Nơi tro bụi về trời – Tản văn của Lưu Thành Tựu

Vanvn- Người đàn bà chồng bỏ neo nỗi buồn ở bến quê. Bến quê là hai đầu qua lại của chuyến đò ngang, bên này là chợ Thủ, bên kia là vùng lau sậy hoang hoải có căn nhà trống rỗng buồn tênh, nơi chứng kiến người chồng quày quả bỏ đi theo người đàn bà khác, chứng kiến đứa con ngặt ngoẹo đau ốm liên miên chờ thuốc thang có được bằng những chuyến đò ngang nối qua chợ Thủ. Rồi cây cầu cũng được bắc qua, chuyến đò ngang không còn lữ khách nhưng người đàn bà chồng bỏ vẫn qua lại hai đầu như một thói quen, chỉ có điều thân đò quạnh hiu lau lách, mái dầm rũ rượi chao nghiêng, bến đò chợ Thủ ai phủ một màu cô đơn vàng vọt.

Nhà văn Lưu Thành Tựu ở Bình Dương

Rồi bẵng đi một thời gian dài, người đàn bà chồng bỏ ngày xưa trở nên luống tuổi. Bà vẫn lặng lẽ ở bến quê như bãi bồi chung thủy với dòng sông, chung thủy chờ chồng về cội trong một ngày lá rụng. Đứa con gái duy nhất được bà chăm lo nuôi nấng trong những ngày sấp ngửa nắng mưa nay đã theo chồng đi xứ khác. Bây giờ chiếc xuồng ba lá trang trọng đặt để trong nhà như vật kỷ niệm, thay nó là chiếc ghe máy đã theo bà ra sông chừng mấy năm nay. Thỉnh thoảng ngang qua chợ Thủ, có dịp nhìn phía dòng sông, người ta thấy dưới gốc sầu đâu có người đàn bà luống tuổi hay nhìn bâng quơ chờ đợi, mép bên là chiếc ghe máy sẵn sàng ra sông để làm những điều linh thiêng đem tro bụi về trời.

Cứ vào buổi chiều, có vài người tìm đến bờ sông với tâm trạng thẫn thờ u ám, họ chuyền tay nâng niu báu vật linh thiêng được gói ghém bao bộc trong cái lọ sứ thì người đàn bà luống tuổi chuẩn bị ra sông, chuẩn bị vật dụng cần thiết làm thủ tục tống tiễn một linh hồn. Có những vong linh chung thủy với dòng sông từ lúc chào đời đến ngày tạ thế, có vong linh gia cảnh khó khăn không đủ tiền an táng chọn giải pháp hỏa thiêu, có vong linh xa xứ quay về cố hương theo lời trăng trối sau cùng… tất cả những tâm linh ấy, người đàn bà luống tuổi đều đưa họ ra sông, đưa người thân của họ ra sông để rải tro bụi lên trời. Khi tro bụi quăng ra, khúc sông cũng buồn man mác, con nước lững lờ trôi, một vài ngọn gió thoáng qua cuốn theo tro bụi lên cao rồi sau đó lặng lẽ về trời.

Hơn 10 năm qua, người đàn bà luống tuổi không nhớ nổi mình chuyên chở bao nhiêu tro bụi ra sông, chỉ nhớ số lần ra sông ngày càng nhiều hơn vì một phần đất đai đắc đỏ cho nấm mồ cỏn con, phần còn lại do người ra đi không muốn người thân vướng víu lo toan mả mồ và suốt ngày nhang khói, bởi nhang khói bao giờ cũng buồn. Cũng ngần ấy thời gian, người đàn bà luống tuổi chứng kiến biết bao nỗi buồn, đời mình buồn mà công việc càng buồn hơn, chứng kiến bao người ủ dột ra sông, ủ dột quay lại bến đò trong ngẩn ngơ hồn phách, thậm chí họ quên trả công cho người đàn bà đã đưa họ ra sông. Lâu rồi thành quen, bà ra sông với tấm lòng tùy tâm và thiện nguyện.

Tranh của họa sĩ Nguyễn Khôi

Rồi một ngày cuối thu, có chiếc ô tô dừng lại bên sông mang biển số từ một vùng sông nước. Xuống xe là một góa phụ tóc tai lòa xòa, buông xõa trong nắng chiều tàn tạ của dung nhan, bên cạnh là cậu con trai trạc tuổi mười lăm, lúc nào cũng ôm ba lô trước ngực. Thoạt nhìn, người đàn bà luống tuổi đoán chắc họ từ xa đến và tro bụi kia cần chi tìm đến nơi này?. Nhưng đối diện nỗi đau, chỉ cần nhìn nhau ấm áp, câu hỏi đặt ra lúc này đều suồng sã vô duyên. Khi ghe ra giữa dòng, người đàn bà luống tuổi tắt máy đến gần lo thủ tục nhang khói giúp hai mẹ con. Lúc nhìn thấy di ảnh lấy ra từ trong ba lô, người đàn bà luống tuổi ngỡ ngàng tím tái, cơn lốc hư ảo của quá khứ đau thương ùa về. Di ảnh nhìn về phía bà, đôi mắt của người trong ảnh thân thuộc mà không lẫn vào ai vì chính đôi mắt này, đêm đêm đã từng len lỏi vào những giấc mơ của bà. Bất chợt, người đàn bà góa phụ quỵ xuống, tóc tai buông xõa bung xòe:

– Lạy chị! Em ích kỷ quá. Ngần ấy thời gian mà không cho anh về. Nay em đưa anh về theo ước nguyện trước đây…

Sau đó người đàn bà luống tuổi phút chốc man dại ngẩn ngơ mà không biết làm gì. Mà nếu làm được gì, bà sẽ gọi con gái chạy về để kịp ra sông, kịp nhìn ra hình hài gói gọn thu nhỏ trong nắm tro tàn. Lạ là oán hận trước đây biến mất. Bà cũng không hỏi anh ấy đã sống ở đâu, làm gì, tại sao lại chết… bởi tất cả điều đó còn có nghĩa gì. Chỉ nhớ rằng chiều hôm ấy dòng sông chợ Thủ buồn da diết, bến đò chợ Thủ ai phủ một màu tang thương. Bữa đó, hai người đàn bà thay nhau chia lọ tro cốt rải trắng một khúc sông. Khi tro bụi quăng ra, gió đâu cuồn cuộn kéo về hất tung tro bụi lên cao hòa vào mây trắng. Nơi gốc sầu đâu, có chiếc lá rụng bay bay trong gió rồi bất ngờ về cội – nơi có người đàn bà luống tuổi thường ngồi.

Gần như quãng đời còn lại, bà để nỗi buồn neo đậu ở bến quê.

LƯU THÀNH TỰU

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *