở việc bạn cho phép mở rộng cánh cửa tâm hồn, để nhận thấy vẻ đẹp thực sự của cuộc sống này, những người yêu hoa bản thân người đó là một nhà thơ, ông hy vọng thế giới có sự kết nối, yêu thương nhau hơn qua con đường dịch thuật thi ca.

Nói về việc dịch và xuất bản thơ văn giữa hai nước, nhà thơ, dịch giả Sándor Halmosi từng chia sẻ ý nguyện rằng, trong 72 năm quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Hungary, đã có hơn 70 tác phẩm văn học được dịch giữa hai nước, và chỉ trong 5 năm trong giai đoạn mới này, chúng tôi sẽ góp phần nâng con số sách dịch giữa hai nước lên 80 cuốn.

Nhà thơ Trần Đăng Khoa phát biểu

Nhà thơ Trần Đăng Khoa có tập thơ “Con bướm vàng” đã xuất bản ở Hungary từ năm 1973, gửi lời chúc mừng đến các nhà thơ hai nước đã có những tác phẩm, giải thưởng được chuyển ngữ.

Ông mong muốn các tác phẩm được chuyển ngữ sẽ có sự tương tác của chính tác giả và người dịch, để hiểu chính xác nhất giá trị của tác phẩm. Nhà thơ và dịch giả phải như tấm gương cùng soi vào nhau, cùng lấp lánh sáng. Theo nhà thơ yếu tố quan trọng để dịch được một tác phẩm với cách tốt nhất là: Giỏi ngoại ngữ, giỏi tiếng Việt, và có tài thơ ca. Ông chia sẻ với nhà thơ nước bạn về sự phát triển thi ca của Việt Nam, một đất nước có truyền thống dịch thuật tốt, bản dịch hay, nhiều tác phẩm được thuộc làu như những câu dân ca, ca dao.

Nhà thơ Hungary Attila F Balázs trao Giải thưởng Art Danube cho nhà thơ Phan Hoàng

Cũng tại buổi gặp gỡ này nhà thơ Phan Hoàng được nhà thơ Hungary Attila F Balázs – Chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật Danube trao Giải thưởng Art Danube 2022. Ông bày tỏ sự xúc động khi được nhận giải, ông nghĩ rằng ở Việt Nam có nhiều nhà văn nhà thơ xứng đáng hơn, tác phẩm hay hơn, nhà thơ thấy đây là một điều may mắn đến với mình. Ông mong muốn có sự gắn kết chặt chẽ để thi ca được lan tỏa rộng  khắp với những bản dịch chất lượng, đầy tính nghệ thuật .

Các nhà văn Việt Nam và Hungary chụp hình lưu niệm 

Mỗi tác phẩm văn học được chuyển ngữ và giới thiệu ra nước ngoài, dù bằng ngôn ngữ nào đều là cầu nối văn học Việt Nam với các nền văn học khác. Mỗi tác phẩm được quảng bá sẽ được sống trong một nền văn hóa mới, ngôn ngữ mới, làm cho đời sống văn học sôi nổi hơn. Dịch giả văn học như những cây cầu, con thuyền chở văn chương, của dân tộc này đến dân tộc khác, để nâng cao sự thấu hiểu yêu thương để có những cuộc gặp gỡ đầy tình thương mến nên có những cuộc gặp gỡ này.

Xin cảm ơn tất cả, và chúc sức khỏe trong ngày đầu xuân.

KBH-GTB

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.