Vanvn- Khán giả truyền hình đã quen với những bộ phim ngắn tập, dài tập phát sóng trên truyền hình với tác giả kịch bản là nhà biên kịch Lê Ngọc Minh hoặc các bút danh khác: Từ Nguyên Trực, Ngọc Lê. Độc giả và bạn bè văn chương cũng quen thuộc với các tập truyện ngắn, các tiểu thuyết của Lê Ngọc Minh liên tiếp xuất hiện. Tuy nhiên chưa có nhiều người biết cơ duyên văn chương nghệ thuật dẫn dắt “mối tình đầu” của anh lại là thơ với một số thi phẩm buổi đầu được đăng trên Tạp chí Văn Nghệ Quân Đội, Báo Văn Nghệ, Văn Nghệ Thanh Hóa… từ thập niên 70 của thế kỉ trước.

Sau này, Lê Ngọc Minh viết nhiều thể loại, thể tài, trong đó anh giành nhiều thời gian, tâm sức cho công việc viết kịch bản phim truyện điện ảnh, phim truyện truyền hình. Và, giữa các quãng của nghiệp viết, anh dừng lại để tự ngẫm, tâm tình và bày tỏ lòng mình bằng những bài thơ với lối viết trực ngôn, giàu hình ảnh của một người nhiều trải nghiệm, có đời sống tinh thần phong phú, nhiều trắc ẩn và gắn bó với đời sống nhân sinh. Năm 2014, Lê Ngọc Minh cho ra mắt bạn yêu thơ tập lục bát “Chơi oẳn tù tì” (Nxb Hội Nhà văn) và mới đây nhất là tập thơ “Đặt mồi rắc thính buông câu” (Nxb Văn học, 2022) gồm 44 bài được chia làm 2 phần: “Miền quê” và “Thao thức”.
Với 17 bài của phần I, quê hương Thanh Hóa trong thơ Lê Ngọc Minh là xứ sở mà anh đã từng viết: “Đất người nước lạ những đâu/ Ta đi hồn vẫn rì rào gió quê” (Hoa Thanh Quế). Trong phần này, thơ Lê Ngọc Minh nhắc đến thứ rau đã làm nên biểu tượng xứ sở đầy ấn tượng là rau má. Rau má một thời“ Đỡ lòng đứt bữa Giêng Hai cơ hàn”, còn hiện tại, anh đã hào hởi “ tôn vinh”:
“Bây giờ rau má rau lang
Lên ngôi đặc sản nhà hàng gắn sao
(Hoa Thanh Quế)
Ai đã từng ở xứ Thanh, đi qua xứ Thanh thời @, từng thưởng thức món rau má được gói hình cánh phượng ở các nhà hàng đẳng cấp thì mới thấy hết cái ngon lành, cái bổ dưỡng đặm dịu dư ngân của “sâm” xứ Thanh.
Miền quê trong thơ Lê Ngọc Minh là sông Mã, là hồn vía ngọn Vọng phu núi Nhồi-An Hoạch, là làng quê của nhân vật văn chương huyền thoại Trạng Quỳnh…
Miền quê của Lê Ngọc Minh là người Mẹ sinh thành. Trong đức lớn nhân sinh của cõi mẫu tử tình thâm, anh chọn khoảnh khắc ngày tuần 49 của mẹ mình và khóc với nỗi niềm hiếu hạnh “ Đặt cơm ba bận một ngày/ Cơm còn nguyên bát canh đầy còn nguyên”; khóc với sự mất mát đau thương côi cút khôn khuây: “ Bây giờ sông cái về trời/ Sông con, sông nhánh mồ côi một đàn”. Khóc rồi nhà thơ tưởng nhớ về cái đận làng quê bị “đê vỡ nước tràn đói to” song nhờ bàn tay thần kỳ vun thém, chèo chống của Mẹ mà:
Ấm êm suốt thuở hàn vi
Mẹ chở che, mẹ bù trì dư dôi
(Cơm dâng)
Bài thơ “Cơm dâng” xúc động tâm can bạn đọc không chỉ các hình ảnh gợi một thời khốn khó tay mẹ “dành dụm kéo co”, tạo lập sự sống mà nó làm người đọc không cầm được nước mắt vì nỗi lòng thấu cảm đến sâu thẳm tâm linh của người con:
Bây giờ mẹ về với cha
Niết Bàn chỉ có hương hoa khí thần
Xin lạy mẹ con đặt cơm!
Quê trong tâm tưởng và hiện thực mới mẻ là làng Quan Trạng ở chợ Quăng , Hoằng Hóa với đình Bảng môn “mái cong cánh phượng bay vờn”, với những giai thoại về mẹo mực, về tiếng cười dân gian bất tử – Trạng Quỳnh:
Cười vua lười, cười quan tham
Lẳng lơ quận chúa, làng băm, đồ gàn.
Một khí chất ngang tàng giàu căn tính xứ sở khi:
Sứ Tàu giở giói lần khần
Thì khoát tay, thì vạch quần làm mưa”
(Về làng Quan Trạng)
Có thể nói từ một nhân vật lịch sử được thêu dệt bằng những dã sử sống động, Lê Ngọc Minh đã gợi ra một bản tính căn bản của người quê mình: trọng học hành và người có học, sống nhân nghĩa, ghét thói tham gian và sẵn sàng đả phá nó một cách khẳng khái, quyết liệt bằng mưu trí và bản lĩnh hơn người.
Xứ Thanh với Lê Ngọc Minh còn là bao dào dạt xen đan trở trăn mỗi khi “ Lại về sông nước quê hương/ Lòng như con sóng đang phương gió nồm”. Dọc sông Mã, trên “thuyền to máy chạy thay buồm” cùng bầu bạn bên đồ nhậu, bên bia Ken, bên cả…“nẩn nây thiếu nữ áo quần model” nhưng anh vẫn đau đáu với “ bè xuôi mắc cạn” với “ con thuyền ì oạp ngược dòng”. Và khi ngồi trên thuyền không hát chuẩn được một điệu huầy dô, tác giả đã tha thiết cầm bằng:
Thì níu neo với con sào
Nông sâu bến nước nơi nào đò đưa
(Huầy dô hát ở trên thuyền).
Cùng với sự níu neo ấy, khi nghe được câu hò sông Mã ghẹo tình của ai đó tự tin cất lên: “Làm thơ gửi lại em khoan lấy chồng”, Lê Ngọc Minh cũng lãng mạn đắm say đồng điệu, nhấn dón:
Ai ơi có dám liều không với tình?
(Sông quê nghe hát ghẹo tình)
Trong tâm khảm tác giả, quê Thanh còn là niềm yêu, là kỉ niệm về Đảo Hòn Mê trong mắt người lính trẻ với “Cu ghì hót rựng cả đồi Kim cang”, với món quà quê người lính đem ra đảo để mỗi lần tiểu đội uống lá Mùng năm thay trà lại thấy “ hồn quê theo ngọn sóng xa ùa về”. Các bài thơ “ Chim cu ghì và cây Kim cang”, “Uống trà ở đảo” là những kỉ niệm đời lính đảo, một phần tuổi xanh người lính, tác giả đã gắn bó và cống hiến.
Bên cạnh sự đắm say, hào sảng Lê Ngọc Minh vẫn không quên nghiệm trải những căn tính quê mùa với “thúng mủng dần sàng”, với khoai gọi là lang, với đậu gọi là đỗ, với ớt gọi là hạt tiêu… Những ngôn từ quê kiểng ấy đã làm nên ngôn ngữ “ văn hóa làng” và anh đã dặn vợ, vốn người đất Thăng Long, lần đầu về thăm quê chồng:
Dốc Xây qua hết Ninh Bình
Bên kia xứ Bắc, bên mình miền Trung
Đã dặn rồi còn kỹ lưỡng dặn thêm:
Làng thương vuông vắn tứ bề
Làng không thương chỉ mình về mình thôi
(Dọa vợ)
Niềm quê trong thơ Lê Ngọc Minh còn là những nét quan sát trực giác nhưng rất tinh tế, đau đáu. Đó là tiếng cuốc kêu đêm, là cảnh thiếu nữ tắm trăng, là động thái của người lính đảo về phép tết, mỗi rửa khi mặt xong, tưới cây “hết từng giọt cặn trong thau”, là một vị tướng quân của thời đánh giặc “Đường 9, Trường Sơn Nam Lào” nay về già cứ canh cánh: “Nỗi niềm xa xót biết bao/ Còn ai đồng đội nơi nào thương vong?” (Bức tranh)…

2. Hai mươi bảy bài thơ trong phần 2 – “Thao thức” là những con sóng cảm xúc lúc dạt dào yêu thương, hi vọng lúc day dứt buồn lặng trước nỗi phong trần, biến cải. Nỗi niềm đó, có lúc là sự đời trớ trêu, đem “muối mặn” mà đổi lấy “suông nhạt”, tưởng rất mực thủy chung lại “ cháo khê cơm khét”; tưởng bằng hữu huynh đệ vào sinh ra tử khi gặp cơn dâu bể vội vàng nấp tránh; người tri âm từng nói lời cốt nhục khi “ tiếng bấc tiếng chì” cũng tìm lối rẽ làm cho “đá rưng rưng lệ”. Lúc thương thân vì nỗi cô lẻ, người viết chỉ còn biết tìm niềm tin từ những trang chữ của chính mình. Bài thơ “ Vĩnh cửu” là nỗi niềm của người đã trải và cũng là nỗi lòng thế nhân trước chơ vơ sóng gió, lay động mạnh đến người đọc bởi trong đời chẳng từng có lúc hưng vong thành bại.
Có lúc nỗi buồn có duyên cớ từ sự ra đi của người bạn văn chương, phim ảnh, trong bài thơ khóc Đoàn Lê, nhà thơ đã viết:
“Ngày hoa gạo rụng bời bời
Câu thơ tỉ muội tình người đa đoan…
Thế mà chị vội về trời
Ngưng trang văn
Ngưng khóc cười
Đoàn Lê…
Người đi để lại bóng hình
Hoa gạo ơi vẫn cứ tình đa đoan
(Hoa gạo ơi vẫn cứ tính đa đoan)
Lê Ngọc Minh cùng quan niệm: “thơ nghiêng về sầu” như Viên Mai, nhà thơ, nhà lí luận về thơ nổi tiếng đời nhà Thanh Trung Quốc đã từng phát biểu và chứng minh. Vì vậy người làm thơ hôm nay viết về cái sầu lo toan may rủi:
Đặt mồi, rắc thính, buông câu
Chỉ mong động được chiếc phao là mừng
(Lại bắt đầu- Chơi oản tù tì)
Ý thơ ấy được lấy làm tên cho tập thơ gợi thái độ chiu chắt niềm vui từ cuộc đời vốn không dễ cầm tay hạnh phúc. Người buông câu ấy câu được nỗi buồn của nhân thế, đem chan vào nỗi buồn mình mà thành thơ!
Buồn cho sự đời, đã hào hứng trao cái nghĩa có mặn của muối, có cay của gừng vào chốn suông nhạt, vô tình; buồn vì nỗi “rút ruột nuôi phôi từng mầm chữ” nhưng rồi như dã tràng xe cát. Chữ về đâu, thơ về đâu, khi “đêm dài thức gió với say mây” nhưng nỗi vật lộn cùng với đam mê ấy chỉ đem về thêm nỗi buồn. Nỗi niềm trong bài “ Dã tràng” cũng là tủi buồn của những ai sống đam mê với nghề “phu chữ” chăng? Có lẽ vậy mà nhà thơ đã biết nuốt vào thân phận:
Cỏ cây còn có tâm hồn
Côn trùng còn biết bồn chồn tìm nhau
Cớ chi tôi lại u sâù
Vì tôi có tránh được đâu phận người
(Làm sao cất được gánh sầu)
Buồn luôn phiêu du lãng đãng trong “ Đặt mồi rắc thính buông câu” nhưng các nỗi buồn này không làm hồn ta bị đắm ngạt nhờ những nụ mầm, những vạt nắng ấm áp của tình yêu thương. Tình cảm ấy không vồ vập nhưng nồng cháy, không ồn ào nhưng say đắm, chân tình, quý giá biết bao. Có thể trải qua nhiều thất vọng đổ vỡ mà con người ta biết chắt chiu, định giá được những sẻ chia ở đời chăng! Niềm vui lượm lặt từ “ một cọng xanh trên cát”, “nụ cười buổi sáng”, một “lạ lùng ánh mắt” thế mà “ biết trời còn tựa mầm sinh” mà “ ngược dốc đời nhấm nháp Thời Xanh”( Nhặt). Từ hi vọng nhỏ mà thắp lên nội lực lớn làm hồi sinh và thức dậy sức sống mãnh liệt, niềm tin yêu với đời:
Tình yêu chớp giật mưa giông
Đỉnh non cào phẳng, đáy sông lấp bằng
(Lời sông Ngân)
Một cái “búng”của chuồn chuồn, vài “lẻ” sương mỏng mơ hồ đã làm nên nét thu tinh tế, thanh thoát, ảo huyền mà rõ nét. Cái kết bài thơ bất ngờ thi vị trong sự xuất hiện của màu áo em thắp lên mùa thu mới mẻ, “ áo em làm mới cũ càng nét thu”. Niềm hạnh phúc thật rạng ngời và khẽ khàng, sâu lắng trong hồn người thơ, mới biết nó đáng trân quý nhường nào!
Có thể nói một tính chất quý giá trong bất kì mối tương giao nào trong đời người là tương hợp. Cách nhìn nhận ấy được Lê Ngọc Minh phát biểu sinh động như một đoạn phim trữ tình qua bài “ Phối cảnh”. Niềm hạnh phúc có lúc không cần to tát, người ta lắng nghe và hiểu được lời của bạn, biết điều mà bạn trân trọng, thế là quý giá. Nhà thơ nhấn mạnh mối tương hợp này trong cảnh người đàn bà đọc thơ tình và người đàn ông lắng nghe:
Có người đàn bà đọc thơ tình
Mắt long lanh ánh nhìn thiếu nữ
Người đàn ông không còn trẻ nữa
Đắm mê nghe lạc hết vía hồn
Sự đồng điệu không phải bằng ánh nhìn vào nhau mà dồn cho ánh nhìn giống nhau vào một điểm – thơ. Anh “mái tóc chòi vài lẻ hoàng hôn”, chị “ cũng vui buồn lít nhít đằng sau”nhưng họ như không có tuổi, không ý thức về điều gì ngoài thơ. Tình yêu của họ đích thị là tình tri âm, cảm thấu về điều sâu xa trong hồn vía đối phương.
Trong cảm hứng về sự tương đồng, căn tính của tri âm, Nhà thơ hơn một lần đã nhắc đến chữ “ đồng”:
“Hình như ươm ủ là thương chữ đồng”
3. Dù cho có dùng khá nhiều ẩn dụ, thơ Lê Ngọc Minh vẫn dễ đọc dễ hiểu có lẽ bởi thơ đó được xây dựng trên tâm thức và những liên tưởng gần gũi tâm lí người Việt. Nhà thơ không gia công nhiều cho các thủ pháp ngoài việc làm mới các từ ngữ, nói chính xác hơn là chọn lựa từ ngữ khá cẩn trọng, xác đáng, là lối ngắt dòng có chủ định và thành công với thơ lục bát. Người đọc không phải mệt óc để cố hiểu các ngụ ý, kĩ nghệ tạo tứ, dùng từ nhưng vẫn đủ thú vị và hấp dẫn khi đọc những điều không lạ. Quen mà không chán nhạt, mới mà không lạ lẫm, đó là một trong những thành công trong ý và từ của tập thơ.
Xứ Thanh tháng 3.2023
PHẠM THỊ KIM KHÁNH
- Cuộc tình đẹp nhất là cuộc tình cuối cùng
- Một cuốn tiểu thuyết dã sử đáng suy ngẫm: Dòng Lô xanh thẳm
- 500 mộ cổ trên núi A Man ở làng này thuộc Phú Yên là của người Hoa, người Hời, hay người Việt?
- “Nơi ngày đông gió thổi” – Niềm mơ tưởng nhân bản
- Nhà văn Trình Quang Phú: Còn với non sông một chữ tình