Nỗi buồn Bảo Ninh – Kỳ 3

 Vanvn- Tác giả Bảo Ninh không can thiệp và không có khả năng can thiệp vào dự án dịch Nỗi buồn chiến tranh đầy phức tạp này. Về cơ bản, độc giả Việt Nam và độc giả quốc tế đang đọc hai cuốn sách khác nhau. Giờ đây Bảo Ninh đã biết những vấn đề của The Sorrow of War, liệu ta có thể trông chờ một bản dịch lại bám sát nguyên tác và trả tác phẩm về với đúng nội dung của nó?

Nhà văn Bảo Ninh

>> Nỗi buồn Bảo Ninh – Kỳ 1

>> Nỗi buồn Bảo Ninh – Kỳ 2

Đôi khi những câu từ được thêm vào lại mâu thuẫn với nội dung. Ví dụ, nói về việc thu nhặt hài cốt tử sĩ của Kiên, Bảo Ninh viết:

Sau những nhát xẻng, đáy huyệt tối tăm lộ ra và làn hơi thở cuối cùng của người đã khuất phủ lên, nhập vào Kiên. Theo dần năm tháng những luồng sinh khí chết ấy đã đậm lại trong lòng anh, hoà vào tiềm thức trở thành bóng tối của tâm hồn anh. (Ninh 30)

Palmos viết lại:

After some final touches with the shovel their graves would be done, their remains laid out. Then with their final breath their souls were released, flying upwards, free. The uprush of so many souls penetrated Kien’s mind, ate into his consciousness, becoming a dark shadow overhanging his own soul. Over a long period, over many, many graves, the souls of the beloved dead silently and gloomily dragged the sorrow of war into his life. (Palmos 25)

Sau vài nhát xẻng cuối cùng huyệt mộ của họ sẽ xong, hài cốt lộ ra. Rồi với làn hơi thở cuối cùng linh hồn họ được giải thoát, bay lên, tự do. Quá nhiều linh hồn bay lên như vậy nhập vào tâm trí Kiên, ăn vào ý thức anh, trở thành bóng tối đè lên chính linh hồn anh. Theo dần năm tháng, qua rất nhiều, rất nhiều huyệt mộ, linh hồn của những người chết dấu yêu lẳng lặng và u rầu kéo nỗi buồn chiến tranh vào cuộc đời anh.

Nếu linh hồn các tử sĩ được giải thoát và tự do, sao chúng còn có thể nhập vào Kiên và trở thành bóng tối trong anh? Đây là một chi tiết bịa vô lý. Ngoài ra, sử dụng cụm từ “người chết dấu yêu” (từ gốc: “the beloved dead”) thừa thãi và tạo một nghịch lý không cần thiết; mang danh người yêu dấu mà lại tha lôi vào đời anh nỗi buồn và bóng tối.

Các dữ kiện lịch sử cũng được Palmos thêm vào vô tội vạ. Ví dụ, Bảo Ninh viết:

Và lạ lùng là anh lại rất nhớ người chồng sau của mẹ, một nhà thơ tiền chiến đã ẩn danh và đã về già. (Ninh 73)

Palmos viết lại:

His mother’s second husband was a prewar poet who had gone into hiding to escape the anti-intellectual atmosphere of the state ideologies that came with Communism. (Palmos 57)

Chồng thứ hai của mẹ anh là một nhà thơ tiền chiến đã ở ẩn để trốn tránh không khí chống trí thức của hệ tư tưởng nhà nước song hành cùng với Chủ nghĩa Cộng sản.

Hay như, một cách kỳ diệu, trong bản gốc của Bảo Ninh, cái tên Pol Pot chưa bao giờ được xuất hiện, thì Palmos lại bày ra trong bản dịch, không những tên, mà còn các sự kiện gắn liền:

Ở ngoài phố, trên tàu điện, trên xe buýt, trước các quầy hàng, trong công sở, trong tiệm cắt tóc và cả những nơi bàn trà, quán nhậu thiên hạ mê mải với rặt những tin thời sự súng đạn. Có cảm giác là ngay cả những cặp ôm nhau bên Hồ Tây trong gió mưa rét mướt cũng không khỏi thủ thỉ sự tình hai biên giới. (Ninh 93)

Palmos viết:

In the streets, on the trains, in offices, in shops, in teahouses and beer gardens, the talk once more was of fighting and weapons. Passionate discussions on the situation on the northern border, with China threatening to invade because of their humiliation in losing Pol Pot, removed from power in Cambodia by the glorious Vietnamese Army. (Palmos 75)

Ở ngoài phố, trên tàu điện, trong công sở, trong các quầy hàng, ở phòng trà và quán nhậu, câu chuyện một lần nữa lại quay về đánh nhau và súng đạn. Những thảo luận sôi nổi về tình hình biên giới phía bắc, với Trung Quốc đe doạ xâm lược vì sự nhục nhã khi để mất Pol Pot, bị tước mất quyền lực ở Campuchia bởi Quân đội Việt Nam quang vinh.

Có thêm thì cũng có cắt bỏ và viết lại. Bảo Ninh viết:

Vùng này là vùng Kiên thông thuộc. Chính là ở đây vào cuối mùa khô năm 69, mùa khô cực kỳ cùng khốn của toàn cõi B3, tiểu đoàn 27 độc lập, cái tiểu đoàn bất hạnh mà anh là một trong mười người may mắn còn được sống, đã bị bao vây rồi tiêu diệt mất hoàn toàn phiên hiệu. Một trận đánh ghê rợn, độc ác bạo tàn… (Ninh 7)

Palmos viết lại:

Kien knows the area well. It was here, at the end of the dry season of 1969, that his 27th Battalion was surrounded and almost totally wiped out. Ten men survived from the Lost Battalion after fierce, horrible, barbarous fighting. (Palmos 4, 5)

Kiên thông thuộc vùng này. Chính ở đây, vào cuối mùa khô năm 1969, tiểu đoàn 27 bị bao vây và gần như hoàn toàn bị tiêu diệt. Mười người sống sót từ tiểu đoàn bất hạnh sau trận đánh ghê rợn, độc ác, bạo tàn.

Palmos đã cắt đi một chi tiết quan trọng: Kiên “là một trong mười người may mắn được sống.” Dẫu rằng nếu đọc kỹ, người đọc hoàn toàn có thể móc nối thông tin về mười người sống sót và trường đoạn miêu tả Kiên lê thân người bê bết máu sau trận đánh cuối cùng của tiểu đoàn 27 để hiểu rằng anh là một trong mười người ấy, chi tiết bị Palmos cắt đi lại là chi tiết có sức nặng nhất trong cả đoạn. Sự trớ trêu nằm ở hai từ trái nghĩa “bất hạnh” và “may mắn” – còn sống là còn mang theo nỗi đau dai dẳng và gánh vác nhiệm vụ phải tiếp tục giết chóc, vậy anh có thật sự là người may mắn không?

Độc giả chắc hẳn còn nhớ bông hồng ma, một loại hoa thuốc phiện mọc đầy ở truông Gọi Hồn mà Bảo Ninh tả là “nom từa tựa cây tầm xuân nhưng nhỏ hơn, nở dày hơn, cây hoa thường mọc tràn sát các mép suối” (Ninh 15). Hồng ma không phải tên khoa học cũng không phải tên thường gọi của loài hoa thuốc phiện này, mà chỉ là tên tác giả đặt cho cái thứ “hoa quỷ hoa ma” (Ninh 15). Sang tới bản tiếng Anh, Palmos cắt bỏ câu so sánh trên giữa hồng ma và tầm xuân và dùng luôn danh pháp khoa học của tầm xuân là rosa canina để gọi tên loài hoa thuốc phiện này. Ngặt một nỗi, tầm xuân là một loài hoa bình thường không hề gây ảo giác!

Bảo Ninh viết:

Trạng thái mụ mẫm do khói hồng ma đã từ lán trinh sát lây lan khắp trung đoàn. Đến nỗi khi có lệnh của chính uỷ nghiêm cấm sử dụng hồng ma thì khắp Gọi Hồn loài hoa này đã bị lính ta săn lùng, đào xới, nhổ hái tới tiệt giống. (Ninh 17)

Palmos viết lại:

The lethargy brought on by rosa canina spread from Kien’s scout-platoon huts through the entire regiment. It wasn’t long before the political commissar ordered the units to stop using rosa canina, declaring it a banned substance.

The commissar then ordered troops to track down all the plants and cut all the blooms, then uproot all the trees throughout the Screaming Souls area to ensure they’d grow no more. (Palmos 13)

Trạng thái mụ mẫm do tầm xuân gây ra đã lan từ lán trinh sát của Kiên ra khắp trung đoàn. Không lâu sau chính uỷ yêu cầu đơn vị ngưng sử dụng tầm xuân, tuyên bố đó là chất cấm.

Sau đó chính uỷ ra lệnh quân đội săn lùng tất cả các cây và cắt hết hoa, rồi nhổ sạch cây quanh truông Gọi Hồn để chắc rằng chúng không mọc nữa.

Nghĩa của câu cuối đã hoàn toàn bị thay đổi. Kết quả cuối cùng vẫn là hồng ma bị nhổ tới tiệt giống, nhưng là vì lính tráng nghiện ngập thèm thuồng nên nhổ để hút xách với nhau trước khi chính uỷ có lệnh, chứ không phải vì chính uỷ ra lệnh phải nhổ hết để đề phòng những cơn mê lú.

Khi Kiên nhận thư mẹ Can gửi sau khi Can đào ngũ và xác được tìm thấy trong rừng, Bảo Ninh viết:

Kiên đọc đi đọc lại. Tờ thư run lật phật, nhoà trong mắt anh. Can chết rồi còn đâu. Bữa đó vệ binh chỉ lượm được xác. Cái xác lở loét, ốm o như xác nhái bị dòng lũ xô tấp lên một bãi lau lầy lụa. Mặt của xác chết bị quạ rỉa, miệng nhét đầy bùn và lá mục, nom cực kỳ tởm. Và thối quá thể là thối, cái thằng bê quay chết tiệt ấy, người lính vệ binh đã tự tay chôn Can kể lại với đám trinh sát. “Hai cái hố mắt của nó trông như hai cái tăng xê, mà chưa chó gì đã mọc rêu xanh lè, rõ ghê!”, nói rồi hắn nhổ toẹt. (Ninh 29)

Palmos viết lại:

Kien read and reread the letter. His hands trembled, tears blurred his eyes. Can was no more. The military police had found his rotten corpse. Only his skeleton was complete, like that of a frog thrown into a mud patch. Crows had pecked away Can’s face; his mouth was full of mud and rotting leaves.

“That damned turncoat, he really stank,” said the military policeman who had buried Can.

His eye-sockets were hollow, like trenches. In that short time moss and slime had already grown over him. The MP gagged, spitting at the memory. (Palmos 24)

Kiên đọc đi đọc lại lá thư. Tay anh run rẩy, lệ nhoà đôi mắt. Can không còn nữa. Vệ binh đã tìm được cái xác thối rữa của anh. Chỉ còn bộ xương nguyên vẹn, như xương con nhái bị dạt lên vũng bùn. Quạ đã rỉa mặt Can; miệng nhét đầy bùn và lá mục.

“Thằng phản bội chết tiệt ấy, thối đinh lên được,” tên lính vệ binh đã chôn Can nói.

Hốc mắt của anh trống rỗng, như hào. Trong thời gian ngắn ngủi ấy rêu và bùn đã mọc đầy người anh. Tên lính nôn ọe, khạc nhổ khi nhớ lại.

Chi tiết bộ xương được thêm vào trong phép so sánh với con nhái khá cồng kềnh và vô lý; trong bản gốc Bảo Ninh so sánh tương đương xác người với xác nhái. Câu người lính thốt ra được để trong ngoặc không phải là câu chê cái xác thối, mà là câu tả hai hố mắt của Can.

Một trường đoạn mà Palmos viết lại đặc biệt nhiều là trường đoạn miêu tả mối quan hệ giữa lính trong đơn vị anh và ba cô gái trong khu trại tăng gia của huyện đội 67. Trong đêm đầu tiên Kiên nhìn thấy sự khác thường, Bảo Ninh viết:

Thình lình, Kiên cứng người, dừng phắt lại. Trong một giây, tim ngừng đập. Dưới làn chớp làm quắc sáng cả đám lau bà ven suối, Kiên nhìn thấy lồ lộ trong nháy mắt một người con gái đang đi chếch qua trước mặt anh. Cô ta ở trần, Kiên nhớ rõ như thế, da dẻ loáng sáng lên như nước sông, mái tóc xoã, quấn vào lưng và đùi.

– Ai, đứng lại? – Kiên thét lên và bước né sang bên, lên súng – Năm? (Ninh 33)

Palmos viết lại:

Walking slowly back, he sensed a movement and stopped, stiffening to stay still and alert. He could hear his own heart come almost to a standstill. In the reflection of the stream he saw a lovely young girl. Her midriff was bare, her skin shone like the light dancing on the water, her hair, long and flowing, hung down on her thighs. She walked slowly out of his vision, leaving her reflection dancing among the reeds along the bank.

Kien stared after her into the jungle, then shook himself free of the vision and shouted out, “Stop! Who’s there?” He stepped forward with his hand on the trigger. “Code Five!” (Palmos 27)

Chầm chậm trở về, anh cảm thấy có ai cử động và dừng lại, cứng người cảnh giác. Anh gần như nghe thấy tim mình ngừng đập. Trong ánh phản chiếu của dòng suối anh nhìn thấy một người con gái trẻ xinh xắn. Bụng cô để trần, da loáng lên như ánh sáng nhảy múa trên sông, tóc cô, dài và xổ tung, xoã xuống trên hai đùi. Cô chầm chậm bước ra từ ảo ảnh của anh, để lại ánh phản chiếu nhảy múa trên đám cỏ dọc bờ sông.

Kiên nhìn theo cô đi vào trong rừng, rồi giật mình tỉnh ra khỏi ảo ảnh và hét, “Đứng lại! Ai đó?” Anh tiến lên một bước và đặt tay lên cò súng. “Năm!”

Cấu trúc câu ngắn với nhịp ngắt nhanh tạo cảm giác hồi hộp và giật gân, điều mà Palmos không có với cấu trúc câu dài nhịp thoải. Palmos thêm thắt chi tiết cô gái “chầm chậm bước ra khỏi ảo ảnh” của Kiên, chơi chữ với từ “vision” vừa có nghĩa là tầm nhìn vừa có nghĩa là ảo tượng, ngụ ý rằng cô gái không có thật mà chỉ nằm trong tưởng tượng của Kiên. Ý này mâu thuẫn với mạch truyện phía sau, khi Kiên phát hiện ra không chỉ có một mà có tới ba cô gái. Bảo Ninh viết:

Dĩ nhiên Kiên biết không phải là cả phân đội, cả mười ba người, song anh thừa biết không phải chỉ có ba cái bóng nhất định nào đấy trong bấy nhiêu đêm đã thường xuyên đi và về trên con đường hiểm trở dẫn sang bên kia núi, mặc dù ở bên đó, Kiên biết, dưới cái lũng âm u, hoang vắng nọ, trong khu trại tăng gia của huyện đội 67 đã nhiều năm bị bỏ quên bên bờ thác nước ấy chỉ có mỗi ba cô gái, chỉ ba cô mà thôi đang sống và đang hàng đêm chờ đợi, mong ngóng bước chân người lai vãng. (Ninh 36)

Palmos viết lại:

Not the entire platoon of thirteen were involved. Three regulars, he was certain, made the dangerous journey at night to the dark mountain through a wild, gloomy valley. He now recalled there had been a prosperous farm there by a waterfall, before the war had spread inland.

The farmhouse had been abandoned, then commandered by the district military officers as their headquarters, then abandoned again many years ago. There had been three very young girls from the original farming family. It dawned on him that the girls, who would now be in their late teens, had returned home despite the family’s vulnerability. (Palmos 29)

Không phải cả phân đội mười ba người đều tham gia. Ba khách quen, anh chắc chắn, di chuyển qua con đường nguy hiểm trong đêm đến con núi tối thẫm qua thung lũng hoang vắng âm u. Giờ anh nhớ ra bên cạnh thác đã từng có một trang trại phát đạt, trước khi chiến tranh tràn vào làng xóm.

Nông trại đã bị bỏ hoang, rồi được sử dụng làm đại bản doanh của huyện đội, rồi lại bị bỏ hoang nhiều năm trước. Có ba cô gái rất trẻ từ gia đình nông dân ban đầu ở đó. Anh chợt nhận ra rằng các cô gái, giờ đã hết tuổi thiếu niên, đã trở về nhà bất chấp sự nguy hiểm của trang trại.

“Không chỉ có ba cái bóng nhất định” bị Palmos đọc sai thành “ba khách quen” (từ gốc: “three regulars”), “khu trại tăng gia” biến thành “trang trại phát đạt” trước khi trở thành “đại bản doanh của huyện đội,” còn ba cô gái trẻ ở đó được Palmos tặng cho sợi chỉ ruột thịt và một câu chuyện “đi để trở về” đầy bi đát. Palmos tiếp tục viết lại cả trường đoạn độc thoại nội tâm của Kiên sau đó; bản gốc của Bảo Ninh:

Biết hết, và vì thế, lý ra là chỉ huy, anh cần ngăn chặn hiện tượng vô kỷ luật quá quẩn này, cần phải, như người ta thường nói, uốn nắn, chấn chỉnh, lập lại nề nếp khuôn khổ, đạo đức tác phong, cần phải thẳng tay kéo đội viên của mình thoát khỏi tình trạng mê mẩn chẳng khác nào bị chài ếm, cần phải… Song trái tim, trái tim của anh, trái tim thực thụ của người lính chiến không đời nào cho phép anh ra tay hành động như vậy. Không những nó năn nỉ anh mà trái tim anh nó buộc anh phải im lặng, buộc anh phải hết lòng cảm thông. Chứ còn biết làm thế nào khác được, thực thế trước tiếng gọi man sơ, hoang dã ấy của tuổi thanh xuân?

Hồi đó chỉ trừ anh và Can, còn cả đội trinh sát đều ở dưới tuổi đôi mươi, cho nên thử hỏi rằng… thực thế thử hỏi rằng… (Ninh 36, 37)

Bản viết lại của Palmos:

Kien felt he now knew what was happening and that he understood their feelings. Which is why, as a commander, instead of stopping the undisciplined and dangerous liaisons, he did nothing. He recalled the standing orders from the political commissar: “It is necessary to readjust, rectify, and re-establish the rules, the morals and behavior of your men, when there are breaches.” Of course that would have meant pulling the soldiers out, snapping them out of their romantic spell. Kien’s heart would never allow him to truly discipline those boys. It begged him to keep silent and sympathize with the young lovers. What else could they do? They were powerless against the frenzied forces of young love which now controlled their bodies.

At the time Kien felt old. Only he and Can were over twenty. All the others were still teenagers, still boys. (Palmos 29, 30)

Kiên cảm thấy giờ đây anh biết chuyện gì đang xảy ra và anh hiểu cảm xúc của họ. Đó là lý do tại sao, là chỉ huy, thay vì ngăn chặn những mối quan hệ bất chính nguy hiểm và thiếu kỷ cương đó, anh không làm gì. Anh nhớ lại mệnh lệnh từ chính uỷ: “Cần thiết phải chấn chỉnh, uốn nắn, và lập lại nề nếp, đạo đức và tác phong của quân mình, khi có sai phạm.” Đương nhiên điều đó có nghĩa là phải kéo đội viên mình ra, giúp họ thoát khỏi tình trạng mê mẩn. Trái tim Kiên sẽ không bao giờ cho phép anh thực sự kỷ luật những anh chàng ấy. Nó năn nỉ anh giữ im lặng và đồng cảm với những tình nhân trẻ tuổi. Họ có thể làm thế nào khác được? Họ bất lực trước sức mạnh hoang dã của tình yêu thanh xuân mà giờ đây đang kiểm soát cơ thể họ.

Hồi đó Kiên thấy già. Chỉ có anh và Can là trên hai mươi. Còn lại tất cả đều còn niên thiếu, đều là trai trẻ.

Trong khi hai câu đầu của đoạn được Palmos viết thêm vào, câu mệnh lệnh từ chính uỷ được ngẫu nhiên cho vào ngoặc kép. “Chính uỷ” còn không có trong bản gốc; suy nghĩ ấy là từ “người ta,” tức không phải một chỉ đạo cụ thể rõ ràng, mà là kiến thức chung, lẽ thường tình, ai cũng biết Kiên phải uốn nắn lại đội viên nhưng anh chọn không làm như vậy.

Tiếp, Bảo Ninh viết, khi Kiên nhớ về Phương trong đêm mà đồng đội anh đi sang núi:

“Hai đứa mình có khi chết đi vẫn còn trong trắng… Vậy mà chúng mình yêu nhau biết là dường nào…”, những lời ấy của Phương văng vẳng làm tim anh thắt đau. Mới mười bảy tuổi, thuở đó cả hai đứa còn biết chừng nào là vụng dại. Giá như… “Nhưng hãy nghĩ nhanh đến một cái gì khác đi, hãy nghĩ đến một cái gì khác!” – Tâm tưởng anh thổn thức kêu lên.

Lúc anh tỉnh giấc và nghe tiếng chân của các bạn mình từ bên kia núi trở về thì ngoài vòm rừng trời đã ửng sáng. Trong lán của bọn anh, ngoài mùi thơm của hồng ma còn thoang thoảng, là lạ một làn hương ngây ngây, dìu dịu, không có thật và không đàn ông, không lính tráng một chút nào, vương vấn mơ hồ, u uẩn trên tóc, trên áo, trong gió… (Ninh 37, 38)

Palmos viết lại:

“We two may die as virgins, our love is so pure. We ache for each other, unable to be together,” Phuong would say, causing their seventeen-year-old hearts nearly to break.

In his dream he knew that he was dreaming and he would writhe, trying to change the images, trying to get away from the pain and desolation he suffered from knowing it was all a dream.

When he awoke he heard the young men’s footsteps from far away. Now he head no need to await their return. He could tell long before. In their hut, along with the gentle perfume of dope, there was now a new fragrance, distinctly soft, tender and ethereal, which lingered vaguely in the wind. (Palmos 30)

“Hai ta có lẽ chết đi còn trong trắng, tình yêu ta thật thuần khiết. Chúng ta đau đớn vì nhau, không thể ở bên nhau,” Phương nói, khiến trái tim mười bảy tuổi của họ gần như vỡ vụn.

Trong giấc mơ anh biết rằng anh đang mơ và anh sẽ quằn quại, cố gắng thay đổi hình ảnh, cố gắng thoát khỏi cơn đau và nỗi phiền muộn anh phải chịu đựng vì biết đó là một giấc mơ.

Khi tỉnh dậy anh nghe tiếng chân của các chàng trai trẻ từ đằng xa. Giờ đây anh không cần phải đợi họ trở về nữa. Anh có thể đoán được từ sớm. Trong lán của họ, cùng với hương thuốc phiện thoang thoảng, giờ đây có một hương thơm mới, đặc biệt mềm mại, dìu dịu và siêu thực, vương vấn mơ hồ trong gió.

Thứ nhất, lời nói của Phương vọng lại từ ký ức năm hai người mười bảy tuổi, không phải là trong giấc mơ Kiên tưởng tượng ra, và lời nói ấy khi nhớ lại khiến Kiên của đêm hôm đó thay vì Kiên của năm mười bảy tuổi đau xót; Kiên của năm mười bảy tuổi chỉ biết ngây ngô và hùng hục ra chiến trường mà chưa biết trân trọng người con gái ở bên. Giọng nói trong tâm tưởng của Kiên bị lược bỏ, thay bằng một miêu tả mơ hồ “trong mơ anh biết rằng anh đang mơ.”

Thứ hai, trước đó có chi tiết Kiên nghe ngóng và thở phào khi cả bọn đã trở về, tuy nhiên không có chi tiết anh đoán được các bạn đã về mà không cần phải đợi. Thứ ba, Palmos lược bỏ một số cụm tính từ miêu tả làn hương, bao gồm “không đàn ông,” “không lính tráng một chút nào,” “u uẩn trên tóc, trên áo.” Trong khi “không đàn ông” và “không lính tráng” là hai cụm từ đắt và giàu sức gợi để nhấn mạnh rằng hương thơm lạ ấy là của những cô gái thường dân, không nhúng chàm vào đời giết chóc, và tách biệt rõ ràng với mùi đàn ông lính tráng của đội trinh sát, thì tính từ “u uẩn” có hai lớp nghĩa. Một là, nó ám chỉ thực tại chiến tranh đau buồn; hai là, nó báo hiệu trước một kết cục bi thương sẽ đến với những cô gái. Không phải là một mùi hương vui vẻ hay quấn quít của sức trẻ, mà lại là một mùi hương mơ hồ và u uẩn của hiện thực ảm đạm và định mệnh điêu linh.

Khi Kiên và đồng đội tìm đến căn nhà nhỏ mà không thấy ba cô gái, Bảo Ninh viết:

– Bọn thám báo… Bọn thám báo…, đúng chúng rồi anh Kiên ơi… – Thịnh bước tới bên Kiên thì thầm nói, giọng run và khản đi.

Trên đầu họ mái tôn rền rĩ, bần bật rung, những cánh tre đằng ngà cào vào vách liếp. Kiên nặng nề thở dốc, môi mím chặt.

– Sáng nay các cậu nghe thấy gì không?

– Không, có nghe thấy gì đâu!

Thế nhưng, chuyện gì đã xảy ra? Và bằng cách nào mà hồi sáng các bạn anh lại cảm thấy được tín hiệu của một tai hoạ xảy ra âm thầm ở tận bên này núi? Hoàn toàn không có triệu chứng nguy hiểm, tuyệt nhiên không một điềm gở. Đêm qua các bạn anh đã vui thú ở đây. Vả chăng làm thế nào mà lường nổi. Bởi vì dù sao cũng là giữa vùng hậu cứ xa cách tiền duyên hàng ngày đường, dù sao cũng là nhà các cô gái, và dù sao cũng là năm 1974, chứ phải đâu còn là thời xa xưa tăm tối của chiến trường, thời sau Mậu Thân, những năm 68, 69 ấy nữa?

– Sao biết là thám báo?

– Có dấu giày ở khu sau nhà kho. Và đầu mẩu Rubi.

– Hồi sáng các cậu bị điều gì đánh động?

– Chả có gì. Nhưng vì tự dưng tất cả đều nóng ruột không chịu được.

– Mãi đến giờ các cậu mới hở chuyện cho tớ. Thật là các chiến hữu quý hoá. Thế ai đã sục tìm ngoài rẫy chưa?

– Rồi. Chả thấy tăm dạng gì.

– Tăm dạng đây này! – Kiên nói, chỉ xuống nền nhà tắm. (Ninh 42, 43)

Palmos viết lại:

“The commandos! The commandos, they did it,” someone howled.

“Oh, Kien,” said Thinh in a whisper, his voice hoarse and trembling.

Beyond them the bamboo branches scratched eerily against the bamboo walls. Kien sighed, tightening his lips.

“Did you hear anything this morning?” he asked.

“No. Nothing,” they replied.

Kien tried to put the picture together. So, what had happened? These young men had been here with the girls last night, enjoying themselves.

This was 1974, not the dark times of 1968 and 1969, the worst years of the war. This was now a day’s walk to the front line. Yet this morning the young lovers in the platoon had sensed something wrong. They had persuaded Kien to take a look. Kien now agreed their hunch had been right.

“How do you know they’re commandos?” Kien asked, aware that whoever the visitors had been, they were still alive, and not far away.

“We found a Rubi cigarette-end. And footprints,” Thinh said.

“What made you sense something was wrong this morning? You were happy enough when you came back,” Kien said, letting them know he had known all along of their nocturnal visits.

“Nothing specific. We suddenly felt unbearably anxious, that’s all.”

“Now you tell me! Did any of you go back looking for them this morning?”

“Yes. But we found no trace.”

“You missed this,” said Kien, pointing to the blood-stained bra. (Palmos 34, 35)

“Bọn thám báo! Bọn thám báo, chúng nó làm,” ai đó rú lên.

“Ôi, Kiên,” Thịnh thì thào, giọng khàn đặc và run rẩy.

Trên đầu họ những cành tre đang cào vào vách liếp. Kiên thở dài, mím chặt môi.

“Sáng nay các cậu nghe thấy gì không?” anh hỏi.

“Không. Không gì cả,” họ trả lời.

Kiên cố ráp nối tình hình lại. Vậy, chuyện gì đã xảy ra? Những cậu trai trẻ này đã ở đây với các cô gái đêm qua và vui thú.

Giờ là 1974, không còn là thời tăm tối của 1968 và 1969, những năm kinh khủng nhất của chiến tranh. Giờ đây đi cả ngày mới ra tiền tuyến. Nhưng sáng nay những thanh niên đang yêu trong trung đội đã cảm thấy có gì không hay. Họ đã thuyết phục Kiên đi kiểm tra. Kiên giờ đã đồng ý rằng linh cảm của họ đúng.

“Sao biết là thám báo?” Kiên hỏi, ý thức rằng những kẻ đột nhập là ai thì chúng vẫn sống và chưa đi xa.

“Chúng em tìm được đầu mẩu Rubi. Và dấu chân,” Thịnh đáp.

“Điều gì sáng nay khiến các cậu nghĩ có điều chẳng lành? Lúc về vui vẻ lắm mà,” Kiên nói, khiến họ hiểu rằng anh đã luôn biết những chuyến thăm nửa đêm của họ.

“Chẳng gì cụ thể. Bọn em tự dưng thấy nóng ruột không chịu được, thế thôi.”

“Giờ thì các cậu mới thèm nói đấy! Có ai trong các cậu quay lại tìm họ sáng nay không?”

“Có. Nhưng không thấy tăm dạng gì.”

“Các cậu bỏ qua cái này,” Kiên nói, chỉ vào cái áo lót dính máu.

Thứ nhất, Palmos thêm một câu thoại vô nghĩa cho Thịnh nhưng câu gốc Thịnh nói thì ông lại dành cho “ai đó.” Thứ hai, chi tiết mái tôn bị cắt đi, và trước đó miêu tả nhà tắm có mái tôn trong câu “Nhà tắm mái tôn ẩn trong lùm tre đằng ngà kề bên mép suối” (Ninh 41) cũng bị lược bỏ và trở thành “nhà tắm bé nhỏ của các cô gái bên cạnh con nước, gần như khuất khỏi tầm nhìn sau rặng tre” (Palmos 33). Thứ ba, dòng suy nghĩ của Kiên bị đảo lộn: chi tiết các cậu trai vui thú và dấu mốc từng năm đẩy lên trước, chi tiết buổi sáng các cậu cảm thấy tín hiệu không lành xuống sau, và chi tiết các cậu thuyết phục Kiên rồi Kiên đồng ý không có trong bản gốc.

Lỗi đảo lộn thứ tự chi tiết và bịa thêm chi tiết lặp lại ngay ở đoạn hội thoại tiếp sau. Hội thoại gốc của Bảo Ninh chỉ thuần tuý bao gồm các câu thoại tự nhiên và sáng ý; trái lại, Palmos cắt chỗ nọ, vá chỗ kia, liên tục diễn giải “ẩn ý” và “ý thức” của Kiên. Với ngụ ý châm biếm, câu nói trong bản gốc “Mãi đến giờ các cậu mới hở chuyện cho tớ. Thật là các chiến hữu quý hoá” chỉ có ý trách móc các đồng đội đẩy anh ra rìa và giấu giếm anh, bởi nếu tinh ý sẽ nhận ra anh đã để lộ việc anh biết mối quan hệ của họ từ câu hỏi “Sáng nay các cậu nghe thấy gì không.” Câu nói trong bản dịch “Lúc về vui vẻ lắm mà” có thể hiểu theo hai nghĩa: hoặc chỉ là câu nói bình thường với ý nói Kiên đã luôn biết chuyện đi đêm như Palmos giải thích, mà trong trường hợp này là thừa vì lý do ở trên; hoặc nếu cố tình giữ nguyên ý châm biếm thì đối tượng châm biếm lại chính mối quan hệ “vui vẻ” của họ, mà nếu vậy thì mâu thuẫn với lòng cảm thông không nỡ vạch trần và kỷ luật đồng đội của Kiên. Tóm lại, dù là ý nào thì việc cắt câu vá chữ của Palmos cũng làm mất tính logic của mạch truyện và tâm lý nhân vật.

Trở lại với việc nhầm thoại nhân vật, đoạn trích trên đây không phải là ví dụ duy nhất. Gần cuối đoạn hội thoại giữa Kiên và Sơn, người lái xe chở hài cốt, Palmos lẫn lộn thoại của hai nhân vật với nhau. Trong khi Bảo Ninh viết:

– Kiên này, – để át tiếng máy, Sơn nói như quát – chở xong chuyến xương này là anh vù luôn hả?

– Cũng chưa biết. Còn phải làm khối thủ tục.

– Về sẽ làm nghề gì?

– Định sẽ đi học nốt phổ thông. Tức là bổ túc rồi thi đại học. Chứ chả có nghề gì ngoài nghề nã tiểu liên. Còn anh vẫn cầm lái chứ? (Ninh 54)

Palmos viết lại:

Kien called to Son over the roar of the engine, asking if he’d be finished with MIA work after this tour of duty.

“Not sure. There’s a lot of paperwork to do. What are your plans?”

“First, finish school. That means evening classes. Then try the university entrance exams. Right now my only skills are firing submachine guns and collecting bodies. What about you, will you keep driving?” (Palmos 43)

Kiên gọi Sơn trong tiếng máy gầm, hỏi xem anh có thôi việc tìm hài cốt sau chuyến nhiệm vụ này không.

“Cũng không chắc. Còn phải làm khối thủ tục. Kế hoạch của anh là gì?”

“Trước hết, học nốt. Tức là học bổ túc. Rồi thử thi đại học. Bây giờ kỹ năng duy nhất của tôi là nã tiểu thiên và nhặt xác. Còn anh thì sao, vẫn cầm lái chứ?”

Sơn là người mở đầu hội thoại và nói át tiếng máy để hỏi về kế hoạch của đồng đội sau nhiệm vụ lần này, không phải Kiên. Và Kiên là người nói “còn phải làm khối thủ tục,” không phải Sơn. May mắn thay, sau khi ghép thoại của hai nhân vật vào làm một thì Palmos cuối cùng cũng trả thoại về cho Kiên ở câu cuối.

Trong phân cảnh miêu tả cảm xúc của Kiên sau khi chứng kiến Phương bị cưỡng hiếp trên tàu hoả, Bảo Ninh viết:

Nỗi thất vọng đau đớn tràn ngập lòng anh. Kiên biết hai đứa sẽ không gặp được lại nhau nữa từ nay, bởi anh đã nhất quyết bỏ rơi nàng. Có thể rồi từ đây Phương sẽ tha thứ cho anh mọi chuyện, từ chuyện anh đã lôi nàng vào cuộc phiêu lưu liều lĩnh, chuyện anh đã trở thành tàn bạo hung dữ, trở thành kẻ sát nhân ngay trước mắt nàng, đến sự ruồng rẫy lạnh lùng này. Phương sẽ tha thứ hết, bởi bản tính nàng như vậy, Kiên biết. Nhưng anh, anh sẽ không đời nào tha thứ cho Phương. (Ninh 327)

Palmos viết lại:

Perhaps it was all his fault. Perhaps one day she would forgive him for dragging her into this fiasco in which she had been gang-raped by thugs during an air raid, then held by force. And finally had to watch him beating a man’s head in before her eyes. Perhaps she would forgive him. That was in her character.

But since the train? With the driver? Was all that true? Could he ever forgive her, that was the question. Probably not. (Palmos 223)

Có lẽ tất cả là lỗi của anh. Có lẽ một ngày nàng sẽ tha thứ anh vì đã lôi nàng vào mớ bòng bong nơi nàng bị hãm hiếp tập thể trong một cuộc đánh bom, rồi bị cưỡng chế vũ lực. Và cuối cùng phải nhìn anh đánh nát đầu một người đàn ông ngay trước mắt mình. Có lẽ nàng sẽ tha thứ cho anh. Bản tính nàng như vậy.

Nhưng từ toa tàu? Với tay lái xe tải? Mọi thứ đều là thật sao? Anh có tha thứ được cho nàng không, đó là câu hỏi. Có lẽ không.

Không khó khăn để nhận ra ý nghĩa của phân đoạn đã hoàn toàn bị thay đổi. Thứ nhất, bằng việc thêm vào “Có lẽ tất cả là lỗi của anh” và bỏ đi “anh đã nhất quyết bỏ rơi nàng,” Palmos giảm nhẹ đáng kể sức nặng trong quyết định bỏ rơi Phương của Kiên. Sự thật là Kiên chưa bao giờ mảy may nghĩ mình có phần lỗi trong bi kịch của Phương, và chính vì tin rằng nàng phải chịu hoàn toàn trách nhiệm cho bi kịch ấy mà anh không hề do dự khi bỏ lại nàng – một “sự ruồng rẫy lạnh lùng” mà Palmos cố tình lược bỏ. Thứ hai, điệp từ “có lẽ” cộng với cấu trúc câu hỏi lặp lại đến ba lần thay vì cấu trúc khẳng định như bản gốc càng nhấn mạnh hơn lòng ngờ vực và sự ngập ngừng của Kiên. Thay vì quả quyết rằng mình “sẽ không đời nào tha thứ cho Phương,” Kiên của phiên bản tiếng Anh tự dằn vặt với câu hỏi mình “có tha thứ được cho nàng không.” Sự khác biệt giữa hai phiên bản khá rõ ràng: một mặt, The Sorrow of War của Palmos không chỉ phác hoạ sự do dự của Kiên mà còn trao cho anh một thái độ ăn năn, ám chỉ rằng ít nhiều anh cũng cảm thấy có lỗi vì không bảo vệ được Phương khỏi đám đàn ông hung hãn. Mặt khác, nguyên tác của Bảo Ninh thẳng thắn phê phán Kiên vì cái quyết định chắc như đinh đóng cột: đổ hết lỗi cho Phương và bỏ mặc nàng để một mình ra tiền tuyến.

Ở đây, Palmos sử dụng một thủ pháp mà Suzanne Keen gọi là “chiến thuật thấu cảm tự sự” (strategic narrative empathy), cụ thể hơn là “chiến thuật thấu cảm diện rộng” (broadcast strategic empathy), để khơi gợi lòng cảm thông từ một nhóm độc giả lớn qua việc nhấn mạnh “những trải nghiệm, cảm xúc, hy vọng và tổn thương mang tính phổ quát.”[10] Quá trình đấu tranh nội tâm và những tổn thương rất đỗi con người của Kiên trong bản tiếng Anh dễ dàng gây xúc động và mời gọi lòng trắc ẩn từ độc giả, từ đó đưa đến một thông điệp rằng bỏ rơi Phương là quyết định vô cùng khó khăn đối với Kiên, và rằng thứ đáng bị lên án là chiến tranh chứ không phải bản thân anh. Tâm thế đổ lỗi cho nạn nhân của xâm hại tình dục, đặc biệt là nạn nhân nữ, là điển hình của diễn ngôn gia trưởng. Khi viết lại và hướng sự đồng cảm của độc giả vào Kiên thay vì vào Phương như trong bản gốc, Frank Palmos đã loại bỏ góc nhìn phê phán giới của Bảo Ninh thông qua hình tượng nhân vật Kiên.

Quay trở lại với phát biểu của Palmos tại hội nghị dịch thuật năm 2010, ta thấy có hai điểm đáng chú ý. Thứ nhất, như đã nói ở trên, Palmos cho rằng với sự “nhạy cảm văn hoá” (cultural sensitivity) của mình, Bảo Ninh thất bại trong việc lột tả cái gọi là hiện thực chiến tranh, và rằng ông phải viết lại những cảnh này để độc giả Tây phương có trải nghiệm chính xác và thực tế hơn. Thứ hai, “trường phái dịch thuật FitzGerald” mà Palmos nhắc đến là một phương pháp dịch thuật được đưa ra bởi Edward FitzGerald, người nổi danh nhờ dịch văn bản Rubáiyát of Omar Khayyám từ tiếng Ba Tư sang tiếng Anh vào thế kỷ 19. Mặc dù nhận được nhiều lời tán dương từ các học giả cùng thời, bản dịch gần như không bám sát nguyên gốc của Edward FitzGerald bị các học giả gần đây phê phán vì tính Đông phương luận (Orientalist) của nó[11] Tính Đông phương luận ở đây dựa trên nghiên cứu của Edward Said: chủ nghĩa Đông phương (Orientalism) là “cách phương Tây đàn áp, tái cấu trúc và kiểm soát phương Đông.”[12] Nói cách khác, Edward FitzGerald không thể hiện văn bản Ba Tư gốc như nó là, mà như cách người phương Tây muốn nghĩ về nó. Do vậy, bằng việc gắn The Sorrow of War với trường phái dịch thuật FitzGerald, Palmos vô tình cho biết hai điều (mặc dù ông có thể không nghĩ như vậy): rằng tác phẩm viết lại của ông là một tác phẩm phái sinh không bám sát văn bản gốc, và rằng tác phẩm ấy mang tính Đông phương luận.

Với chủ trương đi theo trường phái FitzGerald, Palmos viết lại nhiều phân đoạn có nhân vật nữ, mà kết quả là văn bản đọc lên gây cảm giác như để thoả mãn thị hiếu của độc giả Tây phương và huyễn tưởng mang tính Đông phương luận về cơ thể phụ nữ châu Á. Ở phân cảnh Hoà bị đám lính Mỹ hiếp dâm tập thể, Bảo Ninh viết:

Ngợp trước mắt anh, ở ngoài trảng, trên đám những cây bổi bị giẫm nát ngay sát tảng đá rêu mốc trơ vơ hình đầu người, kín nghịt một đống kinh khủng đen ngòm, lấp loáng mồ hôi và phì phò hơi thở rốc. Không nghe thấy tiếng Hoà kêu, nhưng mà có thể cảm thấy tiếng kêu ấy. Bọn Mỹ dồn cục lại, nhưng chỉ có vài tên còn đang đứng và đều xây lưng lại phía Kiên. Chúng không hò hét, không rống cười, không quát tháo. Sự thể ghê rợn bày ra, quằn quại trong yên tĩnh man rợ. (Ninh 270-71)

Trong khi đó, Palmos viết lại:

Without losing their control or lifting their voices, they set about stripping Hoa and, the dog handler first, roughly fucking her. Some of them stayed back, but the way they had all come to a standstill, and with others waiting their turn, it appeared that they would end their patrol with the rape. (Palmos 191)

Không mất kiểm soát hay cao giọng, chúng bắt đầu lột quần áo Hoà và, đầu tiên là tên quản chó, địt cô thô bạo. Vài tên ở lại đằng sau, nhưng nhìn cách chúng đều dừng lại, và những kẻ khác chờ tới lượt mình, có vẻ như chúng sẽ kết thúc buổi đi tuần với màn cưỡng hiếp.

Palmos lựa chọn miêu tả cảnh cưỡng hiếp một cách trực diện và thô bạo, gần như xâm hại Hoà một lần nữa bằng ngôn ngữ. Trái lại, Bảo Ninh gián tiếp tả vụ xâm hại qua những cụm từ nhiều sức gợi như “lấp loáng mồ hôi” và “phì phò hơi thở rốc,” cũng như qua cảm xúc của Kiên khi chứng kiến với các tính từ “kinh khủng,” “ghê rợn,” “man rợ.” Độc giả hiểu được sự dã man của đám lính Mỹ qua góc nhìn của Kiên: anh “không nghe thấy tiếng Hoà kêu,” nhưng có thể cảm nhận được tiếng kêu ấy. Cái im lặng chí tử thít chặt Hoà và ngăn cô kêu cứu có thể được đọc như là ẩn dụ cho sự áp chế của người nam lên người nữ và cơ thể nữ. Hoà không chỉ bị cưỡng hiếp, mà còn bị bịt miệng, bị chặn tiếng. Chi tiết này đắt giá hơn, có sức nặng hơn và gây ám ảnh hơn so với phiên bản trực quan của Palmos.

Nếu, theo như Palmos, phân cảnh xâm hại Hoà kể trên thuộc nhóm những phân cảnh cần Tây hoá để độc giả quốc tế hiểu rõ hơn câu chuyện, thì sự chỉnh sửa này vừa kẻ cả vừa nguy hại. Một mặt, phân cảnh cụ thể này không hàm chứa một dữ liệu văn hoá nào có thể gây khó khăn cho người đọc không có phông văn hoá Việt; trái lại, chặn miệng nạn nhân nữ còn là mô-típ phổ biến trong văn học phương Tây. Tôi nghĩ, những hình ảnh như mồ hôi lấp loáng hay tiếng thở phì phò cộng với các tính từ như “man rợ” và “ghê rợn” là đủ – thậm chí hiệu quả và tinh tế hơn – để độc giả phương Tây hình dung người nữ đang phải hứng chịu bạo lực ra sao. Sau khi được viết lại, văn bản của Palmos có tính bạo liệt kích thích hơn, trần trụi hơn, với các bước “lột quần áo”, “địt cô thô bạo,” và gọi thẳng tên sự việc là “cưỡng hiếp”. Văn bản mới tạo cảm giác rằng có thể do bản của Bảo Ninh chưa đủ bạo liệt để kích thích họ, hoặc nó sẽ gây khó khăn cho độc giả quốc tế trong quá trình bóc tách ẩn dụ này, nên việc viết lại là cần thiết. Mặt khác, việc phơi bày cơ thể Hoà đẩy cô vào huyễn tưởng Đông phương học về cơ thể phụ nữ Á châu yếu đuối qua góc nhìn gần như khiêu dâm.

Kết quả là, phiên bản tiếng Anh của Palmos trở thành một bản dịch mà Atmane El Amri gọi là bản dịch tước quyền (disempowering translation) hoặc bản dịch thực dân (colonial translation).[13] Những văn bản dạng này không dịch văn bản gốc sang một ngôn ngữ khác, mà trái lại bỏ mặc nguyên tác, che mờ nó, và hoàn toàn bóp méo nó. Dưới vỏ bọc mang tác phẩm đến gần hơn với bạn đọc quốc tế, Palmos đẩy tác phẩm ra khỏi bối cảnh văn hoá của nó nơi mà phơi bày cơ thể khoả thân của bất kỳ giới tính nào cũng là điều cấm kỵ và che đậy cơ thể tổn thương của người nữ là cử chỉ lịch lãm.

Đến cuối cùng, phiên bản tiếng Anh của Nỗi buồn chiến tranh là một tự sự không đầy đủ và méo mó về chiến tranh Việt Nam của một người lính Bắc Việt. Câu chuyện chính xác là những gì phe bại trận Tây phương muốn nghe: một người lính từ phe thắng cuộc kể lại sự mất mát, nỗi buồn và sự đau khổ của anh ta. Độc giả phương Tây hẳn sẽ rất hài lòng khi biết rằng cỗ máy chiến tranh của họ không vô dụng, sự hiện diện của họ ở phương Đông cũng gây ảnh hưởng ít nhiều, và rằng đất nước Việt Nam quang vinh cũng phải chịu tổn thất như họ, nếu không hơn. Trong một tự sự về chiến tranh như vậy, đàn ông biểu trưng cho đất nước, vì vậy Kiên phải là nhân vật trung tâm dẫn dắt góc nhìn và cảm xúc của độc giả. Nói cách khác, Kiên phải là anh hùng chứ không phải một nhân vật tầm thường – có thể thấy rõ điều này trong cách Palmos viết lại độc thoại nội tâm của Kiên khi đã là một tác giả. Bảo Ninh viết:

Tuy nhiên từ khi bắt tay vào tiểu thuyết, tâm trạng Kiên như mấp mé bờ vực. Bên cạnh niềm hy vọng và lòng tin vào thiên chức của mình, anh như luôn ngờ vực sự sáng suốt của chính mình. Anh không còn dám chắc vào bản ngã trong anh nữa. Mặc dù hết trang này đến trang khác, chương này sang chương khác, song càng viết Kiên càng âm thầm nhận thấy rằng, không phải là anh mà là một cái gì đấy đối lập, thậm chí thù nghịch với anh đang viết, đang không ngừng vi phạm, không ngừng lật ngược tất cả những giáo điều cùng tất cả những tín nhiệm văn chương và nhân sinh sâu bền nhất của anh. Và hoàn toàn không cưỡng nổi, mỗi ngày Kiên một dấn mình thêm vào vòng xoáy của nghịch lý hiểm nghèo ấy của bút pháp. Ngay từ chương đầu tiên, cuốn tiểu thuyết của anh đã buông lơi cốt truyện truyền thống, không gian và thời gian tự ý khuấy đảo không kể gì đến tính hợp lý, bố cục bấn loạn, dòng đời các nhân vật bị phó mặc cho ngẫu hứng. Trong từng chương một Kiên viết về chiến tranh một cách rất tuỳ ý như thể ấy là một cuộc chiến tranh chưa từng được biết tới, như thể đó là cuộc chiến của riêng anh. Và cứ thế, nửa điên rồ Kiên lao vào chiến đấu lại cuộc chiến đấu của đời mình, một cách đơn độc, phi hiện thực, một cách cay đắng, đầy rẫy va vấp và lầm lạc (Ninh 63).

Palmos viết lại:

Despite this growing confidence, he frequently relapses and once again feels like a man standing on the edge of an abyss.

Despite his conviction, his dedication, he also sometimes suspects his recall of certain events. Is there a force at work within him that creates this suspicion?

He dares not abandon himself to emotions, yet in each chapter Kien writes of the war in a deeply personal way, as though it had been his very own war. And so on and on, frantically writing, Kien refights all his battles, relives the times where his life was bitter, lonely, surreal, and full of ostacles and horrendous mistakes. There is a force at work in him that he cannot resist, as though it opposes every orthodox attitude taught him and it is now his task to expose the realities of war and to tear aside conventional images.

It is a dangerous spin he is in, flying off at a tangent, away from the traditional descriptive writing styles, where everything is orderly. Kien’s heroes are not the usual predictable, stiff figures but real people whose lives take diverse and unexpected directions. (Palmos 50)

Bất chấp lòng tự tin ngày một dâng cao, anh thường xuyên trở lại trạng thái mấp mé bờ vực.

Bất chấp niềm tin chắc chắn, sự hết lòng của mình, anh cũng đôi khi nghi ngờ ký ức của mình về một vài sự kiện nhất định. Có một sức mạnh nào trong anh tạo ra sự ngờ vực ấy chăng?

Anh không dám bỏ mặc mình cho cảm xúc, nhưng trong mỗi chương Kiên viết về chiến tranh theo cách vô cùng cá nhân, như thể nó là cuộc chiến của riêng mình anh vậy. Và cứ thế rồi cứ thế, viết điên cuồng, Kiên đánh lại mọi trận chiến, sống lại quãng thời gian khi đời anh cay đắng, cô đơn, siêu thực, và đầy rẫy thử thách và lỗi lầm kinh hoàng. Có một sức mạnh trong anh mà anh không chống cự được, như thế nó chống lại mọi thái độ chính thống mà anh được dạy và giờ đây nhiệm vụ của anh là lật tẩy hiện thực chiến tranh và xé bỏ những hình ảnh truyền thống.

Đó là một vòng xoáy nguy hiểm mà Kiên đang ở trong, rồi văng ra hoàn toàn lạc hướng, xa khỏi những lối viết miêu tả truyền thống, nơi mọi thứ đều ngăn nắp gọn gàng. Những anh hùng của Kiên không phải là những hình tượng dễ đoán, cứng nhắc thường thấy mà là những con người thật với những cuộc đời nhiều hướng đi đa dạng và không lường trước.

Lỗi lặp lại thông tin nhằm nhấn mạnh, lỗi đảo thứ tự chi tiết và lỗi thêm mắm dặm muối được nhìn thấy rất rõ trong đoạn trích này. Nhưng đáng chú ý hơn cả ở đây là Palmos thay “các nhân vật” thành “những anh hùng” một cách rất chủ đích (“các nhân vật” này thậm chí còn không phải nhân vật chính mà Palmos một mực dịch là “heroes”), và ngay trước đó cũng có lỗi tương tự; Bảo Ninh viết:

Đại để nhân vật của anh sẽ làm gì, nói gì, sẽ gặp những cảnh huống nào đều phải có tính trước. […] Và các nhân vật của anh không ngừng tự mâu thuẫn. (Ninh 61)

Palmos viết lại:

What his heroes will do and what they will say in particular circumstances. How they’ll meet, how they’ll part. He lays the design of this out in his mind before taking up his pen. […] Worse, that his heroes are inconsistent and contradictory and make him uneasy. (Palmos 48)

Những anh hùng của anh sẽ làm gì và họ sẽ nói gì trong những tình huống cụ thể. Họ sẽ gặp nhau ra sao, họ sẽ chia tay thế nào. Anh tính toán cách dựng trong đầu trước khi cầm bút. […] Tệ hơn, các anh hùng của anh không nhất quán và mâu thuẫn và khiến anh khó chịu.

Như vậy, trong rất nhiều lựa chọn Palmos đã chủ ý chọn chữ “anh hùng” và nhắc đi nhắc lại. Palmos đã hiểu sai Nỗi buồn chiến tranh thành nỗi đau của phe thắng cuộc qua câu chuyện của một người lính, trong khi nguyên tác không hề gắn cuộc đời và trải nghiệm của Kiên với đất nước. Trên thực tế, Bảo Ninh lột tả di chấn của chiến tranh ở góc độ cá nhân, nhìn thấy rõ nhất qua áp bức kép từ tư tưởng gia trưởng và chiến tranh mà những nhân vật nữ như Phương và Hoà phải hứng chịu. Góc nhìn phê phán chế độ gia trưởng bị góc nhìn phản chiến che lấp, dẫn tới việc miêu tả người nữ theo cách thiếu tôn trọng và khiêu dâm hoá. Bản dịch tiếng Anh, vì vậy, trở thành một bản dịch thực dân nơi độc giả phương Tây đọc những gì họ muốn đọc về Việt Nam thay vì thực tế đa tầng đa nghĩa.

Dĩ nhiên các ví dụ được người viết nêu ra trên đây chỉ vào khoảng một phần ba, thậm chí một phần tư các lỗi của Frank Palmos xuyên suốt toàn bộ tiểu thuyết. Câu hỏi tiếp theo cần được đặt ra là tại sao Palmos đã tham khảo ý kiến của cả Bảo Ninh lẫn Phan Thanh Hảo mà sản phẩm cuối cùng vẫn là một sản phẩm lỗi? Theo thông tin từ báo chí, giải thưởng Tác phẩm Nước ngoài Xuất sắc Nhất được chia đều cho tác giả Bảo Ninh và hai dịch giả là Phan Thanh Hảo và Frank Palmos. Tuy vậy, trong bài phỏng vấn mới nhất với VietTimes, cả Bảo Ninh lẫn Phan Thanh Hảo đều quả quyết là bản thân không nhận được thù lao gì từ giải thưởng.[14] Thậm chí Phan Thanh Hảo còn kể rằng Frank Palmos nhận giải thưởng 10,000 USD, nhưng chỉ gửi cho bà số tiền vỏn vẹn 1880 USD vì phải trừ tiền máy bay, ăn ở,… mà cuối cùng bà cũng không nhận được do thông tin người nhận không rõ ràng.[15] Về phía Bảo Ninh, ông cũng chỉ nhận được 800 USD tiền nhuận dịch từ Phan Thanh Hảo chứ không nhận được bất kỳ khoản nào từ Palmos.

Nhưng điều quan trọng hơn là ý kiến của Bảo Ninh về bản dịch tiếng Anh. Ông thừa nhận “không biết tiếng Anh nên không can thiệp gì vào công việc [dịch thuật chuyên môn] của họ.” Và chính vì không biết tiếng Anh, Bảo Ninh không thảo luận hay nói chuyện gì nhiều với Palmos. Khi được hỏi về một chi tiết mà bà Hảo cho rằng Palmos đã làm sai lệch, Bảo Ninh chỉ nói: “Tôi đã nói là tôi không rành tiếng Anh. Ai đọc được chi tiết đó ở dòng nào, trang mấy, ấn bản nào, gửi cho tôi với. Giá tôi giỏi tiếng Anh nhỉ. Nhưng mà chuyện dịch thuật là chuyện của các dịch giả với nhau chứ. Tôi đã bảo không biết thì có nên sa vào những chuyện này không?”

Rõ ràng, tác giả Bảo Ninh không can thiệp và không có khả năng can thiệp vào dự án dịch Nỗi buồn chiến tranh đầy phức tạp này. Về cơ bản, độc giả Việt Nam và độc giả quốc tế đang đọc hai cuốn sách khác nhau. Giờ đây Bảo Ninh đã biết những vấn đề của The Sorrow of War, liệu ta có thể trông chờ một bản dịch lại bám sát nguyên tác và trả tác phẩm về với đúng nội dung của nó?

HÀ TRANG

Nguồn: Zzz Review số 2021

___________

[10]Keen, Suzanne. “Narrative Empathy.” Literary Theory: An Anthology. In lần thứ 3, biên tập Julie Rivkin và Michael Ryan. Wiley Blackwell, 2017.

[11]Xem Drury, Annmarie. “Accident, Orientalism, and Edward FitzGerald as Translator.” Victorian Poetry, tập 46, số 1, 2008, tr. 37-53. JSTOR, https://www.jstor.org/stable/40347526. Truy cập 18 tháng Năm 2020.

[12] Said, Edward. Orientalism. Routledge & Kegan Paul, 1978, tr. 10.

[13] El Amri, Atmane. “Translating Power in the Colonial Context.” GRIN, https://www.grin.com/document/464743. Truy cập 07 tháng Sáu 2021.

[14] Hoà Bình, “Nhà văn Bảo Ninh từ chối mạng xã hội, không nói qua nói lại về Nỗi buồn chiến tranh.” Viettimes, 28 tháng Chín 2020.

[[15] Huỳnh Phan, “Chuyện bây giờ mới kể của người đã dịch Nỗi buồn chiến tranh sang tiếng Anh.” Viettimes, 24 tháng Chín 2020.

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.