Nơi bình yên nhất – Tản văn dự thi của Trần Thủy

Vanvn- Chiều đông, những bông tuyết trắng xốp phủ kín trên cây thông xanh biếc ở hội chợ giáng sinh. Cầm ly rượu ấm nóng thơm lựng mùi quả ngọt lên men, chị cứ xoa xoa trong lòng bàn tay không nỡ uống. Giọng chị bâng khuâng pha chút nghẹn ngào: “Có lẽ đây là lần cuối chị được đi chợ Giáng sinh em ạ!”.

Tác giả Trần Thủy ở Đức

Tôi cảm nhận được sự quyết tâm hồi hương, cứ ánh lên trong đôi mắt nhìn xa xăm đó. Tôi tình cờ biết chị trên một trang mạng kín dành cho những người Việt Nam đang sinh sống tại Đức. Lúc đấy vào nửa đêm, khi chị đăng tin cầu cứu lên trang, chị không có giấy tờ tuỳ thân, bị chủ nhà đuổi ra khỏi cửa giữa lúc dịch giã rất nguy hiểm, cảnh sát kiểm tra gắt gao. Tôi đã tìm cách liên lạc và đón chị về nhà mình. Mấy ngày ở với gia đình tôi, chị kể cho tôi nghe chuyện đời của chị.

Chồng bỏ ngang đi lấy vợ bé, một tay chị tần tảo buôn bán sớm hôm, chăm sóc con trai và mẹ già. Ba người họ nương tựa vào nhau, trong ngôi nhà nhỏ thuộc ngoại thành Hà Nội. Chị nghe lời một người bạn từ Đức về nói, đang có công việc thu nhập rất cao, muốn mời chị sang bên đấy. Thế là bao nhiêu vốn liếng chị tìm cách gom lại, lo lót sang Đức với quyết tâm thay đổi số phận. Con chị đã lớn, có thể làm chỗ dựa cho bà ngoại được rồi, chị nghĩ vậy. Tạm biệt quê hương, dù trong lòng còn áy náy vì mẹ già chỉ trông chờ vào con trai chăm sóc, nhưng ước muốn đổi đời vẫn thôi thúc kéo chị đi.

Chợ Giáng sinh tại thành phố Giessen – Đức trong mùa dịch bệnh

Ngày chị đặt chân sang Đức đúng vào mùa tuyết rơi. Những bông tuyết trắng tinh khôi khiến chị cảm thấy mình như đang lạc vào miền cổ tích. Nhưng cuộc sống đâu lung linh như suy nghĩ của chị. Với thân phận không giấy tờ, làm chui cho gia đình bạn. Chị dần nhận ra họ đang lợi dụng và lừa dối mình. Chị quyết tâm rời bỏ họ, dù mọi thứ còn chưa quen, tiếng Đức chị chưa biết. Hơn năm năm vật lộn, làm phụ bếp cho rất nhiều quán, chị càng thấm thía cảnh sống tạm bợ, chui lủi, rất sợ cảnh sát kiểm tra giấy tờ.

Thời gian làm việc thì dài, đồng lương rẻ mạt, chị phải nhẫn nhịn khi bị phân biệt đối xử. Chị không còn trẻ, không được nhanh nhẹn, nên hay bị chủ quát mắng, chê bai, chị buồn lắm. Nhiều đêm nước mắt đẫm gối, cứ tự vấn lương tâm, trách mình dại dột, cả tin một cách mù quáng. Xứ người đâu dễ dàng như chị tưởng. Chị đành thôi và tìm đến công việc giữ trẻ vì nghĩ hợp với mình hơn.

Mùa đông qua, mùa xuân tới. Đôi chân bắt đầu ngấm lạnh đau nhức, mái tóc thấp thoáng sợi bạc. Những ngày Tết vò võ ngóng trông, nhớ nhà, nhớ quê hương quay quắt, chị gọi điện bằng hình ảnh về nhà, nói chuyện với mẹ mà lòng buồn vô hạn. Mắt mẹ đã mờ, nhìn không nhận ra chị nữa. Mẹ nói, “Khổ quá thì con về. Mẹ già rồi, sống được bao lâu”. Đứa con trai cứ giục chị về cưới vợ cho nó. Lòng chị rối như tơ vò, muốn về lắm nhưng vẫn phải cố thêm vài năm nữa, dành dụm một chút mới dám về.

Dịch Covid sầm sập vào châu Âu. Ai cũng lo lắng, bất an. Những người như chị càng thấp thỏm lo sợ hơn bao giờ hết. Từ khi cửa hàng nhà chủ bị đóng cửa, gặp khó khăn, họ chỉ cho chị ăn ở cùng mà đâu trả lương cho chị. Thật không may, trong những ngày đi chợ cơm nước, chị bị nhiễm Covid, ông chủ sợ lây cả nhà, bảo chị xuống tầng hầm ở. Lạnh lẽo không có lò sưởi, chị càng thấm nỗi cùng cực, cô đơn. Cuộc sống của chị thật mong manh giữa lằn ranh sống, chết.

Lúc này ở nhà, mẹ chị dù già cả, vẫn phải đứng ra thay mặt chị, tổ chức đám cưới cho cháu trai. Bị bệnh Covid hành hạ, chị phải giấu mẹ, vẫn vui vẻ gọi điện về, chỉ mong sao đám cưới của con được xuôi chèo mát mái. Những lúc khó thở giống như đá chèn lên ngực, ho rũ rượi, chị cố gượng dậy ngồi thiền tập thở. Từng chút không khí len vào, làm phổi phồng lên, chị thấy mình được sống. Cứ thế, cứ thế… mệt quá thiếp đi, chị lại mơ thấy mình hấp hối. Đám cưới đang rộn ràng mà chị phải cố giữ từng nhịp thở khó nhọc. Nhìn hình ảnh con trai, con dâu đẹp đẽ trong ngày vu quy, nước mắt chị ứa ra, vừa mừng vừa tủi, muốn bỏ lại tất cả để về, chỉ sợ mình không qua khỏi, chết cô đơn nơi xứ lạ.

Mùa đông ảm đạm ở Đức

>> Thể lệ Cuộc thi viết “Về nhà”

May sao, có nhóm cộng đồng người Việt trên mạng, luôn tận tình hướng dẫn cách tự điều trị tại nhà. Có người còn gửi cả thuốc và đồ ăn bổ dưỡng đến cho chị. Từng ngày, từng ngày một, vừa tập thở, vừa xông và chịu khó ăn uống. Con vi rút đã lặng lẽ rút lui. Nhưng họa vô đơn chí, an lành chưa được bao lâu, cũng mùa đông năm đó, chị giẫm phải tảng băng trên đường, trượt chân ngã. Bảo hiểm sức khỏe và giấy tờ không có, nên chị đâu dám vào bệnh viện. Đau quá, mọi người mách cho một ông bác sĩ chuyên khám nhân đạo. Lúc đến, cái chân đã sưng vù, biến dạng, băng bó uống thuốc một thời gian mới khỏi, nhưng chân bị cà nhắc, bước thấp bước cao. Nỗi bất hạnh tật nguyền, choàng lên đôi vai của chị. Sức khỏe chị suy sụp hẳn, chị không còn gánh vác được công việc chủ giao. Sau khi ở tạm nhà tôi, nghe tôi khuyên nhủ, chị đã xin nhập trại tị nạn ở Giessen với mong muốn, sớm được hồi hương về nước với gia đình.

Buổi chiều cuối năm se sắt, buốt lạnh, chị vui mừng khoe với tôi, chị sắp được làm bà nội. Chỉ mong dịch bệnh ổn định lại, chị sẽ được trở về. Cả gia đình đang mong chị từng ngày từng giờ, nhất là mẹ chị. Nắm chặt lấy tay tôi, chị rưng rưng nói bằng giọng chân thành “Dù đời chị đã gặp nhiều trắc trở, chông gai, nhưng chị luôn có niềm tin vào cuộc sống này, bởi đâu đó vẫn còn có những tấm lòng nhân hậu như em, như các anh chị khác đã giúp đỡ chị, chị thật biết ơn em!”.

Tôi mừng cho chị, mừng cho niềm hoan hỉ lớn lao của chị. Bất hạnh hay tuyệt vọng vẫn phải lùi lại phía sau. Con đường đoàn tụ với gia đình của chị đang đến rất gần, không còn xa nữa.

Bình yên là khi bên ta, có gia đình yêu quý, có nhà để che chở cho ta qua giông bão cuộc đời.

Gửi tặng chị V

TRẦN THỦY (Giessen – CHLB Đức)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *